Nghiên cứu về phân loại nghệ thuật sắp đặt
Trong nghiên cứu nghệ thuật hậu hiện đại nói chung, nghệ thuật sắp đặt nói riêng, đã có một số nhà nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước tiến hành phân loại. Tuy nhiên, mỗi tác giả lại có một quan điểm, một cách tiếp cận riêng trong việc phân loại nghệ thuật và cách phân loại nào cũng đồng thời có cả ưu điểm và hạn chế. Xuất phát từ định nghĩa nghệ thuật sắp đặt của Kristine Stiles, tiếp cận từ mối quan hệ đặc trưng của không gian trưng bày và không giao tạo nghĩa cốt lõi cho sắp đặt, tác giả bài viết này tiến hành phân loại nghệ thuật sắp đặt thành hai dạng thức, thông qua việc phân tích, so sánh, thống kê một số tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sỹ trên thế giới và Việt Nam để thấy rõ đặc điểm khác biệt giữa hai loại.
Hình thức nghệ thuật sắp đặt đã manh nha xuất hiện ở phương Tây từ thập niên thứ hai của thế kỷ 20, phát triển mạnh từ thập kỷ 60, 70 tại nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới. Tuy nhiên, phải đến năm 1967, Dan Flavin mới ấn định tên gọi cho loại hình này là nghệ thuật sắp đặt khi ông thực hiện tác phẩm sử dụng ánh sáng từ đèn neon của mình.
Ở Việt Nam, loại hình nghệ thuật này thực sự xuất hiện từ thập niên 90, tuy đã có một số thể nghiệm ban đầu mang hình thức nghệ thuật sắp đặt của một số nghệ sỹ trong nước như Đặng Thị Khuê, Trần Trung Tín. Cụ thể năm 1989, “họa sỹ Trần Trung Tín đã tình cờ bầy một tác phẩm có tên Đài tưởng niệm chống phát xít dưới dạng một sắp đặt…”. Hiện tại, đội ngũ nghệ sỹ Việt Nam làm sắp đặt khá đông đảo, có tính chuyên nghiệp hơn, một số tác phẩm, tác giả đã đạt được dấu ấn thành tựu qua những kỳ triển lãm quy mô toàn quốc, khẳng định được vị thế của loại hình nghệ thuật sắp đặt trong và ngoài nước. Trong đó có thể kể đến Đặng Thị Khuê, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Trần Hậu Yên Thế, Vương Thạo, Trần Lương, Trương Tân, Ly Hoàng Ly, Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải, Nguyễn Mạnh Hùng… Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cả trong lý luận và thực hành nghệ thuật hậu hiện dại nói chung, nghệ thuật sắp đặt Việt Nam nói riêng, tác giả chọn đề tài “nghiên cứu về phân loại nghệ thuật sắp đặt” làm trọng tâm nghiên cứu. Mục đích của bài viết nhằm phân loại nghệ thuật sắp đặt theo đặc trưng không gian trưng bày và không gian kiến tạo, tạo nghĩa cho tác phẩm.
1. Khái niệm nghệ thuật sắp đặt:
Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều nhà lý luận đã đưa ra những định nghĩa về loại hình nghệ thuật này. Ngoài các điểm chung được nêu, mỗi định nghĩa dường như lại có một sự khác biệt. Dưới đây là một số định nghĩa về nghệ thuật sắp đặt:
Theo Julie H. Reiss: “Đặc tính của nghệ thuật sắp đặt nằm ở điểm, người nghệ sỹ sẽ tạo ra một không gian mang tính cá nhân thông qua việc sắp xếp nhiều yếu tố được tạo ra đủ lớn để có thể thử nghiệm với những trạng thái cơ thể của người tham dự”. Trong luận văn TS. Năm 2005, Sotirios Bahtsetzis đã định nghĩa: “Nghệ thuật sắp đặt như một thể loại tạo dựng trạng thái cảm nhận… Sự tự do hóa hình thức không gian trưng bày trong khuon khổ các thiết chế Nghệ thuật đã dẫn tới việc phá vỡ ranh giới cấu trúc vaatjt hể trong các tác phẩm Nghệ thuật”. Tác giả Kaprow phát biểu: “Installation là không gian, … sự tham dự của người xem cũng như sự tương tác giữa tác phẩm và người thưởng thức. Nghệ thuật sắp đặt sẽ trở thành làn da thứ hai cho chủ thể xã hội đương đại, chủ thể này sẽ trao cho tác phẩm một ý nghĩa chỉ khi nó bước chân vào trong tác phẩm”.
Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thường được tạo dựng trong những bối cảnh văn hóa gián đoạn, thương liên quan hoặc do cảm hứng từ những môi trường trực tiếp của chúng, chúng hướng nghệ thuạt trở thành một đối thoại với những bối cảnh lịch sử, xã hội và chất liệu thông dụng. Người ta có thể nghĩ về các tác phẩm sắp đặt như những nơi cư trú, sử dụng công nghệ và thường liên quan tới kiến trúc, các tác phẩm sắp đặt dò xét những điểm giao cắt thuộc thị giác, tri giác và bối cảnh của những vấn đề, đồ vật, không gian và chất liệu. Bởi sự phong phú vô hạn đối với chất liệu và địa điểm sắp đặt, trong và ngoài những bối cảnh nghệ thuật, sắp đặt trở thành một thể loại hữu hiệu và ngày càng phổ biến đối với việc biểu hiện những giá trị thẩm mỹ, mục đích chính trị và xã hội của nghệ sỹ. Các tác phẩm sắp đặt có thể cố định hoặc tạm thời, đặt ở bên trong hoặc không gian bên ngoài, và thường liên kết với những bối cảnh kiến trúc hoặc môi trường tự nhiên. Chúng thường là địa điểm đặc biệt, hoặc được xác định bởi một vị trí.
Có khá nhiều nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa, khái niệm về loại hình nghệ thuật sắp đặt. Tuy có những điểm khác nhau, song khái niệm nghệ thuật sắp đặt có thể hiểu một cách khái quát như sau: nghệ thuật sắp đặt là loại hình nghệ thuật thị giác với đặc trưng cơ bản là tổ chức không gian, tổ hợp hiện vật, có thể sử dụng mọi chất liệu, phương pháp và yếu tố tạo hình, kỹ thuật và phương tiện khoa học để đem lại hiệu quả sáng tạo mong muốn. Người tham dự là một phần của tác phẩm nên họ vừa là chủ thể vừa là khách thể trong không gian thực – không gian tác phẩm. Nghệ thuật sắp đặt gồm hai dạng thức: sắp đặt định trường gắn với không gian môi trường cố định – tạo nghĩa cốt lõi cho tác phẩm; sắp đặt phi định trường, không gắn với không gian môi trường cố định.
2. Một số công trình nghiên cứu đề cập đến sự phân loại nghệ thuật sắp đặt:
Như khái niệm đã nêu ở trên, loại hình nghệ thuật sắp đặt với quan niệm mở, chấp nhận tất cả mọi chất liệu, vật dụng, phương tiện khoa học công nghệ để kiến tạo tác phẩm. Hay nói cách khác, nghệ thuật sắp đặt có khả năng phá vỡ mọi ranh giới loại hình, loại thể nghệ thuật bởi khả năng dung nạp tất cả của nó. Do đó, việc phân loại một cách rạch ròi, chính xác tên gọi của loại hình nghệ thuật là điều không đơn giản, việc phân loại sắp đặt càng khó khăn hơn, chỉ mang tính tương đối mà thôi.
Trong cuốn “Nghệ thuật sắp đặt” (2002) của Xugan, do nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Hà Thị Tường Thu và Phạm Trung Nghĩa dịch – tư liệu Viện Mỹ thuật, tác giả công trình nghiên cứu này đã tiến hành giới thiệu nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sỹ tiêu biểu trên thế giới, nghệ sỹ Trung Quóc, sinh sống ở trong nước và nước ngoài. Trong đó, Xugan đã phân loại nghệ thuật sắp đặt theo chức năng và mục đích như: Giáo dục, chính trị, thương mại, vì nhân dân phục vụ… với 9 đặc trưng cơ bản. Đồng thời, ông nhấn mạnh đến thời đại thông tin, tính chất vị nhân sinh của sắp đặt. Xugan kết luận: “Con người đã từ bỏ ý định định nghĩa nghệ thuật cho thật chính xác. Nghệ thuật sắp đặt cũng không ngoại lệ. Đặc trưng của nghệ thuật sắp đặt là tính cởi mở, tính tự do và tính mơ hồ nên chúng ta chỉ có thể nhận biết nó, nghiên cứu nó trong sự vận động, phát triển và diễn biến của nó. Hàm nghĩa và chức năng của nó đồng bộ với xã hội đương dại, thay đổi từng giờ từng phát, chính là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Cuốn “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010”, phần viết về nghệ thuật sắp đặt, tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung đã nêu ra nguyên nhân của sự hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam, chỉ ra một số đặc điểm nổi bật. Trong đó có đề cập đến sự phân loại nghệ thuật sắp đặt, căn cứ vào không gian trưng bày tác phẩm, tác giả cho rằng: “Có thể chia tác phẩm sắp đặt Việt Nam thành hai loại chính: sắp đặt ngoài trời và sắp đặt trong nhà”. Có thể thấy cách phân loại này rất gần với cách phân loại nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Tuy nhiên, cách phân loại như thế sẽ gặp rất nhiều hạn chế bởi đặc trưng của loại hình nghệ thuật sắp đặt là tổ chức không gian, tổ hợp hiện vật và khả năng thu nạp tất cả của nó. Không gian của nghệ thuật sắp đặt không chỉ là không gian trưng bày tác phẩm đơn thuần như nghệ thuật hiện đại nữa mà không gian có thể tọa nghĩa cốt lõi cho tác phẩm.
