Không gian – Khối và Biến thể của Khối (Phần 2)
6. Khối e-líp:
Khối e-líp là một khối cơ bản tổng hợp ba khối cầu, lập phương và tam giác. Hãy xét trên bình diện mặt phẳng ta thấy hình e-líp có những quan hệ hữu cơ với các hình tròn, vuông và tam giác. Trước hết, nó được tạo nên bởi các hình tròn to nhỏ khác nhau, để cạnh nhau và nối với nhau bởi các tiếp tuyến – tức không có chỗ chuyển đột ngột. Nó tạo ra sức căng bởi hai hướng đối lập nhau khá cân bằng. Về phía hình tròn lớn, lực lớn bởi cung tròn lớn, còn về phía hình tròn nhỏ lực lớn do độ dài của hình e-líp dần về phía đó. Sự ổn định của hình e-líp tạo ra bằng sức căng của hai hướng đối lập này. Cũng có thể quan niệm hình e-líp là kết quả vận động theo một trục thẳng của hình xoáy ốc. Nó kết hợp được hai chiều vận động thẳng và xoay tròn quanh tâm. Lực xoay cân bằng với lực chuyển động thẳng cho ta hình hình e-líp đặc trưng.
Hai hình tròn, hai khối cầu có bán kính theo tỷ lệ 2/1 làm cơ sở để tạo ra một hình khối e-líp bằng cách nối hai hình tròn với nhau qua hai đường tiếp tuyến ta có thể có một hình e-líp giả định là lý tưởng. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng hai đường tiếp tuyến này thực ra không phải là hai đoạn thẳng mà là sự chuyển dịch lớn dàn của các cung tròn lớn hơn hình tròn nhỏ và nhỏ hơn hình tròn lớn. Trong hình này ta dễ dàng thiết lập hình chữ nhật bằng hai hình vuông.
Đồng thời, trong hình e-líp, ta có một hình tam giác cân lý tưởng. Nếu ta quy ước là R của hình tròn nhỏ trong hình e-líp bằng 2/3R của hình tròn lớn thì chiều cao của hình tam giác lý tưởng sẽ bằng 5/3 của R. Cũng trong hình e-líp ta thấy các biến thể của hình lập phương, hình chữ nhật, hình tròn, hình tam giác rất tiêu biểu. Động và tĩnh, đóng và mở, chuyển động có hướng và vô hướng kết hợp ở mức hoàn chỉnh nhất, bằng cách đơn giản nhất trong hình e-líp. Có thể nói hình e-líp là hình có chất tạo hình nhất trong các hình cơ bản.
Chuyển sang khối cũng tương tự như vậy. Khối hình e-líp chứa trong nó các khối cơ bản ở thể năng động của chúng do là khối lập phương, khối chữ nhật, khối cầu, khối tam giác cân. Nó tổng hợp tính chất của cả ba khối trên. Có thể nói nó vừa tròn, vừa vuông, vừa tam giác, không phải ngẫu nhiên nhiều nhà điêu khắc.
Hình 19
Họa sỹ rất quan tâm đến khối e-líp. Một giọt nước đang rơi hay được bắn lên có hình e-líp (ở giai đoạn giữa của sự rơi hay sự bay lên). Ví dụ này cho thấy hình trứng động vì nó có hướng và tĩnh vì nó tiêu biểu thế cho ổn định – động. Đó là điểm tiêu biểu cho bản chất của chuyển động.
Do vậy hình e-líp là hình giọt nước. Sự hấp dẫn của hình e-líp và khối e-líp còn ở chỗ như ta thấy ở các phần sau, nó chứa được các khối biến thể của ba khối cơ bản nói trên.
Phần lớn chỉ có trong nghệ thuật trang trí, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc ta mới thấy rõ các khối tròn, vuông, tam giác còn trong hội họa, điêu khắc và đồ họa các hình, khối đó luôn biến đổi. Ở đây trên bề mặt, trong không gian ta luôn luôn có thể xác định được những hình, khối e-líp.
Vì vậy, tuy không đưa ra ví dụ cụ thể ta vẫn có thể nhận biết vai trò của hình khối cơ bản này trên các tác phẩm. Tất nhiên, trong một số trường phái thiên về tính ổn định như đã nêu ở trên hình khối này ít xuất hiện hơn.
7. Các khối biến thể:
Xuất phát từ ba hình học cơ bản và ba khối cơ bản ta sẽ tạo ra được các khối biến thể cơ bản. Các khối này là sự kết hợp các tính chất của cặp đôi một hìn một khối được ghép với nhau. Hình học ở đây đóng vai trò làm thiết diện của khối (xem hình 20).
