Thiết kế bố cục bằng lực thị giác (Phần 2)
5. Làm rõ khái niệm hành vi nhìn:
Thực chất của cân bằng thị giác là cân bằng hành vi nhìn. Để hiểu đúng hành vi nhìn là gì, hãy xem kỹ những ví dụ về hiệu ứng sắp đặt của những cái chấm dưới đây:
H4-51
H4-52. Tia nhìn bao tâm
H4-53. Tia nhìn bao tâm và quanh tâm
Cái chấm là loại tín hiệu thị giác đơn giản nhất. Khi nhìn những cái chấm của hình H4-51 con mắt nhận ra với một cái chấm chỉ là một cái chấm và tia nhìn đọng lại ở đó. Với hai và nhiều cái chấm sắp đặt theo hình vẽ H4-51, sẽ làm cho thị giác cảm nhận có hình ảnh đoạn thẳng, và các hình tam giác, hình vuông, tròn v.v… Sự thực các hình đó chỉ là ảo ảnh do hành vi nhìn với các điểm tạo thành.
Những hình ảo đó không tạo thành bởi nét vẽ mà tạo thành bởi tia nhìn. Tức là hành vi nhìn nối từ các chấm với nhau đã tạo ra những hình khác nhau. Khi thưởng ngoạn một tác phẩm hội họa, hành vi nhìn của người xem hoàn toàn bị tác giả dẫn dắt bằng thủ pháp sắp xếp bố cục các vùng tín hiệu thị giác theo các nguyên lý “cân bằng bao tâm” hay “cân bằng qua tâm”.
6. Phân tích thiết kế bố cục bao quanh tâm:
Thiết kế bố cục “cân bằng bao tâm” là một phương pháp cân bằng bố cục bằng những tín hiệu thị giác mạnh. Những tín hiệu thị giác mạnh đó do họa sỹ chủ động vẽ và sắp xếp vị trí trên tác phẩm. Ví dụ như tác phẩm lừng danh “Chơi ô ăn quan” của danh họa Nguyễn Phan Chánh, rõ ràng ông đã bố cục theo nguyên tắc chia ba (xem hình H4-55). Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, tác phẩm của ông đã nổi tiếng thế giới từ năm 1931. Khi đó khái niệm nguyên lý “thiết kế bố cục” chưa xuất hiện minh họa H4-56 đã phân tích tác phẩm “Chơi ô ăn quan” theo phương pháp cân bằng các tín hiệu thị giác. Cụ thể ở đây là phương pháp thiết kế bố cục “cân bằng bao tâm”.
H4-54. “Chơi ô ăn quan” – năm 1931. Lụa. Nguyễn Phan Chánh “1892-1984)
H4-55. Danh họa Nguyễn Phan Chánh đã bố cục đúng nguyên tắc chia ba. Cô bé cận cảnh đã ở vị trí có hai “điểm chốt vững” và còn đối xứng qua tâm với cậu bé ngồi một mình. Kết quả là một bố cục tuyệt đẹp, mặc dù kích thước bức tranh không theo tỷ lệ vàng.
H4-56. Theo cân bằng lực hút thị giác, những cái đầu và hai bàn tay là những tín hiệu thị giác mạnh nên có lực hút thị giác mạnh. Tia nhìn nối những điểm có lực hút thành đường xếp kín bao quanh tâm. Vậy đây là thiết kế bố cục “cân bằng bao tâm”
H4-57. Sơ đồ vùng có tín hiệu thị giác mạnh và tia nhìn bao quanh tâm
Ngoài nguyên lý thiết kế bố cục cân bằng bao tâm như nét đỏ tượng trưng cho tia mắt nhìn bao quanh, tác phẩm “Chơi ô ăn quan” còn áp dụng một nguyên tắc cân bằng khác nữa là “cân bằng động thái”. Trong tranh, những cái đầu hướng cặp mắt về trò chơi bày dưới đất và hai bàn tay như chuẩn bị một động tác của trò chơi. Đó chính là cân bằng động thái. Bố cục hướng nhìn của nhân vật như thế dẫn dắt cái nhìn của người xem không thể đi lạc ra ngoài bức tranh.
