Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)
1. Hình (Shape): Hình là thuật ngữ khá chung chung nói tới dáng vẻ bề ngoài của vật thể, con vật, con người, cảnh quan… do tự thân tồn tại. Chúng ta sẽ nhận diện được “hình” nếu nó biểu hiện của thể rắn và chúng ta rất khó nhận thấy được nếu đối tượng thuộc thể hơi, thể lỏng ở trạng thái mờ ảo, không có sự định hình (đám mây, làn khói, dòng nước…).
Chúng ta đang nói về hình và cần mở rộng đến “hình vẽ” và một số thuật ngữ khác.
Vậy khi nói về “hình” chúng ta quan tâm đến ba hướng chính để hình dung, hiểu và đánh giá. Một hình là đối tượng khách quan, tồn tại bên ngoài người nhìn, hay chủ thể sáng tạo. Lúc này hình xuất hiện qua dáng vẻ của con vật, con người, đồ vật, cảnh quan (không phải là “hình vẽ”). Đây là “hình” thuộc dạng tự nhiên không hay chưa thông qua sự sáng tạo. Ở dạng này hình la sản phẩm của cõi tự nhiên (hình thái vô cùng tự nhiên…). Hai là “hình” là dạng “hình vẽ” do con người vẽ, sáng tạo ra phục vụ cho lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mỹ thuật, kiến trúc (hình mang dấu ấn chủ quan của người vẽ). Đây mới chính là sản phẩm của con người với đầy đủ lý tính, cảm tính, tình yêu nghệ thuật cùng khát vọng sáng tạo gián tiếp thể hiện ý muốn tiếp cận Cái Mỹ (một trong ba chân lý: Chân, Thiện và Mỹ)… Ba là “Hình” là thuật ngữ nói về hình thức thể hiện ý tưởng, cảm xúc trừu tượng bằng ngôn ngữ thị giác (hình thức nghệ thuật). Từ ý nghĩa này, thuật ngữ “tạo hình” là dạng ngôn ngữ sáng tạo xuất hiện và biến đổi trong suốt quá trình tư duy, nghiên cứu để làm hiển thị ý tưởng trừu tượng thành ngôn ngữ thị giác mang dấu ấn của cảm xúc thẩm mỹ và giá trị sáng tạo, cái Riêng, tính mới sự độc đáo.
Khi nghiên cứu “hình vẽ” như là dạng bài thực hành của môn hình họa. Ở bài hình họa ngầm ẩn chứa khả năng, thị hiếu của người học và làm bài. Về cách đánh giá bài hình họa thường bao gồm các tiêu chí cơ bản như sau: tính trung thực, tính khoa học, tính sáng tạo, tính thẩm mỹ.
Chúng ta ai cũng biết rằng trong thực tế đời sống xưa nay, vạn vật, con người xuất hiện trong thế giới thiên nhiên lẫn nhân tạo. Trong mỗi lĩnh vực này tồn tại hình thái, khái niệm về “hình” không giống nhau.
Xuất phát từ điều vừa nói, các nhà sư phamj khái quát phân chia hình căn cứ vào hai lĩnh vực thiên nhiên và nhân tạo. Tiêu biểu cho nhân tạo là toán học. từ đó họ chia hình ra hai lĩnh vực như sau:
Hình kỷ hà
Hình tự nhiên
Tranh của họa sỹ Henri Matisse
Tranh của họa sỹ Mondriant
Tranh của họa sỹ Henri-Rousseau
* Một là “hình theo hình thái tự nhiên, thiên nhiên hay hình sinh học”. Đây là loại hình có dáng vẻ thoải mái, nhẹ nhàng mang dấu ấn của cảm xúc, linh hoạt, mang hơi hướng tự nhiên: (như đóa hoa, chiếc lá, cái bình nước… Về biểu hiện thì hình tự nhiên cho thấy sự phóng khoáng thông qua các nét cong. Dường như nét cong là chủ đạo. Vì hình theo dạng tự nhiên thường có sự biến tấu ngẫu hứng cho nên cấu trúc của nó là những hình nét không rõ ràng, không theo quy ước. Chính vì vậy, ít ai đánh đồng những đặc điểm của hình này như là “Hình trong lĩnh vực toán học, hình học”.
Như đã nói “hình tự nhiên” thường biểu hiện bằng đường nét cong mềm mại và loại đường nét này giữ vai trò “chủ đạo” (xem tranh của họa sỹ Henry Rousseau và Henri Matisse).
