Nhịp điệu của thiết kế bố cục (Phần 1)
Trong một tác phẩm nghệ thuật thị giác, có nhiều yếu tố được xem xét để đánh giá chất lượng nghệ thuật. Ngoài nội dung đề tài (nếu có), là các yếu tố thuộc về nghề nghiệp như: Thiết kế bố cục, Nhịp điệu, Chất liệu, Kỹ thuật công nghệ, Kỹ thuật tay nghề biểu hiện của tác giả.
Với những tác phẩm nghệ thuật thị giác thông thường thì phần “thiết kế bố cục” tạo ra nhịp điệu. Với những sản phẩm design không gian lớn như sân khấu, hội trường, quảng trường, công viên là sự phối hợp tổng hợp của đạo diễn và ánh sáng, âm thanh và thời gian tạo nên nhịp điệu của nghệ thuật thị giác. Những không gian thị giác như thế phụ thuộc vào tài năng của nhà thiết kế sự kiện và kịch bản đạo diễn nội dung chương trình.
Hai minh họa về nhịp điệu H7-1 và H7-2 là những minh họa ví dụ với bố cục thiết kế không gian hai chiều (2D). Xem những sơ đồ minh họa đó để thấy được nhịp điệu của tác phẩm chính là hành vi nhìn của người xem đã làm hiện lên để nhìn thấy sự dịch chuyển của trường nhìn thị giác khi xem tranh.
Người xem nhìn một tác phẩm theo đường xoắn ốc, theo đường uốn lượn v.v… Đều do thiết kế bố cục các vùng tín hiệu thị giác tạo thành. Có những tác phẩm có nhịp điệu ngẫu hứng, không dẫn dắt theo tuyến hay hình định hình hình học nào cả. Danh họa Tây Ban Nha Joan Miro (1893-1983) là tác giả như thế.
H7-1. Nét uốn lượn màu đỏ là đường đi của tia nhìn, là nhịp điệu của bố cục. Nhịp điệu này hoàn toàn do chủ quản của tác giả khi tạo vùng tín hiệu thị giác. Hai từ nhịp điệu dễ làm liên tưởng tới âm nhạc và sự lặp lại. Cũng là nhịp điệu nhưng với không gian 3D sẽ biểu hiện khác với không gian 2D.
H7-2. Sơ đồ mô phỏng trường nhìn thị giác di chuyển qua từng vùng tín hiệu bắt mắt khi xem tranh.
H7-3. Danh họa Joan Miro đang làm tác phẩm. Xem một góc tranh đang vẽ như thế cũng cho thấy rõ những mảng đen tròn méo đang dẫn dắt thị giác người xem.
H7-4. Ảnh chụp một nửa chiều dài của tác phẩm hoành tráng của Joan Miro bên ngoài Bảo tàng Wilhelm-Hack cho nghệ thuật của thế kỷ 20 và 21 ở Rhineland-Palatinate.
Với loại tranh lớn quá khổ, để nhìn toàn bộ tranh cần có khoảng cách rất xa. Muốn thưởng thức được những thú vị của chi tiết thì người xem phải đến gần và vừa xem vừa di chuyển theo chiều dài của tranh.
H7-5. Joan Miro (1893-1983)
Nhìn ngắm đủ lâu có thể thấy những nét đen mảng đi lên từ cạnh đáy tranh gợi cho cảm thấy như những thân cành cây mọc vươn lên, vươn lên cao nơi trăng sao và hình kỳ lạ như chim, như người bay lượn. Nhìn toàn bộ cho một cảm nhận lễ hội vui sảng khoái.
Vẽ tranh với bất kỳ kích thước nào cũng phải thiết kế bố cục trước khi vẽ. Và khi thiết kế bố cục tự nhiên nhịp điệu hình thành bởi tính chuyển động và ngưng đọng thị giác của tác giả khi làm tác phẩm.
