Khái niệm về hình vẽ đúng và sự lọc hình
Trong đánh giá khả năng vẽ hình ở trình độ cao, người phân chia khả năng vẽ hình ra hai cấp độ khác nhau: Hình vẽ đúng và hình vẽ thông minh.
1. Hình vẽ đúng: Gọi là hình vẽ đúng khi nó hội tụ đủ hai yếu tố: tính trung thực, tính khoa học và tính thẩm mỹ (còn gọi là tính nghệ thuật).
* Tính trung thực chính là “vẽ thật giống” với “người mẫu”.
- Giống hình dáng, tương quan tỷ lệ, lứa tuổi ở dạng tổng quan;
- Giống về tư thế, động tác của người mẫu;
- Giống về dung mạo, chân dung.
Hơn nữa, ở đây nó còn có mối quan hệ chặt chẽ với tính khí, thị hiếu khả năng thụ cảm, mức độ rung động, trình độ tay nghề kèm theo khả năng sử dụng chất liệu diễn tả của người vẽ. Nói cách khác, người vẽ phải nêu được cảm xúc chân thật của chính mình thông qua hình vẽ.
* Tính khoa học thể hiện ở phương pháp quan sát, phương pháp tư duy, sự hiểu biết về cơ thể học, luật viễn cận quy trình diễn tả, thể hiện, thao tác kỹ thuật.
Qua nắm chắc được hai mối tương quan nói trên, chúng ta cần phải biết đặt và so sánh thật tinh tế, linh hoạt cả hai mối tương quan trong toàn bộ hình vẽ từ tổng thể chung đến các bộ phận và toàn bộ cái không gian, diện tích cụ thể của tờ giấy dùng để vẽ. Nếu chúng ta không hiểu và đặt các mối quan hệ thực tế này một cách đúng mức thì dễ sa vào tình trạng chép giống một cách nguyên xi làm cho hình vẽ như là một bản sao thứ hai về đối tượng được vẽ (điều dĩ nhiên vẽ từ đặc điểm tương quan tỷ lệ về cấu trúc cơ thể học).
Ở đây chúng ta phải hiểu rằng trong khái niệm “vẽ giống với người mẫu” là thể hiện được yêu cầu về sự trung thực chủ yếu về: thế dáng, động tác, tương quan tỷ lệ, cấu trúc cơ thể học, lứa tuổi, dung mạo của người mẫu là những yêu cầu cao nhất. Còn yêu cầu về hệ thống, tương quan ánh sáng với thì ở mức độ tương đối chứ không cần giống tuyệt đối, nghĩa là chúng ta chủ yếu thể hiện đúng mối tổng hòa về sắc độ tương ứng với các tỷ lệ đậmnhạt ở trên người mẫu chứ không phải giống hoàn toàn 100%, chính cá tính của mỗi người vẽ được bộc lộ qua chỗ này (có thể diễn bóng đậm hay nhạt hơn một tí).
Thí dụ tương quan tỷ lệ giữa sáng tối trên mẫu là 5/10 thì chúng ta có thể diễn tả với tương quan tương tự là 4,5 / 9 hay 4 / 8. Bởi lẽ có người lúc nào cũng thể hiện bóng đậm đen nhưng có người thì ngược lại. Do đó, chúng vẽ giống là giống, trung thực với tỷ lệ tương quan.
Các mối quan hệ hữu cơ ấy biểu lộ nhận thức thật khoa học của người vẽ.
Tính thẩm mỹ thể hiện ở sự thông minh trong diễn tả, nói lên tính chất tinh lọc hình tượng, trình độ cao về kỹ xảo, khả năng nhấn nhá, buông lửng và đường nét của bóng khi diễn tả. Nhưng mỗi người có khả năng tay nghề khác nhau, cho nên thể hiện mức độ thẩm mỹ khác nhau. Điều này thể hiện thị hiếu, trình độ thẩm mỹ. Có người vẽ hình bằng nét rất đẹp, cũng có người vẽ hình rất đẹp với điều kiện có diễn tả bằng các độ bóng.
