Kiến trúc và các hệ quy chiếu mỹ thuật
Vốn có quan hệ rất mật thiết nên giữa Nghệ thuật Thị giác (Visual Art) và Kiến trúc (Architecture) sở hữu nhiều điểm chung như: Cái đẹp, cái có ích, cái hài hòa, tính thời đại, phong cách, thủ pháp biểu hiện…
Tuy nhiên, điều tất yếu là mỗi loại hình nghệ thuật nêu trên cũng luôn có những đặc điểm riêng, tính đặc thù luôn được nhấn mạnh; nhưng sẽ là không đầy đủ nếu chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, tức là không thấy những ảnh hưởng, tác động lẫn nhau giữa các loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là: Tính thời đại, phong cách, thủ pháp biểu hiện….
Trong chuyên đề này, chúng tôi muốn sử dụng các thuật ngữ và khái niệm nghệ thuật quen thuộc để làm hệ quy chiếu mỹ học, để cảm thụ và đánh giá các tác phẩm hội họa, điêu khắc và kiến trúc [1]. Qua chủ đề Kiến trúc và các hệ qui chiếu mỹ thuật, chúng ta có thể nhìn nhận mối quan hệ trên một cách cân bằng hơn.
Kiến trúc như một tạo tác Nghệ thuật
Nghệ thuật (Art – tiếng Anh và Pháp) là một khái niệm có từ thời cổ đại, theo nghĩa của từ gốc La-tinh có nguyên nghĩa và phổ biến nhất để chỉ về việc có được hoặc đạt được “kỹ năng” hay “sự khéo léo” [6]. Theo nghĩa này, thì một tác phẩm điêu khắc và một kiến trúc đẹp mắt là một công trình nghệ thuật, vì trong đó kết tinh không biết bao nhiêu sự khéo léo và kỹ năng tinh xảo mà không phải lúc nào cũng đạt tới đỉnh cao. Điều này đã được thừa nhận rộng rãi trong việc đánh giá một nền văn minh, trong đó điêu khắc và kiến trúc luôn là những thành tố không thể thiếu.
Trong thế giới nghệ thuật Hy – La, chúng ta từng đã bắt gặp rất nhiều những mẫu mực tuyệt vời, đầy sức quyến rũ, lay động cảm quan của nhân loại về vẻ trong sáng, đẹp đẽ, cao thượng và nhân văn… những cảm quan này sẽ mãi tồn tại.
The Marriage of the Virgin – RAPHAELO – 1504
Theo nghĩa này, nghệ thuật còn để chỉ những “kỹ năng” hay “sự khéo léo” mà con người đạt tới trong nhiều lĩnh vực khác như: Nghệ thuật quân sự, chính trị, ngoại giao… Cho đến thế kỷ 17, nghệ thuật được dùng để chỉ bất kỳ kỹ năng hay sự thông thạo nào, và không phân biệt khỏi các môn thủ công mỹ nghệ hay các ngành khoa học, như y học cũng được coi là một nghệ thuật. Như vậy, có thể nhận xét rằng: Lịch sử kiến trúc thời cổ đại là lịch sử của những tạo tác tài khéo [4]. Điều này cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khác về mối quan hệ của kiến trúc với nghệ thuật, do chúng có cùng đặc điểm được qui định bởi thời đại sản sinh ra chúng. Dù muốn hay không, tính sáng tạo trong những kiến trúc cổ đại cũng là hạn chế thiên về sự sao chép khéo léo, chính xác những mẫu mực có sẵn. Chúng luôn được thực hiện bởi những người thợ thủ công cần mẫn, những người thợ lành nghề nhất trong nhóm thợ xây dựng – chính là “kiến trúc sư” và danh tiếng của họ cũng vì vậy mà trở nên không rõ ràng.
Kiến trúc như một tạo tác Mỹ thuật
Sau thế kỷ 17, xuất hiện khái niệm Mỹ thuật (A: Fine Art; P: Beaux-Arts), chủ yếu để chỉ những ngành như: Hội họa – Đồ họa – Điêu khắc – Kiến trúc, là những ngành chuyên nghiệp tạo ra những “cái đẹp” để có thể nhìn, ngắm, thưởng thức… và tất nhiên còn là để sử dụng. Khái niệm Mỹ thuật đã định hướng và tác động mạnh mẽ lên phương thức hoạt động của bốn ngành trên, đề cao và tách biệt tính sáng tạo của người nghệ sĩ với hoạt động tạo tác gần như lặp lại của giới nghệ nhân. Chính điều này đã làm cho mỹ thuật có được địa hạt riêng và thay đổi tính chất. Mỹ thuật đưa kiến trúc thoát khỏi thân phận sao chép thuần túy của nghề thủ công với những phát kiến và sáng tạo có tính cá nhân.
