Thiết kế bố cục là tính toán cân bằng thị giác
Mọi danh họa khi sáng tác đều cân chỉnh cho tác phẩm đạt đến độ hài hòa cao nhất cho mắt nhìn (nghĩa là cho cảm thụ thị giác). Bố cục là một trong những phương pháp thao tác, xem như “phương tiện trí tuệ” của họa sỹ dùng khi vẽ tranh. Còn khi ký tên vào tác phẩm, là lúc vẽ xong bức tranh, thì bố cục không còn là phương tiện của họa sỹ nữa mà là một trong những “yếu tố thẩm mỹ của tác phẩm”.
Những yếu tố thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật thị giác bao gồm các yếu tố: Thiết kế bố cục – Nhịp điệu – Hòa sắc. Các yếu tố đó đều có các chi tiết tương phản về đường nét, mảng, hình khối không gian (ảo). Những chi tiết đường nét, mảng, hình khối và không gian này lại chịu tác động bởi vị trí của nó trên bề mặt giao diện.
1. Ảnh hưởng của vị trí lên hình thể:
Bốn vùng miền có vị trí Trên – Dưới – Phải – Trái đều có tác động lên hình thể có trên các vị trí đó. Riêng vùng tâm của giao diện, thường tác động vào tâm lý thị giác mạnh hơn các vùng còn lại. Bởi tâm mọi giao diện đều có cấu trúc lực hút thị giác tự nhiên và mạnh nhất khi giao diện đó hoàn toàn trống rỗng không có tín hiệu thị giác.
H3-1. Có hình bốn người đều ở vùng dưới, nơi mà mọi hình ở vùng đó đều cho cảm nhận cận cảnh. Tuy cùng cận cảnh, nhưng vị trí chi tiết ở gần hay ở xa cạnh đáy tranh khác nhau đã làm cho từng nhân vật có độ cận cảnh nhiều ít khác nhau.
Có hai hình thể nhảy ra khỏi mặt tranh bởi hình thể vượt qua cạnh đáy tranh. Hãy xem kỹ hình người ngồi và người đứng gần.
H3-2. Bốn người đứng ngồi ngang nhau, khác biệt xa gần của từng người với đường chân trời là như nhau. Xem cụ thể trên hình như vậy thấy rõ ràng miền không gian dưới và cạnh đáy tranh đã có ảnh hưởng trực tiếp và chi tiết lên từng hình thể. Điều này cho thấy, cạnh đáy tranh là vạch chuẩn để lường độ xa gần với đường chân trời. Như thế chính là đã ảnh hưởng đến bố cục của giao diện.
2. Phân tích lực hút thị giác và bố cục trên giao diện:
Trên các hình H3-1 và H3-2 là những hình vẽ chứng minh cho thấy những hình thể nằm trong bốn vùng mặc định Trên – Dưới – Phải – Trái của giao diện 2D luôn bị ảnh hưởng tới tâm lý thị giác về cao thấp, gần xa so với đường chân trời. Xong trên một giao diện bất kỳ không chỉ có bốn vùng ảnh hưởng đến tâm lý thị giác mà còn có những tâm điểm có lực hút thị giác, tạo thành trường lực hút thị giác mạnh yếu khác nhau tác động trực tiếp lên hình thể ở xa hay gần tâm lực hút thị giác.
“Lực hút thị giác chỉ là cảm nhận của tâm lý thị giác”. Lực hút thị giác không phải là lực hút vật lý như bốn loại lực tương tác cơ bản trong tự nhiên.
H3-3. Với một giao diện trống không có tín hiệu thị giác, luôn hút mắt vào tâm ẩn của giao diện. Vị trí chính xác của tâm ẩn là giao điểm của hai đường chéo.
H3-4
H3-5. Giao diện trống không đã được bố cục thành một phong cảnh tối giản. Những nét và hình dẫn hướng tạo chiều sâu 3D đã tạo thành một nền có sẵn độ cân bằng qua tâm bởi những nét chạy về điểm tụ và dãy núi bên trái.