Hình 20
Ví dụ: Hình vuông và hình tam giác cho ta một hình thang thì đó chỉ là biến thể của hai hình vuông và tam giác, do vậy khối hình thang không phải là khối biến thể theo ý nghĩa nêu trên. Ta thấy rõ ràng là hình tam giác không được bảo toàn đầy đủ như hình vuông. Do vậy những kết hợp khối với khối và hình với hình không cho một biến thể cơ bản. Ta khó tưởng tượng ra một sự phối hợp của hai khối tam giác và lập phương. Cũng khó có một khối lập phương hay một khối tam giác nghĩa là trong những trường hợp này các khối không “ăn” với nhau mà vẫn như để cạnh nhau ghép vào nhau. Hoặc ngược lại chúng sẽ “nuốt” hẳn nhau để về thực chất vẫn chỉ là một khối cơ bản nào đó mà thôi. Nói chung chúng tạo cảm giác gắn ghép hoặc bị thiếu hụt.
Hình 21
Nếu xét khối biến thể cơ bản là khối tạo nên sự phối hợp hài hòa giữa các hình học cơ bản với các khối cơ bản thì ta có các khối sau đây:
Hình 22
Như vậy ta có ba khối biến thể là khối trụ, khối nón và khối chóp (cũng có thể gọi là khối tháp). Ở mỗi khối này tính chất của khối là sự kết hợp tối giản không mâu thuẫn các tính chất của hình tạo nên hai tiết diện của nó. Khối trụ có cái chắc chắn của hình chữ nhật, có sự định hướng về chiều dài do độ dài của hình chữ nhật quy định. Hình chữ nhật có thể mở dài vô tận về cả bốn phía song ở đây hai phía đã bị bán kính R của hình tròn giới hạn lại, do vậy khối trụ có định hướng hơn khối chữ nhật Đặt hai khối đó cạnh tranh, ta thấy khối trụ có nhu cầu được kéo dài hơn. Một ống khói thẳng đứng gây cảm giác cao hơn một tòa nhà hình hộp chữ nhật.
Mặt khác, tính chất ổn định đầy đủ của khối trụ được quy định bởi hình tròn vì tiết diện tròn của hình không bao giờ thay đổi.
Nếu khối trụ mở về hai phía vô tận thì khối nón và khối chóp do có hình tam giác làm 1 trong 2 tiết diện nên chúng luôn đóng về một phía và mở vô tận về một phía. Các tiết diện tròn và vuông ở hai khối này nhỏ dần về phía đỉnh. Chiều cao của khối càng lớn thì sự thay đổi độ lớn của tiết diện càng tinh vi hơn, khối càng được định hướng rõ rệt hơn. Hai khối này vừa tĩnh hơn nếu đáy của chúng nằm trên trục hoành. Và chúng sẽ động hơn nếu đáy của chúng không nằm trên trục này.
Kim tự tháp Magician (teotiuacan)
Kim tự tháp Magician (uxmal)
Các kim tự tháp Mexico có bậc thang, các khối cơ bản là kim tự tháp cụt, trên bề mặt là nơi dựng các đền đài.
Cảm giác do khối gây ra phụ thuộc vào sự sắp đặt các hướng vận động của nó trong không gian và điểm nhìn, diện nhìn tức tương quan giữa nó với mắt người (phụ thuộc vào vị trí của người xem trong không gian). Do vậy tính chất của các khối cơ bản nêu trên không bất biến. Tính chất ổn định của chúng biến hóa phụ thuộc hai điều nêu trên Đó chính là một phương tiện biểu đạt của nghệ thuật tạo hình.
Khối lập phương vững chãi bao nhiêu thì khi đặt nghiêng nó gây cảm giác đổ lớn bấy nhiêu.
Hình 23
Khối nón và khối cầu để cạnh nhau như hình 23 cho cảm giác nó tấn công khối cầu. Ở hình bên cạnh, các khối cơ bản đè nén, xô đẩy, tấn công nhau không trực diện gây cảm giác hỗn độn – bị đè nến, rơi đổ, rời rạc trong mình nó một phần của không gian. Không gian bên trong của kiến trúc và của các đồ đựng chính là nội dung khối của chúng. Toàn bộ kiến trúc nhân loại từ xưa đến nay có thể nói là sự sử dụng, kết hợp biến thể các khối cơ bản nói trên trong điều kiện phù hợp với luật về sức nặng của vật thể, sức hút của trái đất theo phương thẳng đứng, cần lưu ý trong kiến trúc hiện đại, người ta áp dụng nhiều vật liệu mới như kính ở diện tích lớn, bê tông dự ứng lực, các chất dẻo… nên nhiều tác giả đã có thể làm “mất” đi cảm giác thông thường về sức nặng và sức hút trái đất ở các công trình, gây ấn tượng mới lạ, bay bổng. Lược qua các thời kỳ kiến trúc đặc sắc của một số dân tộc thường được nêu trong các cuốn lịch sử mỹ thuật ta có thể dễ dàng đọc ra khối cơ bản của chúng như hình 24.
