Nguồn gốc và quá trình phát triển của tranh in nổi
1. Nguồn gốc tranh in nổi:
Lịch sử loài người ghi nhận rằng kỹ thuật tạo khuôn in nổi bằng đất nung hay đá đã có từ thời văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà. Con người thời đó sử dụng chúng để nhân bản các ký tự, dấu hiệu nào đó trên các chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp nhân bản các tín hiệu thị giác chỉ trở nên hiệu quả và phát triển sau khi con người phát minh ra giấy. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Trung Quốc đã sáng tạo ra cách in thô sơ đầu tiên - in rập, vào khoảng thế kỷ thứ 2, sau khi họ phát minh ra giấy. In rập là hình thức in nổi xuất hiện trước khi khắc gỗ ra đời. Để giúp người Trung Quốc học văn tự, các văn bản cổ và các hình ảnh đi kèm được khắc trên những tấm đá lớn đã được người ta dùng giấy đặt lên mặt đá và lấy mực rập lên trên giấy để in ra nhiều bản cho nhiều người đọc. Cho tới ngày nay, đây là cách thức in ra giấy sớm nhất được biết đến và nó thuộc phương pháp in nổi, bởi các phần được in nổi cao hơn các phần không cần in. Phương pháp in nổi thực sự được phát triển khi nhu cầu mở rộng Phật giáo ở Trung Quốc tăng cao. Để mở rộng số người biết đọc có thể tiếp cận Kinh Phật, những cuốn sách viết tay không thể đáp ứng. Từ những kinh nghiệm khắc con dấu, bia ký và làm bản rập đã sinh ra kỹ thuật khắc chữ trên bản gỗ và kỹ thuật in chúng ra giấy. Văn tự được in trên giấy từ ván khắc gỗ xuất hiện đã đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu truyền bá tôn giáo. Sự kết hợp của văn bản và hình ảnh in một cách có hệ thống trên một tập giấy được liên kết với nhau theo cách này hay cách khác gọi là sách in.
2. Quá trình phát triển tranh in nổi: Trong thể loại tranh in nổi có các hình thức cơ bản là tranh khắc gỗ, tranh khắc cao su, tranh khắc thạch cao, tranh khắc bìa giấy và đôi khi là tranh khắc kim loại. Trong đó tranh khắc gỗ, xét theo quan điểm là hình ảnh nghệ thuật in ra giấy từ ván khắc được chế tác đặc biệt như đã nêu ở phần trên, ra đời sớm nhất trong các thể loại tranh in nổi nói riêng và tranh in nói chung. Vì vậy, ở đây chúng tôi sẽ trình bày quá trình phát triển của tranh in nổi theo trình tự xuất hiện của các chất liệu làm ván in, khuôn in.
a. Tranh khắc gỗ: Kỹ thuật in tranh khắc gỗ thuộc phương pháp in nổi. Cho đến ngày nay, tranh khắc gỗ sớm nhất được tìm thấy và lưu giữ là bản minh họa trong cuốn Kinh Kim Cương của Phật giáo. Nó có niên đại năm 868 và được cho là sáng tạo thuộc vùng Đôn Hoàng ở Trung Quốc đời Đường. Trên thực tế nghề khắc gỗ in sách đã có ở đây từ thế kỷ thứ 6. Đến thế kỷ thứ 10, tranh khắc gỗ màu đã được in tại nơi này, đó là 3 hình ảnh về đức Phật. Tiếp đến là một số họa sỹ tên tuổi của Trung Quốc cũng tham gia sáng tác tranh khắc gỗ minh họa. Tranh khắc gỗ dân gian Trung Quốc đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, tranh in độc lập mang hình thái tác phẩm nghệ thuật chứa đựng dấu ấn cá nhân vẫn chưa được phát triển như ở Nhật Bản hay Châu Âu trong khoảng thời gian từ thế kỷ 15 đến hết thế kỷ 19.