Nghiên cứu mối quan hệ đặc trưng của không gian trưng bày và không gian tạo nghĩa cốt lõi cho tác phẩm, nghệ thuật sắp đặt có thể được phân chia thành hai dạng thức:
- Loại thứ nhất: Sắp đặt định trường.
- Loại thứ hai: Sắp đặt phi định trường.
Sự phân loại nghệ thuật sắp đặt ở đây chỉ mang tính tương đối, ở dạng khái quát. Nhìn chung, bất cứ sự phân loại nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Nếu phân chia theo lối truyền thống, gần với cách phân loại điêu khắc, là sắp đặt ngoài trời và sắp đặt trong nhà, thì có ưu điểm là người xem dễ nhận biết sắp đặt thuộc loại nào căn cứ vào không gian trưng bày tác phẩm; nhưng hạn chế của cách phân loại này là không thể hiện được đặc trưng tạo nghĩa của không gian kiến tạo tác phẩm. Hơn nữa, nếu tác phẩm sắp đặt được trưng bày một phần ở ngoài trời và một phần ở trong nhà, thì các phân loại như trên sẽ gặp hạn chế, không bao quát được cách gọi tên ở trường hợp này. Ví dụ: sắp đặt ánh sáng (2010) của nghệ sỹ Andreas Schmid cùng các học viện tại khu vực cầu thang tòa nhà khoa Đồ họa và khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hoặc sắp đặt Xổm (các hình nộm trưng bày cả trong thư viện và không gian phía ngoài của Hội đồng Anh) của Trần Hậu Yên Thế chẳng hạn. Thật khó có thể thỏa mãn, nếu ta nói các sắp đặt này chỉ đơn thuần thuộc loại sắp đặt trong nhà hay sắp đặt ngoài trời.
Sắp đặt Xổm (các hình nộm của Trần Hậu Yên Thế)
3. Sự khác biệt giữa sắp đặt định trường và sắp đặt phi định trường:
* Nghệ thuật sắp đặt định trường: Là loại sắp đặt phụ thuộc vào không gian môi trường cố định. Không gian môi trường của loại sắp đặt này không chỉ đơn thuần là không gian trưng bày tác phẩm, mà chính không gian môi trường là thành phần kiến tạo, tạo nghĩa cốt lõi và thông điệp của tác phẩm. Khi di chuyển, trưng bày tác phẩm đến nơi khác, ý nghĩa ban đầu của tác phẩm sẽ thay đổi. Sắp đặt định trường xuất hiện khá nhiều ở phương Tây, Mỹ và tại một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine… Điển hình cho loại sắp đặt này có thể kể đến Cách đồng sét của Walter de Maria; Miệng núi lửa Roden (Roden Crater), các sắp đặt gắn với không gian kiến trúc của James Turrell, Dan Flavin; Bọc nhà quốc hội Đức, Umbrellas USA – Japan, sắp đặt bọc các kiến trúc, bọc cầu của Christo; Người ngoài hành tinh, Nối dài Vạn Lý Trường Thành 10.000 mét của Sài Quốc Cường… Tất cả những sắp đặt này đều không thể di chuyển đến nơi khác, vì nếu di chuyển sẽ làm mất ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm. Ví dụ: Tiêu chí mà nghệ sỹ Walter de Maria đã chọn làm sắp đặt cánh đồng sét chẳng hạn: 400 cột thép không gỉ được dựng lên như một mạng lưới rộng khoảng 1km vuông trên cao nguyên New Mexico hẻo lánh, nơi đặc biệt có nhiều sét đánh xuống dữ dội khi mùa mưa bão đến, nơi ánh sáng tự nhiên được khai thác triệt để làm phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nơi tách biệt với cuộc sống văn minh ồn ào… Tác giả yêu cầu người tham dự tác phẩm không quá 5 người / ngày, phải ở lại căn nhà gỗ đặt gần tác phẩm để quan sát suốt cả ngày và không được mang theo bất cứ sách, báo, đài hay phương tiên liên lạc với xã hội đương đại. Người xem tựa như ngồi trong không gian “thiền” tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi, quan sát sự biến chuyển vô thường của sắc độ ánh sáng tự nhiên phản ánh trên những cột thép. Người xem nào may mắn thì có thể tận mắt chứng kiến những chùm sáng dội từ trên trời xuống cùng tiếng sấm nổ như xé nát không gian vốn tĩnh mịch. Với không gian môi trường đặc biệt như thế, nếu di chuyển tác phẩm này đến nơi khác sẽ không đảm bảo được yêu cầu của tác phẩm: không gian môi trường yên tĩnh, tách biệt với đời sống văn minh nơi có nhiều sét…
