Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 2)

1. Khái lược về kiến trúc chùa Việt và điêu khắc tượng Phật:

b. Kiến trúc chùa và điện Phật ở miền Trung và Nam Bộ:

Có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến các ngôi chùa miền Trung trở vào Nam. Mặc dầu những ngôi chùa Việt ở đây có bề dày lịch sử không sâu như những ngôi chùa miền Bắc. Những ngôi chùa này được hình thành gắn liền với lịch sử Nam tiến của người Việt. Chùa miền Trung là những ngôi chùa theo chân các chúa Nguyễn được dựng lên từ TK 17. Người Việt mang theo tôn giáo tín ngưỡng của mình trên đường vô Nam nhưng lại chấp nhận sự dung hòa với nền văn hóa bản địa Chăm và Khmer. Do đó, khi ngôi chùa Việt dựng nên ở đây đã mang một dáng vẻ khác với ngôi chùa Việt ở miền Bắc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Duy thì ngôi chùa Việt ở miền Trung này còn ghi nhận dấu ấn của lịch sử phong kiến Việt TK 16-17 thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Đàng trong, đoạn tuyệt với Đàng ngoài, nên ngôi chùa theo chân họ vào vùng đất mới là ngôi chùa chưa hoàn thiện từ TK 16 trở về trước. Tuy nhiên cũng có thể dễ dàng nhận thấy một sự thích ứng khác trong kiến trúc chùa Việt. Kiến trúc nhà rường miền Trung đã trở thành kiến trúc chủ đạo của các ngôi chùa xứ Huế. Chính điện các ngôi chùa nơi đây thường được thiết kế trên một mặt bằng khá rộng lớn, các tòa nhà được dựng sát nhau theo lối trùng thiềm điệp ốc với hai nếp nhà có chung hệ cột quân. Hai nếp nhà này nối với nhau bởi kiểu thức kiến trúc vòm trần mai cua. Hệ vòm trần này khiến cho đoạn nối của hai nếp nhà vừa tạo ra được mạch ngắt, nhưng vẫn duyên dáng. Hệ vì kèo giá chiêng, cột trốn nặng nề của kiến trúc miền Bắc hoàn toàn không còn chỗ đứng ở đây mà hình thức vì kèo giả thủ đã hiện diện trong hầu hết các công trình. Các tòa nhà phía trên ngoài là hai tầng mái ngắn và thẳng nhưng bên trong lại chỉ có một tầng, khiến cho nội thất kiến trúc của điện thờ trở nên rộng lớn thênh thang. Ngoài ra, lối dựng chàu theo trục đường thần đạo với các đơn nguyên kiến trúc như: tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà tả vu hữu vu… thống nhất với dạng thức các ngôi chùa Việt; một số chùa Huế có dạng mặt bằng hình chữ Khẩu như chùa Từ Hiếu. Tòa chính Tam bảo, úp lưng với ban thờ Phật là ban thờ Tổ. Hình thức bố cục bài trí ban thờ này rất điển hình trong chùa Huế và miền Nam, hai dãy nhà hai bên thường là nhà tăng và nhà khách, dãy nhà hậu là nhà thờ vong chúng sinh Phật tử gửi giỗ lên chùa. Các thành phần kiến trúc này tạo ra không gian kiến trúc mà nhìn từ trên xuống có mặt bằng như hình chữ Khẩu. Giữa các tòa nhà là giếng trời. Hình thức lầu chuông, lầu trống cũng trở thành một phần kiến trúc quan trọng trong các ngôi chùa miền Trung.

tuong 14

Tam quan chùa Từ Hiếu – Huế, loại hình kiến trúc TK 19 rất đặc trưng cho phong cách nhà Nguyễn

