Lịch sử đồ họa Việt Nam
Đồ họa ấn loát ra đời trong một xã hội phát triển, với nhu cầu phổ biến kiến thức, ít nhất trong giai tầng trí thức, hay một nhóm tri thức nào đó. Sách chép tay, tranh vẽ độc bản, văn tự khắc trên bia đá đương nhiên là những hình thái ban đầu, rất khó lưu hành rộng rãi. Người ta có thể mượn sách nhau chép lại thành nhiều bản. Số lượng không thể nhiều, với sự đòi hỏi thời gian và công sức quá lớn để chép lại một quyển sách. Vả lại mỗi lần chép sách là một lần sai lệch với nguyên bản, cho nên người xưa nói: “tam sao thất bản” là vậy. Văn tự khắc trên bia có thể in, dập lại nhưng lượng từ trên một bia đá không nhiều, cách làm bản vỗ cũng không phổ biến. Ngành in khắc gỗ ra đời đã khắc phục tình trạng trên, dù chưa hẳn là một lối in tiên tiến. Đồ họa ấn loát như vậy đòi hỏi các điều kiện: sự phát triển của nghề giấy, mực, sự hình thành các xưởng, phường in khắc gỗ, người quyên góp tiền và tổ chức công việc. Thực ra cho đến thế kỉ 19, người Việt Nam không biết đến một phương pháp in ấn nào ngoài khắc gỗ. Phạm vi của hoạt động này cũng hẹp. Phục vụ in bản kính Phật và vài tín ngưỡng khác, in sách cho triều đình, in tranh dân gian, và thảng hoặc mới có vài văn sĩ in truyện thơ phú cho mình. Trong bất cứ thời đại nào ngày xưa, sách chép tay chiếm 70% tổng số sách dùng và lưu hành trong nước. Mỗi làng có vài ba ông đồ, dăm chục học trò. Ngay thầy cũng chưa chắc có sách in. Trò lại càng phải chép tay để dễ thuộc mặt chữ Hán. Thơ phú chủ yếu truyền miệng. Sách khoa học gần như không có. Sách thuốc và địa lí gần như là sách bí truyền không cần phổ cập. Văn đàn, thi đàn không hoạt động thường xuyên mà rất lẻ tẻ. Các phường in khắc hoạt động không thường xuyên, cũng không ngang tầm với tổ chức nhà xuất bản hay nhà in bây giờ. Nền văn hiến Việt Nam phát triển xuyên suốt trong những cuộc chiến tranh ngoại xâm và nội chiến liên miên có những đặc thù của nó. Một mảnh giấy bổn chép tay, một ván in gỗ thô mộc còn lại là một cố gắng lớn của sức sống dân tộc từ khói lửa, cũng đủ để ta nhìn nhận về học vẫn và nhu cầu học vấn trong quá khứ như thế nào.
Trong giai đoạn Bắc thuộc từ 111 trước CN đến thế kỉ 10, không tìm được một di vật ấn loát nào, dù chữ Hán được truyền bá bởi Sĩ Nhiếp, đặc biệt trong vùng Luy Lâu (Dâu Keo ngày nay). Các thiền sư Ấn Độ đã đem sang Việt Nam những bản kinh chữ Phạn. Các Thiền sư Trung Hoa đem sang những bản kinh chữ Hán. Sự gặp gỡ Hán văn và Phạn văn tại Luy Lâu khá thú vị, mà dấu tích của hai ngôn ngữ đó còn tồn tại đến ngày nay trong các bản khắc ở các chùa trong vùng Dâu - Keo, Thuận Thành. Nhiều ý kiến cho rằng vùng Dâu là một trung tâm văn hóa lớn thời Bắc thuộc, đặc biệt từ thế kỉ 5, 6. Đây là trung tâm thông thương Bắc - Nam Việt Nam, cũng đồng thời nằm giữa trục Đông - Tây. Thiền sư Trung Hoa khi sang Ấn Độ có thể qua đây học chữ Phạn. Thiền sư Ấn Độ khi sang Trung Hoa có thể qua đây học chứ Hán. Khi Tỳ ni đa lưu chi (Vicitaruci) lập dòng Thiền đầu tiên tại cụm di tích Tứ Pháp ở Dâu năm 580, thì sự hỗn hợp tín ngưỡng bản địa và Phật giáo bắt đầu, cũng như có sự bắt đầu truyền bá quy mô đạo Phật. Dòng thiền Vô Ngôn Thông thế kỉ 9, 10 ở chùa Kiến Sơ, Bắc Ninh rồi dòng Thiền Thảo Đường, thế kỉ 11 ở Thăng Long... chắc chắn làm cho nhu cầu về kinh sách Phật tăng lên ở Đại Việt. “Thiền tuyển tập anh” một bộ sách được soạn từ thế kỉ 13, tái bản vài lần vào thế kỉ 17, 18 xác nhận một Thiền sư tên là Tín Học (? - 190) có nghề gia truyền là in và khắc ván kinh. Ông họ Tô ở quê hương Chu Minh, phủ Thiên Đức, tu ở chùa Quán Đỉnh, núi Không Lộ, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Trong suốt thời Lý (1010 - 1225), Đại Việt sử kí toàn thư nhiều lần nhắc đến việc triều đình cho người sang Trung Quốc thỉnh kinh sách, đón sư tăng sang truyền đạo dựng các kho