Sản phẩm Sơn Mài - MTCN 1960-1970

Chúng ta đang sống vào nửa cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, cụm từ “Mỹ thuật Công nghiệp” (MTCN) hay khái niệm “Design” đã trở nên phổ biến và thông dụng trong lĩnh vực nghệ thuật. Trước đó vào thập niên 1960 thuật ngữ này mới được du nhập vào Việt Nam và chính thức được sử dụng khi các Giáo sư trường ĐH MTCN Halle (CHDC Đức) sang trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội (trường ĐHMTCN ngày nay) trao đổi học thuật và cách xây dựng một hoạt động Mỹ thuật mới “MTCN”. Khái niệm “Design - MTCN - Mỹ thuật trang trí ứng dụng” trở thành thuật ngữ của ngành từ đó.

Thập niên 60 của thế kỷ 20 là mốc thời gian đánh dấu nhiều sự kiện khởi đầu cho tiến trình phát triển của trường ĐHMTCN. Thời điểm ấy cách xa hiện tại đã hơn nửa thế kỷ, đó là quãng thời gian sống và làm việc của thế hệ cha ông chúng ta. Mọi hình ảnh hoạt động trong những năm tháng xa xưa dường như sống lại qua những trang sách ghi chép các giai đoạn phát triển của nhà trường, chúng thật sự có giá trị cho những thế hệ sau có thể nắm được các mốc sự kiện, hiểu được mọi nỗi niềm trăn trở của thế hệ đi trước nhằm tìm tòi các phương hướng hoạt động cụ thể của từng năm học, rồi quá trình học tập kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến…; Những ngày tháng gấp rút chuẩn bị xây dựng chương trình, triển khai các ngành đào tạo, cấp bậc đào tạo cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử… Đó còn là dấu ấn về quãng đường mà cha ông ta đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bằng những bước chân không mệt mỏi tới nơi sơ tán cách xa thủ đô Hà Nội... Tất cả, đã viết lên trang sử hoạt động của nhà trường trong những năm tháng gian khổ, khó phai mờ của thập niên 1960-1970.

Từ “Mỹ nghệ” đến “MTCN”

Có suy luận cho rằng, hai chữ “Mỹ nghệ” nằm trong tên gọi trường “Quốc gia Mỹ nghệ” (do chính quyền thực dân Pháp thành lập năm 1949) đã được hình thành và dịch ra tiếng Việt bắt nguồn từ chữ tiếng Pháp (Arts et métiers) khi người Pháp mở trường học ở nước ta. Bởi, qua sự tìm hiểu của các họa sĩ Việt Nam sau đó thì cha ông ta xưa không sử dụng từ này. Nếu có hiểu "Mỹ nghệ" là nghề đẹp hay nghề có mỹ thuật cũng rất xa lạ với quan niệm xưa của nhân dân ta đối với các ngành nghề. Hiển nhiên, là thời điểm đó người dân cũng khó phân biệt giữa mỹ thuật thủ công với ngành nghề mỹ thuật khác như vẽ tranh, nặn tượng.

san pham son mai 1

Nghệ nhân Trần Văn Trạm đang vẽ hộp sơn mài
có hình dáng quả bí 

san pham son mai 2

Học sinh đang thể hiện sản phẩm sơn mài

san pham son mai 3

Họa sĩ Nguyễn Khang và các giảng viên đang nghiên cứu
những mẫu phiên bản điêu khắc cổ để làm
tài liệu giảng dạy tại trường

