Lịch sử và vai trò của phụ trang
I. Lịch sử phụ trang:
1. Phụ trang thời Tiền sử:
Tại xứ lạnh, những đôi giày đầu tiên làm bằng da thú quấn quanh chân hoặc khâu thành cái túi bọc chân.
Hình 1.2: Đôi sandal 10.000 năm
Ban đầu, có lẽ cắt tóc dành cho các nghi thức đặc biệt hoặc xén phăng khi lên đường đi săn. Hội đội những chiếc mũ lông thú để giữ ấm. Đồ trang sức được đeo từ 30.000 năm trước. Những chuỗi đeo cổ đầu tiên được xâu từ các hạt quả, vỏ, lông chim, xương và răng thú. Đồng thời người ta cũng dần biết cách chạm khắc đã thành đồ trang sức để làm đẹp hàng ngày.
2. Phụ trang thời Cổ đại:
Người Ai Cập cổ bện cỏ papyrus làm dép ngay từ khoảng 3.700 năm trước CN. Khoảng thế kỷ thứ nhất sau CN, người La Mã làm giày có mũ, đế lót và đế giày có đóng đanh cứng. Những đôi giày của họ hoàn thiện hơn mọi thứ đồ đi vào thời đó, nhưng sau khi đế chế này sụp đổ vào thế kỷ thứ 5, kỹ thuật làm giày của người La Mã mai một đi.
Hình 1.3: Sandal của người La Mã
Người Ai Cập cổ đội những mớ tóc giả lên đầu cạo trọc. Các Pharaong đội vương miện. Phụ nữ Hy Lạp tết, uốn hoặc nhuộm tóc. Binh lính đội mũ cứng bằng da hoặc đồng.
Hình 1.4. Phụ nữ Ai Cập
Hình 1.5. Phụ nữ Hy Lạp
Người ta phát minh ra các cách gia công kim loại. Vàng trở nên có giá trị hơn, một phần bởi nó dễ gia công và không bị xỉn màu. Một mẫu trang sức đẹp nhất bằng vàng còn sót lại được người Sumeria chế tác từ 4500 năm trước. Những chiếc bùa từ thời tiền sử vốn là vật quan trọng và người Ai Cập cổ thường buộc chúng vào nhẫn và các đồ trang sức khác. Tại Hy Lạp và La Mã cổ đại, đồ trang sức chất lượng cao nhất được làm từ vàng, bạc, điểm thêm là đá quý. Loại trang sức rẻ tiền làm bằng đồng, sắt thậm chí bằng chì nữa.
3. Phụ trang thời Trung cổ (Trung đại):
Tại Châu Âu, vào những thế kỷ sau đó, người ta đi giày giống như những đôi dép lê đơn giản, đó là loại giày may lộn theo kỹ thuật đóng giày vào thời đó. Vào thế kỷ 14, giày may lộn có dạng dài và hẹp, mũi nhọn. Đến thế kỷ tiếp theo, kiểu giày này chuyển sang giày mõm vịt mũi rộng. Đến cuối thời Trung cổ, giày may lộn được thay thế bởi một phương pháp đóng giày mới – giày may diềm.
Hình 1.6: Mẫu giày thời Trung cổ
Vào những năm 1100, phụ nữ đội mũ có khăn choàng, vua chúa, quý tộc đội vương miện và mũ miện nhỏ. Mũ có sừng cao một cách kỳ lạ và mũ có tháp chuông là thời trang thế kỷ XIII. Mũ của đàn ông thì ngắn, có ngù tròn và dày. Người đàn ông thời thượng quấn khăn trên đầu (bourrelet), trên đó có chỏm gọi là chaperon chụp lên.
Mãi đến cuối thời Trung cổ, vẫn ít người Châu Âu đeo hoa tai và vòng tay, dù trâm cài và vòng cổ đã phổ biến. Từ thế kỷ XIII trở đi, luật pháp ngăn cấm người bình thường sở hữu các trang sức quý. Ví tiền được buộc vào thắt lưng quanh eo và bao tay cũng phổ biến. Kỹ thuật cắt da quý phức tạp được nhập khẩu từ Ba Tư và Ấn Độ vào thế kỷ XIV.
4. Phụ trang thời Phục Hưng:
Ở Venice, phụ nữ chuộng một kiểu hài đế phẳng rất cao. Tại nơi khác, gót giày được gắn vào đế ủng đi ngựa để cho bàn chân móc vào bàn đạp. Các nhà quý tộc trong triều đi những đôi giày cao gót để tôn chiều cao và vị thế xã hội của mình. Nhưng đóng giày cao gót khó hơn nhiều. Để khắc phục các thợ giày đóng những đôi giày cả hai bên má đều thẳng, không phân biệt chân phải hay chân trái.