Quảng trường THE CAPITOLINE MICHELANGELO – 1537
Một trong những gốc rễ quan trọng hình thành nên khái niệm “Mỹ thuật” là việc hoàn thiện phép vẽ phối cảnh thời Phục hưng. Nó khiến cho không chỉ có hội họa phải diễn đạt không gian chính xác bằng đường chân trời và điểm tụ mà cả kiến trúc cũng được thiết kế theo những cách thức tương tự. Kể từ thời Phục Hưng, luật viễn cận là cơ sở của hội họa châu Âu. Leonardo da Vinci coi luật viễn cận là môn học đầu tiên của nghề vẽ [2]. Người ta say mê với việc nhìn thế giới được miêu tả “giống như thật” trong các tác phẩm của Leonardo da Vinci và Raphaelo.
Trong thời kỳ này, sự phân công vai trò giữa họa sĩ và KTS chưa sâu sắc, nên một nghệ sĩ (họa sĩ và điêu khắc gia) thường đảm nhận luôn cả công việc của KTS, như trường hợp Michelangelo, ông cũng là người thiết kế Quảng trường Capitoline. Hai khối kiến trúc ở hai bên quảng trường được sắp đặt không song song với nhau như thường gặp chỉ vì ông muốn cho góc nhìn chính phải đảm bảo tính cân xứng nhất có thể, như khi ta nhìn vào một bức tranh Phục hưng với hiệu ứng của luật phối cảnh. Khi đó, điểm tụ sẽ tác động mạnh đến thị giác của người quan sát tiến vào quảng trường từ một trục đường độc đạo được dẫn từ dưới chân quả đồi đi lên. Như vậy, ảnh hưởng nhãn quan mỹ thuật của nghệ sĩ lên các công trình kiến trúc là dễ hiểu. Tương tự, điêu khắc gia Baroque Bernini cũng đồng thời là người thiết kế Quảng trường St. Peter ở Rome.
Chủ nghĩa Cổ điển (Classicism) được hình thành trên cơ sở Viện Hàn lâm Hội hoạ và Điêu khắc Hoàng gia (Académie Royale de Peinture et de Sculpture), được thành lập bởi Hồng y Cardinal Mazarin năm 1648, nơi đã từng đào tạo rất nhiều nghệ sĩ lớn ở châu Âu [2]. Chủ nghĩa Cổ điển mong muốn tạo nên một nền nghệ thuật lớn từ việc thiết lập những nguyên tắc rõ ràng trên bố cục các thành phần của bề mặt kiến trúc. Khái niệm facad (elevation – mặt đứng) trong kiến trúc cũng vì thế mà xuất hiện. Những nguyên tắc ấy chính là lấy sự đối xứng nghiêm ngặt và thức cổ điển (Classical Order) làm mực thước, lấy thần thoại Hy – La làm chủ đề, hướng tới một tỉ lệ đẹp trong các tương quan kích thước giữa các bộ phận và tổng thể…[5]. Một lớp nghệ sĩ phục vụ cho cung đình, minh họa cho nền chính trị quân chủ được đào tạo trong gần bốn thế kỷ đã tạo nên những góc nhìn về kiến trúc và không gian mang đầy đặc tính sân khấu và giả tạo. Có thể so sánh hình ảnh này của kiến trúc với những bộ tóc giả của giới quí tộc châu Âu.
Sau cách mạng Pháp 1789, hai trường Chuyên môn Mỹ thuật Quốc gia (École Nationale et Spéciale des Beaux-Arts) và trường Kiến trúc Quốc gia (École Nationale d’Architecture) tồn tại độc lập. Năm 1797, hai trường này được sáp nhập thành trường Mỹ thuật, Điêu khắc và Kiến trúc Quốc gia (École Nationale de Peinture, de Sculpture et d’Architecture). Đến năm 1819 được mang tên trường Chuyên môn Mỹ thuật Hoàng gia (École Royale et Spéciale des Beaux-Arts) [2].
Mount Sainte-Victoire – CEZANNE – 1904
Girl with a Mandolin-1910-Pablo Picasso
Như vậy, khái niệm Mỹ thuật (Beaux-Arts) xuất hiện là có “định hướng” chuyên môn rõ ràng, tuy rằng đã có lúc dành riêng cho hội họa và điêu khắc, nhưng về cơ bản là bao gồm các ngành: Hội họa – Đồ họa – Điêu khắc – Kiến trúc.
