Đồ họa cổ Việt Nam

Khi giấy viết chưa ra đời, tre và lụa là hai vật liệu được người phương Đông cổ xưa ghi chép lịch sử và những ý tưởng. Câu nói ước mong “Lưu danh thùy trúc bạch” được ghi tên vào tre lụa là vậy. Khi có giấy, tre lụa bắt đầu mất vị trí như công cụ sách vở, thư từ. Sự đa dạng, dễ dùng, rẻ tiền và có thể ghi chép số lượng lớn chữ nghĩa trong một tập giấy đã nhanh chóng độc tôn vật liệu này, với việc lưu truyền ý tưởng. Song còn phải đợi một phương tiện khác - in khắc gỗ - thì chữ nghĩa trên giấy mới có giá trị phổ cập, thay thế sự vất vả của sách chép tay và điểm yếu “tam sao thất bản” của nó. Khắc gỗ và ấn loát trên giấy nhanh chóng trở thành một nghề truyền thống ở phương Đông có lẽ bắt đầu từ Trung Quốc, tới Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Nhờ vậy mà những tư tưởng Tam giáo của Khổng Tử, Lão Tử và Thích Ca Mâu Ni, cùng nhiều kiến thức khác phổ cập toàn phương Đông,có cảm giác đến mức như là một thứ tinh thần, tôn giáo tại chỗ, chứ không phải phát nguyên từ Trung Hoa và Ấn Độ. Người Nhật hay người Việt khi cầm trên tay quyển sách chữ Hán dễ dàng quên nguồn gốc Trung Hoa của nó. Đình chùa, đền miếu khắc về long-ly quy-phượng và Hán tự chú thích diễn giải cũng tự nhiên như được sinh ra từ bản địa. Nghề in khắc gỗ, lấy Hán tự chú thích diễn giải cùng tự nhiên như có sẵn trong các làng nghề, không ai đặt câu hỏi là họ học cả chữ Hán và in khắc gỗ từ người Trung Hoa, hay chỉ học chữ Hán còn in khắc gỗ là nghề tự có ở các quốc gia ngoài Trung Hoa? Vế trên của câu hỏi dễ được chấp nhận. Vế dưới thường được nêu ra khi tự ti. Và tại sao lại không có cả hai trường hợp xuất hiện như nhu cầu thiết yếu của tri thức từng dân tộc, cũng như tất yếu bổ sung kỹ thuật nhập ngoại. Việc hình thành nghệ thuật đồ họa gắn với nhu cầu phổ cập rộng rãi một cái gì đó thuộc về tri thức, làm sao từ một bản thảo, một bức tranh có thể trở thành nhiều quyển sách, nhiều bức tranh khả dĩ đến tay nhiều người. Có lẽ kĩ thuật in được nhận thức từ việc in hoa trên gốm có thừ thời tiền sử, sau đó in hoa văn trên vải. Những dấu ấn in hoa văn trên vải phát hiện từ nền văn hóa Hoa Lộc (thời kì đồ đá mới cách đây 6.000 năm). Sau cùng là in bằng khuôn gỗ xuất hiện trong xã hội phong kiến. Ở Việt Nam có thể chia ra mấy dòng in khắc gỗ như sau:

1. Dòng in khắc Phật giáo, in sách cho triều đình phong kiến và nhu cầu cá nhân, xã hội nói chung. Dòng đồ họa này lớn nhất, có lịch sử lâu dài nhất, từ thế kỉ 11-19 nhưng lại ít được biết đến nhất.

2. Dòng in khắc tranh dân gian Đông Hồ (thuộc Làng Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) từ thế kỉ 16-19.

3. Dòng in khắc tranh dân gian Hàng Trống (ở làng phố cổ Hàng Trống, Hàng Nón, Hà Nội) từ thế kỉ 17-19.

4. Dòng in khắc tranh dân gian Kim Hoàng (Hà Đông, thế kỉ 18-19).

5. Dòng in khắc tranh dân gian làng Sình Huế, thế kỉ 18-19 (hai dòng Kim Hoàng và Làng Sình không được quy mô như Đông Hồ và Hàng Trống nên ít được đề cập hơn).

