Nghiên cứu, ghi chép và cách điệu hoa lá

Nghiên cứu, ghi chép tư liệu từ thiên nhiên và thực tế cuộc sống là công việc thường xuyên và liên tục của các họa sỹ và nhà thiết kế Mỹ thuật ứng dụng. Bởi thiên nhiên là nguồn tư liệu vô tận, đa dạng và quý giá về vẻ đẹp cấu trúc hình thể và màu sắc. Chính vì vậy, thiên nhiên là cội nguồn cảm xúc rất mãnh liệt cho các họa sỹ thiết kế và các nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo và thiết kế các tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, các nhà thiết kế đã ghi chép và cách điệu, khái quát hóa, biểu tượng hóa theo cấu trúc hài hòa, kết hợp theo một phong cách nhất quán tạo nên những họa tiết có vẻ đẹp mô phỏng từ tự nhiên. Những hoạ tiết đó được ứng dụng trên trang phục, trang sức, thiết kế nội thất, đồ họa và các vật dụng sinh hoạt và trong hệ thống nhận diện thương hiệu, công trình kiến trúc tạo điểm nhấn và phong cách nghệ thuật. Cũng là cách điệu, mô phỏng sinh học từ thiên nhiên nhưng mỗi dân tộc, mỗi họa sỹ thiết kế lại có một cách khác nhau. Không những thế, tuỳ theo chất liệu sử dụng, việc khái quát, cách điệu cũng có sự khác biệt. Vì vậy, những hình ảnh đó khi thể hiện trên mặt phẳng khác với thể hiện trên khối, trong không gian; thể hiện trên đường diềm, trên tranh khác với thể hiện trong kiến trúc và các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng. Chính vì vậy, mỗi họa tiết đã được cách điệu được sử dụng trên từng sản phẩm sẽ mang lại những giá trị thẩm mỹ và ứng dụng khác nhau.

1. Khái quát về cách điệu họa tiết:

1.1. Khái niệm: Qua nghiên cứu vốn cổ dân tộc, ta nhận thấy: tất cả những hình trang trí khi được đưa vào ứng dụng trong thực tế, từ hình người cho đến hoa lá, chim muông đều được ông cha ta cách điệu rất phong phú và đa dạng. Qua đó, ta thấy muốn có một hình tượng trang trí cụ thể, đẹp mắt, trước tiên, người vẽ phải biết tinh giản, gạn lọc những nét điển hình nhất của vật mẫu. Con người lấy cảm hứng sáng tạo từ thiên nhiên và trong lao động: cỏ, cây, hoa, lá, động vật… Trong thực tế, bản thân mỗi vật đều có sẵn những nét đẹp tiềm ẩn tạo cảm xúc cho các nghệ sỹ tìm tòi, khai thác và chuyển thể thành những hình trang trí và bố cục cụ thể mang tính sáng tạo và khái quát cao. Dù khai thác vẻ đẹp thiên nhiên ở góc độ nào thì nó vẫn phải mang sắc thái và vẻ đẹp riêng của nó, không thể thay đổi, nhầm lẫn với những thứ khác. Những bông hoa cúc cách điệu, dù được thể hiện theo cách này hay cách khác vẫn khiến người xem dễ dàng nhận biết và phân biệt được với hoa sen hay hoa hồng. Không một việc sáng tạo nghệ thuật nào mà trước đó, không phải làm công việc khái quát hóa, khởi đầu là bước phân tích và tổng hợp. Để làm được điều này, trước hết, cần nghiên cứu quan sát đối tượng thật kỹ, phân tích những đường nét cơ bản, cấu trúc của đối tượng; mở rộng sự tìm hiểu với các đối tượng cùng loại; so sánh với những đối tượng khác loại để tổng hợp, chọn lọc, rút ra những nét đặc trưng có tính thông tin cao dùng nhận biết đối tượng. Để thành công trong cách điệu hóa một chủ đề, người nghệ sĩ cần biết cách - nhìn sát và lựa chọn cẩn thận phương thức thể hiện. Học - nhìn ở đây có nghĩa là học quan sát, biết chắt lọc và chú ý tập trung vào những chi tiết điển hình, đặc trưng và khó nhầm lẫn của đối tượng, đó là quá trình ghi chép và cách điệu, khái quát hóa đối tượng nghệ thuật. Cách điệu là một hình thức khái quát hoá quan trọng trong nghệ thuật. Cách điệu tiếng Anh là Stylized, có nghĩa là, bằng cách biểu đạt đơn giản, nhấn mạnh ý chính cần nêu, phát hiện yếu tố đẹp của đối tượng đó, và có thể đem nó dùng làm mô típ trang trí. Khái quát hóa không chỉ là lược bỏ những chi tiết của một hình vẽ mà nó là một công việc rất phức tạp, tinh vi, điêu luyện, là việc tinh lọc để giữ lại những hình thiết yếu, diễn tả cái cốt lõi của sự vật.