Đến năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, một số họa sĩ kháng chiến có nhiệm vụ tiếp quản một trường nghệ thuật, nhưng không phải là vẽ tranh hay nặn tượng mà là làm ra các sản phẩm mỹ nghệ: khay, hộp, lọ sơn mài, bàn ghế, giường tủ… để bán trên quầy hàng. Như vậy, ở thời điểm này, quan niệm sản phẩm mỹ nghệ phải “gắn liền thực sự với kinh tế”1 và “mỹ nghệ là mặt hàng có mỹ thuật cao, nó cũng là sản phẩm thủ công nghiệp, nhưng có hình dáng và trang trí công phu, không ngừng lại ở trình độ một đồ dùng thông thường, mà vượt sang lĩnh vực một đồ dùng quí”2 , một quan niệm rất cụ thể và rõ ràng... Vậy là, nhiệm vụ của các họa sĩ công tác tại trường, giảng dạy không thể theo lối sáng tạo tùy hứng, mà mỗi đường nét, hình dáng sản phẩm gắn liền với “kinh tế- kỹ thuật” và cả đối tượng “khách hàng” nữa.

Năm 1960, là một cột mốc lịch sử đáng nhớ, giai đoạn “chính thức chào đời” của tên gọi “Trường Trung cấp Mỹ nghệ” cũng là thời điểm miền Bắc nước ta bước vào giai đoạn công nghiệp hóa XHCN. Nhà trường chính thức đi vào quỹ đạo hoạt động mỹ thuật trang trí - mỹ nghệ, cùng một lúc miền Bắc bắt đầu bước vào công cuộc phục hồi kinh tế sau chiến tranh.

Với vị trí là trường mỹ thuật trang trí ứng dụng đầu tiên và duy nhất trên miền Bắc XHCN, nhà trường đã có những đơn hàng đầu tiên của Xí nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu, nhiều mẫu hàng sơn mài (và gốm mỹ thuật) đã được chọn để ứng dụng vào sản xuất, tạo được những tín nhiệm đầu tiên của nhà trường trong thực tế xã hội. Nhiệm vụ của nhà trường lúc đó hòa chung trong bối cảnh xã hội miền Bắc đang bước vào cao trào của cuộc vận động đi lên CNXH với nhiệm vụ trọng tâm công nghiệp hóa, đó là nhiệm vụ “thẩm mỹ hóa rộng rãi hơn cho nhiều mặt hàng công nghiệp…”3. Trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, mọi ngành hoạt động bắt đầu mở ra các quan hệ trao đổi kinh nghiệm và học tập các nước XHCN anh em. Theo guồng quay của hoàn cảnh lịch sử đó, trường Trung cấp Mỹ nghệ cũng mời giáo sư nước ngoài đến trao đổi giảng dạy học tập kinh nghiệm như CHDC Đức (mở đầu sự hợp tác với trường ĐHMTCN Halle từ năm 1959), trường đã cử các đoàn cán bộ lãnh đạo sang CHDC Đức và Tiệp Khắc (trong các năm 1960-1961) để tham quan khảo sát tại chỗ về hoạt động MTCN mỹ nghệ…

san pham son mai 4

NGUYỄN VĂN CHUỐT - 
Tranh sơn mài hai tấm ghép
khảm trai họa tiết múa
. 1979

san pham son mai 5

Hộp sơn mài hình chữ nhật màu đen
họa tiết cá và chim vờn song

san pham son mai 6

Hộp sơn mài hình chữ nhật màu đỏ
họa tiết trống cơm

Hoạt động mỹ thuật mới “MTCN” đã phần nào được hiện lên rõ hơn, điều quan trọng lúc đó là tìm ra phương hướng mới và nội dung đào tạo mới cho những vấn đề thẩm mỹ kỹ thuật, tạo dáng mỹ thuật cho sản phẩm công nghiệp, thay thế cho phương hướng đào tạo theo hướng mỹ nghệ thủ công đơn chiếc thực hiện trước đó.

Sau 2 năm tích cực xây dựng nội dung hoạt động MTCN, đào tạo cán bộ giảng dạy, biên soạn chương trình, kế hoạch đào tạo… Đến đầu năm 1962, tên gọi của trường được đổi thành “Trường Trung cấp MTCN”. Trên cơ sở những ngành nghề mỹ nghệ, mỹ thuật trang trí đã có sẵn của trường Trung cấp Mỹ nghệ, một trường MTCN đầu tiên ở Việt Nam ra đời, mở ra cho nhà trường nhiều triển vọng mới.