Khi tác phẩm hoàn thành, những chuyển động thị giác của người xem tranh cũng sẽ tạo ra nhịp điệu tương tự. Tất cả đều là nhịp điệu vô hình của hành vi nhìn chỗ này chỗ kia trên tranh. Tác giả chính là người quyết định hành vi nhìn của người thưởng ngoạn tác phẩm.
Trên tác phẩm nghệ thuật thị giác, không chỉ có một loại nhịp điệu vô hình là chuyển động của hành vi nhìn. Mà còn có những hình thể từ lớn đến nhỏ giống nhau hay gần giống nhau, như cùng một gốc sinh ra. Đó là sự lặp lại của hình thể. Sự lặp lại hình thức này cũng chính là nhịp điệu của tác phẩm. Sự lặp lại của hình thức để tạo nên nhịp điệu hình thức này được tính từ những yếu tố cơ bản của design: Điểm, Nét, Mảng, Khối, Màu sắc cho tới mọi ý tưởng tạo hình khác.
1. Nhịp điệu “Thiết kế bố cục” trong không gian 3D:
H7-6. Habitat 67 là tên gọi của khu nhà ở Montreal, Quebec, Canada được thiết kế bởi
kiến trúc sư người Isarel Isheel / Canada Moshe Safdie
Ban đầu nó được hình thành như là luận án thạc sỹ về kiến trúc tại Đại học McGill và sau đó được xây dựng như một gian hàng cho hội chợ triển lãm Expo 67, Hội chợ Thế giới tổ chức từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1967.
Habitat 67 tọa lạc tại Đại lộ 2600 Pierre-Dupuy trên bến Marc-Drowin bên cạnh sông Saint Lawerence. Habitat 67 được coi là một điểm mốc kiến trúc và là một trong những tòa nhà ngoạn mục nhất ở Montreal và Canada.
Năm 2017, Canada Post đã phát hành tem kỷ niệm 50 năm phát triển Expo 67 với hình ảnh của tòa nhà độc nhất trên thế giới này.
H7-7. Nét màu đỏ chỉ ra nhịp điệu vô hình của hành vi nhìn qua sắp xếp các khối vuông. Bản thân các khối vuông khác nhau
được lặp lại ở nhiều góc nhìn cũng là nhịp điệu ba chiều của khối.
Xem hình H7-(6-7), ngôi nhà chung cư được lặp lại liên tục bằng các khối vuông. Tất nhiên với công năng kiến trúc mỗi khối vuông đó là một căn phòng hay căn hộ. Nhưng với cái nhìn của nghệ thuật thị giác đây là nhịp điệu lặp lại của các khối vuông. Và ngoài sự lặp lại bằng hình thức khối vuông còn có nhịp điệu của sắp xếp các khối vuông đó theo một quy luật của kiến trúc sư, tác giả thiết kế công trình.
Những khối vuông này đã được tác giả cho chuyển động theo đường cong lên xuống trong không gian.
H7-8. Ngôi nhà Habitat 67 nhìn từ bờ sông Saint Lawerence
H7-9. Nhịp điệu những khối vuông lặp lại và nhịp điệu của hành vi nhìn được biểu hiện tượng trưng bằng nét màu đỏ
2. Cắm hoa là thiết kế bố cục trong không gian 3D:
Nghệ thuật điêu khắc ngoài trời cũng là thiết kế bố cục trong không gian 3D
Bình, chậu, làn, giỏ hay lọ cắm hoa đều là đồ vật trong không gian ba chiều với đủ sáu phương vị: trên, dưới, phải, trái, trước, sau. Một lọ hoa đẹp cần có bố cục hợp lý cho mọi hướng nhìn 3600. Còn hướng ít thấy là nhìn từ trên xuống như nhìn mặt bằng, nhìn từ trên cao như nhìn từ trần nhà hay từ hướng máy bay nhìn xuống. Hướng đặc biệt là nhìn thấy đáy lọ hoa dành cho những bố cục đặc biệt với lọ hoa treo trên cao. Hướng nhìn từ trên cao xuống tuy rất ít cặp mắt có vị thế nhìn tới, nhưng lại là hướng chủ chốt tạo ra dáng vẻ của lọ hoa. Hướng nhìn từ dưới lên có thể thấy được mặt đáy và thường phải quan tâm kỹ mặt đáy đó là thể loại tượng treo lơ lửng như đèn chùm. Loại trưng bày này không có ở ta.
