Tư duy thực hành bố cục
Mục đích của việc tư duy, tìm kiếm, ứng dụng, thực hiện các phương cách bố cục một tác phẩm nghệ thuật thị giác là nhằm vào các yêu cầu mang tính chất cơ bản và những biện pháp mang tính sáng tạo. Trong mọi giải pháp thực hành tổ chức phân bố vị trí, diện tích, màu mảng, đường nét, chiều hướng của các nhóm, tổ hợp hình thức phải làm sao diễn tả được các yêu cầu về nội dung ý tưởng của tác phẩm ấy.
Tư duy thực hành bố cục luôn gắn với việc tạo hình tác phẩm.
I. Yêu cầu chính:
1. Làm hiển thị ý tưởng, nội dung trừu tượng của đề tài hay chủ đề mà tác phẩm muốn diễn tả. Giải pháp hình thức phải hợp lý không gây ngộ nhận về nội dung. Bố cục phải thiết lập thành hệ thống hình thức bảo đảm vai trò các nhóm chính phụ, trọng tâm tác phẩm… để làm rõ giá trị truyền thông qua đó thể hiện trình độ tay nghề, sự độc đáo trong ý tưởng dàn dựng, khả năng, kỹ thuật diễn tả trình độ thẩm mỹ thị giác của tác giả.
2. Hình thức giữ vai trò làm rõ ý tưởng, nội dung trên không gian diễn tả cụ thể (không gian hai chiều hoặc ba chiều với quy mô về kích thước thật cụ thể…) bằng các loại chất liệu của ngôn ngữ thị giác.
3. Giải pháp hình thức phải bảo đảm cho tác phẩm đạt những yêu cầu tối thiểu: bố cục chặt chẽ, tạo nên sự vững chãi, sự thăng bằng, không lệch đổ, nêu được các nhóm chính phụ, có trọng tâm rõ ràng.
4. Giải pháp hình thức cần có sự sáng tạo, mới lạ; tạo sự lạ mắt, gây được sự thu hút thị giác người xem.
Ở trường hợp đặc biệt, thì giải pháp hình thức nhằm mục đích thể hiện ý tưởng riêng. Khi ấy tác giả có thể vận dụng những loại bố cục cá biệt cho các ý tưởng phá cách.
Lúc đó các yêu cầu về thăng bằng thị giác ít được đề cao. Khi ấy mục đích cao nhất là tạo được sự độc đáo trong tư duy thể hiện bố cục. Cho nên người nghệ sỹ “phá lệ” hay “phá luật” tạo nên hình tượng không thăng bằng (do chủ ý để trình bày nội dung nào đó. Điều này được chấp nhận miễn ý tưởng hiển lộ rõ ràng, thông qua cách diễn tả độc đáo cùng với kỹ thuật thể hiện nhuần nhuyễn, lưu loát và đẹp mắt…
Để học tập khả năng bố cục từ thấp đến cao thì những người học mỹ thuật tại các trường lớp chính quy phải trải qua những bài học và thực hành trong hệ thống các bài tập của môn trang trí cơ bản. Ở đó những người học mỹ thuật đã được phân tích, giảng dạy thực hành các bài tập về trang trí với những bài tập vận dụng các quy luật nói trên. Chính vì vậy mà trong những bài tập này đã cung cấp thông tin cho các học viên về nền tảng bố cục thông qua sự thực hành liên tục…
B. Các yêu cầu chi tiết cụ thể:
Những kiến thức, kinh nghiệm thị giác mà học viên thu thập được ở những bài học này là:
1. Tạo cảm giác về trật tự.
2. Tạo sự đăng đối, thế vững chãi, sự thăng bằng…
3. Tạo sự nghiêm túc hay uy nghiêm hoặc thể hiện sức mạnh.
4. Tạo sự chuyển động có trật tự, lặp đi lặp lại có sự điều tiết (từ trung tâm ra ngoài và ngược lại; tạo sự chuyển đọng từ đoạn này đến đoạn khác (trong bài trang trí đường diềm).
