Chất dân gian trong nghệ thuật tạo hình phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân

1. Ảnh hưởng của yếu tố tranh Đông Hồ, Hàng Trống trong sáng tác của Ngô Mạnh Lân 

Tính dân gian là một giá trị luôn được đề cao trong văn hóa nghệ thuật nói chung, cũng như trong nghệ thuật tạo hình phim hoạt hình của đạo diễn Ngô Mạnh Lân nói riêng. Tính dân gian là một cụm từ bao hàm nghĩa khá rộng, biểu hiện cụ thể ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đời sống văn hóa, tinh thần, biểu hiện ở những phong tục tập quán, quan niệm, tâm lý, tính cách… Trong văn học, tính dân gian biểu hiện ở ngôn từ, chữ viết…; trong âm nhạc, tính dân gian biểu hiện ở làn điệu, ca từ…; còn trong phim hoạt hình tính dân gian biểu hiệu ở nghệ thuật tạo hình nhân vật, bối cảnh. Như vậy tính dân gian biểu hiện tùy thuộc vào ngôn ngữ của từng lĩnh vực, từng loại hình nghệ thuật.  Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng  tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ. So với các dòng tranh khác, tranh khắc gỗ Đông Hồ được nhắc đến khá nhiều trong các loại hình văn hoá nghệ thuật. Nó đã đi vào thơ ca, nhạc họa như một niềm cảm hứng bất tận, trở thành di sản văn hoá quý báu, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. 

hoat hinh 9

Trong tranh Đông Hồ, phương tiện biểu hiện chủ yếu là đường nét và bố cục. Nghệ nhân thể hiện trên tranh những ước mơ, những suy nghĩ về cuộc sống, những sự tích lịch sử, những truyện ngụ ngôn, những sinh hoạt đời thường... Tính giả định, ước lệ của tranh hoàn toàn giống với nghệ thuật sân khấu Chèo khi các diễn viên ra diễn trên 1 chiếc chiếu ở sân đình, mọi đồ vật, đạo cụ, bối cảnh để diễn xuất chỉ mang tính giả định, ước lệ. Tính giả định ấy với cách tạo hình cùng cái “hồn” chân chất, thôn dã trong tranh Đông Hồ rất phù hợp với đặc trưng nghệ thuật và phương thức sản xuất của phim hoạt hình và đã ảnh hưởng không nhỏ tới nghệ thuật tạo hình trong phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân. Không ít phim hoạt hình của ông cũng được tạo hình theo phong cách này đặc biệt như các phim: Mèo con, Trê Cóc  Con sáo biết nói, Thạch Sanh…

tao hinh 7
Phim Mèo Con (1965)

tao hinh 1
Phim Trê Cóc (1994)
Nguồn: Ngô Mạnh Lân (2008), Chặng đường phim hoạt hình, NXB Mỹ thuật

hoat hinh 4
Phim Thạch Sanh (1976)
Nguồn: Ngô Mạnh Lân (2008), Chặng đường phim hoạt hình, NXB Mỹ thuật

Trong phim Mèo con (1965), Trê Cóc (1993)... của đạo diễn Ngô Mạnh Lân có thể thấy rõ nét ảnh hưởng của yếu tố tranh dân gian Đông Hồ với phong cách diễn tả bố cục, tạo hình bối cảnh không gian phông nền, tạo hình nhân vật có những đường nét, mảng miếng, màu sắc, ánh sáng rất giống với tạo hình của tranh dân gian Đông Hồ hay tranh Hàng Trống.

hoat hinh 6
Phim Chuyện ông Gióng (1970)
Nguồn: Ngô Mạnh Lân (2008), Chặng đường phim hoạt hình, NXB Mỹ thuật

Trong phim hoạt hình búp bê Chuyện Ông Gióng  (1970), ở trường đoạn Thánh Gióng là một cậu bé 3 tuổi, đạo diễn Ngô Mạnh Lân đã sử dụng lối nhìn đơn giản, khái quát của tranh dân gian Đông Hồ trong bố cục, lớp cảnh, đạo cụ, để khán giả tập trung vào hình ảnh Thánh Gióng gần gũi mà hiên ngang. Có thể nói các phim của Ngô Mạnh Lân luôn mang đậm chất dân gian và bản sắc dân tộc Việt Nam.

