Các loại hình và thể loại đồ họa

Cách quan niệm và phân chia thể loại tranh ngày nay hoàn toàn khác với ngày xưa, khi nghệ thuật không hoàn toàn là một hoạt động tự do và gắn với nhiều chức năng tôn giáo và phong kiến. Hệ thống thể loại phương Tây: tranh sinh hoạt, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, lịch sử không trùng hợp với thể loại phương Đông: phong tục, tiếu tượng, sơn thủy, hoa điểu, thảo trùng. Mặc dù có thể hiểu tranh phong tục tương tự với tranh sinh hoạt, tranh tiếu tượng với tranh chân dung, tranh sơn thủy với tranh phong cảnh. Lịch sử và triết học khác nhau, văn hóa và nếp sống khác nhau, những dị biệt về thể loại tranh phương Tây và phương Đông là hai con đường khác nhau của một tiến trình nhân loại.

Nghệ thuật Việt Nam có bối cảnh riêng của nó. Sự không hình thành hoàn chỉnh giai tầng quý tốc và tầng lớp văn nhân sĩ đại phu tài hoa cả “cầm – kỳ -  thi – họa” đã không dẫn đến sản sinh các họa gia, mà chỉ có các họa công, hay thấp hơn là thợ thủ công làm nghề vẽ. Họ đứng ở giai tầng thứ ba trong “sĩ – nông – công – thương”, tuy được trọng dụng và bảo vệ, trong các cuộc chiến tranh nhưng không có tên tuổi như những nghệ sỹ thành danh. Sản phẩm không ký tên, hay không được ký tên. Người đặt hàng, hưng công, thiề sư chứng giám ngày khai quang điểm nhỡn đối với tác phẩm được biết đến hơn là người sáng tác. Trong hoàn cảnh đó đồ họa hoàn toàn là nghệ thuật có chức năng phục vụ các mục đích xã hội, chủ yếu cho tập đoàn phong kiến, giáo phái với ý nghĩa lưu chép lịch sử bằng hình ảnh, phổ biến tư tưởng tam giáo: Nho, Lão, Phật và khuyến thiện răn ác. Sự phân chia tranh mang tính chất loại hình với ý nghĩa là sự phân chia theo chức năng xã hội của nghệ thuật. Ở phương diện thể loại, cách quan niệm của người Việt không thật rõ ràng, nhưng ở phương diện loại hình lại được hiểu rất chân xác. Ví dụ người Việt cổ không có mấy khái niệm về tranh tĩnh vật, nhưng tranh “Ngũ quả”, tranh “Cổ đồ” (tranh vẽ về đồ cổ quý hiếm, bao gồm cả vẽ hoa lá với đồ cổ). cũng có thể coi là tranh tĩnh vật nhưng để thờ cúng. Nếu “văn” để tải đạo, “nhạc” để hòa hợp lòng người, thì “họa” để nêu gương người trước, răn dạy kẻ sau. Khái niệm “tượng” dùng cả trong hội họa lẫn điêu khắc để chỉ hình ảnh thay thế cho sự tự nhiên và con người, đặc biệt thay thế cho thần linh. Vì vậy nó vừa là khái niệm hữu hình, vừa là khái niệm vô hình. Tức là cái phần hình và cái phần hồn nằm trong cái “tượng” đó. Trên cơ sở của sự định hướng cái “tượng” này mà phân chia các loại tranh.

Để có thể hiểu người nông dân chơi tranh như thế nào, cần biết bố trí căn nhà của anh ta ra sao và chỗ nào để treo tranh. Với căn nhà ba gian hai chái. Gian giữa luôn để thờ có thể treo “tranh chủ” dưới hình thức một ban thờ vẽ trên giấy. Hai cột chính treo câu đối, trên cửa võng gian giữa treo hoành phi. Ngoài cửa chính gian giữa treo tranh “Tử vi trấn trạch”, hoặc tranh “Môn thần”. Nếu có cổng ra vào bằng gỗ thì tranh “Môn thần” được treo ở đó. Tường các gian bên có thể treo tranh chúc tụng như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Gà”, “Lợn”. Tuy nhiên tranh “Gà” có thể treo ở chuồng gà, tranh “Lợn” có thể treo ở chuồng lớn, với ý nghĩa cầu mong cho gia súc ăn no, chóng lớn. Nói chung trừ thi ca, còn nghệ thuật luôn được dùng vào việc. Bản thân nghệ sỹ không mấy được coi trọng và bị coi là phường tuồng, thằng hề, con hát, vợ vẽ, thợ tô (tô tượng). Tác phẩm cũng có một số phận tương tự. Vở diễn được thuộc lòng bởi các diễn viên, không ghi thành kịch bản, nhạc không chép lại. Tranh đồ họa dùng xong có thể xé đi, năm sau in lại, mua lại. Ngôn ngữ nghệ thuật được truyền khẩu, chuyền tay với những quy ước xã hội tương đối chưa bao giờ có sự tổng kết hay phân loại, mặc dầu chúng phát triển có hệ thống hoàn chỉnh trong lịch sử.