Đại Hưng, Trùng Hưng và vài chùa khác để chứa kinh. Khánh hạ kinh Phật với sự chứng giám của cao tăng và vua chúa thường được cử hành rất long trọng, sau đó mới đến việc chép ra nhiều bản, hoặc cho in khắc gỗ. Mặc dù sử sách đã xác nhận có nghề in khắc gỗ, nhưng vật chứng không còn, và không có gì đảm bảo rằng trong thời kỳ này in khắc gỗ là một phương tiện rộng rãi. Cũng theo lịch sử năm 1295, khi sứ nhà Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang, vua Trần sai Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo, nhận được (có lẽ từ sự giới thiệu của viên công sứ) bộ kinh Đại Tạng, đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành. Tư liệu này thì đơn giản như vậy, nhưng thực ra kinh Đại Tạng là một bộ kinh lớn gồm 1422 mục, 6010 quyển đóng lại trong 587 tập. Sư tăng triều đại Nguyên ấn loát tại chùa Phổ Minh (Hàng Châu, Trung Quốc) khoảng từ 1278 - 1294. Việt Nam nhận được ngay năm sau và thực hiện ấn loát trong 24 năm 1295 - 1319 với hàng trăm người viết chữ, hàng trăm thợ khắc bản do Pháp Loa (1284 - 1330) và đệ tử là Bão Phác điều hành. Trong quá trình trùng san này Đại Tạng kinh được bỏ đi vài mục không thông dụng, vài trước tác về Phật giáo khác của đời Trần được đưa thêm vào. Bản kinh tiêu biểu trên 5000 quyển với sự hiến máu của Tăng sĩ và cư sĩ được an trí tại chùa Quỳnh Lâm. ( Có lẽ việc hiến máu thể hiện hành vi quyết tâm in kinh Phật chứ không phải dùng máu để in?)
Nghề làm khắc gỗ - Tranh khắc gỗ đầu thế kỷ của H. Oger
Sự phát triển của phái thiền Trúc Lâm tam tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334), đồng thời là ba học giả lớn đã cho phổ cập rất nhiều kinh sách. Trong khi khắc kinh Đại Tạng, các tác phẩm Thiền lâm “Thiết Chủy ngữ lục”, “Trúc Lâm hậu lục”, “Đại hương hải ấn thi tập”, “ Thạch Thất mị ngữ” và “Tăng Già toái sự” của Trần Nhân Tông, và có thể “Khóa hư lục”, “Thiền tông chỉ nam”, “Kim cương Tam muội kinh”, “Lục thì sám hối khóa nghi” của Trần Thái Tông, “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục” của Tuệ Trung Thượng sĩ cũng được san khắc. Từ 1306 - 1308, Trần Nhân Tông nhờ sư Huyền Quang biên tập các sách “Chư phẩm kinh”, “Công văn lập”, “Thích khoa giáo”. Vua rất hài lòng nói rằng “phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”, rồi cho thợ in khắc những sách ấy. Năm 1322 thì Pháp Loa cho in khắc bộ giới “Tứ phần luật” 5000 cuốn phát cho tăng chúng và trong khoảng thời gian nào đó là cuốn “Tam tổ thực lực”. Như vậy sự thịnh đạt của Phật giáo, nghề in khắc thời Trần được hình dung rất phát đạt, hay có thể nói ngược lại chính nhờ nghề thủ công này giáo lí nhà Phật được quảng bá. Những tư liệu trên được Nguyễn Lam khảo cứu trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” (Nxb Văn Hóa- Hà Nội 1984). Còn theo Đại Việt sử kí toàn thư, năm 1299 các sách “Phật giáo pháp sư”, “Đạo tràng tân văn”, “Công văn cách thức”, được in và ban hành trong cả nước. Là một triều đại thượng võ, có tổ chức hoàn chỉnh, nhà Trần đã lãnh đạo dân tộc ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, tất yếu chú ý đến học hành, hành chính, tổ chức các thông tin xã hội ngay trong thời chiến, mà đồ họa ấn loát là phương tiện không thể thiếu được khi cần phổ cập các vấn đề quốc gia. Việc phát hành tiền giấy năm 1396 do Hồ Quý Ly chủ trương có lẽ nhờ cậy không ít đến nghề in khắc gỗ. Tiền này này tên là “Thông bảo hội sao”. Loại 10 đồng vẽ rau rong, 30 đồng vẽ sóng nước, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng, 1 quan vẽ rồng... Tiền càng giá trị hình vẽ càng có vẻ quan trọng. Nhà Hồ mất 1407, tiếp đó là 20 năm hủy diệt văn hóa Việt Nam của nhà Minh. Sách vở bị đốt và đem về Trung Quốc, cùng thợ thủ công. Nghề đồ họa khắc gỗ có lẽ bị tiêu vong, người Việt Nam có lẽ bắt đầu học lại nghề đó từ người Trung Quốc.