ảnh
H3-6. Nhắc lại: Khi nhìn một giao diện có tín hiệu thị giác (trống rỗng), thì mắt tất nhiên bị bắt (hút) mắt vào tâm ẩn ở chính giữa trước khi dịch chuyển tia nhìn đến nơi khác. Mặt khác có thể xem đó là một design bỏ trống hàm ý chờ đợi một nội dung nào đó như những pano quảng cáo chờ khách hàng hay một khung tranh trắng đang chờ họa sỹ.
ảnh
H3-7. Khi xuất hiện bất kỳ tín hiệu thị giác nào vẽ trên một giao diện trống, lập tức dấu hiệu đó trở thành tâm điểm nhấn thị giác, có sức hút mắt (bắt mắt) mạnh hơn cả tâm ẩn. Như hình 3-7 đặt ở chính vị trí tâm ẩn một chấm đen lớn. Chấm đen đó cho người xem cảm giác ổn định vững chắc không thể xê dịch, giống như giao diện bị đóng đinh ghim chắc vào một nền lớn hơn. Bất kỳ hình nào đặt vào vị trí chính tâm đều cho cảm thụ như vậy.
H3-8. Tín hiệu thị giác ở trúng tâm điểm khẳng định, vững chắc như đóng đinh, và có tính ổn định, yên tĩnh.
H3-9A
H3-9. Vẽ một mảng đen nhỏ ở vị trí lệch tâm ngẫu nhiên nào đó trên giao diện như H3-9. Ngay lập tức mảng đen đó là một tín hiệu thị giác hút mắt rất mạnh (sức căng thị giác rất mạnh). Vì mảng đen cách xa tâm ẩn nên độ ổn định thấp. Nhìn vào design này sẽ thấy mảng đen nhẹ, lơ lửng, dường như sẵn sàng chuyển động về mọi phía: có thể sẵn sàng bay lên, lao xuống, bay ngang ra ngoài khung tranh. Đây là một tín hiệu thị giác động.
Xem phối hợp với hình H3-9A bên lề để thấy được cùng một hình sẽ cho thấy tín hiệu thị giác khác nhau khi ở vị trí khác nhau.
H3-10
Vẫn để mảng đen có vị trí lệch như H3-9 nhưng chỉ thêm một hình thể thứ hai nhằm chia sẻ độ bắt mắt, độ chủ ý trước đó chỉ dồn vào một điểm. Hình thể thêm vào không nhất định phải có kích thước tương đương. Mục đích ở đây là thêm điểm nhìn để dẫn dắt tia mắt nhìn thêm ra chỗ khác, đúng như bản chất của “cân bằng hành vi nhìn”. Đây là thủ pháp cân bằng thị giác bằng cách tăng thêm điểm nhìn làm giảm sức căng thị giác với mảng đen duy nhất của giao diện. Lưu ý trục đối xứng qua tâm (tia nhìn qua tâm) không cần trục phải đi qua chính xác đúng tâm điểm. Chỉ cần tia nhìn qua lại giữa hai hình thể đi qua gần sát tâm ẩn.
Trên hình minh họa có nét màu đỏ mảnh là biểu hiện tia nhìn của mắt (đường đi của hành vi nhìn).
H3-11. Giao diện này là một design được cân bằng thị giác (thiết kế bố cục) với ba điểm nhìn. Ba điểm nhìn này không đối xứng qua tâm ẩn nhưng có tia nhìn bao quanh tâm ẩn. Chúng tạo thành bố cục ổn định, vững chắc không có khoảng trống hẫng hụt, hay khoảng trống chờ đợi vẽ thêm cái gì vào đó.
H3-12. Cân bằng tia nhìn qua lại giữa bốn hình thể thành đường khép kín bao quanh tâm, tạo thế cân bằng. Tình huống cân bằng H3-12 cũng tương tự như H3-11, vì cùng là cân bằng bao tâm, chỉ khác về số lượng thành phần tham gia cân bằng.
H3-11 và H3-12, được gọi là cân bằng “bao tâm”. Nghĩa là tia nhìn tạo thành đường bao quanh tâm ẩn. Nhưng khi tia nhìn qua lại các hình thể có tạo thành thể khép kín nhưng không bao quanh tâm ẩn của giao diện sẽ tạo ra bố cục không cân bằng.