Giống như nghệ thuật đình làng, tranh dân gian Đông Hồ rất ít tính tôn giáo, thậm chí tư tưởng Nho giáo vốn đè nặng lên cả dân tộc, cũng không thấm được là bao. Cho nên cái tín ngưỡng trong tranh Đông Hồ chỉ đơn thuần là tín ngưỡng thờ tổ tiên, không hình, không ảnh, không phát triển thành giáo phái, mang tính chất giáo dục truyền thống đạo đức, hơn là thần linh. Về đại thể tranh Đông Hồ có thể chia làm hai loại: Thờ cúng Chúc tụng. Có thể tách tranh Chúc tụng ra một loại riêng mang tính hình thức là tranh Tứ bình Nhị bình (tranh bộ).

Như trên đã nói về cách chơi tranh của người nông dân và tính giảm thiểu tôn giáo trong tranh Đông Hồ, để xác định những mặt tranh chủ yếu. Tranh thờ cúng gồm:

1.Tranh chủ bao gồm:

a. Tranh vẽ một ban thờ với hương án, lục bình, đôi hạc và ba chữ “Đức lưu quang” treo chính giữa.

b. Hai chữ Phúc Thọ cách điệu thành hoa lá treo hai bên.

c. Hai câu đối chữ Hán “Tứ thời xuân tại thử”, “Ngũ phúc thọ vi tiên” (trong bốn mùa thì mùa xuân là bắt đầu, trong năm Phúc, sống lâu đứng hàng đầu). 10 chữ này được cách điệu thành hình hoa quả và bảo vật. Như bầu rượu, cây bút, cuốn thư. Đôi khi người ta còn treo ba chữ to “Phúc – Thọ - Lộc” lên trên tranh chủ như một hoành phi, cũng do Đông Hồ in khắc.

2. Tranh thần bao gồm:

a. Tranh thần hổ dán gầm bàn thờ.

b. Tranh “Tiến tài” “Tiến lộc” trên hai bức tranh này có đề chữ “Lộc vị cao thăng” và “Tài hằng nguyên chí” hoặc  “Tử vi trấn trạch” gồm hai bức “Tử vi chiếu trạch” và “Huyền đàn chấn môn”. Huyền đàn là thần giầu có, hình vẽ thường cưỡi con hổ. Tử vi là sao phúc tinh, hình vẽ thường cưỡi con lân. Nhưng tranh này dán ở cửa ra vào nhà chính. Ngoài hai cánh cổng thường dán tranh “Thiên ất:” và “Vũ đinh” về hai vị tướng dữ tợn cầm binh khí trấn tà ma.

Chúng ta không rõ người Việt đã ảnh hưởng người Hoa như thế nào trong tín ngưỡng tạp thần này. Cũng có thể chúng sinh ra từ trong lòng mọi xã hội nguyên thủy đều thờ giống nòi và những vị thần phù hộ gần nhất. Đối với những nhà khá giả ban thờ có thể làm ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối gỗ sơn son thếp vàng, lục bình sứ, hạc đỉnh bằng đồng. Còn tranh chủ cũng với tinh thần bầy biện như vậy, chẳng qua để cho người nghèo dùng đồ giấy về hình thay vì đồ tế khí đắt tiền mà thôi.

Tranh chúc tụng không xa lạ với tranh “Niên họa” với ý nghĩa đón chào một năm mới trong cái vòng tuần hoàn xuân - hạ - thu - đông vĩnh cửu của trời đất. Cho nên tranh chúc tụng là ước mong vinh hoa phú quý và trường tồn của nhân dân. Gồm: a/ tranh 12 con giáp được biến tướng thành tranh lợn, gà, trâu, chuột... với các hoạt cảnh sinh hoạt riêng của nó. b/tranh tượng trưng thường về trẻ con ôm động vật. c/ tranh sinh hoạt thế tục như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Hội vật”... d/ tranh các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo. Người ta mua tranh Chúc tụng và dán ở những gian bên trong nhà, có thể dán ở chuồng gia súc như tranh thờ vật linh, có thể cho trẻ con như một món quà.

do hoa 1

Hứng dừa (Tranh dân gian Đông Hồ)