HOA NGHIÊM PHÁP HỘI - Tranh khắc gỗ trừu đồ Trung Quốc thời Tống
Chúng ta nói rằng có lẽ bởi đến những năm 1470 Lương Như Học mới truyền xong nghề in khắc gỗ học được từ Trung Quốc, nhưng năm 1435, triều đình hoàn thành ván khắc sách “Tứ thư đại toàn” phục vụ cho khoa cử đương thời. Trong Đại Việt sử kí toàn thư và các phần phả, Thần tích đều nhắc đến Lương Như Học đỗ Tiến sĩ nhà Lê sơ 1442. Năm 1443 ông được cử đi sứ Trung Quốc lần đầu và lần hai vào năm 1459. Sách “Liệt tiên truyện” phần “Chư công nghệ tổ sư” và sách “An Nam chí dị”, Trần Gia Hiếu viết thời Nguyễn có nhắc lần đi sứ lần đầu Lương thấy người Tầu làm nghề in khắc gỗ tinh xảo, muốn học nhưng họ không dạy. Về nước ông xin vua đi sứ lần nữa, nhằm học nghề đó. Vua đồng ý, ông cải trang thành lái buôn, ở trọ gần phường khắc, khoét vách mà nhìn trộm. Học được nghề ông truyền cho hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng ở Hải Dương. Sử sách không nói Lương về nước sau năm nào sau năm 1459. Nhưng có nói 1463 Lương đã có mặt tại Việt Nam trong một lễ viếng tang người bạn. Như vậy thời gian 4 năm từ 1459 - 1463 là hợp lí, cho một việc đi Trung Quốc và học nghề: Chúng tôi ước chừng khoảng những năm 1470 thì nghề in khắc gỗ mới phát triển ở Lục Liễu. Năm sau 1471 thì cương vực về Việt Nam đã tới Phan Rang. Dân hai làng này nổi tiếng khắp đất nước đến nay. Họ lập nhiều cơ sở in tại Thăng Long. Thực hiện nhiều bộ sách quan trọng cho Triều đình, trong đó có bộ “Đại Việt sử kí toàn thư” . Theo Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi trong nghiên cứu “Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm” cho rằng tuổi nghề của Hồng Liễu là 221 năm (1683 - 1904) gần như dài nhất trong các làng nghề đồ họa ở Việt Nam. Thực ra đây là con số xác định từ niên đại trên sách còn lại. Nếu tính từ 1470 - 1904 thì nghề in khắc gỗ Lục Liễu đã có trên 500 năm tồn tại.
Trên thực tế chỉ xác định được bộ ván in niên đại thế kỉ 15, là bộ “Cao thượng Ngọc Hoàng bản hạnh chân kinh” vốn tại Linh Tiên quán (Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Tây). Bộ ván kinh Đạo giáo này do Nguyễn Tài Cẩn phát hiện, nay lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử. Khi nghiên cứu các chữ kiêng húy, Ngô Đức Thọ cho rằng ván được khắc khoảng những năm 1434 - 1443 (đời vua Lê Thái Tông). Là một triều đại trong Nho học và chế độ khoa cử, chắc chắc, nghề in khắc sách phát đạt từ triều đình đến dân gian. Bằng chứng là năm 1467 nhà nước đã cấp bản in sách Ngũ kinh cho Quốc Tử Giám, nhằm phổ biến các kinh sách quan trọng của Nho giáo cho sĩ tử.
Với đề tựa cuốn Lê bộ Thượng phẩm 3 tập cho lần khắc in tại chùa Vạn Đức (Hội An - Quảng Nam) năm Lê Quang Hưng 21 (1598). Xác nhận rõ Lễ bộ Thượng thư là cuốn kinh Mật tông Phật giáo cổ nhất Việt Nam hiện còn ván in, với niên đại và cơ sở tàng bản tuyệt đối. Tình trạng ván in mối mọt, thất lạc không đủ bộ. Với phong cách chữ viết sắc phong nghiêm cẩn thời Lê, các chúa Nguyễn Đàng Trong vẫn giữ tôn hiệu nhà Lê Đàng Ngoài. Không rõ ai là chủ hưng công và tín thí, cũng như người đề tựa cho đợt khắc lần này. Văn bản Tôn giáo nên không có tình trạng kiêng húy như các văn bản Hán Nôm khác.
Trong suốt thế kỉ 16 và trọng tâm là giai đoạn nhà Mạc (1527 - 1592), chúng ta hầu như không xác định được chứng cứ mộc bản nào ở Bắc Bộ, nhưng nhờ vào sự hiện diện rực rỡ của các ván in thế kỉ 17, để tin rằng nó có cơ sở truyền thống từ thế kỉ trước. Cũng như thấy được sự kế thừa có thể trông thấy được của điêu khắc thế kỉ 17 đối với điêu khắc thế kỉ 16. Toàn bộ nghệ thuật thế kỉ 16 - kiến trúc đình làng cùng các chạm khắc trang trí, điêu khắc chùa làng, đồ gốm và đồ tế tự cho thấy một đời sống thẩm mĩ rất hồn hậu, thô mạnh và khúc chiết. Điều này có thể thấy trên tranh dân gian Đông Hồ, mà nhiều giả thuyết cho rằng dòng tranh này xuất hiện trong thế kỉ 16 cùng với sự phát triển của làng xã.
Không có gì sai nếu nói tranh dân gian Việt Nam ảnh hưởng tranh Niên họa (dân gian) Trung Quốc. Những đề tài “Thất đồng”, “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa”, “Phú quý”... đều thấy xuất hiện ở Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có thể xét kĩ hơn trong tranh dân gian Hàng Trống. Còn nếu xét kĩ bố cục trong tranh dân gian Đông Hồ thìn thấy khác hẳn. Những tranh “Rước trống” (trung nam bản tráng), “Đánh vật” rất gần gũi về bố cục với chạm khắc gỗ đình làng thế kỉ 16, đến mức như ta bóc hình từ khối ba chiều đưa lên mặt phẳng hai chiều. Do đó mà càng khẳng định khởi nguồn thế kỉ 16 của dòng tranh Đông Hồ. Từ Đông Hồ đi Hồng Lục, Liễu Chàng không xa lắm. Nhiều trung tâm Phật giáo vùng Thuận Thành còn lưu giữ nhiều ván khắc do thợ Hồng Lục, Liễu Chàng thực hiện. Đông Hồ cũng không xa vùng đó không thể không có những liên hệ qua lại. Nhà thơ thế kỉ 15, Hoàng Sỹ Vịnh cũng đã có đề cập đến tranh dân gian trong một bài thơ.
