Đặc điểm cấu trúc cơ bản của hình (Phần 1)
Hình 3-1. Leonardo da Vinci. Ký họa giải phẫu học (vai). Mực và than
Sưu tập của Nữ hoàng ElizabethII.
Chúng ta phân chia các hình dạng thành hai dạng đơn giản và rất phổ biến, dựa trên cách thức mở rộng bề mặt của chúng ra không gian. Hãy xét một vài ví dụ trực quan. Pho tượng Nàng thơ (H. 3-2) của Constantin Brancusi và tác phẩm điêu khắc Hình thể đối ngẫu bằng dây kim loại mạ crom (H. 3-3) của Laslo Moholy-Nagy đại diện cho hai thái cực khác nhau trong việc chiếm lĩnh không gian của các bề mặt vật chất cụ thể: một loại có thể gọi là kềnh càng hay có mảng khối, loại kia thì mảnh mai, xương xẩu. Đặc điểm nổi bật của pho tượng Nàng thơ là sự căng nở, nghĩa là diện tích bề mặt của nó có chiều hướng bành trướng rộng ra. Bởi vậy cùng với những vật thể có chung một đặc điểm cơ bản là bề mặt căng nở, chúng ta xếp nó vào loại có hình dạng kiểu mảng khối. (Thuật ngữ “mảng khối” (mass) không nhất thiết ám chỉ tới cái nặng nề hay có trọng lượng mà chủ yếu nói tới cái hình khối do sự mở rộng bề mặt tạo nên. Như ta sẽ thấy sau này, hình khối thuộc loại đó có thể được tạo nên bởi vật chất đặc, chắc hoặc có thể chỉ chứa khoảng rỗng).
Ngược lại, các bề mặt hữu hình của tác phẩm điêu khắc Hình thể đối ngẫu bằng dây kim loại mạ crom không lan ra thành các hình khối. Cho dù chúng duỗi ra rồi tạo thành hình khối cho không gian, bản thân chúng vẫn nhẹ và mảnh - một hình thể hoàn toàn khác với pho tượng của Bracusi. Vì thế, chúng ta xếp nó vào nhóm thứ hai: hình thể kiểu khung xương (Skeletal). Nhóm này có đặc điểm nổi bật là giàu tính đường nét hơn là mảng khối.
Hình 3-2. Constantin Brancusi. Nàng thơ. 1926. Đồng trên bệ đá. Bảo tàng Nghệ thuật Portland, Oregon.
Tuy hình thái của nhiều vật thể có đặc điểm cực kì thuần nhất, tức là hoàn toàn thuộc về loại này hoặc chỉ là loại kia, ví dụ như trường hợp của các tác phẩm dẫn ra ở Hình 3-2 (Nàng thơ của Brancusi không hề có đặc tính khung xương nào) và Hình 3-3 (các bề mặt bằng dây crom của Mohoy-Nagy có rất ít phẩm chất hình khối), song trong thực tế vẫn tồn tại vô số những thứ mang đặc điểm hỗn lai mảng khối - khung xương, nghĩa là có thể bao gồm cả hai khả năng trong cấu trúc của chúng. Thí dụ nếu như quan sát thân hình loài nhện, hay ngay cả cơ thể con người, chúng ta sẽ nhận thấy phần thân mình rõ ràng là mảng khối trong khi đó các cánh tay và chân là những bộ phận có tính chất khung xương nhiều hơn. Ngược lại, ngay cả những chi tiết có tính khung xương nhiều nhất với các bề mặt mỏng manh nhất thì vẫn có hình khối, chẳng hạn như sợi tóc, thế nhưng hầu như chúng ta không hề để ý tới điều đó vì nếu nhìn bề ngoài thì thuộc tính đường nét của chúng nổi trội hơn. Những phạm trù thể chất khung xương hoặc mảng khối nói chung đại diện cho hai thuộc tính của các vật thể có thể nhìn thấy. Do đó, trong khi quan sát sự vật, nếu ta luôn lưu ý tới hai đặc tính này thì con mắt phân tích của chúng ta đối với những hình hài cụ thể sẽ sắc sảo hơn và có tính bình phẩm hơn. Nắm chắc những đặc điểm về hình thể của hai loại cơ bản đó, chúng ta mới vẽ ra được hình ảnh có sức thuyết phục - dù đó là hình ảnh của một vật thể đơn giản hay rất phức tạp trong bố cục mảng khối và/ hoặc khung xương. Khi con mắt ta đối diện với một vật thể có đặc tính hai mặt, trong đó có thể là một trong hai đặc tính - mảng khối hay khung xương - sẽ nổi trội hơn và ngược lại, thì lúc đó ta sẽ quy vật thể đó vào loại hình cấu trúc phù hợp và tiêu biểu, cho dù vẫn tồn tại sự lưỡng nghĩa đôi co về thể chất. Vì thế, khi mô tả một vật thể nào đó là mảng khối hay khung xương, ta cần phải làm sao thể hiện cho được cái phẩm chất mang đặc tính nổi trội hơn (trong hai đăch tính này).
