Các khía cạnh của đường viền
Ngày nay người ta có khuynh hướng phân loại các họa sĩ theo cách họ giới hạn bề mặt vẽ màu; một số tranh trừu tượng vì vậy cũng được xếp vào loại “có đường viền rõ nét”. Do đó mà sự xử lý đường viền có tầm quan trọng lớn trên bình diện thẩm mỹ cũng như triết lý, trong chừng mực có một số lựa chọn và giá trị gắn liền vào đó. Khi khảo sát đường và đường viền, chúng ta đã thấy rằng Wolfflin phân biệt khái niệm đường nét và hình thể; một kiểu đối cực tương tự cũng có giữa đường viền rõ nét và liên tục với đường viền mờ và gián đoạn. Nói chung thì loại đường viền thứ nhất tương ứng với phương pháp đường nét, vì đường đòi hỏi sự liên tục, và loại thứ hai tương ứng với phương pháp hình thể.
Phân biệt như vậy thì có lợi gì? Vấn đề được đặt ra tùy theo chức năng của hội họa. Những tác phẩm có tính vật tổ hoặc huy hiệu vốn chỉ có giá trị gần như tượng trưng, tất nhiên phải có đường viền rõ nét để dễ phân giải. Gần đây người ta thấy cách xử lý này được liên kết với sự thăm dò tính tri thức, thuộc cấu trúc và nghệ thuật ngược với sự thăm dò có tính cảm giác hay trực giác. Đường viền rõ nét ạo ra một thứ bất ngờ cho mắt, một ấn tượng ánh sáng, có hiệu quả xác định hoàn hảo. Trái lại, đường viền mờ nhạt liên hệ nhiều hơn với cảm giác xúc giác và cảm giác mềm mại; nó gợi lên hình ảnh tròn trịa của hình thể và sự nhẹ nhàng của các đường cong tiếp xúc nhau mà không đối chọi nhau. Nó cũng hòa hợp với hình dạng của những vật được làm cho mềm mại bằng cách chia cắt ánh sáng từ xa chiếu tới, bao trùm chúng. Cuối cùng, như ta đã thấy trong tranh chân dung của Léonard de Vinci và của Rembrandt, các hình thể nhòa đi và đường viền biến mất trong bóng bao quanh mặt.
Khái quát hơn, chúng ta có thể nói rằng đường viền rõ nét đáp ứng được sự phân tích bằng trí tuệ nhằm tách rời các yếu tố vì bận tâm với sự hợp lý hình thức. Ngược lại, nếu người ta muốn có sự thống nhất, sự toàn vẹn và tính linh động, thì đường viền mờ nhạt và gián đoạn là hơn hết. Vì chủ nghĩa cổ điển trong tính sáng sủa duy lý nghệ thuật không thể tránh khỏi nghiêng về phía rõ ràng; còn nghệ sĩ theo trường phái lãng mạn thúc đẩy gợi ý muốn hợp nhất với vũ trụ thì cái mờ nhạt hợp với họ hơn, nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì đó cũng không phải là khuynh hướng phổ quát.
Trong một chừng mực nhất định, tính đối cực có thể định nghĩa như một phản đề giữa một đằng là lý trí và lương tri và một đằng là ảo tưởng tưởng tượng. Đành là ta không thể phủ nhận một kinh nghiệm thần bí cũng có sự sáng sủa của nó và nhiều họa sĩ có óc ảo tưởng, trong đó có Blake cũng rất trọng đường nét. Nhưng dù sao cũng dễ cho óc tưởng tượng vùng vẫy tự do trong những hình thể gợi ý hơn là trong những hình ảnh quá cụ thể. Có lẽ khía cạnh tưởng tượng này biểu thị trong các đường viên mờ nhạt của những hình chữ nhật của Rothko điển hình cho cái mà nhà phê bình Robert Melville gọi là “cái trừu tượng tuyệt vời”; những bức tranh đó trái ngược hẳn với tranh của nhiều họa sĩ Mỹ có sự sáng sủa nghiêm nhặt trong những năm 60.
Các thí dụ:
Jammu, Ấn Độ. Mian Bry Raj Dev với hai người hầu, k. 1765
Dẫu bức tranh này không hoàn toàn thiếu thể khối và chiều sâu, nhưng sự chính xác và rõ nét thanh tao tạo ra sức mạnh cho nó.
Mantegna, Andrea, 1431-1506. Họa sĩ Ý. Thống khổ trong vườn ô liu, k. 1460.
Trong tranh của Mantegna, đường viền rõ nét và sắc bén, ngay những đám mây cũng được giới hạn rõ ràng. Nhưng vẻ cứng rắn của hình thể được giảm nhẹ bằng sắc độ sáng dần.
Rothko, Mark, 1903-1970. Họa sỹ Mỹ gốc Nga. Đỏ, trắng và nâu, 1957.
Với hình thể có đường viền rõ nét, ở đây chúng ta có một thí dụ đẹp của hội họa trừu tượng “cổ điển”. Nhưng bức tranh gây ấn tượng với chúng ta với tất cả sự mạnh mẽ và sáng chói do ở cách thể hiện lờ mờ tinh tế.
Léger, Fernand, 1881 – 1955. Họa sĩ Pháp. Người thợ máy, 1920.
Léger tái tạo con người theo hình ảnh của máy móc; tay chân anh ta là những thanh pít – tông được nghĩ ra để làm công việc. Đây là một bức tranh có đường viền rõ nét, tượng trưng cho nền văn minh công nghiệp đã sinh ra nó.
Renoir, Pierre Auguste, 1841 – 1919. Họa sĩ Pháp.
Thiếu nữ tắm xong ngồi lau chân, 1910.
Đường viền của Renoir, nhất là ở hình người là sự biểu hiện của chính sự dịu dàng, mềm mại. Màu được tô lên vải một cách tinh vi bằng những nét thay đổi uyển chuyển gợi lên sự ve vuốt của người tình; cái thi vị được diễn đạt theo xúc giác hơn là thị giác.
Léonard de Vinci, 1452 – 1519. Họa sĩ Ý.
Đức mẹ Đồng trinh trong hang đá, chi tiết, k. 1505.
Léonard đã cách tân kỹ thuật bóng nổi của hình thể trong vùng sáng – tối. Ở đây, đường viền biến đi trong bóng mờ của hang đá.
Rembrandt, Harmansz van Rijn, 1606 – 1669. Họa sĩ Hà Lan
Chân dung họa sĩ trước giá vẽ, chi tiết, 1660.
Những phần lộ ra ánh sáng, mũ, mi mắt, cổ được vẽ rất kỹ với đường viền rõ nét trong khi phần còn lại của mặt chìm trong bóng và đường viền gần như chìm vào nền.
>>> Vẽ đường viền trong ký họa (Phần 1)
>>> Bí ẩn hình học của hình ảnh