KIM CƯƠNG KINH
Bản in khắc gỗ chùa Vạn Đức và chùa Phước Lâm (Vạn Đức tự, Phước Lâm tự - Hội An - Quảng Nam).
Kinh xếp, không rõ số trang và người hưng công hội chủ. Ván in hiện lưu tại chùa nêu trên. Bản in lại năm 1998.
Bia đình làng Đông Hồ có tên là “Đô Hồ tự bi” năm 1680, với hình khắc đôi chuột giã gạo, rất giống hình trong tranh “Đám cưới chuột”, gia phả dòng họ Nguyễn Đăng ở Đông Hồ đã ghi được chừng 300 năm, phần nào khẳng định cái nguồn gốc trước thế kỉ 17 của Đông Hồ. Làng này cách Hà Nội chừng 40km, xưa gọi là Đông Mại (hay Mái) thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc, nay thuộc Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ở đây đồng ruộng ít. Dân có hai nghề: làm tranh dân gian và hàng mã, còn làm ruộng chỉ có tính chất “nghiệp dư”. Sự chuyên môn hóa cao, dẫn đến những quy phạm về mặt nghề nghiệp và hàng năm vào tháng trước tết, các thuyền buôn tranh theo sông Đường vào Đông Hồ lấy tranh đi bán toàn quốc.
Hết tết vụ tranh lắng xuống, người Đông Hồ quay ra làm vàng mã, trổ trang kim. Ý thức về tạo hình thấm vào máu người làm tranh, phần lớn trong họ đều có ý thức thẩm mĩ về hình, có tay nghề đục khắc và có khả năng vẽ mẫu. Nét đen to, mầu tươi trên giấy điệp trở thành một thông điệp thẩm mĩ quen thuộc đối với người Việt thuở xưa khi chơi tranh dân gian. Cũng như nhiều làng nghề khác, dòng tranh này suy thoái trong thế kỉ 19. Sau 1945, đăc biệt sau 1954 hai anh em nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm, Nguyễn Đăng Sần có tham gia sáng tác khắc gỗ hiện đại và phục chế bản khắc Đông Hồ. Các ván in cổ Đông Hồ hiện có tuổi khoảng 200 năm, trong sưu tập của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Nếu như ở Bắc Bộ hầu như chưa tìm được các cơ sở ấn loát có niên đại thế kỉ 16, thì tại chùa Vạn Đức (Hội An, Quảng Nam) còn bộ ván khắc Phật giáo Lễ bộ thượng phẩm Quang Hưng 21 (1598). Mặc dù các ván in đều thất lạc không đầy đủ, nhưng còn xác định được vài bộ khác như “Thái thượng tam nguyên tam quan kinh”, “Kim cương kinh”, “Huyết bồn sám”... có niên đại thế kỉ 17. Có lẽ những người di cư từ Bắc vào Nam, theo chân chúa Nguyễn đã đem theo những ván khắc kinh này. Lịch sử Phật giáo cho biết, các chúa Nguyễn rất hâm mộ đạo Phật và đã cho xây nhiều chùa ở miền Nam.
Có thể phần nào đó từ Bắc, phần còn lại được khắc tại miền Nam. Sự thất bại của triều đại nhà Minh trước nhà Mãn Thanh vào năm 1644 đã tạo ra một cuộc di tản lớn của người Trung Hoa ra hải ngoại. Người Hoa di tản xuống Việt Nam và định cư ở Hà Nội, Phố Hiến, Hội An, Gia Định,.. Lối chơi tranh Niên họa của Hoa kiều phần nào có ảnh hưởng đến người Việt và dòng tranh Hàng Trống ở Thăng Long. Dù hoàn toàn không phải là không có người Trung Quốc thì người Việt Nam không biết chơi tranh dân gian. Phương pháp in nét tô màu thẩm mĩ thị dân của tranh Niên họa ảnh hưởng trục tiếp đến tranh Hàng Trống, một dòng tranh nằm ngay trong lòng các phường in khắc gỗ danh tiếng từ Hồng Lục, Liễu Chàng lên Kinh kì.
Mặc dù trong thế kỉ 17, nội chiến Trịnh - Nguyễn diễn ra liên miên, nhưng chiến trường chủ yếu diễn ra ở vùng sông Gianh, các làng xã Bắc Bộ và kinh kì Thăng Long hầu như không dính chút gươm đao. Thăng Long có điều kiện phát triển thành một đô thị sầm uất. Các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt...(thuộc tổng Tiên Túc sau đổi thành Thuận Mĩ) và vài phố lân cận khác trở thành nơi kinh doanh của phường in khắc gỗ và sản xuất đồ tế tự. Tiếng đục đẽo, khắc gỗ râm ran cả một vùng. Giấy thủ công, cờ phướn trưng bày đỏ ối. Thợ in, thợ tô màu ngồi la liệt. Qua những tranh Hàng Trống còn lại có thể xác định vài hiệu in tranh như: Thanh An hiệu, Vĩnh Lợi hiệu, Phúc Bình hiệu. Những hiệu in khắc tranh dân gian, nằm lọt thỏm trong các hiệu in khắc sách. Những hiệu, đường này còn hoạt động kéo dài suốt ba thế kỉ 18, 19 và đầu 20. Vẻ vang như vậy, nhưng đến nay dòng tranh Hàng Trống chỉ còn một họa sĩ Lê Đình Nghiên, là con cháu của nghệ nhân Lê Đình Liệu, hiện còn giữ khoảng 50 ván in Hàng Trống, cổ nhất có tuổi chừng 200 năm.
