Nghệ thuật điêu khắc chất liệu giấy Việt Nam
1. Khái niệm “Chất liệu giấy trong nghệ thuật điêu khắc”: Trong nghệ thuật tạo hình, chất liệu vật chất (material) là phương tiện chủ yếu để thể hiện một tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ như sơn mài, sơn dầu, bột màu, thuốc nước một vẻ đẹp đặc thù, đòi hỏi một kỹ thuật thể hiện riêng. Vẻ đẹp tạo chất là một phần quan trọng trong các loại hình mỹ thuật. Nếu như người nghệ sĩ không am hiểu, tinh tường ngôn ngữ đặc thù của từng chất liệu thì rất khó sáng tạo nên những hình thức tạo hình đẹp mắt. Bởi vậy, chất liệu trong sáng tác mỹ thuật không ngừng được tìm tòi và khai thác. Chất liệu không những gây ấn tượng, hấp dẫn người xem bởi tính vật lý của nó, mà còn tạo nên khả năng biểu cảm riêng của từng chất liệu. Đó chính là tinh thần, là hồn cốt của chất liệu, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong một tác phẩm mỹ thuật. Giấy là vật liệu dạng lá mỏng, dùng để viết, in, vẽ hoặc gói bọc, cấu tạo chủ yếu từ xơ, sợi thực vật (tre, nứa, gỗ…) được nghiền thành bột (xenlulozơ), liên kết với nhau bằng lực liên kết bề mặt. Để giấy có những tính chất xác định, người ta cho thêm vào bột giấy chất độn khoáng, chất kết dính và một số chất khác. Có hơn 600 loại giấy ở dạng cuộn, súc, tờ. Người phát minh ra giấy đầu tiên được cho là Thái Luân, người Trung Quốc, khoảng đầu năm 105 sau Công nguyên. Đến thế kỉ 3, nghề làm giấy được truyền sang Việt Nam. Vùng Bưởi (Hà Nội) là nơi sản xuất giấy từ lâu đời. Có thể thấy “chất liệu giấy” là loại vật liệu được chế biến từ nguyên liệu chính là tre, nứa, gỗ cộng thêm một số chất khác để tạo nên những loại giấy dạng cuộn, súc, tờ... phục vụ đời sống như in, viết, vẽ, gói, bọc... Trong nghệ thuật Nhật Bản, giấy là chất liệu để nghệ sĩ sáng tác nên những hình tượng nghệ thuật bằng cách gấp gọi là origami... Giấy màu và các loại giấy khác được sử dụng như một vật liệu để làm hoa giấy, tranh giấy... Trong lĩnh vực tạo hình, giấy được coi như một chất liệu để người nghệ sĩ sáng tạo. Giấy được sử dụng để vẽ tranh, in tranh, làm phác thảo, bồi tranh, làm tác phẩm điêu khắc. Là một loại hình của mỹ thuật, các tác phẩm điêu khắc được sáng tạo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều (tượng tròn) hoặc hai chiều rưỡi (phù điêu) và chịu sự chi phối của những quy luật tạo hình. Các tác phẩm điêu khắc tượng tròn được tạo dựng trong không gian thực theo qui luật của sự hài hòa, nhịp điệu, cân bằng và tương quan với môi trường thiên nhiên và môi trường kiến trúc. Với phù điêu thì hình tượng nghệ thuật được bố cục, sắp đặt và thể hiện theo những nguyên tắc tạo hình trên mặt phẳng nền của chính nó. Các nhà điêu khắc sáng tác các tác phẩm bằng cách đắp, hay loại bỏ như đục, khắc, hoặc có thể được lắp ráp như hàn, làm cứng như đúc, đổ khuôn... Khác với hội họa là diễn tả không gian ba chiều trên một mặt phẳng thì điêu khắc được thể hiện bằng hình khối cụ thể trong không gian ba chiều. Trong nghệ thuật điêu khắc có sự gắn kết giữa tượng, phù điêu và không gian xung quanh. Mỗi đường nét, hình khối của tác phẩm điêu khắc không chỉ làm đẹp cho riêng nó mà còn có giá trị bởi sự kết hợp hài hòa, tương hỗ qua lại giữa nội dung, đường nét, hình khối với vị trí của tác phẩm trong không gian.