Laslo Moholy-Nagy. Hình thể đối ngẫu bằng dây kim loại mạ crom. 1946. Bảo tàng Solomon R. Guggenheim. New York.
* Những phẩm chất khung xương hoặc đường nét:
Chúng ta sẽ bàn về các hình thể khung xương thông qua một số hình minh họa trực quan. Như đã thấy, các bề mặt có hình khung xương hẳn nhiên là không vạm vỡ bằng mảng khối: Trong không gian, chúng nom khá mỏng manh và chia cắt không gian thành những miền xác định và không xác định rõ rệt bởi đặc tính của mình. Điều này không chỉ xảy ra với trường hợp của các vật thể mảng khối đại diện cho những hình thể đặc, nở rộng; xung quanh mép/ viễn không có những mảng trống có hình dạng cụ thể, ngoại trừ các hốc lỗ và các khoang nằm trong khối tích của chúng. Dù quan sát kĩ một trái dưa hấu thì ta vẫn thấy đó là trái dưa đặc, nặng và trong đầu hiện lên mơ hồ một khoảng không bao quanh hình bầu dục do đường viền của nó tạo ra. Tuy vậy, khi quan sát kĩ một bàn tay với các ngón tay xòe ta sẽ có ấn tượng ngang nhau về các diện của ngón tay và những ô trống hình rẻ quạt nằm xen giữa chúng.
Hình 3-4. Harry Kramer. Tượng bán thân. 1964. Dây kim loại. Bảo tàng Tate, London
Như vậy, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của các hình thể khung xương là bề mặt mỏng manh của chúng không những tạo nên cấu trúc nhờ đặc tính động và mảnh/ nét, mà chúng còn tạo ra một kiểu cấu trúc không gian - một cái nền - mà về mặt tri giác có vai trò bình đẳng với hình vẽ, đồng thời cũng có tác động đáng kể tới người xem không hề thua kém so với hình thể của chính bản thân các nhánh kéo dài ra.
Thí dụ, hãy quan sát H. 3-4 - một tác phẩm điêu khắc bằng dây thép uốn: bề mặt của các sợi thép ở đây nhỏ tới mức các sợi thép có thể được xem như những nét vẽ trong một bức vẽ. Song, nhờ cách xử lí [bằng cấu trúc sợi] này, các “nhánh” vươn vào không gian thật gọn gàng, dứt khoát, dù theo nhiều hướng và có độ linh hoạt khác nhau nhưng tất cả cùng kết hợp để hình thành nên một vật thể kì lạ, đơn nhất, năng động được tạo ra bằng đường nét mang tên “Tượng bán thân”. Nhưng có đúng là tri giác của chúng ta thực sự bị cuốn hút bởi mô hình không gian kiểu ghép mảnh hầu như ngang với những hình khối (của bản thân sợi thép) trôi chảy và đan vào nhau do các bề mặt thật mảnh mai cấu tạo nên hết sức rõ ràng? Chắc chắn bức “Tượng bán thân” của Kramer (H. 3-4) là một hình thể khung xương điển hình nhất; tuy nhiên, sự rõ nét của không gian xác định như thế cũng có thể gán cho Dáng đứng sánh đôi của Henry Moore (H3-5) hay Nghi lễ cho chuyến đi của Theodore Roszak (H.3-6), là các tác phẩm điêu khắc có những bề mặt vạm vỡ hơn nhiều.