5. Tạo cảm giác tĩnh, động ở các mức độ có tính tổ chức.
Nói một cách chi tiết hơn là mục đích của việc tìm kiếm, ứng dụng các phương cách bố cục là nhằm các yêu cầu:
1. Làm hiển thị ý tưởng, nội dung trừu tượng của tác phẩm; không gây ngộ nhận về nội dung.
2. Làm rõ ý bằng các loại ngôn ngữ hình thức, ngôn ngữ thị giác theo ý tác giả.
3. Chẳng những phải làm rõ ý, có giá trị truyền thông mà còn thể hiện trình độ tay nghề, sự độc đáo trong ý tưởng dàn dựng, khả năng, kỹ thuật diễn tả đạt trình độ thẩm mỹ thị giác.
4. Giải pháp bố cục phải hợp với khuynh hướng, kỹ thuật thể hiện tác phẩm.
5. Tạo sự bố cục chặt chẽ: không thừa, không thiếu, vững chãi, không lệch đổ, có chính có phụ, có trọng tâm rõ ràng trên cơ sở sự tinh tế trong cách phối trí.
6. Giải pháp bố cục phải tránh sự sao chép, lặp lại những cách đã có để tạo nên sự mới lạ; tạo sự thu hút thị giác người xem. Về sâu xa, nghệ sỹ phải làm sao có thể điều khiển thị giác người xem trong quá trình thưởng thức tác phẩm thông qua cách tổ chức tinh tế của mình.
7. Cuối cùng là phải tạo được giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm.
C. Cách để tạo sự bố cục tinh tế, hiệu quả theo các họa gia Trung Quốc xưa:
Để tiến hành việc tạo hình tác phẩm mỹ thuật và một số quy luật được coi là phép tắc, phương pháp biểu hiện của các họa gia và người theo học.
Những phương pháp này được nêu khá trình tự mà nghệ sĩ cần chú ý thực hiện như sau:
Thứ nhất áp dụng nguyên tắc “Lấy bỏ” (chắt lọc). Nghệ sĩ dựa vào mục đích sáng tác mà chắt lọc hình tượng.
Ở phương pháp này dạy rằng: “Lấy và bỏ là một hệ thống nhất của đối lập. Không có lấy thì hình vẽ không thành tranh; không có bỏ là chép nguyên si sự thật; chép nguyên si thì không phải là hội họa”. Như vậy, việc chắt lọc là yêu cầu cần thiết và nó phải kèm theo cách nhìn, cái Riêng của tác giả.
Thứ hai áp dụng nguyên tắc “Tân chủ” (khách và chủ). Phần cốt lõi được nghệ sĩ xác định từ ban đầu, phần chính được coi là “chủ” (nội dung ý tưởng chính hay hệ thống hình thức chủ đạo), phần bổ sung theo sau gọi là khách “tân”. Chủ thể phải nổi bật, không để xảy ra tình huống khách lấn át chủ. Không thể chấp nhận tình huống “Huyên tân đoạt chủ” (khách ồn ào, rối rắm, lấn át cả chủ), phần phụ át phần chính. Đây là điều nên tránh.
Ghi chú: “Chủ” là nhóm chính, phần quan trọng của bức tranh. “Khách” là nhóm phụ, phần phụ bức tranh.
Thứ ba áp dụng nguyên tắc “Hô ứng” (ứng đáp). Mọi hình tượng trong tranh phải phối hợp chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Mọi thứ phải tạo nên mối quan hệ đối ứng hợp lí: người với người, cảnh với cảnh, núi với núi, mây với mây, cây với cây, nước với nước... Mọi thứ đều có sự độc lập nhất định vừa phải tương tác để rạo nên sự thống nhất thành một chỉnh thể.
Thứ tư áp dụng nguyên tắc “Hư thực” (không và có). Các họa gia Trung Quốc lý luận rằng: các khoảng trống, khoảng không có màu gọi là hư và khoảng có màu, khoảng đen, khoảng được mô tả là thực. Thuật ngữ “không bạch’có nghĩa là “khoảng trắng” cũng có nghĩa là hư.