Công dụng và nội dung của tác phẩm điêu khắc xác định tính chất cấu trúc tạo hình tác phẩm và cấu trúc đó sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn vật liệu. Các kỹ thuật điêu khắc phụ thuộc vào phương thức gia công vật liệu. Với các vật liệu mềm như đất sét, sáp, plastilin - dùng phương thức nặn tượng. Những chất rắn như các loại đá, gỗ… được gia công bằng cách đục, đèo, gọt, chạm khắc loại bỏ những bộ phận không cần thiết của vật liệu để làm lộ dần các hình khối. Các vật liệu có khả năng chuyển từ lỏng sang rắn (kim loại, thạch cao, bê tông, chất dẻo...) được dùng để đúc các tác phẩm nhờ khuôn. Kim loại ở dạng không nóng chảy trong điêu khắc sẽ được gia công bằng cách rèn, rập nổi, hàn, cắt. Với điêu khắc gốm dùng kỹ thuật nặn, vẽ, tráng men và nung. Màu trong các tác phẩm điêu khắc khá đa dạng từ màu tự nhiên của vật liệu cho đến việc tạo màu đơn sắc, đa sắc.... Điêu khắc ngày nay không chỉ còn đơn thuần là cắt bỏ, đục đẽo, đúc đổ... mô phỏng các hình tượng trong cuộc sống mà nó đã mở rộng, đa dạng về cách thể hiện cũng như sử dụng chất liệu. Từ những thứ tưởng như không còn sử dụng được là các chất liệu phế thải đến những sợi dây thép mỏng manh, hay các loại giấy...cũng trở thành chất liệu của nghệ thuật điêu khắc. Các tác phẩm điêu khắc ngày nay không nhất thiết phải đứng trên bệ, ngay ngắn trong phòng, mà có thể hòa mình, tương tác giữa cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và kiến trúc. Chúng xuất hiện với những hình thức, chủ đề và bối cảnh mới, thể hiện những quan điểm nghệ thuật mở rộng hơn. Trong đó chất liệu và hình thức là hai yếu tố quan trọng quyết định sự biểu hiện của tác phẩm. “Trong vòng một thế kỷ trở lại đây, phạm vi sử dụng các chất liệu trong điêu khắc đã làm nên một cuộc cách mạng không chỉ là sự đa dạng về chất liệu, mà xa hơn là những phương cách truyền đạt thông tin nghệ thuật một cách chủ động từ chính chất liệu cấu thành, kiến tạo nên tác phẩm mỹ thuật. Chất liệu trong điêu khắc ngày nay không đơn thuần chỉ là một phương tiện xây dựng, kiến tạo nên tác phẩm, hay kết hợp chúng với nhau chỉ để tạo hiệu quả bề mặt, mà quan trọng hơn là thông qua chất liệu sử dụng nhà điêu khắc bộc lộ nhận thức và thái độ của mình với cuộc sống.” Như vậy chất liệu giấy vật liệu dạng cuộn, xúc, tờ được chế biến từ xơ, sợi thực vật vốn được sử dụng để viết, vẽ, in tranh...đã được dùng như một nguyên liệu chính hoặc chỉ được sử dụng như một thành phần hay kết hợp với các chất liệu khác trong điêu khắc hiện đại, tùy theo ý tưởng và phương thức tạo hình của người nghệ sĩ. Giấy có thể tạo khối với nguyên chất liệu, hay được chế biến trở thành một nguyên liệu mới cho thấy tính năng phong phú của nó trong tạo hình. Giấy đã mang lại cho tác phẩm điêu khắc những giá trị tự thân, vẻ đẹp tạo hình riêng cũng như cảm hứng sáng tác của loại hình điêu khắc sử dụng hình khối trong không gian.
