Điêu khắc môi trường

Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục II)

II. NỀN CŨ CHÙA DẠM, CỘT ĐIÊU KHẮC ĐÁ RỒNG

Núi Dạm có phong cảnh đẹp. Đây là trung tâm của một kho tàng văn hóa: những thần thoại, cổ tích, lễ nghi, tín ngưỡng.

Nui Dam 1

Phía Bắc núi Dạm là con sông Cầu, biểu tượng của những vị thần rắn, phía Nam là con sông Đuống, sóng nước dạt dào tình cảm. Sông ngòi nhiều, uốn khúc quanh co như một ổ rồng.

Chuyện kể về ông Đổng khổng lồ đã xẻ cát thành sông vun đá thành núi. Dấu chân ông còn đó, những Tiên Lát, rặng Dạm, núi Khám, núi Chè.

Đất Kẻ Dạm là đất tứ linh: phượng đậu ở Sơn Đông và Đa Cấu, lân đứng ở Sơn Nam và Đông Dương, quy ngóc đầu lên từ miệng ruộng, nằm cạnh Nga Hoàng.

Trên đỉnh núi Dạm còn có bàn cờ lật ngược kể lại huyền tích về những nàng tiên mải mê chơi cờ đến nỗi thiên cung phải trừng phạt.

Phan Huy Chú có ghi về Kẻ Dạm: “Mười sáu xã chia quanh núi, có nhiều chùa cổ, cảnh trí sông núi đất thâm ụ, tịch mịch, trên núi là chỗ tu của sư Không Lộ, đất củ nay hãy còn”.

Chùa Dạm có quy mô khá hùng vĩ. Chỉ riêng việc đóng cửa cũng phải đóng từ chiều đến giờ giảm trấu mới xong.

Mười rằm trăng náu

Mười sáu trăng treo

 Mười bẩy phẩy giường chiếu

Mười tám đóng cửa chùa Dạm

Trăng mười tám, trăng lên về khuya. Lúc trăng lên là giờ giám trấu của chùa mới đóng xong. Hiện nay lần theo vết tích còn lại, ta hình dung về ngôi chùa như sau:

Chùa làm về hướng Nam của sườn núi. Từ dưới chân núi, chùa được xây dựng dần lên cao. Chùa chia làm 5 khu vực chính:

a) Qua cửa tam quan là bãi hội – Hội mùa thu, ngày 8 tháng 9 hàng năm dân 18 xã thuộc huyện Võ Giằng về hội tụ ở đây rất đông.

b) Qua bãi hội, đi ngược lên sườn núi với 34 bậc đá chia thành 3 đoạn ôm theo thành kè thứ nhất. Nến kè được xếp theo lối giật cấp, chia thành 3 lớp.

Mỗi lớp được xếp 6 hàng đá. Ba lớp kè giật cấp có tổng chiều cao từ 5,5m đến 6,5m. Ba lớp kè giật cấp, mỗi lớp cách nhau 1,8m. Từ sân thứ nhất của bãi hội qua các bậc đá chúng ta đi vào sân thứ hai. Sân thứ hai có thể là gác chuông của chùa làm bằng gỗ. Ở đây là một mảnh đất không thấy vết tích gạch, đá của nền nhà. Chung quanh gác chuông là hoa lá quen thuộc như hoa mẫu đơn, hoa đại…

c) Từ sân gác chuông lên nền thứ 3 có 3 hàng bậc đá: hai cửa hai bên và cửa giữa. Mỗi hàng bậc có khoảng 27 bậc đá và cũng chia làm 3 đoạn mỗi đoạn 9 bậc đá. Đây chính là sân và nền nhà Tiền đường. Ở trước nhà Tiền đường về phía hai đầu đao của nhà có hai công trình nghệ thuật: - Một có bệ hình vuông, được kề đá phía dưới, có hình trang trí sóng nước. Trên bệ này hiện nay có đặt con rùa đội bia. Chúng tôi nghĩ con rùa đội bia không nằm ở vị trí này, bởi lẽ nó không có tỷ lệ hài hòa với bệ. Bệ đá quá lớn, mà rùa đội bia nhỏ, tủn mủn. Có lẽ xưa kia trên bệ phải có một cái gì như cột tử kỳ hay một cột kinh phật nào đấy đứng đăng đối và làm tỷ lệ cho cột đá bên trái, hòa nhập vào toàn bộ kiến trúc của chùa?