Tranh tứ bình, nhị bình: “Tứ bình” là tranh bộ bốn bức, “Nhị bình” là tranh bộ hai bức. Trong bộ tranh, mỗi tranh đều là một bố cục độc lập, nhưng định hưởng với nội dung chung của cả bộ. Tranh Nhị bình có lẽ xuất phát từ hình thức câu đối được treo hai bên ban thờ, hoặc hai cột nhà đối xứng và tính chất của chúng cũng mang tính đăng đối (đăng đối giả). Ví dụ bên voi bên ngựa, bên công bên cá. Tranh tứ bình gồm hai loại: a/ loại tranh tượng trưng như bốn mùa vẽ mai - lan - cúc- trúc, tượng trưng cho xuân - hạ - thu - đông, hoặc tranh Tố nữ, có thể biến tướng từ tranh “Tứ mỹ đồ" (bốn người đẹp), đề tài rất phổ biến trong hội họa phương Đông. Ở đây bốn cô gái người đàn tỳ bà, người sáo, người kéo nhị, người hát và gõ phách là tượng trưng cho vẻ đẹp thanh lịch, tài hoa của các bậc giai nhân, ca kỹ xưa. b/ Tranh truyện. Các tiểu thuyết và truyện thơ dài ngày xưa như Thạch Sanh, Sơn Hậu, Kiều, Quan Âm Thị Kính... được tóm tắt thành bốn chương lớn, mỗi chương vẽ thành một tranh với các hình ảnh chủ yếu về một thời kỳ của nhân vật. Tranh truyện theo thể Tứ bình là cách khắc họa hình ảnh các nhân vật văn học cho dân gian dễ nhớ.

Không xa lạ với phương thức hoạt động của Đông Hồ, dòng tranh dân gian Hàng Trống về đại thể cũng phân loại như tranh Đông Hồ. Cũng gồm tranh Thờ cúng, Chúc tụng và tiểu loại tranh bộ. Mặc dù hoạt cảnh sinh hoạt trong tranh Chúc tụng Hàng Trống hoàn toàn khác với Đông Hồ, với tinh thần của thị dân Hà Nội, nhưng ước nguyện phồn vinh, trường tồn vẫn là một. Duy chỉ có tranh Thờ cúng là hoàn toàn khác. Ở đây tín ngưỡng đạo Mẫu bản địa Việt Nam quyết định tinh thần và loại tranh như một hệ thống quy củ và tất nhiên có sự đan xen giữa đạo Mẫu và Tam giáo trong tranh thờ hàng Trống.

a. Tranh Tam tòa Thánh mẫu. Gồm một tranh chính vẽ cả ba vị Thánh mẫu: Thượng thiên, Thượng ngàn và Thoải phủ. Và ba tranh rời vẽ từng vị một cùng với đoàn tùy tùng riêng của mình.

b. Tranh Tứ phủ cộng đồng

c. Tranh Ngũ vị tôn quan

d. Tranh Các ông hoàng, bà chúa

e. Tranh Ngũ hổ

Các loại từ b-e đều có cách thức như tranh Tam tòa, tức là có tranh tổng hợp tất cả các vị quan thần, và tranh độc lập cho từng vị. Tranh Ngũ hổ cũng vậy có tranh 5 con hổ, và 5 tranh cho riêng 5 con. Cuối cùng là một bức tranh tổng hợp về đạo Mẫu, trên cùng là đức Phật, rồi đến Tam tòa, Tứ phủ, Ngũ vị, cuối cùng là cảnh chèo thuyền dưới âm ty. Như vậy kết cấu của tranh thờ đạo Mẫu chẳng khác gì một ban thờ Mẫu trong các dền phủ, ngay cả về mầu sắc cũng được vẽ theo chỉ định danh phận như tượng thờ. Ví dụ Thượng thiên áo đỏ, Thượng ngàn áo xanh, Thủy cung áo trắng. Ngày xưa ở Hàng Trống có cả những người vẽ tranh thờ độc bản theo yêu cầu của khách mua. Tranh thờ in nét tô tay rất phổ biến vì rẻ hơn, nhanh hơn, còn hình tượng rất gọn đẹp, bố cục ngay ngắn.

do hoa 2

Thổ công. Tranh dân gian Đông Hồ

Mặc dù phổ biến ở Trung Quốc, nhưng đạo Lão không có mấy ảnh hưởng ở Việt Nam. Đối với những người nông dân thực dụng việc tu tiên luyện đan là việc rất mơ hồ, và người Việt cũng rất ít ấn tượng về các vị Chân nhân, Chân tiên, Lão quân, khi hình ảnh Phật quá rõ nét. Quá trình Phật giáo hóa sâu sắc đến mức nhiều đền thờ thần Tự nhiên bản địa và quán đạo Lão đều biến thành chùa. Trong hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, dường như chỉ có bức tranh đạo Lão Bát tiên được biết đến. Song đạo Lão lại được các sắc tộc ở miền núi Việt Nam chấp nhận với sự ảnh hưởng trực tiếp từ các phương thuật đạo sĩ qua lại biên giới Việt - Trung. Tranh thờ miền núi là sự kết hợp hệ thần đạo Lão và tín ngưỡng đời sống thế tục của các thổ dân sơn cước, như Tây, Nùng, Dao. Các tranh này bố trí hệ thần cũng tương tự như sự sắp đặt tượng thờ trong quán đạo Lão. Có những tranh tổng hợp toàn đồ các vị thần, có những tranh là một nhóm thần tiên, có những tranh vẽ từng vị một. Ví dụ như tranh Tam Thanh (Thái thanh, Ngọc thanh, Thượng thanh) có tranh ba vị, có ba tranh từng vị một với các nhiệm vụ và tiểu thần tòng sự của mình. Hệ thần vốn phức tạp, tranh do vẽ phức hợp và đơn lẻ nên số lượng tăng lên rất nhiều. Đến nay chưa có một thống kê nào đầy đủ. Cũng chưa một lễ cúng mo nào của người miền núi có thể trình diễn tất cả các loại tranh. Phần lớn tranh thờ miền núi do các thày Mo thày Tào vẽ tay trực tiếp theo lối tranh trục cuốn dọc, số ít là cuốn ngang.

