Chất liệu – kỹ thuật của đề tài trang trí (Phần 1)

Xét trên bình diện khái quát, chân dung của một nền mỹ thuật thường đọng lại trên những thành tựu cụ thể, bao gồm kiến trúc, các tác phẩm hội họa, điêu khắc hay những hình tượng về mặt trang trí. Trong đó, yếu tố chất liệu cũng đóng một vai trò to lớn, phản ánh tư duy, sự dụng công và quá trình khám phá những sở trường sở đoản từng loại của người nghệ sĩ. Và tất nhiên, nó cũng gắn liền với những đề tài, kiểu thức, nơi mà chất liệu có khả năng diễn tả sinh động nhất những đường nét, bố cục, màu sắc của đề tài.

Chất liệu làm nên những giá trị không chỉ trong chức năng sử dụng mà luôn kết hợp như một thuộc tính không tách rời với yếu tố thẩm mỹ. Sử dụng đúng chất liệu làm nên tác phẩm, cũng có nghĩa là đã tạo nên cho nó chất biểu cảm đặc thù, những cảm quan nghệ thuật cần thiết, tạo được ấn tượng về phong cách thể hiện, phản ánh những đặc trưng của một giai đoạn trong tiến trình phát triển của mỹ thuật.

1. Trang trí trên gỗ: Chất liệu là một trong những yếu tố vật chất làm nên cái đẹp của một tác phẩm. Trong một số đối tượng cụ thể, sự kết hợp nhiều loại chất liệu, hoặc sự phối trí của từng tác phẩm đa chất liệu đã tạo ra những giá trị nghệ thuật, làm nên sự hòa điệu của nhiều loại ngôn ngữ biểu cảm. Minh chứng sinh động nhất của “tiếng nói chung” này không đâu khác hơn là ở những công trình kiến trúc gỗ truyền thống.

Kiến trúc, vật dụng sinh hoạt, phong tục, lễ nghi của người Việt Nam nói chung, đa phần đều sử dụng nguyên liệu gỗ. Nhìn vào nội thất kiến trúc của một ngôi nhà “rường” Huế truyền thống, các mảng chạm gỗ chiếm một vị thế áp đảo so với các loại hình trang trí khác. Tất nhiên, do đặc điểm không tồn tại lâu dài ngoài trời, cho nên, lọai hình trang trí gỗ thường được xem như “lớp áo trong”, phủ nội thất kiến trúc với nhiều kiểu chạm khắc khác nhau. Trong cách hiểu nào đó, sự phân chia kiến trúc cung đình - thượng lưu - dân gian, cũng được chuẩn hóa bằng quy mô và sự góp mặt của ngành điêu khắc nhất là điêu khắc gỗ. Kỹ thuật tạo hình cũng như những kiểu thức thể hiện trong điêu khắc gỗ, ngoài sự phản ánh về trình độ thẩm mỹ, chúng còn mang những thông tin tiềm ẩn về thân phận, tính cách, trình độ của chủ nhân.

Trên những kiến trúc truyền thống Huế, yếu tố triết lí, tâm linh, cũng như thẩm mỹ luôn hòa quyện với nhau. Từ một ngôi nhà “rường” dân dã cho đến phủ đệ, lăng tẩm, cung điện, đài tạ, ở đâu chúng ta cũng có thể thấy sự dụng ý trong hướng nhà, trong thế đất, nhưng đặc biệt điều đó không hề đối lập với không gian cũng như cảm xúc về mặt nghệ thuật.

Gỗ sử dụng trong các kiến trúc cung đình, tuyệt đại đa số là những loại quý hiếm như: lim, táu, giáng hương... Chính vì vậy, bộ luật Gia Long đã có những quy định cấm chỉ việc người dân dùng nó trong việc xây dựng các công trình của mình. Không những thế, về mặt cấu trúc, trang trí cũng phải tuân thủ: “Nhà ở trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng mái, không được sơn và không được trang trí. Nhà khách của các quan đại thần nhất và nhị phẩm có 7 gian và 8 vì kèo, mỗi đầu nóc và mái được trang trí bằng các kiều hoa lá hay động vật”.

