Tính thống nhất trong thể hiện
Hình 69. Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sỹ PERUGINO năm 1504
Để hiểu cách xem một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sỹ có thể dựa vào từng yếu tố thị giác để truyền đạt ý tưởng cho chúng ta dưới dạng hình thái trực quan. Ngoài ra, việc tách biệt từng yếu tố giúp nhấn mạnh bản chất cụ thể và khả năng biểu đạt của chúng. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận phương pháp phân tích này đã chia tách các thành phần mà vốn dĩ là một thể thống nhất. Đường nét, màu sắc hoặc ánh sáng và bóng tối không tồn tại tách biệt với nhau trong một tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sỹ cũng không cảm nhận tác phẩm của mình theo một chuỗi các bước, chẳng hạn như đầu tiên là theo các đường nét, sau đó là không gian, sau đó mới đến màu sắc. Những yếu tố này chỉ tồn tại đối với người nghệ sỹ trong bối cảnh của toàn bộ tác phẩm mà anh ta đang tạo ra. Mặc dù một nghệ sỹ có thể tạo ra một tác phẩm chủ yếu về màu sắc, bởi vì anh ta thấy đây là phương tiện biểu đạt tốt nhất của mình. Tương tự như thế, một nghệ sỹ khác lại sáng tác trên cơ sở cách sắp đặt không gian, hoặc một tác phẩm nghệ thuật nào đó lại sử dụng nhiều yếu tố thị giác khác nữa. Mỗi yếu tố này đều góp phần vào việc đạt được tính thống nhất trong biểu đạt suy nghĩ hoặc cảm giác mà người nghệ sỹ đang cố gắng thể hiện dưới dạng hình thái trực quan.
Cách một nghệ sỹ sử dụng các yếu tố khác nhau nhằm nhấn mạnh hiệu ứng mong muốn thay vì làm gián đoạn hiệu ứng đó, có thể được nhìn thấy khi chúng ta so sánh hai bức tranh rất giống nhau sau đây:
Hình 70. Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sỹ RAPHAEL, khoảng năm 1500
Perugino và Raphael đều mô tả Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh (hình 69 và 70), hoạt động này diễn ra trong những bối cảnh gần như giống hệ nhau. Cả hai bức tranh đều được đặt trong một khung hình vòm, không gian được chia thành tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Trong mỗi bức tranh, tiền cảnh được tạo thành từ 3 nhóm người, trung cảnh dành cho phần sân trước đền và một vài nhóm người, và hậu cảnh là đền thờ. Ba nhóm nhân vật ở tiền cảnh được chia thành một nhóm trung tâm gồm có Đức Mẹ Mary, Thánh Joseph và vị linh muc, và hai nhóm người dự lễ ở hai bên. Trong hai nhóm này, nhóm bên cạnh Joseph hoàn toàn là nam giới còn bên cạnh Đức Mẹ là phụ nữ. Tuy nhiên, khi chúng ta liệt kê những điểm tương đồng trong hai bức tranh, chúng ta nhận thấy rằng ấn tượng của chúng ta về hai tác phẩm này không giống nhau. Bất chấp những điểm tương đồng dễ thấy, chúng ta nhận ra rằng chính sự khác biệt của hai tác phẩm đã khiến chúng ta nhạy cảm hơn.
Dù hai bức tranh mô tả cùng một sự kiện trong bối cảnh tương tự, thế nhưng chúng ta lại có hai cách hiểu khác nhau về buổi lễ này. Mối quan hệ của chúng ta với khung cảnh được vẽ bởi Perugino cũng giống như mối quan hệ của khan giả tại nhà hát với buổi biểu diễn trên sân khấu. Đồng thời, chúng ta cho rằng bản thân chúng ta thật may mắn khi được xem sự kiện này, vì ngay cả khi chúng ta không quen thuộc với câu chuyện được kể, chúng ta vẫn có ấn tượng rằng lễ cưới này là một sự kiện trọng đại. Cách Perugino miêu tả cảnh linh mục sắp tổ chức lễ cưới cho Mary và Joseph đã khơi dậy trong chúng ta một cảm giác tôn kính. Chúng ta cảm thấy cuộc hôn nhân này có điều gì đó bí ẩn. Khi đứng trước bức họa của Raphael, cảm nhận giống như một khan giả trong buổi biểu diễn đã biến mất. Thay vào đó, chúng ta được khuyến khích cảm nhận như thể mình là thành viên của nhóm người đứng xung quanh cô dâu chú rể. Dường như chúng ta được mời tham gia buổi lễ và chia sẻ trực tiếp cảm xúc của sự kiện này. Chúng ta cảm nhận được một không gian ấm áp, dễ chịu và chúng ta cảm thấy có sự rang buộc giữa mình và những nhân vật chính trong buổi lễ.
