Cách phác họa và vẽ
Phác họa và vẽ là hai khái niệm khác nhau. Phác họa là quá trình tiếp diễn. Bạn có thể phác họa để quan sát đối tượng hoặc để trả lời những câu hỏi liên quan đến bức tranh mà bạn đang cố hoàn thành. Phác họa giúp bạn nắm bắt độ sáng tối của đối tượng, hoặc hiểu rõ hơn về cấu trúc, tỷ lệ và bố cục của các thành phần tạo nên đối tượng. Bản phác họa có thể được hoàn thiện để trở thành một bản vẽ hoàn chỉnh. Ngược lại, vẽ là một hành động bắt đầu bằng ý định tạo ra một tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh.
Theo như định nghĩa trên, một bản vẽ có thể bắt đầu bằng một bản phác họa nhưng một bản phác họa có thể được bắt đầu mà không cần người vẽ phải có ý định biến nó thành một tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh. Là người mới bắt đầu, nếu cứ cố gắng vẽ nhiều hơn phác họa thì bạn có thể vô tình đặt quá nhiều áp lực lên bản thân. Hãy thả lỏng và tận hưởng việc học hỏi bốn kỹ thuật khác nhau của phác họa và vẽ: phác họa đường theo cấu trúc, phác họa độ sáng tối, phác họa đen trắng và phác họa đường viền.
1. Phác họa theo cấu trúc:
Phác họa theo cấu trúc là phác họa những đường nét căn bản dựa trên độ sáng tối và các chi tiết của đối tượng. Đây là cách tuyệt vời giúp bạn quan sát đối tượng và được dùng làm cơ sở để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh. Phác họa theo cấu trúc còn là một bước khởi động rất hữu ích trước khi vẽ.
Tập trung vào cấu trúc căn bản: Phác họa theo cấu trúc giúp bạn quan sát và nắm rõ cấu trúc căn bản của đối tượng. Ở đây, bạn sẽ tập trung vào bố cục và tỷ lệ các thành phần thay vì ánh sáng hay bóng đổ.
* Ví dụ: Phác họa theo cấu trúc của một cốc cà phê: Phác họa theo cấu trúc giúp bạn thấy được bố cục của đối tượng. Hãy tìm những hình dạng căn bản như hình vuông, hình tam giác, hình tròn và tự hỏi những hình dạng ấy liên quan với nhau như thế nào trong cấu trúc của đối tượng. Trước khi cầm bút lên phác họa cốc cà phê, bạn hãy dành một chút để tìm hiểu đối tượng của mình.
Phác họa các cấu trúc và hình dạng căn bản: Sử dụng bút chì 4H để phác họa hình dạng bên ngoài và những đường kẻ định dạng cấu trúc chiếc cốc, ví dụ như những đường kẻ chỉ rõ bố cục của miệng cốc, đáy cốc và tay cầm
Đường nét định dạng cấu trúc
Thêm vào những nét phác họa cấu trúc: Phác họa miệng cốc và tay cầm. Sử dụng những đường kẻ định dạng cấu trúc mà bạn đã vẽ trong bước 1 để nương theo đó vẽ thêm những nét mới này.
Vẽ thêm những nét chi tiết và hoàn thiện: Thêm vào các chi tiết như đường viền bên trong miệng cốc và tay cầm. Xóa những đường kẻ định dạng cấu trúc bằng tẩy đất sét.
2. Phác họa độ sáng tối:
Độ sáng tối là cấp độ sáng và tối của các thành phần trong bức tranh. Phác họa độ sáng tối là quan sát đối tượng mà không chú trọng tính chính xác về tỷ lệ hay cấu trúc. Ở đây, bạn chỉ tập trung vào các điêm sáng và tối ở đối tượng của mình. Để phân biệt phác họa theo cấu trúc và phác họa độ sáng tối, người ta thường nhìn đối tượng bằng cách nheo mắt. Cách nhìn này lamf mờ các đường định dạng cấu trúc và khiến cho những điểm sang hoặc tối dễ nhận thấy hơn. Tuy nhiên, để có một bức tranh hoàn chỉnh chú trọng vào độ sáng tối thì việc phác họa theo cấu trúc trước để đảm bảo các thành phần tạo nên đối tượng được đặt ở vị trí phù hợp là vô cùng cần thiết.