2. Lược sử phát triển của chất liệu và kỹ thuật tạo hình chất liệu giấy trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam
a. Chất liệu giấy với kỹ thuật tạo hình trong điêu khắc cổ Việt Nam: Trong điêu khắc, giấy được tham gia với tính chất là thành phần của vật liệu sớm nhất là trong điêu khắc Phật giáo cổ Việt Nam. Theo thống kê, trong hệ thống tượng chùa, tượng đất sét không kém gì tượng gỗ cả về số lượng và chất lượng. Đất sét tuy không bền nhưng với những sáng tạo của cha ông ta khi trộn thêm các chất phụ gia trong đó có giấy bản đã làm cho đất sét có độ bền cao. Đất sét kết hợp với một số nguyên liệu tự nhiên như mùn cưa, vôi, mật mía, nhựa cây trám, vỏ trấu giã nhỏ, đặc biệt là giấy bản (giấy dó) đã tạo nên một chất liệu có khả năng tạo hình phong phú, thẩm mỹ, mang bản sắc dân tộc cho các tượng Phật giáo.
Giấy dó là một loại giấy được sản xuất từ vỏ cây dó theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề ở Việt Nam. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước với khoảng ba tháng, sau khi bóc bỏ lớp vỏ đen sẽ được giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò để tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này được pha với nước nhiều hay ít tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng “liềm seo” (khuôn có mành trúc, nửa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột đó trên liềm sẽ được ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng để trở thành giấy dó. Xơ dó kết lại với nhau như mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho giấy dó có độ xốp, nhẹ. Giấy dó không chỉ được tạo nên từ các công cụ thủ công bằng tre, gỗ mà còn được làm khô dưới ánh sáng tự nhiên. Giấy dó có một số những ưu điểm như độ xốp nhẹ, bền dai, dễ ăn màu, mực, không nhoè khi viết, vẽ, in. Hơn nữa giấy dó ít bị mối mọt, hay giòn gãy, ẩm nát như nhiều loại giấy hiện đại và có độ bền khá cao. Trong một số làng nghề làm tượng đất cổ, các nghệ nhân đã sử dụng giấy dó để tạo chất liệu có tính liên kết cao. Người ta trộn giấy dó ngâm nước với đất sét luyện kỹ cùng với trấu, vôi sống để làm cốt tượng, rồi sơn son thếp vàng bên ngoài hay để làm khuôn đúc tượng đồng, chuông đồng... Theo nghiên cứu của Viện bảo tồn di tích, phương pháp làm tượng đất cổ truyền của ông cha ta không có sự đúc kết thành sách vở mà là truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua sưu tầm các kinh nghiệm làm tượng đất cổ tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tây) các nhà nghiên cứu đã tổng hợp được qui trình gồm bốn công đoạn: Chuẩn bị nguyên liệu - Phối trộn nguyên liệu tạo cốt tượng - Tạo cốt tượng - Tạo lớp phủ. Trong quy trình làm tượng đất sơn thếp cổ truyền này, giấy bản hay giấy dó được sử dụng như một thành phần trong chất liệu tạo sự liên kết, hút ẩm.
Đất chọn làm tượng phải là đất sét lấy từ ruộng sạch để phù hợp với nơi tôn nghiêm, thanh tịnh của chốn cửa Phật. Đất lấy lên được đem phơi khô, sau đó đập nhỏ thành bột rồi sàng lọc để loại bỏ các hạt sạn. Khi bột đất mịn, sờ mát tay mới được dùng làm tượng. Bột đất sét này được nhào trộn với nước vôi, rễ cây si, mật mía, mùn cưa, vỏ trấu và giấy bản ... Việc sử dụng giấy bản trộn lẫn với đất sét có tác dụng làm cho tượng hạn chế được sự nứt nẻ, tăng độ dẻo mềm, giữ độ ẩm tối đa trong quá trình thoát hơi nước của đất. Các phụ gia không chỉ có tác dụng làm cho tượng có độ bền chắc, liên kết cao mà còn chống được mối, một xâm hại. Dựa trên hình tướng của tượng, các nghệ nhân sẽ dùng các thanh tre hay cành gỗ mít buộc bằng lạt hay rễ si để dựng lên bộ khung xương cho tượng. Bên trong bộ khung này được nhét thêm rơm rạ tạo sự ổn định, chắc chắn cho tượng. Trên cơ sở bộ khung đó, nghệ nhân dùng hỗn hợp đất sét đã luyện kỹ đắp dần từng lớp để tạo khối và các chi tiết của tượng. Tượng được ủ cho khô dần để tránh hiện tượng nứt do co ngót đột ngột. Các khối của tượng sau khi cơ bản hoàn thành thì nghệ nhân mới bắt đầu đi sâu vào diễn tả khối nhỏ, gọt tỉa các chi tiết và làm bóng bề mặt. Công việc cuối cùng là bó thếp sơn ta theo qui trình phủ sơn, thếp bạc, toát cánh gián, tô vẽ rồi phủ bóng. Với kỹ thuật sơn phủ công phu, thếp vàng, thoạt nhìn khó có thể phân biệt được đó là tượng đất sét hay tượng gỗ. Do tượng đất có đặc thù hút ẩm, độ cứng không cao nên thường được đặt nguyên tại một vị trí không bao giờ di chuyển, kể cả khi trùng tu chùa và luôn phải tránh mọi va đập mạnh. Tượng làm bằng đất nếu gặp mưa gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó các tượng đất bắt buộc phải để trong chùa, được che chắn cẩn thận. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại hơn 400 năm mà vẫn đẹp.