* Hai là hình trong lĩnh vực nhân tạo như: hình học, toán học. Dạng này mang tính lý trí và được gọi là “hình theo dạng hình học”. Đây là những dạng hình kỷ hà có quy ước. Do đó chúng ta có thể gọi tên, định nghĩa, tính toán công thức về hình dạng này.
Xưa nay, các nghệ sỹ thị giác, học sinh học mỹ thuật thường ứng dụng loại hình kỷ hà để xây dựng, tìm cảm hứng tạo hình tác phẩm của mình với mục tiêu vì giá trị sáng tạo chứ không vì cấu trúc kỷ hà hay toán học.
Hình trong môn Hình họa
Hình trong tranh
Hình trong tranh của họa sỹ Kristopher Orr
Hình trong tranh của họa sỹ Bernard Buffet
Hình trong tranh của họa sỹ Ferrnando Botero
Hình trong tranh của họa sỹ Leonard de Vinci
Hình trong tranh của họa sỹ Pablo Picasso
Trong nghệ thuật trừu tượng có loại mang ngôn ngữ mang âm hưởng hình kỷ hà và nó được liệt vào khuynh hướng trừu tượng hình học. Khuynh hướng trừu tượng hình học rất khác với khuynh hướng “Trừu tượng biểu hiện” ở chỗ là hình tượng của nó luôn mang dấu ấn của các hình kỷ hà. Còn ngôn ngữ trừu tượng cảm xúc thường phóng khoáng, mạnh bạo chứ không khô cứng như khuynh hướng trừu tượng hình học.
Về biểu hiện và ứng dụng thì hình trong toán học gắn với hình kỷ hà với các nét thẳng, gãy gọn (khuynh hướng lập thể, trừu tượng hình học như các tác phẩm của Fernand Léger với tác phẩm “Người lính và chiếc píp”, họa sỹ Piet Mondriant với những tác phẩm toàn hình kỷ hà, trong đó có tác phẩm “Bố cục số 2 với màu Đỏ, màu Xanh da trời và màu Vàng”. Còn họa sỹ Vaserely, phái Op Art chuyên sử dụng hình nét hình học để tạo nên những tác phẩm thể hiện thị ảo giác độc đáo.
2. Hình ảnh (Picture):
Thuật ngữ này nói chung về hình để phan biệt với văn tự, chữ nghĩa. Chúng ta có thuật ngữ “Nghệ thuật hình ảnh”. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh thì hình do máy ảnh ghi được gọi là hình ảnh. Đặc điểm của nó gắn với cái máy ảnh. Hình ảnh loại này bị lệ thuộc bởi sự ghi nhận của cái máy, cho nên “hình ảnh” không cho thấy cảm xúc, sự rung động, kỹ năng vẽ tay, tính sáng tạo, cái Riêng của người vẽ. Trên thực tế thì thuật ngữ “hình ảnh” mang nghĩa chung chung.
Thông thường người ta gọi “hình ảnh” là hình do mắt thấy trong quá trình sinh hoạt đời sống. Những hình ảnh mà con người thấy, ghi nhận trở thành kho tàng ký ức về hình ảnh. Trên thực tế chúng ta thấy hình ảnh do vô tình lẫn cố ý. Cho dù cố ý hay vô tình thì ấn tượng thị giác về hình ảnh không dễ phai nhòa. Trong quá trình thấy thì ký ức được hình thành từ nhiều cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh gây cho chúng ta các hình thái của cái nhìn, sự lưu giữ bằng hình vẽ phẳng hay hình khối cũng như khả năng gây ấn tượng của mỗi người.
3. Hình vẽ (Drawing Figure):
Hình vẽ là hình nhân tạo do con người (có thể là họa sỹ, sinh viên mỹ thuật) vẽ lại “hình” của những đối tượng mà họ nhìn thấy, ghi nhớ và vẽ lại bằng công cụ hội họa (bút chì, bút bi, cọ, màu nước, phấn màu, than vẽ, điêu khắc… Hình vẽ khác với “hình theo cách tự nhiên” chung chung. Như vậy, “hình vẽ” là hình dáng của đối tượng được con người vẽ lại sau khi nhìn, ngắm, cảm nhận, nhớ lại, tự tạo ra bằng các thao tác vẽ hay phương cách nào đó (khắc, đắp nổi, dán, phun màu, khoét thủng, cưa lọng trên mặt phẳng hay khối được vẽ bằng tay thông qua các công cụ như: bút chì, bút bi, than vẽ, cọ, computer…
Ngày nay, hình trong mỹ thuật không nhất thiết phải là hình vẽ do động tác vẽ của bàn tay với những dụng cụ chuyên môn thực hiện theo nhiều cách khác nhau: cắt khoét, đắp nổi, móc lõm, do xếp giấy dán giấy, phun, xịt hay sử dụng các dụng cụ khác để chặn không gian tạo ra hình hoặc do các khoảng trống để tạo thành hình.
