Những luật cơ bản của mỹ thuật (Phần 1)
Có 4 luật cơ bản: Cấu trúc, Bố cục, Xa gần, Giải phẫu nhưng 2 luật sau đã là môn học riêng nên trong bài này chỉ trình bày tóm tắt 2 luật trước.
1. Cấu trúc:
Cấu trúc là cơ sở cấu tạo, tổ chức, sắp xếp trong mỗi vật thể, cơ thể hay hệ thống nào đó.
Có thể phân loại một số cấu trúc đặc trưng cơ bản nhất mà các họa sĩ, nhà thiết kế hay nhà điêu khắc quan tâm như: địa hình, thực vật, động vật, kiến trúc.
- Cấu trúc địa hình: Cơ sở cấu tạo, tổ chức, sắp xếp của bề mặt trái đất.
Cấu trúc địa hình: Núi – đồi – đồng ruộng
Cấu trúc địa hình (theo mặt cắt)
1. Núi; 2. Đồi; 3. Ruộng bậc thang; 4. Hang động; 5. Đê; 6. Sông, hồ; 7. Vực sâu
Trong môn địa lý đã phân ra các loại địa hình: đồng bằng, đồi núi, cao nguyên… Các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế quan tâm xem xét bề mặt, độ cao thấp, cấu tạo, hình khối, chất liệu, chiều hướng, tương quan, giới hạn… của đồng ruộng, đê điều, gò, đồi, núi, thung lũng, sông, suối, hồ, ao, đầm, vực, hang động… để có thể mô tả, mô phỏng, tìm gợi ý v.v… trong tác phẩm của mình trên cơ sở rút ra các kết luận như: núi nhọn, đồi tròn, ruộng bằng, đê choãi chân (hình khối), hay núi đá, đồi đất, ruộng bùn, hồ nước (chất liệu) hoặc núi dựng đứng, đồi cong vòm, ruộng bậc thang, sông chảy, ao tù, vực sâu thẳm (chiều hướng) v.v…
- Cấu trúc thực vật: Cơ sở cấu tạo, tổ chức, sắp xếp của các loại thực vật.
Trong môn thực vật học đã phân ra nhiều loài, họ, ngành… thực vật khác nhau. Thông thường cây cối gồm các bộ phận: rễ, thân, cành, lá, hoa, quả, hạt. Riêng thân có các kiểu thân gỗ, thân giả, dây leo… Về hình thức, lá cây tạo thành các vòm cây, tán cây, lùm hay bụi cây hình khối cầu (đa số cây) hay nhọn – thẳng đứng (thông, phi lao) hoặc phân tầng (bàng)… với các kiểu cành, ngọn, chồi, tay quấn… Để sinh sản, thực vật có nụ, hoa, nhụy, phấn hoa, quả, củ, hạt… Rễ cây chủ yếu có 2 loại: rễ cọc và rễ chùm. Xem xét chi tiết, lá cây gồm có: cuống, bản lá, gân lá… Nếu xét thứ tự từ dưới lên trên thì đa số cây sẽ có: rễ, thân, cành, lá, hoa… (ngoại lệ có rễ đa, si hoặc thứ tự vị trí của một số loại cây dây leo).
Trong rất nhiều trường hợp, cấu trúc của thực vật ở dạng đặc biệt, có thể quy về theo các nguyên tắc: Đối xứng gương, Đối xứng tỏa tròn, So le, Lặp đi lặp lại…
+ Đối xứng gương là sự sắp xếp 2 vật thể hay 2 hình ảnh hoàn toàn giống nhau nhưng ở vị trí và hướng hoàn toàn đối lập theo từng cặp, thông qua 1 tâm đối xứng (điểm) hay 1 trục đối xứng (đường thẳng) hoặc mặt phẳng đối xứng. Đối xứng gương rất phổ biến trong thế giới thực vật, ta có thể thấy ở vị trí các lá cây trên cành cây, nhiều cặp gân lá trên mặt của nhiều loại lá cây…
+ Đối xứng tỏa tròn là sự sắp xếp một tập hợp vật thể, hình ảnh hay chi tiết giống nhau nhưng đối lập với nhau theo các vị trí cách đều (tạo thành vòng tròn hoặc khối cầu) so với 1 tâm đối xứng hay 1 trục đối xứng. Ta có thể thấy đối xứng tỏa tròn ở thực vật nếu nhìn chính diện phần lớn các bông hoa.
+ So le là kiểu sắp xếp một tập hợp vật thể, hình ảnh hay chi tiết theo khoảng cách đều đặn, liên tiếp nhưng không đối xứng ở hai bên của một đường trục hay một mặt phẳng. Ta có thể quan sát được kiểu sắp xếp so le trong tự nhiên qua vị trí của các cành tre, vị trí của một số kiểu gân lá và lá trên cành của một số loại cây.
+ Lặp đi lặp lại là nguyên tắc sắp xếp phổ biển của thực vật nhằm tự phát triển trên cơ sở tái cấu trúc thân (các đốt cau, dừa), cành, lá, cánh hoa, nhụy hoa…
- Cấu trúc động vật: Cơ sở cấu tạo, tổ chức, sắp xếp của các cá thể động vật.