H3-13. Bố cục chính tâm luôn luôn cho cảm thụ vững chắc, khẳng định mức độ quan trọng độc tôn của hình thể.
Nếu xê dịch mảng đen vào đúng tâm giao diện như H3 (7-8) hay hình H3-13, sẽ thấy mảng đen ổn định cân bằng chắc chắn trên giao diện.
Đây là dẫn chứng minh họa cho tính ổn định tư nhiên bất biến của tâm ẩn trong bố cục.
H3-14. Có thể bố cục thêm điểm nhấn để giảm sức căng thị giác dồn vào một chỗ như hình trên. Nhưng điểm nhấn thêm vào không đúng chỗ, không đối xứng qua tâm đã tạo ra một bố cục lệch mới. Bố cục mới này tạo ra một khoảng trống mới có tâm ẩn của khoảng trống với lực hút thị giác rất mạnh, đã làm cho thị giác bị hút vào tâm lệch của khoảng trống, tạo ra cảm giác bố cục lệch.
H3-15. Đã đánh dầu tâm khoảng trống và tia nhìn màu đỏ. Đường đi của tia nhìn: Vệt tia sét đen – Mảng đen đậm cong – Tâm khoảng trống. Thực tế khi nhìn Hình 3-14 thị giác phải nhìn qua lại giữa ba điểm là hai điểm nhấn đen và tâm của khoảng trống. Vị trí tâm khoảng trống tự ước lượng không đánh dấu chấm đỏ như ở H3-15.
Hình minh họa H3-14 gây bức xúc thị giác ở mảng trống lớn, tạo ra tâm lý muốn nhìn thấy có gì đó ở mảng trống không đó. Trong trường hợp này, các ông thầy dậy vẽ thường hay nói: “chỗ trống rỗng này thèm có cái gì đó”. Trong thực tế tác phẩm nhiều họa sỹ có sở trường vẽ khoảng trống không, bỏ lửng mảng lớn không vẽ gì cả, tạo cảm giác dễ chịu như một vùng nghỉ mắt. Khi mà mắt đã có vẻ mỏi vì xem nhiều chi tiết.
Bố cục lệch tạo ra khoảng trống như một giao diện mới khác sinh ra trong giao diện. Khoảng trống này có tâm ẩn mới khá mạnh (được chấm đỏ ở H3-15), đương nhiên không mạnh bằng tâm ẩn chính của giao diện nhưng đủ lực hút thị giác để dẫn dắt tia mắt nhìn theo hướng vệt đỏ tới tâm ẩn mới (chấm đỏ) như hình minh họa H3-15 (tia nhìn là nét màu đỏ mảnh).
Cân bằng thị giác bằng khoảng trống trong giao diện được nhiều họa sỹ Trung Hoa sử dụng và thường thấy nhiều ở tranh thủy mặc. Xem ở hình H3-18 thấy có nhiều họa sỹ phương Tây cũng dùng thủ pháp này.
H3-16
Bức tranh phong cảnh của danh họa P.Cezanne đã cho thấy thị giác người xem không thể tránh được bị hút mắt vào khoảng trống mặt nước ở giữa bức tranh. Đây là nguyên lý bố cục cân bằng “bao tâm” của nguyên lý thị giác. Tất cả các chi tiết mái nhà, cây cối, những điểm đậm níu kéo dẫn dắt tia nhìn đều bao quanh khoảng trống ở giữa bức tranh.
H3-17
Hình minh họa này cho thấy khoảng trống bên dưới hai tín hiệu thị giác như mời gọi vẽ thêm gì đó vào khoảng trống. Như minh họa cho thấy độ lệch bố cục rất mạnh. Với thể loại tranh hội họa có vẽ sắc độ ở nền, vùng trống đó được họa sỹ xử lý bằng sắc độ.
Xem hình H3-17, điểm nhấn xanh và mảng đen ở vị trí không đối xứng qua tâm ẩn của giao diện nên tạo thành một bố cục rất lệch tương tự như hình H3-14. Mắt nhìn hai tín hiệu thị giác xanh và đen đó và bị hút nhìn vào tâm khoảng trống bên dưới. Các bậc cao thủ có thể không cần vẽ gì ở mảng trống mà để chính lực hút thị giác của mảng trống cân bằng với mọi chi tiết bên ngoài. Tất nhiên không phải họa sỹ nào cũng làm được điều này bởi thủ pháp cân bằng ở đây là tạo sắc độ khác nhau hoặc để lộ chút vệt bút trên vùng trống không vẽ.
