Ký họa và vẽ mực nho
Trong nhà trường tỷ lệ giờ dành cho ký họa và vẽ nhớ thường không đáng kể. Nhưng khi ra đời công tác, khi đã trở thành họa sĩ thì đó lại là những hình thức làm việc chủ yếu và hết sức quan trọng.
1. Ký họa :
a) Yêu cầu của một bài vẽ ký họa.
Sự khác nhau giữa thể loại này và thể loại khác trong một bộ môn nghệ thuật, không bao giờ có ranh giới tuyệt đối, sự phân chia chỉ có tính chất khái quát chung để tiện nghiên cứu mà thôi. Hình họa và ký họa cũng vậy, một bức ký họa thâm diễn đôi khi cũng giống như một bức hình họa. Tuy nhiên chúng vẫn có những mục đích khác nhau, yêu cầu khác nhau về phương pháp diễn đạt khác nhau. Vạy chúng ta cần phải hiểu không phải để phân biệt hai thể loại nghệ thuật với nhau mà là để biết vận dụng chúng vào từng trường hợp cho đúng cho có hiệu quả cao. Mục đích của một bài hình họa là vẽ nghiên cứu , vẽ để học tập , vẽ để nắm được phương pháp xem xét và diễn đạt chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Còn múc đích của ký họa thì lại khác. Nó nhằm ghi chép lại những hiện tượng thẩm mỹ có tính tạo hình trong cuộc sống, dùng để làm tài liệu, để xây dựng tác phẩm sau này. Hoặc đôi khi tự bản thân bức ký họa cũng đã có đủ phẩm chất của một tác phẩm và nó tồn tại với tư cách là một tác phẩm mỹ thuật ở dạng ký họa. Ký họa không đòi hỏi vẽ một cách đầy đủ chi tiết như một bức hình họa nghiên cứu với một mẫu vẽ ngồi từ ngày này sang ngày khác. Mà điều quan trọng của nó là nhận xét nhạy bén lọc ra được những nét tiêu biểu ngay trong sự tồn tại và vận động thực sự của cuộc sống. Chỉ cần một vài nét, một vải mảng chấm phá là đã có thể nói lên được bản chất, đặc trưng của sự vật đó đó là những yêu cầu vừa phóng khoáng vừa khắt khe của một bức ký họa.
Trong lĩnh vực mỹ thuật hiện đại ở nước ta, ký họa chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt. Nó đặc biệt không phải chỉ vì số lượng, mà chính là ở chất lượng thẩm mỹ mà các họa sĩ đã đạt được, ở giá trị tư liệu mà các họa sĩ đã ghi được. Nhất là những bức ký họa trong thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã làm cho chúng ta rất xúc động vì tính chân thực, sinh động của các hiện tượng thẩm mỹ được ghi chép lại. Ở nước ta có nhiều cuộc triển lãm trang ký họa phản ánh nhiều mặt trong cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân, , nhiều tập tranh ký họa đã được in- đó là những tài liệu tham khảo rất tốt cho học sinh học tập và nghiên cứu.
Ký họa, như trên đã nói là phải ghi lại được những nét tiêu biểu ngay trong sự tồn tại và vận động của cuộc sống, do đó kỹ thuật ghi càng nhanh càng tốt, sức bật càng nhạy bén càng tốt. Người ta còn chia ký họa thành tốc họa và ký họa thâm diễn. Tốc họa tức là vẽ rất nhanh, thường phải tiến hành trong trường hợp phải ghi chép những đối tượng đang hoạt động nhanh thay đổi dáng dấp tư thế luôn luôn. Ví dụ như ghi chép một cuộc hành quân của bộ đội, diễn biến một trận đánh, một cuộc điều hành …… còn ký họa thẩm diễn thì thường sử dụng trong điều kiện đối tượng tương đối tĩnh hoặc hoạt động thường lặp đi lặp lại một cách ổn định chu kỳ. Ví dụ như vẽ chân dung một diễn viên, một chị nông dân, một cảnh thành phố sau trận đánh, một công nhân đang đứng tiện , một cô thợ thêu …v…v.v.