Những điều đọc thấy có vẻ đơn giản vì nói về cắm hoa, nhưng đều đã được áp dụng cho mọi “thiết kế bố cục” điêu khắc ngoài trời, đặc biệt là tượng đài chiến thắng ở Việt Nam. Có thể nói mỗi tượng đài chiến thắng ở các địa phương Việt Nam đều là những “bình hoa khổng lồ” được nhân cách hóa, mà mỗi tác giả đều không hay biết là họ đang thao tác không gian của nghệ thuật cắm hoa.
Mặt khác, là phải công nhận là khi làm tượng đài chiến thắng ở Việt Nam kể từ sau năm 1975, thì chỉ có loại “không gian lọ hoa” cho tượng đài là dễ hiểu và dễ được duyệt xây dựng nhất. Vì “lọ hoa và tượng ngoài trời cùng hệ không gian 3D cho dù lớn nhỏ và tầm quan trọng khác nhau, nhưng giống nhau là cái đẹp phô diễn tối đa các phương vị trên, dưới, phải, trái, trước, sau của không gian ba chiều ”.
Từ tượng vườn đến tượng đài cũng chỉ là những hình khối được bố cục phối hợp các hướng trên, dưới, phải, trái, trước, sau, với công phu tài nghệ điêu khắc của nghệ sỹ.
H7-10. Hướng nhìn từ trên xuống bố cục tỏa kín các phía
H7-11. Hướng nhìn mặt đứng bố cục bao tâm và qua tâm quay 3600
H7-12. Ba hình này là tượng trưng minh họa cho ý đồ thiết kế bố cục không gian 3D khi nhìn lên mặt bằng, với các ý tưởng khống chế không gian khác nhau. 1- Tỏa ra ba hướng; 2 – Tỏa ra năm hướng; 3 – Tỏa ra 3600 có 3 hướng nhấn trội.
H7-13. Ba hình mặt đứng trên chỉ tượng trưng cho các ý tưởng thiết kế bố cục của một phía mặt đứng. Khi tìm ý tưởng phải bố cục ba mặt đứng với một mặt bằng cho sản phẩm không gian ba chiều.
Hầu hết mọi đồ vật đều có tên gọi mô phỏng cấu trúc người hoặc động vật. Thường chia ba phần Đầu – Thân – Chân. Ví dụ như trường hợp lọ hoa, luôn thấy rõ ba phần rõ ràng: 1 – Hoa; 2 – Lọ hoa; 3 – Đế kê lọ hoa. Với lọ hoa chân đế thường chỉ là một miếng đăng ten hình vuông. Với tượng ngoài trời tác giả phải thiết kế bục bệ đồng bộ với tác phẩm. Ở đây chỉ nói về nguyên lý không gian 3D hoàn toàn không bàn về các thế dáng cắm hoa có tên gọi riêng như “thiên địa nhân”, “phúc lộc thọ” trong cách chơi non bộ hay sinh vật cảnh có các thế dáng phổ biến trong dân gian: “thế la” – “thế bổng” – “thế bạt phong” hay “Trống mái” – “Phụ tử” – “Quần hùng” – “Thất hiền” – “Mâm xôi con gà” v.v…
3. Không gian nội thất:
Mọi sắp đặt của không gian nội thất phụ thuộc vào mặt bằng của nội thất. Vì mọi hoạt động của con người trong nội thất đều trên mặt bằng trong không gian lõm (khối âm hay khoảng trống). Khi nào con người tiến hóa tới mức hoạt động được trên mọi mặt phẳng như tắc kè hay con thạch sùng thì khi đó nội thất sẽ thay đổi khác hẳn hiện nay. Một mặt bằng có thiết kế bố cục thuận lợi tối ưu cho giao thông qua lại và các hoạt động ngắm nhìn, có chỗ nghỉ ngơi thư giãn nhanh sẽ là không gian đa năng. Không gian như thế có thể trưng bày triển lãm nhanh, hội thảo chuyên đề hay tổ chức trình chiếu giới thiệu. Lưu ý hình minh họa H7-12 cũng chính là sắp đặt trên mặt bằng nhưng đó là mặt bằng cho khối lồi (khối dương) choán chỗ trong không gian.