Sự Phục hưng Phật giáo Đàng ngoài, dẫn đến việc cất trùng tu nhiều ngôi chùa lớn đồng thời là nơi in khắc Kinh trong đó có chùa Phật Tích và Bút Tháp. Từ khoảng 1633 - 1643, thiền sư Trung Hoa Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành được vua chúa rất hâm mộ đã biến chùa Phật Tích thành một trung tâm ấn loát Phật giáo lớn. Ngoài số kinh ông mang theo, khoảng những năm 1640 ông cử Minh Hành về Trung Hoa thỉnh thêm một số kinh, theo yêu cầu của chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657). Sau 1643, Chuyết Chuyết và tiếp đó là Minh Hành chuyển sang Bút Tháp, nơi này cũng trở thành trung tâm in khắc kinh lớn. Tất nhiên trước đó phải kể đến hoàng hậu xuất gia Trịnh Thị Ngọc Trúc người đã soạn từ điển Hán - Nôm “ Chỉ Nam ngọc âm”, rất chú trọng đến việc in sách vở. Ngày nay hầu như không còn tìm thấy ván in kinh phật nào ở Phật tích, chỉ có cuốn “Thủy lục chư khoa” do Chuyết Chuyết đem sang từ lần đầu, một kinh sách cúng cô hồn trên cạn dưới nước hiện còn lưu tại nhiều chùa Bắc Bộ được trùng khắc sau thế kỉ 17. Ở Bút Tháp cuốn “A di đà kinh”do Minh Hành trùng khắc hiện chỉ còn lại vài tờ. Nhiều ván in Bút tháp, lẻ tẻ không đủ bộ, một phần thuộc thế kỉ 17, một phần thuộc thế kỉ 18, riêng bộ ván in Lục thù, Hải hội được trùng khắc lại năm 1923, theo mẫu của thế kỉ 18. Dẫu còn ít và không hoàn chỉnh, những bản khắc Bút tháp vẫn tuyệt vời, không có bất cứ ván in nào trong nước sánh kịp về độ tinh tế của nét và phẩm chất nghệ thuật rất giản dị mà sang trọng. Một người khác, Thiền sư Chân Nguyên (1646 - 1726) cũng thuộc phái Chuyết Chuyết, gây dựng một trung tâm ấn loát kinh Phật tại chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Bộ “Thánh đăng lục” được ông hiệu đính và trùng khắc , có thể cuối thế kỉ 17. Hàng loạt học trò của Chân Nguyên đã trùng khắc nhiều kinh sách thời Trần trong thế kỉ 18 sau này. Qua các thư tịch chân bản để lại ít nhất xác định hai trung tâm in khắc lớn, là phường Hồng Liễu (Hải Hưng) từ 1663 - 1904 và Chùa Đa Bảo (Hà Đông) từ 1665 - 1881. Đến năm 1697, thợ Hồng Liễu đã in khắc cho triều định bộ “Đại Việt sử kí toàn thư” Bộ này do Thượng thư bộ hình Lê Hy soạn gồm một quyển thủ và 24 quyển chia làm ngoại kỉ và bản kỉ, chép lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến năm Đức Nguyên 2 (1675). Bọn Cao Đăng Triều, Đỗ Công Liên viết chữ mẫu. Tất nhiên sách cho vua phải đạt chất lượng hoàn hảo, nó không chỉ chân xác niên đại lịch sử mà cả trình độ nghề đồ họa cổ thế kỉ 17 này. Không nghi ngờ gì về sự phát đạt của nghệ thuật đồ họa thế kỉ 17, tất nhiên không chỉ giới hạn ở việc ấn loát khắc gỗ tranh và sách. Những quyển sách bằng đồng (đồng sách), bạc (ngân sách) và vàng (kim sách) với những dòng chữ dập nổi hoặc khắc chìm thực sự là một loại đồ họa sách đặc biệt, thường do vua ban tặng cho quần thần đức cao vọng trọng, hoặc các đền chùa làm thần tích, thần phả dâng lên đấng tối cao. Các loại bằng sắc phong thần được in rồng phượng trên giấy vàng hoặc xanh rất dầy và đẹp với nhiều hoa văn ấn họa, sau đó các dòng chữ Hán được viết rất nắn nót bằng tay. Đồ họa làm thiết kế đồ ứng dụng cũng rất phát đạt, mà chúng ta có thể thấy qua các đồ dùng còn lại, mặc dầu không tìm được một bản thiết kế nào. Thế kỉ 18, thực sự là thời kì hưng thịnh của đồ họa sách và tranh. Hai dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống đạt được mức độ kinh doanh và ấn loát tốt nhất. Cuối thế kỉ xuất hiện dòng tranh dân gian mới Kim Hoàng.
ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ
Tham tụng Hình bộ thượng thư trí Trung Thư Giám Lê Hy soạn cho lần khắc in niên hiệu Lê Chính Hòa 18 (1697). Sách gồm quyển thủ và 24 quyển chia làm Ngoại kỷ (5q). Bản kỷ (19q) 1 tựa, 1 sách, 1 phàm lệ, 1 mục lục, 1 tổng luận. Bọn Cao Đăng Triều, Đỗ Công Liêm... viết chữ. Thợ xã Hồng Liễu (Gia Lộc - Hải Dương) khắc ván. Sách chép lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm Đức Nguyên 2 (1675) Bản Nội các Quan bản ký hiệu PD. 2310 (l) lưu tại thư viện Hội Á Châu (Societe asiatique) Bà C. Rageau Giám đốc Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ (EFEO) tặng bộ vi phim (microfilm) bản Nội các Quan bán cho Việt Nam năm 1985.
Và chúng ta cũng xác định được nhiều chân bản thư tịch, tranh khắc gỗ, các họa giả có công trong ấn loát đồ họa của thế kỉ này. Năm 1705, Thiền sư Chân Nguyên trùng san một trước tác thời Trần “Thánh Đăng lục” ông có trong tay chân bản năm 1550. Cuốn sách này, 1780, Sư Tính Lương cho in lại lần nữa. Hai học trò của Chân Nguyên tiếp tục trùng san nhiều kinh sách thời Trần. 1715 sư Như Trí trùng san “Thuyền uyển tập anh ngữ lục” một tập sách chữ quan trọng để viết nên lịch sử Phật giáo. 1734 dưới sự bảo trợ của vua Lê Thuần Tông (1732 - 1735), sư Như Sơn trùng san cuốn “ Kế đăng lục” (tên đầy đủ: “Ngự chế Thiền uyển thống yếu kế đăng lục”) tại chùa Hồng Phúc. Cuốn sách soạn theo cuốn “Ngũ đăng hội nguyên” của Tàu. Cũng năm 1734, triều đình in và ban phát “Ngũ kinh đại toàn” cho chế độ khoa cử và những nhà Nho.
Những tư liệu trên được khảo cứu từ sử liệu chắc chắn ít hơn thực tế. Trong tay chúng tôi còn có những tư liệu khác thuộc thế kỉ này, được trích đăng trong cuốn sách là những đồ hình: a. “Kinh tùy cầu”, ván in tại chùa Đông Bộ đầu (Quan Thánh tự, Thường Tín, Hà Tây) do một vị sư chùa Sùng Kính in khắc. Các ván in đã thất lạc gần hết. Trong sách trích đăng bức tranh Phật đứng trong một đầm sen rất thú vị. b. “Tây Phương công cứ” một bộ kinh giảng về cõi Tây Phương cực lạc và phương pháp niệm Phật vãng sinh của Tịnh độ tông. Ván in kinh được in khắc vào cuối thế kỉ 18 hiện lưu tại chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự, Việt Yên, Hà Bắc), có rất nhiều đồ hình khắc rất cương hoạch, tinh tế. c. “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh”. Bộ kinh này giảng dạy về ân nghĩa của cha mẹ khi sinh thành với con cái, được khắc vào cuối thế kỉ 17 đầu 18, Do Tuyên Quận công Trịnh Quán hưng công, dầy 91 trang, 19 đồ hình, với lối khắc rất dân giã, kèm theo lối thơ Nôm và Hán. Sách hiện lưu lạc sang Pháp in trong sách là tài liệu phô tô.
Một loại cuốn sách khác có nhiều tranh minh họa có niên đại cụ thể: 1724 cuốn “Pháp giới an lập đồ” với 15 hình vẽ. Sách này được in khắc lại năm 1882. 1726 cuốn “Tứ thập bát nguyện kinh”, hai đồ hình. 1730 cuốn “Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh” hiện sách chỉ còn vài văn in lưu tại Viện Hán Nôm. 1732 cuốn “Kinh Nhật tụng”, cũng chỉ còn vài ván in lưu tại Viện Hán Nôm. 1774 cuốn “Từ bi đạo tràng huyết bồn sám pháp”, tàng bản vốn ở chùa Càn Đà, nhưng sách lưu lại thư viện chùa Quán Sứ. Cuối thế kỉ là cuốn “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, 1796, của Ngô Thì Nhậm, tựa do Phan Huy Ích viết, với 4 đồ hình. Người khắc là Sử Bảo phường Hồng Liễu. Cuối thế kỉ này phải kể đến một học giả lớn là Bùi Huy Bích (1744 - 1818). Ông đỗ tiến sĩ 1769 lúc 25 tuổi, làm quan đến chức Tham tụng, gần như là tể tướng. Trong thời mạt vận của vua Lê, sự nghiệp chính trị của ông rất xoàng, nhưng có công soạn rất nhiều và in ấn rất nhiều sách văn học, kinh điển. Ví dụ bộ “Âm chất văn chú”, “Ngũ kinh tiết yếu”. Mặc dù là một thời đại loạn lạc, binh hỏa liên miên, nhưng sự học hành, truyền bá kiến thức bằng đồ họa thế kỉ 18 rất rộng khắp. Đây cũng là thời xuất hiện nhiều tác giả kiệt xuất của Việt Nam.