Để có hình vẽ thì chúng ta phải nói tới người thể hiện (bằng mọi cách, không phải chỉ do động tác vẽ thông thường).
Tuy nhiên muốn có khả năng vẽ giỏi để thể hiện hình, làm ra hình thì cũng cần phải được học, đào tạo trong trường mỹ thuật chính quy hay dân lập có nội dung phương pháp giảng dạy đúng… từ đó trong người học hình thành nhiều tố chất để trở thành nghệ sỹ trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Nếu học chính quy thì trong khi học ở trường, người học mỹ thuật được học, được dạy nhiều môn bổ sung kiến thức cơ bản về tạo hình: học vẽ hình họa, cơ thể học, luật viễn cận, học nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, kỹ năng vẽ. Kỹ thuật sử dụng chất liệu để diễn tả hình và tạo hình qua môn học bắt buộc được gọi là “Hình họa”.
Trong mục đích giảng dạy thì môn Hình họa được cho là môn học cơ bản nhất trong khoa học tạo hình. Ở môn học này, trong thời gian học, người học được giảng dạy, phải khổ luyện qua nhiều năm theo chương trình chặt chẽ, khoa học.
Nói về hình vẽ (do thao tác vẽ tay thông thường hay với computer…), chúng ta có các loại hình như sau: hình vẽ trong mỹ thuật, hình vẽ trong lĩnh vực kỹ thuật, hình vẽ trong kiến trúc, hình vẽ trong hình họa, xây dựng, hình vẽ phối cảnh… Thuật ngữ “hình vẽ” thường gắn với thuật ngữ “vẽ tranh”. Ngày nay, cách thể hiện tác phẩm không chỉ dừng ở thao tác “vẽ tay” mà chuyển sang cách thức thoáng, rộng hơn “vẽ tranh” mà là “làm tranh”. Vì vậy khái niệm “hình vẽ” phải được hiểu rộng hơn thành hình tượng nghệ thuật.
Hình vẽ trong tranh là hình thức thể hiện nội dung, chủ đề tác phẩm và trở thành hình tượng nghệ thuật thị giác. Hình vẽ trong tranh thường hiển thị qua hai dạng: “Hình đơn lẻ” và “Hình dạng tổ hợp”. Cả hai đều phải được nghiên cứu thể hiện đạt chuẩn tối ưu để biểu đạt nội dung, tài năng, phong cách, cái Riêng của tác giả.
Hơn nữa trong quá trình theo học mỹ thuật thì về học thuật, trong nội dung, phương pháp giảng dạy và sáng tác nghệ thuật thị giác, giới chuyên môn (nhà sư phạm, nghệ sỹ sáng tác) đã có nhiều nghiên cứu để đánh giá về hình và hình vẽ.
Để định hướng cho việc thẩm định giá trị của hình được vẽ, khả năng sáng tạo, sự thông minh trong việc vẽ hình, khả năng tạo hình của mỗi cá nhân, những chuyên gia vừa nói đã xây dựng bảng nêu các tiêu chí đánh giá chất lượng của tác phẩm mỹ thuật thông qua từng yếu tố tạo thành tác phẩm.
Theo “Bảng phân tích, đánh giá một bức tranh” được in trong quyển “Khái lược về hội họa” của Armand Drouant có ghi 20 tiêu chí đánh giá tác phẩm. Trong đó “hình” cũng là một tiêu chí. Trong tiêu chí này có chia ra hai mức độ đánh giá chất lượng của hình vẽ như sau: “Hình vẽ đúng” và “Hình vẽ thông minh” được chấm với hệ số cao hơn “Hình vẽ đúng”.
Như vậy, tài năng vẽ hình và hình vẽ được các nhà chuyên môn rất quan tâm trên cơ sở lý luận chặt chẽ. Từ đó “Hình vẽ” và khả năng, trình độ vẽ hình được Armand Drouant đưa ra hai tiêu chí “Hình vẽ đúng” và “Hình vẽ thông minh” và “Hình vẽ thông minh” được chấm với hệ số cao hơn “Hình vẽ đúng” như đã nói ở trên.
Từ các thuật ngữ vừa nêu, trong lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật thị giác còn có một số thuật ngữ nữa có liên quan đến hình, hình vẽ trong sáng tác lẫn đào tạo mỹ thuật trong các trường lớp. Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu sâu về hình và hình vẽ.