do hoa 3

Thiên địa, tam giáo, thập bát phật chủ thần - (Bức tranh về hệ thần trong trời đất , Tam giáo)
Tranh dân gian Trung Quốc. 100,5 x 85 cm

Nội dung, chú thích: tranh thờ dân gian về tông đồ các vị thần thuộc Tam giáo. Tuy nói Tam giáo, nhưng trong thực tế chỉ có hệ thần trong Phật và Đạo giáo, ngoài ra thêm một số vị thần thuộc Tín ngưỡng dân gian. Tranh vẽ theo lối chồng tầng, hệ thần cao thấp theo cấp và nhóm chính phụ, lối vẽ này ảnh hưởng lớn đối với tranh thờ Hàng Trống. Hàng đầu tiên thuộc chư Phật, gồm Tam thế Phật, Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát, Thị giả Tế giám và Bạch y. Tầng 2 gồm Tam Thanh ở giữa có bọn Đạo lưu động hầu, bên rìa có phối nhánh và hầu quan. Tầng 3 gồm Ngọc Hoàng và Tử Vi ở giữa, Câu Trần – Hậu Thổ cùng Nam Tào Bắc Đẩu quan hai bên. Tầng 4 gồm: Tam Quan Đại đế, Cửu Cung, Thiên Sư, Thiên Bổng, Trực Thành, Thiên Hưu, Văn Xương. Tầng 5 gồm cụm Thiên Tiên có Nữ quan theo hầu. Cụm bên cạnh là Ngũ Nhạc đại đế... Văn quan, Võ tướng theo chầu hai bên. Tầng 6 gồm: giữa là Địa Tạng vương, trái có Phục ma Đại Đế với Chu Xương, quan Bình theo hầu. Bên phải là Tăng phúc Tài thần với hai vị Hầu quan. Tầng cuối cùng là bách quan văn võ cùng vua chúa đứng chầu.

Trong đó các vị thần được vẽ chồng tầng, vị nào chức càng to được vẽ càng cao, với hình thức to hơn vị khác, giống như tranh Thánh luôn ở phương Tây. Tranh in khắc dân tộc có tính chất cá biệt và không phổ biến. Tuy nhiên nếu có thì rất đồ sộ vì hệ thần phải trải dài ra toàn bộ mặt phẳng tranh như kể chuyện. Những tranh khúc gỗ này theo lối cuốn ngang và dài 5 m.

Theo cuốn “Trung Quốc Đạo giáo chư thần” (Mã Thư Điển soạn. Nxb Đoàn Kết 1996) liệt kê hệ thần Đạo giáo như sau:

* Các vị tôn thần:

- Tam Thanh gồm:

a. Ngọc Thanh Nguyên thủy Thiên tôn

b. Thái Thanh Lý lão quân

c. Thượng Thanh Linh bảo Pháp sư

- Tứ ngự gồm:

a. Hạo thiên kim khuyết chí tôn Ngọc hoàng Đại đế

b. Trung thiên Tử vi Bắc cực Thái hoàng Đại đế

c. Câu trần Thượng cung Nam cực Thiên hoàng

d. Thừa thiên Hiệu pháp Hậu thổ Hoàng địa kỳ

- Tam quan Đại Đế gồm:

a. Thiên quan Tứ phúc Nguyên quân

b. Địa quan Xá tội Nguyên quân

c. Thủy quan Giải ách Nguyên quân

- Vương mẫu nương nương

* Các vị Tinh tú:

- Đẩu mẫu Nguyên quân

- Nhị thập bát tú

- Ngũ đầu Tinh quân gồm:

a. Bắc đẩu Tinh quân

b. Nam đầu Tinh quân

c. Đông đẩu Tinh quân

d. Tây đẩu Tinh quân

e. Trung đầu Tinh quân

- Thái Bạch Kim tinh

- Chân vũ đại đế

- Văn xương Đế quân

- Khôi tinh

* Các vị Thần tiên:

- Cửu Thiên Huyền nữ

- Ninh phong tử

- Bát tiên gồm: Lý Thiết Quài, Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cữu, Hà Tiên Cô

- Lưu Hải Thiêm

- Hoàng đại Tiên

- Ma cô

- Mã Tổ (Thiên phi nương nương).

do hoa 4

Đệ cửu La Hán Tôn giả. Đại Alahán kinh. Thế kỷ 19.