2. Chất dân gian trong nghệ thuật tạo hình không gian, bối cảnh trong sáng tác của Ngô Mạnh Lân        

Trong phim hoạt hình thì công tác tạo hình không gian, bối cảnh là vô cùng quan trọng, bối cảnh là nơi diễn ra câu chuyện và các nhân vật sẽ diễn xuất trên bối cảnh đó, bối cảnh trong phim trong phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân luôn mang đậm chất tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ. Trong tranh dân gian Đông Hồ họa sĩ vẽ tranh chỉ mang tính giả định và ước lệ, nghệ nhân vẽ tranh dàn dựng hình vẽ bố cục tranh trên mặt phẳng, có thể không tuân theo quy luật xa gần trong hội họa mà vật quan trọng thì vẽ to, vật bình thường thì vẽ nhỏ và giản lược tối đa những chi tiết rườm rà không cần thiết, vì thế tranh dân gian của chúng ta rất phóng khoáng, giản dị, súc tích và hài hòa. Trong phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân cũng vậy, bối cảnh, không gian trong phim của ông cũng cũng được vẽ giản lược tối đa những chi tiết không cần thiết mà chú trọng vào bối cảnh chính, đồ vật chính và nhân vật chính, tạo cho người xem sự tập trung vào câu chuyện và những cảnh vật chính mà tác giả muốn mang đến cho người xem, phương thức tạo hình không gian bối cảnh đó mang tính giả định, ước lệ, điển hình như các phim Mèo con, Ông trạng thả diều,  Âu Cơ - Lạc Long  Quân,  Bài ca trên vách núi, Trê cóc... Như ở phim Mèo con là một phim đen trắng, tuy có gợi hình về không gian bối cảnh, nhưng cái chính vẫn là hình thể và đường nét trên mặt phẳng hai chiều, sắc độ của các mảng hình rất hạn chế, cô đọng, hình khối chỉ có đen, xám, trắng, không có khối, không có xa gần rõ rệt. Cách xử lý như vật đã mang lại sự duyên dáng, sinh động và mang đậm bản sắc tranh dân gian. Ở phim màu Ông trạng thả diều, phần tạo hình bối cảnh được xử lý theo mối tương quan màu sắc rực rỡ, tươi trong của giấy quét màu phẩm, còn hình lại xây dựng theo dáng dấp của hình vẽ dân gian, với mảng hình giản dị, khỏe khoắn, đường nét vạm vỡ, đôi khi thô vụng nhưng lại rất đáng yêu. Ở phim Âu Cơ - Lạc Long Quân, phần kỹ thuật được thể hiện theo kỹ thuật vẽ màu nước, sử dụng cách vẽ hoen màu tạo sự phong phú về sắc độ, đem lại cảm giác mềm mại và thi vị, gây được hiệu quả về không gian, có thể nói đó là tiếng nói của nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam, bộ phim Bài ca trên vách núi của Ngô Mạnh Lân thì lại thể hiện theo bảng màu sơn mài với những hòa sắc thắm sâu, rực (đen, vàng, đỏ, nâu, xanh lam...) tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế. Trong bộ phim Trê cóc của Ngô Mạnh Lân chúng ta có thể nhận ra ngay phong cách tạo hình của dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống... với những tạo hình bối cảnh hết sức giản dị và mang đậm chất làng quê Việt Nam.

hoat hinh 2
Phim Phép lạ hồi sinh (1995)
Nguồn: Ngô Mạnh Lân (2008), Chặng  đường phim hoạt hình, NXB Mỹ thuật.

Trong phim của Ngô Mạnh Lân sự gợi tả không gian phông nền được họa sĩ cực kỳ chú trọng. Trong phim Mèo con các họa sĩ đã thể hiện bối cảnh phim theo cách nhìn của hoạt họa với lối cách điệu nhẹ nhàng, đơn giản. Thiên nhiên ở đây cũng cần có nét riêng với cái sân gạch rực nắng, mảnh vườn có đống rơm, bụi chuối, hàng cau, vườn mía... Trong bếp thì bối cảnh cũng phù hợp với tạo hình nhân vật với những đồ vật quen thuộc với người Việt Nam như khung cảnh gian bếp thì có kiềng, có chạn bát, cối xay... Khiến cho khán giả khi xem phim có thể liên tưởng đến phong cảnh quê hương, nông thôn Việt Nam qua việc thiết kế bối cảnh phông nền, không gian của họa sĩ phim hoạt hình.