Kiến trúc tháp xuất hiện trở lại. Tuy nhiên khác với tháp thời Lý – Trần ở miền Bắc, ngôi tháp bảy tầng trong kiến trúc chùa miền Trung và miền Nam thường là tháp biểu tượng hoặc tháp Xá Lợi Phật. Các tháp này có dạng lục lăng hoặc bát giác được dựng ở trước chùa. Ví dụ như chùa Thiên Mụ, chùa Hà Trung, chùa An Cựu, chùa Từ Đàm (Huế), chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), chùa Long Hòa (Vũng Tàu). Một số tháp đặt tượng Phật như tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ. Còn các dạng tháp khác phía sau chùa thường là tháp mộ sư tổ. Do khuôn viên chùa miền Trung và miền Nam thường rộng, nên các ngôi tháp vẫn tiếp tục được xây dựng trong thời gian gần đây.

tuong 15

Sơ đồ mặt bằng chùa Thiên Mụ, Huế

tuong 16

Phong cảnh chùa Thiên Mụ với tháp Phước Duyên 7 tầng

tuong 17

Tượng Hộ Pháp chùa Thiên Mụ

Hình thức điêu khắc tượng Hộ Pháp rất đặc trưng cho nghệ thuật tượng đắp đất tô màu miền Trung Việt Nam

Có thể nói với mặt bằng kiến trúc khác biệt hoàn toàn với ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc” miền Bắc, thì điêu khắc tượng thờ cũng ít nhiều khác biệt. Ngôi chùa Thiên Mụ được xem là một trong những ngôi chùa đầu tiên trên đất Huế do chúa Nguyễn Hoàng hưng công xây dựng năm 1601 trên đồi Hà Khê. Ngôi chùa rộng lớn này có khá nhiều tượng thờ, nhưng không quá đông đảo như một điện Phật Bắc Bộ. Chính điện thờ Di Lặc, trên cùng thờ Di Đà tam tôn, dưới là Thích Ca và Văn Thù, Phổ Hiền. Trong cùng thờ sư tổ. Tòa sau thượng điện là điện thờ Địa Tạng và điện thờ Quan Âm. Hai bên sân các nhà lôi gia, tả hữu có tượng Bát Bộ Kim Cương. Tam Quan có ba cửa, mỗi cửa có hai vị Hộ Pháp. Phía trên có lầu chuông và lầu trống. Mô hình tượng thờ này cũng là mô hình khá phổ biến trong các ngôi chùa miền Trung, mặc dầu sự bài trí ở các chùa khá khác nhau.

Về những ngôi chùa miền Nam như các ngôi chùa ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay có niên đại sớm nhất cũng khoảng TK 18-19. Khác với mô hình chùa miền Trung, chùa Nam Bộ thường có dạng mặt bằng hình chữ Tam. Tuy nhiên lối thức chữ Tam này khác xa với những ngôi chùa Bắc Bộ như Tây Phương, Kim Liên cả trên phương diện kiến trúc cũng như lý thuyết về dịch học. Gọi là mặt bằng hình chữ “Tam” là để cho dễ hình dung về lối thiết kế kiến trúc các tòa nhà dựng song song nhau trên một trục chính. Còn kiến trúc của từng tòa nhà riêng biệt lại được dựng theo kiểu thức nhà “bánh ít” khác xa với lối chồng diêm hai tầng tám mái miền Bắc. Với mặt bằng một tòa thường có dạng hình vuông, kết cấu tứ trụ trung tâm và các kèo xuyên dài để đỡ hệ thống mái, các ngôi chùa có kiến trúc gỗ cổ xưa nhất Nam Bộ thường có nóc ngắn, bốn mái bề thế mở rộng ra bốn hướng. Không gian nội thất ngôi chùa theo đó mà rộng lớn và mát mẻ và thoáng đãng. Các ngôi chua điển hình có thể kể đến là chùa Giác Lâm (1774), Giác Viên (1805), chùa Phước Tường (1741) (TP. Hồ Chí Minh), chùa Mỹ Lâm (1803), Vĩnh Tràng (1849) (Mỹ Tho, Tiền Giang). Các ngôi chùa này thường được kết cấu gồm hai, ba ngôi nhà “bánh ít” kề nhau. Các ngôi chùa được xây dựng bằng các vật liệu mới như gạch đá, xi măng cũng làm nên dáng vẻ mới, hiện đại và vững chắc. Sự khác biệt của các chùa chủ yếu do hệ thống mái lớn lợp ngói. Các ngôi chùa có hai tầng cũng xuất hiện, điển hình như chùa Vĩnh Nghiêm. Các điện đường thường rộng lớn, khang trang. Khokng gian bên ngoài cũng được chú trọng. Các cổng tam quan xây gạch, các lầu bát giác, các tháp cũng được dựng lên. Dường như không có sự nhất quán của mặt bằng bố cục các ngôi chùa này, nhưng tùy theo địa hình mà tạo nên những tương thích đơn giản.

