Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in xuyên

1. Nguồn gốc tranh in xuyên:

Trong thể loại tranh in xuyên có hai kỹ thuật thể hiện là in trổ khuôn và in lưới (còn gọi là in lụa). Bản chất của kỹ thuật in trổ khuôn nằm ở chỗ phần in và không cần in phân biệt với nhau bởi phần hở và phần được che chắn nằm trên khuôn in. Khuôn in đó được trổ thủng hay cắt từ các vật liệu có dạng mỏng như giấy, nhựa, da thú, vải.. hoặc sử dụng vật thể có sẵn rồi phun màu, bôi màu cho nó đi qua các khoảng thủng, khoảng hở để tạo hình in trên một bề mặt chất liệu khác.

in xuyen 1

 

Hình bàn tay được in lên vách đá hang động ở Santa Cruz Cueva Manos, Argentina theo nguyên tắc in trổ khuôn

 

tranh in xuyen 2a

Kano Yoshinobu

Tranh tả cảnh in lưới ở Nhật Bản, cuối thế kỷ 16-đầu thế kỷ 17

Người ta cho rằng, dạng kỹ thuật in trổ khuôn được sử dụng từ thời kỳ nghệ thuật hang động, khi con người cổ xưa lấy bàn tay đặt lên vách đá rồi chấm màu, phun màu xung quanh để có được những hình bàn tay hiện lên trên vách đá (dưới dạng âm bản). Kỹ thuật này thường được dùng trong nghệ thuật thủ công hay nghệ thuật trang trí ứng dụng.

In lưới là kỹ thuật in dựa trên phương pháp in trổ khuôn - hình in là phần được làm “hở” trên mặt lưới cho mực in đi xuyên qua xuống mặt giấy (hay chất liệu khác). Kỹ thuật in lưới xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc từ vài thế kỷ trước Công nguyên. Thời ấy, lưới được dệt bằng tóc người, đóng vào khung gỗ nhỏ để làm khuôn in các hình trang trí trên vải. Mặt lưới được dán bằng thứ vật liệu mỏng gần giống giấy bản có hình trổ để làm màng chắn màu in. Sau này lưới được làm bằng sợi tơ tằm. Nhờ sự giao lưu buôn bán giữa phương Đông và phương Tây, người Châu Âu tiếp thu kỹ thuật này để in vải hoa, in giấy dán tường, sau đến in bao bì, nhãn mác hàng hóa...

in xuyen 3

in xuyen 4b

Khuôn trổ và hình ảnh in ra cho tác phẩm sắp đặt "Sự mạnh mẽ" của Adisak Pupha, Thái Lan

2. Quá trình phát triển tranh in xuyên: Tranh in xuyên có nguồn gốc kỹ thuật từ thời kỳ nghệ thuật hang động. Tuy nhiên, so với các phương pháp in khác, in xuyên được áp dụng vào sáng tác tranh nghệ thuật như một phương tiện tạo hình độc lập lại rất muộn. Ở Châu Âu. khoảng từ năm 1450, kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi để điểm màu cho những hình in khắc gỗ đen trắng, đặc biệt là cho các quân bài. Trong nhiều thế kỷ, kỹ thuật in xuyên chủ yếu được phát triển để đáp ứng các yêu cầu của mỹ thuật ứng dụng, từ in hoa văn trang trí tường nhà, in giấy dán tường, in chữ bảng hiệu quảng cáo, nhãn mác bao bì, các ký hiệu giao thông...

Những nghiên cứu gần đây phát hiện rằng ông Charles Nelson Jones ở Ann Arbor (Michigan, Mỹ) là người được cấp bằng công nhận sáng chế công nghệ in lưới vào năm 1887, trong đó mô tả toàn bộ những yếu tố, quy trình kỹ thuật và chất liệu của in lưới hiện đại. Sau đó kỹ thuật in lưới nhanh chóng được phổ biến và sử dụng nhằm in ấn quảng cáo, bao bì và nhãn mác hàng hóa. Những chiếc máy in lưới cũng được tạo ra để làm gia tăng tốc độ in những sản phẩm này. Kỹ thuật chế bản in lưới bằng công nghệ phơi chụp được sử dụng lần đầu vào năm 1916. Như vậy, trong thời gian cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, in lưới trở thành một công nghệ in phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Lưới để in được thay thế bằng sợi nhân tạo nên có độ mịn cao và khuôn khổ lớn. Sự cải tiến công nghệ in lưới đã hấp dẫn các họa sỹ của phong trào Art Nouveau. Họ đã đưa in lưới vào sáng tác tranh in và nghệ thuật trang trí, quảng cáo.

