Hình tượng con ngựa trong điêu khắc đá

Nghệ thuật tạo hình con ngựa thời Lê Trung Hưng (1533–1789) là một trong những điểm nhấn trong điêu khắc cổ Việt Nam. Đây là một trong những giai đoạn mà ngựa có số lượng tác phẩm nhiều nhất, mạnh mẽ nhất. Các nghệ nhân điêu khắc dân gian đã tạo nên những con ngựa đá có kích thước lớn cùng cách tạo hình phối hợp cả nghệ thuật tượng trưng và nghệ thuật hiện thực. Dù là những nghệ sĩ khuyết danh xây dựng đình, chùa, đền, lăng... đi kèm cùng hệ thống tượng thờ không bận tâm đến lưu danh thiên cổ nhưng những phường thợ xưa đã làm nên một bản sắc văn hóa trường tồn qua hình tượng con ngựa đá trong mỹ thuật Việt Nam thời kì phong kiến nói chung, thời kì Lê Trung Hưng nói riêng.

Cùng với những biến thiên lịch sử, Lê Trung Hưng là một giai đoạn lịch sử đầy biến động của lịch sử phong kiến Việt Nam. Nội chiến liên miên giữa các tập đoàn thống trị cùng với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm khiến hình tượng những con voi, con ngựa chiến của một thời binh lửa xuất hiện khắp các di tích tạo nên một khối lượng tác phẩm đồ sộ. Đặt trong mỗi thể loại kiến trúc, ngựa lại có cách tạo tác khác nhau, mang tính chất đặc thù của từng chất liệu hoặc tùy theo vai trò mà nó đảm nhiệm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đi sâu tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình con ngựa bằng đá trong một số di tích tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng.

1. Nghệ thuật điêu khắc hình tượng con ngựa trong mỹ thuật thời phong kiến: Ngựa, thường được gọi là tuấn mã, gắn bó mật thiết với con người từ đời sống hằng ngày đến nơi trận mặc... Với vẻ đẹp vốn có, chúng đã được đưa vào chủ đề của điêu khắc, hội họa, thi ca... được thể hiện thành những hình tượng trên các tác phẩm nghệ thuật. Người xưa đã huyền thoại chúng trở thành linh thú, hóa thân vào đười sống tâm linh với đa dạng hình tượng nghệ thuật phong phú, sinh động.

Trong điêu khắc đá thời phong kiến, ở thời kỳ nhà Lý, một trong những tượng ngựa đá có niên đại sớm nhất thường xuyên được nhắc đến là tượng ngựa ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tượng đôi ngựa được tạc đặt ở trước tòa chính diện dưới hình thức chạm tròn nguyên khối đá đặt cùng với các cặp voi, sư tử, trâu và tê giác. Tượng ngựa được tả thực với mắt nổi, mõm dài, miệng và hai lỗ mũi, có bờm, đuôi dài, đang trong tư thế nằm, chân trước khuỵu xuống.

Tượng ngựa thời Trần được tìm thấy trong một số di tích lăng mộ của các vua thời Trần ở An Lăng (Quảng Ninh). Nghệ thuật điêu khắc thời Trần ở An lăng được thể hiện ở hàng thú đá đặt trên bệ tượng gồm tượng chó đá, ngựa đá, voi đá, trâu đá... Tượng ngựa được chạm bằng khối đá nguyên, thể hiện trong tư thế nằm, mình to, dáng khỏe. Nghệ nhân xưa tạc thú đá hoàn toàn sử dụng các khối dày, căng nhằm mô tả thần thái con vật và ít sa vào chi tiết tỉ mỉ.

Thời Lê sơ, tượng ngựa hầu hết được tạc trong các lăng mộ ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Đây là nơi an nghỉ của vua và hoàng thái hậu với hệ thống lăng mộ có quy mô bề thế, hoành tráng. Tượng ngựa có niên đại sớm nhất trong các lăng mộ ở đây là tượng ngựa trong Vĩnh Lăng, nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ. Ngựa được tạc có kích thước thu nhỏ, tạo thành một cặp, đặt đối xứng với đường Thần đạo bên cạnh hai tượng đá gồm có quan hầu, nghê, tê giác, hổ.