Môn động vật học đã phân ra nhiều họ, loài, bộ… động vật khác nhau. Như ta đã biết, động vật được chia ra động vật thân mềm, giáp xác, côn trùng và có xương sống… Động vật có xương sống lại được chia ra các loài: cá, bò sát, chim, thú. Mỗi một cá thể động vật có xương sống lại gồm các bộ phận: đầu, thân, đuôi, chi; riêng đầu lại gồm: mắt, mũi (hay mang), miệng, tai… Động vật khác thực vật ở chỗ: không có diệp lục và thường xuyên di chuyển. Nếu thực vật hầu như không thay đổi tư thế thì động vật có rất nhiều tư thế: đứng, ngồi, nằm, nò, đi, chạy, nhảy, leo, lăn, ngã, húc, vồ mồi… Do phải chống lại lực hút của Trái đất nên động vật luôn phải giữ cơ thể thăng bằng, trừ khi ngã.
Đặc biệt, đa số động vật cũng có cấu tạo tuân theo các nguyên tắc như thực vật, gồm: Đối xứng gương, Đối xứng tỏa tròn, Lặp đi lặp lại… Tuy nhiên, hầu như không có động vật nào có cấu trúc theo nguyên tắc So le.
+ Đối xứng gương là nguyên tắc cấu trúc có ở hầu hết các loài động vật, từ thân mềm đến thú. Đơn cử một số ví dụ: a) Tất cả các con sâu, rết, cuốn chiếu, nhện, cua , cào cào, châu chấu… đều có nhiều cặp chân, râu, mắt đối xứng 2 bên cơ thể; b) Tất cả các động vật có xương sống đều có trục dọc cơ thể chạy dọc theo cột sống, trên cơ sở ấy, tất cả các chân, vây, cánh, mắt, tai, vú… của chúng đều là các cặp đối xứng qua trục đối xứng là xương sống; c) Đặc biệt, nếu bộ phận nào của động vật có xương sống mà chỉ đơn chiếc như mũi, mồm, cổ, đuôi, vây lưng, bộ phận sinh dục… thì sẽ có vị trí ở ngay trục dọc cơ thể.
+ Đối xứng tỏa tròn là nguyên tắc cấu trúc hiếm gặp ở động vật. Có lẽ chỉ có thể thấy ở con sứa (các xúc tu quanh nón sứa).
+ Lặp đi lặp lại cũng là nguyên tắc phổ biến, dễ thấy ở nhiều loài động vật như: chân và đốt cảu con tôm, rết hay cuốn chiếu, vảy của các loài cá hay rắn, số lượng mắt của chuồn chuồn hay ruồi, các loại lông mao, lông vũ v.v…
- Kiến trúc:
Kiểu cách thiết kế, xây dựng những công trình nhằm mục đích cư trú, giao thông, giải trí… của xã hội loài người theo một số nguyên tắc cơ sở: bao bọc, vững chãi, cân đối… Tất nhiên kiến trúc xã hội loài người đã, đang và sẽ phát triển hết sức đa dạng – chúng tôi chỉ định lưu ý sinh viên qua một số vấn đề về cấu trúc của kiến trúc có liên quan chung với các vấn đề đang trình bày mà thôi.
Đa số các kiến trúc đều đòi hỏi phải có móng, khung (cột, xà, vì kèo…), tường, mái, cửa… Đó là những kết cấu hữu cơ, khó mà thiếu được của kiến trúc.
Đa số các kiến trúc đều phải đảm bảo trục thẳng đứng (phải kiểm tra bằng dây rọi), nhất là kiến trúc cao tầng. Hễ ngoại lệ thì sẽ trở thành kỳ quan (như tháp nghiêng Pisa ở Italy chẳng hạn).
Đa số các kiến trúc có tính cân bằng và đối xứng, vừa để tồn tại được trong trường lực của Trái đất, vừa vì mục đích vững bền và hài hòa theo đòi hỏi thiết yếu muôn thuở của chủ nhân các kiến trúc – chính là con người (ví dụ như mái dốc ở hai bên, mái bằng trên đỉnh, đa số cửa chính có 2 cánh, đa số cửa sổ có đôi, đa số nền nhà hình chữ nhật, đa số các khối nhà hình hộp chữ nhật). Sở dĩ như vậy vì con người có cấu tạo cơ thể theo kiểu cân bằng và đối xứng (tương đối) cho nên họ chế tạo và xây dựng hầu như mọi thứ theo các nguyên tắc ấy. Mặt khác, do lực hút của Trái đất, không thể xây nhà bất chấp nguyên tắc thăng bằng cũng như nguyên tắc đáy rộng – đỉnh nhỏ. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng kiến trúc theo khối hộp chữ nhật là vững chắc nhất và sẽ sử dụng được không gian một cách tối đa (mà khối hộp chữ nhật thì lại luôn bao gồm các yếu tố cân bằng và đối xứng).
+ Tỷ lệ hài hòa là ứng dụng tuyệt vời trong nghệ thuật kiến trúc của người Hy Lạp cổ đại. Nếu các nền văn minh cổ đại khác (Ai Cập, Lưỡng Hà…) lấy đồ sộ và áp chế làm mục đích xây dựng những công trình lớn thì người Hy Lạp cổ đại lại chọn hài hòa. Họ tính chiều ngang cửa là bội số của chiều rộng vai hay bội số của chiều dài cẳng tay, chiều cao tòa nhà tỷ lệ thuận với chiều cao của cơ thể người, chiều rộng bậc thang hợp với chiều dài của bàn chân… Nhờ vậy mà các kiến trúc cổ Hy Lạp, dù đồ sộ nhưng không gây cảm giác đe dọa, lấn át, ngược lại rất đẹp đẽ, thanh thoát, dễ cảm mến.
>>> Các khái niệm cơ sở mỹ thuật
>>> Kiến trúc và các hệ quy chiếu mỹ thuật
>>> Hình họa cơ bản