Sử dụng các lớp tô bóng để phác họa độ sáng tối: Trước tiên hãy xác định vị trí của những điểm sáng, những điểm sẽ được để trắng. Sau đó nhẹ nhàng tô bóng cho những vị trí còn lại. Tiếp theo tô bóng thêm một lớp nữa cho những điểm có độ sáng tối trung gian. Cuối cùng, tiếp tục tô bóng thêm một lớp cho những vị trí tối nhất.
Sử dụng thước chắn tẩy: Nếu muốn tẩy một khu vực cụ thể nào đó trên bức tranh, bạn hãy sử dụng thước chắn tẩy. Hãy đặt thước chắn tẩy để che đi những vùng không cần tẩy. Nhẹ nhàng tẩy bằng tẩy đất sét. Sử dụng tẩy nhựa vinyl trắng nếu tẩy đất sét không giúp làm sạch sau lần đầu tiên.
* Ví dụ phác họa độ sáng tối của một cốc cà phê: Ở đây, bạn sẽ tập trung vào độ sáng tối thay vì đường nét. Ý tưởng của bài tập này chính là xác định hình dạng thông qua các mảng sáng và mảng tối thay đường nét, do đó bạn hãy sử dụng kỹ thuật tô bóng để tạo hình dạng cho chiếc cốc của mình. Nên nhớ, bạn không có ý định chuyển bức phác họa này thành tác phẩm hoàn chỉnh, thế nên hãy thả lỏng và thư giãn.
Phác họa những mảng sáng hơn: Sử dụng bút chì 4B để phân định và tô bóng cho những mảng có độ sáng tối và để trống những mảng sáng nhất. Sử dụng nét bút nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, có thể là nét ngang, nét dọc hay nét xiên, tùy bạn.
Phác họa những mảng có độ sáng tối trung gian: Tiếp tục tô bóng chồng lên cho những mảng có độ sáng tối trung gian, từ đó dần tạo nên hình dạng cho bức phác họa.
Phác họa những mảng tối hơn: Hoàn tất bức phác họa bằng cách tô bóng thêm cho những mảng tối nhất. Sử dụng tẩy đất sét để làm nhạt màu những khu vực mà bạn cảm thấy cần thiết.
3. Phác họa đen trắng (tương phản):
Phác họa đen trắng cũng giống như phác họa độ sáng tối, chỉ khác ở chỗ chúng ta tập trung vào độ tương phản, đen trắng rõ rệt và bỏ qua độ sáng tối hay sắc độ trung gian. Bạn có thể dùng loại bút chì mềm nhất, bút chì 4B, nhưng bút chì làm từ carbon và than gỗ sẽ mang lại hiệu quả cao nhất nhờ vào màu tối thẫm, đậm của chúng. Vốn còn được gọi là phác họa tương phản, dạng phác họa này là một bài tập tuyệt vời giúp bạn hiểu rõ điều gì giúp hình ảnh trở nên dễ nhìn khi chỉ sử dụng độ sáng tối căn bản nhất: trắng và đen.
Không sử dụng đường viền hoặc độ sáng tối trung gian: Không cần biết bạn đang vẽ bộ phận nào của đối tượng, hãy chỉ sử dụng những mảng trắng và đen để xác định bộ phận đó trong một bức phác họa tương phản.
Tránh làm mờ nét chì: Trong khi vẽ, bàn tay của bạn sẽ lướt trên bề mặt giấy và có khả năng làm mờ nét bút chì. Bạn có thể lót một mẩu giấy giữa bàn tay và bề mặt giấy vẽ. Bằng cách này, tay bạn sẽ không tì trực tiếp lên bức tranh nữa.