Thời Lê Trung Hưng tác phẩm điêu khắc tượng ngựa có kích thước gần với thực tế và mô tả chi tiết mắt, mũi, bờm, yên cương... Số lượng ngựa được tìm thấy nhiều nhất là trong các lăng mộ võ quan. Ngoài ra, ngựa đá cũng được tạo tác đặt ở đình, đền, chùa. Một trong những tượng ngựa đẹp được biết đến nhiều nhất trong giai đoạn này là tượng ở lăng Dinh Hương (Bắc Giang) được tạc cùng với quan hầu thì cầm cầm kiếm dắt ngựa. Ngoài tượng tròn, hình tượng con ngựa được tìm thấy nhiều ở dạng phù điêu trong các di tích đình, chùa, từ đường.

Ngựa cũng được tạc nhiều ở các lăng tẩm của nhà Nguyễn: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị... Tượng ngựa đá có niên đại sớm được ghi chép trong Đại Nam thực lục thuộc về lăng Gia Long (Huế), và tượng được đánh giá cao về chất lượng tạo hình là ngựa trong lăng Thiệu Trị (Huế) có vóc dáng thanh thoát, tràn đầy sinh lực và được chạm trổ tinh tế, hoàn mỹ.

2. Nghệ thuật tạo hình con ngựa trong điêu khắc đá thời Lê Trung Hưng: Thời Lê Trung Hưng là giai đoạn mà nền điêu khắc cổ Việt Nam đạt đỉnh cao, để lại nhiều kiệt tác cho hậu thế, nhiều tác phầm điêu khắc xuất sắc của giai đoạn này đã được công nhận là Bào vật quốc gia. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đây là giai đoạn có sự song hành của cả nội chiến cùng các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Vì thế, hình ảnh con ngựa luôn gắn liền với những chiến binh điển hình là một con vật trung thành, dũng mãnh, nhanh nhẹ.

Lê Trung Hưng cũng là giai đoạn “lên ngôi” của quan võ. Số lượng võ quan thời kì này có số lượng đông đảo, họ nắm trong tay binh quyền rất lớn, số lượng lăng mộ mà các võ quan giai đoạn này để lại còn được lưu giữ khá nhiều trong làng quê. “Tượng ngựa cũng như tượng voi được đưa vào lăng của những chủ nhân có công mang them nhiều ý nghĩa, vì một con ngựa tốt đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của các võ quan”,. Ngựa là một linh vật thường xuyên xuất hiện trong các lăng mộ trong thời Lê Trung Hưng, thường được thể hiện với kích thước lớn tương đương như ngựa ngoài đời thực. Ngựa vốn là con vật đẹp đẽ thanh cao, trung thành, tình nghĩa, gắn bó với đời sống của con người từ cuộc sống hằng ngày cho đến khi ra trận. Vì thế, trong tạo hình, tượng ngựa cũng là những tác phẩm đẹp, được đầu tư toàn diện cả về tạo dáng và trang trí, chạm khắc với đầy đủ chi tiết của ngựa chiến.

ngua 1

H1. Tượng ngựa ở Bái Lăng và chi tiết trang trí

Tượng ngựa trong lăng mộ thời Lê Trung Hưng thường có tỷ lệ tương đương với kích thước con vật ngoài đời thực. Phần tạo dáng cơ thể của ngựa  được thể hiện với khuynh hướng tự nhiên, yếu tố trang trí ít. Phần yên cương lại phát triển dày đặc hoa văn cách điệu, chạm khắc tỉ mỉ. Một trong những tượng ngựa được đầu tư công phu trong tạo dáng và trang trí là tượng ngựa ở Bái Lăng (Thanh Hóa). Ngựa được điêu khắc theo lối tả thực giống với ngựa trong cuộc sống ngoài đời. Tượng được tạo dáng đứng vững, nghiêm túc với yên cương sẵn sàng. Giống như các tượng ngựa ở lăng mộ khác cùng trong giai đoạn này, bốn chân tượng vẫn còn trong một khối đá đặc với bệ, chỉ gợi tả phần ngoài cặp chân mảnh dẻ được tạc như phù điêu trên đá.

Bên cạnh việc tạo dáng công phu, tượng ngựa thời kì này cũng tạo nên một sự khác biệt lớn khác về ngôn ngữ nghệ thuật khi đầu tư trang trí rất cầu kỳ tập trung ở khu vực yên ngựa với đầy đủ dây buộc mõm ngựa nối dài, yên cương, bàn đạp, vải phủ có hoa văn, bông gù, tua rua, lục lạc rất cầu kì. Tượng ngựa ở Bái Lăng được trang trí trên áo yên đầy ấn tượng  bởi chạm khắc rất tỉ mỉ hai hình hổ phù-một to, một nhỏ và bàn đạp cách điệu hình linh thú. Mật độ trang trí trên lưng ngựa khá dày đặc, các khối trang trí được chạm kỹ lưỡng, đồng đều nhau, độ cong, kênh của các chi tiết các mô típ cũng được chạm khắc khá kỹ lưỡng, rõ nét,... Những hoa văn chính được kết hợp cùng các mô típ vân mây là hình lá, kỷ hà, quạt, vân xoắn móc, lá cúc cách điệu mềm trên chất liệu đá cứng, tạo điểm khác biệt với sự trang trí thưa thớt trên các tượng các con thú thực trong cùng hàng tượng của lăng mộ.