Gỗ có một vai trò quan trọng hình thành nên chất liệu chủ đạo trong kiến trúc nhất là phần nội thất. Nó“mang ý nghĩa gần như là một thuộc tính biểu hiện quan trọng của ngôn ngữ kiến trúc. Với vị trí và chức năng tạo dựng không gian nội thất kiến trúc, các kết cấu gỗ dường như đều được hình thể hóa, nhiều khi chức năng thực dụng mờ đi trước sự hiện diện phong phú đa dạng của yếu tố tạo hình trang trí”. Phần phô diễn nhiều mảng phù điêu gỗ trong nội thất kiến trúc, chủ yếu tập trung ở các vì kèo, đòn tay, giả thủ, các bức liên ba, đố bảng. Bố cục ô hộc trong kiến trúc Huế, theo lối “nhất thi-nhất họa”, thể hiện nhiều đề tài và kiểu thức là một trong những lối trang trí đặc trưng nhất trong kiến trúc gỗ truyền thống ở Huế. Cữ mỗi ô chạm, nội dung thường là bức tranh, câu thơ hoặc những liểu chữ mang ý nghĩa cát tường (Phúc, Lộc, Hỷ, Thọ, ...)  được trình bày theo dạng như thư pháp, trong đó người thợ chạm gỗ đã sử dụng nhiều kỹ thuật khắc chìm, khắc nổi, khắc xếp lớp, chạm lộng, khắc cạn hoặc sâu (trầm phù); có khi óng ả với màu sắc của xà cừ, lộng lẫy với màu thếp vàng hoặc trang trọng với màu phủ của sơn son. Điêu khắc gỗ vô hình chung đã mang nhiều tính chất và chức năng của hội họa. Có phải chính những người xây dựng nên mô hình trang trí nội thất ngôi nhà truyền thống Huế chợt nhận ra rằng, điêu khắc lắm lúc đã bị lạm dụng đến mức rối rắm cả tầm nhìn, cho nên họ đã nhẹ nhàng thả những đồ án hình kỷ hà hay rõ hơn, là chạm những đường chỉ nổi thật đơn giản, bao quanh viền khung đố bảng hay những bức tường gỗ trống. Tuyệt nhiên những khung trống ấy không nhằm dành để cho chủ nhân trang trí một tác phẩm thuộc bất cứ loại hình nòa khác.

Không chỉ có ở trên kiến trúc, điêu khắc gỗ còn thể hiện ở hầu hết các dụng cụ trang trí nội thất có liên quan đến phương diện sinh hoạt như bàn ghế (trường kỷ, đoản kỷ), sập, bàn, tủ, kệ, giá, hộc tộ...; các nghi cụ như khám, tranh thờ, án thờ, chân đèn, bài vị... Đối với các vật dụng trang trí mang tính tôn tạo sự trang trọng hay oai nghi như hoành phi, đối liễn, khung tranh..., nghệ thuật chạm khắc ở đây chủ yếu thể hiện trên đồ gỗ hoặc phối hợp giữa chất liệu chủ đạo là gỗ với một phần nhỏ của xương, sừng, ngà, cật tre, trai hay xà cừ, sơn thếp v.v..

Do tính chất phong phú, phóng khoáng của kỹ thuật diễn đạt trên nền gỗ, cũng như số lượng đa dạng của mặt ván gỗ cần diễn đạt, cho nên, hệ đề tài trên gỗ thường rất phong phú. Chưa tính đến những hình tượng điêu khắc trên vật liệu trang trí trình bày nội thất, ở phần bên trong của ngôi nhà gỗ là cả một hệ thống phối hợp của rất nhiều kiểu thức, từ những hoa văn phổ biến trên cả các loại chất liệu khác như: mặt vong (mặt võng), kim quy, nhơn tự, kim tiền, bông thị, song hườn, dây thắt, song thọ, vạn thọ hoặc những hồi văn như á tự, vạn tự, công tự, hoa dây, lá cuốn, giao hóa, cao đê kỷ, cuốn thư, mặt nguyệt, vân lôi, thủy ba... Ở các đầu cù của kèo mái, trên hệ thống các bức liên ba, đố, bảng, phổ biến nhiều các đề tài nằm trong bộ trang trí như: Thụ điều, Hoa điểu, Thụ mộc, Hoa trùng, Trùng ngư, Thụy thảo, Hoa thảo... Trong toàn bộ những đề tài đan xen, lồng ghép hay phân bố theo những nguyên tắc trong trang trí, các chủ đề nổi trội mang tính khắc hoa ý nghĩa cụ thể và đặc trưng nhất vẫn là nhóm các chủ đề về Tam đa, Tứ linh, Tứ quý, Bát bửu, Bát tiên.

