Nhịp điệu của thiết kế bố cục (Phần 2)
4. Các hướng không gian bao quanh tượng đài:
Với tượng đài chỉ cần năm hướng không gian cần quản lý cho thiết kế bố cục, vì hướng còn lại là “dưới”, là mặt đáy tượng áp liền với mặt bục bệ, với mặt đất. Tiếp theo sẽ dẫn chứng một số các tượng đài của Việt Nam và thế giới dù đề tài và hình thức thẩm mỹ rất khác nhau, nhưng các hướng không gian xung quanh là mặc định không đổi. “Nghệ thuật bố cục thị giác” là trình bày về cân bằng những “lực hút thị giác” ở các khoảng trống không gian bao quanh các phía của một tượng vườn hoặc tượng đài ngoài trời.
H7-14. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - cao 12,6m, đúc đồng, nặng hơn 200 tấn. Trên đồi D1 ở Điện Biên – Lai Châu. Tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Hải (1933 – 2012). Ở góc nhìn này thiết kế bố cục với ba chiến sĩ thế chân choãi dưới, chụm trên vững như thế núi. Đáng tiếc là hình khối thể hiện cho cảm thụ mềm nhũn, không cứng cáp.
H7-15. Ở một hướng nhìn khác cho thấy tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có bốn phía không gian đều đầy ắp tín hiệu thị giác của hình khối. Tác phẩm có sự cân bằng thị giác cao.
Xem kỹ và so sánh các tượng đài từ minh họa H7-14 đến minh họa H7-19, dễ dàng thấy ngay bố cục hình khối của tượng đài ở các phương vị của không gian là khá giống nhau. Tất cả đều như kiểu dáng cắm hoa một loại lọ, một loài hoa. Tượng đài nào cũng cố gắng có hình khối chĩa về đủ bốn phương tám hướng. Điều này gây ra cảm giác như chỉ có một tác giả, thậm chí gây cảm giác như chỉ có một số mẫu cố định dùng lắp ghép cho tất cả các nhóm tượng đài. Các dáng chính gồm có nam nữ chiến sỹ cầm cờ, cầm súng, cầm mã tấu, bê vác khí cụ, dang một tay, dang hai tay, vung tay. Vung nắm đấm hai bàn tay và các kiểu như quần áo, tà áo, giày dép, mũ tai bèo, mũ cối… là tùy tình huống cụ thể ở địa phương cụ thể.
H7-16. Tượng đài “Chiến khu Thuận An Hòa”
Một số tượng đài ở hầu hết các thành phố Việt Nam có các thành phố Việt Nam có cùng chung thiết kế bố cục và duy nhất một phong cách “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, đã cho cảm thấy như mấy trăm tượng đài rải rác khắp Việt Nam chỉ có hai ba tác giả. Những tượng đài phong cách khác nhau rất hiếm, đặc biệt là thể loại điêu khắc trừu tượng và điêu khắc thị giác như tượng đài “Mẹ Âu Cơ” hay tượng đài “Nelson Mandela”. Hoặc như các tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, những tượng đài của bà chỉ có thể được xây dựng ở thủ đô Paris, hay nhiều nơi khác ở Pháp mà không được chấp nhận ở quê hương Việt Nam.
H7-17. Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”
Tác giả Tạ Quang Bạo. Cũng lại các đặc điểm cờ, súng, khăn choàng, tà áo và cánh tay vươn cho ra đủ các hướng. Điểm đặc biệt phá cách là phần bục bệ như cái bát ăn cơm khổng lồ để trên nấm đất khổng lồ, gợi cảm giác tâm linh.
Tuy mọi pho tượng đều có phương vị trên, dưới, phải, trái, trước sau đầy đủ nhưng các hình khối cũng chĩa đầy đủ về các hướng như thế nên đã làm liên tưởng tới không gian của nghệ thuật cắm hoa.