Những ấn tượng khác biệt rõ rang này được tạo ra trực tiếp từ những phương pháp đối lập mà mỗi nghệ sỹ đã sử dụng các yếu tố thị giác khác nhau để truyền đạt ý niệm cụ thể của mình về sự kiện này. Trong một khuôn khổ tương tự, các tác giả đã sử dụng không gian và đường nét, ánh sang và bóng tối để chúng tương trợ và phát huy lẫn nhau nhằm đạt được hiệu ứng mong muốn. Để hiểu được các tác giả đã sử dụng những yếu tố này như thế nào để tạo ra những bức tranh với bản chất khác biệt như vậy, chúng ta cần phân tích chi tiết hơn về cách chúng ta cảm nhận các tác phẩm này.
Ấn tượng chúng ta về bức tranh của Perugino ban đầu phụ thuộc vào cách họa sỹ sắp xếp các nhân vật sao cho họ xếp thành một hàng ngang ở tiền cảnh. Bằng cách sắp xếp này, Perugino ngay lập tức thiết lập một rào cản giữa chúng ta và không gian trong bức tranh, một hiệu ứng mà ông nhấn mạnh bằng cách tạo ra một đường thẳng nằm ngang qua phần đầu của các nhân vật. Trong nhóm các nhân vật đông đúc và đứng sát bên nhau này, mỗi nhân vật cách chúng ta một khoảng cách hơi khác nhau, tuy nhiên không tạo cảm giác rõ rệt về chiều sâu. Hai nhân vật ở hai bên bức tranh ở gần với chúng ta hơn bất kỳ thành viên nào khác trong nhóm này, nhưng vì họ có tư thế kém nồng hậu khi quay lưng lại với chúng ta cho nên chúng ta không hề có cảm giác họ đang tồn tại trong cùng một không gian với chúng ta. Bằng cách bố cục các nhân vật ở tiền cảnh như vậy, chúng ta có cảm giác như đang chứng kiến một sự kiện diễn ra trên sân khấu.
Trong nhóm người này, các nhân vật Mary, linh mục và Joseph nổi bật ở trung tâm thu hút sự chú ý của chúng ta. Đương nhiên, vị trí trung tâm của họ trong bức tranh đảm bảo cho họ điều đó, nhưng chỉ điều này thôi thì không đủ để giải thích cho ấn tượng của chúng ta về nhóm người này. Điều đó còn do một nét đặc trưng quan trọng của nhóm nhân vật ở trung tâm, đó là dáng vẻ không bận tâm tới những nhân vật đứng ở hai bên của họ. Những người đến dự hôn lễ tuy đứng xung quanh cặp đôi nhưng cô dâu và chú rể lại có vẻ ngoài tách biệt và xa cách, điều đó nhấn mạnh sự quan trọng và khác thường của họ.
Hình 71. Chi tiết Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sỹ Perugino
Perugino đã xây dựng thành công phẩm chất này cho cặp đôi phần nào đó thông qua cách mà ông mô tả hai nhóm người ở hai bên Mary và Joseph.