Ưu điểm của chất liệu đất sét là có thể chủ động trong việc tạo hình những tượng có kích thước lớn. Với kỹ thuật đắp đất, nghệ nhân có thể dễ dàng trong việc tạo khối, thể hiện các dáng sinh động của tượng hơn so với tượng gỗ hay tượng đá. Hơn nữa đất sét nhờ có thêm các chất phụ gia mà có tính năng thuận lợi là khi đắp tượng thì mềm, quánh, đàn hồi, khi khô lại rắn chắc. Đất sét có độ hút ẩm cao, tính chất này có được là do hiệu quả của các chất như vỏ trấu, mùn cưa và đặc biệt là chất liệu giấy dó trong thành phần. Bột giấy dó cũng tạo cho bề mặt tượng Phật độ xốp, thẩm màu làm nên sắc trầm, sâu cho tượng khi sơn son, thếp vàng, phủ sơn.
Một trong những bộ tượng đất sét cổ đạt được giá trị về tạo khối lớn và hiệu quả trang trí là tượng Hộ Pháp. Tượng Hộ Pháp thường có kích thước lớn, cao tới 3 - 4 m, nếu sử dụng gỗ cần phải là loại gỗ có đường kính 2-3 m, rất khó tìm. Những bộ tượng Hộ Pháp đất đẹp nhất hiện đang đặt ở chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Dương Liễu, chùa Mía... Trong số đó lớn nhất là tượng Hộ Pháp chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất ước lượng vài tấn, có niên đại thế kỷ 19. Ngoài tượng Hộ Pháp còn nhiều loại tượng khác cũng được làm bằng chất liệu này như: tượng La Hán, tượng Kim Cương, tượng Bồ Tát, các động tượng Phật... Có thể thấy đất sét ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có giá trị đặc thù về chất liệu, không chỉ rẻ tiền, dễ kiếm mà còn đơn giản trong việc tạo tác, làm khuôn hơn nhiều so với tượng làm bằng các chất liệu như gỗ, đá, đồng. Có lẽ vì vậy mà số lượng tượng đất sét ở các ngôi chùa làng thường nhiều hơn so với các ngôi chùa lớn do triều đình, quan lại xây dựng. Về niên đại, theo thống kê của các nhà khảo cổ học, tại các ngôi chùa cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tượng đất sét phổ biến có niên đại vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, rất ít tượng có niên đại sớm hơn thế kỷ 18 hoặc 17. Hầu như không tìm thấy tượng đất sét có niên đại từ thế kỷ 17 trở về trước. Cũng có ý kiến cho rằng nghệ thuật làm tượng đất ở nước ta đã có từ thời sơ sử. Do tượng đất có độ bền không cao, lại thường xuyên phải đối mặt với mưa lũ khi chùa bị ngập hay nhà dột mặc dù tượng đã được phủ sơn. Có lẽ vì lý do này mà đến nay không tìm thấy một pho tượng đất nào từ thời Lý Trần cho đến trước thế kỷ 17. Ngoài các chùa thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tượng đất sét còn xuất hiện nhiều ở Nam Bộ, tiêu biểu có Chùa Đất. Nếu tượng đất sét ở Nam Bộ thô mộc, ít được sơn phết và tạo hình đơn giản, thì tượng đất sét ở Bắc Bộ lại được tạo tác công phu, mang tính nghệ thuật cao. Ngày nay, thời đại của những pho tượng đồng, tượng đá, và tượng gỗ thì tượng đất sét đang nằm trong nguy cơ thất truyền. Tượng cổ bằng đất sét nguyên vẹn, có giá trị còn bảo lưu được đến ngày nay khá nhiều như pho Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát ở chùa Sủi (Bắc Ninh); tượng Tứ Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, tượng Phật Thích Ca, tượng Tuyết Sơn ở chùa Mía (Hà Nội), pho A Di Đà ở chùa Đậu (Hà Nội)... Tượng Hộ Pháp điển hình như Hộ Pháp ở chùa Mía, chùa Thầy, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Chuông...
