Chất liệu – kỹ thuật của đề tài trang trí (Phần cuối)

8. Trang trí pháp lam: Để bảo vệ sự rực rỡ bền lâu trong trang trí các cấu kiện kiến trúc ngoài trời, người ta thường sử dụng nhiều dạng kỹ thuật khác nhau như: khảm sành sứ, gốm tráng men, vôi vữa… nhưng cao cấp hơn cả là loại hình trang trí pháp lam, phủ men trên cốt đồng đã được tạo hình từ trước “Đây là loại men nhẹ lửa, gốc chỉ bo, do cốt bằng kim loại (với pháp lam Huế là đồng thau, chúng thường được phủ thành hai lớp với thành phần hóa học khác nhau chút ít, lớp đầu tiên giữ vai trò liên kết giữa cốt với lớp men trang trí bên ngoài…) đây là một dạng kỹ thuật mới khá tiên tiến đương thời phải dùng khá nhiều hóa chất vô cơ đặc biệt là màu sắc dùng cho men, đa số là dạng màu phức hợp thành quả của nền kỹ thuật cao, cho màu bền, thắm, bão hòa cao và tươi sáng”.

Kỹ thuật pháp lam được giới thiệu vào Trung Quốc từ Constatinoe bởi người Ả Rập, Trung Quốc gọi là pháp lam thiết, có nguồn gốc ở Folin, tên gọi vùng Stamboul thời Trung Cổ. Một số giả thiết khác lại cho rằng, pháp lam (Falan) được phiên âm từ chữ France, một dạng kỹ thuật du nhập từ Pháp quốc. Quá trình hình thành sản phẩm pháp lam thường trải qua những công đoạn khác nhau:

- Ngăn ô tổ ong (cloisonner, cell enamels): Đó là sự nối kết những dải mỏng bằng đồng, bạc hoặc vàng phân chia nền kim loại thành từng ô dạng tổ ong, và hàn cố định chúng trên nền của sản phẩm, sau đó, người ta phủ men tràn vào những ô trũng, tạo mặt bằng để thiết kế họa tiết nền.

- Trang trí trên mặt tổ ong của sản phẩm.

- Vẽ men theo những chi tiết của đồ án đã được hình thành trước đó.

chat lieu 1

Cơi trầu bằng pháp lam thời Minh Mạng (1820 – 1840)

chat lieu 2

Trang trí đầu hồi ở kiến trúc cung đình

Trong hai triều đại Minh Mạng và Thiệu Trị, xưởng pháp lam ở kinh thành Huế đã sản xuất nhiều tác phẩm, hiện nay chúng vẫn còn nhiều kiến trúc cung đình Huế “Kết cấu pháp lam Huế có tính chất riêng biệt là loại tráng men, và vẽ men trên cốt bằng đồng, khác với pháp lam Trung Hoa, đan ô hộc đồng rồi tô men”.

Ngoài những sản phẩm ứng dụng kỹ thuật này, mang chức năng giải trí các bộ phận kiến trúc ngoại thất và khuôn viên như đã nói, còn có những dạng đồ dùng trong nghi lễ và sinh hoạt như: lư hương, chậu, khay, quả, chén, đĩa, tìm, vịm, hộp, độc bình…

Do tính chất có thể sử dụng các họa tiết để tô điểm sản phẩm bằng những màu men khác nhau, cho nên, một con rồng, con phụng, ngoài kỹ thuật tạo hình từ cốt đồng, chúng còn được trang điểm mắt, nanh, bờm, váy theo ý đồ hội họa trên men. Những tấm ô hộc bằng kim loại phủ men ở tam quan một số di tích Nguyễn, chúng ta cũng có thể thấy các kiểu thức trang trí quen thuộc như: điểu thú, hoa thụ, trùng ngư… rực rỡ màu sắc. Trong bài viết “Quanh pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc”, cố họa sỹ Phạm Đăng Trí đã phân tích về hệ màu pháp lam Huế, trong đó chủ đạo là vàng với chàm (xanh ẩn tím), đỏ với bích ngọc (lục ẩn xanh), xanh với hỏa hoàng (vàng cam), phí thủy (xanh ẩn lục), hổ phách (cam đỏ). Chính sự phối hợp này, mang tính ổn định, đã làm nên cái riêng, của hệ màu pháp lam Huế, rực rỡ, lộng lẫy, vui tươi nhưng không chói chang, lòe loẹt. Có thể xem pháp lam là một loại hình độc đáo trong nghệ thuật trang trí mang tính chất quý tộc ở Huế.