“Chopines” được ưa chuộng trong thế kỷ 15, 16 và 17
Đàn ông bắt đầu đội mũ phớt cứng. Khoảng 1530 mũ bonnet vành vòng xuất hiện. Tới cuối thế kỷ, phụ nữ quý tộc bắt đầu uốn tóc và cài đồ kim hoàn. Nữ hoàng Anh Elizabeth (1533-1603) tạo ra khuynh hướng đội mũ và đeo tóc giả màu đỏ.
Đồ trang sức xa xỉ và quần áo gắn đá quý được giới cung đình Châu Âu sử dụng. Trâm cài không được ưa chuộng nữa, trong khi đó hoa tai lại trở nên thời thượng vào cuối thế kỷ và những nhà quý tộc cả nam và nữ thường đeo. Những bà mệnh phụ cũng đưa đá quý và những đồ trang sức bằng vàng lên mái tóc của họ.
5. Phụ trang thế kỷ 17:
Tại triều đình Pháp, cả phụ nữ và đàn ông đều đi giày cao gót rất cao. Gót giày bằng có cùng hình dạng và được phủ cùng một thứ vải mịn giống như mũ giày. Đi ủng Cavalier là mốt của những nhân vật bảo hoàng ủng hộ nhà vua Charles I nước Anh (1600-1649). Ủng có dạng phễu, cao đến tận đầu gối và có mép gấp sâu. Đến triều đại Charles II (1630-1685), các loại giày cao gót lại trở thành thời thượng đối với đàn ông, bây giờ thường được trang điểm bằng nơ con bướm mềm và to.
Đàn ông thời thượng đầu thế kỷ XVII đội mũ capotian chóp cao. Sau này, nó trở thành mũ “đống đường” mà người Thanh giáo đội với mái tóc ngắn. Phụ nữ Thanh giáo mang mũ lưỡi trai giản dị. Giới quý tộc đội mũ chóp ngắn vành rộng trên bộ tóc dài và lượn song. Phụ nữ cài bím tóc và thắt nơ phía sau lưng.
Hình 1.8: Fontange và Capotain
Quạt gấp và bao tay dài trở thành những phụ trang chủ yếu và các phụ nữ giàu có bắt đầu che dù. Trâm cài lại trở thành mốt. Hoa và nơ là các chi tiết phổ biến đối với bất kỳ trang sức nào. Nam giới bát đầu thắt khăn nhỏ quanh cổ gọi là cravat.
6. Phụ trang thế kỷ 18:
Đàn ông sành điệu thích đi giày có khóa to cũng như ủng cưỡi ngựa màu đen dài và thẳng đứng. Mốt của phụ nữ thế kỷ này là giày cao gót, tuy nhiên khi loại áo chiết eo xuất hiện thì giày cao gót nhường chỗ cho dép đế phẳng.
Hầu như toàn bộ thế kỷ 18, phụ nữ phi dê (và cuộn thành búp xoăn bằng những kẹp uốn tóc tạo ra một phong cách phổ biến, tóc thường được bôi sáp và rắc bột trắng. Đàn ông thời thượng mang tóc giả đội thêm chiếc mũ ba sừng hoặc hai sừng. Vào cuối thế kỷ XVIII, loại bỏ tóc giả để có vẻ tự nhiên hơn, băng đô, khăn quấn và lông chim đà điểu là những đồ trang sức đầu tóc phổ biến đối với phụ nữ vào buổi tối.
Vòng đeo tay trở nên phổ biến và phụ nữ đeo cả một bộ trang sức gọi là parure. Cuộc cách mạng Pháp (1789-1799) đã quét đi sự xa hoa của giới quý tộc và Châu Âu “bị sốt” bởi khuynh hướng đơn giản. Đàn ông thôi không đeo đồ trang sức nữa, trừ nhẫn. Các bà sành điệu bắt đầu mặc váy dài giản dị, khó bảo vệ được trước thời tiết lạnh giá và không có túi, ví đựng tiền và túi xách, gọi là túi lưới trở thành thời trang. Một số quý ông bắt đầu che ô.
