Tranh sơn mài Việt Nam - Phần 1
Tranh sơn mài cùng với tranh lụa đã làm nên cái khởi sắc và cũng là bộ mặt của nghệ thuật tạo hình Việt Nam đương đại kể từ những năm 30 trở lại đây. Nếu tranh lụa mở đầu một cách hanh thông, khẳng định ngay chỗ dứng trên thế giới thì tranh sơn mài phải trải qua một thời kỳ dài mò mẫm và phải được nhiều người tâm thành chung lưng đấu cật mới làm cho tranh sơn mài cất cánh và mở chân trời sáng tạo rộng lớn chưa lường hết được. Ngay từ những năm đầu tiên mới thành lập, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đón những nghệ nhân có tay nghề cao về sơn ta để lập xưởng ngay trong trường chuyên thực hiện các bài tập trang trí xuất sắc của sinh viên nhà trường. Chính tại xưởng sơn ta của trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương một số sinh viên Việt Nam có óc tò mò khoa học , trong giờ trang trí, đã cộng tác thân thiết với một số nghệ nhân giàu kinh nghiệm để đưa sơn ta từ một chất liệu đơn thuần trang trí dần dần trở thành một chất liệu có những khả năng biểu đạt nghệ thuật. Bác phó Thành ( Đinh văn thành) là một trong những nghệ nhân mà tên tuổi được giới họa sĩ làm tranh sơn mài trọng vọng do tay nghề cao, do lương tâm nhà nghề và còn do luôn sẵn sàng lao vào các cuộc phưu lưu với các cuộc gợi ý của hạo sĩ để mở rộng hơn nữa những khả năng của sơn ta vượt ra khỏi khuôm khổ đã định vị của một nghề cha truyền con nối từ bao đời nay.