* Các vị Tổ sư và Chân nhân:

- Trương Đạo Lăng

- Tam mao Chân nhân

- Hứa Chân quân

- Cát Hồng Tiên ông

- Nhị Từ Chân quân

- Trần Đoàn Lão tổ

- Vương Trùng Dương Chân nhân

- Khâu Sử Cơ Chân nhân

- Trương Tam Phong

* Các Hộ pháp Thần tướng:

- Tứ đại Nguyên súy gồm:

a. Triệu nguyên súy

b. Mã nguyên súy

c. Chu nguyên súy

d. Ôn nguyên súy         

- Quan Thánh Đế quân

- Tam nhân Thần thống gồm:

a. Nhị Lang thần

b. Ngọc khu Hỏa phủ Thiên tướng

c. Linh quan Mã nguyên súy

- Tát Thủ kiên Chân nhân

- Vương linh quan

- Tứ trực Công tào

- Lục đinh lục giáp         

- Lục thập nguyên thời

- Quy - xà nhị tướng, thủy - hỏa nhị tướng

- Thanh long, Bạch hổ

- Kim đồng, Ngọc nữ

- Chu công, Đào hoa nữ

- Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ

- Lôi công

- Điện nương

- Phong bá

- Vũ sư

Về nguyên lý hệ thần này coi như là đề tài của các loại tranh. Nhưng thực tế hệ thần chỉ là “phần cứng”, quy cước cố định cho giới họa công, còn từ đó tùy từng đặc thù của hội lễ địa phương và hình ảnh quá khứ trong đầu họ mà tưởng tượng ra bức tranh từ đề tài cho trước. Bức tranh dài 5m, nhưng chỉ cao 20cm về một “Đám rước” dẫn đạo theo tinh thần Đạo giáo được giới thiệu trong sách có những hoạt cảnh như sau:

(Tính từ phải qua trái gồm các nhóm thần)

1. Ngọc hoàng (giữa)

Nhật cung (cung mặt trời)

Nguyệt phủ (cung mặt trăng)

Tả Sư (sư bên trái)

Hữu Thánh (thánh bên phải)

2. Ba vị Tam thanh

Thượng Thanh

Ngọc Thanh

Thái Thanh

3. Bảo tháp (tháp báu)

4. Thập chân Chân nhân (10 vị Chân nhân)

5. Thập vương Chân nhân (10 vua Chân nhân)

6. Thập cực Chân nhân (10 cực Chân nhân)

7. Cứu khổ

8. Cửu đầu sư tử tọa trên dài (sư tử chín đầu trên đài sen)

9. Ngũ lôi (Thần sấm)

10. Đại kỳ đồ (Cờ lớn)

11. Lệnh (Cờ lệnh) 

12. Thanh sư (sư tử xanh)

13. Bạch tượng (voi trắng)

14. Trấn vũ

15. Vi đà

16. Thiên sư

17. Lão quân

18. Cửu lão Tiên đô (9 vị lão Tiên đô)

19. Long vương Thái tử

20. Đông nam đẩu (sao Đông Nam)

21. Tạo lệ (Các người hầu)

22. Kim đường (nhà vàng)

23. Nam cực (Sao nam cực)

24. Bát tiên (8 vị tiên)

25. Kim ngân thuyền (thuyền vàng bạc)

26. Chấp sự (Người làm việc)

27. Ngọc kiệu (Kiệu ngọc)

28. Ngọc tẫn (Dù ngọc)

29. Nữ quan thuyền (Thuyền nữ quan)

30. Tiếp dẫn (người tiếp dẫn)

31. Nam quan thuyền (thuyền nam quan)

32. Nữ kiệu (Kiệu nữ)

33. Nam kiệu (Kiệu nam)

34. Thập súy (10 nguyên súy)

So sánh các nhóm thần ở đây với hệ thần Đạo giáo,về cơ bản là trùng hợp, nhưng ngoài ra có một số biểu tượng khác tùy thuộc vào nghi lễ cụ thể của thời điểm bức tranh, mà chúng ta chưa hiểu hết – Nó giống như một đại hội lớn của cuộc hành hương Đạo giáo, có lẽ là một cuộc hành hương lên trời. Kết cấu của đám rước giống như một con thuyền dài vô tận được chạm vẽ đầu rồng – đuôi hổ như đề dẫn trong bức tranh.

Khác với Đạo giáo, Phật giáo là một tôn giáo phổ biến, thấm đượm sâu sắc vào đời sống tinh thần người Việt Nam. Hệ thần Phật giáo phát triển phức tạp trong nước mười thế kỷ, sau giai đoạn Bắc thuộc có lẽ ổn định trong thế kỷ 17 với hệ thống tượng Phật như ta thấy trong các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ. Đã có nhiều nghiên cứu về hệ thống tượng Phật, cũng vì người Việt Nam trọng điêu khắc hơn hội họa và đồ họa, nên các chủng loại tranh Phật giáo không mấy được biết tới.