Hình 1.9: Giày Rococo thế kỷ 18
Hình 1.10: Giày cao gót thời vua Louis
7. Phụ trang thế kỷ 19:
Vào năm 1840, phụ nữ thường búi tóc thành từng búi với những lọn tóc xoăn rũ xuống ôm lấy khuôn mặt. Chiếc mũ Bonnet lưỡi trai được đội cùng với bộ váy rộng, đàn ông thời thường đội mũ chóp, thợ thuyền đội mũ dẹp. Vào cuối thế kỷ, kiểu tóc của phụ nữ được làm cao lên, những chiếc mũ rộng cũng trở thành mốt.
Giày của phụ nữ tiếp tục kiểu dáng đế phẳng cho tới nửa sau của thế kỷ. Ủng bắt đầu dùng khi cưỡi ngựa và đi lại ngoài trời. Vào những năm 1830, người ta đưa ra loại ủng có ống bằng chất dẻo và ngay lập tức trở nên thông dụng hằng ngày. Giày thể thao mũ vải bạt, đế cao su được dùng đầu tiên là loại đế mềm chơi quần vợt, được sản xuất những năm 1870. Từ giữa thế kỷ trở đi, nghề đóng giày có bước phát triển cách mạng do sáng chế ra máy móc đặc dụng. Đến cuối thế kỷ, các đôi giày mới lại được đóng, chiếc phải, chiếc trái cho phù hợp.
Các kiểu túi xách phụ nữ rất phổ biến và nam giới bắt đầu quàng khăn cổ. Kiềng là một loại vòng đeo cổ phổ biến và những phụ nữ giàu có đội khăn gắn đồ trang sức trong những dịp đặc biệt. Máy móc mới cho phép sản xuất hàng loạt các đồ trang sức rẻ tiền. Kẹp và vít được dùng để đeo hoa tai.
8. Phụ trang thế kỷ 20:
Những năm đầu thế kỷ đã có hàng loạt kiểu cách đa dạng để cho đàn ông lựa chọn và đến những năm 1920, giày leo núi đã trở nên phổ biến. Phong cách giày phụ nữ luôn biến đổi, khi bộ máy được nâng cao lên thì đôi giày cũng được chiêm ngưỡng hơn. Bộ váy áo ngắn đến đầu gối được mặc đi kèm với đôi giày kẻ sọc có gót trang trí.
Hình 1.11: Giày những năm 1920
Giày cao gót và gót nhọn được sáng chế giữa những năm 1950, trở thành một kiểu mốt lâu dài. Vào những năm 1960, những chàng trai sính mốt đi những đôi giày mũi nhọn hoắt. Thập niên này cũng là lúc nước Anh tung ra kiểu ủng Dr. Martens. Giày đế bằng trở lại thành mốt vào những năm 1970, và đến những năm 1980, nhờ những tiến bộ về chất liệu, tổng hợp và công nghệ đóng giày đã cho phép tạo ra loại giày thể thao công nghệ cao.
Vào những năm sau 1920, cả nam và nữ đều đeo đồng hồ, trong khi đồ nữ trang “giả” chỉ nổi lên vào những năm 1930. Việc sản xuất hàng loạt tiếp tục làm đồ trang sức sành điệu rất dễ kiếm, nhưng thế kỷ 20 cũng chứng kiến sự lên ngôi của các sản phẩm do các nghệ nhân kim hoàn sáng tạo ra. Từ những năm 1960 trở đi, lại một lần nữa, nam giới đeo trang sức là hợp thời trang. Từ những năm 1990, các phụ trang điện tử như điện thoại di động trở thành thiết yếu hơn bao giờ hết.
9. Phụ trang đầu thế kỷ 21:
Bước vào đầu thế kỷ XXI, các mốt phụ trang thay đổi theo mùa, các nhà tạo mẫu có điều kiện vay mượn ý tưởng từ các kiểu mẫu xa xưa lần hướng về tương lai. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực phụ trang ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng.
II. Vai trò của phụ trang:
1. Trong đời sống xã hội:
- Giúp bảo vệ một số bộ phận trên cơ thể người;
- Thể hiện quyền lực và địa vị xã hội;
- Góp phần tôn vinh vẻ đẹp con người;
- Góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người;
- Góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
2. Trong mối tương quan với trang phục:
- Giúp hoàn thiện bộ trang phục;
- Giúp tăng giá trị của bộ trang phục: giá trị thẩm mỹ và tinh thần
>>> Nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi trong thiết kế thời trang
>>> Chiếc cúc áo đã thay đổi thời trang như thế nào?
>>> Quy trình hình thành BST thời trang