6. Dòng in khắc tranh thờ miền núi của các dân tộc Tày, Nùng, Dao. Dòng này gần như hoàn toàn chưa được nghiên cứu.

Dòng in khắc Phật giáo và phong kiến thường sử dụng, thuê các phường thợ in khắc hồng Lục, Liễu Chàng (Hải Dương) và Nhị Khê (Hà Tây). Các phường thợ này có hai cơ sở hành nghề: một ở các làng xã, hai là ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Quạt, Tô Tịch, Hàng Gai, Hàng Đẫy, Nhà thờ, Lý Quốc Sư. Mỗi dòng đồ họa này có kĩ thuật riêng, phong cách riêng có tác phẩm riêng, làm nên sự phong phú, đa dạng cho nền nghệ thuật cổ Việt Nam, trong khi hội họa không có di sản nào đáng kể.

do hoa co 1

Di đà Tam Tôn. Ván khắc thế kỷ 19. Chùa Bá Đà (Hà Nội)

Gỗ, dao khắc và phương pháp dùng dao là yếu tố kĩ thuật đầu tiên. Các phường thợ Việt Nam thường dùng các loại gỗ thị, gỗ vàng tâm và gỗ thừng mực. Gỗ thị thớ đa chiều có thể khắc nên các ván nét tinh vi, mãnh nhỏ. Gỗ mực nhẹ, nạc và mềm rất dễ khắc, nhưng độ bền không cao. Gỗ vàng tâm tuy không rắn chắc bằng gỗ thị nhưng rất nạc thớ, cũng thường được dùng làm hoành phi câu đối trong đền chùa. Dòng tranh Đông Hồ dường như là trường hợp duy nhất dùng hai loại ván nét in nghiêng và in mầu. Ván in nét thường khắc bằng gỗ thị, ván in mầu thường khắc bằng gỗ vàng tâm và gỗ mực. Ván in ngày xưa thường được dùng luân niên, nên gỗ phải tốt bền và ổn định nét qua thời gian dài sử dụng. Muốn vậy người xưa phải ngâm tẩm gỗ nhiều năm, từ 10-20 năm, để sau này ván in không cong vênh. Nhiều ván in ở chùa dùng 100 năm nay chưa hỏng. Tuy nhiên khí hậu nóng ẩm Việt Nam khó có ván nào chịu được tuổi thọ đến 300 năm. Có những ván cao tuổi như vậy nhưng đã mục nát hết nét, hình.

do hoa co 1

Ván in nét và màu Đông Hồ

do hoa co 6

Ván in nét Hàng Trống

do hoa co 16

Ván in đen trắng. Bản Kinh

Phương pháp khắc tranh của các họa sĩ đồ họa ngày nay dường như khắc hẳn với lối tranh truyền thống. Dao khắc nhiều chủng loại hơn và chúng ta thường đẩy dao từ trong ra ngoài, tức là phía người chúng ta ra ngoài. Ở Đông Hồ và Hàng Trống người ta thường dùng ve đục nét, để lấy được nét có độ sâu và cao. Ở một số phường khắc truyền thống khác phổ biến lối khắc từ ngoài vào trong người khắc. Những bản khắc đòi hỏi nét tinh vi, người ta dùng mặt cắt ngang cây gỗ làm bản in. Thớt gỗ như vậy có hướng cấu trúc khỏe hơn rất nhiều các lát gỗ xẻ dọc thân cây gỗ. Để phân biệt các phương pháp khắc khác nhau của từng dòng đồ họa, người xưa chỉ đưa ra hai khái niệm nôm na. Họ gọi tất cả các lối khắc tranh dân gian (Đông Hồ - Hàng Trống) là “khắc tròn”, gọi lối khắc bản kinh cho nhà chùa là “khắc vuông”. Tuy nôm na như vậy nhưng rất đúng bản chất và hình thức của hình thể  với nhiều đường lượn gắn với mỹ cảm về sự tròn đầy, vui vẻ trong tranh dân gian, đúng với trình tự xuất phát từ chữ Hán các biến điệu của nó gắn với mỹ cảm ngay ngắn “chữ vuông như hòm” của kinh Phật. Đồ họa cổ Trung Hoa đưa ra ba hình thức khắc: 1. Thao sắc mộc khắc (tranh khắc gỗ in bản mầu). 2. Bút thái mộc khắc (tranh khắc gỗ in nét, tô mầu bằng bút lông). 3. Hắc bạch mộc khắc (tranh khắc gỗ đen trắng). Ba hình này cũng tương đương với lối khắc của ba dòng Đông Hồ, Hàng Trống và khắc bản kinh Việt Nam. Các bản khắc khác thường khắc không quá sâu, do bố cục chữ dày đặc, nếu là tranh minh họa hoặc tranh đơn cũng dày đặc nét hình. Các nét liên kết với mật độ cao, rất khỏe như một tấm mạng trên bề mặt tấm gỗ. Trái lại nét và mảng trong tranh Đông Hồ và Hàng Trống thưa hơn khoảng cách nét rất rộng, được khắc rất sâu tới 1cm. Đông Hồ thường dùng lối khắc nét chân dê. Nghĩa là ngọn nét thì nhỏ, nhưng chân nét loe rộng sang hai bên cho vững chãi. Cả hai lối “khắc vuông” và “khắc tròn” đều lấy nền rất kỹ, rất sạch, nên khi in tranh, sách rất nét và không dây bẩn. Nếu như vẽ và khắc phụ thuộc vào các cá nhân tài khéo, thì công đoạn in mang rõ tính chất tập thể của một dòng tranh phường thợ. Dù ở Đông Hồ, Hàng Trống  hay phường Hồng Lục, Liễu Chàng, số người vẽ mẫu, viết Hán văn mẫu đều ít, dẫu không thành danh như nghệ sĩ ngày nay, còn số người in rất đông, đủ mọi lứa tuổi, thậm chí phần lớn các gia đình trong làng. In bản kính, sách chỉ có đen - trắng không đòi hỏi kĩ thuật cao, cất cho rõ hình, nét chữ không được phép hoen mực. Mẫu đen có thể là mực Tầu (thực chất ít được dùng tuy chất lượng tốt, nhưng đắt và khó in), chủ yếu là tro lá tre trộn với hồ, độ đen của tro lá tre không bóng, lại xốp và có thể gia cố ít mực Tầu. Tranh Hàng Trống cũng được in nét như vậy, còn mầu hoàn toàn bôi bằng tay. Riêng tranh Đông Hồ, các ván mầu được in trước theo thứ tự, ván nét in sau cùng kết thúc một bức tranh. Màu sắc trong tranh Đông Hồ không cố định. Nội dung bức tranh do nét xác định. Mẫu có thể thay đổi do người in. Tranh “con lợn” có thể hồng, tím hay đỏ là tùy lượng mầu và sự thích thú khi làm việc. Nguyên liệu mầu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ cũng hoàn toàn lấy trong tự nhiên. Vàng từ hoa hòe, cam từ hoa hiên, đỏ từ đá son, trắng từ vỏ điệp đốt tồn tính, xanh từ cây chàm và gỉ đồng. Tranh Hàng Trống dùng nhiều mầu phẩm. Cho nên tranh Đông Hồ để lâu có thể bong lớp mầu, chứ không thay đổi sắc nhiều nhưng tranh Hàng Trống lâu năm mầu phẩm nhạt dần. Quá trình cũ đi của một bức tranh cũng là vẻ đẹp của nó. Ở Việt Nam, những người chơi tranh, những người dùng sai sách như Thiền sư, nhà Nho không mấy ai có ý thức gìn giữ tranh sách lâu dài. Tranh dân gian treo qua tết bóc đi, hoặc tự rách. Tranh thờ vài vụ hỏng thì đốt đi, mua tranh mới. Sách vở truyền tay nhau nhiều chóng hỏng. Khái niệm “bấu kinh” của các chú tiểu đọc kinh - kinh Phật đã cũ, khó giở, dùng móng tay bấu từng trang để xem.