cach dieu 1

Những đối tượng được chọn lựa để cách điệu thành họa tiết trang trí thường là những vật rất gần gũi với cuộc sống và nếp nghĩ của con người, đôi khi cũng có những họa tiết được sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng về thần thánh, tiên, rồng, phượng… nhưng những hình tượng ấy cũng không tránh khỏi sự na ná hình thù của con người hay con vật trong thực tế. - Hình tượng tiên: giống các cô gái mảnh mai, mềm mại. - Rồng, nghê: được khai thác từ sư tử, hổ, trăn, rắn… - Hình tượng Phật, ông Thiện, ông Ác, tăng ni, phật tử… đều được sử dụng từ những hình mẫu có trong đời sống thực tế của con người mà nâng lên thành những biểu tượng riêng nhằm phục vụ nhu cầu về tâm linh, tôn giáo. Các họa tiết được cách điệu trong nghệ thuật trang trí rất đa dạng và phong phú; nó biến các vật dụng và các địa điểm cần trang trí trở nên đẹp hơn, có giá trị hơn về mọi mặt. Họa tiết trang trí biến các vật dụng sản phẩm thường ngày từ ấm chén, bàn, ghế, bình, lọ, khăn quàng… cho đến những tấm thiệp mừng, bao bì bánh kẹo, gói quà… trở nên hấp dẫn. Trang trí luôn làm đẹp cho các nơi công cộng, nơi hội họp, sinh hoạt xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt của đất nước nói chung, của gia đình và mỗi cá nhân nói riêng. Đâu đâu, ở lĩnh vực nào, họa tiết trang trí cũng có mặt và đóng góp một cách tích cực trong sự phát triển chung của thời đại.

1.2. Ghi chép và cách điệu hoa lá và động vật:

Cách điệu hoa lá là quá trình đơn giản và lược bỏ đi những chi tiết không cần thiết, rườm rà để giữ lại những nét đẹp điển hình của loại hoa lá đó, giúp cho chúng đẹp thêm, có giá trị hơn. Nghĩa là phần nào biết nâng những hình vẽ hoa lá từ tự nhiên lên một bước, tiến dần đến trang trí cách điệu.

cach dieu 2

Ghi chép và cách điệu hoa lá và động vật, côn trùng có nhiều phương pháp và còn tuỳ theo chất liệu. Đồng thời, phải thực hiện theo một lộ trình chuyển hóa tư liệu từ ghi chép trực quan đối tượng đến khái quát bằng nét, bằng mảng, sau đó, biểu tượng hóa hoặc mô đun hóa đối tượng thành các họa tiết (pattern) trang trí theo đúng yêu cầu của bố cục tạo hình. Quá trình ghi chép và cách điệu như vậy khó nhất là cần lược bỏ những yếu tố không cần thiết và phải giữ lại những đặc điểm điển hình và cấu trúc riêng biệt của đối tượng. Ngoài ra, tuỳ theo khuôn khổ, hình dáng đồ vật mà người thiết kế đưa họa tiết vào; cách điệu hoa lá, động vật vào đường diềm văn bia khác với cách điệu hoa lá trên áo, trên quạt, trên các phù điêu, bình phong… Trước khi cách điệu ứng dụng vào trong từng môi trường, chúng ta cần làm bố cục cân đối, hài hòa rồi dần đi vào chi tiết. Tuỳ theo yêu cầu và ý nghĩa của đối tượng cần trang trí mà khai thác các khía cạnh khác nhau của sự vật: Khai thác bụi cây, cành cây, màu sắc lá cây, thân cây hay các loài động vật và côn trùng… Cũng có khi thiết kế hình rồng ta lại dùng lá cây sắp đặt theo đặc trưng chuyển động của rồng để mô phỏng, miễn đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ. Cách điệu động vật và côn trùng khó hơn cách điệu hoa lá, vì chúng luôn luôn vận động. Vì vậy, khi ghi chép, cần tiếp cận và nắm vững cấu tạo giải phẫu của đối tượng, sau đó, tùy theo từng yêu cầu chất liệu, kích thước khuôn khổ mà cách điệu. Con vật có thể được biến dạng, thay đổi, cường điệu hoá vài chi tiết nhưng phải giữ được yếu tố nhận biết và vẻ đẹp đặc trưng của mỗi đối tượng.