Hình 24
Hình 24 chỉ cho ta thấy cái toàn cục, khối bên ngoài tức cảm giác trực tiếp về khối. Kiến trúc lại rất đa dạng phong phú ở từng tác phẩm cụ thể do sự biến đổi, nhiều khi rất nhỏ của một yếu tố nào đó. Khối cơ bản thay đổi một chút thôi, giống như một hạt thủy tinh màu nào đó trong ống vạn hoa thay đổi vị trí, thì toàn bộ hình ảnh kiến trúc, hình ta thấy trong kính vạn hoa cũng thay đổi bất ngờ, thiên biến vạn hóa.
8. Như trên ta thấy khối rỗng chứa trong lòng nó một phần của không gian, khối đặc thì vật chất của khối chiếm phần không gian ấy. Vậy khối và không gian là một. Bản chất của khối là không gian và bản chất của không gian là tạo khối. Điêu khắc là nghệ thuật chiếm chỗ trong không gian. Kiến trúc là nghệ thuật phân chia không gian theo các khối.
Ta có thể thấy ba loại không gian khối:
Ai Cập cổ, một số tượng phật, một số tượng vị tổ Tây Phương dựa trên các khối khép kín nhằm gây cảm giác tĩnh và vững bền. Đặc biệt ở những pho tượng người: quan văn, quan võ, lính hầu… tại các khu lăng mộ trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam cổ ta thấy rõ ý đồ sử dụng các khối khép kín, ít có sự đục đẽo sâu, len lỏi vào khối đá, ít có động tác tay, chân, mình uốn lượn của các nhân vật. Do vậy ý nghĩa tưởng niệm, sự yên lặng của các tác phẩm đó rất rõ rệt, phù hợp với chức năng của chúng ở lăng mộ.
- Khối có sự len lỏi của không gian bên ngoài vào trong lòng nó. Sự chiếm chỗ ít khẳng định hơn, giao lưu giữa khối và không gian vây quanh tích cực hơn – do vậy khối có tính chất riêng cũng rõ rệt hơn. Một khối cầu lõm vào một chỗ gây cảm giác nó xô ra không gian xung quanh và không gian xung quanh thâm nhập vào đó (Hình 25).
Hình 25
Đối với khối lập phương, khối chóp và các khối khác cũng vậy. Sự thâm nhập của không gian vào khối cơ bản có thể được coi là sự biến dạng của khối cơ bản. Điêu khắc Ba-rốc ở châu Âu (thế kỷ XVII, XVIII), điêu khắc đình làng ở Việt Nam (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), điêu khắc hiện đại v.v… cho thấy việc sử dụng tương quan này.
- Trong kiến trúc và đồ đựng khối chính là không gian nằm bên trong cơ thể vật chất của tác phẩm. Phần bên trong của một cái nậm rượu là phần cơ bản của “khối nậm rượu”. Phần bên trong của ngôi nhà là một phần căn bản nhất của khối kiến trúc. Do vậy, sự thay đổi trong và ngoài, di chuyển từ không gian ngoài khối vào không gian trong khối, sự thống nhất hay mâu thuẫn giữa khối – không gian bên trong và bên ngoài của kiến trúc, đồ đựng là bản chất của các nghệ thuật này. Ở đồ đựng, sự thống nhất tất nhiên giữa khối bên ngoài và không gian bên trong được quy định sẵn và không bàn cãi gì vì con người không đi vào bên trong cái bình, cái lọ, chỉ nhìn bên ngoài, sử dụng cái bên trong như một “hộp đen”.
