Các lớp diện tạo khối
Việc hiểu cách tạo ra khối và biến đổi khối thông qua thủ pháp biến hình như: co, kéo, cắt, khấu trừ, vặn xoắn là quan trọng đối với các kiến trúc sư và các nhà thiết kế.
1. Biến đổi khối thông qua biến đổi các lớp diện:
Chúng ta biết rằng một mặt, một diện có thể được thể hiện bằng một loạt các tuyến (hình 7.65a). Một khối có thể được mô tả bằng một sê ri các mặt, các lát cắt ngang khối (hình 7.65b).
Hình 7.65
a. Tập hợp tuyến tạo nên diện
b. Tập hợp diện tạo nên khối
Hình 7.66a: Lặp lại về hình dạng, vi biến về kích cỡ
Hình 7.66b: Biến đổi khối bằng cách vi biến hình dạng, lặp lại kích cỡ
Hình 7.66c: Thay đổi dần cả về kích cỡ và hình dạng
Bởi vậy, để dựng lên một hình khối, có thể tập hợp một loạt lát cắt. Khi các lát cắt có sự thay đổi về hình dạng, hình khối cũng sẽ thay đổi theo. Sự vi biến, sự biến đổi dần của các lát cắt sẽ tạo ra sự chuyển dạng cho khối. Sau đây là các dạng biến đổi cơ bản:
a. Vi biến về kích cỡ lặp lại về hình (hình 7.66a).
b. Vi biến về hình, lặp lại về kích cỡ (hình 7.66b).
c. Vi biến cả hình và kích cỡ (hình 7.66c).
d. Biến đổi chiều hướng.
Chiều hướng các lát cắt có thể được biến đổi theo ba cách (Hình 7.67):
- Xoay quanh trục thẳng đứng (a).
- Xoay quanh trục nằm ngang (b).
- Xoay quanh mặt phẳng của chính nó (c).
Quay quanh một trục thẳng đứng các lát cắt khi đó sẽ thay đổi về vị trí và không song song với nhau. Hình 7.68 cho thấy các lát cắt được sắp xếp tạo nên một vành tròn hướng tâm hoặc hình lượn sóng, gấp khúc.
Hình 7.67: Tạo khối, không gian thông qua dùng ô không gian cơ sở
Hình 7.68: Các diện xoay quanh trụ đứng
a. Các diện tạo nên vành tròn.
b. Các diện tạo nên đường lượn sóng và gấp khúc
Xoay trong mặt phẳng của bản thân diện, khi đó các góc và cạnh của lát cắt thay đổi về vị trí nhưng phương ngang của lát cắt không thay đổi. Việc quay như vậy cho kết quả một hình vặn vỏ đỗ. Đây là một dạng của cấu trúc xoay tỏa. Xem hình 7.69.
Hình 7.69
Các lát cắt có thể song song, không thay đổi hoặc thay đổi hình dạng dần dần nhưng xoay tỏa đều đặn quanh một trục thẳng đứng vuông góc với các lát cắt (Hình 7.70) hay trượt ngang (tịnh tiến) hoặc là vừa xoay vừa trượt.
Hình 7.70: Xoay trượt các diện
Các diện có thể thay đổi hay không thay đổi hình dạng nhưng được xoay quanh một trục (tức đổi chiều hướng), trượt ngang (không thay đổi chiều hướng) hoặc vừa xoay vừa trượt.
2. Bài thực hành:
Dùng cách biến đổi dần kích thước, hình dạng; thay đổi chiều hướng, xoay, trượt… các diện để tạo nên khối hình. Xem ví dụ hình 7.71.
Hình 7.71: Các lớp diện tạo khối (Bài tập) – Một sê ri diện tạo
Hình 7.71a: Lặp lại y nguyên hình dạng một bản diện cong hình cánh lá. Các bản diện này xoay quanh trục thẳng đứng. Hợp nhóm mang dáng vẻ cong mềm mại.
Hình 7.71b: Trong trường hợp này cũng là sự lặp lại y nguyên hình vuông khuyết cạnh. Các hình vuông được quay quanh chính mặt phẳng của nó với góc quay đều đặt, lấy tâm hình vuông làm trục. Hình khối chung có dạng, vặn, xoắn, các khe rãnh cong xuỗi dài.