Theo lí thuyết của “Cấu đồ học” (môn học về bố cục) nói rằng trong quá trình tư duy, nghiên cứu, sáng tác, tạo hình, diễn tả thì người nghệ sĩ phải chú ý và biết cách sử dụng đến phần tả, phần có hình và phần bỏ trống, phần bỏ lửng...
Theo lí thuyết quốc họa thì trên bức tranh, vật tượng là thực, không bạch (khoảng trắng) là hư.
Hư và thực đối lập, so sánh, đối tỷ với nhau, nhưng lại tương phụ tương thành (giúp nhau cùng thành). Nghĩa là hai vế này có vai trò xung hợp, phối kết với, bổ sung cho nhau...
Lí thuyết nói rằng: khoảng trắng (không bạch) không phải là không có gì, mà so với vật thực vẽ ra thì nó càng có nội dung phong phú hơn. Thí dụ trong bức tranh “Ngư phủ đồ” (tranh vẽ ngư phủ) của Mã Viễn chỉ vẽ vỏn vẹn một chiếc thuyền nhỏ, xung quanh đều là khoảng trắng lại gợi cho người xem cảm giác khói sóng, mênh mang, rộng rãi.
Hai phần thực và hư có khi hoán đổi tác dụng cho nhau. Đó là phép biện chứng “Thực tắc hư, hư tắc thực. Hư thực tương sinh” (thực là hư, hư là thực; hai phần phối hợp với nhau tạo sự sinh động và biến hóa).
Trong tranh sơn thủy người ta cũng đưa ra phương pháp biểu hiện: “dĩ hư phá thực” (lấy hư phá thực) được áp dụng trong trường hợp họa sĩ chăm chú diễn tả quá thật... nên gây sự buồn tẻ. Do đó phải áp dụng thủ pháp chấm phá, làm nhòe, làm mờ để tạo sự sinh động, biến hóa cho bức tranh...
Thứ năm áp dụng nguyên tắc “Sơ và mật” (thưa và dày). Đây là lời khuyên bố trí các yếu tố hình thức. Trong tranh cần tránh các bố cục dàn đều. Phải chú ý mật độ dày hay thưa của các nhóm hình thức được bố trí, đan xen một cách hợp lí, sinh động (theo yêu cầu chính, phụ...).
Bố cục trong hội họa, chú trọng hư, thật, thưa và dày (Sơ và mật). Thấu hiểu được cách tư duy, thể hiện thật hư và thưa mật, là giữ được cách biến hóa không linh của cảnh vật. (Họa sĩ Trung Quốc Phan Thiên Thọ).
Thứ sáu áp dụng nguyên tắc “Tàng và lộ” (giấu kín và để lộ). Nghĩa là trong tranh mà phơi bày hết thì không khêu gợi trí tưởng tượng. Ở đây, các họa gia khuyên rằng: Giấu được tất có thể khiến cho người xem cảm thấy “chỗ không có cảnh sắc tựa hư có cảnh sắc”.
Đây là sự khéo léo tinh tế của “tả” và “gợi” hay thủ pháp “lấy hư tả thực” (nói lấp lửng). Điều này gây sự hấp dẫn.
Cũng có quan niệm cho rằng che giấu là để lộ. Quách Hi nói rằng “Sơn dục cao, tận xuất chi tắc bất cao, yên hòa tỏa kì yêu, tắc cao hĩ” (Núi muốn cao, mà xuất hiện ra cả thì không thấy cao, tạo hình khỏi ráng che phủ lưng của nó thì thấy nó cao). Kinh Hạo nói “giỏi vẽ đỉnh núi trong mây, bốn mặt dày chót vót”. Chính dùng thủ pháp che giấu, làm nổi bật thế cao của núi.