Con mắt cảm thụ khối không chỉ ở sự chiếm chỗ của nó trong không gian mà còn cảm thụ cả tính chất vật chất của khối đó nữa. Do con mắt làm được một phần chức năng của xúc giác nên tùy không sờ vào tượng, mắt ta vẫn có cảm giác về các tính chất vật chất này Ở đây, bề mặt và kết cấu bề mặt tượng cho một cảm giác cụ thể. Bề mặt tượng có hai khía cạnh, một là nó đại diện cho mắt cắt trừu tượng của một khối nào đó và hai là bề mặt tự nhiên do chất liệu sinh ra. Đá khác đồng, gỗ khác đất nung, bê tông khác nhựa tổng hợp. Thạch cao là chất liệu trung gian do nó không có thuộc tính riêng của chất liệu. Thuộc tính riêng của chất liệu biểu hiện ở khả năng, những đặc điểm thuận lợi hay khó khăn về mặt gia công nó. Do đó bề mặt tượng còn mang dấu ấn kỹ thuật xử lý chất liệu. Ví dụ gỗ có thể đẽo gọt phụ thuộc vào nhiều thớ gỗ, đá có thể đục đẽo hoặc cắt thành những lát mỏng, nhát đục đá khác nhát đục gỗ, đồng tuy rắn nhưng có thể đổ khuôn… Đất nung thì được nặn bóp dễ dàng, sau đó đem nung mới cứng lại. Quá trình gia công chất liệu là biểu hiện vật chất cụ thể của quá trình sáng tác điêu khắc, kiến trúc và các đồ đựng. Do vậy kết cấu bề mặt, tính chất của chất liệu thể hiện qua bề mặt là một phần của ngôn ngữ khối, quan hệ khối với bề mặt của nó là không tách rời.
10. Khối cơ bản trên cơ thể người:
Tìm hiểu cơ thể người và kết cấu bên trong của nó được tiến hành từ ngàn xưa trên hai bình diện y học, giải phẫu học nghệ thuật. Việc này được tiến hành mạnh mẽ nhất vào thời Phục Hưng. Các hình cơ bản như hình vuông, tròn, tam giác được dùng để xác định cơ cấu của cơ thể con người. Điều đó được tiến hành song song với việc nghiên cứu kiểu thực nghiệm và mô tả từ kết cấu xương gân, cơ bắp đến việc phủ làn da lên các kết cấu bên trong đó. Trong nghệ thuật cổ, đặc biệt trong nghệ thuật nguyên thủy ta thấy cơ thể người đã được quy về các khối cơ bản như khối trụ, khối cầu, khối tam giác v.v… ở tranh vẽ thiếu nhi, nhất là các em dưới 7 tuổi ta thấy rất phổ biến việc quy cơ thể người thành các khối cơ bản, hình cơ bản. Đầu là một hình tròn, thân là một hình tam giác hay chữ nhật, tay chân là các ống trụ hay các vạch thẳng.
Tuy nhiên, việc quy các phần cơ thể về các hình thường được tiến hành ở một hoặc hai diện, trong khi đó con người là vật thể đa diện trong không gian. Nhược điểm thứ hai của những cách này là việc quy về các hình cơ bản bỏ qua những chuyển từ hình này sang hình khác mà chính những chỗ chuyển này rất quan trọng, lại thuộc về bản chất vận động của các bộ phận, nơi thực hiện chuyển động của cơ thể.
Hình 26
Ở phương Đông, tượng phật cũng có chuẩn tắc, quy ước về hình tròn. Một đầu ba thân, rốn nằm giữa vòng tròn to hất ôm từ đầu tới hai ép gối của thế ngồi nhà Phật (xem hình 26). Ở đây ta thấy một tam giác cân trong một vòng tròn, làm lộ rõ một đặc điểm quan trọng của cơ thể là sự đối xứng qua trục thẳng đứng. Tuy nhiên tượng Phật là khối chứ không phải là hình bẹt, mâu thuẫn này dẫn tới sự khô cứng của tượng Phật ngồi nói chung, làm cho tượng phật ngồi luôn chỉ có một mặt chính. Nhìn từ các bên này hay từ phí sau của tượng Phật ít khi thấy đẹp và chuẩn như ở mặt chính. Nhiều khi ta thấy việc quy cơ thể người về khối trụ, các khối vuông hay khối hình thang là quá trình đi xa dần hình khối cơ bản. Song nếu đi từ quan hệ giữa các hình vuông, tròn, tam giác và từ các khối cầu, lập phương, tam giác ra hình và khối e-líp ta có thể kết luận rằng cơ thể con người quả là tập hợp của các khối cơ bản nhưng là một hợp thể biểu hiện tập trung ở dạng khối và hình e-líp.
Tóm lại, thiên nhiên phức tạp được quy về bốn khối cơ bản là cầu, lập phương, tam giác, quả trứng (hay giọt nước) và ba khối biến thể là trụ, nón và khối tháp. Cơ thể con người là hội tụ phức tạp và phong phú nhât của các khối trên, chúng biến hóa không cùng trong tổng thể của khối hình e-líp như đã nêu, cần có một môn cơ thể học không chỉ dựa vào xương, cơ, gân mà dựa vào phân tích các khối khi chúng vận động, biến thể khi đó ta mới có một môn cơ thể hay giải phẫu học nghệ thuật thực sự.
- Theo Nguyễn Quân -
>>> Không gian - Khối và Biến thể của Khối (Phần 1)
>>> Hình khối và chạm khắc Rồng thời Lý
>>> Khối trong yếu tố thị giác