Một nửa đối diện bệ vuông trên cột điêu khắc đá rồng có sức chế ngự không gian rất lớn.

d) Nhà Tiền đường (nền tầng 3) lên nhà bái đường (nền tầng 4) bằng 24 bậc đá hai bên. Kè đá giữa nền tầng 3 và nền tầng 4 cũng sắp xếp theo lối giật cấp thành 3 lớp. Lớp thứ nhất xếp 3 hàng đá, lớp thứ hai và thứ ba, mỗi lớp bảy hàng đá. Cả 3 lớp có tổng chiều cao khoảng 6m.

Cot da chua Dam 2

e) Nhà bái đường (nền tầng 4) lên nhà hậu đường (tầng 5) cũng lên bằng hai bậc đá hai bên. Nói chung cách sắp xếp bậc lên cũng như nền 3 lên nền 4. Lối kè đá cũng theo cách giật cấp thành 3 lớp và cũng có độ cao tương đương như các thành kè đá giữa các tầng nền.

Theo hướng chùa, cột đá nằm bên trái của nền nhà Tiền đường. Cột đá được đặt trên một bệ tròn kè đá xung quanh, giật cấp thành hai hàng bậc, có trang trí sóng nước có hình dạng tương quan với lá đề. Trên bệ tròn cột đá rồng vút lên thể hiện tiếng nói và hoạt động của ngôn ngữ điêu khắc.

Nếu giả sử, ở đây không có cột đá, chắc chắn tổng thể kiến trúc chùa sẽ bị đè bẹp xuống trên sườn núi. Bởi lẽ đó, trên sân của nhà tiền đường không thể không có cột đá đứng ra làm tổng hòa cho toàn bộ ngôi chùa.

Chúng ta hãy xem vai trò của cột điêu khắc đá rồng và đặc trưng ngôn ngữ cụ thể.

Cột điêu khắc đá rồng được chia thành hai phần rõ rệt: phần bệ và phần cột. Phần cột lại được chia làm hai phần nữa. Phần khối vuông ở dưới, phần khối trụ ở trên. Phần khối vuông nằm liền với bệ, bốn mặt tác giả có ý thức làm sần sùi bằng những vết đục nằm ngang. Phần trên của khối vuông được thu nhỏ lại một chút, bốn góc bạt qua loa rất tự nhiên. Tác giả bạt góc tạo sự chuyển tiếp từ dưới lên khối trụ phía trên. Đoạn bạt góc chuyển tiếp, bề mặt được đục thành những chấm nhỏ, rất có ý thức tạo hình.

Phần khối trụ, đó là điểm tập trung trang trí cột đá. Phần trang trí nằm ở hai mặt đối diện bên trái và bên phải của cột đá rất phù hợp với góc nhìn dưới đi lên và ở trên đi xuống. Hai đầu rồng ngậm ngọc  đối xứng qua hình ngọc lá đề. Viên ngọc có hình xoắn rất động bắt nhịp với bờm tóc và toàn thân rồng. Khối rồng chắc khỏe, đang lượn tròn trên khối trụ. Rồng có chỗ ẩn, chỗ hiện. Ẩn mà không cho cảm nhận mất hình, hình như lẫn vào trong mây để rồi lại nhô ra, khóa lại ở phần đuôi. Hiện mà lại không thấy hình, hiện trong trí tưởng của mây trời che phủ. Ẩn mà hiện, hiện mà lại ẩn, cảm giác hư hư ảo ảo, đều là thực cả. Nghệ thuật đi đến cái siêu thoát, rồi lại từ cái siêu thoát hiện trở về cuộc đời. Sự tiếp nối liền mạch, hòa nhịp trong không gian vận động tự thân.

Đối diện với hình trang trí hai đầu rồng ở phía Tây, phía Đông là hai đuôi rồng khóa vào nhau, nhịp chuyển động được giới hạn bằng hai đường cắt ngang. Phần đuôi rồng đối nhau cũng được giới hạn lại bởi hai lỗ hình chữ nhật dựng đứng cách đều hai con rồng 30cm. Ở giữa hai lỗ đó là một lỗ vuông nhỏ có cạnh nằm ngang với cạnh dưới của hai lỗ trên. Hai lỗ lớn và một lỗ nhỏ đều nằm trên một đường thẳng cắt ngang rất phù hợp với đường cắt ngang phía dưới của mép đáy khối trụ. Như thế, cả đầu rồng, đuôi rồng đều được khóa lại, tạo điểm nhìn được tập trung, gây hiệu quả nghệ thuật rõ rệt. Sáu cái lỗ lớn hình chữ nhật, cái sâu cái nông, lại thêm những đường gờ hợp lý, đã có tác dụng điều chỉnh và trang trí ánh sáng cho cột điêu khắc đá rồng chùa Dạm.