Chùa Mía ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nổi tiếng với gần 300 pho tượng cổ, trong đó phần lớn là tượng đất sét điển hình cho nghệ thuật tượng đất của các nghệ nhân xưa. Trong đó nổi bật là bộ tượng Bát bộ Kim Cương, Khuyến Thiện và Trừng Ác. Những vị thần Hộ Pháp của Phật giáo này không chỉ đẹp về hình khối mà còn sinh động về tạo dáng, trang phục, khí giới và nghệ thuật trang trí trên tượng. Ngoài ra chùa Mía còn có nhiều động bằng đất mô tả những giai đoạn trong cuộc đời của Đức Phật với những pho tượng nhỏ, chỉ cao khoảng vài chục cm nhưng chi tiết diễn tả rất tinh tế. Nổi tiếng về tượng và động Phật bằng đất sét phải kể đến chùa Kiến Sơ, ngôi chùa nổi tiếng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Đó là những tòa động liên hoàn bằng đất: động Cửu Long dài 8m, cao 3m, sâu 2m, gồm 5 tòa động liên hoàn. Hai bên động tái hiện tích truyện Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ Ngài bị hành hạ khắc nghiệt dưới địa ngục; và động Tây Du Ký diễn tả thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ba tòa động chính đều có vòm là những mây, rồng xoắn xuýt tạo thành, ngự trên mây có rất nhiều chư Phật, Bồ tát, A Di Đà và các thần tướng nhà trời. Những tòa động đất sét cùng phong cách này trong các ngôi chùa cổ như chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Chuông (Hưng Yên)... Chùa Nôm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một trong số chùa có số tượng đất khá lớn tới 100 pho, chiếm giữ kỷ lục về số lượng tượng đất trong hệ thống chùa cổ ở Bắc Bộ. Trải qua hàng trăm năm, đã từng nhiều lần bị ngập chìm trong nước nhưng những pho tượng này vẫn còn nguyên vẹn mà chưa cần phải tu sửa. Ngay cả lớp sơn phủ bên ngoài cũng vẫn nguyên bản. Điều này cho thấy độ bền đáng ngạc nhiên của chất liệu đất sét khi chịu sự ảnh hưởng của nước. Cũng thuộc tỉnh Hưng Yên còn có chùa Chuông, đặc sắc nhất tại đây chính là hệ thống các pho tượng được tạo tác rất tinh xảo bằng đất sét. Trong đó có bộ tượng Thập bát La Hán với những tư thế ngồi sinh động đời thường, không chỉ đặc sắc về tạo hình mà còn ở cảm xúc nội tâm được biểu hiện trên từng khuôn mặt. Bộ Thập bát La Hán này bằng đất sét để mộc, không sơn phết, được đánh giá là một trong những bộ tượng đẹp của Việt Nam. Chùa Chuông còn có 2 động được đắp bằng đất sét tả cảnh Đường Tăng đi lấy kinh, cảnh địa ngục ở hai bên hành lang khuyên răn mỗi con người phải biết tu nhân, tích đức.