Sự chú ý vào hai nhóm nhân vật này chủ yếu hướng vào hai nhân vật đang quay lưng lại với chúng ta. Bằng cách cố định các tiêu điểm phụ này, Perugino vừa kéo các nhân vật ra khỏi nhóm nhân vật ở trung tâm vừa mang lại sự thống nhất và độc lập cho từng nhóm. Trong hai nhóm người này, các nhân vật được thể hiện trong nhiều tư thế khác nhau, ánh mắt của họ lạc lõng với người khác, với chúng ta, và với chính buổi lễ. Chúng ta nhận thấy mắt của chúng ta không thể tập trung vào bất kỳ một nhân vật nào trong các nhóm này, vì sự phong phú của các chi tiết kích thích thị giác liên tục thu hút chúng ta từ nhân vật này sang nhân vật khác. Sự đa dạng của các cử chỉ, chất liệu và thiết kế trang phục khác nhau, nét mảnh mai duyên dáng của áo choàng và khăn che mặt của những người phụ nữ, phần bóng đổ sắc nét và tinh tế từ mũ đội đầu của nam giới, tất cả đều tương phản rõ rệt với hình thức đơn giản và trầm lặng của nhóm nhân vật ở trung tâm.
Bố cục các nhân vật trong nhóm người ở trung tâm này cũng góp phần xây dựng ấn tượng tổng thể của chúng ta về sự kiện đang diễn ra. Ở hai bên của vị linh mục, dáng đứng thẳng của người đàn ông này nhấn mạnh thực tế rằng ông là tâm điểm của sự kiện, một trong hai đối tượng chính của buổi lễ. Như là điểm tựa của sự cân bằng này, vị linh mục được thể hiện như một nhân vật rất đối xứng, ngay cả phần râu và thắt lưng của lễ phục cũng nhấn mạnh bố cục đối xứng này. Phần thân trên của vị linh mục được vẽ tương phản rõ rệt với phần sân đằng sau, một lần nữa, Perugino nhấn mạnh sự đối xứng của nhóm này và tập trung sự chú ý của chúng ta vào hành động sắp diễn ra. Nhân vật Joseph và Mary được kết nối với nhân vật vị linh mục ở trung tâm bằng hai đường cong nếp gấp của áo choàng. Để duy trì sự đối xứng cho cả nhóm nhân vật, hai đường cong này gần như giống hệt nhau, và vì vậy hai nhân vật này được coi là có tầm quan trọng ngang nhau.
Sự cân bằng này nhận được nhấn mạnh hơn nữa nhờ bố cục sáng và tối trong nhóm nhân vật ở trung tâm. Ở hai bên của vùng tối trung tâm của linh mục, nhân vật Thánh Joseph và Mary tạo nên sự phân chia sáng và tối bù trừ cho nhau. Perugino cân bằng chiếc áo choàng sẫm màu của Thánh Joseph với chiếc áo choàng màu sáng của Mary và vẽ những chiếc áo choàng tương tự nhau. Bằng cách này, Perugino tạo ra cho nhóm nhân vật này một sự đơn giản và tĩnh lặng để phân biệt họ với tất cả các nhân vật khác trong tiền cảnh. Trong nhóm các nhân vật cân bằng và im lặng này, những chuyển động duy nhất mà chúng ta nhận biết được là những chuyển động của nét mặt và những chuyển động của hành động sắp được thực hiện.
Hình 72. Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sỹ PERUGINO, khoảng năm 1500
Khi tập trung vào nhóm người ở tiền cảnh, chúng ta cũng đồng thời ý thức về ngôi đền và mối liên hệ mật thiết của nó với khung cảnh. Kích thước của các nhân vật thưa thớt phía đằng xa nhỏ dần lại và phần sân được vẽ lùi về phía chân trời giúp Perugino xác định vị trí thực tế của ngôi đền trong hậu cảnh, tuy nhiên hình dáng của ngôi đền lại có vẻ nổi trội hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể mong đợi từ một vật thể ở hậu cảnh. Dù Perugino chủ đích đặt tiền cảnh và hậu cảnh ở khoảng cách rất xa, chúng ta vẫn cảm nhận rõ mối quan hệ gần gũi giữa chúng. Bởi vậy, không gian trong bức tranh này dường như vừa rộng vừa lớn vừa bị giới hạn một cách kỳ lạ. Đây không phải loại không gian mà chúng ta thường thấy, và sự hiện diện của không gian đó tạo ra tính hư ảo cho quang cảnh, và đây là một phần quan trọng trong hiệu ứng mà tác giả muốn truyền tải.