Có lẽ chúng ta phải tham khảo sự tổng kết của nghệ thuật – Phật giáo Trung Quốc về cách phân loại tranh Phật giáo. Theo cuốn “Trung quốc Phật giáo mạn đàm” (Nxb Bắc Kinh 1996), chương “Phật giáo bản khắc” (Tranh khắc gỗ Phật giáo) có chia tranh vẽ Phật thành hai loại lớn:

I. Tượng (Phật Tượng họa). Nói là Tượng là chỉ bức tranh vẽ đơn độc một hình tượng, hoặc nhiều hình tượng, nhưng nội dung vẫn chỉ tập trung chú trọng biểu hiện động thái một hình tượng ngoài ra không có ý nghĩa gì khác.

do hoa 5

Quan Thế Âm Bồ Tát ảnh tượng. Tạo tượng lượng độ đồ kinh, thế kỷ 19 – chùa Xiển Pháp (Hà Nội)

2. Đồ (Phật đồ). Nói là Đồ chỉ bức tranh lấy hình vị Phật làm chủ thể, hoặc nhiều hình tượng làm chủ đề chính, trong đó có chủ có khách, cùng nhau biểu hiện một đoạn hay một hoạt cảnh trong chuyện về Phật. Có lẽ “Tượng” thiên về biểu hiện, còn “Đồ” thiên về kể chuyện diễn giải. Phật Tượng họa xét ở góc độ nội dung chia làm 7 loại:

  1. Phật
  2. Bồ tát
  3. Minh Vương
  4. La Hán (gồm cả Duyên giác)
  5. Thiên long Bát bộ
  6. Cao tăng
  7. Man đồ la.

Phật đồ xét ở góc độ nội dung chia làm 6 loại và một loại nữa do Tượng và Đồ hỗn dung tạo thành, gọi là”Thủy lục họa”.

8. Loại Phật truyện

9. Loại Bản sinh

10. Loại Kinh biến

11. Loại Cố sự

12. Loại Chùa chiền

13. Tạp loại

14. Thủy lục họa

Cụ thể như sau:

1. Tranh vẽ tượng Phật: Có thể phân biệt qua thế ngồi, ấn quyết và tỷ lệ trong “Tạo tượng lượng độ đồ kinh”

2. Bồ tát: Tiếng Phạn là “Bồ đề tát đỏa” lược gọi là Bồ tát. “Bồ đề”, có nghĩa là giác ngộ, “Tát đỏa” có nghĩa là hữu tình. Kẻ phàm phu hữu tình tu hành có được sự giác ngộ thì đều có thể gọi là Bồ tát. Tranh Bồ tát có thể chia ra 4 loại:

- Loại 1: dùng tất cả các hình tượng biểu đạt các giai đoạn tu hành của các vị Bồ tát thông qua tranh vẽ. Căn cứ vào giáo lý của Phật giáo thì từ phàm phu mà tu hành lên đến quả vị Phật, trong khoảng đó phải trải qua 42 giai đoạn, tức là thập Trụ, thập Hành, thập Hướng, thập Địa, thêm Đẳng giác và Diệu giác là 42 giai đoạn, thập Trụ, thập Hành, thập Hướng gọi chung là Tam thập Hiền vị, thập Địa gọi là Thập thành vi. Đẳng giác là quả vị Bồ tát. Diệu giác là quả vị Phật. Hoa gia dùng 42 hình trạng này để biểu đạt 42 quả vị, tức là 42 hình tượng các vị Thánh Hiền, hoặc có thể vẽ đơn lẻ riêng phần Đẳng giác – tức là vẽ Quả vị Bồ tát.

- Loại 2: căn cứ tên gọi hình trạng và cụ thể trong kinh Phật ghi chép để vẽ các vị ra như Di lặc. Phổ Hiền, Văn Thù...

- Loại 3: dành riêng cho Quan âm Bồ Tát

a. Hình tượng Quan âm 1 mặt 2 tay vẽ theo người thật hoặc đứng hoặc ngồi. Thức này gọi là Thánh Quan âm.

b. Tuân thủ những quy tắc trong Mật tông để vẽ Quan âm 1 mặt 2 tay hoặc nhiều mặt nhiều tay, trong tay cầm các loại bảo vật. Như các hình Thiên thủ Thiên nhãn Quan âm. Như ý luận Quan âm. Thất câu chi Quan âm (Chuẩn đề)...

c. Họa sĩ tự do sáng tác các thức Quan âm, sau đó tự ý đề tên là Quan âm gì.

d. Vẽ các thức Bồ tát đứng thị lập bên cạnh một pho tượng Chủ tôn như Quyền, Sách, Ái, Ngữ Bồ tát (Tứ Bồ tát)...

3. Minh Vương: Là tượng có dung mạo phẫn nộ, tức giận do biến tướng từ tượng Phật và Bồ tát mà ra. Căn cứ vào giáo lý của Mật tông Phật giáo thì Phật và Bồ tát có hai loại thân. 1 là Chính Pháp luân thân, tức là Phật và Bồ tát do tu theo các hạnh nguyện của mình mà có chân thực báo thân. 2 là Giáo lệnh luân thân. Tức là Phật và Bồ tát vì lòng đại từ bi mà thị hiện ra Tướng Minh Vương có dung mạo uy mãnh, tướng giận dữ.