Chúng ta có thể nhận thấy cấu tạo bề mặt điển hình của hai nhóm tượng này là hai kiểu khung xương rất khác nhau. Những hình thể có tính chất đường nét trơn tru, hình bán nguyệt và có đường nét viền êm của Moore nằm trong sự tương phản rõ rệt đối với chất thế xù xì, góc cạnh và có đường gờ lớm chớm trong tác phẩm của Roszak. Rõ ràng cách xử lí khác nhau của hai nhà điêu khắc tác động tới cả tính hoạt - tốc độ cùng sự trôi chảy trong vận động của đường nét - và sức mạnh biểu cảm hoặc cảm xúc của các hình thể khung xương. Các nhánh của pho tượng Dáng đững sánh đôi có vẻ trôi đều vào nhau và đan xuyên nhau, mang lại cho tác phẩm đặc tính hữu cơ đáng tin cậy và sự vững vàng; ngoài ra, nếu nói về tác động biểu cảm, những nhịp điệu đường nét của nó còn mang lại bầu không khí thư thái và thanh bình. Mặt khác, những bề mặt thô nhám hơn và có đường gờ không đều trong pho tượng của Roszak dường như di chuyển trong không gian rời rạc hơn- lúc nhanh, lúc chậm - đó là do sự di chuyển liên kết dạng khớp đầy góc cạnh. Vì thế, nói chung hình khối của nó có vẻ kém thăng bằng hơn, kém vững vàng hơn so với tác phẩm của Moore. Mặc dù vậy sức mạnh biểu cảm của nó lại gây ấn tượng, rung động và day dứt hơn, cho thấy một vóc dáng điêu khắc trong cái vẻ chập chờn cùng một bầu không khí bí ẩn đi kèm.
Hình 3-5. Henry Moore. Dáng đứng sánh đôi. 1950. Đồng.
Hình 3-6. Theodore Roszak. Nghi lễ cho chuyến đi. 1953. Thép, niken, đồng. Sưu tập của gia đình Ned L.Pines, New York
Các khả năng thể hiện tính động của những hình thể khung xương có thể thấy rõ nhất trong lối tạo dáng của các mỏm lan can sắt của Victor Horta ở H. 3-7. Phong cách tạo hình này, còn được gọi là Art Nouveau, rất phổ biến tại Châu Âu và Hoa Kì vào cuối thế kỉ mười chín, đã khai thác triệt để khả năng kích thích thị giác của những đường nét uốn lượn và sự trôi chảy của những khoảng trống bổ sung cho chúng đem lại. Sự khoáng hoạt, sum suê và tràn đầy sức sống của những đường cong trong lối tạo hình của Horta cũng được nhắc lại ở H.3-8; nghệ thuật Art Nouveau đã khai thác đầy sáng tạo khả nằng cảm nhận về sự trôi nổi trong đường nét và sự mãnh liệt của những hình khung xương tương ứng.
Hình 3.7. Victor Horta. Cầu thang của khu nhà Solvey, Brussels, 1895-1900. Ảnh chụp với sự đồng ý của Bảo tàng Đức, Munchen.
Hình 3.8. Gerrit Willem Dijsselhof. Trang tiêu đề cuốn “Kunst en Samenleving” 1900. Sưu tập cá nhân, Amsterdam.
Tuy nhiên, không nhất thiết chỉ những hình mang tính cách điệu hóa cao như của Art Nouveau mới là chứng minh tốt cho khả năng làm nổi bật tính động của các hình khối nhờ đường nét hoặc khung xương. Trong bức Tre vẽ bằng mực tự nhiên một cách lạ thường của Li K’an (H.3-9), chúng ta thấy những phẩm chất cấu trúc, không gian và biểu cảm được thể hiện rất hoàn hảo. Nếu quan sát những vật thể có hình khung xương trong tự nhiên và các kiến trúc phỏng sinh học áp dụng nguyên lí khung xương, chúng ta sẽ rút ra được kết luận rằng: chúng có đặc điểm khớp nối không gian rất vứng chắc và sự phối hợp hình và nền của chúng mang lại sức sống đầy biểu cảm.