Hướng để hai mặt trang trí chủ yếu của cột đá đã góp phần rất lớn cho việc tạo độ sáng cột điêu khắc đá rồng. Như trên chúng ta đã thấy, hai mặt trang trí chủ yếu một nằm ở hướng Đông, một nằm ở hướng Tây. Đây là hướng chuyển động và tỏa sáng của mặt trời, nhưng không bao giờ chiếu trực diện hai mặt trang trí đông, tây. Vì vậy ánh sáng không gắt, vừa đủ cho việc phát huy tác dụng nghệ thuật.

Cột điêu khắc đá rồng cao 5m, phần đỉnh cột hơi vát. Có bạn nghĩ, cột đá bị gãy. Dựa trên quy luật hoạt động của ngôn ngữ điêu khắc, chúng tôi nghĩ khác. Cột không bị gẫy. Đỉnh cột cũng như ở bốn góc đoạn chuyển tiếp từ khối vuông lên khối trụ đều được bạt đi một cách có ý thức. Nét bạt tự nhiên mà lại mang một tư duy nghệ thuật sâu sắc. Chính nét bạt này dễ gây hiệu quả hòa hợp với thiên nhiên, rất ăn nhịp với những mảng để trơn hai mặt cột nam – bắc, và từ đó lại làm nổi bật hai mặt trang trí đông – tây.

Ta cứ thử nghĩ mà xem, nếu đỉnh cột được kéo lên nữa thì giá trị nghệ thuật sẽ giảm sút, đường cắt ngang khối trụ thành hai phần sẽ không còn tỷ lệ thích hợp.

Như thế, rõ ràng từ bệ cho lên đến đỉnh cột đá chùa Dạm đều có hoạt động của ngôn ngữ điêu khắc. Sự hiện diện của ngôn ngữ điêu khắc trên cột đá còn tiếp tục phát triển, làm ta kinh ngạc về sức chế ngự không gian của nó.

Nói đến chùa Dạm không có nghĩa chỉ nói đến mấy nếp nhà phía trên là đủ.

Phải nói đến không gian rộng lớn gắn bó chặt chẽ với vẻ đẹp ngôi chùa. Chúng ta tạm hoạch định không gian đó. Từ đỉnh núi phía sau của chùa Dạm kéo dài theo độ nghiêng của sườn núi cho tới điểm tiếp giáp với xóm làng đồng ruộng phía ngoài của tam quan.

Có nhìn thấy không gian này, mới cảm nhận được tính chất bề thế của ngôi chùa. Chúng ta không thêm không gian cho ngôi chùa mà chính ngôi chùa đã tỏa ra một không gian như thế.

Ngay từ thị xã Bắc Ninh, cách hơn 10km đường bộ, chúng ta đã nhìn thấy Núi Dạm nằm bên những lớp núi trùng điệp. Và chúng ta tiếp tục đi về hướng Dạm cách chùa Dạm 3 km, chúng ta nhìn thấy cột điêu khắc đá rồng sừng sững trên núi. Cột điêu khắc đá rồng cho ta một tín hiệu thông tin về ngôi chùa. Cột đá nổi lên ở mỗi điểm nhìn tập trung nhất, gây hiệu quả tín hiệu rõ ràng, dễ nhớ. Và khi đến gần, chúng ta càng thấy xuất hiện dần tiếng nói của ngôn ngữ điêu khắc.

Qua cửa tam quan, vào bãi hội. Sân bãi rộng, cây cối âm u tĩnh mịch. Ta lần theo các bậc đá, đi ngược lên nền sân gác chuông. Khi đi, mắt nhìn lên đỉnh núi. Cột đá trước sân nhà tiền đường cứ hiện ra rõ ràng và luôn luôn chuyển động ngược chiều với các mái chùa, đỉnh núi phía sau. Cột đá được kéo dần lên trên mây, mái nhà, đỉnh núi phía sau lại tụt dần xuống. Cứ như thế, tới một bậc đá nhất định chỉ còn thấy cột đá lẫn vào mây, còn mái chùa, đỉnh núi phía sau biến mất.