Tượng ngựa đá cũng được tìm thấy khá nhiều trong các di tích đình, đền, chùa... thuộc giai đoạn này. Tượng ngựa ở đền Phú Đa (Vĩnh Phúc) được tạo hình thô ráp hơn so với ngựa ở Bái Lăng (Thanh Hóa). Toàn thân ngựa là một khối đá lớn chắc khỏe, cao to, vạm vỡ. Khối cơ thể vuông thành sắc cạnh. Họa tiết trang trí dàn trải hơn, diễn tả nhiều ở cả phần đầu, cổ và bộ yên cương. Mặc dù cách tạc tượng ngựa khỏe khoắn, tạo tác nổi khối tròn to thiên về sức mạnh nhưng không có cảm giác khô han là nhờ những điểm nhấn trang trí. Đầu ngựa được chạm hình một chiếc vòng và hoa cúc mãn khai, quanh cổ là chùm lục lạc nổi trên nền vân mây có đao ngắn, lớp yên ngựa được trang trí bằng những đường kỷ hà. Lớp yên này khá lớn, bao kín toàn bộ phần lưng và bụng. Phần để chân là một hình ô van cách điệu được gắn với một sợi dây nối một đầu với yên ngựa. Tổng thể cho thấy, phần thể hiện trên bề mặt thân ngựa và phần yên cương của ngựa ở đền Phú Đa trang trí khá giản đơn. Toàn bộ bề mặt hai lớp khối vải phủ hai bên thân không có biểu hiện hay dấu vết nào của một mô típ trang trí cụ thể, mà chỉ thấy bề mặt lồi lên của cấu trúc đường diềm gắn với đường nét cung tròn ở lớp khối trên, dưới.

Với tượng ngựa đá trong các di tích giai đoạn này, nghệ nhân xưa dùng cả hai kỹ thuật đục (dụng cụ là xó, chen - tạo nền nhám) và chạm (dùng vạt và ve - tạo nền phằng nhẵn và nền có hình nhát vạt). Khác với điêu khắc gỗ và các chất liệu khác, do khối lượng riêng của đá và gỗ, các chất liệu khác nhau nên việc tạo tác cũng được tính toán khác nhau chẳng hạn với hình ảnh ngựa được tạc tượng bằng chất liệu gỗ thì được sử dụng phương pháp đục moi1 và đục thông2 dễ dàng nhưng sang chất liệu đá thì nghệ nhân xưa đã dùng phương pháp tạo sự khác biệt về bề mặt (tạo nhám) dể dễ phân biệt giữa phần thân ngựa và phần nền, đồng thời nghệ nhân còn sử dụng phương pháp đục xuống nền để tạo ra sự chênh lệch giữa các mặt phẳng tạo ra sự khác biệt về không gian. Cũng do tính chất của chất liệu mà các họa tiết điêu khắc trên ngựa cũng được đơn giản hóa bằng các khối lớn tạo nên sự liên kết chắc khỏe liền lạc như ở phần bờm ngựa và đuôi ngựa, các họa tiết khác như yên ngựa và các dây đai cũng được sử dụng phương pháp chạm kênh để tạo ra sự khác biệt giữa các mặt không gian trong cùng một thể thống nhất.

Ngoài thể loại tượng tròn, hình tượng con ngựa còn được tìm thấy trên các phù điêu đá thuộc thời Lê trung Hưng, tiêu biểu có thể kể đến là hình ảnh ngựa trên chạm khắc ở trên bia chùa Tĩnh Lự và trên cổng Từ chỉ họ Đặng, hai di tích này đều ở Bắc Ninh. Nếu ở dạng tượng tròn, ngựa trong di tích được tạc chủ yếu với dáng đứng chầu ở dạng tĩnh thì ở thể loại phù điêu, hình ảnh ngựa đa dạng và sinh động hơn, ảnh hưởng nhiều từ các tạo hình dân gian như chạm khắc đình làng.