Nối tiếp đà phát triển của hoạt động giảng dạy MTCN, xuất phát từ nhu cầu cần đáp ứng mục tiêu đào tạo MTCN tốt hơn nữa sau 3 năm thực hiện chương trình, điều đó làm phát sinh một cách tự nhiên, một yêu cầu mới, rất cơ bản, đó là việc nâng cấp hệ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mới ngày càng phát triển. Lại thêm một lần nữa nhà trường được đổi tên thành “trường Cao Đẳng MTCN” vào năm 1965, trong chặng đường 10 năm của thập niên 60 đó trường đã đi từ hệ Trung cấp lên Cao đẳng, từ Mỹ nghệ đến MTCN, một chặng đường có biết bao cột mốc lịch sử đáng nhớ.

Học tập nghệ thuật truyền thống

Những năm đầu của thập niên 1960, học sinh của trường Trung cấp được học 2 bộ môn được coi là chủ chốt: hình họa và trang trí. Bên cạnh đó nhà trường đặc biệt chú ý tới phạm vi giáo dục nghệ thuật, đó là giáo dục về truyền thống nghệ thuật dân tộc. Lúc đó, nước ta chưa có một Bảo tàng Mỹ thuật hoàn chỉnh, tài liệu in giới thiệu về các di sản nghệ thuật nói chung và mỹ thuật trang trí nói riêng cũng chưa có nhiều, thậm chí chưa hệ thống hóa được đầy đủ. Vậy nên nhà trường đã mời chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật trang trí dân tộc tham gia công tác đào tạo (họa sĩ Công Văn Trung, nhà nghiên cứu Mỹ thuật và lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, giảng dạy các năm 60 đến đầu các năm 70) môn Lịch sử Mỹ thuật, giới thiệu theo từng thời đại phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc. Thầy và trò cùng đi tới các công trình kiến trúc cổ, đến Bảo tàng lịch sử để trực tiếp ghi chép và in dập tư liệu, đây là nguồn tư liệu rất quý giúp học sinh có thể làm quen và hiểu kỹ được bài học.

Môn trang trí, các thầy giáo lại vận dụng các nhận thức mới mẻ ấy của học sinh (từ nghệ thuật dân tộc) để giảng dạy về “cách điệu hóa” - là một cơ sở quan trọng của nghệ thuật trang trí - rồi cho học sinh vận dụng vào việc tìm ra các mô típ trang trí mới. Trong 2 năm 1959-1960, người thầy dạy môn trang trí mà các thế hệ học sinh thường hay nhắc đến đó là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, ông là họa sĩ sơn mài nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam trong việc nghiên cứu học tập từ nền nghệ thuật của dân tộc. Vốn cổ dân tộc luôn là nguồn cảm hứng của ông trong sáng tạo, âm hưởng của nó ẩn hiện trong từng đường nét, mảng miếng, màu sắc... trên tranh chất liệu bột màu và sơn mài của ông. 

san pham son mai 7

Làn sơn mài đỏ

san pham son mai 8

Hộp sơn mài hình tròn, chân dung cô gái, 1979

Những bài học thực tế từ nền nghệ thuật dân tộc, hướng đào tạo mới mẻ đó (lần đầu tiên sau hàng trăm năm đã qua) đã mở ra cho nhà trường một hướng đi có tầm học thuật rộng rãi và phong phú. Cũng từ những bài học đó, nhiều sản phẩm sơn mài đã được học sinh áp dụng ngôn ngữ tạo hình khai thác từ nghệ thuật dân tộc và được chuyển thể thành họa tiết trang trí lên sản phẩm bằng chất liệu sơn mài truyền thống.