Các hình từ 3-10 đến 3-13 là một chuỗi ảnh chụp cho thấy những điểm tương đồng thị giác rất rõ giữa cấu trúc khung xương trong tự nhiên và cấu trúc khung xương trong kiến trúc. Bộ cuống của nhánh cây Trinh nữ (H.3-10) tạo thành một chiếc lồng ôm lấy không gian giống như mái vòm có gọng trong công trình kiến trúc. Tương tự, bản vẽ thiết kế cho Đồ án Sternkirche (H.3-11) cũng có bộ khung với đặc điểm đường nét xác định không gian khúc chiết, cho thấy khả năng chịu lực của các nhánh giúp cho công trình có thể bền vững như thế nào. Ở mái vòm hình quạt lộng lẫy trong nhà nguyện của trường King’s College, Cambridge (H.3-12), lối tạo hình đường nét hoặc khung xương có lẽ đã đạt tới mức độ phức tạp cao nhất. Giống như một mạng lưới lớn bằng đá, phong cách kiến trúc với các cột trụ cùng những đường xà hình gân ken dày gây ấn tượng mạnh, song đồng thời cũng tạo ra sự chuyển động nhịp nhàng của không gian. Về mặt cấu trúc, các mạch đá của mạng lưới [xà gồ hình gân] trên mái vòm có khả năng chịu lực rất lớn và do đó tạo nên sự ổn định và độ bền vật lí của công trình.
Hình 3-9. Li K’an. Tre vẽ bằng mực. Mực trên giấy; tranh trục. 1308.
Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins, Kansas City, Missourl, Nelson Fund.
Hình 3-10. Robert Nix. Nhánh Mimosa.
Có thể các cấu trúc cuống, gân, đường - tất cả đều có bề mặt thanh mảnh - có tiềm năng chia cắt không gian sinh động hơn những hình thể kiểu mảng khối. Đó cũng là khả năng biểu cảm và xác định không gian của các hình khung xương. Hãy quan sát bức Sự thăng hoa của tinh thần của David Herschler (H.3-14). Tiếp theo, cố gắng hình dung xem ấn tượng của bạn sẽ ra sao khi các nhánh khung xương trong bản thiết kế Nhà thờ của Niemeyer (H.3-13) thay đổi và kiến trúc lúc này mang những phẩm chất điêu khắc giống như bức Sự thăng hoa của tinh thần?
Hình 3-11. Otto Bartning. Đồ án Sternkirche 1921. Mặt cắt ngang.
Hình 3-12. Nhà nguyện của trường King’s College. 1446-1515. Cambrigd, Anh.
Nguyên lí cấu trúc của những hình thái khung xương kiểu lồng hay khung gọng - nền tảng của bất kì sự mở rộng của lớp vỏ nào vốn bị quy định bởi một cơ cấu khung cứng hoặc “giống như xương” (trong đó mỗi một đường nét thành phần đều chịu ảnh hưởng của các đường nét khác: nhánh tỳ vào nhánh, thanh xà tỳ vào thanh xà) - tạo ra đặc tính cứng kiểu hộp. Chính vì thế, trong bức Sự phơi bày giải phẫu của một con hổ (H.3-15) của George Stubb ta thấy lộ rõ chiếc lồng bằng giẻ xương sườn; xương cốt và cơ bắp của các chi cũng hiểu lộ bên dưới lớp da. Liệu hình vẽ này của Stubb có điểm nào tương đồng với nhà thờ ở H.3-16 không? Bộ khung có hình khung xương của công trình kiến trúc rõ ràng có đặc điểm giống như chiếc lồng giẻ xương sườn của con hổ: cơ cấu khung gọng với những đường gờ cứng cáp có khả năng chịu lực rất tốt, do đó cho phép nâng đỡ các lớp kính (hay bất kì vật liệu nào) được sắp xếp bên trên hay gài vào bên trong.
Hình 3-13. Oscar Niemeyer. Giáo đường Bra
Hình 3-14. David Herschler. Sự thăng hoa của tinh thần. 1972. Thép và Crôm.
Chúng ta đã nhận ra rằng, về cơ bản sức sống biểu cảm của các hình thể khung xương bao gồm hai phần: không gian được định hình hiệu quả cho phép chúng ta cảm nhận được các cung bậc cảm xúc khác nhau, từ yên tĩnh tới gấp gáp và các bề mặt tuyến tính bản thân chúng vươn vào không gian mạnh mẽ, gợi những cấp độ khí vận nhanh chậm khác nhau, do đó cũng làm tăng thêm ấn tượng kịch tính.
Hình 3-15. George Stubb. Phơi bày giải phẫu một con hổ. Chì, bút sắt, màu nước
Hình 3-16. Wallace Harrison. Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão, 1961. Stamford, Connecticut.