b. Chất liệu và kỹ thuật tạo hình giấy trong điêu khắc hiện đại Việt Nam: Học tập từ cách sử dụng giấy dó trong tạo hình tượng đất sét truyền thống với những ưu thế về tạo khối, tạo chất và thể hiện màu sắc, một số nhà điêu khắc Việt Nam đã tiếp thu, sáng tạo trong những tác phẩm điêu khắc hiện đại. Bồi các lớp giấy báo, tạo khối nổi như cách bồi mặt nạ có tác phẩm “Khe hở” của tác giả Nguyễn An trong triển lãm điêu khắc toàn quốc 2003 - 2013. Sử dụng giấy dó bồi trên cốt tự nhiên có sẵn thể hiện những ý tưởng về cuộc sống đương đại có tác phẩm của Lê Lạng Lương hay điêu khắc sắp đặt của Lê Hiền Minh. Dùng các loại giấy bìa như carton, tạp chí để sáng tác điêu khắc sắp đặt có tác phẩm của họa sĩ Vũ Dân Tân, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Tái chế giấy phế liệu trở thành một dạng bột có màu là những sáng tác điêu khắc của Thái Nhật Minh...
Bột giấy trong nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2015 là một chất liệu dạng bột được làm từ các loại giấy phế thải theo phương pháp thủ công. Giấy phế thải được ngâm nước, vò nát và nghiền nhỏ thành dạng bột. Đây là một kỹ thuật do nhà điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh sáng tạo, tìm tòi, thể nghiệm và hoàn thiện dần trong quá trình sáng tác. Sau này anh đã trao đổi kinh nghiệm với một số đồng nghiệp và sinh viên của mình. Về cơ bản bột giấy được làm theo nguyên tắc và kỹ thuật của Thái Nhật Minh, tuy nhiên mỗi nghệ sĩ có những sáng tạo riêng cho tác phẩm điêu khắc sử dụng chất liệu bột giấy của mình.
Kỹ thuật làm bột giấy của Thái Nhật Minh khá đơn giản, theo cách làm thủ công. Giấy được sử dụng để tạo bột giấy có thể là bất cứ loại giấy nào: từ giấy trắng, giấy báo, giấy vở cho đến giấy vẽ... Tuy nhiên để tiết kiệm, anh thường dùng các loại giấy cũ, giấy phế thải cho những lớp bên trong, còn giấy trắng sẽ được dùng cho lớp ngoài cùng để khi trộn với màu sẽ đạt được sắc độ như mong muốn. Giấy sau khi ngâm nước sẽ được vò nát, làm nhỏ và tạo độ khô nhất định qua phương thức chà sát trong một chiếc rá. Bột giấy sau đó sẽ được trộn với keo sữa và màu nước hoặc acrylic để tạo thành một hỗn hợp có sắc màu tươi, mềm, quánh, dính như đất sét. Hỗn hợp bột giấy này có thể sử dụng trong vòng một tháng, chỉ cần bảo quản ở nơi thoáng mát.
THÁI NHẬT MINH - Những con mèo - Tượng giấy, sắp đặt trên tường cao 3,4m
Triển lãm “New form 1" tại Vietnam Sculpture Gallery, Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: Vnexpress.net
Để có thể tạo hình bột giấy theo ý muốn, cũng giống như tượng đất, người nghệ sĩ phải tạo cốt cho tác phẩm. Cốt trong tác phẩm điêu khắc bột giấy nói chung và của Thái Nhật Minh nói riêng cũng rất đơn giản. Chúng được hàn từ những ống đồng rỗng với nhiều kích cỡ khác nhau. Đồng vừa có độ cứng nhất định vừa dễ uốn lại không rỉ khi gặp nước. Để tạo phom, dáng cho tác phẩm, anh dùng giấy báo vo thành khối theo hình gần sát với ý tưởng rồi cố định lại bằng băng dính và gắn vào cốt đồng. Khi đã có một bộ khung và cấu trúc cơ bản, tác phẩm sẽ được tạo hình bằng cách đắp các lớp bột giấy theo nguyên tắc nhiều lớp. Đây là công đoạn tỉ mỉ, công phu và mất khá nhiều thời gian vì phải chờ khô từng lớp mới được đắp thêm lớp mới. Kỹ thuật đắp được sử dụng chính