 Trong phim Chuyện ông Gióng , Ngô Mạnh Lân lấy cốt truyện cổ tích Thánh Gióng của Việt Nam, Thánh Gióng là một chú bé lên ba, khi giặc đến xâm lược nước ta, Gióng được nuôi dưỡng bằng cơm với cà, lớn vụt thành dũng sĩ oai nghiêm cƣỡi ngựa sắt diệt giặc Ân, cuối cùng Gióng lên núi Sóc, quay chào quê hương rồi bay thẳng lên trời... Hình tượng kỳ vĩ của Gióng cùng với phương pháp làm phim hoạt hình búp bê, Ngô Mạnh Lân đã tạo ra được bối cảnh phim với hình ảnh làng quê Việt Nam, vì là phim búp bê nên họa sĩ đã dựng được cả bối cảnh không gian như thật với đầy đủ ánh sáng và chiều sâu.

Các phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân có sử dụng bối cảnh phông nền không gian với chất liệu là tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống như các phim như: Mèo con  Bài ca trên vách núi, Buổi sáng yên tĩnh, Thạch Sanh, Ông trạng thả diều... những bộ phim này đã đạt hiệu quả cao vì trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống thì bối cảnh được dàn dựng bố cục trên mặt phẳng, bất chấp xa gần, vật quan trọng thì vẽ to, vật bình thường thì vẽ nhỏ, không hoặc rất ít tả bối cảnh, chỉ gợi vị trí, không gian hoạt động của nhân vật miễn sao tạo được sự nhịp nhàng trên tờ giấy, vì thế bức tranh rất xúc tích, phóng khoáng, giản dị và hài hòa. Chẳng hạn như phim Mèo con (phim đen trắng) tuy có gợi hình về không gian bối cảnh, nhưng cái chính vẫn là hình thể, đường nét trên mặt phẳng hai chiều, sắc độ của các mảng hình rất hạn chế, cô đọng, hình cảm giác như không có khối, không tạo xa gần rõ rệt nhưng vẫn mang nét đặc trưng dân gian Việt Nam.

Có thể nói rằng, phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân với những cách tạo hình không gian, bối cảnh như trên đã mang được một dáng vẻ riêng, tươi sáng và đằm thắm, giản dị và súc tích, mang đậm tính dân gian Việt Nam và hoàn toàn không giống với phim nước ngoài.

3. Chất dân gian trong nghệ thuật tạo hình nhân vật trong sáng tác của Ngô Mạnh Lân

* Ngoại hình và tính cách nhân vật: Cũng như tạo hình bối cảnh, không gian thì tạo hình về ngoại hình và tính cách nhân vật trong phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân có thể nói mang đậm chất dân gian. Với lối diễn hình vững vàng, chỉn chu, cách điệu Ngô Mạnh Lân và các họa sĩ đã có những nét vẽ phóng khoáng, cách điệu vừa phải, trông đáng yêu và gợi được những nét riêng về tính cách.

Ở bộ phim Mèo con do Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn, họa sĩ Hữu Đức đã xây dựng nhân vật mèo con, chị chổi, bác Nồi đồng, Cóc tía... có sự cách điệu vừa phải, trông đáng yêu và có tính cách riêng. Còn lũ chuột cống được thể hiện cường điệu hơn, nhất là lão chuột Cống. Các nhân vật trong phim được nghiên cứu rất kỹ giống với những đồ vật và con vật đặc trưng của Việt Nam, nhân vật mèo con có tạo hình cái đầu rất to so với toàn thân, phù hợp với cấu tạo của “trẻ con” thể hiện chú mèo còn rất nhỏ cùng cái đuôi ve vẩy để nêu lên tính chất ngây thơ hồn nhiên, đôi mắt mở rộng, mạnh dạn, thẳng thắn, đôi tai vểnh như nghe ngóng, học hỏi, mình thon thả, trông nhanh nhẹn. Nhấn mạnh những nét đó đồng thời bỏ những chi tiết phức tạp để cho nhân vật có thể hoạt động với những tư thế phức tạp, hay như tạo hình bác nồi đồng, cô chổi, lão hổ mang, chị gà mái... đều mang đậm chất Việt Nam. Diễn xuất trong phim đã thể hiện được tính cách từng nhân vật với những động tác có lúc mềm mại, dịu dàng, khi lại khẩn trương, quyết liệt, tạo nên kịch tính có sức hấp dẫn do các họa sĩ Đặng Hiền, Đình Dũng, Thanh Long, Nghiêm Dung... thực hiện. Những cảnh như Mèo con sợ hãi co rúm người trong bếp, khi ra sân rũ lông, sưởi nắng, vờn đuổi lá rụng trên sân gạch hoặc mài vuốt, nhảy cao vồ bướm, tinh nghịch leo trèo cây cau... đã làm cho nhân vật này có sức sống. Lũ chuột cũng được diễn tả rất sinh động khi chúng hùng hổ chui vào bếp, khi chúng ăn vụng no nê rồi quây vòng tròn vừa nhảy vừa hát quanh lão chuột cống nằm vỗ bụng bồm bộp. Đoạn mèo con đánh nhau với chuột cống gây được không khí căng thẳng, quyết liệt. 