4. Mối quan hệ giữa Hình và Dáng:
Trước khi nói tới dáng và hình dáng của nhân vật, chúng ta nói tới hình thể của nhân vật ấy. Hình thể là dáng vẻ bề ngoài của đối tượng cho thấy sự cân đối toàn bộ của vóc dáng so với trọng lượng; độ dày của thân thể so với chiều cao. Một thân thể đẹp là sự cân đối hài hòa giữa trọng lượng và chiều cao. Thân thể đẹp sẽ có hình đẹp. Hình là sự thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người thông qua từng động tác, sự vận động, thế dáng trong khoảnh khắc cụ thể. Hình đẹp có khi ở dạng tĩnh hoặc động, nhưng dáng đẹp là hình của đối tượng có thế dáng, động tác thể hiện sự tạo dáng hợp lý.
Chúng ta thường nói “có hình mà không có dáng”. Vậy thì “hình không có dáng” và “hình dáng” nghĩa là gì?... Trước khi phân tích, có lẽ chúng ta cần lưu ý, phân biệt khái niệm: “hình của diện” và “hình của khối”. Diện là mặt phẳng hai chiều (không có khối hay chưa thành khối hay khối cực mỏng). Còn khối là vật thể có ba chiều, bản thân nó có nhiều diện được liên kết theo cấu trúc nào đó và với những góc nhìn, tầm nhìn, khoảng cách khác nhau đã cho chúng ta các khả năng hiển thị của “hình của khối” theo nhiều cách bố trí (theo chiều hướng, sự thăng bằng), theo cách nhìn của con người quan sát để vẽ hay theo hình vẽ thể hiện.
Như thế thì hình dáng của một con người cũng tương tự như “hình của khối” có thể nhìn thấy ở nhiều góc nhìn, tầm nhìn khác nhau thông qua các tư thế, thế dáng, cách vận động, động tác (có tư thế bộc lộ được vẻ đẹp cũng có khi ngược lại) và “dáng” xuất hiện từ tư thế, động tác, chiều hướng, thế dáng đi, đứng, chuyển động của người mẫu.
* Dáng là hình dạng thể hiện trong khoảnh khắc do sự vận động, tư thế thoải mái, tự nhiên thể hiện tốt nhất vẻ đẹp cơ thể của người mẫu theo một số động tác nào đó.
Như chúng ta đã biết trong đời sống, theo yêu cầu nào đó con người sẽ xuất hiện với nhiều động tác, tư thế chuyển động… Từ đó, tùy lúc, tùy khoảnh khắc chúng ta có thể nhìn thấy, bắt gặp những khả năng tạo dáng vô cùng phong phú. Thí dụ một diễn viên múa ba lê đang thực hiện nhiều tư thế tạo dáng hay là một người nào đó đang đứng thẳng người, toàn thân bất động trong tư thế thăng bằng, trọng lượng toàn thân trụ đều trên hai bàn chân và đang ở trạng thái tĩnh và thăng bằng gần như tuyệt đối. Lúc đó hình vẽ về người ấy từ mọi phía, chúng ta thấy tư thế của hình vẽ như là khúc gỗ, hình vẽ lúc này được gọi là “có hình mà không có dáng”.
Cũng cần nói thêm rằng không phải lúc nào chúng ta cũng bắt gặp những “dáng đẹp” nếu chúng ta không biết chọn lựa góc nhìn và tầm nhìn. Hình dáng đẹp hàm chứa sự cân đối kèm với thế tự nhiên.
Có người, bản thân cơ thể có sự cân đối đạt yêu cầu nhưng dáng đi không bình thường, cách đi đứng ngượng nghịu, không tự nhiên, thế dáng cứng nhắc. Do vậy, hình dáng được ghi nhận theo từng góc nhìn mất tự nhiên, không đẹp.
Nói chung, khi nói một người có “dáng” đẹp thì trước hết toàn thân người ấy đã có sự cân đối tốt.
Một “hình dáng” đẹp là sự thể hiện của một cơ thể vốn đã có sẵn sự cân đối (giữa trọng lượng so với chiều cao) cần thiết kèm với kiểu cách đi đứng tự nhiên hay có nghệ thuật.
Các chuyên gia thẩm mỹ đưa ra 4 tiêu chí để đánh giá người có dáng đẹp: Nhất dáng (vẻ đẹp nhân hình của cơ thể có sự tương quan, sự cân đối hoàn mỹ của toàn thân cho đến các bộ phận), Nhì da (vẻ đẹp của làn da, Tam Thanh (vẻ đẹp của giọng nói), Tứ diện (vẻ đẹp của khuôn mặt).