Phép vẽ phối cảnh cũng góp phần rất quan trọng trong việc hình thành và củng cố những nguyên tắc của Chủ nghĩa Cổ điển, tiêu biểu là tổng thể Cung điện Versailles, đồ án qui hoạch cải tạo Paris của Haussmann. Những đồ án này có đặc điểm nhấn mạnh tính nghiêm ngặt của bố cục thông qua trục đối xứng; lấy công trình điêu khắc hoặc kiến trúc làm đối cảnh, như là những tiêu điểm trọng tâm cho một điểm nhìn trên một bức tranh [5].
Khái niệm Mỹ thuật còn lan tỏa sức tác động của nó trong những xu hướng nghệ thuật tạo hình khác dưới những tên gọi không kém phần mỹ miều: Baroque, Rococo với sự “bóp méo, uốn, vặn” các hình học vốn rất mực thước từ thời Plato. Động thái này xuất phát từ phát hiện của Kepler rằng quỹ đạo của các hành tinh chuyển động quanh Mặt trời theo hình ellipse. Cũng từ đây, cả kiến trúc, hội họa và trang trí đều ưa thích sử dụng những bố cục với hình ellipse thay cho hình tròn như trước đó. Nó là sự mong muốn diễn đạt tính chất “bất qui tắc” mới mẻ mà người ta dùng để gọi nghệ thuật Baroque như là một “viên ngọc không qui tắc”. Mặt bằng các nhà thờ Thiên Chúa giáo giờ đây không rập khuôn theo hình tượng của cây thập tự nữa, mà là những là một tổ hợp phức tạp, rối rắm của những hình ellipse đan cài lẫn nhau [5]. Giới nghệ sĩ cũng như KTS đua nhau thi thố tài năng thông qua những “tạo hình” mỹ thuật này.
Drawing from La Città Nuova-SANT’ TELIA – 1914
Tóm lại, Mỹ thuật là một từ ngữ không chỉ định hướng phát triển mà còn diễn đạt rất chính xác những gì chúng ta có thể nhìn thấy về mối quan hệ của kiến trúc với các ngành được mệnh danh là mỹ thuật, chúng có cùng một đặc điểm lớn của dạng thẩm mỹ được nhìn từ một điểm qui ước.
Kiến trúc như một tạo tác Trừu tượng
Sự ra đời của Trường phái Lập thể (Cubism), được xem như khởi nguồn từ họa sĩ Hậu ấn tượng (Post-Impressionism) Paul Cézanne mà tiêu biểu là chuỗi họa phẩm “Mont Sainte Victoire” được ông vẽ trong những năm cuối đời. Đó là sự chuyển biến từ những khối cô đọng của hình kỷ hà sang “Những nét chập chờn, gợi ý cho bút pháp Lập thể và Trừu tượng (Abstract) sau này. Có nghĩa là, ông đã vẽ theo lẽ tự nhiên (naturalness) chứ không phải mô phỏng thiên nhiên (nature)” [3].
Khoảng giữa những năm 1907 – 1914, Georges Braque và Pablo Picasso sáng lập nên những nguyên tắc cơ bản của Trường phái Lập thể, thật sự làm nên một cuộc cách mạng nghệ thuật, theo đó bác bỏ những lý thuyết đã từng được xưng tụng, khước từ những phương thức đã gần như bất di bất dịch: Phép phối cảnh, luật xa gần, hình mẫu, tương phản sáng tối… như đó là những khuôn mẫu mà nghệ thuật cần phải thể hiện [9].
Cung điện Vesailles
Các họa sĩ Lập thể đã không sao chép các hình thức, kết cấu, chất liệu, màu sắc và không gian của thế giới hiện thực; họ tìm cách thể hiện thực tại bằng những hình thức mới bằng cách hướng tới việc miêu tả hình ảnh phân rã của các đối tượng một cách dứt khoát.
- Tính chất trong suốt, nhẹ nhàng của thủy tinh đối lập với sự đặc, nặng của gạch, đá;
- Không gian bên trong kiến trúc được soi sáng đối lập với sự u tối của kiến trúc bằng gạch, đá thời kỳ Tiền công nghiệp;
- Kiến trúc sống động, linh hoạt thay vì tĩnh tại, tất cả các bề mặt có thể được nhìn thấy cùng một lúc, cả bên trong lẫn bên ngoài, không gian và thời gian cùng liên tục vận động khi những điểm quan sát thay đổi. Lúc này, người “xem tranh” không còn đứng ở bên ngoài, nhìn ngắm đối tượng từ xa mà đi vòng quanh, thậm chí còn đi hẳn vào bên trong công trình để mà ngắm nghía tất cả mọi xó xỉnh mà họ quan tâm.