b) Phương pháp ký họa – Ký họa không những khác với hình họa về mục đích yêu cầu mà còn khác nhau về phương pháp làm việc. Vẽ hình họa thường phải qua các khâu có tính chất trình tự như bố cục, dựng hình, lên khối tả chất…v..v… Còn ký họa thường tiến hành đồng thời tất cả các yêu cầu trên một nét bút, vẽ là được ngay không tẩy xóa, bởi vì thời gian không cho phép. Ví dụ khi vẽ một cảnh ở cảng chẳng hạn, việc bố cục bức tranh như thế nào người hạo sĩ đã ước lượng sãn các vị trí trên gờ giấy , đường chân trời ngang đầu, mặt nước đến đâu, bờ đến đâu, tàu chỗ nào, cần cẩu chỗ nào…. Chỗ nào đậm nhất trung tâm nhất, chỗ nào nhẹ thoáng, người điểm xuyết vào như thế nào, vẽ bằng chất liệu nào là đạt nhất, đặt bút vẽ cái gì trước, cái gì sau, thời gian cho phép là bao lâu …. Tất cả những thứ đó phải hình thành ngay khi còn đang ngồi ngắm cảnh, nên khi đã cầm bút rồi thì mọi sự rối răm phức tạp đã trở nên rõ ràng và có thể làm một hơi theo kiểu “ nhất khí quán hạ “. Không nên cầm bút để ký họa khi bản thân còn chưa biết làm như thế nào, bức ký họa đó sẽ chắp vá và hỏng. Phương pháp ký họa là một cái gì hết sức linh hoạt, nó có tính chất ứng xử tùy theo đối tượng, tùy theo chất liệu sẵn có , tùy theo múc đích lấy ký họa và tư chất riêng của mỗi họa sĩ. Tuy vậy đối với học sinh, người mà ta cần hướng dẫn để tập sự vào công việc này thì cũng nên nêu một số kinh nghiệm để họ nghiên cứu ứng dụng lúc ban đầu.
Ký họa chì, bút sắt, bút máy là những cách ký họa dễ dàng và thuận lợi hơn cả đối với học sinh. Ngoài ra có thể hướng dẫn ký họa bằng mực nho, bút lông, bút dạ khi học sinh đã làm quen với ký họa nên cho tiến hành từ những vật tương đối tĩnh và đơn giản và nâng dần lên vẽ những đối tượng động và phức tạp như cho vẽ ký họa lợn, trâu bò, thuyền bè, đến cây cối phong cảnh, phong cảnh sinh hoạt, công xưởng, chợ búa, phố xá..v…v…
Người mới tập vẽ ký họa thường hay bị các chi tiết làm cho rối mắt đồng thời giữa tay và mắt chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau nên rất lúng túng vì vậy nên khuyến khích động viên, để họ bạo dạn, hơn là chỉ trích phê phán một thời gian sau đã hơi quen, ta hướng dẫn họ bắt dáng từ những nét khái quát, rồi hướng dẫn để họ hiểu đặc trưng tiêu biểu của mỗi cá thể trong từng loại và cứ như vậy ta đưa họ vào sâu hơn trong phương pháp làm việc. Sau cùng ta mới hướng dẫn họ về bút pháp trong ký họa ( phần này nên cho xem nhiều tài liệu )cái hay, cái ưu thế của mỗi bút pháp, chất liệu, cái hạn chế của mỗi bút pháp chất liệu, đối tượng nào thì nó phát huy được ưu thế, đối tượng nào thì bị hạn chế. Trong lĩnh vực này ta nêu lên hai tổng kết rất hay của danh họa Tề Bạch Thạch .
- Phải nhìn xem sự tiến hóa của vũ trụ mà bạo dạn sáng tác.
Nét to khó giống về hình, nét nhỏ khó giống về thần. Qua đó ta thấy ký họa không nên câu nệ quá về hình bề ngoài, không bản chất và vụn vặt, cố gắng sao nắm được sự biến hóa của hình dáng cũng như thần thái chung tiêu biểu để đưa vào tranh. Dùng nét to thường gây ấn tượng phóng khoáng sinh động, dễ có thần nhưng hình thì lại khó giống. Nét nhỏ tuy dễ đi sâu dễ chi tiết dễ giống, nhưng sự phóng khoáng sinh động, lại giảm đi, do đó khi ký họa nên biết kết hợp chúng lại để phát huy cái thế hỗ trợ cho nhau. Không riêng gì ký họa cũng không riêng gì tề bạch thạch, các loại tranh, các danh họa bao giờ cũng biết kết hợp một cách tài tình giữa phóng bút và công bút giữa chi tiết điển hình và nét khái quát. Nhưng muốn hiểu và làm được như vậy đòi hỏi người học sinh phải rèn luyện thường xuyên và có phương pháp.
Mỗi học sinh phải luôn luôn có sổ tay ký họa hoặc cặp vẽ ghi chép những hiện tượng mà mình thấy đẹp, những ký họa ấy có khi được sử dụng làm tài liệu làm tranh, làm trang trí nhưng trước hết nó như những trang nhật ký thẩm mỹ ghi lại những cảm xúc của chính bản thân mình đối với cuộc sống đánh dấu bậc thang tiến bộ của mình và là những kinh nghiệm rất quý báu cho bản thân về kỹ thuật cũng như khuynh hướng thẩm mỹ.
Trong trường học, ngoài giờ ngoài giờ học ban ngày nên dùng một số kinh phí để tổ chức những buổi ký họa ban đêm có mẫu đẹp để học sinh, thầy giáo có thể đến để ký họa, luyện tập tay, mắt cho thành thục, sau này ra đời công tác rất khó có thể tổ chức để luyện tập cơ bản như vậy. Lợi ích của nó đối với mỗi học sinh là rất hiển nhiên.