7. Sơ đồ hóa hệ thống tín hiệu thị giác:
H4-58. “Hai thiếu nữ và em bé”. Sơn dầu, 101 x 78,4 cm, 1944. Tô Ngọc Vân (1906-1954).
Tác phẩm được xếp hạng bảo vật quốc gia số 65
H4-59. Tín hiệu thị giác ở tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” đã được tín hiệu hóa cô đọng ở mức đồ họa tối giản, giúp người đọc tường minh khái niệm tín hiệu thị giác. Những nét đỏ tượng trưng cho hành vi nhìn qua lại giữa các tín hiệu bắt mắt. Xem hình H4- (60-61)
Sơ đồ hóa hệ thống tín hiệu thị giác ở tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé để tường minh hành vi nhìn với nguyên lý cân bằng tín hiệu thị giác. Các minh họa H4-60 và H4-61 cho thấy “tín hiệu thị giác” hiện rõ từng bước và được nhìn dưới dạng đồ họa tối giản như hình minh họa H4-59. Khi xem các minh họa, luôn cần so sánh với hình chụp nguyên bản ở minh họa H4-58 để cảm nhận tín hiệu thị giác.
H4-60. Làm tăng độ tương phản cho thấy rõ vùng có nhiều tín hiệu thị giác, còn gọi là vùng có sức căng thị giác hay là vùng có lực hút thị giác hoặc vùng bắt mắt (khi xem tranh, nheo mắt lại các vùng tín hiệu thị giác hiện lên rõ hơn).
H4-61. Những nét đứt màu đỏ tượng trưng cho tia mắt nhìn qua lại các vùng tín hiệu thị giác
Thông thường thị giác nhạy cảm và bị chi phối vô thức bởi những tín hiệu thị giác mà không nhận biết được bằng lý tính. Các tín hiệu thị giác cũng có sẵn và tiềm ẩn trong vô thức dưới dạng cô đọng với rất nhiều biểu tượng khác nhau và những quy ước ám sảnh của màu tím, màu đen, màu đỏ, màu trắng, màu xanh, hình vuông, hình tròn v.v… Tùy thuộc nền tảng văn hóa khi trưởng thành của mỗi người. Với các cấu trúc hình thức thì những chi tiết nào nổi trội bằng hình hay bằng màu sắc và chuyển động đều là những tín hiệu thị giác mạnh.
Trên tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” thấy rõ chân dung hai thiếu nữ rất bắt mắt vì đã là chân dung có yếu tố động của mắt miệng lại còn có mảng tóc đen nhất, hút mắt nhất nên hai chân dung là hai vùng tín hiệu thị giác mạnh.
Em bé có cái đầu với mái tóc đen lại mặc áo màu đỏ duy nhất trên tranh nên cũng là vùng bắt mắt rất mạnh. Hai mảng bóng đen tương phản với quần áo màu vàng trắng nên cũng rất nổi và là tín hiệu thị giác mạnh. Vì cách phân bố tín hiệu thị giác như thế nên khi thoạt nhìn ngắm tác phẩm luôn thấy ngay gương mặt hai cô gái và em bé áo đỏ. Đường đi của tia nhìn tạo thành đường khép kín bao quanh tâm, chỉ ra đây là “cân bằng bao tâm”.
8. Nguyên tắc bố cục chia ba và một số cách bố cục có khung hình học
Trong các nguyên tắc bố cục tranh giá vẽ, có một nguyên tắc nổi tiếng đó là nguyên tắc chia ba. Một nguyên tắc dùng cho bố cục được đơn giản hóa từ tỷ lệ vàng. Tuy chuẩn là tỷ lệ vàng nhưng hầu hết các họa sỹ đều sử dụng cho cả bố cục có kích chỉ gần đúng tỷ lệ vàng. Tỷ lệ vàng là tỷ số của cạnh lớn chia cho cạnh nhỏ xấp xỉ bằng 1.618.