cach dieu 3

Có 2 cách cách điệu cơ bản: Cách điệu theo tự nhiên; Cách điệu theo cấu trúc. Cách điệu theo tự nhiên: chủ yếu là mô phỏng theo hình dáng có sẵn của đối tượng tự nhiên, bớt đi những thứ quá rườm rà và không cần thiết, tiết điệu hóa phần nào các đường nét tạo hình, cường điệu hóa một vài chi tiết đẹp đặc trưng của đối tượng. Điều quan trọng nhất, tuy là mô phỏng cái đẹp có sẵn của tự nhiên, nhưng cũng phải có phần sáng tạo chủ động của người vẽ để làm sao vẫn có được sự hài hòa giữa cái tổng thể và chi tiết, tạo được nhịp điệu và nhất quán về cách vẽ, hay cao hơn, tức là phong cách. Cách điệu theo cấu trúc: do yêu cầu phải có một loại mô típ hết sức cô đọng, giản đơn, có tính tượng trưng cao thì phải theo cách điệu lối này. Ví dụ: tộc huy, gia huy, quốc huy, biểu trưng của các hãng… Cũng có thể đó là những mô đun trang trí kiến trúc, gạch thông gió, chạm khắc đá, kim loại. Thực ra, giữa hai hình thức này không có ranh giới tuyệt đối mà trong nhiều tác phẩm, nhiều mô típ trang trí vẫn có sự giao thoa để phù hợp với những cung bậc khác nhau giữa cấu trúc và tự nhiên, giữa cảm xúc và trí tuệ.

cach dieu 4

Từ thực tế trên, ta thấy tầm quan trọng và vai trò ứng dụng rộng lớn trong việc nghiên cứu, ghi chép và cách điệu hoa lá, động vật đối với đời sống văn hóa và xã hội. Chính vì vậy, trong chương trình đào tạo của các trường Mỹ thuật, môn học Nghiên cứu, ghi chép hoa lá, động vật và cách điệu là học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức Mỹ thuật cơ sở. Bởi học phần này không chỉ rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật cho người học, mà còn cho sinh viên tiếp xúc, cảm nhận và ghi lại những vẻ đẹp đa dạng, phong phú thực tế của thiên nhiên. Đây là quá trình chọn lọc, ghi chép, khai thác những đặc điểm cấu trúc hình thể và màu sắc vẻ đẹp từ thiên nhiên làm tư liệu phục vụ thiết kế sáng tạo các sản phẩm ứng dụng cho sinh viên mỗi chuyên ngành.

2. Giá trị ứng dụng họa tiết cách điệu trong thiết kế sản phẩm ứng dụng:

Ngày nay, các phong cách thiết kế hiện đại trong lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng phát triển mạnh mẽ. Các nhà thiết kế hiểu rằng công nghiệp hóa sẽ làm thay đổi toàn diện quy trình thiết kế. Họa tiết, hoa văn trang trí trong các sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng đã trở nên quá quen thuộc, tuy nhiên, mỗi nhà thiết kế có cách lựa chọn và ứng dụng họa tiết cách điệu khác nhau, thay đổi quan niệm để phù hợp với thời đại mới. Từ hoa văn, hoạ tiết, hình thể được các họa sỹ thiết kế cách điệu theo những hình thức khác nhau, nhưng đều mang đến những luồng gió mới mẻ cho Mỹ thuật ứng dụng đương đại. Nghệ thuật trang trí họa tiết, hoa văn cá tính, ấn tượng trong thiết kế ứng dụng không chỉ là thẩm mỹ, đó còn là việc tìm kiếm các giải pháp thiết kế sáng tạo cho con người nhằm hỗ trợ sức khỏe, tạo sự an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống, phản ánh tình trạng, khát vọng, mơ ước và thẩm mỹ của chủ sở hữu. Điều này đặc biệt đúng với nhà thiết kế nói riêng và cộng đồng nói chung. Hoạ tiết trên trang phục, trang sức, nội thất, các vật dụng sinh hoạt hay hệ thống nhận diện thương hiệu, công trình kiến trúc… đều giúp thể hiện cá tính chủ nhân và sự khác biệt về văn hóa, thông qua việc tạođiểm nhấn, phong cách nghệ thuật riêng. Hoa văn của vải bọc hoặc giấy dán tường được cách điệu từ các chi tiết thiên nhiên hay từ các đường cong lả lướt, cho ta liên tưởng đến các đường nét tranh trừu tượng. Các đường nét trang trí tạo nên các chi tiết có hiệu ứng ba chiều cũng thường được áp dụng cho các bức vách. Các họa tiết cách điệu luôn có mối liên hệ chặt chẽ, ra đời và phát triển ứng với từng giai đoạn phát triển của ngành Mỹ thuật ứng dụng.

cach dieu 5

cach dieu 6

Giá trị thành công của các thiết kế này ở chỗ không chỉ chạy theo đòi hỏi và yêu cầu của khách hàng, mà còn khiến khách hàng phải mua và chờ đợi những sản phẩm mà một nhà thiết kế tạo ra, là sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại. Trong thời đại mới, yêu cầu về ngành Thiết kế Mỹ thuật ứng dụng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Ở các thành phố lớn, nhiều công ty nước ngoài phát triển chuyên về lĩnh vực này. Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp, yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước cũng trở nên khắt khe.