Perugino muốn chúng ta nhận thức vùng không gian trong tranh bằng cách trước tiên trải nghiệm các nhân vật ở tiền cảnh. Các nhân vật trải ngang khổ tranh và chiếm gần như toàn bộ không gian tại khu vực này, họ tạo thành một rào cản giữa chúng ta và không gian phía xa. Perugino tiếp tục nhấn mạnh bố cục nhân vật theo chiều ngang này, dù cùng lúc đó ông đã đưa chúng ta vào sau trong bức tranh bằng cách vẽ các đường chéo của sân đền lùi dần về phía điểm biến mất. Hiệu ứng của bố cục ngang tiếp tục được họa sĩ nhấn mạnh thêm bởi các mảng phân chia trên sân đền. Chúng được vẽ rộng ngang, tương ứng với chiều sâu. Và khi tiến về phía ngôi đền, hiệu ứng chiều ngang một lần nữa được đẩy mạnh khi phần bậc thang được chia thành các cụm có chiều rộng còn lớn hơn mảng phân chia trên sân đền. Khi di chuyển về phía xa hơn, qua cầu thang lên đến ngôi đền, chúng ta phát hiện ra rằng bề rộng của ngôi đền mới chính là điều Perugino muốn nhấn mạnh. Cụ thể, chúng ta cảm nhận khoảng cách giữa hai cổng vòm hai bên rõ hơn cảm nhận về vị trí của chúng theo chiều sâu. Chúng ta có xu hướng bỏ qua thực tế rằng cổng vòm ở giữa gần chúng ta hơn và rằng bức tường hai bên của ngôi đền hình bát giác chĩa về không gian phía xa. Họa tiết của hai cổng vòm hai bên in trên nền trời đánh lạc hướng tầm mắt của chúng ta khỏi điểm biến mất tại trung tâm nằm trong ô cửa ra vào.
Chúng ta cũng cảm nhận được không gian mở ra phía sau ngôi đền nhưng chúng ta nhạy cảm với chiều rộng của không gian này hơn là chiều sâu của nó. Mắt của chúng ta không lùi về những ngọn đồi phía xa của bức tranh, mà di chuyển liên tục từ bên này sang bên kia của bức tranh, như thể muốn nhìn thấy mọi thứ trong toàn bộ khung cảnh. Hiệu ứng này được tạo ra bởi họa tiết của ngọn cây in trên nền trời, chúng thu hút sự chú ý của chúng ta đến tận cùng chiều rộng của bức tranh. Nhờ đó, chúng ta được trải nghiệm ở hậu cảnh một trường thị giác rộng y như ở tiền cảnh. Để khẳng định một lần nữa về tính chất song song của hậu cảnh với tiền cảnh, Perugino đã liên hệ họa tiết cây trên nền trời với cây quyền trượng mà Thánh Joseph đang cầm. Hình dạng sắc nét và nổi bật của cây gậy, tương đồng về cả thiết kế lẫn sắc thái của cây cối, kéo sự chú ý của chúng ta về tiền cảnh, do đó cảm giác di chuyển vào sâu trong không gian của chúng ta được trung hòa bớt đi.
Trải nghiệm không gian mà Perugino tạo ra cho chúng ta có tác dụng giữ cho chúng ta liên tục nhận thức được sự hiện diện của ngôi đến trong khung cảnh này. Hiệu ứng này cũng được truyền tải bằng chất lượng ánh sáng trong bức tranh. Một luồng sáng mạnh, rõ ràng bao trùm khung cảnh, chỉ tạo ra bóng đổ nhỏ và chiếu sáng khiến ngôi đền hiện lên rõ nét như ở tiền cảnh. Ánh sáng đồng đều trong toàn bộ bức tranh giúp chúng ta nhận thức được sự hiện diện của ngôi đền và việc Perugino không mô tả toàn bộ ngôi đền đã khiến ta chú ý vào ngôi đền hơn. Việc bỏ qua phần mái vòm và để ngôi đền kết thúc tại phần lan can, ông đã làm nổi bật bề rộng của ngôi đền và nhấn mạnh bố cục ngang của bức tranh. Nếu Perugino vẽ phần mái vòm của ngôi đền, nó sẽ trở thành một vật thể riêng biệt và khác lạ được dựng lên một cách chắc chắn ở hậu cảnh, vì vậy sẽ phá hủy hiệu ứng không gian mà ông mong muốn tạo ra. Ở tình trạng không hoàn thiện, ngôi đền thậm chí trông còn lớn hơn trong khung cảnh và chỉ tìm thấy phần còn khuyết của nó tại tiền cảnh, nơi chiếc mũ của vị linh mục gợi mở về hình dạng của phần mái vòm mà chúng ta đã không thể nhìn thấy.