Các họa sỹ vẽ tranh thủy mặc Trung Hoa rất giỏi để những mảng trống lớn không vẽ gì cả nhưng vẫn gợi lên đầy đủ cảm giác của một vùng không gian mênh mông xa xăm. Họa sỹ phương Tây cũng có không ít người có sở trường “bố cục lệch” mà nhìn vẫn rất đẹp và thuận mắt. Với “thiết kế bố cục” thì ở khoảng trống đó đã có sự cân bằng bởi lực hút thị giác ở tâm khoảng trống và người xem tranh được thưởng thức cái đẹp của bố cục lệch. Xem hình minh họa H3-(20, 21) là hai tác phẩm thiết kế bố cục bỏ trống không vẽ ở vùng lệch tâm của họa sỹ trừu tượng hình học Pie Mondrian.
Trở lại với minh họa H3-14 và H3-17 đều là bố cục lệch vì các hình thể không ở vị trí đối xứng qua tâm ẩn nghĩa là tia nhìn qua lại giữa hai điểm nhấn (hai tín hiệu thị giác) không đi qua tâm ẩn của giao diện nhưng có họa sỹ biết làm cho mảng trống mới được coi như giao diện mới sinh, có tâm ẩn riêng đủ mạnh để kéo tia nhìn vào tâm của nó. Thực tế tia nhìn với bố cục lệch sẽ như hình minh họa H3-15 (tia nhìn màu đỏ được vẽ lộ ra cho dễ hình dung, xem hình cụ thể ở tác phẩm của Dega hình minh họa H3-18.
Trên mọi giao diện, khi xuất hiện một khoảng trống lệch một bên sẽ có hai trường hợp xảy ra với tâm lý thị giác.
1- Gợi cảm giác muốn / thèm vẽ thêm vào đó thì đấy là giao diện có một thiết kế bố cục lệch chưa chặt chẽ. Ví dụ như hai hình minh họa H3-14 và H3-17 đều đã để lộ một khoảng trống lớn bên dưới.
2- Khoảng trống đó có thể coi như một giao diện mới có tâm ẩn lực hút mới. Độ mạnh của tâm ẩn mới có thể cân bằng với những hình thể vẽ lệch một bên. Tất nhiên không phải hóa sỹ nào cũng làm được cho khoảng trống tồn tại thuận mắt. Trường hợp này trong kinh nghiệm bố cục cổ điển thường gọi là vùng nghỉ mắt. Họa sỹ bậc thầy thường tạo được mối quan hệ của hình thể lệch một bên với khoảng trống chặt chẽ tới mức khoảng trống đó không thể hẹp hơn hoặc rộng hơn và cũng không thể thêm gì vào đó được.
H3-18.
Con mắt nhìn không thể tránh né không nhìn vào tâm khoảng trống của sàn nhảy mà họa sỹ cố tình để trống và tâm của mảng tường trống ngay phía trên hai cô vũ công cận cảnh. Đây là bố cục qua tâm của hai tuyến đối xứng. Tuyến một, có tia nhìn qua lại từ tâm hai mảng trống lớn. Tuyến hai, là một chuỗi nhiều vũ công từ xa tới gần có một nhân vật đứng đúng vùng tâm giao diện, tạo tính ổn định vững chắc cho bố cục, cho mọi chuyển đọng của hình thể khác xung quanh. Như vậy tác phẩm này của Dega, theo phân tích cân bằng lực hút thị giác đã có tới hai tuyến cân bằng vững chắc đi qua tâm và gặp nhau ở tâm giao diện.
H3-19
Hai tuyến cân bằng xanh và đỏ đi qua vùng tâm giao diện khoanh vòng trắng. Các chấm xanh và chấm đỏ là đánh dấu điểm tín hiệu thị giác.