Ngày nay, ngoài những họa tiết được thể hiện bằng những phương pháp thủ công truyền thống, những họa tiết thiết kế sáng tạo càng lúc càng được thể hiện tinh xảo hơn nhờ vào công nghệ in ấn, khắc máy, khắc laser… Những công nghệ tiên tiến này có thể tạo ra những họa tiết đẹp rực rỡ và lặp lại giống hệt nhau trên những sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, chỉn chu hơn.

cach dieu 7

cach dieu 8

cach dieu 9

3. Kết luận:

Ghi chép và cách điệu là một quy trình nghiên cứu, chắt lọc từ những đường nét, hình thể đặc trưng nhất từ những vật thể có thật. Thông qua sự sáng tạo của nghệ sỹ, vật thể được sắp xếp lại, thêm bớt chi tiết, màu sắc để đạt đến mức tượng trưng và biểu tượng cao nhất. Đồng thời, đây cũng là thủ pháp quan trọng trong nghệ thuật design, nghệ thuật tạo hình và thiết kế kiến trúc. Quy trình đó có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ với các môn học khác như Hình họa, Giải phẫu, Phối cảnh, Bố cục, đường nét, đậm nhạt và màu sắc v.v. Tuy nhiên, nắm vững các thủ pháp này nhưng lại thiếu khả năng khái quát, không phát hiện hoặc không khai thác được vẻ đẹp riêng của đối tượng thì cũng khó tạo ra được những tác phẩm cách điệu đẹp mắt. Do vậy, khi ghi chép, chúng ta cần nắm vững tỉ lệ, giải phẫu, phối cảnh, bố cục, màu sắc, cùng với trí tưởng tượng bay bổng và sự kiên trì nghiên cứu tìm tòi, ta sẽ phát hiện được những yếu tố đẹp nhất của đối tượng để cách điệu và nhân giá trị đó lên. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, các nhà thiết kế cách điệu nó lên thành những nét chuyển động nhịp nhàng, biến chúng thành những hoa văn. Các hình thể này được cấu trúc tự do, hài hòa, kết hợp theo một phong cách riêng và tạo nên vẻ đẹp tự nhiên hợp lý. Việc sử dụng trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo và kỹ năng hiệu quả, lựa chọn các gam màu, hoa văn, họa tiết ấn tượng là các yếu tố quan trọng trong nghệ thuật trang trí và được sử dụng trong thiết kế mang đến những giá trị ứng dụng và chất lượng sống tốt hơn. Trong xu hướng thiết kế hiện nay, tính năng động trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu. Vì vậy, cần có sự khéo léo trong việc lựa chọn những phương án trang trí phù hợp cho thiết kế để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như tính công năng nhằm tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu và cảm hứng cho người sử dụng. Nghệ thuật trang trí chính là sự ứng dụng các họa tiết đã được cách điệu hóa vẻ đẹp từ thiên nhiên vào đời sống, nhằm tạo ra những vật phẩm, những công trình làm cho chúng thêm đẹp và hoàn thiện. Họa tiết trang trí là điểm quan trọng hàng đầu của nghệ thuật làm đẹp với sự chọn lọc và phối hợp hài hòa các yếu tố về hình, nét, sắc độ và màu sắc trong một tổng thể chung được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Vai trò của nghệ thuật trang trí có tác động lớn lao, góp phần dẫn dắt, hướng định và xây dựng lối sống, nhân cách con người. Cùng với sự phát triển của thời đại, nghệ thuật trang trí là loại hình không thể thiếu đối với những người học về nghệ thuật thiết kế. Việc nắm vững những kiến thức cơ bản để sáng tạo ra những họa tiết trang trí mới ứng dụng vào quá trình thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là rất cần thiết. Thông qua các phương pháp và quy trình nghiên cứu, cách điệu, sáng tạo, người học sẽ được trang bị về kỹ năng thực hành cũng như những kiến thức và sự hiểu biết cần thiết để nâng cao ý thức thẩm mỹ cũng như tư duy sáng tạo trong thiết kế sản phẩm ứng dụng, nhằm lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục với công chúng. Không những thế, chúng còn mang lại những hiệu quả và giá trị kinh tế rất lớn cho xã hội.

- Nguồn: Theo ThS. Lê Văn Thân, ThS. Lê Văn Hùng -

>>> Trang trí cách điệu

>>> Những hình ảnh cách điệu động vật

>>> Cách điệu hoa lá

Tags:

0976984729