9. Nguyên tắc chia ba:
H4-62. Trên hình chữ nhật tỷ lệ vàng, kẻ hai đường chéo cắt nhau. Đường chéo ngắn đi qua điểm giữa của một cạnh hình chữ nhật. Tiếp tục kẻ đối xứng như thế
Nguyên tắc bố cục chia ba là từ giao điểm của các đường chéo trên hình chữ nhật tỷ lệ vàng, kẻ bốn đường vuông góc với nhau, chia giao diện thành hệ hình chín ô bằng nhau. Bốn điểm gặp nhau của bốn đường kẻ vuông góc được gọi là bốn “điểm chốt vững” của giao diện (đánh dấu chấm đỏ). Những hình thể chính ở vị trí của một trong bốn điểm chốt vững, hay nằm trên bốn cạnh của ô vuông ở giữa, là toàn bộ bức tranh được công nhận có bố cục vững. Đây là kinh nghiệm bố cục của các họa sỹ từ thời Trung cổ tới nay. Ban đầu, các họa sỹ chia ba trên tranh có kích thước tỷ lệ vàng. Về sau, sự chính xác của tỷ lệ vàng mất dần. Chỉ cần tranh có chu vi hình chữ nhật là áp dụng nguyên tắc chia ba như đã sẵn là tỷ lệ vàng.
H4-63. Cách tìm bốn điểm vững trên hình chữ nhật có tỷ lệ vàng bằng cách kẻ các đường chéo như hình vẽ H4-63. Giao điểm của các đường chéo sẽ là bốn “điểm chốt vững” hay còn gọi là bốn điểm có lợi cho bố cục. Kẻ bốn đường song song với cạnh hình chữ nhật, đi qua bốn điểm chốt vững ta có hình tỷ lệ vàng chia ba.
H4-64. Hình chữ nhật có tỷ lệ vàng và bốn đường chia ba. Đường kẻ màu đỏ chia chính xác hình chữ nhật tỷ lệ vàng thành chín ô bằng nhau là nhờ các đường chéo trên hệ hình đã định vị bốn “điểm chốt vững” được đánh dấu chấm đỏ
H4-65. Có nhiều họa sỹ bố cục trên khung hình tỷ lệ vàng chia bốn. Cũng có loại máy ảnh kỹ thuật số chia sẵn trên màn hình kính ngắm đường chia bốn. Tỷ lệ vàng chia bốn dựa trên giao điểm của các đường chéo. Các “điểm chốt vững” dãn rộng hơn so với nguyên tắc chia ba.
a. Tỷ lệ vàng
H4-66
Hình minh họa H4-66 là hình vẽ toán hình học của tỷ lệ vàng. Đặc tính của hình chữ nhật tỷ lệ vàng là cạnh dài chia cho cạnh ngắn sẽ ra hiệu số xấp xỉ bằng 1.618… và nếu với một hình có tỷ lệ vàng, chia ra thành một hình vuông và một hình chữ nhật thì hình chữ nhật nhỏ mới sinh ra lại có tỷ lệ vàng giống như hình lớn ban đầu. Tính chất đó không đổi khi cứ tiếp tục chia như thế tới nhỏ nhất có thể. Đường xoắn ốc vẽ nối các cung cong có bán kính bằng cạnh các hình vuông là đường xoắn ốc Logarit. Đường xoắn ốc Lôgarit do nhà triết học, toán học người Pháp Descartes tìm ra năm 1628. Đường xoắn ốc Lôgarit này dù phóng to hay thu nhỏ luôn không thay đổi. Tương tự như các hình vuông dù phóng to hay thu nhỏ vẫn là hình vuông.