do hoa co 2

Em bé ôm Vịt (Đông Hồ)

do hoa co 3

Tây phương Tam Thánh. Ván khắc thế kỷ 19. Chùa Bổ Đà (Bắc Giang)

do hoa co 4

Nam canh nữ chức. Ván in tranh dân gian Hàng Trống. Thế kỷ 19. Sưu tập Lê Đình Nghiên

do hoa co 7

Thần chú chữ Hán – Phạn
Bản in khắc gỗ chùa Yên Ninh (Vĩnh Khánh tự - Chí Linh – Hải Hưng) thế kỷ 19.
Bản in lại năm 1996. 108 x 42 cm.

Nội dung: Ván in này thay thế cho một đạo bùa, tín đồ thỉnh về treo ở giữa nhà. Thần chú có công năng và bảo hộ sự bình yên hạnh phúc của mỗi gia đình tùy vào sự gia trì của các tín đồ. Phần chữ triện trên cùng là chữ “Phật, Pháp, Tăng” nữa là danh hiệu các vị Bồ tát Kim cương Tạng, Phổ Hiền, Đại Thế Chí, Quan Thế âm Văn Thù, Địa Tạng và A Di Đà. Phần chữ Hán là danh hiệu Bát bộ Kim cương và Tứ Thiên vương. Phiên âm Thần chú chữ Phạn ra chữ Hán có Đại Minh tâm chú, Phá địa ngục chú, Trí củ Như lai phá địa ngục chú, Đại Quán đình chú. Vãng sinh chú, Phật đỉnh Thủ Lăng nghiêm chú… Ván in đối chiếu Hán – Phạn song song giúp chúng ta đọc được âm của một số chữ Phạn. Có một số tổ hợp chữ Phạn hai hoặc ba chữ mới đọc thành một âm Hán. Tại đó ghi “nhị tự hợp nhất” hoặc “tam tự hợp nhất”.

>>> Đồ họa tạo hình

>>> Phong cách đường nét và đồ họa (P. 1)

>>> Đồ họa tranh in

0976984729