Trên đường đi lên chùa, ta hình dung cũng có lúc nhìn cột đá, rồng bay trên diềm mái, lên mãi đỉnh chùa. Cuối cùng rồng mấp mé đỉnh núi để rồi lẫn vào mây cùng với cột đá. Đẹp nhất buổi sáng sương mù. Mây bay lưng núi. Rồng mây hòa quyện vào nhau. Rồng cột đá ăn nhịp với rồng chầu mặt trời trên nóc chùa và những đầu đao cong vút lung linh trong ánh sáng sương. Sương mù tan dần. Cảnh sắc biến đổi và cứ lộ dần ra như những câu chuyện thần kỳ của một thế giới thần tiên.

Sự cảm nhận về cột đá với không gian luôn luôn thay đổi. Sự thật đó, đâu phải từ một sức mạnh siêu nhiên nào hay từ một phép lạ. Tất cả đều là khoa học nghệ thuật. Cảm giác cột đá chuyển động so với mái chùa, đỉnh núi chính là do góc nhìn. Góc nhìn ấy, do bước chân ta tạo nên cho đôi mắt. Chân di động, tạo nên các góc nhìn khác nhau. Bước chân càng mau, góc nhìn thay đổi càng nhanh, do đó sự chuyển động càng mạnh. Ở đây, người nghệ sĩ đã chọn đúng điểm đặt cột đá trong mối tổng hòa chung.

Quanh cột đá, dòng người chuyển thành những vòng tròn ngược chiều nhau, cứ lan mãi rồi cuộn dần vào sát chân cột đá và tỏa ra các bậc lên xuống.

Dù đi theo chiều nào, ngược chiều hay thuận chiều kim đồng hồ, điểm trang trí hình rồng trên cột đá vẫn luôn luôn xuất hiện và luôn luôn mất đi. Phần mất, phần hiện cứ nối nhau mãi mãi. Rồng trên cột đá không ngừng xuất hiện, không ngừng mất đi. Bao giờ cũng thấy hình rồng chuyển động. Nhưng bao giờ cũng chỉ thấy một phần, còn một phần lẫn vào mây trí tưởng, để rồi lại tiếp tục xuất hiện. Rồng chuyển động, nhưng không bị trượt đi. Rồng chuyển như cố vượt ra và bị ngăn lại trong không gian bằng những điểm khóa. Sức chuyển động càng mạnh, tác dụng của điểm khóa càng lớn. Đến gần cột đá, ngắm kỹ, các khối vuông, tròn, các điểm giới hạn được phân định rõ rệt. Đất đá, cỏ cây, mái ngói, sườn núi như những thành phần hỗ trợ làm tăng giá trị của khối điêu khắc đá rồng.

Khi những cơn giông bão kéo đến, mây đen ngập trời. Cột đá, mái chùa, đỉnh núi sáng lên một quầng sáng. Cột đá nổi lên mà không bị bầu trời đen nghịt đè bẹp. Sức chế ngự không gian của cột điêu khắc đá rồng lúc này mới thật mạnh mẽ, nó thách thức với “thần sấm thần chớp”.

Chùa đổ rồi. Đỉnh núi và cột điêu khắc đá rồng vẫn còn đó. Lịch sử đi qua mà cột đá vẫn ung dung chế ngự không gian.

Cột điêu khắc đá rồng chùa Dạm là một cột đá ngoài trời. Cột đá không lớn mà cũng không cao. Nhưng lại có sức khống chế không gian rất lớn. Quyết định tính chất này, phải nói nghệ sĩ đã đặt cột điêu khắc đá rồng ở một vị trí đúng chỗ. Từ đó tạo cho cột điêu khắc đá rồng có tỷ lệ thích hợp với không gian môi trường.

Nghệ sĩ điêu khắc đá rồng chùa Dạm đã nói một tiếng nói tự do của nghệ thuật, chính vì thế mà tinh thần nhà Lý, nghệ thuật khắc rồng của đời Lý đã vượt qua thời gian chiếm lĩnh không gian sau một nghìn năm bị ức chế. Rồng Lý bay lên trong huyền thoại của đất Thăng Long lịch sử.

Tiếng nói tự do của điêu khắc đời nhà Lý đối với không gian rộng lớn là tiếng nói tự do của một dân tộc giành được nền độc lập tự chủ.

>>> Điêu khắc môi trường (Phần Phần 2 - Mục I)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)

0976984729