b. Cách lấy tỷ lệ vàng bằng compa thước kẻ
H4-67
Từ điểm giữa của cạnh đáy hình vuông kẻ đường chéo tới một đỉnh của hình vuông. Đường chéo đó là bán kính của cung cắt đáy hình vuông kéo dài tới điểm C. Từ điểm cắt của cung tròn đó với cạnh đáy hình vuông kéo dài, dựng một hình chữ nhật có cạnh ngắn bằng cạnh hình vuông. Hình chữ nhật này là hình chữ nhật vàng, vì có tỷ lệ cạnh dài chia cạnh ngắn bằng 1,6180…
H4-68. Dựng đứng hình chữ nhật tỷ lệ vàng, sẽ vẽ được hai hình tam giác cân tỷ lệ vàng ngược chiều nhau. Có nhiều họa sỹ đã vẽ trên hình tam giác có tỷ lệ vàng từ đường cao và cạnh đáy hoặc bố cục tranh trong hình thắt eo tạo thành bởi hai tam giác tỷ lệ vàng ngược chiều.
H4-69
H4-70
H4-71. Bố cục được coi là tốt, khi nhân vật ở vị trí những “điểm chốt vững” hoặc trên các cạnh của ô giữa
Xem hình minh họa ví dụ ở các hình vẽ H4-(69-70-71) cho thấy giao diện chữ nhật nhiều hay ít, thậm chí gần vuông cũng mang chia ba. Vậy là các họa sỹ ước lượng tỷ lệ vàng không chính xác như toán học nữa mà thực tế cứ với tấm toan nào có hình chữ nhật gần gần tỷ lệ vàng là cũng chia thành hệ chín ô. Điều không nhất định cần phải chính xác này đã chứng tỏ nguyên tắc chia ba có cảm tính của họa sỹ can thiệp vào lý tính của con số. Nhưng long tin vào tính khoa học cón số của bố cục tranh cũng không có ý nghĩa tuyệt đối vẫn phải phụ thuộc cảm tính của từng nghệ sỹ. Phương pháp bố cục chia ba này ra đời trước cả thời Phục Hưng. Sau này khi máy ảnh ra đời, các nhà nhiếp ảnh cũng áp dụng thẩm mỹ “bố cục chia ba” cho những bố cục chụp ảnh. Để tiện sử dụng, các nhà sản xuất máy ảnh số ngày nay đã cài đặt hệ lưới chia ba sẵn hoặc chia bốn sẵn vào bộ nhớ kính ngắm màn hình. Người chụp ảnh có thể bật hoặc tắt đường chia ba hay chia bốn trên màn hình kính ngắm tùy ý căn chỉnh bố cục theo nguyên tắc chia ba hoặc chia bốn. Ngoài áp dụng tỷ lệ vàng cho bố cục còn có những cách bố cục khác như dựa vào cá hình học đối xứng như hình lục giác, hình ngũ giác, ngôi sao, tam giác hình tròn hay xoắn ốc…
10. Bố cục theo bộ khung hình học của hội họa cổ điển:
H4-72. “Bữa tiệc ly” – Leonardo da Vinci (1452-1519)
H4-73. “Tự họa năm 34 tuổi” – Rembrandt F.1640. Chân dung được xây dựng bố cục trong hình tam giác vàng
Những bộ khung hình học làm cốt cho bố cục cũng thường được chọn tuân theo tỷ lệ vàng. Có thể là tam giác có tỷ lệ vàng giữa cạnh đáy và chiều cao, có thể là ngôi sao có tỷ lệ vàng hoặc hai tam giác vàng ngược chiều nhau hoặc những hình đa giác khác trong giao diện hay khung hình có tỷ lệ vàng. Cũng có những hình đa giác làm khung cốt cho bố cục không theo tỷ lệ vàng, có bố cục tuyến tính theo đường zíc zắc hay đường cong hình S. Tất cả phụ thuộc trực giác thẩm mỹ của họa sỹ khi lựa chọn ý tưởng cho bố cục tác phẩm.
>>> Thiết kế bố cục bằng lực thị giác (Phần 1)
>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)
>>> Khối trong yếu tố thị giác