Sắp đặt “The Lightning Field” (Cánh đồng sét) của Walter De Maria đặt trong một vùng hoang vu của New Mexico, gồm 400 cột thép, xếp thành hình chữ nhật. Khi có sấm sét sẽ tạo nên một cảnh tượng lạ lùng
Roden Crater là miệng núi lửa rộng gần 5km, có tuổi thọ khoảng 400.000 năm, được nghệ sĩ James Turrell mua vào năm 1979. Tuy vẫn còn dang dở nhưng miệng núi lửa này vẫn được biết đến như một trong những dự án đầy tham vọng và hoành tráng nhất của phong trào nghệ thuật Land Art.
Sắp đặt Miệng núi lửa Roden (Roden Crater) năm 1979, của James Turrell, ở vùng Arizona, Mỹ cũng vậy. Ông đã sử dụng ngay miệng núi lửa đã ngừng hoạt động để làm tác phẩm sắp đặt của mình. Để thực hiện sắp đặt này,ông đã phải mất hơn 3 năm để thiết kế và thi công. Sắp đặt gồm nhiều phòng, đường hầm và cầu thang dẫn lên vòm phía trên tựa như đài quan sát, nơi người xem có thể thỏa sức khám phá không gian bầu trời. Nhận xét về sắp đặt này, tác giả Craig Adcock viết: “Vẻ đẹp ánh sáng được sử dụng như chất liệu điêu khắc sẽ được gắn kết sức mạnh vật lý và biên độ không gian của phong cảnh sa mạc trong lối tiếp cận mang tính tương tác của Turrell đối với ánh sáng, chú trọng những mối quan hệ cố định của không gian bên trong và bên ngoài. James Turrell cũng là bậc thầy sử dụng ánh sáng điện để tổ chức không gian trong kiến trúc nhà thờ, và ánh sáng tự nhiên khi ông khoét thủng trần nhà để người xem có thể ngồi trong căn phòng quan sát bầu trời. Các sắp đặt này không thể di chuyển bởi chúng là thực địa tự nhiên hoặc gắn với công trình kiến trúc cụ thể, tạo nghĩa cho tác phẩm, do vậy chúng được xếp vào loại sắp đặt định trường.
The Umbrellas, Japan - U.S.A., 1984-1991: cắm những cây dù dọc theo duyên hải Nhật, Hoa Kỳ
SÀI QUỐC CƯỜNG
Mở rộng Vạn Lý Trường Thành 10.000 mét (1993). Sắp đặt định trường tại cao nguyên Gobi, Trung Quốc
Sắp đặt Nối dài Vạn Lý Trường Thành 10.000 mét của Sài Quốc Cường cũng là ví dụ điển hình cho loại sắp đặt định trường. Để thực hiện sắp đặt này, Sài Quốc Cường đã phải sử dụng hết 600kg thuốc súng, rải thành hai vệt song song dài 10.000 mét trên địa hình chập chùng, nối liền với điểm cuối cùng của Vạn Lý Trường Thành (thời nhà Minh) thuộc sa mạc Gobi. Khi châm lửa, hai rải thuốc súng cháy tạo thành con rồng lửa khổng lồ đang cuồn cuộn trong đám khói tựa như mây, trông thật kỳ thú. Trong tác phẩm này, Sài Quốc Cường đã kết hợp dược hai hình tượng trong một tác phẩm sắp đặt của mình, đó là sự kỳ vĩ của Vạn Lý Trường Thành, biểu tượng quyền lực của con rồng của người Trung Hoa và trên hết là biểu tượng nghệ thuật thăng hoa từ chất liệu thuốc súng – thứ gắn liền với chiến tranh và hủy diệt. Sắp đặt này cũng không thể di dời nơi khác. Như thế, sắp đặt Nối dài Vạn Lý Trường Thành 10.000 mét thuộc sắp đặt định trường.