H7-18
H7-19
H7-20. Hình tượng trưng cho một bình hoa được nhìn thẳng từ trên xuống. Trong nghệ thuật cắm hoa, khi nhìn từ trên xuống, phải bảo đảm mọi hướng đều có hoa lá vươn tới
H7-21. Tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tác giả Kim Giao. Tượng đài này ở vị trí dựa lưng vào tường của ngôi đình cổ Đình Bà Kiệu. Vì thế, hướng vươn tới của hình khối chỉ còn ba mặt. Tác giả cũng đã để cho mọi phía còn lại đều có hình khối như gươm súng và chân dung canh gác. Riêng phần bục bệ lổn nhổn những khối phụ bao quanh, lộ rõ thẩm mỹ thiếu tự tin vào vẻ đẹp giản dị tinh khiết của hình khối. Tượng đài này có bố cục không gian tương tự như giỏ hoa mây tre đan để sát tường.
H7-22. Cho dù tượng đài ở đâu, nhưng hễ có ba chiến sỹ là phải quay về ba hướng như một hình hoa để giữa bàn, các hoa lá đẹp phải tỏa ra các hướng hay như thế trận phòng thủ tấn công trên mọi hướng của người lính.
H7-23. Một tượng đài làm hoàn toàn từ một bức ảnh của phóng viên chiến trường
H7-24. Chi tiết những bàn tay giữ cán cờ nhìn từ hướng khác
H7-25. Đây là tác phẩm điêu khắc bất hủ nổi tiếng nhất của nhà điêu khắc nữ Vera Ignatyevna. Tượng đài mang ý nghĩa tái hiện hình ảnh và tôn vinh giai cấp công nông … Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, tượng đài Công nông vẫn được đặt tại vị trí cũ.
Không gian điêu khắc và mô phỏng hiện thực như nhau nhưng hiệu quả thẩm mỹ lại khác nhau. Đó là bởi thiết kế bố cục và kỹ năng thể hiện khác nhau. Mặc dù dân tộc Việt Nam có lịch sử truyền thống điêu khắc hoàn toàn không thua kém điêu khắc phương Tây.
H7-26. Hình minh họa sơ đồ lực thị giác cho thấy mọi phía đều có hình khối hướng tới cũng như tượng đài Việt Nam, chỉ khác nhau ở trình độ tạo hình. Đương nhiên nếu tượng đài Việt Nam không dừng ở bước thể hiện thô như hiện có mà đầu tư tạo hình kỹ hơn sẽ đạt đến tầm quốc tế.
H7-27. Tượng đài “Phục Hưng Châu Phi”
Ở độ cao 160 feet, bức tượng này trên một quả đồi ở Dakar của thủ đô của Senegal. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện thực xã hội Liên Xô, được thiết kế bởi Pierre Goudiaby và được xây dựng với chi phí 27 triệu đô la, nó nằm trên một ngọn đồi nhìn ra Đại Tây Dương. Đây là bức tượng cao nhất của Châu Phi. Lại cũng là phong cách hiện thực như tượng đài Việt Nam, chỉ khác kinh phí, tài năng sáng tác và tài năng thể hiện.
H7-28. Tượng Chúa Kito ở Manado Indonesia
Tượng đài “Chúa Kito” tuy vẫn là không gian ba chiều bình thường như các tượng đài Việt Nam, nhưng phong cách hiện thực được thể hiện lại có sự khác biệt rất lớn. Không bị giống nhau như trường hợp tượng đài Việt Nam hàng trăm tượng đài nhưng thẩm mỹ hình khối giống nhau đến mức như chỉ có một hai tác giả. Giống tới mức chỉ như không gian của lọ hoa với các bông hoa luôn tỏa về các hướng.
Cùng trường phái hiện thực, nhưng quan niệm không gian của tượng đài nước ngoài đưa ra làm dẫn chứng để cho thấy không phải tượng đài nào cũng có hình khối chĩa đầy đủ về các hướng.
H7-29. Tượng đài Nelson Rolihlahla Mandela
Tác giả là nghệ sĩ thị giác Nam Phi Marco Cianfanelli sinh năm 1970.