Thứ bảy áp dụng nguyên tắc “Khai hợp” (mở, đóng), cũng gọi là “phân, hợp”. Nghĩa là trong tranh phải biết tính toán hệ thống hình nét có chỗ hội tụ có chỗ phân tán. Giống như trong ý tưởng kịch nghệ: chỗ nào thì “thắt”, chỗ nào thì “mở”; chỗ nào tạo mâu thuẫn, chỗ nào giải quyết mâu thuẫn phải được tính toán một cách bất ngờ gây cảm giác phong phú đa dạng. Thắt và mở có sự kế thừa, phát triển sinh động. Người ta gọi đó là phương pháp khai hợp của hệ thống bố cục (cấu đồ).
Tất cả bảy nguyên tắc nói trên là sự thể hiện cách tư duy ứng dụng “nguyên lí về tương phản” một cách tinh tế.
Qua ba phần A, B và C ở trên cho chúng ta thấy rằng về mặt hình thức, cách thức thực hành một tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế có quy trình mang tính sư phạm.
Những lời khuyên, những hướng dẫn này đã được tích lũy trong thời gian rất dài thông qua những tư duy và thực hành của những người đi trước. Đây là bài học rất quý.
Tuy nhiên để hiểu và kiểm chứng những vấn đề này đòi hỏi bản thân mỗi người trong chúng ta phải liên tục thực hành để dần dần có kinh nghiệm thị giác, có thêm kiến thức, thấu hiểu các cách thức bố cục đã được giới mỹ thuật quan tâm và áp dụng từ xưa cho đến nay.
II. Cơ sở lý luận để tư duy, thực hành bố cục vị trí:
Bố trí vị trí các nhân vật, sự kiện ở chỗ nào là đúng ? Chúng ta dựa vào những yếu tố nào để tư duy, nghiên cứu, thực hành sắp đặt vị trí của các đối tượng ấy.
Câu trả lời sẽ xoay quanh các yêu cầu như sau và mỗi người sẽ tùy theo sự xác định của cá nhân mà xử lí từ “bố trí thử”, xem xét, đánh giá, điều chỉnh và quyết định cách bố trí dứt khoát.
1. Vì sự hợp lí, sự cần thiết của nội dung: Để tạo nên sự tương tác, gợi nên ý nghĩa nào đó mà tác giả muốn. Lúc này khi tác giả bỏ qua các yêu cầu về thăng bằng. Nhưng phải xem xét thật kĩ lưỡng nếu bản thân tác giả lí giải, thuyết phục được người xem về giải pháp của mình. Bởi lẽ, người xem có thể phát hiện ra sự thiếu thăng bằng trong giải pháp này.
2. Vì sự hợp lí của công việc: Trong khi bố trí vị trí các nhân vật đang thao tác có khi chúng ta chủ quan mà không quan sát đến thực tế khoa học, sự logic của quy trình, trình tự diễn ra của công việc hay yêu cầu về an toàn lao động.
Thí dụ trong khi diễn tả một bức tranh về xây dựng nhà theo khuynh hướng hiện thực... chúng ta không thể nào bố trí việc bẻ sắt (để dựng sườn cột) ngay bên nhóm thợ đang tô tường hay bố trí nhóm thợ dang xây bên cạnh nhóm thợ đang sơn. Bởi lẽ điều này sẽ gợi lên sự bất hợp lí về tiến trình công việc…
3. Vì yêu cầu về sự an toàn trong lao động: Trong các tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực, mô tả thực công việc của các hình thái lao động. Nếu chúng ta không thâm nhập thực tế công việc, thì khi bố trí hình tượng, các nhóm nhân vật, tư thế, các trang thiết bị, cách ăn mặc của người lao động dễ sa vào những sự bất hợp lí về an toàn lao động.
Những yêu cầu này dễ gặp trong cách bố cục tranh cổ động về an toàn lao động.
4. Vì sự hợp lí của động tác, tư thế: Cũng trong các tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực, mô tả thực công việc của các hình thái lao động thì sự diễn tả các tư thế, động tác phải đúng sự thực vì sự hợp lí, khoa học của công việc hay sự an toàn trong thao tác.