9. Trang trí trên đồng: Cũng như chất liệu đá, đồng mang tính bền vững với thời gian. Sản phẩm đồng và nghệ thuật trang trí trên đồng vốn xuất hiện từ lâu trong lịch sử dân tộc, nếu không muốn nói đã trở thành hình ảnh biểu trưng của văn minh Việt Cổ. Đồ đồng có mặt phổ biến trong sinh hoạt đời sống mọi mặt của người Huế. Từ những sản phẩm cần đến kích cỡ lớn và bề thế, mang tính biểu tượng, cho đến những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhắn như chiếc kim găm, nút áo, đồ trang sức. Ngoài những họa tiết được hình thành từ quá trình đúc, hay gò, chạm… người ta còn áp dụng nguyên tắc khảm tam khí lên đồng như vàng, bạc, đá. Bố cục trình bày và các kiểu thức trang trí trên đồng cũng rất phong phú và điêu luyện.

Ở Huế, loại hình trang trí trên đồng là một trong những mảng nghệ thuật quan trọng làm nên những nét đặc sắc của mỹ thuật thời Nguyễn. Nhiều sản phẩm bằng đồng nổi tiếng thời bấy giờ như đại hồng chung chùa Linh Mụ; những chiếc vạc; cửu đinh ở Thế Miếu, cửu vị thần công trong thành Huế là những tác phẩm do công tượng (quan tượng) đúc đồng của triều đình đảm trách (Chú tượng ty) mà lực lượng sản xuất chính để hình thành không ai khác hơn là những người thợ giỏi khắp nước, được trưng tập về kinh đô làm việc với biên chế ngạch binh.

Trong nghề gò, đúc, việc thể hiện trung thành bản mẫu chính là thước đo tài nghệ, cho nên, cần đến rất nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ. Các họa tiết trang trí trên sản phẩm mẫu, cũng như việc sáng tạo nên những hình khối, dáng dấp, đều tuân thủ những nguyên tắc cần thiết để việc làm khuôn đúc thuận lợi cũng như có khả năng thể hiện tốt nhất những chi tiết đã tạo nên trên mẫu “rập”. Hẳn nhiên, đây không phải là những hạn chế trong quá trình sáng tác những đề tài hay kiểu thức trang trí; bằng chứng là hang tram bức phù điêu trên thân cửu đỉnh, với đề tài hoàn toàn khác nhau, đều có thể thực hiện được một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, mỗi thời đại, sản phẩm đồng đều lưu lại những dấu ấn quan trọng mà việc thực hiện những đề tài trang trí cũng góp phần không nhỏ tạo nên những đặc trưng về mặt sản phẩm. Nhìn vào đồ trang trí trên thành vạc đồng thế kỷ XVII – XVIII với những dạng hoa văn hình dải và những đường gờ nổi đồng tâm hoặc chia đều thành từng ô chữ nhật, trong đó nhiều mẫu thức hoa lá, cầm thú như: nai, lợn, chim, những mô típ hình cúc nút, những hệ hoa văn hoa dây được mô tả theo dạng hình sin… tuy không quá xa lạ với những sản phẩm của các triều vua Nguyễn sau đó, nhưng nó vẫn tạo nên phong cách riêng của giai đoạn tiền Gia Long. Đến đầu thế kỷ XIX, sản phẩm cửu vị thần công là một trong những minh chứng cho đặc điểm về mặt kỹ thuật cũng như mỹ thuật thời kỳ này. Những khẩu súng của phương Tây có được trong tay nhà quân sự Nguyễn đã trở thành mẫu mực, mẫu mực trong công dụng của nó đã phần nào kéo theo sự chuẩn mực về mặt mỹ thuật; đóa là dáng sung và hệ hoa văn trang trí trên thân súng. Phải chăng đây là cách lý giải về nguyên nhân ra đời một số hoa văn thể hiện tương đối mới mẻ, nhất là hệ hoa dây hay những tổ hợp hoa lá chằng chịt, chi li, bọc quanh một số vị trí trên thân súng, thoát khỏi những mô típ thường thấy trong những chặng đường phát triển mỹ thuật trước và sau nó.