Trong sự đối sánh về chủ đề qua các loại hình mà người xưa đã thể hiện để phục vụ trang trí, gỗ chính là dạng chất liệu mà điêu khắc có thể “tung hoành” một cách thuận lợi. Từ những nét to khỏe của những cấu kiện chịu lực như vì kèo, đòn tay, giã thủ của kiến trúc, cho đến những nét tinh tế nhỏ nhắn đến tinh vi trong các vật dụng như trắp, quả, ống bút, khung tranh... vật liệu gỗ đều có thể là nơi để diễn đạt một cách sắc sảo và thích hợp.

chat lieu 1

Hình ảnh mô hình kết cấu của ngôi nhà rường Huế (Ảnh: Sưu tầm)

chat lieu 2

Thiết kế nhà rường luôn bao gồm một khoảng sân vườn phía trước (Ảnh: Sưu tầm)

chat lieu 3

Nhà rường Huế ưa dùng gỗ mít truyền thống để tạo ra các chi tiết cần thiết (Ảnh: Sưu tầm)

chat lieu 4

Phần mái nhà rường Huế phải đảm bảo tuân thủ kỹ thuật đã được truyền lại từ nhiều thế hệ (Ảnh: Sưu tầm)

2. Trang trí khảm xà cừ (khảm cn): Với màu sắc óng ả từ mặt trong của một loại vỏ ốc biển gọi là xà cừ (mother of pearl) được người xưa phát hiện và sử dụng, nó là chất liệu trang trí, làm tăng độ lộng lẫy cho những sản phẩm cần đến chúng... Đây là dạng kỹ thuật trang trí gắn liền với ngành chạm khắc gỗ. Đội mộc, đội chạm và đội khảm trong những công trình lờn thường có sự phối hợp rất chặt chẽ. Một kiến trúc gỗ được thiết kế bao giờ cũng có sự hợp tác, thỏa thuận giữa các nhóm thợ trên. Sự liên kết này tạo nên chất hợp lí và hài hòa trong tổng thể trang trí, bởi có nơi người ta cần đến sự óng ả của các mảnh khảm, những nơi khác, mảng chạm lọng lại có giá trị tôn tạo vẻ đẹp của những dạng cấu trúc cục bộ nào đó. Trong trang trí bức liên ba ngôi nhà gỗ truyền thống Huế người ta thường trình bày bố cục ô hộc theo đề tài “nhất thi - nhất họa” hoặc với hệ “cát tường tự” thường được khảm xà cừ một cách công phu. Kỹ thuật khảm xà cừ không đơn thuần mang chức năng điểm tô lộng lẫy sản phẩm, mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị trên nhiều mặt kể cả bố cục, đường nét và màu sắc qua khảm tài khảm ốc của nghệ nhân.

Những mảnh ốc đa sắc lấp lánh đã mài nhẵn được phân thành từng nhóm theo hệ màu ẩn chứa trong đó (lục, xanh, hồng, vàng, trắng, cổ đồng...) mỗi sắc độ như vậy được sử dụng diễn tả một số các chi tiết thích hợp trong bố cục. Tài khảm của nghệ nhân, thể hiện qua trình độ chọn thế hình của mặt cẩn để cắt mài, cũng như chiều thích hợp để ghép mảng, bởi, lằn ghép mảnh còn mang chức năng tạo nét cho đối tượng diễn tả. Ngoài ra việc chọn lựa màu sắc các mảnh ghép cũng góp phần không nhỏ tạo nên giá trị nghệ thuật của bức tranh khảm. Mặc dù, là những màu vốn có, nhưng sắc độ phản chiếu cũng như tính hợp lí của màu sắc, sẽ tạo nên sự sống động, thần thái cũng như chiều sâu của không gian sản phẩm. Trong hệ đề tài về cây cỏ, bướm hoa, y phục, mây núi, nét óng ả của màu sắc xà cừ bao giờ cũng dễ tạo được thế mạnh trong phương tiện diễn tả.