5. Vì sự liên kết trong hệ thống cụm, nhóm: Trong hệ thống bố cục chúng ta cần tư duy về các cụm nhóm và sự liên kết giữa chúng lại với nhau theo yêu cầu nội dung hay yêu cầu làm rõ các nhóm chính phụ, trọng tâm hay điểm nhấn của tác phẩm. Ở đây chúng ta phải lưu ý đến tính hệ thống, các mạch liên kết và sự chặt chẽ trong bố cục.
6. Vì yêu cầu về thăng bằng: Trong một tác phẩm nghệ thuật thị giác thì yêu cầu về sự thăng bằng rất quan trọng từ thăng bằng vật lí (Physical Balance) cho đến thăng bằng thị giác (Visual Balance). Đây là trường hợp đối với mỹ thuật ba chiều: sáng tác nên những pho tượng, các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Còn trong các tác phẩm dạng mặt phẳng như tranh ảnh, các sản phẩm đồ họa phẳng thì khi bố trí, sắp xếp, diễn tả chúng ta phải quan tâm đến sự thăng bằng thị giác, hay tạo ảo giác về sự thăng bằng (Equilibrium Illusion) không được cho người xem cảm thấy cách bốp cục tạo nên sự lệch đổ, xộc xệch.
7. Vì yêu cầu về sự tập trung, tạo sức hút thị giác đối với người xem: Khi bố trí các hình tượng về con người, sự vật hay bất kì những phụ kiện nào thì cần tránh gây sự phân tán thị giác, tránh làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các nhóm hình thức chính phụ, trọng tâm, điểm nhấn của tác phẩm.
Để giải quyết điều này thì ngay trong tư duy của chúng ta cần quan tâm đến sự xác định các nguyên lí, quy luật thị giác được vận dụng (luật định hướng, hướng thị giác, quy luật hướng tâm, quy luật về đường trục, nguyên lí chính phụ).
8. Về sự lưu thông, sử dụng: Trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí nội thất, ngoại thất, vườn cảnh thì khi bố trí chúng ta cần quan tâm đến yêu cầu thực tế khi sử dụng về lối đi: hợp lí, thông thoáng, không choán chỗ, bảo đảm sự an toàn khi sử dụng, phòng cháy chữa cháy...(thậm chí phải quan tâm đến người tàn tật). Bởi lẽ nghệ thuật không tách rời thực tế cuộc sống và con người.
Trong tác phẩm tạo hình thì yêu cầu này tướng ứng với việc thiết lập “những khoảng trống”, “những khoảng để nghĩ mắt”.
9. Vì yêu cầu về tiêu chuẩn quy phạm, thông số kĩ thuật: Trong lĩnh vực kiến trúc hay thiết kế sản phẩm công nghiệp thì việc phân bố không gian, tạo dáng sản phẩm, thực hiện bố cục các người kĩ sư, kiến trúc sư, nhà thiết kế phải vận dụng những yếu tố mang tính chất khoa học về kĩ thuật, an toàn khi sử dụng (thậm chí cả việc thi công) về quy mô, kết cấu, hình khối được quy định thành những tiêu chuẩn bắt buộc. Những yêu cầu này được giới chuyên môn gọi là: những tiêu chuẩn quy phạm, thông số kĩ thuật...
Thông thường thì tất cả những yêu cầu này đều được các nhà chuyên môn đặt ra khi tiến hành thiết kế công năng (Functional Design).
10. Vì tính khả thi của sản phẩm hay công trình: Trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng từ các sản phẩm trang trí chó đến thiết kế ngoài các yêu cầu như vừa nói ở trên thì việc sáng tạo, thiết kế phải quan tâm đến tính khả thi. Nghĩa là sáng tác mẫu phải bảo đảm thể hiện được (không quá khó về kĩ thuật hay quá cầu kì, phức tạp về kết cấu. Nếu có làm được thì quá tốn kém công sức, đòi hỏi phải đầu tư về kĩ thuật, tốn vật tư...).
Trong quá trình sáng tạo thì nhà thiết kế cần trao đổi với các chuyên gia kĩ thuật hay những người có kinh nghiệm.