Ở Việt Nam, hầu như rất ít tác phẩm sắp đặt thuộc loại sắp đặt định trường, mà chủ yếu thuộc loại sắp đặt phi định trường – loại có thể trưng bày ở nhiều nơi khác nhau mà không làm tổn hại nhiều đến ý nghĩa và thông điệp cốt lõi của tác phẩm. Trong sắp đặt Xổm này, Trần Hậu Yên Thế sử dụng nhiều hình nhân tre đan trống rỗng với tư thế ngồi xổm, “ngồi tót sỗ sàng” trên những giá sách đầy ắp tri thức của nhân loại, hay có hình nhân thì đang ngơ ngác ngồi xổm trên bàn, trước máy vi tính thời đại kỹ thuật số… tạo nên sự tương phản, châm biếm, giễu nhại. Có hình nhân ngồi “tè he” chỗm chễ lên bệ phía ngoài, trước biển hiệu của Trung tâm Hội đồng Anh… Không gian tri thức, thư viện, biển hiệu của Hội đồng Anh là không gian tạo nghĩa cốt lõi cho sắp đặt này. Giả sử, tách sắp đặt này ra không gian khác, liệu ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm này còn nguyên vẹn?
Tóm lại, sắp đặt định trường chủ yếu phổ biến ở phương Tây, một phần do khả năng tài chính từ các nguồn tài trợ, một phần do xã hội phương Tây có chính sách khá cởi mở với nghệ thuật. Ở Việt Nam, rất hiếm gặp sắp đặt định trường, một phần có lẽ do bản thân nghệ sỹ chưa chú trọng “chiếm đoạt không gian tạo nghĩa” và vì nhiều lý do khác như tài chính, pháp luật, khả năng tổ chức không gian của chủ thể sáng tạo…
* Nghệ thuật sắp đặt phi định trường: Là loại sắp đặt không phụ thuộc vào không gian môi trường cố định. Không gian môi trường của loại sắp đặt này không đóng vai trò tạo nghĩa cơ bản cho tác phẩm. Do đó, sắp đặt loại này có thể trưng bày ở nhiều nơi khác nhau, mà ý nghĩa ban đầu của tác phẩm cơ bản không thay đổi.
Trong số những tác phẩm sắp đặt trên thế giới, loại sắp đặt phi định trường vẫn chiếm đa số. Ở Việt Nam cũng vậy, hầu hết các tác phẩm sắp đặt thuộc loại sắp đặt phi định trường. Do đó, trong phần này, tác giả bài viết không đi sâu vào phân tích tác phẩm mà chỉ tiến hành nêu tên tác phẩm mang tính thống kê. Có thể kể ra đây hàng loạt tác phẩm thuộc loại sắp đặt phi định trường, có thể trưng bày ở nhiều địa điểm khác nhau, một số sắp đặt sử dụng chất liệu tự nhiên, đồ thủ công như: Vòng đời, Giọt nước, Hạt gạo, Tiếng chuông ngân (1997), Nhân loại, Sự gặp gỡ của những nền văn hóa (1998). Sự hiện diện của gió (1999), Di sản (2000), Nơi cư ngụ (2001). Cùng tồn tại (2003), Đồng vọng (2007), Đêm, Nhiệt đới (2008), Thông điệp gửi cõi vĩnh hằng (2012). Barie, Ký tự (2013). Cõi nhân gian, Mẹ, Dấu ấn, Ngôn ngữ, Âm hưởng Đại ngàn (2014)… của Đặng Thị Khuê; Sự khởi thủy (1997)…
Tóm lại, hầu hết các tác phẩm sắp đặt Việt Nam thuộc loại nghệ thuật sắp đặt phi định trường nên có thể trưng bày tác phẩm ở nhiều địa điểm khác nhau mà không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm. Nói cách khác, các sắp đặt Việt Nam chưa thực sự “tiếm đoạt” không gian môi trường một cách triệt để nhằm tạo nghĩa và biến không gian, kiến trúc… thành tác phẩm. Tuy có một số sắp đặt Việt Nam có thể liên hệ với loại nghệ thuật sắp đặt định trường nhưng vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô tác phẩm.