4. La Hán: La Hán là từ lược xưng từ Phạn ngữ “ Alahán “ hàm nghĩa có 3: 1. Bất sinh (Không sinh) 2. Sát tặc (giết giặc) 3. Ứng cúng (Chịu sự cúng dường).

5. Thiên long t bộ: Tượng Thiên long bát bộ cũng tức là tượng quỷ thần. Thiên long bát bộ là chỉ Thiên Long, Dạ xoa, Càn thái bà, A tu la (Thần), Ca lâu la (Thần chim cánh vàng). Khẩn nam (Thần Thiên ca)/Ma Hầu la ca (thần Mãng xà). Trong đó chủ yếu là tượng thiên thần như Phạm Thiên. Đế Thích. Tứ đại thiên vương...

6. Cao tăng: Là những nhân vật cụ thể trong lịch sử phật giáo.

7. Man đồ la: Man đồ la là tiếng Phạn có nghĩa là Luân tập (họp vòng tròn) xưa dịch là “ Đàn “ (cái đàn tên hoặc (đàn tròn) là một dạng tranh thờ về tượng Phật được dùng trong khi tu hành Mật tông. Hình thức của nó có thể là vuông hoặc tròn. Giữa tranh vẽ một vị Phật hoặc Bồ tát gọi là tượng bản tôn. Bốn bên (trên dưới trái phải) tượng Bản tôn cho đến bốn góc đều vẽ một tượng Bồ tát, hình thành một đóa hoa sen. Giữa hoa sen là tượng Bản tôn, cánh sen xung quanh là Bồ tát,vòng ngoài nữa có thể là hình Bồ tát hoặc tượng Thiên vương. Vẽ tranh Man đồ la phải tuân thủ những tiêu chuẩn và những qui định để tránh không lần phần trung tâm là tượng Bản tôn.

8. Phật truyện đồ

9. Bản sinh đồ: Là vẽ sự tích Phật Thích ca sinh trong những kiếp quá khứ làm Bồ tát giáo hóa chúng sinh. Điêu khắc gia hay hội họa gia thường hay sử dụng những đề tài đại loại được miêu tả trong các kinh kể về tiền thân của đức Phật.

10. Kinh biến đồ: Phàm đem những chuyện tưởng thuật trong kinh vẽ ra thành tranh, đều gọi là Kinh biến đồ. Phật truyện đồ và Bản sinh đồ cũng căn cứ những câu chuyện chép trong kinh sau đó vẽ ra, cũng là một loại Kinh biến đồ. Nhưng do nội dung biểu đạt sự tích kiếp hiện tại hay kiếp quá khứ của Thích Ca cho nên chia ra Phật truyện đồ và Bản sinh đồ. Ngoài ra, tranh chuyên chỉ vẽ một đoạn hay toàn bộ nội dung chép trong một bộ kinh nào đó thì gọi là kinh biến đồ. Ví dụ như căn cứ Kinh A Di Đà vẽ ra khung cảnh thế giới. Cực lạc thì tranh này gọi là Cực lạc Tịnh độ biến; Căn cứ vào kinh Quán Vô lượng thọ vẽ ra cảnh phu nhân Vi Đề Hy bị tù và 16 phép quán thế giới Cực lạc gọi là Quán Vô lượng thọ kinh biến. Vẽ cảnh địa ngục, gọi là địa ngục biến...

11. Cố sự đồ: Tranh truyện Căn cứ những chuyện ghi chép trong lịch sử Phật giáo, vẽ ra thành tranh, gọi là Cố sự đồ. Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ có hình tượng vua A Dục vương. Chuyên lịch sử Phật giáo Trung Quốc đầu tiên có tranh Nhiếp Ma Đằng lấy kinh. Tranh Thạch Lặc lễ Phật cũng gọi là tranh “Thạch Lặc hỏi đạo” và cũng gọi là tranh “Vua nước Phiên lễ Phật”. Đây là những tranh người xưa thường vẽ. Đời Đông Tấn có tranh truyện “Chi Đốn, Hứa Tuân nhàn khoáng đồ”, “Tuệ viễn hổ khê tam tiếu đồ”, ... Thời Nam Bắc triều có tranh truyện “Lương Vũ đế phiên kinh đồ”, (Đạt Ma độ giang đồ”, “Đạt Ma diện bích đồ”...cho đến những tranh đời Tống như “Đông Pha lưu ngọc đái đồ”,“Mạnh Phủ tả kinh hoán trả đồ”....đều tập trung vẽ những chuyện đương thời.

12. Sơn tự đồ: Tranh vẽ chùa chiền núi non, là một dạng tranh sơn thủy trong dòng Phật họa, miêu tả phong cảnh chùa... như bức “A nốc đạt trì đồ”, “Tuyết sơn Phật sái đồ, “Nga Mi sơn đồ, “Đào Hoa tự bát cảnh đồ”....