tuong 18

Ban thờ chính điện chùa Từ Hiếu, Huế

Về trang trí nội thất, để tạo nên một không gian linh thiêng có tính truyền thống cho các ngôi chùa Nam Bộ, các kiến trúc sư thường chú trọng đến việc trang trí bằng hệ thống các bao lam chạm khắc gỗ cùng các hoành phi, câu đối phía trước các điện thờ hoặc các khám thờ. Dường như các chạm khắc trang trí này đã tạo nên sự thống nhất trong cả kiến trúc gỗ và kiến trúc xi măng cốt thép làm thành một dáng nét riêng. Ngoài ra với nghệ thuật khảm sành sứ ngoại thất, vẽ bích họa nội thất bắt đầu từ các ngôi chùa miền Trung đến các ngôi chùa miền Nam đã liên tục được vận dụng. Do màu sắc trong các điện đường chùa Việt nơi đây cũng đã khác xa với vẻ thâm u trầm mặc của chùa Bắc Bộ.

tuong 19

Thượng điện chùa Giác Viên, TP. Hồ Chí Minh.
Đây là lối kiến trúc "bánh ít" và điện thờ Quan Âm lộ thiên,
hình thức rất phổ biến của ngôi chùa Việt ở Nam Bộ

Tương tự như ngôi chùa miền Trung, trong không gian kiến trúc kể trên, hệ thống Phật điện đã có những thay đổi ít nhiều. Trong một điện đường rộng lớn, các pho tượng Phật dường như cũng to lớn hơn và được bài trí theo hệ thống chính phụ. Hệ thống điện Phật thường chú trọng thờ A di đà, Thích Ca, Quan Âm, Di Lặc là các tượng chiếm vị trí chủ vị. Bộ Ngũ Phương Phật được coi trọng đặt ở tiền cảnh ban Tam Bảo dưới hai hình thức hoặc là tượng hoặc là tranh khắc. Tượng Thích Ca ở các giai đoạn khác nhau như: Thích Ca đản sinh, Thích Ca tọa thiền, Thích Ca thuyết pháp, Thích Ca nhập Niết bàn. Riêng tượng Thích Ca khổ hạnh ít xuất hiện.

Hiện tượng thờ Di Lặc trong các ngôi chùa mới từ miền Trung đến miền Nam khá phổ biến. Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu thì việc thờ Di Lặc đem đến những hy vọng cho cư dân đi mở đất bởi "Di Lặc xuất thế - Thiên hạ thái bình". Một số ngôi chùa cổ như chùa Giác Lâm có thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhưng mẫu hình của tượng thờ này ảnh hưởng tượng thờ của người Hoa. Hệ thống các tượng La Hán với kích thước khá nhỏ bé trong các ngôi chùa đồ sộ này cũng làm nên nét đặc sắc riêng biệt cho các ngôi chùa Nam Bộ. Có thể kể đến câc bộ La Hán của chùa Giác Lâm (TP. Hồ Chí Minh), chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Long Quang (Cần Thơ). Khác với La Hán trong các chùa miền Bắc, những tượng La Hán này thường rất vui tươi, sống động. Một số bộ tượng La Hán được tạc cưỡi trên các con thú với ý nghĩa tượng trưng cho công đức và giáo lý Phật giáo.

tuong 21

Bộ tranh khắc mộc bản Ngũ Phương Phật, Bồ tát chùa Giác Lâm, TP. Hồ Chí Minh, niên đại đầu TK 20

tuong 22

Tượng La Hán, chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, Tiền Giang
Các vị La Hán cưỡi trên các con thú khác nhau mang ý nghĩa tượng trưng cho công đức và giáo lý Phật giáo

tuong 23

Bộ tượng La Hán, chùa Giác Lâm, TP. Hồ Chí Minh. Hàng dưới là các tượng cũ TK 19,
còn hàng trên là các tượng mới được tạc khắc giữa TK 20