ngua 2

H2.Chạm khắc trên bia chùa Tĩnh Lự

Bia đá “Tĩnh Lự thiền bi” (mặt phía trước) và “Công đức tín thí” (mặt sau) của chùa Tĩnh Lự (Bắc Ninh) được tạo tác hết sức công phu, kết cấu 4 phần gồm: Đế bia, tấm bia (khắc minh văn), hai tấm phù điêu (chạm hoạt cảnh), và có mái che. Điểm nhấn của bia nằm ở hai bức phù điêu, chạm hai hoạt cảnh khác nhau. Bức có hình ảnh ngựa được chạm nổi mô tả hoạt cảnh hình người ở bên dưới, hình rồng cùng các cụm mây ở phía trên. Bố cục chính tập trùn thể hiện năm nhân vật và một hình ngựa. Con ngựa được một vị quan đứng giữ, có tay trái gắn kiếm, tay phải cầm lọng. Ngựa được thể hiện với dáng động, chân đang nâng bước, nhấn tả chủ yếu phần đầu và lưng với khối chạm tròn. Tuy chỉ là một yếu tố nhỏ nằm ở góc của bố cục, góp phần tả tích chuyện, nhưng hình ngựa lại được đặc tả khá chi tiết. Một phần trong cách tạo hình ngựa, có thể thấy yếu tố dân gian ảnh hưởng khá mạnh khi tỷ lệ đầu ngựa được tạc lớn hơn về tỷ lệ, các khối nổi tròn và căng. Hướng đầu ngoảnh lại cùng dáng bước thong thả, tung tăng khiến cho người xem cảm thấy sự vui vẻ, hoạt bát rất rõ hình tượng này. Các chi tiết trên thân ngựa cùng được đặc tả cụ thể từ phần đầu khớp gối đến móng ngựa. Phủ trên lưng là áo yên gồm 4 lớp được đặt chồng lên nhau, khối tạo lớp chồng khá rõ. Cổ ngựa đeo lục lạc cùng hệ thống tua rua được chạm khắc tỉ mỉ, sinh động.

ngua 3

H4. Chạm khắc trên cổng Từ chỉ họ Đặng

Ở Từ chỉ họ Đặng (Bắc Ninh), ngựa được chọn chạm khắc trên phù điêu ở cổng của di tích. Hoạt cảnh phía trái của cổng thể hiện 2 nhân vật ở nhóm chính phía trước, phía sau là nhóm phụ với hình ảnh một quan hầu dắt ngựa. Ngựa được thể hiện không đầy đủ cả thân hình mà chỉ xuất hiện góc tranh với một nửa thân. Nghệ nhân xưa chỉ chọn điểm nhấn, tạo hình chỉ phần đầu và hai chân trước cùng một phần của thân. Hình ảnh con ngựa được thể hiện ở bức phù điêu này được miêu tả rất nhiều lớp không gian tách bạch thông qua kỹ thuật chạm kênh giữa các lớp gợi lên cảm giác sống động giữa mặt chính diện của ngựa và phần thân. Nghệ nhân đã khéo léo gợi tạo khối mặt trước, mặt nghiêng và chiều sâu của con ngựa, không gian xa, gần, trước, sau của hai chân ngựa. Chân ngựa tạo ra hai bước khác nhau chân co, chân duỗi vừa gợi không gian trước sau vừa tạo hình nông, sâu chân thực. Dù ít nhân vật nhưng vẫn thấy sự phong phú về không gian, khoáng đạt, sống động trong bố cục kết hợp kỹ thuật tạo hình tả chất khi tạo cơ thể người cùng chi tiết và nhiều lớp không gian và các sự vật xung quanh.

Nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê Trung Hưng nới chung, điêu khắc hình tượng ngựa nói riêng đã có những đóng góp to lớn vào việc định hình giá trị nghệ thuật điêu khắc trong kho tàng nghệ thuật cổ truyền dân tộc của người Việt Nam. Con ngựa không những có một vị trí quan trọng trong cuộc sống hằng ngày mà đã đi vào thế giới tinh thần và thẩm mỹ, ngựa đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật. Ngựa đã xuất hiện trong tác phẩm điêu khắc suốt chiều dài lịch sử mỹ thuật của thời phong kiến Việt Nam.

- Theo Đào Hữu Đạt (Trường ĐH Nguyễn Trãi)

>>> Chép đầu tượng trong điêu khắc

>>> Chép phù điêu (đắp nổi) trong điêu khắc

>>> Nguyên tắc và tạo hình tượng Phật (Phần 1)

0976984729