Gọi nôm na là khảm cừ, nhưng trên thực tế, người ta còn sử dụng một số nguyên liệu khác trong ứng dụng này như: xương, ngà, đá hay mặt ngoài của vỏ ốc... Sự phối hợp của những dạng chất liệu trên thường làm tăng thêm giá trị biểu đạt của từng chủ để thể hiện.

Loại hình trang trí khảm xà cừ còn có mặt trong rất nhiều sản phẩm khác nhau, kể cả kích cỡ lần chức năng của một số vật dụng trang trí và sinh hoạt như: tủ, bàn, sập, trắp, quả, khay trà... Phần gỗ chạm góp nên cái đẹp hình khối, cũng như những giá trị nghệ thuật điêu khắc, phần khảm luôn luôn là “lớp áo phủ ngoài” tạo nên sự kiêu kì, trang trọng và lông lẫy cho sản phẩm.

Kiểu thức trang trí bằng kỹ thuật khảm cũng rất phong phú: ngoài những motif được gọi là liên đằng hay lan đằng, thể hiện hình tượng dây lá, thu gọn trong khung dài, đòi hỏi sự tinh xảo, tỉ mỉ, người thợ khảm còn tạo được sự kết hợp với các dạng chủ đề như lưỡng long triều nguyệt, tứ quý, bát bửu hoặc điểu thú, thụ mộc. Các kiểu thức như: tùng - lộc, liễu - mã, ngô đồng - phụng, trúc - tước hay đồ vật như: cao đê kỷ, bảo bình, văn phòng tứ bửu... thậm chí các điển tích có liên quan đến nhân vật như: Tam đa, Bát tiên, Trúc lâm thất hiền..., đều được thể hiện một cách thuần thục và sắc sảo. Thế mạnh của kỹ thuật khảm không ở chỗ diễn đạt đường nét và phô diễn thần thái của chủ đề như hội họa hay điêu khắc. Tuy vậy, người ta vẫn đưa những kiểu thức phức tạp và cầu kỳ vào loại hình khảm như một cách biểu lộ tài năng, bởi việc tạo nét trên mặt khảm đòi hỏi trình độ người thợ rất cao. Đóa hoa có thể hiện lên trên ván gỗ rực rỡ một cách dễ dàng nhưng nhụy hoa, cánh hoa, đài hoa người ta phải tạo những lằn khắc trên những phiến xà cừ không mấy dễ khi tạo nét. Thế mạnh của kỹ thuật khảm vẫn dựa vào sự phản quang từ màu sắc cho sản phẩm ngời lên chất óng ả, và dĩ nhiên, nó lại càng có giá trị khi những mảng màu ấy được đặt đúng chỗ, được cắt đúng dạng và được khắc đúng nét. Khó có thể tạo nên từ các mảnh khảm sự mềm mại của một lá lan, một cánh hoa cúc, hay một làn sóng nước nhưng trong sự phối hợp với các tạo hình khác, khảm mảnh và chạm nét như là một loại tiêu chuẩn không thể thiếu để khẳng định giá trị nghệ thuật của sản phẩm thuộc loại này.

