Học mỹ thuật ở Tây Ban Nha khác với Việt Nam như thế nào?

 

Mình luôn có một thắc mắc bên châu Âu họ dạy và học mỹ thuật như thế nào, đặc biệt chương trình đào tạo cho người bắt đầu học ra sao, nó có khác gì, khác như nào so với đạo tạo mỹ thuật ở Việt Nam. Sau khi trao đổi với Rosie Nguyễn, một cô bạn đã học mỹ thuật ở Việt Nam sau đó qua Tây Ban Nha theo học ở Học viện nghệ thuật Barcelona (đào tạo theo lối hàn lâm), mình đã xin phép tác giả để chia sẻ những trao đổi của bạn ấy với mình đến đông đảo bạn bè quan tâm tới vấn đề này.

Hỏi: Một người BẮT ĐẦU học vẽ sẽ học gì?

Đáp: Chép tranh Bargue ạ. Cụ thể lịch ở trường đối với kì 1 năm nhất là như sau: Sáng vẽ người (hay còn gọi là "long pose") từ 10h sáng đến 1h chiều, cứ 20' lại short break - nghỉ ngắn 5', đến 11h20' thì nghỉ dài - long break trong 15', nghỉ ăn trưa từ 1 - 2h chiều, 2h chiều - 5h chiều - chép Bargue. Cả 2 bài sáng chiều này đều vẽ bằng chì, chủ yếu dùng bút chì HB và 2B (chưa bao giờ dùng đến chì 6B hay 8B).

Hỏi: Chương trình học Hình họa cơ bản như thế nào? Có giống bên Việt Nam là vẽ các khối cơ bản, rồi đến tĩnh vật rồi lên tượng sau đó mới đến người không?

Đáp: Có duy nhất khối cầu là được dạy trong lớp "Light and Form makeup" vào sáng thứ 6 (thứ 6 là ngày học linh tinh, mang tính thư giãn là chính), mỗi học sinh sẽ tập vẽ khối cầu, đánh bóng để diễn tả khối và bóng đổ của khối cầu. Bước đầu tiên cho người bắt đầu học vẽ là chép Bargue như em đã trả lời (sơ sơ) ở trên. Trình tự cụ thể sẽ như sau:

- 1. Vẽ 2 bài Bargue bằng chì (gót chân và lưng).

- 2. Vẽ 1 bài Bargue bằng than trên giấy Roma (10eu/ tờ khổ A2, hỏi thầy giáo: sinh viên tập vẽ thì sao phải dùng giấy đắt vậy? thầy bảo đây là truyền thống rồi, mình đã học theo trường theo phương pháp truyền thống thì m phải mua giấy theo kiểu truyền thống).

- 3. Master copy: chép 1 bức tranh được in trên giấy khổ A3 bằng than (bắt đầu từ bài master copy này mà em phát hiện ra khả năng là thích đi chép các bức master copy, nguyên 1 kì 3 ròng rã đi quanh trường lựa tranh mình thích và cho ra đời 5-6 bức master copy).

- 4. Vẽ tượng bằng than trên giấy Arches trắng:

* Bài 1: vẽ tượng đơn giản (học sinh tự chọn 1 trong 4 tượng: mắt, mũi, miệng, tai).

* Bài 2: vẽ đầu tượng bằng than (kể từ khi pass bài Bargue bằng than thì các bài sau này đều dùng than hết, không dùng chì nữa).

- 5. Vẽ tượng bằng than và phấn trắng (white chalk) trên giấy được nhuộm (?) bằng mực (Toned paper with Indian ink).

* Bài 1: tượng đơn giản như tượng đầu gối chẳng hạn

* Bài 2: tượng cỡ lớn, có thể là đến gần 1m

- 6. Vẽ tượng bằng màu dầu.

* Bài 1: tượng đơn giản với 2 màu trắng đen.

* Bài 2: tượng phức tạp hơn chút với tấm vải màu làm nền, ngoài 2 màu trắng đen thì được dùng thêm màu cho tấm vải đó nữa.

- 7. Vẽ tĩnh vật (still life) bằng màu dầu .

- 8. Vẽ chân dung bằng màu dầu (giới hạn số lượng màu, chỉ dùng khoảng 5 màu).