Bức tượng của người tù suốt 27 năm, đã giành chiến thắng vì hòa bình và giải thưởng Nobel đã được dựng lên ở Howick, một thị trấn cách 56 dặm (90km) về phía Nam từ thành phố Durban của đất nước Nam Phi.
H7-30. Tượng đài với hình thức thể hiện hiệu ứng thị giác, tượng trưng cho những song sắt nhà tù đã từng giam cầm vĩ nhân Nelson Mandela suốt 27 năm.
Đây là phương pháp biểu hiện dựa trên hiệu ứng liên tưởng của cảm thụ tâm lý thị giác. Là dạng tượng đài chỉ nhìn thấy ở một số hướng nhìn nhất định, không nhìn được đủ các góc 360 độ như các tượng đài thông thường.
Xong tính thẩm mỹ độc đáo của “nguyên lý thị giác” đã thoát ra khỏi khái niệm thiết kế bố cục trong không gian ba chiều với những mặc định: Trên – Dưới – Phải – Trái – Trước – Sau như không gian ba chiều của bình hoa hay tượng đài thông thường. Hiệu ứng ở đây là ánh sáng và tâm lý liên tưởng của thị giác.
H7-31. Tiểu sử của Mandela được tượng trưng bằng 50 cột thép có kích thước 21,32 và 29,52 feet (6,5 và 9 mét) neo vào mặt đất bê tông.
Thể loại tượng đài này hiện chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Khi tượng đài này nhìn ở hướng khác không thấy hình thù gì của tượng.
5. Những thể loại điêu khắc chưa phổ cập ở xã hội Việt Nam hiện đại (2017)
a. Điêu khắc bán trừu tượng: Điêu khắc bán trừu tượng là thể loại hình khối chỉ tượng trưng cho hình ảnh quen thuộc, nhưng không giống như hiện thực, mặc dù nó vẫn khơi gợi ra được hình ảnh của một hình dạng cụ thể.
H7-32. “Mẹ Âu Cơ” thể loại điêu khắc bán trừu tượng. Tác giả Lê Công Thành (sinh năm 1932).
H7-33. Tượng đài “Cây” ở Saint Martin – d’Hère, Isère (Pháp). 1976. Ảnh tư liệu của Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị / Trees. Stone (in Saint Martin - d’Hère, Isère – France. 1976).
Hai tác phẩm điêu khắc bán trừu tượng đều có thiết kế bố cục chia nhóm. Tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” chia một nhóm là nửa thân trên người phụ nữ và một nhóm là hình khối tượng chân co cao đầu gối. Liên kết hai nhóm là quả trứng ở vị trí giữa lòng người mẹ. Tác phẩm “cây” của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị với hình tượng tượng trưng ba người cũng thiết kế bố cục chia hai nhóm, một nhóm hai người và một nhóm một người. Sự liên kết nhóm được thấy bằng cảm nhận chất liệu thống nhất và những khối mô đun lắp ráp thành ba người.
b. Thể loại điêu khắc trừu tượng:
Điêu khắc trừu tượng là thể loại điêu khắc những hình khối không định hướng gợi ra hình thù cụ thể. Tùy ở người thưởng ngoạn mà cảm thụ và tự tưởng tượng theo ý riêng. Hai tác phẩm điêu khắc trừu tượng của hai tác giả Điềm Phùng Thị và Nguyễn Hồng Hưng chỉ như những hình khối hàm chứa sự sống, mà không cụ thể sự sống đó của loài nào, thực vật hay động vật. Bởi đó là điêu khắc trừu tượng.
H7-34. Tượng đài “Đá” trong khuôn viên trường Jean Moulin ở Saint Nazaire, Loire Atlantique (Pháp). 1975. Ảnh tư liệu của nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị / Rocks.
H7-35. “Không đề”. 75cm x 90cm x 190cm . Chất liệu xi măng – 1988 – Tác giả Nguyễn Hồng Hưng (sinh năm 1952).