13. Tạp loại đồ: Loại tranh mà họa gia không căn cứ vào sách vở kinh điển, chỉ là những tác phẩm được làm ra trong lúc cao hứng. Như phái Thiền tông chủ trương phá bỏ tất thảy những chấp trước về danh tướng gọi là Tảo tướng (quét bỏ các tướng). Vin vào đó họa gia bèn vẽ một pho tượng lớn có một người dùng chổi quét đi, hoặc dùng nước lau. Tranh tên là “Tảo tượng đồ” hoặc “Tẩy tượng đồ” hay vẽ một cảnh cụ thể như “Giảng kinh đồ”, “Thính pháp đồ” đến những bức Tam giác đồ đều thuộc tranh tạp loại.

do hoa 6

Trăng soi đáy nước dậm biếc quanh am
Sách Đỉnh Hồ sơn chí do Hòa thượng Phúc Điền tổ chức khắc in
tại chùa Đoan Minh (Bắc Ninh) năm Thiệu Trị 4 (1944)

do hoa 7

Nghề in khắc gỗ ở Trung Quốc - Man đồ la Đại Tùy cầu Đà La Ni
Tranh khắc niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc đời Tống, Trung Quốc Mỹ thuật toàn tập - quyển 20.
NXB Mỹ thuật Nhân dân Thượng Hải. 1988

 

do hoa 8

Vô lượng Thọ Kinh - Thế kỷ 19. Chùa Địa Linh - Tây Hồ - Hà Nội

14. Thủy lục đồ: Pháp hội Thủy lục gọi đủ là “Pháp giới thánh phàm thủy lục phổ độ đại trai thắng hội” là một trong những nghi thức tôn giáo tương đối lớn trong Phật giáo. Khi cử hành đàn Thủy lục, cần phải treo đủ các loại tranh trên Phật đường, gọi chung những tranh đó là tranh Thủy lục. Duyên khởi của đàn Thủy lục đều nói Lương Vũ Đế mộng thấy thần tăng bảo làm như vậy, khi tỉnh dậy mới cùng với Bảo Trí thiền sư nghiên cứu kỹ, rồi chế tác ra các nghi thức và cử hành lần đầu tiên ở chùa Kim Liên. Hiện nay trong tranh Thuỷ lục còn vẽ lại duyên khởi câu chuyện đó thành bức “Thủy lục duyên khởi đồ”. Nhưng trong nghi thức của Pháp hội Thủy lục những câu thần chú được tụng đọc, đều là những câu thần chú được phiên âm từ thời Đường. Đàn Thủy lục chính thức tổ chức rầm rộ từ đời Tống Thần Tông (Bắc Tống) trở đi, bởi do lối cúng cô hồn trong Mật tông đời Đường kết hợp với “Từ bi sám pháp” của Lương Vũ Đế tổng hợp lại mà thôi.

Tranh Thủy lục không cố định về số tranh, tối đa là 200 bức hoặc 120 bức, ít thì 72 hoặc 32 bức. Trong đó chia ra làm hai phần treo ở nhà trên (thượng đường) và nhà dưới (hạ đường). Ở nhà trên treo tranh vẽ tượng Phật cùng những tượng kinh điển, và tượng Bồ Tát. Thanh Văn, Duyên Giác, tượng Tổ sư các tông phái, tượng các Tiên nhân thời Ấn Độ cổ. Tượng Minh Vương, Hộ pháp quy thần và chọn các tượng Đại sĩ cho đàn Thủy lục. Ở nhà dưới treo tranh hình chư thiên thần sông, núi, biển, rồi thần tiên nho sĩ các loại thần Thiện ác, quỉ A tu la và đủ các loại ma quỉ cho đến Diêm vương quy tốt, địa ngục, súc sinh... Có thể nói tranh Thuỷ lục là một tập đại thành của tranh Phật giáo, lẫn bên trong các bức vẽ ở nhà dưới có tranh của Đạo giáo, họa pháp và chương pháp ở mỗi bức tuy không nhất định, nhân vật có thể rời hoặc nhóm, nhiều hoặc ít, nhưng phong cách vẽ trong mỗi bức đều có những qui củ nhất định, bảo lưu được họa pháp của thời Đường Tống.

do hoa 10

Nghề giấy và in tranh ở Nhật Bản

do hoa 12

Phổ Môn Xuất Tướng Đồ 

Bản khắc in năm Thành Thái 8 (1896) do hiệu Ngọc Thành (Hà Nội) khắc in. Tàng bản ở chùa Quang Minh thôn Vũ Thạch huyện Thọ Xương, Chánh Bát phẩm xã Cơ Xá - Thọ Xương làm chủ hưng công. Kinh xếp, 89 trang. 42 đồ hình 30 x 12cm. Sưu tập cụ Hưng chùa Đại Bi.

>>> Lịch sử Đồ họa Việt Nam

>>> Đồ họa cổ Việt Nam

0976984729