trong tạo hình tác phẩm của anh, tuy nhiên bột giấy cũng cho phép loại bỏ những phần dư thừa bằng cách lấy bớt khi ướt hay gọt bỏ khi khô. Kỹ thuật đắp giấy có ưu thế hơn so với kỹ thuật bồi giấy bởi nó cho phép người nghệ sĩ chủ động trong tạo hình, khối, kết cấu bề mặt. Với một số nhà điêu khắc khác, để tìm sự thay đổi cho việc tạo hình bột giấy trong sáng tác, họ đã tìm cách thay đổi linh hoạt các loại cốt của tác phẩm. Cốt không hàn từ những ống đồng như trong tác phẩm của Thái Nhật Minh nữa mà được sử dụng từ những vật dụng có sẵn có hình dạng gần giống với hình khối của tác phẩm. Sau đó cốt này cũng được bọc thêm giấy phế thải để tạo khối cho gần nhất với ý đồ trước khi được bồi bột giấy ở lớp ngoài cùng. Cũng sử dụng bột giấy trên cốt sắt thép nhưng Vũ Bình Minh lại sử dụng ngay bột giấy sẵn có độ sần sùi thô nháp tự nhiên lấy từ làng nghề Đống Cao quê hương Bắc Ninh của anh để tạo hình. Về cơ bản qui trình làm tượng cũng giống như cách làm của Thái Nhật Minh, chỉ khác chất liệu bột giấy và cách tạo màu sẽ cho ra những chất cảm khác nhau. Nếu Thái Nhật Minh nghiền giấy mịn trộn keo và màu cho ngấm đều thành các khối màu để tạo hình thì Vũ Bình Minh dùng bút lông tô màu nước và vờn khối trên tác phẩm đã hoàn thiện về tạo hình. Do vậy màu có độ chuyển, độ bóng, nhiều sắc độ phù hợp với cách tạo hình lớn mang phong cách hiện thực trong tác phẩm của anh.
VŨ BÌNH MINH - Trong làng 2014. Bột giấy, thép, keo, màu nước
Triển lãm festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ 3 tại trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam - Nguồn Ảnh: Vũ Bình Minh
Với giấy bìa, ngay từ năm 2000 Vũ Dân Tân đã sử dụng bìa carton để tạo một loạt tác phẩm với tên gọi “Thời trang”. Đó là những chiếc áo dạng gi-lê được cắt ghép, trổ, gấp, buộc bằng những sợi dây. Cách làm của ông hoàn toàn theo phương pháp thủ công, dùng giấy carton có độ dày, cứng nhất định rồi cắt thành những miếng theo hình dáng, kết cấu, khối hình của chiếc áo dạng hai thân, xẻ nách, mở ngực. Sử dụng cách gấp các mảnh theo các chiều khác nhau, cách ghép các mảng hình bằng cách buộc dây ở vai, sườn, ngực áo. Một số bộ có thêm những miếng đáp ở dưới áo, hoặc thêm chiếc quần soóc. Tác phẩm do vậy có thể đứng được trên bục bệ, có thể treo trên các mắc áo hay trên tường. Và quan trọng hơn là nó gợi được khối thực của cơ thể mặc trang phục đó. Để tạo sự thay đổi hay phong phú cho mảng, nét rỗng nhấn mạnh đến khối tròn của ngực, khối thắt của eo, những nét dọc, ngang, tác phẩm, đồng thời gợi khối và yếu tố trang trí, tác giả đã dùng cách trổ thêm những hình, tam giác, vuông tròn, thậm chí cả nét vẽ trên áo tạo hình, tạo khối. Cùng với giấy dạng cứng nhưng lấy từ các tạp chí có ảnh của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã có một cách sáng tạo riêng cho các chủ ga trống trong triểm lãm điêu khắc sắp đặt “Gà: chip, chic, chicky”. Theo anh ngày xưa ông cha ta đã có kỹ thuật bồi giấy dó để tạo các tác phẩm nghệ thuật, hiện nay có nhiều loại giấy dễ kiếm, rẻ tiền có thể áp dụng kỹ thuật xưa. Anh thưởng chọn giấy báo của các tạp chí nước ngoài như tạp chí điện ảnh, thời trang, du lịch... giẫy của những tạp chí này thường có độ dai, mịn, hình ảnh và màu sắc đẹp để bồi lớp bên