Về cơ bản, bối cảnh của bức tranh rất đơn giản: một quảng trường trước một ngôi đền. Nhưng Perugino không gợi lên cho chúng ta một ấn tượng đơn giản – trái lại chúng ta cảm thấy đây là một không gian hư ảo và xa lạ. Cảnh tượng không diễn tại một quảng trường nào đó trước ngôi đền, mà diễn ra trong một không gian được tạo ra và chỉ tồn tại riêng cho ngôi đền đặc biệt này. Ngôi đền không chỉ tồn tại để làm nền cho cảnh tượng, mà sự hiện diện của nó mạnh mẽ đến mức chúng ta không thể không giải nghĩa sự kiện này trong mối liên hệ với ngôi đền. Đám cưới được diễn ra trong bầu không khí tôn kính và độc đáo chính bởi sự hiện diện uy nghiêm của ngôi đền.
Để tạo ra một bức tranh có các nhân vật và bối cảnh gần như giống hệt nhau, Raphael đã sử dụng các yếu tố thị giác tương tự. Nhưng, như chúng ta đã thấy, phiên bản bức tranh của Raphael tạo ra một ấn tượng rất khác: nó khiến chúng ta nhận thức được một khía cạnh ý nghĩa khác của nghi lễ biểu tượng này. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này nằm ở khả năng biểu đạt khác nhau của không gian, đường nét hoặc mảng sáng tối mà Raphael đã chọn lựa để nhấn mạnh.
Trái ngược hoàn toàn với cách sắp xếp các nhân vật dàn hàng ngang ở tiền cảnh của Perugino, Raphael sắp xếp nhóm các nhân vật ở tiền cảnh thành hình bán nguyệt. Túi không gian bị bỏ trống ở tiền cảnh khuyến khích chúng ta liên hệ với không gian của riêng chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng rằng một nhóm người dự lễ đang di chuyển ra ngoài, vào không gian của chúng ta để tạo thành một vòng tròn hoàn chỉnh phía trước nhóm nhân vật chính của buổi lễ, nhóm người mà chúng ta có thể dễ dàng hòa mình vào. Mối quan hệ giữa bản thân chúng ta và các nhân vật trong bức tranh cũng được thiết lập bởi hành động của người thanh niên bên phải khi bẻ gãy cây gậy, cúi người xuống hướng về nơi mà chúng ta xác định là không gian của riêng mình.
Hình 73. Chi tiết Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sỹ Raphael
Nhân vật này mời chúng ta vào bức tranh giống như cách mà các nhân vật ở hai bên trong tác phẩm của Perugino ngăn chúng ta ra khỏi bức tranh khi đứng quay lưng lại.