2. Hình vẽ thông minh: Là thuật ngữ đề cập tới khả năng diễn tả độc đáo về đối tượng được phản ánh một cách sâu sắc và có khả năng truyền cảm tốt trên cơ sở thể hiện trình độ tinh lọc hình nét của người vẽ. Nghĩa là người vẽ tước bỏ toàn bộ những phần không cần thiết một cách tối đa, thậm chí bỏ lỏng hay bỏ trống một số phần. Ở mức độ cao thì tính thẩm mỹ này bao hàm cả tính chân thật của xúc cảm người vẽ.
Tính thông minh phải đi đối với sự xúc cảm chân thực của người vẽ thì nó mới có khả năng tác động mạnh mẽ. Có kỹ xảo mà thiếu sự rung động thì khó có thể diễn đạt những hình vẽ gợi cảm được.
Nên nhớ rằng ý nghĩa của sự trung thực phải được hiểu qua hai yêu cầu cơ bản như sau:
- Trung thực là phải vẽ thật giống với đặc điểm của người mẫu, ý nghĩa của yêu cầu “vẽ giống” ở đây là phải được thể hiện thông qua sự cân nhắc, tinh lọc hình tượng có một phần sáng tạo theo cái riêng của người vẽ chứ không phải chép giống như máy ảnh.
- Trung thực là sự thể hiện đúng theo cảm xúc thật của người vẽ trong suốt quá trình quan sát, nghiên cứu và thể hiện.
Điều quan trọng bậc nhất là phải vẽ giống người mẫu còn vẽ có thể hiện được cảm xúc của người vẽ chỉ thể hiện ở giai đoạn sau, khi mà người vẽ đã giỏi về tay nghề.
3. Khả năng lọc hình:
Lọc hình là tinh lọc hình tượng mà chính mỗi người vẽ (vẽ phản ánh người mẫu của mình) được thể hiện trong hình vẽ thông qua tài năng riêng.
Sự tinh lọc nghĩa là “lược bỏ bớt”. Bỏ bớt đường nét dùng để vẽ, để diễn hình; bỏ bớt những mảng bóng, độ bóng không cần thiết. Như vậy, việc tinh lọc được tiến hành sau khi chúng ta vẽ nghiên cứu thật tỉ mỉ và tiến hành sự giản lược hóa (không phải sơ lược), bỏ bớt để giữ lại phần tinh túy nhất của hình.
Chúng ta tâm niệm rằng một trong những đặc điểm của việc nghiên cứu một cách nghiêm túc không loại trừ sự tinh lọc về đối tượng để nắm được đặc điểm của đối tượng từ cấu trúc đến các yếu tố biểu hiện đặc điểm khác như đã nói ở phần đặc điểm trên.
Ý nghĩa của sự tinh lọc không giống với sự đơn giản hóa đối tượng bởi lẽ nó bao hàm cả sự tinh tế, tế nhị. Vẽ là không sao chép một cách máy móc, không phải là thực hiện một bản sao thứ hai về đối tượng mà nó là sự nghiên cứu để phản ánh đối tượng theo cảm xúc, cách nhìn (chọn vị trí vẽ), thị hiếu thẩm mỹ, trình độ tay nghề.
Lọc hình phải gắn liền với sự am hiểu về đặc tính của các loại đường nét, hiểu được tinh thần, đặc điểm của phái tính, lứa tuổi của người mẫu để dùng loại đường nét diễn đạt thích hợp. Ở người già, da nhăn nheo, xương xẩu; nam thanh niên thì lực lưỡng, cơ bắp rắn chắc, thiếu nữ thanh mảnh, mềm mại, mũm mĩm…
Chúng ta phải dùng loại đường nét thích hợp để diễn đạt các phái tính, lứa tuổi ấy cho phù hợp. Thí dụ: đối với người già chúng ta có thể dùng loại đường nét gãy vụn; thanh niên rắc chắc ta có thể dùng loại đường nét mạnh khỏe, dứt khoát; thiếu nữ mềm mại, chúng ta có thể dùng các đường cong lượn thật thanh nhã, mềm mại để diễn tả.
Lọc hình phải dựa trên cơ sở hiểu được cấu trúc xương cơ, sự chuyển biến bên trong của nó tạo thành sự thay đổi ở ngoại hình; phải hiểu rõ và độ nhô, độ nở, độ căng, độ mềm, độ nhão, độ chảy của khối; phải hiểu được khả năng lại thành một chu trình khép kín. Vì nếu khi đánh bóng một lượt mà chúng ta không dùng nét để củng cố ngay lại hình cho đúng, cho phù hợp với độ đậm nhạt của bóng theo từng vùng thì dần dần hình sẽ bị lu mờ, xộc xệch.