chat lieu 5

Con ốc xà cừ chưa qua gia công

chat lieu 6

Nghệ thuật cán ốc xà cừ

3.Trang trí sơn thếp: Một số kiến trúc cung đình của triều Nguyễn ở Huế, chẳng hạn như Điện Thái Hòa hay Điện Minh Hy (lăng Đồng Khánh)... nội thất được phủ đầy màu sơn son thếp vàng, sắc độ của hai mảng màu đỏ chu và vàng đã làm cho không gian trở nên trang trọng, vương giả và tráng lệ. Có thể gọi chất liệu trang trí sơn thếp chính là lớp phủ nhung mang chức năng khoác lên bề mặt gỗ kiến trúc những mảng son chu đỏ, tạo một thế áp đảo đối với các chất liệu trang trí khác. Chính vì vậy, các mảng chạm được phủ sơn thể hiện chủ yếu ở sự phối hợp màu theo cấu trúc hình khối nhiều hơn là nhấn vào chi tiết. Ở đây, các thể đề tài trang trí được tạo ra từ đường nét của sắc vàng quỳ tươi sáng trên nền đỏ chu lộng lẫy. Chẳng hạn, hình tượng rồng là thiết kế thường thấy bọc quanh hệ thống cột kiến trúc, nhưng cũng có khi chúng được thể  hiện như những tác phẩm hội họa trang trí có chủ đề (tranh vẽ tích “nhị thập tứ hiếu” ở điện Ngưng Hy). Trang trí sơn thếp nội thất kiến trúc Huế thật ra không nhiều và chủ yếu là ở những kiến trúc cung đình, cộng đồng. Chất liệu và dạng kỹ thuật này còn có mặt khá phổ biến ở những vật dụng nặng tính nghi lễ và quan cách như: trắp, quả, án thờ, đế tượng, long vị, hoành phi, câu đối, hương án, liễn trướng, lọng, kiệu... phổ biến trong cả cung đình lẫn dân gian; nhiều nhất phải kể đến đồ thờ trong các đình, miếu, phủ đệ, hoặc tư thất của những danh gia. Có thể xem sơn thếp như một thứ ngôn ngữ màu sắc để giới thiệu thân phận lẫn danh phận của chủ nhân, hay tạo không gian trang trọng, tôn nghiêm cho kiến trúc.

Tiếp thu truyền thống của tiền nhân từ đất Bắc, cục “Tất tượng” (sơn thếp) của triều Nguyễn, là tổ chức đảm trách sản xuất phần lớn các dụng cụ, nghi lễ, sinh hoạt, trang trí bằng gỗ sơn son thếp vàng cho triều đình. Ngoài đội lính thợ phục vụ trong công tượng nhà nước phong kiến, làng Tiên Nộn cách trung tâm kinh thành Huế khoảng 2km về phía Đông Bắc là một làng dân gian truyền thống chuyên sản xuất mặt hàng này phục vụ nhu cầu quần chúng.

Sơn là một loại mủ cây có nhiều ở miền Bắc Việt Nam nhất là ở tỉnh Phú Thọ. Người ta khai thác sơn như cạo mủ cao su. Mủ sơn có màu trắng đục (sơn sống), khi sơn khô trở nên cứng, chắc, không biến dạng khi thời tiết thay đổi. Bằng các nguyên liệu bột chu, vàng, người ta đã pha chế để trở nên những hợp chất sử dụng trong trang trí sơn thếp. Khi các chúa Nguyễn xây dựng cơ ngơi xứ Đàng Trong, tổng Bái Trời huyện Minh Linh (Do Linh ngày nay) là nơi sản xuất sơn để cung cấp cho các hoạt động từ dân gian cho đến các phủ Chúa “Gỗ dầu sơn do nhà dân trồng, cây giống như cây phiên đào [cây ổi] lá tựa màu lá trầu mà dày, có 3 khía nhọn sắc, quả như quả hồng, da sù sì, có 4 hột, đầu mùa xuân thì hái lá bóc lấy hột, chuột bọ không dám ăn. Có dùng để sơn đồ vật thì chưng lại như cao, cho trần hoàng vào (tàu Trung Quốc chở sang, chúng có chất nềm sắc vàng) thì thành màu vàng; cho ngân châu vào thì thành sắt son...”.

chat lieu 7

Trường lang Tử Cấm Thành, Huế (Ảnh: Sưu tầm)

- Nguồn: Theo “Mỹ thuật Huế” của Nguyễn Hữu Thông” -

>>> Họa tiết trang trí trong nghệ thuật nề đắp nổi

>>> Bài vẽ trang trí (Phần 1)

>>> Đồ án trang trí màu - Sưu tầm

0976984729