Vì chúng ta không còn là khán giả của một sự kiện trên sân khấu, các nhân vật chính cũng không còn bị coi là một nhóm biệt lập nữa. Thánh Joseph, Đức Mẹ Mary và vị linh mục không chỉ gắn kết với toàn bộ nhóm nhân vật tại tiền cảnh, mà mỗi nhân vật chính đều trở thành một cá nhân riêng họ. Đó là bởi Raphael đã phá vỡ sự đối xứng cứng nhắc gắn kết các nhân vật trung tâm thành một nhóm duy nhất trong bức tranh Perugino. Thông qua các tư thế khác nhau và các chuyển động bù trừ mà mỗi nhân vật phải thực hiện để duy trì sự cân bằng của mình, Raphael khiến chúng ta nhận thức được các nhân vật như các hình khối ba chiều cách nhau bởi khoảng không gian mà chúng tạo ra. Và Raphael sử dụng bố cục sáng - tối trên nhóm nhân vật này để đạt được hiệu ứng tương tự. Sự tương phản sắc thái giữa áo choàng và áo trùm của Thánh Joseph được cân bằng bởi trang phục của nhân vật gần nhất ở tiền cảnh bên trái, trong khi trong tranh Perugino, nó được cân bằng bởi sự tương phản tương tự trong trang phục của Đức Mẹ Mary. Khi mối liên hệ này được thiết lập, mắt của chúng ta một lần nữa di chuyển trong không gian tiền cảnh và khiến chúng ta nhận thức thêm một lần nữa về vòng tròn liền mạch được hình thành bởi những người thực hiện nghi lễ, người dự lễ và chính chúng ta.
Nhưng sự chú ý của chúng ta cũng có một tiêu điểm rõ ràng, duy nhất trong khu vực này. Ánh mắt của nhiều người dự lễ và của chính Đức Mẹ Mary đang hướng về chiếc nhẫn. Đây chính là đối tượng mà Raphael gắn chặt sự chú ý của chúng ta vào đó. Không có đối tượng thu hút chú ý tương tự xuất hiện trong bức tranh của Perugino, bởi Đức Mẹ được vẽ với đôi mắt nhìn xuống chứ không nhìn vào chiếc nhẫn. Trong cảnh tượng này, vị linh mục nâng tay của Mary và Joseph lên trước mặt chúng ta - tượng trưng cho hành động sắp được thực hiện. Trong khi Raphael lại có ý tưởng khác, ông khiến chúng ta nhìn thấy chiếc nhẫn khi đang được đeo vào ngón tay của Mary. Biểu tượng giờ đây đã được Raphael thay thế bằng chính hành động.
Hình 74. Chi tiết bức tranh Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, hoa si PERUGINO
Hình 75. Chi tiết bức tranh Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sĩ RAPHAEL
Tuy nhiên, sự chú ý của chúng ta không bị giới hạn ở tiền cảnh của bức tranh này. Như trong bức tranh Perugino, các hình vẽ được nhìn thấy trong bối cảnh của một bối cảnh cụ thể, và trong cả hai bức tranh, nhân vật vị linh mục đều được sử dụng để liên hệ nhóm tiền cảnh với ngôi đền.
Qua sự tương phản sáng tối rõ rệt giữa dây đai lưng thêu và áo dài của vị linh mục, Raphel tạo điểm nhấn theo chiều dọc cho nhóm nhân vật ở tiền cảnh. Chúng ta đưa mắt ra xa hơn theo hướng
Hình 76. Chi tiết bức tranh Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sĩ RAPHAEL
Hình 77. Chi tiết bức tranh Hôn lễ của Đức Mẹ Đồng Trinh, họa sĩ PERUGINO
này bởi độ nghiêng của đầu vị linh mục và đường viền mũ của ông. Sự chuyển động này giúp kết nối nhóm nhân vật với ngôi đền giống như cách mà cây gậy của Joseph trong tranh của Perugino hướng tầm mắt của chúng ta về phía hậu cảnh. Hai phần tranh này được liên kết với nhau bởi sự liên hệ mà Raphael thiết lập giữa hình thái và sắc độ của chiếc mũ trên đầu vị linh mục và mái vòm của ngôi đền. Sự liên hệ giữa hai yếu tố này chỉ được gợi ý trong tranh của Perugino, trong khi được thể hiện rất cụ thể trong tranh của Raphael.