* Ví dụ phác họa tương phản của một cốc cà phê: Đây không phải là loại cà phê nào đặc biệt nào cả, đây chỉ là một bức phác họa đen – trắng của một cốc cà phê mà thôi! Cách vẽ này giống phác họa độ sáng tối ở cấp độ cao nhất và thấp nhất; không đường viền và cũng không có độ sáng tối trung gian để làm rõ từng đường nét. Hãy sử dụng phương pháp này để thể hiện những mảng sáng và tối rõ ràng nhất của đối tượng.
Nên nhớ, đây chỉ là một bài luyện tập, đừng tự tạo áp lực cho bản thân vì bạn sẽ không có ý định chuyển bức họa này thành tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh.
Bắt đầu với những mảng tối dễ thấy nhất: Dùng bút chì ruột mềm phác họa những mảng tối dễ nhận thấy nhất của đối tượng. Trong trường hợp này thì đó là mảng tối nằm bên trong cốc, gần miệng cốc và chạy dọc xuống thân bên ngoài chiếc cốc. Hãy giữ cho những nét chì của bạn gần nhau để những mảng tối này trông đen hơn.
Bổ sung thêm mảng tối: Tiếp tục bổ sung các mảng tối, sử dụng chúng để xác định hình dạng của đối tượng.
Thêm hậu cảnh: Hoàn tất việc bổ sung các mảng tối để tạo hình hoàn chỉnh cho chiếc cốc. Thêm hậu cảnh và bóng đổ để giúp hình ảnh chiếc cốc trở nên rõ nét hơn.
4. Phác họa đường viền: Dạng phác họa này còn được gọi là phác họa nét vẽ liên tục, vì bạn sẽ chỉ dung một nét duy nhất liên tục để vẽ đường viền và xác định các mảng sáng tối. Đừng quá đặt nặng tính chính xác. Đây chỉ là một bài tập thú vị để thư giãn trước khi vẽ và nó sẽ giúp rèn luyện kỹ năng quan sát của bạn. Bạn có thể tự đặt thêm thử thách lớn hơn cho mình bằng cách không nhìn vào giấy trong lúc phác họa, nhằm cho phép bàn tay bạn tự do phóng tác, dự đoán diễn tiến của nét bút trên giấy vẽ. Quá trình này được gọi là phác họa đường viền không nhìn.
Phác họa nét vẽ liên tục: Sau khi bắt đầu đặt bút xuống và di chuyển, bạn đừng nhấc bút lên cho đến khi hoàn tất bức phác họa.
Phác họa đường viền không nhìn: Bức phác họa này được thực hiện bằng cách vừa quan sát đối tượng vừa vẽ mà không cần nhìn vào giấy vẽ. Chặn tầm nhìn của bạn với giấy vẽ bằng một tấm bìa cho đến khi hoàn thành bưc phác họa.
Phác họa đường viền không nhìn giúp bạn hiểu rõ đối tượng: Vì không đặt nặng tính chính xác nên bạn cứ thoải mái khi bức phác họa có vẻ nguệch ngoạc, khó nhận ra. Nhưng cách luyện tập thú vị này sẽ giúp bạn thực sự hiểu rõ những đường nét của đối tượng mình đang vẽ.
* Ví dụ phác họa đường viền của một cốc cà phê: Hãy đặt bút xuống giấy vẽ và không nhấc lên cho đến khi bức phác họa hoàn tất. Chú ý vào đường nét và hình dáng. Phác họa đường viền giúp xác định hình dáng đối tượng và phần bóng đổ xung quanh. Đây thực sự là một bài tập giúp hiện thực hóa kỹ năng quan sát của bạn.