Vào năm 1835 (Minh Mạng thứ 6), chín chiếc đinh đồng ra đời đã nói lên trọn vẹn khả năng tuyệt vời của người thợ đúc Việt Nam, bằng chính những giá trị cả mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Giá trị lớn không kém thứ hai, đó là khả năng bứt phá một cách thành công lối mòn cố hữu của những đồ án khung khép ô hộc cũng như hệ thống đề tài và những quy định về mặt kiểu thức, quy phạm khắt khe của tinh thần Nho giáo trong quá trình thể hiện chủ đề trang trí. Sự phối hợp kỳ diệu của thủ pháp tả chân và cách điệu đã được thể hiện một cách trác tuyệt trên nhiều đề tài không hề có trong nhiều triều đại, nhiều giai đoạn và kể cả toàn bộ tiến trình của mỹ thuật Nguyễn. Thiên nhiên, cây cỏ, sản vật của non song gấm vóc Việt Nam, những sản phẩm phản ánh thành tựu của con người Việt Nam, chủ nhân của một Đại Nam hùng cường, bộc lộc thế đứng vững chắc của dân tộc trước mọi hiềm khích và đe dọa chung quanh.

chat lieu 3

Trang trí trên đồng

10. Trang trí trên vải: Vải là từ gọi chung cho dạng chất liệu dùng trong may mặc, trang trí, sinh hoạt, nghi lễ, phong tục, bao gồm nhiều chất liệu khác nhau như lụa, gấm, the, đoạn, nhiễu… Nếu trên mặt gỗ, người ta tôn tạo giá trị bằng chạm khảm, thì cũng với công dụng ấy, dệt, thêu vẽ trên mặt vải cũng là phong cách không nhằm mục đích trang trí đơn thuần, mà hình tượng thể hiện trên y phục, mũ, mão, hia, đại là những thông tin về thân phận, chức tước…

Trong nội thất ngôi nhà Huế, chúng ta có thể hình dung bức nghi môn thêu như cánh cửa của gian thờ tự; quần bàn thêu là loại "y phục" không thể  thiếu của bàn thờ gia tiên. Những bức trướng, liễn, đối, thêu là phẩm vật hoặc một dạng quà biếu chứa đựng nhiều ý nghĩa: nghệ thuật hình tượng, thư pháp, những câu thơ hàm chứa nhiều ý tình, chia vui trong khi thi đỗ, thăng quan, tiến chức, tân gia, tân hôn, chúc thọ chia buồn trong những trắc trở hay sự chia ly, vĩnh biệt… cũng có những bức thêu đơn thuần là tác phẩm mỹ thuật, biểu lộ tài năng từ bố cục họa tiết, cho đến màu sắc thể hiện trên từng đường kim mũi chỉ.

chat lieu 4

Trang trí trên vải

Diễn tả đường nét, sắc độ của bức thêu là cả một quá trình tổng hợp tài năng, thể hiện trên rất nhiều công đoạn: vẽ mẫu, nhuộm chỉ, kỹ thuật thêu, các loại chất liệu và phương pháp phụ trợ, tôn tạo, sửa chữa để hoàn thiện. Các tác phẩm thêu bao giờ cũng thể hiện từ một mẫu vẽ trên giấy. Trong một cách hiểu nào đó, kỹ thuật thêu chính là sự thể hiện những tác phẩm hội họa bằng sự kết hợp màu sắc của đường kim mũi chỉ theo những kỹ thuật riêng. Hầu như tất cả những đề tài hay kiểu thức nào mà hội họa có khả năng hoặc sở trường thể hiện, thì đều có thể tái hiện nó bằng tranh thêu. Điều này đã khiến cho sản phẩm thêu chuyển tải nhiều đề tài từ sơn thủy, nhân vật, đồ vật, sự vật cho đến các kiểu thức từng được trình bày trong những loại chất liệu khác. Với kỹ thuật làm độn (dồi nổi), chính tranh thêu đã trở thành bức phù điêu vải mang tính nghệ thuật cao, hoặc bằng nhiều phương thức khác đã tôn tạo cho sản phẩm trở nên lộng lẫy (kỹ thuật kinh kinh và chân chi hạt bột, tua dải màu hoặc sử dụng các loại chỉ kim tuyến, ngân tuyến). Tuy nhiên, việc thể hiện các bố cục cần nhấn mạnh đến không gian ba chiều, hoặc tạo nên chiều sâu của không gian tranh, không phải người thợ thêu nào cũng thể hiện được, hoặc bất cứ đề tài nào cũng diễn tả thành công.

Do nhu cầu của giới thượng lưu, quan lại, quý tộc Nguyễn cần đến những sản phẩm cầu kỳ, công phu và chất lượng cao, việc quy tập đến Huế những người thợ thêu giỏi khắp nơi đã tạo điều kiện cho đội ngũ ngành thêu ở đây ngày một điêu luyện. Lớp hậu duệ, theo thời gian, kế thừa tinh hoa ấy, đã tạo nên ở Huế một truyền thống nổi tiếng trong đường kim mũi chỉ. Chính nội thất gỗ của các dạng cung điện, miếu mao, đền tạ luôn hiện diện dạng "trướng vẽ màn thêu" như một cách thổi hồn và làm ấm áp, trang nghiêm, duyên dáng cho không gian cư trú lẫn nghi lễ.