Sự khác biệt ta đã thấy giữa hai bức tranh này được hé lộ, theo một ý nghĩa nào đó, được minh họa bằng cách mà mỗi nghệ sĩ đã mô tả ngôi đền. Thay thế cho một ngôi đền tập trung trong tranh của Perugino, nơi gây ấn tượng với chúng ta hơn bởi sự tách biệt và định hình rõ ràng với các bộ phận được khớp nối sắc nét hơn là tỉnh ba chiều của nó; Raphael tạo ra một ngôi đền mà ở đó mọi đặc điểm kiến trúc đều góp phần khiến chúng ta nhìn thấy nó như một thực thể hiện hữu. Các mái vòm nhô ra của ngôi đền Perugino được hòa vào thành một dãy các mái vòm nối tiếp; hình bát giác rõ rệt chuyển thành một dạng gần như hình tròn mềm mại; lan can nằm ngang đã biến mất và phần mái vòm giống như vương miện của ngôi đền được nhìn thấy trong tranh. Chúng ta cảm thấy rõ là mỗi sự thay đổi này đều giúp tạo ra ngôi đền như một đối tượng hữu hình. Bởi vậy, chúng ta thấy ngôi đền được Raphael mô tả như một đơn vị độc lập, tự tại
được đặt trong không gian của bức tranh. Ngoài ra, khoảng cách giữa ngôi đền và các nhân vật không bị phủ nhận giống như trong bức tranh Perugino, mà được nhấn mạnh bởi họa tiết của phần sân đền. Ngôi đền trở nên xa cách hơn nhiều so với các nhân vật và sự hiện diễn của nó không còn chiếm hữu khung cảnh.
Tuy nhiên, ngôi đền không chỉ đơn giản là một phụ kiện phù hợp trong hậu cảnh. Vì một lý do nào đó, chúng ta nhận ra rằng ngôi đến và các nhân vật ở tiền cảnh đều quan trọng ngang nhau trong bức tranh. Chúng ta không thể chối bỏ ấn tượng này khi mắt chúng ta phải liên tục di chuyển giữa ngôi đền và các nhân vật, băng qua khoảng cách giữa cửa đền và chiếc nhẫn cưới với một tốc độ kinh ngạc. Chúng ta thấy rõ rằng bên trong bức tranh này tồn tại hai điểm biến mất, một điểm nằm chính giữa cánh cửa ngôi đền, điểm còn lại ở chiếc nhẫn cưới.
Mặc dù cách tổ chức này làm cho hai phần của bức tranh hầu như độc lập với nhau, Raphael tạo ra sự liên kết giữa chúng bằng cách đặt hai điểm biến mất trên cùng một đường thẳng được bắt đầu từ phần dây đai lưng trên áo của vị linh mục. Mắt chúng ta di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác dọc theo đường thẳng này và chuyển động này khiến mối quan hệ giữa buổi lễ và ngôi đền khác hẳn so với điều ta cảm nhận trong tranh Perugino. Thông qua việc sử dụng điểm biến mất một cách tinh tế và nhạy cảm, Raphael đã ngụ ý rằng bản chất của những gì diễn ra trong thời điểm chiếc nhẫn được đặt vào ngón tay của Mary khác biệt và ở một mức độ nào đó độc lập so với bản chất biểu hiện của ngôi đền. Mối liên hệ giữa hai chi tiết này - sự phụ thuộc của hôn lễ vào sự tồn tại của ngôi đền, điều đã được Perugino truyền đạt một cách thuyết phục, lại không hể được mô tả trong tranh của Raphael. Raphael thích thiết lập mỗi liên hệ bằng cách khiến mắt chúng ta di chuyển khi xem cảnh này hơn. Và một lần nữa Raphael lại thay thế một biểu tượng bằng một hành động.
Những ý niệm khác biệt truyền tải bởi hai bức tranh tương tự này nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố phụ thuộc lẫn nhau trong một tác phẩm tổng thể. Để tạo ra một hình thái trực quan cho một ý tưởng, nghệ sỹ cần sử dụng tất cả các phương tiện mà họ có được. Bằng cả kinh nghiệm và trực giác của mình, người nghệ sỹ tạo ra một tác phẩm mà trong đó các yếu tố khác nhau góp phần tạo nên tính thống nhất trong biểu đạt, đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật mới chính là thứ khiến nó độc đáo và nguyên bản.
- Nguồn: Nghệ thuật với thị giác của Bates Lowry –
(Do Nguyễn Mai Linh và Nguyễn Mi dịch)
>>> Trật tự thị giác
>>> Không gian trong nghệ thuật thị giác (Phần 1)
>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)