- 9. Vẽ tự hoạ bằng màu dầu.

- 10. Vẽ 1 bức to hòanh tráng toàn thân (người mẫu được tự chọn) bằng màu dầu.

Tất cả số 1 đến 10 là những buổi học vào buổi chiều từ năm 1 đến năm 3.

Còn buổi sáng, sau một vài bài vẽ người trên giấy khổ A4 (áp dụng pp Sight size), sẽ chuyển sang một bài A3, rồi A2 (mỗi bài 1 tuần), rồi giấy A1 (bỏ chì đi để chuyển sang than), với các bài A4, A3, A2 thì dùng giấy bình thường, nhưng kể từ bài A1 với than sẽ chuyển sang dùng giấy Arches cold pressed và hoàn thành bài trong vòng 5 tuần + 2 ngày (thêm 2 ngày bởi lẽ 1 kì kéo dài 11 tuần), bét nhất thì dùng loại giấy Arches 180gsm (khoảng 4eu/ tờ). Đến bài vẽ người thứ 6 thì sẽ được chuyển sang vẽ với toned paper và white chalk, sau 2 bài thì chuyển lên vẽ bằng màu dầu, kể từ đó thì vẽ người bằng màu dầu đến hết khoá, mỗi bài vẫn kéo dài trong 5 tuần+ 2 ngày.

Hỏi: Phương pháp “Sight_Size”(Vẽ theo tỉ lệ 1:1) nhìn thế nào vẽ thế đó liệu những người mới học dễ bị sai cấu trúc và tỷ lệ không?

Đáp: Mới học không tránh khỏi sai cấu trúc và tỉ lệ, bản thân em kì 1 vẽ rất ngớ ngẩn, đến kì 2 mới dần dần hiểu. Pp Ss thực sự có hiệu quả trong việc luyện mắt sao cho nhìn bản vẽ và mẫu có thể nhận biết ngay điểm sai ở bản vẽ, cần sửa ở vị trí nào. Việc vẽ trục ngang trục dọc, ở đây có áp dụng anh nhé. Để tránh sai cấu trúc tỉ lệ, thường, sau khi áp dụng Ss (tìm ra những điểm quan trọng như: vị trí đỉnh đầu, cằm, pit of the neck (hõm xương lõm ở chính giữa dưới cổ), nipples (đầu ti), chân ngực, V line, vị trí bàn chân), ta phải xây dựng cấu trúc "block in" (cái "hộp" bao quát toàn bộ dáng hình). Để tránh sai tỉ lệ, ngoài áp dụng pp Ss còn cần áp dụng pp so sánh tương quan tỉ lệ (tự đặt câu hỏi như: đầu so với thân có bị to quá ko? chân tay so với thân có bị dài quá ko?..) Để tránh sai cấu trúc: xây dựng 1 "block in" cho cứng cáp đã rồi hãy đi vào chi tiết, dùng dây rọi hoặc nhìn vào cạnh của bảng vẽ để kiểm tra các điểm trùng nhau (phải đảm bảo rằng giá vẽ đã được setup 90* thì mới nhìn vào cạnh bản vẽ thay cho việc dùng dây rọi)

Hỏi: Các bước vẽ đậm nhạt?

Đáp: Sau khi hòan thành block-in và chi tiết, ta đi vào các bước sau:

Bước 1: Phủ 1 lớp "flat value" (lớp bóng nhẹ, ko đi quá đậm ở bước này) để diễn tả khối bóng chính. Nghe có vẻ dễ phải ko ạ? Tuy nhiên, quyết định xem giới hạn giữa sáng và tối (đường bóng- shadow line) thường gây bối rối cho người vẽ. Một khi đã xác định tone sáng tối cho bài vẽ, cần phát hiện và phân chia chính xác giữa sáng và tối (đây là nhiệm vụ chính!) Nếu thấy khó phân biệt quá, ko biết làm sao thì có 2 khả năng: 1. Tone này phải thuộc về mảng sáng; 2: tone này thuộc về mảng tối. Nếu có bóng phản quang (reflected light) thì hãy coi cái tone đó là tone tối, đừng cố diễn tả độ sáng trong tối của bóng phản quang ở bước này. Sẽ mất kha khá thời gian tập luyện kĩ năng để ta nhận biết được sáng tối. Để hiểu rõ, ta cần phải hiểu hướng đi của ánh sáng và hướng hình thành nên phom của vật thể. Bất cứ vùng nào nhận được ánh sáng trực tiếp từ nguồn ánh sáng thì thuộc về mảng sáng, mà vùng nào không nhận được ánh sáng thì ta xếp nó vào mảng tối.