Chính vì vậy mà những người học làm người mẫu phải học cách đi đứng, cách “diễn” theo từng tư thế để có được dáng đẹp ở mọi góc cạnh, hướng nhìn.
Còn nữa, nhà nhiếp ảnh khi chụp người mẫu cũng phải bố trí thế dáng cho mẫu kèm theo sự chọn lựa góc nhìn để ghi được những hình đẹp.
Như vậy: Dáng đẹp = toàn thân có sự cân đối tốt hay hoàn mỹ giữa chiều cao so với trọng lượng, phong thái. Hình dáng = dáng + tư thế chuyển động tự nhiên. Hình dáng đẹp là vẻ đẹp bên ngoài của đối tượng đang vận động với tư thế cho thấy vẻ đẹp của ngoại hình, vẻ đẹp có nhịp điệu của phong thái.
* Dáng = hình thể đẹp, cân đối + thao tác, sự chuyển động tự nhiên mà ở đó cho thấy cách nhìn của chủ thể sáng tạo.
Từ các ý nói trên cho thấy rằng hình dáng là hình của một tư thế chuyển động, vận động của một đối tượng theo trạng thái thăng bằng nào đó, thậm chí cả trạng thái mất thăng bằng như hình một người đang bị té ngã và hình vẽ của hình dáng bộc lộ sự sinh động, trạng thái chuyển động theo dạng ba chiều mà trên đó có đủ các chi tiết. Đặc biệt là chiều hướng của các chi tiế phải đúng với quy luật vận động, chuyển động tự nhiên của cơ thể học, của hướng gió, của từng loại động tác.
Từ “dáng dấp” của con người chúng ta liên hệ đến thuật ngữ “kiểu dáng sản phẩm”. Một sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu nếu không có kiểu dáng đẹp phù hợp với mục đích sử dụng. Do vậy trong lĩnh vực thiết kế người ta chú trọng đến hai yêu cầu cực kỳ quan trọng là: thiết kế công năng (công năng là chức năng, hiệu quả sự tiện ích an toàn khi sử dụng) và thiết kế thẩm mỹ. Thiết kế công năng dựa trên các tiêu chuẩn quy phạm, thông số kỹ thuật của một sản phẩm. Còn thiết kế thẩm mỹ là nghiên cứu, sáng tạo cho sản phẩm có kiểu dáng đẹp toàn diện từ hình khối (cân đối, khối dáng, nhịp điệu, màu sắc, đường nét, chất liệu, nhìn góc độ nào cũng đẹp, độc đáo về hình và khối).
Trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp thì kiểu dáng, hình dáng được coi là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp các nhà sản xuất cạnh tranh trên thị trường cho nên chúng ta thường nghe nói đến thuật ngữ “tạo dáng”, tức là thiết kế kiểu dáng.
Tóm lại hình và dáng đẹp luôn gắn liền với hình khối sự chuyển động của khối dáng, đường nét toàn bộ. Ý tưởng hay, hình vẽ phác đẹp sẽ dẫn đến tạo khối đẹp. Hình khối đẹp kèm với sự chuyển động của đường lượn trên khối dáng của vật thể sẽ tạo nên “dáng đẹp”. Đó là mối quan hệ giữa hình, khối, dáng dấp, đường nét và nhịp điệu.
5. Hình dương bản và hình âm bản:
Khái niệm âm và dương bản trong hình - Hình dương bản – Hình âm bản
Một hình vẽ bình thường bằng bút chì, mực đen trên nền trắng được gọi là “hình dương bản”, cũng hình vẽ ấy nếu chụp ảnh, chuyển hình vẽ ấy sang nét vẽ trắng trên nền giấy đen (tính chất hình vẽ không thay đổi, chỉ đổi thành hình vẽ màu trắng trên nền đen). Hình vẽ ấy được chuyển thành “hình âm bản”. Tình huống này giống như chúng ta chụp ảnh bằng máy ảnh, ảnh chụp khi rửa xong ra ảnh đen trắng (giống như thực tế) nhưng nếu xem phim thì chúng ta sẽ thấy nền phim đen và hình có các độ trắng trong. Lúc đó người ta gọi đó là “phim âm bản”. Cũng có loại “phim dương bản”, đó là phiim Slide. Loại phim màu khi chiếu lên thành ảnh thật, không cần rửa… Khi nói đến hình âm và dương bản thì chúng ta liên hệ ngay “không gian âm và dương bản”. Hình thái không gian này được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực thiết kế đồ họa.
Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, các nhà thiết kế thường sử dụng cả hình mảng dương bản lẫn hình mảng âm bản. Mỗi loại có giá trị khác nhau. Cách này được sử dụng trong thiết kế, logo, biểu trưng, các ký hiệu giao thông… Trong lĩnh vực thiết kế poster, các nhà thiết kế đôi khi cũng áp dụng cách này, trong các loại hình vẽ thì hình cắt bóng cũng là loại hình âm bản. Một hình âm bản được cho là đẹp khi mà trước đó hình đương bản phải thật sự đẹp. Bởi lẽ một khi hình dương bản đẹp là cơ sở để biến dương bản thành âm bản. Khi chuyển hình từ dương bản sang âm bản thì các họa sỹ phải đối chiếu vẻ đẹp của mảng dương lẫn mảng âm. Để có hình âm bản đẹp thì chúng ta phải quan sát, phân tích về hình mảng, “khoảng có hình” và các “khoảng trống” để thực hiện một số thao tác: gom hình, gom mảng, gom nét trên cơ sở tìm ra nhịp điệu, đường lượn, mạch liên kết giữa các mảng âm, dương.
6. Hình bóng:
Chúng ta có những dạng thức cơ bản của hình như: hình bóng, hình dáng và hình thể. Sau đây chúng ta sẽ lần lượt phân tích nội hàm cũng như hiệu quả sử dụng của thuật ngữ hình bóng cùng vai trò, ý nghĩa của nó theo hai hướng thực tế như sau: Thứ nhất hình bóng là hình tổng quát của một người, xuất hiện ở khung cảnh nào đó trong tình huống ngược sáng cho nên hình khối và các chi tiết của đối tượng bị triệt tiêu chỉ còn là hình bóng đen in trên nền sáng. Lúc này, hình khối của người bị sức mạnh của ánh sáng làm mất tất cả các chi tiết. Hình khối lúc này chỉ còn bóng đen in trên nền sáng mà thôi. Bóng đen của người ấy, lúc đó được coi là “hình bóng”. Thứ hai là hình mảng màu đen về một đối tượng nào đó có được do cắt giấy, thể hiện dưới dạng phẳng với các đường bao, dạng đường viền khoanh vùng tạo ra sự khẳng định của nét cắt thành mảng màu đen. Lúc này hình bóng là hình mà người cắt quan sát, hình dung từ những đặc điểm bên ngoài (gần như ngược sáng của đối tượng) để nắm bắt đặc điểm ấy hiển thị qua các nét viền và cắt theo những nét viền ấy mà không cần quan tâm đến các chi tiết để tạo ra hình mảng theo nét viền có diện tích phẳng màu đen.
Hình bóng chỉ cho thấy tương quan tổng thể dạng phẳng theo góc nhìn mà không thấy hình khối, chiều sâu, chi tiết.
Vì những đặc điểm ấy nên người ta cho rằng hình cắt bóng là sự biểu hiện phiến diện về đối tượng. Hình bóng cũng là dạng hình âm bản, khi nói đến hình bóng của con người được cho là đẹp thì nó cũng phải thể hiện được sự cân đối chung của các chiều so với tổng thể của toàn thân. Đồng thời có khi hình bóng được yêu cầu phải thật giống đối tượng được ta biến hình thành bóng. Ngoài ra, hình bóng còn là sự sáng tạo hình bằng mảng mà không cần chi tiết.
Hình bóng thường được sử dụng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa nhằm tạo ra những ký hiệu về giao thông, những biểu tượng, những hình toàn là mảng bẹt mà không cần chi tiết. Thí dụ: ký hiệu người tàn tật, vật dễ vỡ, vật không được để ngoài mưa nắng, cấm hút thuốc, tai nạn giao thông, khu vực cấm lửa… Hình bóng có khi sử dụng như là nền để trên đó chúng ta bố trí chữ hay hình.
7. Dư ảnh (Afterimage): Thường đi đôi với cái nhìn, mức độ nhìn chúng ta bắt gặp thuật ngữ “dư ảnh”. Dư ảnh là thuật ngữ nói đến hiện tượng hình ảnh khá mơ hồ về hình ảnh xuất hiện do “sự cảm thấy” sau khi chúng ta nhìn ngắm một đối tượng rồi nhắm mắt lại thì dường như bên trong võng mạc hay tâm trí còn giữ lại một chút hình ảnh về đối tượng ấy. Điều này là cơ sở cho bài học “vẽ theo trí nhớ”…
8. Hình tượng (Figure):
Thông qua thuật ngữ “Hình tượng (Figure)”, chúng ta cần quan tâm đến một số khái niệm gần giống như “Hình ảnh (Image)”. Nhưng bản thân chữ “Figure” có nghĩa là hình thể (nhưng không giống “Hình thể (Form)”. Nói rõ hơn theo học thuật thì từ đồng từ “Figure” chúng ta có tính từ “Figurative” (nghĩa là ẩn hình, ẩn dụ, bóng). Cũng từ chữ “Figure” chúng ta có danh từ “nghệ thuật có hình thể” và “nghệ thuật vô hình hình thể”.