Hình 7.71c: Với hình tròn khuyết và lặp lại y nguyên về hình dạng nhưng xoay quanh trục trung tâm tổ hợp diện đã tạo nên một khối hình trụ có khe rãnh chạy cong xoắn luồn bên trong.
Hình 7.71d: Một khối lăng trụ cạnh xoắn được hình thành từ sự sắp xếp các diện ngũ giác. Điều đặc biệt ở đây là diện ngũ giác quay quanh (xoay quanh) trục trung tâm và độ dài mỗi cạnh thay đổi dần. Việc thay đổi này đã tạo cho khối chỗ mỏng, chỗ dày, bề rộng diện đứng của khối lăng trụ luôn thay đổi.
Hình 7.71e: Một khối tháp không đều, được tham tạo bởi các diện đa giác theo cách biến đổi dần hình dạng và kích cỡ. Các đa giác vuông, hình thang, chữ nhật biến đổi uyển chuyển đã tạo các kiểu vát cạnh khác nhau cho khối.
Hình 7.71f: Việc bố trí 16 diện cong dạng hữu cơ lặp lại về hình dạng theo cách xoay quanh trục ngang đã tạo ra tổng thể khối dáng vẻ mềm mại và có vẻ phức tạp về hình.
Hình 7.71g: Một khối hình quả trứng khuyết được tạo từ cách sắp đặt một phần hình tròn cùng chiều hướng nhưng thay đổi dần về kích cỡ và hình dạng.
Hình 7.71h: Các hình tròn khuyết với các phần khuyết bằng nhau nhưng đường bao lớn dần của hình tròn cộng thêm việc xoay dần quanh trục trung tâm để tạo nên khối trụ không đều có phần khấu trừ mềm mại.
Hình 7.71i: Hợp nhóm một phức hợp các đa giác, các đa giác ở phần dưới không xoay nhiều và có hình đơn giản, càng lên trên càng thấy rõ sự cài lồng hai loại đa giác, một xoay ít và một xoay nhiều. Việc cài lồng này mang lại vẻ khác biệt giữa trên và dưới.
Hình 7.71k: Xoay tỏa 30 đa giác nhiều cạnh gấp khúc và biến đổi dần.
Hình 7.71l: Một khối với mỗi phần của khối rất khác nhau và có vẻ kỳ dị. Đây là kết quả của sự lặp lại và biến đổi dần ba loại hình dạng, diện được thay đổi nhanh từ dưới lên trên.
Hình 7.71m: Các hình dạng lá sen được biến đổi theo cách trượt ngang, xoay quanh tâm tạo nên khối trụ khuyết mềm mại.
Hình 7.71n: Một khối lăng trụ nằm ngang. Các hình vuông là bán diện cơ sở, lỗ tròn đục trên diện này di chuyển dần dần, tạo nên rãnh xoắn.
Hình 7.71q: Sự sắp xếp một loạt hình bỏ cạnh có dạng thẳng biến đổi dẫu về kích cỡ, hình dạng và xoay tạo ra khối hình tầng bậc, góc cạnh.
Hình 7.71p: Nhìn thoáng qua hình khối này có vẻ được tạo ra bởi phức hợp nhiều loại diện, nhưng thực chất chỉ là cách xoay một hình tròn khuyết quanh trục trung tâm.
Hình 7.71t: Một hình vuông biến đổi to dần rồi thành hình chữ nhật. Các phần khấu trừ diện thay đổi dần. Hợp nhóm các diện theo kiểu trượt đã tạo nên khối lăng trụ cong mềm.
Hình 7.71r: Hình vuông khoét đồng dạng ở giữa được xoay đều tạo ra các rãnh xoắn ở bờ cạnh
Hình 7.71s: Cũng hình vuông này xoay, cắt bỏ bờ cạnh. Hình chụp trong lòng khối có dạng vặn xoắn, các mặt phẳng cong, ngả đều.
Hình 7.71u: Hai hình viên phân bằng nhau và một hình vuông kẹp giữa biến đổi theo cách xoay dần quanh trục trung tâm. Các hình này kích cỡ, hình dạng không đổi nhưng vẫn tạo được khối hình phức hợp uyển chuyển.
>>> Nghệ thuật tạo hình (Phần 1)
>>> Cách tạo hình trong vẽ cổ trang
>>> Chi tiết tạo hình trang phục trong truyện tranh