Bước 2: Xác định chỗ sáng nhất, tối nhất. Cách để bài trông ổn định (sáng tối hài hòa, không phải tối thì quá tối, sáng thì quá sáng - như thể bóng bị cháy sáng) là "nén" sáng với tối lại. Ở bước này, cần bắt đầu tìm trung gian sáng (midtones), trung gian tối (dark mid tones). Sau đó đẩy tối ở những mảng trước đó đã xác định là mảng tối. Bằng cách này, ta giữ bài có độ chuyển dần đều, mọi thứ trong tầm kiểm soát. Nhớ rằng đi từ tối trước sáng sau.

Bước 3: Đã dần tới bước hoàn thiện, nên chậm tốc độ dần. So sánh những chi tiết nhỏ trên bản vẽ so với mẫu, liệu rằng đã chính xác về tỉ lệ chưa? và độ đậm nhạt thế đã ổn chưa? Đây là bước tạo hiệu ứng 3D cho bức vẽ, sử dụng chì nhạt như HB hoặc H để diễn tả độ chuyển sao cho thật tinh tế. Luôn so sánh bóng đậm nhạt ở các vị trí để khiến bức vẽ trông thật với mẫu nhất có thể. Trong lúc thêm trung gian sáng, cần tránh để phần sáng bị bẩn.

Bước 4 và cũng là bước cuối cùng: Đánh nền! Nhờ có lớp nền này mà mẫu nổi bật lên, càng thể hiện cái độ 3D. Có 1 số phần tối, để hòa với nền luôn đi ạ, chứ ko nhất thiết là phải giữ cái đường ranh giới cứng thô làm gì, ở đây ta chơi trò "lost and found", qua vài bài bỡ ngỡ, sau 1 thời gian nhìn lại thành quả, sẽ thấy thú vị lắm đấy ạ!

Hỏi: Cách đánh bóng? đan nét ô mắt cáo, di nét hay đan nét tự do?

Đáp: Đan tự do ạ tuy nhiên cần tránh để chì bị vón, bị lầy, khiến bài trông bẩn. Đối với than, tránh di mạnh tay, làm "chết" giấy, giấy chết không thở được nên sẽ bị lì, trông không đẹp và không tạo được độ chuyển 3D. Ah, và 1 điểm nữa là tuyệt đối không bao giờ dùng ngón tay để di bóng! Vì dầu ở tay là nguyên nhân làm lì chì/ than, trông sẽ bị bẩn bài.

Bài đã dài, có 1 số từ em phải chêm vào cả tiếng Anh và tiếng Việt, vì nó là từ "key", để các anh chị quen luôn với thành ngữ, các cháu đi học nước ngoài chả cần sợ không hiểu hết lời giáo viên giảng, cứ bắt được mấy từ key là hiểu nguyên cả câu rồi ạ

Một số hình ảnh về Học viện nghệ thuât Barcelona

hoi hoa 1

Bài chép Bargue của Rosie

hoi hoa 2

hoi hoa 3

Phương pháp vẽ Sight-size trung bình vẽ từ 6-8 tuần

hoi hoa 4

Vẽ đúng tỷ lệ 1:1

hoi hoa 5

hoi hoa 6

hoi hoa 7

hoi hoa 8

hoi hoa 9

hoi hoa 10

hoi hoa 11

hoi hoa 12

hoi hoa 13

hoi hoa 14

hoi hoa 15

hoi hoa 16

- Theo Dang Hiep -

>>> Dạy vẽ mỹ thuật hiện nay có gì khác?

>>> Hình họa - Cơ bản

>>> Màu sắc trong hội họa (Phần 1)

0976984729