Còn thuật ngữ “hình ảnh” xuất phát từ động từ “image” (tưởng tượng, hình dung, trí tưởng tượng…), động từ theo tiếng Pháp là “imaginer”, danh từ “imagism” cũng có nghĩa là khuynh hướng tưởng tượng, tính từ “imagery’ có nghĩa là giàu hình ảnh…
Vậy, “figure” và “image” có nghĩa là na ná nhau là “hình tượng”, “hình do sự hình dung mà có”. Chúng có thể gọi chung là “hình tượng”. Từ đó chúng ta có thể nói rằng: hình tượng nói tới hình ảnh thị giác có được do sáng tạo từ sự tưởng tượng trong não của nghệ sỹ và thể hiện nó ra thành hình tượng cụ thể bằng phương tiện, công cụ thị giác chuyên biệt… Hình tượng dạng này có được không phải do tài năng vẽ giống, miêu tả mà do tư duy sáng tạo, vượt lên trên sự thật bình thường. Khi nói tới hình tượng nghệ thuật thị giác chúng ta liên tưởng đến hình tượng nghệ thuật nói chung trong đó có “hình tượng âm nhạc” hay “hình tượng thính giác”. Hình tượng thính giác là hình tượng có được do sự hình dung, liên tưởng, tưởng tượng thông qua sự tác động của âm thanh, giai điệu khêu gợi, cảm xúc làm rung động lòng người thông qua thính giác. Trong đó vai trò của nghệ sỹ thính giác cực kỳ quan trọng… Thí dụ: hình ảnh một buổi chiều, hình ảnh của người lữ hành trong mưa, hình ảnh trong ca từ và giai điệu của bài hát: “Trời Thu mưa bay bay mà lòng ai như say… hoa lá rơi đầy…” (lời nhạc phẩm “Ai đi ngoài sương gió” của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Thiết).
Để đặt vấn đề sâu hơn về giá trị của hình tượng thị giác hay thính giác do nghệ sỹ thị giác và nghệ sỹ âm nhạc tạo ra, chúng ta cần suy nghĩ và trả lời câu hỏi: “Cái gì tạo nên giá trị và sự khác biệt quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật thị giác?”. Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần quan tâm đến câu hỏi: “Hình vẽ, hình tượng nghệ thuật, mỹ thuật không phải thể hiện bản thân đối tượng… mà nó chính là cách nhìn của nghệ sỹ đối với đối tượng ấy”. Câu trả lời ở lĩnh vực âm nhạc chắc cũng thế. Sự sáng tạo cá nhân, tài năng thể hiện qua cách nhìn, cảm xúc riêng của chủ thể sáng tạo là cơ sở để tạo nên sự khác biệt trong hình tượng nghệ thuật.
Chúng ta ai cũng hiểu rằng bản thân mỗi con người nghệ sỹ cụ thể luôn có lịch sử riêng về zen di truyền, thể chất, đặc điểm cơ thể, cảm xúc, tinh thần, nhân sinh quan, thế giới quan, sự giáo dục, thị hiếu thẩm mỹ, trình độ văn hóa, nghệ thuật, nhận thức chính trị, kinh tế, sự xuất hiện, hiện hữu, tồn tại và phát triển của cá nhân cho đến cộng đồng… Vì vậy, những điều ấy góp phần hình thành cách nhìn, cái riêng luôn tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm tư, nhãn quan, tài năng, tâm trạng, sở thích, khuynh hướng biểu hiện nghệ thuật của mỗi con người trong đó có nghệ sỹ.
Cho nên hình vẽ, hình tượng nghệ thuật do từng con người cụ thể tạo ra hàm chứa những điều dường như bí ẩn này. Đây cũng chẳng phải là điều kỳ lạ. Chính nó tạo nên sự khác biệt, sức hấp dẫn trong ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật. Bên trên chúng ta nói tới khá chi tiết về hình, hình ảnh, hình bóng, hình vẽ, hình tượng trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình. Trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng gồm: nghệ thuật thủ công, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thiết kế thì việc vẽ hình để tạo dáng không giống trong mỹ thuật tạo hình. Hình vẽ trong mỹ thuật ứng dụng phải tùy thuộc vào những đặc trưng, yêu cầu của từng lĩnh vực chuyên ngành nhằm thể hiện hai phần việc của thiết kế: thiết kế công năng và thiết kế thẩm mỹ.