Vào những năm 1950, in lưới bước sang trang mới khi được các họa sỹ biểu hiện trừu tượng như Ben Shahn và Jackson Pollock sử dụng làm phương tiện sáng tác nghệ thuật. In lưới còn được phát triển mạnh trong nghệ thuật Op Art và Pop Art những năm 1960 với đại diện là các họa sỹ Victor Vasalery, Andy Warhol, Eduard Paolozzi, Richard Hamilton, R.B. Kitaj, Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein...

Chỉ đến thời kỳ nghệ thuật hậu hiện đại, in trổ khuôn mới được sử dụng trong sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật graffiti. Các nghệ sỹ Blek le Rat (Mỹ), Barksy và Redlock (Anh), Alexandre Orion và Alto Contraste (Brazil), L.E.T (Đức), SOT (Iran), Erykah Badu và C215 (Pháp).. đã dùng kỹ thuật in xuyên để sáng tạo hình ảnh cho những tác phẩm của mình. Cách in này gần với in lưới và để in hình ảnh có số lượng nhân bản nhỏ. Song nó lại là kỹ thuật in linh hoạt và rất thuận lợi để in hình lên những bề mặt không phẳng đều hay trên các vị trí khó thực hiện đối với các kỹ thuật in khác. Do vậy in trổ khuôn đã trở thành phương tiện được sử dụng của nhiều nghệ sỹ hoạt động sáng tác theo lối “du kích” như các tác giả thuộc loại hình nghệ thuật đường phố kể trên.

Cho đến nay, tranh in lưới đã trở thành thể loại phổ biến. Ở các triển lãm tranh in quốc tế những năm gần đây, tranh in lưới của Nhật Bản, Thái Lan luôn gây được chú ý với phong cách độc đáo, rất hiện đại mà vẫn tràn đầy màu sắc truyền thống dân tộc. Tranh in lưới ra đời đã góp phần làm phong phú cho thể loại tranh in. Đặc biệt, khả năng của kỹ thuật in lưới cho phép in hình ảnh trên nhiều bề mặt chất liệu khác nhau như: giấy, vải, kim loại, gỗ, gốm sứ, thủy tinh, v.v... Đây là yếu tố tiền đề cho sự phát triển tranh in đương đại.

Kỹ thuật in lưới được du nhập vào Việt Nam qua các chuyên gia Cu Ba vào những năm kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn từ 1965 đến đầu thập niên 1970, nhằm mục đích in tranh cổ động và sau đó là in các sản phẩm đồ họa ứng dụng. Năm 1974, khi thành lập Xưởng thực nghiệm Đồ họa, kỹ thuật, nghệ thuật tranh in lưới được đưa vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng vì các điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, tranh in lưới hầu như không phát triển ở nước ta trong một thời gian dài.

Chỉ đến năm 2008, sau khi được sự hỗ trợ của Tây Ban Nha, Hội Mỹ thuật Việt Nam có được một xưởng in lưới với đầy đủ các trang thiết bị và vật liệu thiết yếu cho thực hành sáng tác thể loại tranh này. Tại xưởng in lưới trong không gian Trung tâm Mỹ thuật Đương đại của Hội Mỹ thuật, từ năm 2008 đã diễn nhiều trại sáng tác thu hút các họa sỹ đến từ các tỉnh thành của Việt Nam. Từ đó không ít tranh in lưới có chất lượng được ra đời và tham gia triển lãm trong nước. và ở nước ngoài, làm cho tranh in lưới Việt Nam được biết tới nhiều hơn. Tranh in lưới trong những triển lãm mỹ thuật giai đoạn 2010 - 2020 đã đánh dấu bước chuyển mới của thể loại này và góp phần phát triển hoàn chỉnh nghệ thuật tranh in ở Việt Nam.

in xuyen 5

Lê Thị Thanh, Huyền thoại Sầm Sơn, 2015, in lưới (TG)

- Nguồn: Theo sách Tranh in Độc bản của PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương -

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in nổi

>>> Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in lõm

>>> Tranh in độc bản màu nước

0976984729