*Ghi chú:
- Nếu tác phẩm là công trình kiến trúc mà trường hợp nhà cửa quá rộng thì khi áp dụng việc thiết kế các bộ phận chúng ta không nên quá cứng nhắc trong việc vận dụng các thông số kĩ thuật theo sách vở. Bởi lẽ, có khi cách thiết kế rất đúng với quy chuẩn nhưng lại không cân đối, hài hòa với kích thước thực tế vốn đang quá rộng. Trường hợp này cần phải linh động và người thiết kế phải trao đổi với chủ đầu tư.
- Cũng có khi nhà thiết kế sản phẩm phải trao đổi với chủ đầu tư để biết được ý định về giá bán sản phẩm để có các giải pháp sáng tạo thích hợp.
11. Vì yêu cầu về thẩm mĩ: Ngoài các yêu cầu về công năng (Function), các yêu cầu về tư tưởng giáo dục thì tất cả mọi tác phẩm, sản phẩm mĩ thuật từ tạo hình lẫn ứng dụng đều phải đạt được yêu cầu cơ bản về vẻ đẹp hay nói cách khác là tính thẩm mĩ thậm chí cae sự độc đáo trong kiểu dáng, giải pháp kĩ thuật...
Chính điều này mới cần đến việc phải được học tập, nghiên cứu từ các trường lớp chuyên môn...
Tiêu chí này là một trong hai nhiệm vụ, chức năng cực kì quan trọng của thiết kế: thiết kế thẩm mĩ (Decorative Design). Chúng ta đã đề cập đến thiết kế công năng (Functional Design) ở trên.
Bố cục giữa khoảng trống & khoảng có hình trong không gian tổng thể của tác phẩm
So sánh sự tương quan về diện tích giữa khoảng trống và khoảng có hình là điểm cần thiết khi tiến hành bố cục tổng thể.
(Khoảng có hình là phần không gian hai chiều bị choáng bởi hình của đối tượng)
Mối quan hệ giữa hình và nền trong bố cục
Khoảng trống của nền cũng được nghệ sỹ nghiên cứu tạo thành hình.
Hình nền bên dưới không được lấn án hình bên trên. Một hình không nên nằm trên hai nền khác nhau (như Hình 1).
Cân bằng & Đối xứng:
Cân bằng trong tranh là cân bằng thị giác: Có nhiều hình thái cân bằng: Cân bằng tuyệt đối (Hình 1) gây cảm giác tĩnh, còn cân bằng có biến hóa thì không xác lập trên cơ sở tuyệt đối ngang nhau, chính vì vậy mà nó có vẻ động hơn.
Minh họa về sự đăng đối và thăng bằng:
Hình 1, 2, 3, 5, 6: Minh họa về sự đăng đối - 4: Minh họa về sự thăng bằng tĩnh - 7, 8, 9: Minh họa về sự thăng bằng động
Cách tạo sự thăng bằng trong tranh:
(Bằng cách gia giảm diện tích và độ đậm hay thay đổi chiều hướng của các yếu tố thị giác)
Tạo thăng bằng bằng cách khoét thủng, bỏ bớt diện tích:
Minh họa về sự thăng bằng:
Cảm giác về độ nặng nhẹ do các nhóm hình thức gợi ra và bố trí các nhóm hình thức ấy cũng tạo cảm giác về thăng bằng thị giác
Cách bố cục tạo nên sự sinh động, chặt chẽ:
Cách bố cục tạo nên sự chặt chẽ trong tranh:
Minh họa về mạch liên kết trong bố cục:
Cách trình bày hình số 1 của “Eyewear Design” – không chặt chẽ vì không có sự liên kết giữa các chữ như hình 2 đến hình 6
Nhịp điệu trong bố cục tranh:
Chúng ta nên hình dung hội họa như là một thứ âm nhạc của thị giác cho nên sự luyến láy của màu sắc, đường nét, chiều hướng, sự nổi chìm của hình thức, chất liệu diễn tả phải gợi nên cảm giác về nhịp điệu giống như sự nhấn nhá, luyến láy trong giọng hát, ca từ của một nhạc phẩm.