Những pho trượng đẹp của Việt Nam:
H7-36. Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt do nghệ nhân tài hoa Trương Thọ Nam tạo tác và hoàn thành vào năm 1656, thời Hậu Lê. Đây là một kiệt tác hàng đầu về nghệ thuật tạc tượng làm nổi bật triết lý nhà Phật và được công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2012.
H7-37. Tượng phật A di đà phục chế theo nguyên mẫu trong chùa Phật Tích, đặt lại Viện Bảo tàng Lịch sử.
H7-38. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn). Bốn ngôi đền đó là: Đền Bạch Mã (trấn giữ phía Đông kinh thành); Đền Voi Phục (trấn giữ phía Tây kinh thành); Đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam kinh thành); Đền Quán Thánh (trấn giữ phía Bắc kinh thành). Đền Quán Thánh nằm bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội.
H7-39. Cột đá chùa Dạm. Chùa dựa vào núi Dạm, nhìn về sông Đuống, là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay với lịch sử gần 1000 năm.
Có thể so sánh và nói rằng các tượng đài hiện đại của phương Tây đẹp và chất lượng cao hơn các tượng đài của Việt Nam hiện tại.
Nhưng khó có tác phẩm nào có thể đẹp át được nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của nhiều thế hệ nghệ sĩ tinh hoa người Việt để lại cho dân tộc Việt Nam.
Tiếc thay tượng đài Việt Nam ngày nay đã không nối tiếp được truyền thống điêu khắc hàng ngàn năm của cha ông tổ tiên. Về nghề nghiệp, các nghệ sĩ hiện đại hoàn toàn làm được đẹp hơn nhiều tất cả những tượng đài “lọ hoa” đang sừng sững khắp nơi.
Chỉ có tâm thế với nghề không còn giữ được như cha ông tổ tiên. Ngày nay tâm thế cộng đồng, đời sống kinh tế không còn như các nghệ sĩ cha ông.
Ngày xưa, nếu may mắn (có phước) được chọn làm tượng cho cộng đồng, cha ông ta đều nguyện trong lòng làm cho thành một báu vật để đời con cháu. Chúng ta thấy được điều đó ở cột chùa Dạm và rất nhiều báu vật khác của dân tộc, nhưng chúng ta không thấy tâm thế đó ở bất kỳ tượng đài chiến thắng nào trên toàn cõi Việt Nam.ư
Các nghệ sĩ con cháu không còn tâm để làm một báu vật cho đời. Rất khó khăn cho nghệ sĩ hiện nay khi đã ý thức về thời cơ, và cơ hội cải thiện kinh tế khi được duyệt trúng một hợp đồng tượng đài.
Trình độ kỹ thuật và tài năng nghệ thuật lớp hậu duệ điêu khắc của các tinh hoa Việt hoàn toàn làm được những tác phẩm nghệ thuật như báu vật để đời, thực sự ở tầm cỡ quốc gia dân tộc như các tiền nhân đã làm, nếu tất cả các khâu tham gia bằng một cái tâm không vội vàng, không bè nhóm, phe phái chớp thời cơ kinh tế.
Sự thực, bạn đọc có thể thấy mọi tượng đài chiến thắng của Việt Nam hiện nay đều được sáng tác và thi công rất vội vàng. Vội vàng phấn khởi vì xem hợp đồng nghệ thuật là một dịp cải thiện đời sống tác giả và nhóm người góp phần tham gia cho tượng đài đó thành hiện thực.
Công trình tượng đài xấu sẽ làm ô nhiễm cả một vùng không gian công cộng, ảnh hưởng thẩm mỹ nhiều thế hệ.
Khá nhiều tượng đài Việt Nam còn ở bước thi công thô. Tình trạng thể hiện ở bước trung gian còn chưa đủ kỹ đã quyết định thi công tỷ lệ 1/1. Kết quả là khi công trình đã khánh thành mà nhìn vẫn giống như còn đang làm và tạm dừng ở bước đó.
>>> Nhịp điệu của thiết kế bố cục (Phần 1)
>>> Thiết kế bố cục bằng lực thị giác (Phần 1)