Nhờ vào định hướng đi sâu vào nghiên cứu học thuật, nhà trường đã tạo ra cách học tập mới, đồng thời cũng để lại dấu ấn cho giới nghệ thuật bên ngoài thêm quý trọng nền mỹ thuật trang trí của dân tộc.

Hình thức tạo hình và trang trí sản phẩm sơn mài

Chúng tôi, thế hệ được sinh ra khi miền Bắc đã hết tiếng bom, tiếng súng đạn, bầu trời đã trong xanh trở lại tới từng làng quê, con đường, ngõ xóm,… miền Nam sắp được giải phóng, thống nhất toàn bộ đất nước. Với thế hệ sinh ra sau chiến tranh, lại muốn tìm hiểu, nghiên cứu về quãng thời gian sống và làm việc của thế hệ cha ông ta, quả là có nhiều điều cần khám phá qua những trang sử và các cuộc tiếp xúc với các họa sĩ sơn mài thời kỳ đó.

Sau một hồi lập danh sách tên các họa sĩ đã sống, học tập và làm việc từ thập niên 1960, danh sách còn lại rất ít, bởi phần lớn các họa sĩ đã trở thành người thiên cổ, một vài họa sĩ đã già yếu. Và thế là cuộc gặp gỡ của tôi với họa sĩ sơn mài Nguyễn Ngọc Hồ đã cho tôi có thêm kiến thức về nghề cũng như những hoạt động của thời gian ấy dần dần được gợi mở.

Cuộc gặp gỡ với họa sĩ Nguyễn Ngọc Hồ trong một buổi chiều muộn, nhưng tôi cảm nhận được sự ấm áp, thân quen… Ông gọi tên tôi từ trong nhà khi tôi mới bước chân vào cổng, ánh mắt nụ cười thường trực của ông làm cho người đối diện vui lây theo từng câu chuyện ông kể.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Hồ là học sinh sơn mài khóa cuối cùng (1957-1959) của trường Mỹ nghệ Việt Nam (tên gọi của nhà trường từ năm 1955), sau khi tốt nghiệp ông về công tác tại xưởng Mỹ nghệ (xưởng MytMin- mỹ thuật mỹ nghệ, được thành lập vào năm 1959, sau đó xưởng được sát nhập về trường năm 1965). Khi tôi trình bầy muốn tìm hiểu về sản phẩm sơn mài những năm 1960-1970, ông liền nói: “để bác suy nghĩ chút đã”. Ông trầm tư trong giây lát, có lẽ trong lúc này rất nhiều hình ảnh xa xưa đang ùa về trong ký ức của ông… Phải nói rằng, rất hiếm có nhiều họa sĩ như ông được chứng kiến chặng đường lịch sử khá dài với sự phát triển của nhà trường nói chung và sự phát triển của ngành sơn mài nói riêng mà đến bây giờ vẫn còn đủ sức khỏe, có thể ngồi hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa để trao đổi cùng với thế hệ sau. Tôi thầm nghĩ, nhờ có buổi trò chuyện hôm nay, tôi mới có khả năng xây dựng một góc nhỏ về sản phẩm sơn mài MTCN trong những năm 1960-1970, mà trước đó tôi chưa thể giải đáp hết được.

Khoa Sơn thập niên 1960, phần lớn có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi các họa sĩ, nghệ nhân nổi tiếng trong nghề tham gia giảng dạy như: họa sĩ Phạm Hậu, họa sĩ Trần Quang Trân, họa sĩ Lê Quốc Lộc, họa sĩ Nguyễn Kim Đồng, họa sĩ Phạm Đức Cường dạy sơn mài truyền thống; cụ Phó Thành (nghệ nhân Đinh Văn Thành) dạy kỹ thuật công nghệ; nghệ nhân Bùi Văn Vệ dạy kỹ thuật sơn quang dầu; nghệ nhân Trần Văn Trạm dạy kỹ thuật sơn nóng (sơn mài trên kim loại)… Rồi còn có các họa sĩ Trịnh Triều, Phạm Minh, Trần Tuyên, Trần Đạo Uyên, Hoàng Kim Thi… hướng dẫn kỹ thuật làm sơn (còn được gọi chung là Bộ phận kỹ thuật sơn mài thuộc xưởng của khoa Sơn) tại xưởng nhà trường.