Bắt đầu di chuyển bút chì: Đặt bút chì HB lên giấy vẽ và bắt đầu di chuyển, lần theo các đường viền của đối tượng mà không nhấc bút chì lên khỏi bề mặt giấy.
Tiếp tục di chuyển bút chì: Tiếp tục di chuyển bút chì để tạo nên hình ảnh phác họa chỉ bằng một nét bút.
Hoàn tất: Tiếp tục di chuyển bút cho đến khi bức phác họa hoàn thành.
5. Kết hợp các phương pháp:
Chúng ta đã tìm hiểu 4 phương pháp phác họa khác nhau. Nếu đã thử phác họa độ sáng tối, đen trắng và đường viền thì bạn có thể đang nghĩ rằng tác phẩm mỹ thuật của mình thật chẳng giống với những gì mình trông đợi. Tuy nhiên, đừng vội nản lòng và cũng đừng vội bỏ cuộc. Bạn thực chất đã phát triển kỹ năng quan sát của mình rồi đấy.
Bạn có thể kết hợp một số phương pháp khác nhau để có được một tác phẩm gần hoàn chỉnh hơn. Ví dụ, hãy bắt đầu bằng việc phác họa theo cấu trúc, sau đó thêm vào độ sáng tối. Trong giai đoạn phác họa theo cấu trúc, bạn hãy định dạng những hình khối cơ bản và tỷ lệ từng bộ phận của đối tượng, từ đó bạn có thể tự tin về bố cục trước khi thêm vào độ sáng tối.
Kết hợp các phương pháp để có một bức tranh hoàn chỉnh: Phác họa theo cấu trúc và bố cục các thành phần của đối tượng (bao gồm việc tính toán các tỷ lệ). Sau đó thêm vào các thay đổi về độ sáng tối, tương phản để xác định hình dáng và bóng đổ.
Bảng hắt sáng giúp cho việc kết hợp các phương pháp vẽ trở nên dễ dàng hơn: Phác họa theo cấu trúc đối tượng của mình, sau đó tẩy đi những đường kẻ định dạng cấu trúc và thêm vào những nét chi tiết giúp xác định hình dáng, mảng sáng tối và bóng đổ. Sử dụng bức phác họa này làm cơ sở để phác họa độ sáng tối, đen trắng hay đường viền. Đặt bức phác họa lên trên bảng hắt sáng, sau đó đặt giấy vẽ lên trên bức phác họa. Bật bảng hắt sáng để những đường nét của bức phác họa có thể được nhìn xuyên qua lớp giấy vẽ. Những đường nét này sẽ giúp làm rõ bố cục của đối tượng, thế nên bạn không cần phác họa cấu trúc lên giấy vẽ nữa.
Phác họa theo cấu trúc: Những đường nét này xác định rõ ràng các mảng sáng, mảng tối, vùng bóng đổ và cả cấu trúc của đối tượng. Khi áp dụng thêm các phương pháp vẽ khác, bạn hãy tẩy đi những đường nét không còn cần thiết nữa.
Vẽ đen trắng: kết hợp phác họa theo cấu trúc và bảng hắt sáng. Dùng bảng hắt sáng chiếu sáng bức phác họa theo cấu trúc từ phía sau, tạo nền tảng cho bức tranh vẽ đen trắng này.
Vẽ độ sáng tối: kết hợp phác họa theo cấu trúc và bảng hắt sáng. Dùng bảng hắt sáng chiếu sáng bức phác họa theo cấu trúc từ phía sau, tạo nền tảng cho bức tranh vẽ độ sáng tối này.
Vẽ đường viền: kết hợp phác họa theo cấu trúc và bảng hắt sáng. Dùng bảng hắt sáng chiếu sáng bức phác họa theo cấu trúc từ phía sau, tạo nền tảng cho bức tranh vẽ đường viền này.
>>> Sáng tối đen trắng trong thiết kế tạo hình
>>> Mỹ thuật phác họa đầu tượng thạch cao (Phần 1)