Một hiện tượng thờ tự khác cũng cần phải kể đến trong các ngôi chùa Nam Bộ đó là việc thờ tự ngoài trời. Các lầu Quan Âm đứng được xây lộ thiên, phía trong có tượng Bạch Y Quan Âm dựng ngay sân chùa. Tượng Thích Ca thiền định thường được xây dựng dưới gốc cây bồ đề trong sân chùa. Nếu tượng này được đặt trong chính điện sẽ đắp vẽ cây bồ đề phía sau nền tường. Tượng Thích Ca nhập Niết Bàn một số chùa cũng xây đắp ngoài trời. Trong vườn hoặc sân chùa, một số nơi có thêm vườn Lâm Tỳ Ni với tượng Thích Ca đản sinh.

Bên cạnh việc thờ Phật, thì trong các ngôi chùa miền Trung và Nam Bộ, việc thờ Tổ Sư được chú trọng. Các nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng việc thờ tự này vừa có nét giống với lối tiền Phật hậu Thánh ở các ngôi chùa Bắc Bộ, nhưng cũng lại có những điểm khác biệt lớn. Các vị Sư Tổ đây thường là các vị sư đã tu và mất tại chùa. Họ được thờ tự tại đây với vị thế ngay trong chính điện chứ không phải hậu điện hoặc hậu cung như các chùa Bắc. Hình thức thờ tự này thường là thờ tranh, ảnh, ít khi là tượng, bia. Nó cho thấy tính chất mới mẻ trong quan niệm thờ tự.

Như vậy với sự điểm qua về kiến trúc và hệ thống tượng thờ trong các ngôi chùa Việt ở miền Trung và miền Nam, ta thấy rằng từ TK 18 đã có nhiều sự khác biệt mang tính vùng miền. Điều khác biệt này không phải không có những ảnh hưởng ngược lại đối với các ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ. Về mặt kiến trúc, nhiều ngôi chùa được trung tu vào thời Nguyễn đã xây thêm lầu chuông lầu trống ở hai bên hồi của Tam quan, hoặc hậu điện hành lang. Điển hình như chùa Đại Bi (Nam Định) chùa Lâm So (Hoài Đức). Mặc dầu các kiến trúc này được cấy thêm vào ngôi chùa, nhưng rõ ràng nó vẫn rất hòa nhập vào không gian chung. Về mặt tượng thờ, dẫu điện Phật ở miền Bắc đến TK 18 đã rất đông, nhưng không vì thế mà số lượng tượng không tiếp tục gia tăng. Tượng Di Lặc, tượng Thích Ca nhập Niết bàn trở nên phổ biến trong các ngôi chùa miền Bắc sau TK 18. Có thể thấy điển hình như chùa Long Đọi, ngôi chùa cổ thời Lý đã có thêm hai pho tượng này vào TK 18 bày trong chính điện. Một số pho tượng Niết bàn này được thêm vào phía sau của hậu điện ngôi chùa. Tượng Niết bàn trong các ngôi chùa miền Bắc thường có kích thước khá nhỏ bé để phù hợp với điện Phật rất đông đảo. Ngoài ra, việc xuất hiện các tượng Quan Âm cam lồ phía ngoài không gian chùa cổ cũng là một hiện tượng trở nên phổ biến từ giữa TK 20 đến nay. Các kiến trúc lầu Quan Âm và các pho tượng Bạch Y bằng xi măng hoặc composite đã thổi vào không gian chùa cổ Bắc Bộ một hơi thở hiện đại, đôi khi là sự phá vỡ đi không gian trầm mặc từ ngàn đời.

tuong 24

Bàn thờ Tổ, Hậu điện chùa Giác Lâm, TP. Hồ Chí Minh

tuong 25

Chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho, Tiền Giang

>>> Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

>>> Tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc và tạo hình tượng Phật

>>> Nghệ thuật tạo tượng Phật Việt Nam

0976984729