Minh họa về sự chuyển động trong mỹ thuật & kiến trúc:
Tác phẩm điêu khắc được phối hợp bởi các ống thủy tinh xoắn cong
Sự chuyển động trong tranh của Klimt và cách tạo mảng, nét gợi ảo giác về nhịp điệu trên mặt tiền công trình kiến trúc
Minh họa về chuyển động trong tranh:
“Sóng lớn ngoài khơi Kanagawa” – của Katsushika Hokusai
“Đêm đầy sao” – 1889 – Sơn dầu của Vincent Van Gogh
Bố cục tạo nên sự chuyển động, đường lượn trong mỹ thuật và kiến trúc:
Bố cục tạo nên sự chuyển động, đường lượn trong thiết kế thời trang:
Bố cục tạo nên sự chuyển động, đường lượn trong hình khối sản phẩm:
Bố cục tạo nên sự chuyển động, đường lượn trong hình khối kiến trúc của kiến trúc sư Frank O. Gerhy
Frank Owen Gehry, tên khai sinh là Frank Owen Goldenberg, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1929, là một kiến trúc sư hậu hiện đại nổi tiếng.
Các công trình của ông nổi tiếng bằng các đường cong tròn trịa, thường bọc bằng những vật liệu kim loại phản xạ. Frank Owen Gehry sinh ra tại Toronto, Canada, hiện đang sinh sống và hành nghề tại Mỹ. Gehry sinh ra trong một gia đình người Do Thái gốc Ba Lan. Hiện nay, ông mang quốc tịch Mỹ.
Hai công trình bên dưới là của kiến trúc sư Oscar Niemeyer, người được mệnh danh là “Ông vua của những đường cong”. Oscar Niemeyer sinh năm 1907 trong một gia đình có gốc gác Do Thái ở Rio de Janeiro.
Bài tập về cách tạo hình nổi bề mặt:
Bài học về tạo hình nổi phục vụ cho sự giải thích về nhịp điệu trong phù điêu
Bài tập về cách tạo hình khối:
H1: Cách tạo hình khối vuông khoét rỗng
H2: Cách tạo hình khối đa giác khoét rỗng
Tư duy về đường nét:
Về mặt thị giác thì đường nét có khả năng gợi nên ảo giác về sự chuyển động tùy theo cách bố cục của nghệ sỹ. Có 3 loại đường nét chính: đường thẳng, đường gãy và đường cong từ đó chia ra 5 loại đường nét: đường thẳng đứng, đường thẳng nằm ngang, đường xiên, đường gãy, đường cong.
Đường thẳng nằm ngang: gây cảm giác tĩnh lặng, trải rộng
Đường thẳng thẳng đứng: gây cảm giác tĩnh lặng, uy nghi, vươn lên
Đường xiên: gây cảm giác chuyển động từ nhẹ nhàng đến mãnh liệt
Đường gãy: gây cảm giác đột biến, bùng nổ
Đường cong: gây cảm giác chuyển động có nhịp điệu từ nhẹ đến mạnh, rối loạn hoặc ma quái (tuôn chảy, nhiễu nhão).
Mỗi tác phẩm cần được xác định bởi một loại đường nét chủ đạo hợp với tính chất tĩnh hay động (tùy mức độ).
Các đường xiên gãy đều do đường thẳng liên kết tạo ra theo chiều hướng khác nhau.
Khả năng gây ấn tượng thị giác của từng loại đường nét:
- Các hình 1, 2, 3, 4 và 5 gợi cảm giác chuyển động có nhịp điệu.
- Hình 6 thì gợi cảm giác rối loạn (hãy liên hệ hình tượng cuộn chỉ bị rối).
- Hình 7, 8 gợi cảm giác ma quái (do sự tuôn chảy).