Pablo Picasso mô tả: “Lập thể thì không là một thực tế mà bạn có thể cầm trên tay. Nó giống như một loại hương thơm, ở trước mặt, sau lưng hoặc bên cạnh bạn, bạn cảm nhận thấy nó ở khắp nơi nhưng bạn không chắc chắn biết được nó đến từ đâu”.
PalmHouse – London
Còn đây là phát biểu của Jacques Lipchitz – một nhà điêu khắc Cubist: “Lập thể thì giống như bạn đang đứng tại một điểm cố định trên một ngọn núi và nhìn ra xung quanh. Nếu bạn lên cao hơn, mọi thứ trông sẽ khác đi; nếu bạn xuống thấp hơn, chúng sẽ một lần nữa khác đi. Đó chính là một điểm để nhìn” [9].
Như vậy, với các họa sĩ Lập thể thì việc mô tả, sao chép những gì có sẵn trong tự nhiên trở nên vô nghĩa và phi nghệ thuật, vì việc này đã bị thay thế hoàn toàn bởi chiếc máy ảnh. Cũng chính Lập thể đã ảnh hưởng tới các nghệ sĩ vào thập niên 1910 và khơi dậy một vài trường phái nghệ thuật mới như Chủ nghĩa Vị lai (Futurism), Chủ nghĩa Cấu trúc (Constructivism) và Chủ nghĩa Biểu hiện (Expressionism)…
Trường phái Nghệ thuật Vị lai Ý (Italian Futurism) với đam mê phá bỏ, lật đổ truyến thống Cổ điển Chủ nghĩa và ca ngợi khoa học kĩ thuật – Nghệ thuật hướng tới vẻ đẹp lý tưởng của xã hội Công nghiệp. Các thủ pháp mà họ ưa thích là sự diễn đạt về cái cảm giác vận động, tốc độ, sự bùng nổ, bạo liệt… Các tác phẩm của họ không phải lúc nào được hoan nghênh rộng rãi, cho nên chính Appolinaire đã than rằng: “Họ chẳng biết vẽ vời gì cả cho nên mới ăn nói như vậy!” [4].
Đồng hành với những đam mê của Trường phái Nghệ thuật Vị lai Ý còn có Trường phái Cấu tạo Nga (Constructivism), nhưng “tác phẩm” mà họ công bố có tính Lập thể và chất Vị lai khá rõ ràng. Nhưng cống hiến quan trọng nhất là do những tư tưởng tiên phong trong kiến tạo kiến trúc, là những gợi ý cho nhiều đồ án kiến trúc hiện đại sau này [5].
Trong bài luận “Neo-Plasticism in Pictorial Art” – tạm dịch: Chủ nghĩa Tân tạo hình trong Nghệ thuật hình ảnh – Mondrian đưa ra sự khẳng định như sau: “Ý tưởng Tân tạo hình bỏ qua những đặc tính của hình thể và màu sắc có tính tự nhiên. Trái lại, nó sẽ tìm ra cách diễn đạt trong sự trừu tượng, đó là đường thẳng và màu sắc nguyên thủy được xác định một cách rõ ràng” [10]. Với những mức độ kiềm chế nhất định, tác phẩm của ông chỉ thể hiện những màu nguyên thủy (đỏ – vàng – lam) và đen – trắng, chỉ những hình vuông và hình chữ nhật, với những đường nét dọc hoặc ngang ngay thẳng.
Chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Lập thể, cũng như những tác phẩm Trừu tượng (Abstract Art) của Piet Mondrian, năm 1917, Theo van Doesburg cùng Mondrian sáng lập nên De Stijl – một trường phái Nghệ thuật không đi kèm với hậu tố ism như thường thấy. Ông vẽ những chủ đề thiên nhiên bằng những hình học trừu tượng với đường thẳng nghiêm ngặt và màu nguyên chất (không pha trộn) tương tự như tranh của Mondrian. Theo van Doesburg cũng là người đưa ra khái niệm Elementarism để giải thích cách tiếp cận của mình, với những ý tưởng nghệ thuật phải phản ánh tinh thần của Thời đại Cơ khí hóa: “Trong khi Tân tạo hình thì được giới hạn trong mặt phẳng hai chiều, Elementarism nhận thấy có thể tạo hình trong bốn chiều, trong môi trường không gian – thời gian” [10].