11. Trang trí trên đồ sứ ký kiểu:

chat lieu 5

Trang trí trên đồ sứ ký kiểu

Mặc dù thuộc loại hình chất liệu gốm tráng men, nhưng trên thực tế, đây là một đối tượng khác biệt và có vị trí không nhỏ trong tổng thể những sản phẩm trình bày nhiều bố cục và kiểu thức phong phú. Chúng ta thường gọi nhóm loại hình này là đồ sứ men lam Huế (Bleu de Hue). Đây là những sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng trong quá trình hình thành, đồ sứ ký kiểu đã được chính các tác giả Việt Nam tham gia ở nhiều mức độ khác nhau trong thiết kế hình dáng, kích cỡ, kiểu thức trang trí cũng như phần thơ phú thể hiện trên sản phẩm. Từ thời Lê Trịnh đã có những sản phẩm để thơ Nôm mà học giả Vương Hồng Sển từng nhắc đến như "mó rận", "vắt chân" hoặc bài phú "Đăng Hải Vân quan" của Ngô Thời Trí mà tác giả cho rằng sản phẩm này ký kiểu dưới thời Tây Sơn. Đến triều Nguyễn, đồ sứ ký kiểu ngày càng nhiều, các niên hiệu được ghi ngay trên sản phẩm như Gia Long niên chế, Minh Mạng niên chế, Thiệu Trị niên chế, Tự Đức niên chế, Khải Định niên tạo. Ngoài những dạng đồ dùng hoặc nghi lễ như tô, chén, đĩa, bình, đôn, ché, chậu, hộp, ống bút, lư hương, khay, ống nhỏ, thố, tìm… còn có những loại tranh sành thuần trang trí có giá trị và phần lớn đều mang chất Trung Hoa khá đậm nét về cả cảnh sắc, kiến trúc, kiểu dáng, phục sức, nhân vật. Một số không nhiều sản phẩm ký kiểu được trang trí những đề tài sơn thủy, cảnh sắc cụ thể ở đất thần kinh hoặc hình tương mai hạc có đề thơ Nôm mà người ta cho rằng đó là vật ký kiểu của Nguyễn Du trong chuyến đi sứ sang Thanh Triều.

Phần lớn những đồ sứ còn lại đều được trình bày theo các dạng kiểu thức kinh điển, vốn tồn tại phổ biến trên đồ sứ Trung Quốc như: tứ linh, sơn thủy, hoa thụ, điểu thú, ngư trùng, tứ quý v.v… Ngoài ra còn các dạng hoa văn như lá đề, hoa dây, thủy ba, quyện vân… do tính chất vẽ bằng men trực tiếp lên thành sản phẩm, cho nên, trình độ hội họa của nghệ nhân phô diễn khá rõ nét trên sản phẩm. Chất liệu, đặc điểm thể hiện trên họa tiết, cộng với dáng kiểu và màu men thường là những yếu tố làm nên cái riêng của từng triều đại, cũng như giá trị của từng sản phẩm.

12. Một số dạng chất liệu khác:

a. Trang trí trên quý kim, ngọc: Loại hình trang trí trên nguyên liệu này thường rất tinh xảo và cần đến kỹ thuật cao. Triều đình Nguyễn thời bấy giờ có tổ chức "Nội kim tượng cục" là nơi quy tụ nhiều thợ giỏi khắp nước, thực hiện việc chế tạo đồ dùng cho hoàng gia: đồ trang sức, kim sách, ngân sách, ngọc ấn, các dạng minh khí thờ tự, cũng như rất nhiều vật dụng sinh hoạt, nghi lễ khác. Trong dân gian, Kế Môn là một làng nghề thủ công truyền thống, chuyên sản xuất những mặt hàng bằng nguyên liệu quý kim phục vụ đại chúng. Với bàn tay tài tình của nhiều lớp nghệ nhân, sản phẩm được chế tạo trên quý kim, vàng, ngọc, đều có những kiểu thức trang trí phức tạp ứng dụng nhiều dạng kỹ thuật khác nhau rất đặc sắc.  