Với nội thất là không gian bao chứa hoạt động của con người, nên vị trí của con người trên mặt bằng nhìn về các hướng sẽ là điều quan trọng quyết định công năng của nội thất. Khi thao tác thiết kế bố cục không gian 3D của nội thất, cần tách riêng thành hai dạng không gian 2D khác nhau. Đó là mặt bằng sàn, trần và mặt đứng. Bởi tính chất của hai loại không gian 2D này rất khác nhau (xem hình minh họa H7-12A).
Với những mặt đứng bao quanh mặt bằng, mọi thao tác vẫn theo nguyên lý “cân bằng tín hiệu thị giác” trên diện phẳng, với năm phương pháp cân bằng lực hút thị giác. Khi đó các mặt đứng được coi như các giao diện. Mặt đứng nội thất là phương hướng “ba bề bốn bên”, nên khi thiết kế bố cục cần biết cất gọn, chuyển hướng hay dẫn dắt thị giác nối tiếp hoàn toàn phụ thuộc tài năng Designer. Với mặt bằng thì sự quan tâm hàng đầu là hoạt động dịch chuyển của con người trên đó. Tình huống chạm tới hoạt động cụ thể của con người sẽ thấy khái niệm “tổ chức bố cục” và phù hợp hơn khái niệm “thiết kế bố cục”. Dù gọi tên là tổ chức bố cục hay thiết kế bố cục vẫn không vượt ra khỏi khái niệm nghệ thuật thị giác. Mặt khác cũng có nhiều nội thất thiết kế bố cục những tác phẩm đồ họa trên mặt sàn với chất liệu bền vững để đi lại được lên trên tác phẩm. Thậm chí thiết kế bố cục cả ánh sáng và nước chảy trên mặt bằng có chỗ trong suốt. Riêng trần được coi là mặt bằng đặc biệt luôn hàm chứa nguy cơ có rơi xuống. Đây là một thách thức trong nội thất cho những ai muốn làm trần nhà nhẹ tênh. Nguyên lý bố cục cho không gian nội thất chính là tổ chức hoạt động của con người phối hợp với cân bằng tín hiệu thị giác trên các mặt bằng, mặt đứng, đáp ứng được nhiệm vụ đa năng hay đơn biệt của công trình.
Vấn đề đẹp xấu với thiết kế bố cục nội thất không hề quan trọng hơn tính khoa học hợp lý trong hoạt động của con người trên mặt bằng. Bí quyết làm nội thất là làm chủ được hoạt động của con người trên mặt bằng nội thất phối hợp với cân bằng tín hiệu thị giác trên các giao diện của công trình.
H7-12A. Hình minh họa cho sự khác biệt của mặt bằng và các mặt đứng trong nội thất
Khi không gian 3D được tách rời thành hai dạng không gian 2D khác nhau, khi đó việc cân bằng tín hiệu thị giác sẽ dễ dàng và quen thuộc.
>>> Tỷ lệ và nhịp điệu trong kiến trúc
>>> Nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi trong thiết kế thời trang