Nghệ thuật hoạt hình căn bản
Hoạt hình thực ra là tập hợp những bức ảnh tĩnh, khi một vật di chuyển từ điểm A đến điểm B trong 1 giây, và nếu mắt người nhận được từ 10 đến 24 hình ảnh của vật đó trong 1 giây khi nó đang dịch chuyển, thì mắt người sẽ trông đó như một chuyển động liên tục. Đó gọi là hiện tượng lưu ảnh võng mạc! Nếu không hiệu ứng sinh học này thì phim hoạt hình không tồn tại. (hoặc người ta sẽ làm phim theo cách khác)
Có hai phương pháp làm hoạt hình cơ bản: hoạt hình truyền thống và hoạt hình máy tính.
Hoạt hình truyền thống: Với phương pháp hoạt hình truyền thống, người ta sẽ vẽ và tô màu từ 12 đến 24 hình trong mỗi giây để tạo một bộ phim hoạt hình, có thể dài 1h hoặc hơn, 1h nghĩa là 60 phút, nghĩa là 3600 giây, nghĩa là 86.400 hình (nếu phim được vẽ 24 hình/s). Vì số lượng hình như thế nên các bộ phim hoạt hình truyền thống tốn nhiều năm để hoàn thành. Các phim hoạt hình truyền thống điển hình: Vua Sư Tử, Pinocchio, Giai Nhân và Quái Vật.
Với phương pháp này thì môi trường, ánh sáng, chất liệu, tóc tai nhân vật, tất cả đều được vẽ ra trên mỗi khung hình. Nghĩa là kết quả sẽ đi thẳng từ cây bút ra hình ảnh, nghệ sĩ càng tài năng thì hình vẽ càng sống động, càng thật. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hoạt hình truyền thống và hoạt hình máy tính.
Hoạt hình máy tính: nghĩa là sản phẩm phim hoạt hình được thực hiện trên máy tính, và một trong những mảng lớn nhất của hoạt hình máy tính là hoạt hình 3D, nên ta có thể đánh đồng hoạt hình máy tính là hoạt hình 3D *.
Với hoạt hình 3D, bạn phải dựng hình nhân vật, môi trường, chất liệu, ánh sáng, và các yếu tố cần thiết khác trước, và những nhân tố này sẽ được sử dụng suốt (các cảnh trong) bộ phim. Nhân vật sau khi được dựng (model) đầy đủ, sẽ được gắn xương (rig/bipe), nhưng xương muốn kéo theo mô hình thì phải gắn da (skin), và da phải có chất liệu (texture) mới như thật và đẹp được, nếu cần có thể thêm tóc và lông (hair, fur), sau đó phải có ánh sáng thì phim kết xuất (render) ra mới thành một hình hoàn chỉnh. Đôi khi cần các hiệu ứng đặc biết như nược, khói, lửa, … thì cũng phải dùng các công cụ trong phần mềm 3D, cũng như lập trình mới ra kết quả như mong muốn. Rất nhiều công đoạn, nên các phim 3D cần nhiều người, và họ chuyên từng khâu riêng biệt.
Cả hai phương pháp đều “gian truân” như nhau nên tất cả đều tốn nhiều năm để hoàn thành. Nhưng 3D có lợi thế hơn, do người không có khả năng vẽ tay vẫn có thể tham gia trong nhiều công đoạn của việc làm phim (không đòi hỏi vẽ tay), và công nghệ ngày càng tiến bộ nên các khâu đang dần loại bỏ hoặc rút ngắn thời gian.
Hiện tại không chỉ hoạt hình 3D là thực hiện trên máy tính, hoạt hình 2D cũng thực hiện trên máy tính, bằng các phần mềm (Flash, Toon Boom, …), và hoạt hình đất sét (claymation) và hoạt hình tĩnh vật (stop motion) diễn hoạt bằng cách chụp hình liên tục và cũng được tổng hợp và hiệu chỉnh bằng máy tính. Nên 3D chỉ là một mảng trong hoạt hình máy tính. Hoạt hình đất sét và hoạt hình tĩnh vật sử dụng các đối tượng là vật thể thực, là 3d, vì thế giới chúng ta đang sinh sống là thế giới 3 chiều mà, nên có thể nói hoạt hình đất sét và tĩnh vật là hoạt hình 3d theo một nghĩa nào đó.
>>>>> Nghệ thuật hoạt hình căn bản phần 2