Hình vẽ trong thiết kế công nghiệp nhằm mục đích phục vụ cho việc tạo dáng sản phẩm. Kiểu dáng sản phẩm đẹp, hiệu quả do quá trình nghiên cứu, tư duy, phản biện để tạo nên những hình vẽ phác làm cơ sở cho thiết kế tạo dáng sản phẩm. Để nghiên cứu, sáng tạo nên kiểu dáng, độc đáo mang tính thẩm mỹ, tính sáng tạo, tính khả thi cả về kinh tế lẫn kỹ thuật thì những nhà thiết kế phải hiểu vè ngôn ngữ chuyên ngành, đặc biệt là tư duy, tạo dáng, tạo hình, tạo mảng, tạo ấn tượng thị giác về hình khối, “hướng chuyển động” của hình khối thì các nhà thiết kế phải quan tâm đến thẩm mỹ hình khối từ việc tạo khối đơn lẻ cùng với khối tổng hợp. Do đó, chúng ta phải hiểu rõ về “hình có hướng” và “hình vô hướng”.
9. Hình vô hướng và hình có hướng:
Hình vô hướng là hình tròn. Sở dĩ nó dược gọi là hình vô hướng bởi vì nó là hình do một cạnh cuộn tròn, khép kín, gây cảm giác về sự tròn đầy. Chính mặt phẳng hình tròn gây cảm giác hướng về tâm, đầy đủ.
Trong khi hình tròn, khối tròn gắn liền với thiên nhiên: vòm trời, hoa quả, thân cây khi cắt lát… mang tính chất âm tính thì hình vuông lại mang tính chất kiến tạo của con người. Một hình được coi là âm tính (tròn) còn hình kia (vuông) lại là dương tính. Hình tròn, khối tròn vây kín lại nhưng cũng uốn cong xuống, ôm ấp thì hình vuông, khối vuông chứa đựng sự khẳng định. Một hình là khoảng trống hàm súc còn một hình tượng trưng cho sự khẳng định.
Trong lĩnh vực kiến trúc thì khả năng phối hợp, bố cục, chồng lấn giữa hình tròn và hình vuông các nhà kiến trúc Nga theo chủ nghĩa kiến tạo đã trừu tượng hóa những đường thẳng và cong trong tạo hình kiến trúc của họ. Chúng ta có thể đơn cử tác phẩm “Cấu trúc đường nét” 1920 của Alexandre Rodchenko; “Vòng tròn vàng” 1921 của Laszio Moholy Nagy hay “Proun 19D” 1922 của Lissitzky.
Nói chung những hình vuông tròn được nhiều kiến trúc sư, họa sỹ, nhà trang trí, nhà thiết kế vận dụng rất nhiều trong sáng tác.
Tuy nhiên, nếu ta bóp dẹt hình tròn thành hình bầu dục (mọi hình thái) thì nó sẽ trở thành hình có hướng (về bên này hay bên kia).
Hình có hướng: gồm các hình vuông, chữ nhật, tam giác, thoi, hình bình hành, đa giác…
Hình vuông: Là hình bốn cạnh và bốn góc vuông bằng nhau, có bốn hướng. Lực chuyển động của các hướng đều nhau, gợi cảm giác tĩnh bởi vì hai trục tung hoành có chiều dài bằng nhau.
Hình chữ nhật: Đây là sự biến dạng của hình vuông theo các kèo dài ra theo hai hướng.
Do vậy, bốn cạnh của nó dài bằng từng đôi một. Nếu phát triển theo hướng ngang thì gợi cảm giác vững chãi, yên lặng, có vẻ nữ tính còn phát triển theo chiều cao thì gợi cảm giác vươn lên, chinh phục, uy quyền, nam tính.
Hình bình hành: Là biến dạng của hình chữ nhật, hướng chuyển động của hai cạnh ngắn ngã xiên về trái hay phải…
Hình tam giác: Dù là tam giác đều, tam giác cân đều gợi cảm giác về sự bốc lên, luôn luôn động, hướng lên trên đỉnh, về phía góc nhọn. Hình tam giác đều, tam giác cân thì có vẻ tĩnh hơn các tam giác khác.
Hình thoi: Cũng gợi hướng chuyển động hay phát triển tùy theo hình phát triển theo trục tung hay hoành.
>>> Hình họa sơn dầu - Sưu tầm