Ứng dụng đường nét trong nội dung tác phẩm:
Tác phẩm “Trao chìa khóa thành Veda” của họa sỹ Vélasquez
Tác giả đã ứng dụng tính chất của đường nét trong bố cục tác phẩm “Trao chìa khóa thành Veda”: Bên thắng trận đường nét thẳng tắp, nghiêm túc. Bên thua trận đường nét nghiên đỗ, rời rạc…
Ứng dụng bố cục đường nét trong tranh:
“Những người kéo thuyền trên sông Volga”
Tranh sơn dầu của họa sỹ Ilia Repin. Họa sỹ Ilia Repin đã bố cục tạo hình nhóm người nô lệ đang kéo thuyền. Toàn bộ nhóm người đều chuyển động có hướng theo đường xiên đổ về phía trước. Đây là đường nét chủ đạo mà tác giả đã chọn (đường xiên đổ về phía trước). Điểm nhấn của tác phẩm nhân vật áo trắng thể hiện sự phản kháng của mình bằng tư thế ngã người về sau tạo sự tương phản về đường nét. Do đó nhân vật này được coi là điểm nhấn của tác phẩm. Đó cũng là chủ đề tư tưởng mà tác giả muốn diễn tả.
(6) Điểm nhấn của bức tranh: Nhân vật bày tỏ sự bất mãn (6), tác giả thể hiện sự đối kháng bằng đường nét của tư thế ngẩng cao đầu, thể hiện sự kháng cự trước sự bất lực của đám đông.
(*) Những khoảng trống do kẽ hở của thân thể các nhân vật và màu sáng của áo nhân vật thứ 6 và 8 tạo nên sự thông thoáng trong mảng hình.
Tranh đề tài lịch sử:
Đây là thể loại tác phẩm không dễ thể hiện. Bởi lẽ người nghệ sỹ không thể tự do tưởng tượng mà phải nghiên cứu thật kỹ các dữ kiện lịch sử từ chủ đề, không gian, thời gian, nhân vật trang phục, binh khí… một cách cẩn thận và dàn dựng bố cục một cách hợp lý nhất nhằm diễn tả cho được tinh thần của sự kiện.
“Buổi sáng trên mặt trận Kulikovo” – 1943 – 1947 - Sơn dầu của họa sỹ Alexander Bubnov
Cách xử lý phần đặc tả và bỏ lửng trong tranh:
“Bà Nadezhda Krupskaya” – 1933 - Sơn dầu của họa sỹ Ivan Kosmin
Phần trên tác giả diễn tả thật tỉ mỉ chân dung của nhân vật. Phần dưới bỏ lửng. Đây là cách mà các họa sỹ có thể ứng dụng để tạo sự chú ý cho người xem.
“Những người cầu hôn” – 1957 - Sơn dầu của họa sỹ Dmitry Mochlsky
Cách tổ chức bố cục trong tác phẩm:
“Giữ lấy ngọn cờ” – 1957 – 1960 – Sơn dầu của họa sỹ Gely Korzhev
“Ba thời kỳ của người phụ nữ” của họa sỹ G.Klimt
Khái niệm cơ bản về thị ảo giác:
Hãy tìm hiểu về ảo giác do cách bố cục đường nét, chiều hướng và độ sáng tối tạo ra
Hãy tìm hiểu về sự thay đổi của màu sắc theo thời gian:
Ba bức tranh của họa sỹ Claude Monet diễn tả một khung cảnh nhưng vào ba thời gian khác nhau sáng trưa và chiều
Hãy quan tâm về bố cục giữa các màu nóng lạnh:
- Màu nóng gợi cảm giác (ảo giác) ấm áp, nóng bức có sự hấp dẫn thị giác mạnh, vui tươi, nồng nhiệt, rạng rỡ và tạo cảm giác gần lại.
- Màu lạnh gợi cảm giác mát mẻ, lạnh lẽo, không hấp dẫn, không kích thích thị giác bằng màu nóng và tạo cảm giác xa ra.
>>> Nhịp điệu của thiết kế bố cục (Phần 1)
>>> Bố cục phương Tây và phương Đông