san pham son mai 9

Lọ sơn mài màu đỏ

san pham son mai 10

Hộp sơn mài màu đỏ hình quả bí, 1963

san pham son mai 11

Lọ sơn mài màu đen họa tiết gà trống

Ngành sơn mài (được thay thế cho tên gọi đầu tiên Ban sơn mài) thời kỳ đó được coi là ngành chủ lực trong giảng dạy cũng như sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước và nước ngoài.

Giai đoạn ban đầu các sản phẩm sơn mài chủ yếu là: hộp, lọ, nắp hộp album… có kích thước nhỏ. Sản phẩm sơn mài được thiết kế mẫu mã, sản xuất, sau đó được bên Bộ Ngoại thương mang đi chào hàng tại các hội chợ. Hay như bên Bộ Ngoại thương có tổ chức các cuộc thi (vào 2 năm 1967 và 1969) sáng tác mẫu sản phẩm mỹ nghệ (có trao giải cho các mẫu có chất lượng tốt), học sinh tham gia thiết kế mẫu, họ sẽ mua các mẫu thiết kế trên giấy, trên chất liệu mẫu rồi về sản xuất ra sản phẩm…

Về tạo hình sản phẩm sơn mài, hộp thì vuông cạnh, có hộp hình vuông, hình chữ nhật gồm các kích cỡ, có hộp chữ nhật dài để caravát…; lọ thì được tiện tròn, hình khối hết sức cơ bản, hiếm khi mới có hộp tròn được tạo hình như quả bí… Theo như lời của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hồ là sản phẩm lọ được người thợ tiện “có hình dáng dài-ngắn, có đoạn thắt vào lên-xuống” ông còn nói thêm hình dáng kiểu “lọ củ tỏi”. Các sản phẩm lọ thường được sáng tạo xoay quanh các hình dáng như vậy.

Tạo hình được hình dáng hộp tròn hình quả bí được nghệ nhân Trần Văn Trạm làm (gò) từ kim loại, sau đó sử dụng kỹ thuật sơn nóng của sơn mài hoàn thiện sản phẩm (một vài công đoạn làm sơn được hấp, nung trong lò có nhiệt độ từ 800C đến 2000C với mục đích để sơn bám chắc trên nền kim loại). Hộp có tạo hình khác lạ, được sơn màu son (đỏ) rất đẹp. Đây là kỹ thuật sơn trên nền cốt vóc bằng kim loại (khác với cốt gỗ, đất nung, tre nứa... quen thuộc) ông thực hiện và dạy tại trường sau một khoảng thời gian ông làm sơn mài tại Pháp.

Về hoa văn họa tiết trang trí trên sản phẩm sơn mài chỉ có đề tài: chim, hoa, lá, cá (không vẽ hình người) vì có giới hạn về đề tài cho trình độ học sinh trung cấp lúc đó, hình bố cục theo lối tự do hoặc tạo thành các đường diềm trang trí lên các sản phẩm. Gam màu, chất liệu sử dụng để vẽ có màu đỏ, đen, trắng vỏ trứng, vàng-bạc, rắc vỏ trai... từ chất liệu sơn mài truyền thống.

Nếu so sánh giữa cách tạo hình, tạo dáng, trang trí sản phẩm sơn mài MTCN của thập niên 60 và 70 có sự khác biệt rõ nét. Sau năm 1970, sản phẩm sơn mài có hình dáng kích thước lớn hơn, đa dạng hơn về chủng loại: tủ, tranh, bình phong... Đề tài trang trí cũng được mở rộng như vẽ thêm hình người; họa tiết hoa lá, động vật có bố cục chặt chẽ, có tính bao quát cao hơn.