Như trên đã nói mặc dù nội chiến và ngoại xâm liên miên suốt thế kỉ 18, nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng đến sự phát triển của đồ họa, thậm chí chưa bao giò làm người ta thấy sự ấn loát ngày càng phổ biến từ thế kỉ 18 qua thế kỉ 19. Cũng có thể tư liệu của giai đoạn này gần với chúng ta hơn, nên bảo tồn được nhiều hơn. Dòng tranh dân gian mới Kim Hoàng (Hà Đông, Hà Tây) được hình thành vào nửa sau thế kỉ 18. Dân làng này mới di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ để cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định, tranh Hàng Trống đủ cho Hà Nội và không thích ứng lắm với nông dân về cả thẩm mĩ lẫn túi tiền, họ quyết định tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả hai kĩ thuật Đông Hồ và Hàng Trống. Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi đầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh. Từ rằm tháng 11 âm lịch, làng bắt đầu làm tranh. Đầu tiên cúng tổ nghề. Ván in do trưởng phường có tài vẽ giao cho dân làng in, in xong lại nộp lại cho trưởng phường. Năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi nhiều ván in. Sau đó là mất mùa đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì tan rã hẳn. Hiện chỉ còn vài tranh “Đức lưu quang”, “Phúc mãn đường”, tranh “Gà”, “Lợn” (hai tranh sau này còn ván in lưu giữ tại Bảo tàng Mĩ thuật). Và một số tranh khác in trong tài liệu của người Pháp. Sự suy thoái của Kim Hoàng, cũng nằm trong sự suy thoái của chung quy mọi dòng đồ họa trước 1945.
BẢN IN CHÙA BÀ ĐÁ. Đầu thế kỷ XX
Khi nhà Nguyễn lên ngôi 1802, đất nước tạm yên bình trong nửa đầu thế kỉ với bản đồ tương tự như ngày nay và với số dân chừng 20 triệu người vào thời Phan Bội Châu. Trong nửa đầu thế kỉ này ấn loát khắc gỗ còn đóng vai trò quan trọng, trước khi nó bị các kĩ thuật in mới từ phương Tây đưa sang trong nửa sau thế kỉ. Sách Phật giáo, Đạo giáo phổ biến rộng khắp toàn quốc do các chùa quán tổ chức. Sách khoa học xã hội và tự nhiên do tư nhân thức thời tự làm. Sách của triều đình cũng được làm nhiều một cách quy mô. 1884, Quốc sử quán triều Nguyễn in xong bộ “Khâm định Đại Việt thông giám cương mục”, gồm 52 quyển. Các đầu mục sách quan trọng có hình minh họa chúng ta có thể xem trong bảy kê. Song quan trọng hơn là sự xuất hiện của một đội ngũ học giả, tổ chức biên soạn và in sách.
Trước tiên phải kể đến Hòa thượng Phúc Điền. Trước ông trụ trì ở chùa Bồ sơn Đại giác, sau về chùa Liên Phái ở Bạch Mai, Hà Nội. Ông đứng ra biên soạn, hiệu đính, diễn nôm và tổ chức in khắc nhiều bộ kinh có giá trị trong việc chấn hưng Phật giáo thời Nguyễn. Số kinh sách đếm được niên đại ít nhất kéo dài từ 1836 - 1861. Nhưng thời gian sinh và viên tịch của Hòa thượng lại không được biết cụ thể. Là người cộng tác với Nguyến Ánh khoảng năm 1793, Trần Công Hiến (? -1817) được Nguyễn Ánh cử làm quân chính thống hậu đồn, kiêm ngũ đồn hành quân tham sự Khâm sai dưỡng cơ, kiêm trấn thủ tỉnh Hải Dương, sau 1802. Ở Hải Dương, gần trung tâm in khắc Hồng Liễu, ông lập ra Hải học đường làm nơi tàng thư kiêm ấn loát sách. Hoạt động của Hải học đường còn có một số tên tuổi khác như Trần Đạm Trai (1754 - 1833), Nguyễn Lý và Bùi Sĩ Dã. Ngày nay có thể xác định 12 ấn phẩm sách của Hải học đường.
Là danh thần thời Tự Đức, Trương Đăng Quế (1794 - 1865), sinh ở Quãng Ngãi, làm quan tới Đại học sĩ điện Cần Chánh, tước quận công. Ông từng làm chủ khảo thi hội, làm Tổng tài Quốc tử giám, ngoài sáng tác văn học còn tham gia ấn loát nhiều sách Nho học lịch sử. Sinh sau Trương Đăng Quế 5 năm, Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) cũng là danh sĩ thời Tự Đức, văn thơ nức tiếng thơm. Ông từng đỗ á nguyên, làm học sĩ viện Tập hiền, làm án sát ở Hà Tĩnh, Hưng Yên. Năm 1854, ông cáo quan chuyên lo soạn và ấn loát sách tại đền Ngọc Sơn Hà Nội, nơi vẫn còn lưu thủ bút của Siêu. Có tiếng là thần đồng Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) làm quan đến Bố chính Nam Định, rồi Biện lí bộ hộ, từng đi sứ ở Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan. Ông lập ra ty Bình chuẩn giúp đỡ người nghèo, phát triển nghề nhiếp ảnh và in khắc nhiều kinh sách.
BÁC VẬT TÂN BIÊN
Nhà bác học người Anh là Hợp Tín (Hossein) soạn, Trúc đường Phạm Phú Thứ biên tập in năm Tự Đức 30 (1877) ở tỉnh thành Hải Dương.