Trước khi tiến hành lọc hình chúng ta cần phải hiểu rõ những đặc điểm tính chất của đường viền (contour). Có như thế thì trong thực hành diễn tả mới hợp lý, tinh tế, hiệu quả.
Sau đây chúng ta tìm hiểu sơ nét về tính chất của đường viền: Có 2 loại
- Đường viền của hình: với ý nghĩa là đường bao (outline) của mặt phẳng (surface) hai chiều. Đường viền của hình là đường chu vi nhằm giới hạn diện tích bên trong và diện tích bên ngoài. Thí dụ chúng ta vẽ một hình vuông như vậy bốn cạnh của nó cũng chính là đường viền, đường bao giới hạn bên trong hình vuông với bên ngoài.
- Đường viền của khối: với ý nghĩa “lớp vỏ cực mỏng” một đối tượng hình khối đầy đủ. Nó giống như ranh giới giữa “không gian bên trong” của khối với “không gian bên ngoài” của khối. Đường viền của khối là lớp vỏ của một đối tượng có hình khối rõ ràng được hiển thị như là một nét vẽ. Nó nhằm giới hạn cái khối, thể tích, chất liệu bên trong với không gian bên ngoài giống như vỏ trái banh khi chưa bơm và sau khi bơm. Sự thay đổi đối tượng đường viền của khối tùy thuộc vào độ nở của thể tích bên trong và sự tác động của ánh sáng mạnh hay yếu, chiếu thẳng hay xiên…
Đường viền được diễn tả bằng các nét vẽ tùy theo góc nhìn, tầm nhìn, khoảng cách cụ thể của người vẽ cho nên đường viền (như là một nét vẽ) luôn luôn chạy quanh dáng dấp bên ngoài của đối tượng lúc rõ lúc mờ.
Trong bài hình họa thì chúng ta phải hiểu và diễn tả đường viền ở góc độ là lớp vỏ của vật thể ba chiều nghĩa là lúc nó ẩn lúc hiện. Vì thế, khi vẽ chúng ta không nên diễn tả nó (đường viền) với nét vẽ có độ lớn đều đặn như là một sợi kẽm mà phải dùng nét vẽ gợi nhẹ lúc ẩn, lúc hiện chứ không diễn tả một cách khô cứng hoăc có khi dùng độ bóng đậm của nền để tách hình và đường viền ra khỏi nền (lúc này đường viền không có nét).
Chúng ta phải diễn tả đường viền một cách sinh động… làm cho khối bên trong (nội không) của vật thể, của đối tượng có sự giao hòa với không khí bên ngoài của người mẫu… trên cơ sở hiểu rõ cụ thể mà chúng ta diễn tả nó bằng sự nhấn, buông của từng nét vẽ theo vị trí thích hợp.
Như vậy, lọc hình có nghĩa là sự diễn tả một cách hợp lý về các độ đậm nhạt, lớn nhỏ, rõ mờ, lúc nhấn, lúc buông, lúc tả, lúc gợi các đường viền của đối tượng bằng những nét vẽ đầy sinh động. Có như vậy thì nội không (bản thân đối tượng) và ngoại không (môi trường, không khí xung quanh của đối tượng ấy) hòa hợp với nhau một cách tuyệt vời và hình vẽ lúc ấy tạo được sự sinh động đúng mức.
Cho nên lọc hình tốt phải đi đôi với sự chuyển bóng tối, làm cho hình và bóng là một thể thống nhất diễn tả được khối một cách đúng mực. Vì nếu lọc hình không tốt thì hình vẽ bằng trở nên khô cứng. Vì hình vẽ trong hình họa là sự tái hiện, phản ánh lại đối tượng vốn có hình khối trong không gian ba chiều trên mặt giấy phẳng mà hình vẽ ấy bắt buộc phải gợi được ảo giác về chiều sâu theo cảm xúc, thị hiếu người vẽ; hình vẽ ấy còn phải gây cho người xem cảm giác về sự thăng bằng trong các độ bóng sáng tối.
Ký họa toàn thân
>>> Bóng của các khối hình học cơ bản