Trong lịch sử nghệ thuật, từ thời cổ đại tới thời hiện đại, nhiều nhà triết học, mỹ học, nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại nghệ thuật theo loại hình, loại thể khác nhau như: nghệ thuật không gian, nghệ thuật thời gian, nghệ thuật không gian – thời gian; nghệ thuật tĩnh, nghệ thuật động; nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ứng dụng; nghệ thuật thị giác… Tuy nhiên, nghệ thuật tiến đến sự phân loại như vừa nêu là cả một câu chuyện dài, mà câu chuyện ấy bắt đầu từ tên những vị thần trong thần thoại Hy Lạp, phụ trách, bảo hộ từng lĩnh vực nghệ thuật như: Apollo (âm nhạc, thơ ca), Dionisus (sân khấu), Athena (nghề thủ công, mỹ nghệ)… Nghệ thuật sắp đặt nói chung và nghệ thuật sắp đặt Việt Nam nói riêng, căn cứ vào mối quan hệ đặc thù giữa không gian trưng bày và đặc trưng không gian tạo nghĩa cho tác phẩm, có thể chia thành hai dạng thức sắp đặt định trường và sắp đặt phi định trường.
Nếu sắp đặt định trường phụ thuộc vào không gian môi trường cố định, không gian môi trường là thành phần kiến tạo, tạo nghĩa và thông điệp của tác phẩm, khi di chuyển ý nghĩa cốt lõi sẽ thay đổi; thì ngược lại, sắp đặt phi định trường không phụ thuộc nhiều vào không gian môi trường cố định nên có thể di chuyển, trưng bày tác phẩm ở nơi khác mà ý nghĩa ban đầu của tác phẩm sẽ không thay đổi nhiều.
Bất cứ cách phân loại nghệ thuật nào cũng đồng thời có ưu điểm và hạn chế của nó. Cách phân chia nghệ thuật sắp đặt thành hai dạng thức (sắp đặt định trường và sắp đặt phi định trường) mà tác giả tiến hành trong bài viết này cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Ưu điểm của cách phân loại này, khác với cách phân loại truyền thống, là đi sâu vào nghiên cứu đặc trưng không gian trưng bày và không gian kiến tạo tác phẩm để phân loại. Nói cách khác, hai dạng thức sắp đặt này chỉ rõ mối quan hệ đặc trưng giữa tác phẩm với không gian môi trường thực địa, khắc phục được một số hạn chế so với cách phân loại truyền thống trước đây: sắp đặt trong nhà và sắp đặt ngoài trời. Tuy nhiên, hạn chế của cách phân loại mới này là không dễ nhận biết sắp đặt thuộc dạng thức nào nếu chỉ quan sát bằng thị giác, mà đòi hỏi người xem phải cùng lúc huy động nhiều giác quan, nhiều thông tin, vốn kiến thức và trải nghiệm cuộc sống để nhận biết tác phẩm sắp đặt thuộc dạng thức nào (sắp đặt định trường hay sắp đặt phi định trường).
Khảo sát thực tiễn cho thấy, nghệ thuật sắp đặt Việt Nam chủ yếu thuộc loại sắp đặt phi định trường với quy mô khá khiêm tốn so với nhiều tác phẩm sắp đặt của các nghệ sỹ châu Âu và trong khu vực. Để có được tác phẩm sắp đặt phi định trường với quy mô lớn ở Việt Nam, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía như: năng lực sáng tạo, khả năng tổ chức không gian của nghệ sỹ, sự hỗ trợ tài chính từ việc xã hội hóa nghệ thuật và sự khuyến khích, ban hành thiết chế nghệ thuật phù hợp từ phía Nhà nước.
- Theo Th.S Nguyễn Hữu Đức -
>>> Nghệ thuật sắp đặt trong quảng cáo
>>> Định nghĩa về nghệ thuật thị giác
>>> Thiết kế bố cục bằng lực thị giác (Phần 1)