Sáng tác bố cục phù điêu

1. Những kiến thức chung:

Nghệ thuật điêu khắc cũng như hội họa chính là nền nghệ thuật thị giác, một tác phẩm đẹp hấp dẫn người xem về tình cảm và lý trí trước tiên là do hiệu quả của tính thẩm mỹ nghệ thuật. Hiệu quả của tác phẩm trước hết là sự tổng hòa giữa các yếu tố cụ thể của nghệ thuật bố cục, của chất liệu, của hình và khối.

Trong sáng tác phù điêu, người nghệ sĩ có rất nhiều cách và kỹ thuật để tạo nên những hình và khối theo cảm xúc để phù hợp với không gian nơi đặt tác phẩm.

2. Các bước tiến hành làm bài sáng tác phù điêu:

Để tạo được một bố cục phù điêu đẹp, trước hết chúng ta phải quan tâm đến sự sắp xếp hợp lý giữa các yếu tố hình - khối - không gian trong toàn bộ bố cục.

Vậy như thế nào là cách sắp xếp  một bố cục hợp lý?

Sắp xếp một bố cục hợp lý nghĩa là nhìn tổng thể ta thấy rõ những yếu tố của ý tưởng bố cục, những mảng hình - khối được phân bổ với những mảng chính -phụ và có nhịp điệu trong toàn bộ diện tích mà ta thấy không làm giảm giá trị của ngôn ngữ tạo hình. Mối quan hệ giữa hình và khối có sự chuyển đổi về không gian tạo nên yếu tố không thể tách rời, có sự hỗ trợ và nâng cao lẫn nhau làm cho bố cục có tính thẩm mỹ nghệ thuật.

* Chuẩn bị:

Để làm tốt một bài sáng tác bố cục phù điêu ta cần tiến hành theo các bước như đã hướng dẫn kỹ ở phần trên về cách chuẩn bị bảng gỗ, đất và các dụng cụ chuyên ngành để sử dụng trong quá trình thể hiện bài tập.

*  Định hướng, chọn tư liệu:

Định hướng, lựa chọn chủ đề trước khi sáng tác là vô cùng quan trọng, chủ đề của một bố cục phù điêu tức là sẽ diễn đạt một vấn đề cụ thể nào đó, ví dụ như thời kỳ chiến tranh cách mạng có rất nhiều chủ đề, nội dung phản ánh thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ .... Trong đó nói lên những họat động của toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.

dieu khac 1
Điện Biên Phủ (Hà Nội) - Tác giả Mai Thu Vân

Ngoài ra còn có rất nhiều đề tài trong cuộc sống được các nghệ sĩ đưa vào mảng sáng tác tạo hình như: Đề tài sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp và các đề tài trong sinh hoạt xã hội.               

* Làm phác thảo (cách sắp xếp mảng, lớp hợp lý):

Mythuatms.com xin giới thiệu một số hình thức tìm phác thảo với những dạng bố cục đã có nhiều trong nghệ thuật tạo hình nhằm giúp người học nghiên cứu và tìm hiểu thêm.

- Bố cục hình tròn:

Bố cục hình tròn là dạng bố cục cơ bản, nói đến hình tròn chúng ta hiểu rằng nó là bố cục có trọng tâm xoay tròn, nó tạo cảm giác tập trung vào hình tượng và nhân vật điển hình. Tất cả những yếu tố trong bố cục đều được tập trung quy tụ tạo cho bố cục có một dạng đồng nhất, chặt chẽ và hoàn chỉnh. Mảng chính, mảng phụ, khối lớn, khối nhỏ có sự đồng nhất nhằm nêu bật chủ đề chính của bố cục.

- Bố cục hình tháp:

Bố cục hình tháp hay còn gọi là bố cục hình tam giác. Trong nghệ thuật tạo hình bố cục hình tháp thường được tác giả sử dụng mang tính khái quát, nó gợi cho bố cục có cảm giác vững chãi và khoẻ mạnh.

- Bố cục hình vuông:

Bố cục hình vuông có chứa đựng các yếu tố ngang bằng sổ thẳng, bốn phương, tám hướng trong một phạm vi. Nó có ý nghĩa cân xứng, tĩnh lặng và nghiêm chỉnh.

- Bố cục hình chữ nhật:

Khái quát và ý nghĩa tượng trưng trong bố cục hình chữ nhật nó gần giống như bố cục hình vuông, nó có tính cân bằng, tĩnh, ngay ngắn, đều đặn.

- Bố cục nhịp điệu:

Sắp xếp bố cục theo nhịp điệu là cách bố trí quen thuộc của người nghệ sĩ với qui luật tự nhiên của cuộc sống. Những nhịp điệu phong phú nằm sâu trong tiềm thức và thói quen vận động tự nhiên của con người.

- Bố cục đối lập:

Bố cục đối lập là loại hình mà các nhà điêu khắc và họa sĩ tạo hình cũng rất hay sử dụng, nó chính là các cặp đối lập như ngang- dọc, cao - thấp, to - nhỏ, dài - ngắn, đen - trắng, cong lên - úp xuống, mạnh - yếu....những yếu tố đó góp phần làm rõ tính đặc điểm của bố cục.

phu dieu 2
Tác phẩm“ Chuốt Gốm”- Tác giả Lưu Danh Thanh         

Ngoài ra còn có rất nhiều đề tài trong cuộc sống được các nghệ sĩ đưa vào mảng sáng tác tạo hình như: Đề tài sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp và các đề tài trong sinh họat xã hội.

phu dieu 3
Nguyễn Viết Thưởng( Hà Nội) - Tác phẩm Kéo Co

- Bố cục theo phối cảnh:

Bố cục theo phối cảnh dễ dàng cảm nhận được một cách đơn giản trong cách sắp xếp bố cục. Hình thức bố cục theo phối cảnh là dạng bố cục phổ thông nhất mà mọi người thường quen sử dụng từ trước tới nay.

3. Phác hình:

Sau khi tìm được phác thảo phù điêu đã đúng ý định của mình ta cần phải phác hình lên mặt bảng đất đã được chuẩn bị sẵn.

- Thể hiện phù điêu:

Khi đã có hình phác toàn bộ bố cục phù điêu trên mặt phẳng của bảng đất ta dùng bay tre (gỗ) đi nét sâu xuống theo những nét phóng hình có trong bố cục.

Bước tiếp theo ta tiếp tục đắp đất lên các mảng hình có độ cao nhất (phần bố cục mảng chính, gần với ta nhất), đắp độ cao, thấp, trung gian cho toàn bộ bố cục.

Trong quá trình lên khối ta cần lưu ý đến bố cục chung và điều chỉnh lại hình - mảng cùng với việc lên khối toàn bộ.

4. Đẩy sâu - hoàn thiện bài:

Khi hình khối bố cục phù điêu đã được lên tương đối đầy đủ, sát với phác thảo ta cần kiểm tra để có được sự ăn nhập và tính toàn bộ, không có độ vênh lệch về hình khối.

5. Yêu cầu cần đạt:

Để có một bài sáng tác bố cục phù điêu hoàn chỉnh ta cần có những yêu cầu sau:

- Bố cục hài hòa, cân đối có nhịp điệu và mảng khối chính phụ rõ ràng;

- Giải quyết được độ cao, thấp, đậm, nhạt trong toàn bộ bố cục;

- Đẩy sâu và hoàn thiện bài.

>>> Điêu khắc trên phù điêu

>>> Phù điêu trang trí - Sưu tầm

>>> Tranh phù điêu gỗ - Điểm nhấn trong trang trí nội thất

0976984729