2. Vẽ nhớ.
a) Mục đích của bài tập vẽ nhớ : Vẽ nhớ là một phương pháp làm việc của họa sĩ gắn liền với công việc sáng tác sau này. Không vẽ nhớ được , tức là không bịa được mà không bịa được thì sáng tác rất khó khăn. Có những người sử dụng ký họa để làm tranh là chính, nhưng cũng có những người ghi lại trong đầu những hình ảnh những ấn tượng để sáng tác tranh là chính. Thực ra nhớ ghi là hai biện pháp bổ xung cho nhau trong sáng tác do đó luyện phương pháp vẽ nhớ cũng cần như ký họa vậy.
b) Cơ sở khoa học của phương pháp vẽ nhớ.
Mắt người khi nhìn vào một vật nào đó, nhất là nhìn lâu hình ảnh của vật đó in lại trên võng mạc của mắt một thời gian ngắn mới mất đi. Khi người nhìn lại là họa sĩ thì lý trí phân tích, tổng hợp và xúc cảm thẩm mỹ đồng thời được tiến hành trong đầu, dấu ấn để lại không chỉ trên võng mạc mà còn được lưu lại trong trí nhớ. Nếu họa sĩ có xúc cảm mạnh mẽ với đối tượng có phương pháp phát hiện ra được những nét tiêu biểu, đặc trưng bản chất trong đối tượng thì hình ảnh đó được ghi lại một cách sâu đậm trong trí nhớ của mình thì có thể tái hiện lại trên tranh một cách dễ dàng.
c) Kinh nghiệm và phương pháp tiến hành.
Khi mới tập vẽ nhớ, người thầy nên bày mẫu sao cho mẫu được biểu hiện ra với hình dáng gọn nhất, tiêu biểu nhất, không nên đặt mẫu tùy tiện, và đặc biệt là đường nét không được rắc rối quá mảng khối không bị nát và phân tán quá, hình bán diện đường viền phải đẹp và gọn. Đặt mẫu độ 5 phút rồi thôi , bắt đầu cho vẽ, vẽ độ 15 phút lại đặt mẫu , rồi lại thôi, bắt đầu vẽ , cứ như vậy tiếp tục đến hoàn thành bài. Bài vẽ không nên kéo dài quá 3 lần đặt mẫu vì như vậy tác dụng của vẽ nhớ sẽ không còn nữa.
Vẽ nhớ chắp lại với nhau, phối hợp với nhau để tạo nên hình ảnh hoàn chỉnh đã có trong đối tượng. khi nhớ cũng phải biết cách nhớ mới không bị nhầm lẫn tức là nhớ một cách có phương pháp. Nhớ về người và vật nên thônng qua nhớ về cấu trúc giải phẫu và có liên hệ so sánh.Ví dụ vẽ nhớ một con bò chẳng hạn ta có thể so sánh nó với con trâu : bò thanh mảnh hơn trâu chân gầy và cao hơn , các mấu xương không gọn thế như trâu, mặt trâu ngắn hơn, mõm trâu chành ra hơn. Trâu vuông vắn thấp mập hơn bò về đặc điểm sừng bè bé và tròn, sừng trâu vuông to và rộng vòng hơn, bước đi của bò nhẹ và nhanh hơn, bước đi của trâu dài chậm chạp và nặng nề hơn. Lông của bò dày màu nâu, lông của trâu thưa da đen , hoặc trắng….. cứ như vậy tiếp tục ghi vào trong trí nhớ. Khi vẽ cũng vậy rút dần ra để chắp nối lại, hoàn chỉnh dần. Nếu chúng ta chỉ nhớ một cách chung chung không có cơ sở, không có sự so sánh, không có phân biệt thì khi cần thiết phải vẽ lại chúng ta rất khó mà tái hiện lại trên giấy được.
d) Hệ quả : Vẽ nhớ không phải chỉ để ghi lại trong trí nhớ nguyên xi một hình ảnh nào đấy mà điều quan trọng là một trình tự hệ quả xẩy ra như sau : Vẽ nhớ - lưu ảnh – sức tưởng tượng- tác phẩm. Nếu một trong những khâu ấy bị thiếu thì sự hình thành một tác phẩm rất khó khăn. Do đó ý nghĩa của việc luyện tập vẽ nhớ không phải chỉ dùng lại ở chỗ nhớ được hình và vẽ lên giấy lúc bấy giờ mà ý nghĩa sâu xa của nó là mở rộng biên giới của vương quốc tưởng tượng, cơ cấu và hình thành tác phẩm sau này dù tác phẩm đó là thể loại gì.
Cho nên đối với học sinh không những phải rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu hình họa cơ bản, ký họa thường xuyên mà còn phải tập nhớ và bịa hình cho thành thục, tạo những điều kiện để sau này dễ dàng trong sáng tác các tác phẩm của mình.