Không rõ tác giả (Trung Quốc), minh họa Kinh Kim cương, 868, khắc gỗ
Chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa, văn minh từ Trung Hoa, các nước Nhật Bản,Việt Nam, Triều Tiên đã du nhập nghề khắc gỗ và in văn tự, hình ảnh tôn giáo từ rất sớm và về sau gần như phát triển đồng thời với nghệ thuật khắc gỗ ở nơi sinh ra nó. Lúc đầu, cũng như ở Trung Quốc, ở Việt Nam và Nhật Bản kỹ thuật khắc gỗ chủ yếu phục vụ in sách kinh Phật, bùa chú. Ở Việt Nam, vào thế kỷ 16 xuất hiện tranh khắc gỗ dân gian và cho đến thế kỷ 18, 19 kỹ thuật in màu đa bản đã phát triển và tạo dấu ấn mạnh qua dòng tranh Đông Hồ. Bên cạnh dòng tranh Đông Hồ có các dòng tranh dân gian khác như Hàng Trống, Kim Hoàng, Sình..
Tuy nhiên, cũng như ở Trung Quốc, trước thế kỷ 20 tranh khắc gỗ Việt Nam chỉ tổn tại dưới hình thức nghệ thuật dân gian mà thôi. Trong khi đó, đến thế kỷ 17, nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản đã đạt tới đỉnh cao với tên gọi "moku hanga" nổi tiếng. Tranh khắc gỗ đơn sắc hay đa màu về "thế giới phù du" của Nhật Bản lớn mạnh từ giữa thế kỷ 17, rực rỡ trong thế kỷ 18 và 19 qua nhiều tác giả lớn như: Moronobu, Harunobu, Utamaro, Kiyonaga, Hiroshighe, Hokusai, - "Moku hanga" đã chinh phục cả thế giới bởi nét đẹp thẩm mỹ độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản, đi vào lịch sử mỹ thuật nhân loại như một gợi mở quý báu và đúng lúc cho những ý tưởng nghệ thuật thời hiện đại, mà bắt đầu là chủ nghĩa ấn tượng.
Kitagawa Utamaro, Tình sầu, khắc gỗ màu, 1791
Phú Quý, Tranh dân gian Đông Hồ
Qua con đường tơ lụa, kỹ thuật khắc gỗ xuất hiện ở Châu Âu vào thế kỷ 13 với chức năng phục vụ in vải hoa. Tranh khắc gỗ in trên giấy chỉ có thể nảy sinh vào nửa cuối thế kỷ 14, sau khi nghề làm giấy trở nên phát triển. Vào đầu thế kỷ 15, cùng lúc ở nhiều địa phương khác nhau của Châu Âu xuất hiện những minh họa theo chủ đề kinh thánh được thực hiện bằng kỹ thuật khắc gỗ in trên giấy. Cho đến nay, bản khắc gỗ sớm nhất được tìm thấy và lưu giữ là bản khắc năm 1379 ở vùng Bourgune, miền Đông - Bắc nước Pháp. Bức tranh khắc gỗ sớm nhất của Châu Âu được biết đến có năm sáng tác là 1396. Từ giữa thế kỷ 15, tranh khắc gỗ phát triển rộng khắp châu lục này bởi các tác giả khuyết danh và chủ yếu là tranh minh họa nội dung tôn giáo được in đen trắng. Vào giai đoạn cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16, tranh khắc gỗ được phát triển lên thành phương tiện nghệ thuật đỉnh cao bởi họa sỹ vĩ đại người Đức Albrecht Durer (1471-1528) thông qua loạt tranh về chủ đề "Ngày tận thế" (1499) và "Cuộc đời Đức Mẹ đồng trinh", "Sự hy sinh cao cả của Chúa" (1511).