Trọn bộ 3 tập 250tr, 24x15cm. Sách hiện lưu tại Viện Hán Nôm ký hiệu AC - 4
Nội dung: T1: Nhiệt, nước, ánh sáng, điện, các khí thế T2: Mặt trời, sao chổi, quả đất, kinh vĩ tuyến T3: Các giống cầm thú trên trái đất
Chú thích: Máy xe lửa, Binh hơi, Xe lửa.
Ở Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm là trung tâm in khắc gỗ Phật giáo, thời Nguyễn gắn liền với tên tuổi Vĩnh Nghiêm Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840 - 1936), ông thế danh là Nguyễn Thanh Đàm, người Hà Đông, 10 tuổi xuất gia tại chùa Hòe Nhai, 18 tuổi thì về Vĩnh Nghiêm, 30 tuổi ông đã đi giảng kinh ở nhiều nơi. Năm 1900, sau khi hòa thượng Thanh Tuyền tịch, ông làm tổ kế đăng ở Vĩnh Nghiêm tiếp tục phát triển nơi đây thành trung tâm truyền bá Phật pháp. Ông thường lui tới trường Viễn Đông bác cổ sao chép kinh tạng, rồi cho ấn loát. Cao Xuân Dục (1842 - 1923) là danh sĩ thời Nguyễn, quan đến Thượng thư bộ học, làm tổng tài quốc tử giám. Ông là nhà sử học, địa chi và là nghiên cứu lớn ở Việt Nam, ấn loát nhiều bộ sách. Cuối cùng có kể đến Kiều Oánh Mậu (1854 - 1911) người Sơn Tây, quan tới tri phủ, bị thăng giáng nhiều lần. Năm 1885, được Pháp cử làm đô đốc biện tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, do tham gia Đông kinh Nghĩa thục, tuyên truyền yêu nước, nên sau buộc phải về quê. Ông biên soạn, trước thuật và ấn loát nhiều sách. Các sách mộc bản của ông đều được in hiệu Áng Hiên (Hà Nội).
Từ lúc chính thức Pháp xâm lược Việt Nam 1858 cho tới lúc căn bản thiết lập chính quyền thực dân cuối thế kỉ 19 đến thế kỉ 20, nhiều kĩ nghệ mới từ phương Tây tràn sang phương Đông. Đồ họa không đơn thuần gói gọn trong nghề in khắc gỗ, mà xuất hiện đa dạng với nhịp sống mới ở các tân đô thị. Ấn loát sách bảng chữ con thì chế bản kẽm, in tipo, in lưới áp phích quảng cáo xuất hiện nhiều. Báo chí ra đời phổ biến tin tức cập nhật. Thiết kế thời trang và mẫu mã, đồ ứng dụng, bao bì hàng hóa lần đầu thấy được ở xứ sở nông nghiệp. Các phường in khắc gỗ chạm chung số phận với làng nghề truyền thống bắt đầu đến bờ phá sản và tỏ ra tinh khéo hơn bao giờ hết (nhằm cứu vãn sản xuất). Nhiều hiệu đường in khắc gỗ ở Hàng Trống, Hàng Quạt, Tô Tịch nhận in tranh minh họa cho sách cho các họa sĩ. Xuất hiện nhiều cuốn sách nửa in bằng máy, nửa in bằng thủ công rất đẹp. Ví dụ cuốn “Kiến” với 13 trang in khắc gỗ, do các họa sĩ Nguyễn Gia Trị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân.. minh họa. Cuốn “Giọt lệ thu”của bà Tương Phố in rất đẹp trên giấy hoa tiên. Vài tờ báo còn có in cả chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Đạo Khổng đến ngày mạt vận, thì cả một ngành ấn loát lớn phục vụ nó suốt 1000 năm qua sập tiệm. Trong kho ván in chùa Bà Đá, thấy vài bản in kẽm có tính chất thí nghiệm, chất lượng tốt có lẽ là những bản in kẽm đầu tiên của nước ta.
Vào thập kỉ đầu của những năm 1900 một thanh niên Pháp tên là Herri Joseph Oger (1885 - 1936) sang Việt Nam thực hiện quân địch, đã thuê một số thợ Việt Nam vẽ và in khắc bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” mà chúng ta thường gọi là bộ “Bách khoa thư bằng tranh Việt Nam đầu thế kỉ 20”. Bộ tranh khắc gỗ này gồm 4577 bản, gồm 2529 bức có người, cảnh vật, 1049 bức mặt có phụ nữ, 2048 bức vẽ đồ dùng, dụng cụ sản xuất. Mỗi tác phẩm được khắc gỗ từng bản nhỏ, in trên giấy dó khổ lớn (65x72cm) lưu tại Pháp và Việt Nam trên 4 bức tranh có được tên tuổi của 4 nghệ nhân: Nguyễn Văn Đảng, Nguyễn Văn Giai ở xã Thanh Liễu, tổng Thạch Khôi, huyện Gia Lộc, Hải Dương, Phạm Trọng Hải và Phạm Văn Tiên ở xã Nhân Dục tổng An Tảo, huyện Kim Động, Hưng Yên. Đây là những nghệ nhân dòng dõi phường Thanh Liễu truyền thống mạnh về khắc gỗ mà Oger đã thuê để làm bộ tranh tại đền Vũ Thạch, Hà Nội. Bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” đã tổng kết mọi lĩnh vực vật chất, trong đời sống người Việt trước khi thời phong kiến kết thúc, cũng là biểu hiện của sự cáo chung rực rỡ nghệ thuật đồ họa cổ Việt Nam.
>>> Đồ họa tạo hình
>>> Nghệ thuật tạo hình (Phần 1)