ngoài của tác phẩm. Sử dụng các vật liệu khá đơn giản như keo, hồ, dây thép, lạt buộc giấy báo, thạch cao cùng kỹ thuật thủ công dân gian là bồi giấy, bằng bàn tay điêu luyện, sự sáng tạo, Đình Công Đạt đã tạo ra nhiều chú gà với hình khối, kích thước, dáng điệu sinh động. Để tạo hình khối lớn cho các chú gà, thay vì cốt bằng thép, đất, giấy vò hay bột giấy như các nhà điêu khắc khác, Đinh Công Đạt đã sử dụng ngay các kỹ thuật nặn và đổ khuôn các chú gà bằng chất liệu thạch cao. Trên khuôn chắc chắn đó anh bồi dần giấy báo bên ngoài cho đến khi ưng ý và lớp giấy ngoài cùng sử dụng các báo tạp chí có hình ảnh, màu sắc sinh động. Đợi cho lớp giấy báo khô lớp hồ đi mới dùng dao rạch lớp giấy bồi để lấy ra khỏi khuôn và hoàn thiện tổng thể khối. Các chi tiết như mào gà có thể dán thêm vào, phần chân được làm bằng thép rồi bồi giấy bên ngoài. Khó nhất là làm chân cho những cô gà mái, bởi với những dáng chúi về phía trước, phải khéo léo điều chỉnh mới có thể giữ cho gà đứng vững mà không bị đổ. Những chiếc bìa có ghi thông tin được gắn vào chân gà theo cách buộc lạt. Giấy dó bồi trong điêu khắc hiện đại được hai nhà điêu khắc tiêu biểu sử dụng là Lê Lạng Lương và Lê Hiền Minh.
VŨ DÂN TÂN - Thời trang - 2012. Giấy bìa. Cát, trổ, dán
Triển lãm “Vệ nữ ở Việt Nam" tại Viện Goethe 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội - http://www.xaluan.com
Với nghệ sĩ Lê Hiền Minh, giấy dó được chị sử dụng linh hoạt, khi để nguyên giấy với màu vàng nâu, chất gai xốp để bồi dần hàng trăm quyển sách trong triển lãm “Bố Hạo”. Có khi chị lại bồi giấy dó trên chính cơ thể mình để tạo thành tác phẩm có hình hài con người rồi thử thách, chiêm nghiệm quá trình phân giải của tác phẩm ngoài tự nhiên. Có khi chị trộn giấy dó với bột gạo của Hàn Quốc rồi nặn thành hình những con chim trong triển lãm sắt đặt cùng tên.
LÊ HIỀN MINH - Thân thể - 2010. Sắp đặt điêu khắc. Giấy dó - Ảnh: lehienminh.co
LÊ LẠNG LƯƠNG - Giấy bồi - 2011. Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ảnh: http://ape.gov.vn
Với nhà điêu khắc Lê Lạng Lương anh có cách tạo cốt cho tác phẩm có khối ba chiều. học tập từ cách làm tượng trong nghệ thuật điêu khắc tượng đất cổ Việt Nam. Đó là cách tạo cốt cho tác phẩm điêu khắc bằng cách đan rọ tre, rồi đắp đất thô, bên ngoài bồi giấy dó kết hợp với sơn hay thếp vàng. Với những tác phẩm dạng phù điêu thì cách làm gần giống với cách làm của Thái Nhật Minh. Đó là tạo cốt bằng những ống đồng hay thép uốn, hoặc cốt là những vật có sẵn gần giống với hình khối mong muốn. Để tạo thêm khối có thể dùng giấy vò độn thêm sau đó dùng giấy, bồi dần nhiều lớp. Những lớp này có thể dùng nhiều loại giấy nhưng riêng lớp ngoài cùng dùng giấy dó hoặc giấy xuyến chỉ để tạo chất, màu và những yếu tố trang trí cho tác phẩm có hiệu quả thị giác cao. Theo anh hai loại giấy này không chỉ có chất cảm đẹp mà còn có độ hút, loang nhòe, độ thấm giữ màu tươi sáng đối với màu nước hoặc màu acrylic.
Tài liệu là tài liệu sưu tầm chỉ mang tính tham khảo
- Nguồn: Theo sách “Chất liệu giấy trong Nghệ thuật Điêu khắc Việt Nam giai đoạn 2000 – 2015”
của tác giả Đặng Thị Phong Lan -
>>> Nghệ thuật điêu khắc củ quả chủ đề Tôm và Cá
>>> Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật (Phần 1)