Không rõ tác giả (Pháp) - Minh họa kinh thánh, 1396 - Khắc gỗ
Durer, Bốn kỵ sỹ ngày tận thế, 1499, khắc gỗ
Ugo da Carpi, Dioghen, 1650, khắc gỗ chiaroscuro
Thomas Bewick, Lịch sử những loài chim nước Anh 1808, Khắc gỗ thớt
Qua tấm gương sáng tạo của Durer, 30 năm đầu thế kỷ 16 là giai đoạn bùng nổ của nghệ thuật tranh khắc gỗ Châu Âu với các tác giả Albrecht Altdorfer và trường phái Danube, Lucas Cranach ở Saxony; Hans Baldung Grien ở Strasburg; Urs Graf và Hans Holbein ở Thụy Sỹ; Lucas van Leyden, Jacob Cornelisz ở Hà Lan. Trong đó Urs Graf được cho là cha đẻ của hình thức tranh khắc gỗ nét trắng. Ở Italy và Pháp, tranh khắc gỗ phát triển mạnh với các trường phái Florentine, Venice, Paris và Lion qua các tên tuổi như: Jacopo de Barbari, Domenico Campagnola, Giuseppe Scolari, Bernard Salomon...
Bước sang thế kỷ 17, tranh khắc gỗ Châu Âu đi vào giai đoạn suy thoái, ngoại trừ trường hợp 9 tác phẩm do danh họa Rubens sáng tác và thực hiện bởi thợ khắc in Christoffel Jegher vào các năm từ 1632 đến 1636. Đến thế kỷ 18 William Hogarth có những cố gắng đưa tranh khắc gỗ trở lại đà phát triển. Nhưng chỉ đến khi kỹ thuật khắc gỗ thớt ra đời và được phổ biến rộng rãi sau đó, tranh khắc gỗ Châu Âu mới lại có được sự hưng thịnh của mình.
Kỹ thuật khắc gỗ thớt được tìm ra vào thập niên 1780 bởi họa sỹ người Anh Thomas Bewick (1753-1828). Bản thân ông đã làm rất nhiều minh họa bằng kỹ thuật này cho bộ "Lịch sử phát triển của động vật bốn chân" và hai tập "Lịch sử các loài chim ở Vương Quốc Anh". Tranh khắc gỗ thớt đã tạo bước ngoặt quan trọng trong đồ họa sách. Kỹ thuật này khác hẳn kỹ thuật khắc gỗ ván (tấm gỗ xẻ dọc cây) trước đây về cách thức chế bản in. Trong khi khắc ván in gỗ xẻ dọc chỉ dùng đến các dụng cụ như đục (sau này là dao khắc) với các thiết diện mũi khác nhau như lòng máng, bẹt, có góc nhọn chữ V, thì để khắc bản in gỗ thớt cần dùng mũi dùi đặc và sắc có thiết diện hình tam giác hay hình thoi. Với dụng cụ khắc mới và kết cấu thớ gỗ cắt ngang, các đường nét được khắc trở nên tinh tế hơn nhiều, mềm mượt hơn, và vì vậy có thể thực hiện được nhiều sắc độ, nhiều sắc thái biểu hiện của khối, hình hay không gian. Nghĩa là kỹ thuật này đem lại nhiều khả năng diễn tả hơn kỹ thuật khắc gỗ ván.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 các danh họa như Paul Gauguin, Edvard Munch và nhóm Cây cầu ở Đức đã đưa tranh khắc gỗ phát triển trở lại và nâng tấm lên mức mới, trở thành một hình thức, phương tiện nghệ thuật hoàn toàn độc lập, tạo nền tảng cho nó phát triển lâu dài đến ngày nay. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài thăng trầm của mình, tranh khắc gỗ Châu Âu chủ yếu ở dạng đen trắng.
Tranh khắc gỗ in màu của Châu Âu được đánh dấu bởi những cột mốc khá xa nhau. Kỹ thuật in màu đầu tiên của tranh khắc gỗ Châu Âu được gọi là kỹ thuật chiaroscuro (có nghĩa là in màu vờn sắc độ). Vào khoảng năm 1507 - 1508 những bức tranh khắc gỗ in màu đầu tiên sinh ra tại Đức. Cho đến nay, cả hai danh họa là Hans Burkgmair và Lucas Cranach đều được cho là đã sáng tạo kỹ thuật in chiaroscuro. Sau đó ít năm họa sỹ Ugo da Carpi ở Italy cũng cho ra đời những bức tranh in hai màu theo kỹ thuật chiaroscuro. Các họa sỹ phát triển kỹ thuật này là Granach, Hans Baldung Grien và Parmigianino. Sau năm 1520, kỹ thuật này được phát triển mạnh và chủ yếu ở Italy nên tên gọi của nó gắn với ngôn ngữ nước này: Chiaroscuro nghĩa là sắc độ. Điểm khác biệt trong tranh khắc gố in màu theo kỹ thuật chiaroscuro nằm ở chỗ không có tính tương phản mạnh giữa các mảng màu bẹt cùng tông được phối hợp với nhau để tạo cảm giác vòn khối, đôi khi không dùng bản nét đen. Màu sắc ở đây chủ yếu được biểu hiện ở dạng màu đồng tông với các sắc độ chênh lệch không nhiều.
Khi các họa sỹ hậu ấn tượng và biểu hiện phát triển tranh khắc gỗ theo chiều hướng mới, họ đã học tập, tiếp thu kỹ thuật in màu của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản. Ngoài ra, một số họa sỹ biểu hiện Đức đã thử nghiệm in màu cục bộ cho các bố cục tranh khắc gỗ, tạo ra điểm riêng trong quá trình phát triển thể loại tranh in này.
Vào cuối thể kỷ 20, các họa sỹ Trung Quốc đã nghiên cứu thành công và giới thiệu rộng rãi kỹ thuật khắc gỗ phá bản (reduction woodcut). Tính ưu việt của kỹ thuật này nằm ở chỗ chỉ cần sử dụng một ván gỗ để in nhiều lớp màu khác nhau thay cho kỹ thuật in truyền thống mỗi màu cần một ván khắc riêng. Kỹ thuật này được phát triển bởi họa sỹ Cheng Xu ở Học Viện Mỹ thuật Vân Nam, Trung Quốc từ năm 1982, dựa trên một kỹ thuật khắc-in cao su giai đoạn 1958 - 1962 của danh họa Picasso. Kỹ thuật khắc phá bản gỗ thực hiện theo nguyên lý xúc bỏ phần gỗ đã in màu lần trước để tạo phần tử in cho bản màu tiếp sau trên cùng một ván gỗ. Cụ thể hơn, sau khi in màu thứ nhất, vẫn trên ván gỗ đó ta khắc phá bỏ đi những phần cần thiết để khi in màu thứ hai thì màu đó không bị che mất bởi màu sau. Bằng quá trình khắc phá dần như vậy, họa sỹ tranh in có thể thực hiện một tác phẩm khắc gỗ nhiều màu (trên 15 màu) mà không quá khó khăn và ít tốn kém vật chất, thời gian. Với sự hỗ trợ của máy khắc công nghệ cao CNC thì việc thực hiện quá trình khắc ván gỗ khổ lớn và in nhiều màu thật thú vị. Thông qua ứng dụng công nghệ mới trong chế bản và in theo nguyên lý kỹ thuật khắc phá bản, nhiều họa sỹ đã sáng tác những tác phẩm tranh khắc gỗ có hiệu quả thị giác đến mức tương đương ảnh chụp và có thể thể hiện được những nội dung và hình thức không đơn giản của nghệ thuật đương đại. Tranh khắc gỗ in màu theo kỹ thuật khắc phá bản cũng đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2008' và phát triển mạnh trong sáng tác của các họa sỹ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tạo ra bước chuyển mới cho thể loại tranh in nổi.
b. Tranh khắc cao su và một số chất liệu khác: Tranh khắc cao su là một dạng tranh in nổi từ bản in mà ở Việt Nam vẫn gọi là cao su. Thực tế, chất liệu mà người Việt vẫn gọi là cao su lại không có mỗi liên quan nào tới mủ cây cao su, nghĩa là trong thành phần vật liệu này không có cao su. Người Việt gọi như vậy là vì nó mềm gần giống cao su. Chất liệu này trong tiếng Anh là linoneum. Linoneum là chất liệu nhân tạo gồm hai thành phần chính: dầu hạt lanh để ôxi hóa và bã cây điên điển, loại cây mà gỗ của nó hay dùng để sản xuất nút chai rượu vang - (oxidized linseed oil + ground cork). Từ tên gọi thành phần chính là dầu lanh (linseed oil) ô xi hóa mà người ta đặt cho chất liệu với tên gọi có tiết đầu tố "Lino". Kỹ thuật và các dụng cụ để khắc hình trên tấm linoneum tương tự như kỹ thuật và dụng cụ khắc gỗ ván.
Pablo Picasso, Tĩnh vật dưới ánh đèn – 1960. Khắc cao su
Đường Ngọc Cảnh, Hoa trái miền Nam – 1976. Khắc thạch cao
Mặc dù tấm linoneum (cao su) như vậy được sáng chế vào đầu những năm 1860, nhưng mãi đến năm 1890 nó mới được sử dụng lần đầu tiên với chức năng làm khuôn in giấy dán tưởng ở Đức. Đến đầu thế kỷ 20 nó trở nên phổ biến trong việc sử dụng làm bản in tranh của các họa sĩ, chủ yếu thông qua những cố gắng của Franz Cizek, họa sĩ người Áo. Ông phát hiện sự mềm dẻo của tấm chất liệu này rất thuận lợi cho việc khắc tranh in nổi và giá thành cũng rẻ hơn nhiều so với tấm gỗ tự nhiên. Tranh in từ bản khắc cao su đầu tiên là tác phẩm "Hoàng hậu Ếch" do Erich Heckel sáng tác năm 1905. Ông và các họa sĩ nhóm Cây cầu (Die Brucke) thường xuyên sáng tác tranh khắc cao su trong khoảng hơn 10 năm tiếp theo.
Matisse và Picasso là hai bậc thầy làm việc nhiều với tranh khắc cao su. Từ 1938 đến 1952 Matisse sáng tác 70 tranh. Picasso, sau khi thể hiện những tranh cổ động bằng kỹ thuật khắc cao su vào đầu thập niên 1950, đến 1958 bắt đầu loạt tác phẩm tranh khắc cao su in màu bằng kỹ thuật cách tân của ông. Ông chỉ dùng một bản cao su để thể hiện tranh in nhiều màu bằng kỹ thuật khắc phá bản mà sau này các họa sỹ Trung Quốc phát triển với tranh khắc gỗ.
Tranh khắc cao su được phát triển mạnh ở Nga, Mehico, Mỹ, Canada. Tranh khắc cao su được phổ biến ở Việt Nam từ năm 1978 thông qua các bài học chuyên khoa của Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nhưng do những điều kiện khó khăn về vật liệu nên nó không được phát triển. Đến cuối thế kỳ 20, với sự xuất hiện tấm trải sàn tổng hợp, loại sản linoneum dần dần không còn được sản xuất nữa và tranh khắc trên chất liệu này cũng theo đó mà ít được sáng tác.
Vào cuối thế kỷ 20, nhiều chất liệu khác đã được sử dụng để sáng tác tranh in nổi, trong đó có thạch cao đổ thành tấm với độ dày chừng 1 đến 2 cm. Tranh khắc thạch cao phát triển ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chất liệu này không cho phép tạo những nét mảnh, tinh tế, mật độ nét dày sít nên tranh khắc thạch cao chủ yếu là những mảng lớn hay đường nét to khỏe, khái quát. Màu in từ bản khắc thạch cao thường có độ xốp hơn so với màu in từ bản khắc gỗ và khắc cao su. Bên cạnh các chất liệu như kể trên, ngày nay các họa sỹ còn sử dụng bìa giấy, nhựa tổng hợp, kim loại và một số chất liệu thử nghiệm như bê tông, vỏ cây để thực hành sáng tác tranh in nổi. Tuy nhiên, đó chỉ là những sáng tác mang tính thử nghiệm, chưa tạo thành dòng chảy chính thống lôi cuốn đa số họa sĩ hướng tới.
Nhìn chung, trong thể loại tranh in nổi, cho dù nền khắc là chất liệu gì đi nữa, thì kỹ thuật khắc và in vẫn được duy trì, phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật in khắc gỗ có từ xa xưa.
- Nguồn: Theo sách Tranh in Độc bản của PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương -
>>> Các thể loại cơ bản của tranh in
>>> Đồ họa tranh in
>>> Tranh in độc bản và thủ ấn họa