Bản thân “đặc tính mỏng manh” tự nó đã hàm chứa tính biểu cảm. Những cụm từ “hốc hác”, “hao gầy” hay “mảnh mai” đều có thể gợi lên trong trí tưởng tượng những cảm xúc nhất định. Khi mô tả ai đó bằng những cụm từ này rất dễ nhen lên cảm giác thương cảm, lo lắng, ái ngại, lẻ loi; với các sự vật cũng vậy, khi được mô tả kèm theo những cụm từ này đều gây ra phản ứng tương tự - dù có thể không mạnh mẽ bằng - khởi nguồn từ dự cảm về tính mong manh, dễ tổn thương, không bền chặt và yếm thế. Khi Alberto Giacometti xử lí hình người trong bức Người đàn ông đang chỉ (H.3-17) giống như những cái que, ông đã giảm thiểu tính vật chất của cơ thể tới mức chỉ còn là những đường nét hình khung xương. Trong lịch sử mĩ thuật, chỉ có vài trường hợp hình thể con người đã được tiết giảm tới độ như vậy. Mặc dù điêu khắc Etruscan từ thế kỉ thứ VII và VI trước công nguyên cũng đã có sự bóp méo tương tự, ví dụ như trong khi xử lí các ý niệm về ma quỷ hay thần linh thay vì thân thể con người, các tác phẩm trông vẫn có vẻ vạm vỡ hơn so với tác phẩm này của Giacometti. Do đó, so với hình thể mảng khối thì hình thể khung xương có khả năng biểu đạt những cảm giác siêu hình tự nhiên hơn. Hãy nhìn kĩ lại bức Nghỉ lễ cho chuyến đi của Roszak ở H.3-6 rồi thử hình dung xem nếu nó đầy đặn hơn, vạm vỡ hơn thì ấn tượng của bạn sẽ thay đổi ra sao.
Hình 3-17. Alberto Giacometti. Người đàn ông đang chỉ, 1947. Đồng. Bảo tàng Tate, London
Trước khi tìm kiếm và tuyển chọn những mẫu vật có hình khung xương để dùng trong Bài tự luyện, bạn nên tự làm quen với một số nét đặc trưng cơ bản của các hình dáng và vật thể được phân loại thành các kiểu mẫu khung xương như sau:
1. Khác những vật thể có mảng khối, vật thể có khung xương bao gồm một hoặc nhiều nhánh mà bề mặt của chúng thanh mảnh và nằm rải rác khi chúng vươn vào trong không gian.
2. Trong trường hợp vật thể có nhiều nhánh, những liên kết có thể bị phân ra thành từng đoạn trong cả một “hệ thống được nối bằng khớp”, hoặc được chia thành nhánh trong một “hệ thống liên tục” chảy tràn tự do.
3. Tính chất đường/ nét của vật thể định ra khoảng trống nó chiếm hữu với các đặc điểm nổi bật do có các nhánh vươn ra. Vì vậy, trong vật thể có hình khung xương, hình thể và không gian có một mối quan hệ bổ sung không thể chối cãi bởi vì có nhận thức được hình tượng mới lĩnh hội được không gian và có nhận biết được không gian mới lĩnh hội được hình tượng.
4. Nhờ vẽ, ta có thể phân tích sơ bộ một vật thể với một cấu trúc khung xương; sử dụng một hệ thống các đường/ nét giống như chụp bằng tia X để thể hiện các tỷ lệ độ dài, hướng và kiểu vận động, cùng các hình thức liên kết của chúng.
5. Trạng thái đều đặn hoàn hảo trong một hình thể khung xương sẽ có xu hướng tạo nên một cấu trúc tĩnh và có vẻ cơ học. Mặt khác, khi các bộ phận đa dạng đến mức đủ để làm lệch sự cân bằng thì sẽ dẫn đến một cấu trúc hữu cơ sinh động, cuốn hút cái nhìn và tâm trí của người quan sát để rồi khơi nguồn cho cảm xúc.
6. Khi ta nhận thức rõ rằng mỗi nhánh riêng biệt hoàn toàn là một bộ phận thuộc tổng thể; không nhận thấy một nhân tố xa lạ trong những vấn đề như nhịp điệu có tỷ lệ, sự vận động định hướng hay những hệ thống liên kết và khi vật thể rõ ràng đã phát triển đúng theo cách đó - thay vì được sắp xếp một cách nhân tạo (phi tự nhiên) từ một loạt các bộ phận - lúc đó ta buộc lòng phải thừa nhận rằng: hình thể có một sự thống nhất về cấu trúc.
>>> Các dạng hình thể không gian (Phần 1)