b. Trang trí trên chất liệu xương, ngà, sừng: Vật dụng được chế tạo từ loại chất liệu này phần lớn có kích thước nhỏ như loại tượng tròn, hộp đựng mỹ phẩm, đồ trang sức, thẻ bài, ấn triện, ống tăm, cán bút… Chất liệu này có khi được chạm lọng theo kiểu thức hoa lá, quỳ hóa, giao hóa, mặt võng, tổ ong, kim quy, lá đề, chữ vạn, nhơn tự… có khi chung trở thành những bộ phận trang trí gắn kết với khung khay hộp, tủ, bàn, án thờ… làm tăng thêm kiểu cách và giá trị nghệ thuật. Cũng có trường hợp ngà, xương, sừng trở thành nguyên liệu cùng với xà cừ, được chạm khảm và tô điểm trên các ô hộc gỗ của kiến trúc hay vật dụng trang trí nội thất.

c. Trang trí trên cật tre và mây đan: Dù loại hình này không được phổ biến trên nhiều tác phẩm, nhưng những gì còn lại cho đến ngày nay trong ngôi nhà Huế, chúng ta thấy người xưa đã sáng tạo nhiều vật dụng giá trị bằng cật tre như: tráp, hộp, khay trà, ống tranh, ống bút… Ngoài kỹ thuật ép phẳng thành ống tre, trúc mà hiện nay đã thất truyền, nghệ nhân còn trang trí nhiều kiểu thức tiêu biểu, thậm chí, có những chi tiết phức tạp như mô tả nhân vật, côn trùng, rong tảo… bằng phương pháp khắc chìm hoặc bóc tách. Chúng gắn với nhau bằng hệ thống mộng như cách thức làm trên vật liệu gỗ hoặc dùng sơn làm chất kết dính.

Những vật dụng đan bằng mây tre cao cấp, có thể không quá cường điệu khi nói rằng, chúng được dệt bằng những sợi mây cực nhỏ. Ngay cả những kiểu thức cầu kỳ, như cảnh sắc thiên nhiên, điển tích, nghệ nhân cũng thể hiện bằng kỹ thuật đan dệt phức tạp như chúng ta thường thấy trên những bức bình phong, giỏ hoa, đồ dùng…

Do tính chất khó bảo tồn lâu dài trước thời gian, các loại hình trang trí trên nguyên liệu giấy, lụa chỉ còn tồn tại phần lớn trên các loại bằng sắc, tranh chân dung hoặc những văn sách đặc biệt quan trọng.

Thực ra cũng khó hình dung dạng chất liệu hay kỹ thuật đơn thuần nào trên một sản phẩm. Người xưa, thường cảm thấy không yên tâm trước những khoảng trống, và việc lấp đầy nó bằng họa tiết cũng thường khéo chọn pha thêm nhiều dạng nguyên liệu khác để phô diễn tài năng tính chất cầu kỳ hay kiêu kỳ cho sản phẩm, nhằm phục vụ tầng lớp thượng lưu, quý tộc, tránh chất đơn điệu, trùng lặp của kỹ thuật, màu sắc trên một loại chất liệu. Chính vì thế, ngay như trên đồ gốm tráng men, chúng ta cũng đã thấy nhiều dạng kỹ thuật được áp dụng như : mặt rạng, ám họa, đắp nổi, men pha, men dội, thành gốm khoét lọng… Một số các chất liệu khác, tinh thần tổng hợp đa chất liệu trên sản phẩm cũng bộc lộ khá rõ ràng. Đó là trường hợp của việc khảm tam khí lên đồng ; khảm sành, gương màu lên nền vôi vữa ; khảm xương, ngà, xà cừ, trai ốc lên gỗ v.v…

Trong nghệ thuật tạo hình Huế, bên cạnh sự phối kết của nhiều dạng chất liệu như đã nói, chúng ta còn thấy chất tương hổ, tương tác của bố cục "nhất thi – nhất họa", "thượng song – hạ bản","nhất phù nhất trầm" … có mặt khắp mọi nơi, làm nên cái đẹp nghiêm cẩn, không bộc lộ phát tiết mọi thứ ra ngoài. Chính vì vậy, thưởng thức những tác phẩm tạo hình Huế, bao giờ cũng đi từ một tổng thể ngoạn mục, hình thành từ sự hòa quyện giữa triết lý và thẩm mỹ, sau mới là swje giải trình từ tốn với thức giả thế giới của ngôn ngữ ẩn dụ, đó là ý nghĩa, biểu tượng của kiểu thức, và những vẻ đẹp tinh tế, kín đáo và tiềm ẩn những nét duyên ngầm cần khám phá.

- Nguồn: Theo “Mỹ thuật Huế” của Nguyễn Hữu Thông” -

>>> Chất liệu - kỹ thuật của đề tài trang trí (Phần 1)

>>> Những mẫu trang trí chọn lọc (Phần 1)

>>> Bài vẽ trang trí (Phần 1)

0976984729