H3-20. Composition dans le carré 1929 Yale University Art Gallery New Haven
H3-21. Composition avec rouge jaun Collection privée
H3-22. Thêm một lần minh họa tính ổn định của vùng tâm giao diện. Có thể ví như sự yên tĩnh của vùng tâm bão. Những bố cục đặt hình thể chính vào vùng tâm giao diện, đều cho thị giác cảm thụ vững chắc. Những hình thể càng xa tâm càng có động tính mạnh hơn.
H3-23. Hình này chỉ để ngắm nhìn kỹ cho tới khi nhận ra những tín hiệu thị giác ở góc xa tâm có động năng cao hơn những tín hiệu thị giác ở vùng tâm giao diện. Tín hiệu ở vùng tâm giao diện có tính ổn định cao hơn.
H3-24.
Một “bố cục chính tâm” ở tác phẩm “Chuyến thăm” tác phẩm của họa sỹ người Ý Silvestro Lega (1826-1895). Ông là thành viên của nhóm Macchiaioli, nhóm các họa sỹ Ý ra đời vào thập niên 60 của TK XIX. Quan điểm hội họa của nhóm Macchiaioli này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ vào xã hội Ý lúc bấy giờ. Sau đó khoảng 2 năm ở châu Âu mới xuất hiện trường phái Ấn tượng vẽ với tư tưởng và phong cách tương tự như nhóm Macchiaioli. Có thể nói không quá chút nào, là nhóm Macchiaioli mới chính là khởi đầu sáng tạo ra trường phái Ấn tượng. Đáng tiếc là truyền thông và các nhà phê bình nghệ thuật châu Âu đã lờ tịt nhóm này. Cho tới gần đây (khoảng 2010 mới có một số nhà nghiên cứu nghệ thuật nhắc đến).
H3-25
Phân tích bố cục theo lực hút thị giác của những tín hiệu thị giác: bức tranh “chuyến thăm” đã tạo ra tín hiệu thị giác là mảng có sắc độ rất đậm vào vùng chính tâm bức tranh. Mảng đậm được bao nét màu đỏ.
H3-26
Những điểm đỏ đánh dấu nơi tín hiệu thị giác mạnh. Những nét đó biểu hiện tia nhìn đều có hướng tập trung vào vùng đậm lớn ở chính tâm giao diện. Đây là cân bằng chính tâm, một bố cục khẳng định nội dung rất vững chắc.
ảnh
H3-27
Có các mảng chấm tròn màu xanh đồng loạt đối xứng với mảng đen vì tia nhìn qua lại tâm ẩn, tạo thế bố cục cân bằng. Thị giác bị dẫn dắt nhìn qua lại giữa chấm màu xanh và mảng đen. Đây là nguyên lý “cân bằng qua tâm”.
H3-28. Những cây thông
Tranh thủy mặc của họa sỹ Hasegawa Tohaku, người đã tạo ra trường phái Thủy mặc Hasewaga. Ở tác phẩm này, cảm nhận bố cục theo lực hút thị giác sẽ là nguyên lý bố cục “cân bằng qua tâm” vì trong bức tranh hai vùng tín hiệu thị giác mạnh nhất đã đối xứng qua tâm.
H3-29
Những điểm nhấn dẫn dắt thị giác là các điểm nhìn bao quanh tâm, ít nhất phải là ba điểm trở lên (gọi là ba tín hiệu thị giác). Đây là nguyên lý “bố cục bao tâm”.
Nếu gặp tình huống bố cục bao tâm, các họa sỹ cổ điển thường quy về những bố cục hình học như tam giác, tứ giác, hình năm cạnh, sáu cạnh, hình tròn, hình bầu dục v.v… giống như minh họa H3-(30-31-32-33). Thời đó chưa xuất hiện khái niệm về lực hút thị giác và tâm ẩn trên giao diện. Các họa sỹ cổ điển dựng hình họa trên các giao điểm và giao tuyến hình học được chọn làm bố cục cho bức tranh.
Trong giới hội họa đã có không ít những họa sỹ tự mô tả lại quá trình làm phác thảo bố cục tác phẩm của họ theo hình kỷ hà đối xứng nào đó. Ví dụ như hình ngôi sao hay hình bầu dục.
>>> Tầm quan trọng của Sketch trong thiết kế
>>> Màu tương phản