Đặc biệt là sau thời gian họa sĩ Nguyễn Khang (hiệu trưởng nhà trường năm 1962-1974) được cử đi tham quan nghiên cứu Mỹ nghệ và Mỹ thuật tại Nhật Bản, ông đã có những cách nhìn mới về sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, rồi vận dụng thêm cả máy móc vào kỹ thuật làm sơn... Trong các năm 1973-1974, sinh viên đã thể hiện được sản phẩm tủ có kích thước lớn, cánh tủ của sản phẩm được trang trí họa tiết dày đặc được vẽ như một bức tranh rất công phu và đẹp.

san pham son mai 12

Lọ sơn mài nhỏ màu đỏ họa tiết hai con gà

san pham son mai 13

Lọ sơn mài màu đỏ họa tiết hoa phong lan

san pham son mai 14

Lọ sơn mài ghép nứa màu đỏ, họa tiết trúc và cò, 1974

san pham son mai 16

Sự chuyển đổi hệ đào tạo từ Trung cấp (đào tạo 4 năm) lên Cao đẳng (đào tạo trong 5 năm) đã tạo sự khác biệt về mục tiêu đào tạo, trình độ học sinh, tất nhiên sản phẩm sáng tạo cũng có những yêu cầu khác trước. Nếu như thời kỳ đầu của trường Trung cấp, sản phẩm mỹ nghệ được coi là “nghệ thuật thấp”, quan niệm ghi dấu ấn cá nhân tác giả trên sản phẩm không được đề cao, có sản phẩm còn được thể hiện trong một quy trình tập thể tại xưởng trường... cho nên ở thời kỳ này rất khó xác định được tên tác giả của từng sản phẩm sơn mài.

Đến giai đoạn đào tạo hệ Cao đẳng, thời gian học 5 năm, đi đôi với đó là sản phẩm sáng tạo cũng đòi hỏi khác về quy mô và chất lượng, có khá nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn là bài tốt nghiệp của sinh viên. Tranh sơn mài của sinh viên đã được giải thưởng (tác phẩm Xóm chài Quất Lâm, 1971 của SV Trần Liên Hằng) và tham dự triển lãm thủ công của các nước XHCN; sản phẩm sơn mài được tham gia hội chợ, triển lãm Erfurt tại Đức các năm 1974 và 1978... Đó là những bước tiến mới trong những giai đoạn sau của chặng đường phát triển nhà trường.

10 năm của một chặng đường phát triển trường ĐHMTCN chưa phải là dài, song đây lại là bước ngoặt có tính lịch sử, khởi đầu cho nhiều bước đường phía sau, bởi bước đi đầu tiên bao giờ cũng chứa đựng nhiều gian khó. Ngành sơn mài hòa nhập với bề dày lịch sử của nhà trường có nhiều thành tựu được ghi nhận từ những sản phẩm sơn mài mỹ nghệ cho đến các sản phẩm sơn mài MTCN. Trên chặng đường phát triển của một ngành nghề luôn luôn có những giai đoạn thăng trầm, nhưng sản phẩm sơn mài của thập niên 1960 đã để lại dấu ấn đặc sắc trong suốt chặng đường đó. Ở thời điểm hiện tại, những thế hệ sau ngắm nhìn lại không thể không thốt lên lời khen ngợi bàn tay khéo léo, khả năng sáng tạo, kỹ thuật thể hiện sắc sảo tạo ra những sản phẩm vô cùng giá trị và công phu của các bậc cha anh đi trước. Có thể khẳng định, đây là một trong những giai đoạn đỉnh cao của sản phẩm thủ công mỹ nghệ của trường ĐHMTCN.

- Phạm Thu Hương -

>>> Khái niệm chung về sơn mài

>>> Kỹ thuật sơn mài

>>> Chất liệu tạo nên những bức tranh sơn mài nổi tiếng

>>> Tranh sơn mài của Phan Quang Tuấn

0976984729