Tóm lại, nghệ thuật Lập thể với cách nhìn thế giới theo bốn chiều, tính trừu tượng là những nội dung căn bản của De Stijl và nó có sức lan tỏa mạnh mẽ đến học phái Bauhaus, Phong cách Quốc tế (International Style), của kiến trúc và nghệ thuật Hiện đại ở phương Tây trong thế kỷ 20. Với rất nhiều trường phái, phong cách nở rộ như “nấm mọc sau mưa”, khởi nguồn từ sự xuất hiện của cơ khí, với những vật liệu xây dựng mới là kính và thép, bê tông cốt thép… được tiếp sức và có liên hệ trực tiếp đến những trường phái nghệ thuật mới, đầy tính cách tân mà trong đó trường phái Lập thể và Trừu tượng là nổi bật. Điểm chung giữa kiến trúc với nghệ thuật trong giai đoạn này chính là tính TRỪU TƯỢNG trong các hình thức hình học kỷ hà.
Kiến Trúc như một tạo tác khơi gợi
Sau thời kỳ phát triển ồ ạt của kiến trúc Hiện đại, những hình thể đầy tính trừu tượng của nó bắt đầu nhận được những phản ứng dữ dội của xã hội, trong đó, Nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art) đóng một vai trò to lớn. Nghệ thuật Đương đại không đi tìm những phương thức diễn đạt trên giá vẽ và trong các studio như trước kia mà tìm cách phản ánh cách chúng ta nhìn – thấy và suy nghĩ như thế nào về thế giới và về bản thân mình. Chức năng này đặt lên vai nghệ sĩ trách nhiệm tạo nên sự kết nối những cảm nhận riêng của mỗi chúng ta với những câu hỏi về thế giới và về tồn tại. Điều này tất yếu dẫn đến sự xuất hiện của rất nhiều các hình thức nghệ thuật mới như: Nghệ thuật Đại chúng (Pop art), Nghệ thuật Sắp đặt (Installation art) , Nghệ thuật Trình diễn (Performance art), Nghệ thuật Hình thể (Body art), Nghệ thuật ánh sáng (Lighting Art), Nghệ thuật Công cộng (Public art)… Sự đa dạng, khác biệt quá nhiều giữa các hình thức nghệ thuật đương đại như nêu trên đã khiến cho không có một từ ngữ nào có thể bao quát được, nên người ta gộp chung chúng vào trong một thuật ngữ trung tính: Nghệ thuật Đương đại.
So với thuật ngữ Nghệ thuật Đương đại, Nghệ thuật Thị giác (Visual Art) có một phạm vi hẹp và cụ thể hơn, vì nó dùng để chỉ các hình thức nghệ thuật chủ yếu tác động vào thị giác, một khái niệm gần gũi với những thuật ngữ đã được bàn tới ở trên: Nghệ thuật (Art), Mỹ thuật (Fine Art), Nghệ thuật Lập thể (Cubism)…. [7, 12].
Kiến trúc Đương đại (Contemporary Architecture) với hàng loạt các xu hướng khác nhau đã cho chúng ta thấy sự phát triển đa dạng, phong phú về hình thức, trong các phương thức biểu hiện cũng cho thấy có sự đồng hành thực sự với Nghệ thuật Đương đại. Đó là sự khước từ những lý thuyết và khuôn mẫu từng được truyền tụng và những điều mà nghệ thuật cần phải thể hiện, tránh đi những áp đặt chủ quan của nhà thiết kế, của trường phái mà tạo nên sự tương tác ngày càng tích cực giữa kiến trúc và công chúng. Kiến trúc rời bỏ con đường của những tạo tác mô tả, những kiểu cách phục vụ thị giác, để bước sang con đường của những tạo tác giàu tính nhân văn hơn với những Khơi gợi.
CHURCH Reading Between the Lines-Gijs Van Vaerenbergh-2011
Thay lời kết
Những phân tích trên đây nhằm đưa ra một hướng nhìn khác với truyền thống về kiến trúc phương Tây thông qua một vài thuật ngữ và khái niệm nghệ thuật tưởng chừng như đã không còn phải thảo luận. Tuy nhiên, đề tài Không gian sáng tạo – Nghệ thuật công cộng chính là lý do để nhìn nhận lại kiến trúc thông qua những hệ quy chiếu khác nhau của các thuật ngữ mỹ học.
>>> Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc