Ngôn ngữ tạo hình trong kiến trúc (Phần 2)
b. Đường nét trong tạo hình: Một điểm được kéo dài sẽ trở thành một tuyến. Đường nét này có chiều dài nhưng không có chiều rộng mà cũng không có chiều sâu. Đường nét có tính tương đối trong tạo hình. Mặc dù vậy, đường nét cũng phải có chiều dày để trông thấy được. Đường nét trong tạo hình có thể là giao tuyến của các mặt phẳng, vật thể là các thanh kết cấu, là hàng cột (Hình 2.14a). Đường nét trong thực tế có thể là đường giao thông, là rặng cây, là hành lang công trình (Hình 2.14). Tuy nhiên, cần có sự xác định chủ quan của mỗi người về độ dài, độ dày, đường viền và độ liên tục của đường nét trong tạo hình. Đây chính là sự tương quan chính của yếu tố đường, tương quan với xung quanh. Xem ví dụ ở Hình 2.13a; 2.14b và Hình 2.15. Vậy đường được xem xét có tính tương đối; có thể là đường mà nhiều lúc cũng là hình. Có 2 loại đường nét:
- Các đường viền ngoài của vật thể: đường viền của mặt phẳng, các giao diện. Các loại nét này xác định hình dạng của vật thể.
- Các loại nét tồn tại do chính bản thân ví dụ hình 2.15.
Hình 2.14
Hình 2.15
c. Khả năng biểu hiện của nét trong nghệ thuật tạo hình:
- Thông qua chiều hướng: Những đường thẳng vươn lên theo chiều đứng gắn bó chặt chẽ với sức khái quát của nó là năng động, đột khởi và hưng phấn. Những đường thẳng nằm ngang lại ngược lại, gây ra cảm giác cân bằng, yên tĩnh, im lặng, dàn trải. Đường nét có thể phản ánh sự rụt rè, căng thẳng hay êm đềm. Hình 2.16. Những đường thẳng đứng thường thấy trong tạo hình có ý nghĩa cấu trúc, nhưng đồng thời nó lại có một sức mạnh ý tưởng đặc biệt, tượng trưng nào đó. Ví dụ tượng trưng cho tính chất kỷ niệm, vĩnh cửu, trường tồn trong không gian. Trong khi đó, những đường nghiêng đi lên gây cảm giác nhấn mạnh, tăng dần sự chuyển động và những đường nghiêng xuống cũng gây ra sự căng thẳng nhưng chuyển động giảm tốc dần dần. Những đường nghiêng không những gây cảm giác chuyển động mà các khối được tạo thành theo một tuyến nghiêng sẽ tạo ra cảm giác một lực liên kết và sự thống nhất lớn hơn. Đường nghiêng trong tam giác tùy trường hợp mà cảm giác tạo hướng mạnh hay yếu, nhưng đồng thời cũng tạo ra cảm giác về sự chênh vênh, muốn đổ, hay trượt về phía trước cho hình và khối. Khi hai đường thẳng ngang và đứng gặp nhau, thẳng góc với nhau, hình thái hình ghọc do chúng gây ra cũng đưa đến cảm giác tĩnh tại, ổn định. Còn một đường nghiêng cắt một đường nằm ngang sẽ tạo thành một hiệu quả không tĩnh tại. Những đường dích dắc, gãy khúc sẽ gây nên những cảm giác trục trặc, cứng nhắc; những đường cong uốn lượn từ to đến nhỏ dần gây ra cảm giác nhẹ nhàng, dịu dàng, những đường cong thoải hơn sẽ gây ấn tượng mềm mại, mượt mà (Hình 2.16).
Hình 2.16
Đường nét có phương hướng nhất định, một tuyến ngang thể hiện sự cân bằng, nghỉ ngơi, cố định, tĩnh tại, một diện bằng phẳng của mặt đất. Những đường chéo là do đường ngang nâng lên hoặc đường thẳng hạ xuống, nó gây cảm giác năng động (Hình 2.16). Nhìn chung, các đường thẳng hay cong không chỉ gắn liền với việc đo các đại lượng độ dài và thời gian mà nó còn phản ánh một cách định sẵn, hoặc bộc phát có khả năng thể hiện mạnh mẽ các chủ đề, các ý tưởng cần thiết đối với việc tạo thành các điều kiện sống của xã hội.
- Thông qua xác định hình thể và tạo nên diện: Đường nét là một yếu tố vô cùng quan trọng của trang trí bố cục (bố cục nội thất), nó có thể có tác dụng nối liền, nâng đỡ, thâu tóm, chia cắt các yếu tố khác. Đường nét có thể bao quanh một diện hoặc giới thiệu, trình bày các kiểu bề mặt khác nhau (Hình.17a). Tác dụng của yếu tố đường tuyến trong tạo hình kiến trúc là thể hiện sự chuyển động qua không gian, với tư cách là đỡ hay nâng lên hay tạo nên một cái khuôn với cấu trúc không gian hai chiều là hình và không gian ba chiều là khối. Đường nét có thể là đường thẳng đứng, đường xiên, đường cong mềm, xác định không gian (Hình 2.17b). Một mạng dày đặc các đường nét khác nhau có khả năng tạo nên những bề mặt khác nhau, mang lại hiệu quả cảm xúc thị giác cũng khác nhau.
Hình 2.17. Khả năng biểu hiện của đường nét
Điểm và nét là hai yếu tố nguyên thủy của nghệ thuật tạo hình, đó là hai yếu tố cuối cùng của sức cô đọng trong biểu tượng tạo hình. Từ khi có người biết chuyển các ý tưởng thẩm mỹ thành các biểu tượng thị giác, thì điểm và nét là hai phương diện đầu tiên dùng để chuyển tác các ý tưởng thành thẩm mỹ đó. Từ những nét trên mặt trống đồng Đông Sơn có những nét họa trên được dồn nén vào các nét mang ý nghĩa đạt đến mức cô đọng và đơn giản của đường nét. Nét không chỉ là phương tiện để biểu đạt của nghệ thuật thị giác, nét cũng là một phong cách trong vẽ sáng tác. Quá trình thiết kế tạo được bắt đầu từ sự vận động của một điểm, một nét. Đường nét đó vận động sẽ tạo nên một mặt và mặt đó sẽ làm nảy sinh nên khối. Sự vận động của điểm và nét trong không gian để lại những tín hiệu trên mặt phẳng. Trong không gian phần hồn là quan trọng nhất của tạo hình. Đường nét có “cuộc sống” dài và biểu hiện hơn điểm trong nghệ thuật thị giác. Có một dòng nghệ thuật mà ngôn ngữ chính của nó chỉ là đường nét. Trong nghệ thuật ứng dụng tính uyển chuyển, tính liên tục, vươn dài của đường nét. Trong tạo hình, nổi bật là tính trang trí đường nét kỷ hà. Thông tin thẩm mỹ được dồn nén trong một kích thước tối thiểu, đó là điểm và nét. Những đường nét tức thời, những đường nét “độc nhất vô nhị”, những đường nét căng đầy thông tin, đầy ắp năng lượng xúc cảm đó đã đẩy bức tranh đến chỉ còn là một tín hiệu. Các hiệu quả thị giác còn được thể hiện rõ ở xu hướng lấy các hiệu quả thị giác để biểu hiện, lấy các hiện tượng tiếp nhận thị giác, lấy các chuyển động thị giác làm đối tượng nghiên cứu và thể hiện. Có thể nêu lên một số hiệu quả cơ bản như sau:
Hình 2.18
Hình 2.19
Hình 2.20: Hiệu quả rung của điểm
Hình 2.21: Hiệu quả rung trong kiến trúc
Hình 2.22
* Hiệu quả rung: Hiện tượng là giữa các điểm, các đường có một sức căng thị giác, một lực thị giác tác động tương hỗ. Mỗi điểm hình thành một trường lực riêng của mình. Nếu chúng gần nhau, chúng sẽ hình thành một vùng giao nhau giữa các trường lực riêng đó. Ở vùng giao đó, con mắt khi bị hút bởi trường của điểm này, lúc thì bị hấp dẫn bởi trường của điểm kia. Như vậy, đối với mắt luôn có một vùng không ổn định (Hình 2.18). Hiệu quả này rất giống hiệu quả tương phản đồng thời, khi hai màu tương phản đặt cạnh nhau, đấy chính là hiệu quả rung. Khi nhiều điểm đen, hay nhiều đường nét đen đặt gần nhau trên một phông trắng, chúng thỏa mãn điều kiện a, b (xem Hình 2.19), thì sẽ xuất hiện hiệu quả rung (a là kích thước của các điểm hay độ dày của các nét, b là khoảng cách giữa chúng). Hiệu quả rung của nét (Hình 2.19). Hiệu quả rung của điểm (Hình 2.20). Hiệu quả rung trong tạo hình (Hình 2.21). Tùy thuộc hình dạng cụ thể của điểm và nét với khoảng cách giữa chúng, ta sẽ có hiệu quả rung nhiều hay rung ít. Điều này buộc ta trở lại với kiến thức của các hình cơ bản: hình vuông, hình tròn, hình tam giác (Hình 2.22). Đây là ba hình chính của nghệ thuật thị giác. Theo Hình 2.22, ta thấy hướng của sức căng thị giác ở hình vuông hướng về 4 góc. Điểm đặt của các lực thị giác trong hình tam giác đều tại 3 đỉnh, căng đều hướng ra ngoài hình có sức căng hướng ngoại. Nếu ta coi hình tròn là hình được tạo bởi vô số các đoạn thẳng ngắn, hợp nhau theo một góc tù, thì từ góc tù đến góc vuông, từ góc vuông đến góc nhọn sức căng hướng ngoại tăng dần, sức căng hướng nội giảm dần. Nghĩa là các hình có góc càng nhọn sẽ tạo nên sức căng hướng ngoại càng mạnh. Trong thực tế, khi hai hệ đường thẳng song song giao nhau theo một góc càng nhỏ thì sẽ tạo nên một độ rung trong trường giao nhau càng lớn.
- Thủ pháp làm tăng hiệu quả rung: Hiệu quả rung có thể được tăng lên nếu ta thay đổi đều hướng của đường nét, hệ đường nét. Ở Hình 2.19a, một kỹ thuật đơn giản là làm “gợn sóng” các nét, đã tăng độ rung của hình lên rất lớn. Đổi hướng của nét làm tăng thêm chuyển động trong hình, nên làm tăng thêm hiệu quả rung. Trong các hệ giao nhau, chồng xếp lên nhau, ngoài việc cố gắng tạo nên các giao nhau theo góc càng nhọn để có độ rung lớn, hiệu quả thẩm mỹ của các hình này còn phụ thuộc vào hình dạng của các giao thoa được tạo nên trong hệ. Do vậy, muốn đạt được hiệu quả rung thú vị, hâp dẫn, thì phải biết tạo ra được các sơ đồ giao, sơ đồ chồng xếp cho các hệ ấy. Một thủ pháp khác cũng hay dùng trong kỹ thuật tạo rung là thủ pháp chuyển đều (giảm dần đều hay tăng dần đều – Hình 2.19a). Tính đều trong hiệu quả rung là vô cùng quan trọng. Khi ta tạo được sự tăng dần đều của độ dày nét, thực chất ta đã làm giảm dần đều khoảng cách giữa chúng. Hai sự tăng – giảm này, tạo nên hai chuyển động thị giác ngược nhau, có độ rung lớn. Ta quan sát Hình 2.20c, hình này gồm 6 mô đun tam giác gộp lại theo ba đường trung trực của tam giác lớn. Mỗi mô đung có một sơ đồ giao thoa rất đơn giản, ở hai cạnh góc vuông của mô đun ta chia các khoảng đều nhau. Rồi từ một đỉnh (đỉnh trong) của mô đun ta nối với khoảng chia của cạnh nối bằng các đường thẳng. Từ một điểm trên cạnh huyền cách đỉnh ngoài 1/3 cạnh huyền, ta lại nối với tất cả các khoảng chia đều trên hai cạnh góc vuông. Sau đó, bằng thuật tô đen – trắng đối kháng nhau trên các ô màu mà sơ đồ này tạo được, ta sẽ có một mô đun cho hiệu quả rung thị giác. Hình 2.19d cho thấy hiệu quả thị giác có hai tính: tính rung thị giác và tính trượt xinetic. Rung ở đây là rung của nét, các nét ở đây phát triển theo quy luật đồng biến. Thật ra ở đây đã lấy một phần của hình vuông xoay – trượt làm thành mô đun của mình. Ví dụ: ta có được một hình vuông xoay – trượt bằng cách sau: Lấy một hình vuông ban đầu, sau đó cho một hình vuông khác nối tiếp hình vuông ban đầu. Tất nhiên hình vuông thứ hai có cạnh nhỏ hơn cạnh ban đầu một đơn vị X, và các đỉnh của hình vuông thứ hai trượt đều khỏi các đỉnh tương ứng đúng bằng 1 đơn vị X. Cứ như thế với các hình vuông tiếp sau, ta sẽ có một sơ đồ hình vuông xoay trượt. Điều ta cảm nhận được ở Hình 2.20a không phải là các giao thoa, mà là hậu quả kết hợp của rung nhẹ, chuyển đều và tính không gian. Hình khối được tạo từ hai chiều, ở đây vừa có sự chuyển động đều của các nét, vừa có chuyển động xoay quanh tâm của hình. Chỉ bằng các nét rất đơn giản, nét xoay – trượt, đã tạo nên một hiệu quả phức tạp về hình và đa phương về chuyển động.
- Nguyên tắc: Muốn tăng hiệu quả rung của điểm và nét, ta cần tạo nên sự đối kháng của lực thị giác: Đối kháng về độ lớn, về hướng vận động. Đối với điểm và nét ta cần giữ một độ đều toàn cục, độ đều này có thể ở thể tĩnh hay biến đổi đều. Ví dụ: ở Hình 2.18.
* Hiệu quả ảo: Các hiệu quả thẩm mỹ không phải lúc nào cũng là cái thật. Các giá trị thẩm mỹ mà ta tiếp nhận được sẽ cao hơn nếu như nó cứ mở ra cho ta một sự tưởng tượng mới, vượt ra ngoài khuôn khổ hạn hẹp của cái quen thuộc, của cái thật. Đó chính là một chức năng quan trọng của nghệ thuật từ xưa đến nay. Ví dụ: đứng trước “điệu múa cổ” hay bức tranh, ta thấy cả hai đều không phải tái hiện cái đã có, đang có hay sẽ có trong thực tế, mà chỉ là thể hiện lại các hình ảnh ảo giác tồn tại trong thế giới hình ảnh nội tâm của riêng một người rồi chuyển đến cho mọi người. Trong thế giới hình ảnh thị giác quanh ta, có rất nhiều hình gợi cho ta cái ảo, cái không thật, cái đa nghĩa. Ta hãy quan sát một lục giác đều, tại Hình 2.24d cứ cách một đỉnh, bạn nối một đường vào tâm, lúc đó sẽ xuất hiện hình ảnh gì? Hình phẳng hay hình khối? một khối lập phương hay một góc lõm ba chiều? Nếu dùng một loạt các hình bình hành và hình chữ nhật nối khít nhau, tạo nên hình ảnh các bậc thang thì ta có thể coi hình ảnh bậc thang này được nhìn từ trên xuống hay từ dưới lên đều được cả (Hình 2.23a). Trong hai trường hợp trên, ảo giác thị giác tạo nên các hình ảnh đầy tính mập mờ, hai mặt, khi thật khi giả. Tính đa nghĩa của đường nét khi tạo nên hình đã làm cho con mắt có nhiều hình ảnh tưởng tượng hơn, bay bổng hơn. Mặt khác, mắt có tốc độ nhận hình cực nhanh, mắt hiểu hình một cách khái quát hơn là chi tiết. Diện chú ý của mắt cũng rất động, đồng thời có thể tiếp thu được rất nhiều thông tin, chính vì vậy mà mắt dễ bị môi trường xung quanh chi phối và đánh lừa.
Lợi dụng những đặc tính thị giác trên, ta có thể đảo lộn vị trí của nét, các mặt, các khối trong không gian ba chiều để tạo nên cái không thật trong cái thật, tạo nên tính lập lờ, đa nghĩa trong hình, đó là hiệu quả ảo của đường nét. Dựa vào cái ảo này mà người sáng tác tạo hình áp dụng tính lập lờ để biểu hiện đa nghĩa của đồ họa. Cần phân biệt giữa cái ảo và cái vẽ sai, cái ảo là cái cố tình tạo ra những hình ảnh không thật. Tuy nhiên, ở góc nhìn này thì đúng, góc nhìn khác sai đúng một phần… Dẫu vậy, mới thoáng nhìn, hình ảnh thật của vật thể được trình bày một cách đúng, ta hoàn toàn cảm nhận đầy đủ vật thể (Hình 2.23). Còn vẽ sai là sai cơ bản không có tư duy ý tưởng cho một mục đích nào để biểu hiện một chủ đề nào đó.
Hình 2.23
Hình 2.24
Thủ pháp tạo hiệu quả ảo: Ta có thể tạo dựng một hình ảo dựa vào các thủ pháp cơ bản sau: Thứ nhất, thay đổi vị trí của các điểm và nét trong không gian. Chẳng hạn, trong một đường thẳng, ta có thể tạo ra một nửa đường thẳng nằm phía trong, còn nửa kia nằm ở ngoài, nửa này nằm ở trên, nửa kia nằm dưới… Biết rằng, một đường thẳng phải nằm cùng một mặt phẳng. Cũng như vậy, ta tạo ra một mặt phẳng khi nằm ngang, khi thì thẳng đứng, một phần nằm trong, một phần nằm ngoài. Hình 2.23b, 2.23c, cho ta các hình ảo cơ bản. Ở hình 2.23b, cho ta một vật thật, một khuyên, tam giác có các cạnh được tạo bằng các mặt phẳng vuông góc. Nếu ta dò kỹ từng mặt, từng cạnh của hình ấy, ta sẽ tìm thấy cái vô lý của từng nét từng mặt. Hình 2.23c cũng cho ta cảm giác ảo tương tự với các hình tam giác. Thủ pháp cơ bản thứ hai, tạo nên một hình được hiểu được nhiều cách. Chẳng hạn, nếu nhìn từ trên xuống sẽ là một khối kín, nếu nhìn từ dưới lên, thì khối đó ta cảm giác là một khối lõm. Hay ta từ góc này cho ta một mặt phẳng đến gần ta, ở góc khác nhìn thì lại thấy mặt phẳng đi xa ta… Ta cũng có thể tạo nên nhiều điều “vô lý” trong một hình: các đường thẳng không cùng mặt phẳng gặp nhau một cách tự nhiên, cái xa ta lại có thể gặp cái ở rất gần ta, cái ở trên có thể gặp cái ở dưới… (Hình 2.24d).
Bản thân các đường nét tạo nên hình đều có tính hai mặt, lập lờ, bốn cạnh vuông góc với nhau tạo nên một phẳng đầy hay một lỗ trống? một đường thẳng xiên có thể hiểu được là đi lên hay đi xuống. Một khối lồi và một khối lõm đều được giới hạn bằng những đường nét giống nhau. Cội nguồn của các hiệu quả ảo chính là đường nét. Hiệu quả ảo không chỉ cho các tác phẩm nghệ thuật tạo hình mà các công trình ứng dụng vào chuyên ngành đồ họa trong những tác phẩm dùng ít ngôn ngữ mà biểu hiện thì đa nghĩa.
* Nghĩa của nét: Đặc tính lập lờ, hai mặt, đa nghĩa của đường nét khi tạo nên hình đã làm cho ta liên tưởng đồng thời nhiều hình ảnh thị giác khác nhau. Trong thế giới đường nét không phải nét nào cũng có giá trị ngữ nghĩa như nhau. Chỉ mang nghĩa nếu vắng nó, thì mong muốn, tín hiệu cần thông tin của hình sẽ mất. Có nét chỉ mang tính cấu tạo, có khi đầy đủ, mà vắng nó người ta vẫn nhận ra một hình trọn vẹn qua liên tưởng. Ta xem Hình 2.25 cho ta thấy sự khác biệt giữa số 5 và số 3 chỉ ở một nét duy nhất. Hai số này có nét ngang và nét cong với nhau. Đối với nét ngang nghĩa là nét thẳng đứng. Đối với nét xiên từ phải – trên xuống dưới. Hay nếu ta xét Hình 2.26 trong khuôn mặt b, c khuôn mặt nào diễn được khuôn mặt a? Dễ nhận thấy khuôn mặt c biểu hiện đầy đủ khuôn mặt a nhất, mặc dầu nó mất đi một nét dài. Đó chính là nét cấu tạo vì không có nó người ta vẫn nhận được hình ảnh của phần dưới của khuôn mặt ta gọi là nghĩa của nét, không chỉ thông qua hình ảnh thị giác quen thuộc, tùy thuộc vào tri thức có được của từng người, mà còn phụ thuộc vào các quy ước của cộng đồng xã hội khác nhau, từng chuyên ngành khác nhau. Hai đoạn thẳng ngắn giao nhau tại điểm giữa, và vuông góc nhau sẽ tạo nên biết bao ý nghĩa khác nhau. Chúng có thể là dấu cộng, là chữ thập… Do vậy, tùy ý đồ sáng tác khác nhau, họa sỹ đồ họa, các kiến trúc sư có thể gắn nhiều ý nghĩa khác nhau cho một nét chấm, sử dụng một nét mang nhiều ý nghĩa là kỹ thuật chủ yếu của các họa sỹ đồ họa khi sáng tác áp phích, trang trí, nay sáng tác các mác hàng hóa, biểu trưng của một xí nghiệp. Các hình ảnh tượng trưng, các hình ảnh ẩn dụ thường được thu gọn vào một vài nét kết hợp để làm thông tin ngôn ngữ. Ta thấy rõ điều này qua Hình 2.27 tác giả muốn sử dụng trong biểu tượng của triển lãm thường kỳ Bieanal Sydney hai yếu tố: Một là chữ viết tắt B-S và hình ảnh con thiên nga (vì triển lãm này được tổ chức tại nhà hát nổi tiếng Opera Sydney). Kiến trúc sư Jorn Utzon đã dùng hình ảnh ẩn dụ con thiên nga biển để tạo nên cấu trúc cho nhà hát này. Chỉ một động lực khéo léo kết hợp hai chữ B-S, đã cho ta hình ảnh của một con thiên nga. Hay biểu tượng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng tương tự (xem Hình 2.28), tác giả Bùi Quý Ngọc đã kết hợp nét vừa có nghĩa hình vừa có nghĩa chữ. Tất cả các nét ở đây đều đa nghĩa hoặc các biểu tượng của các hãng xe ô tô, biểu tượng của các tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… (xem Hình 2.29). Tính cô đọng của đường nét, tính đa nghĩa của đường nét, tính thông tin trực tiếp có lẽ là ngôn ngữ chủ đạo của các áp phích hiện đại. Và các biểu tượng mới thông qua các thiết kế chữ kết hợp các hình ảnh lồng ghép nhằm truyền tải nội dung tư tưởng đến người xem. Hình 2.30, 2.31 cho ta thấy dồi dào tính biểu tượng của điểm, nét. Muốn tinh giản đường nét, không chỉ nhận ra đâu là nét có nghĩa, biết dồn nghĩa vào nét chủ đạo, mà còn phải biết nhận ra nét nào là nét bỏ được mà không ảnh hưởng đến thông tin truyền tải, người xem có thể nhận ra nó bằng cách liên tưởng đó là nét liên tưởng. Chẳng hạn, để tạo nên hình ảnh của hình vuông (4 cạnh bằng nhau, 4 góc vuông), ta có 5 cách diễn đạt khác nhau. Có thể chỉ vẽ 3 cạnh, cạnh thứ 4 không xuất hiện, song hai điểm đầu của cạnh này đã xuất hiện, vì thế ta dễ dàng nhận ra cạnh còn lại bằng sự liên tưởng. Ta cũng có thể liên tưởng không bao giờ xuất hiện trên mặt tranh, nhưng nếu thiếu nó hình ảnh về vật thể được thể hiện sẽ không rõ ràng, không đầy đủ. Nắm được đặc tính ngữ nghĩa khác nhau của nét, không chỉ giúp ta tiếp nhận một cách nhanh chóng các thông tin đồ họa mà còn giúp ta tạo ra một môi trường thị giác có nghĩa và rõ ràng. Trong một áp phích, trong một tác phẩm hoành tráng đô thị sẽ không có những nét rườm rà, bởi lẽ lúc này chức năng chính của áp phích, của tác phẩm hoành tráng ấy là thông tin. Các nét có nghĩa, nét đa nghĩa, nét liên tưởng, nét cấu tạo là công cụ quan trọng trong thiết kế tạo hình.
Tóm lại: Nghĩa của nét là đường nét có tín hiệu thông tin về bố cục, nét đó trong sản phẩm tạo hình mang tính biểu hiện của tác giả tạo nên trong tác phẩm tạo hình.
Hình 2.25
Hình 2.26
Hình 2.27. Biểu hiện hình ảnh của Bienal Sydney(Nguồn: Design thị giác của Nguyễn Luận)
Hình 2.28. Biểu tượng của trường Đại học Kiến trúc
Hình 2.29
Hình 2.30. Các logo – biểu tượng
Hình 2.31. Các logo – Biểu tượng, nghĩa của điểm, nét
Hình 2.31: Các Logo - BIểu tượng, ý nghĩa của điểm, nét
>>> Ký họa Kiến trúc Di sản Huế
>>> Ngôn ngữ tạo hình trong kiến trúc (Phần 1)
>>> Tạo hình và hình thể khung xương