Trong bộ phim hoạt hình Trê Cóc được khai thác từ truyện ngụ ngôn Việt Nam Trê Cóc. Bộ phim kể về đôi vợ chồng Cóc sinh hạ được một đàn nòng nọc ở dưới ao. Trê cậy thế bắt chúng về nhốt ở nhà mình. Cóc kiện Trê nhưng lão đã tìm cách mua chuộc quan tòa để xử được cho mình. Cuối cùng đàn nòng nọc đứt đuôi biến thành cóc. Chúng được trở về với bố mẹ. Trê thì bị trừng trị thích đáng. Ở bộ phim này tạo hình nhân vật do hai họa sĩ Nguyễn Bích và Hữu Đức vẽ có những nét rất độc đáo, nhân vật mang tính cách và dáng dấp của con người Việt Nam trong xã hội phong kiến. Tạo hình Cóc chồng mặt mũi hiền lành, đôi mắt buồn buồn, đầu nón rách, quần áo vá, lão Trê mặt mũi vênh váo, râu vểnh ra hai bên, mặc áo the, khăn xếp, tay cầm ô, quan Rái Cá béo múp míp, bụng phệ, luôn phùng mang trợn mắt quát nạt mọi người, đề Lươn đôi mắt ti hí, gian xảo, thân hình uốn éo... Mỗi nhân vật vừa mang đặc trưng của từng loại động vật lại vừa mang nét riêng của từng loại người trong xã hội Việt Nam xưa. Dưới bàn tay tài hoa của họa sĩ các nhân vật cắt giấy vô tri đã trở lên sống động lạ thường. Cảnh lão Trê với động tác săn mồi độc đáo, phóng vút đi trong nước nhanh như tên lửa đối nghịch với động tác bơi lội uyển chuyển, nhanh nhẹn của lũ nòng nọc đã tạo được không khí gay cấn trong cuộc đuổi bắt giũa đôi bên. Có thể nói tạo hình nhân vật trong phim hoạt hình Trê Cóc có nhiều nét khá giống với tạo hình nhân vật và bối cảnh trong tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống của Việt Nam.

Ngoài hai bộ phim tiêu biểu kể trên thì Ngô Mạnh Lâm còn rất nhiều các phim hoạt hình khác có những phong cách tạo hình nhân vật và tính cách nhân vật rất đặc trưng lấy cảm hứng từ những câu chuyện đồng dao, chuyện cổ tích, hay những câu truyên trong xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến cũng như thời kỳ đổi mới. Có thể nói tạo hình nhân vật và tính cách nhân vật trong phim hoạt hình của Ngô Mạnh Lân luôn mang đậm tính dân gian của dân tộc.

hoat hinh 10
Phim Một ước mơ

hoat hinh 11
Phim Lời đáng yêu nhất

hoat hinh 12
Phim Rồng lửa Thăng Long

hoat hinh 15
Phim Bước ngoặt

hoat hinh 14
Phim Chuyện vui của rừng

hoat hinh 3
Phim Rừng hoa

hoat hinh 5
Phim Những chiếc áo ấm

hoat hinh 6
Phim Con sáo biết nói

- Vũ Thanh Hùng -

>>> Họa tiết hoạt hình - Phần 1

>>> Nghệ thuật hoạt hình căn bản - Phần 1

>>> Quy trình làm phim hoạt hình với thiết kế đồ họa 3D

0976984729