Vùng sáng và vùng tối
Tĩnh vật 7 quả táo, tranh sơn dầu của Cézanne (1878)
1. Cách ánh sáng thể hiện khi gặp phải một vật thể?
Điều này hoàn toàn có thể dự đoán được, nếu chúng ta chỉ sử dụng duy nhất một nguồn sáng.
Vấn đề là bạn không chỉ có một nguồn sáng duy nhất. Bạn ngồi trên một chiếc ghế thoải mái, có một tách trà và 10 phút để phác họa chú chó của bạn. Lúc này sẽ xuất hiện rất nhiều nguồn sáng, có thể là từ đèn trần, ánh sáng từ cửa sổ, từ ti vi hoặc là đèn bàn,...
Chỉ bằng sự sắp xếp các nguồn sáng và sự xuất hiện của ánh sáng tự nhiên có trong nhà của bạn, đã là một trở ngại lớn để có thể hoàn thành bức tranh của chính bạn. Để tạo ra một sản phẩm 3D, bạn cần điều khiển ánh sáng một cách thuần thục và chắc chắn hơn nhiều so với cách mà bạn sử dụng bút chì.
Một cách được sử dụng trong quá trình học vẽ là việc phác thảo ý tưởng. Hãy lưu ý về điều này vì nó giúp bạn ghi nhớ được những gì bạn muốn vẽ và cho bạn cái nhìn sơ lược về chúng. Tuy nhiên, khi muốn chuyển một bản phác thảo thành một bản vẽ hoàn chỉnh, bạn buộc phải có cái nhìn hiểu biết về việc thiết lập ánh sáng, bố cục và thiết kế của tác phẩm.
Tạo ra một ảo ảnh từ một hình mẫu chung bằng nhiều nguồn sáng rất khó vì hiệu ứng ánh sáng chiếu vào một vật thể bị lẫn lộn hơn, mềm hơn và tạo ra các hình dạng mới không phù hợp với vật thể mà chúng ta đang nhìn.
Vì vậy, cách dễ nhất để tìm hiểu về vùng sáng tối là sử dụng một nguồn sáng thô. Đó có thể là ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, ánh sáng xuyên qua cửa sổ hoặc ánh sáng nhân tạo. Một nguồn sáng thô thể hiện rõ ràng từng phần riêng biệt cần chú ý, phóng đại dải âm rộng nhất và khi bạn là người mới, đây là cách đơn giản nhất để thấy sự khác biệt giữa các tông màu.
Học các nguyên tắc về hình mẫu đơn giản sẽ cho phép bạn thấy các hình dạng cơ bản bao gồm tất cả các tính chất tự nhiên. Hình nón, hình khối, hình trụ và hình cầu.
Các nguyên tắc về hình dạng của ánh sáng trên một hình cầu có thể được áp dụng cho đường cong của gò má, sự tròn bóng của một ấm trà hoặc bình hoa và sẽ được thể hiện qua một bức tranh vẽ về quả táo trong phần tới.
2. Logic trong ánh sáng, sử dụng một nguồn sáng đơn:
Ánh sáng luôn đi theo một đường thẳng. Phần bóng được tạo ra bởi ánh sáng luôn phản ứng trực tiếp với bất kỳ ánh sáng nào chiếu vào, bất kỳ góc nào ánh sáng phát ra và cường độ của nguồn sáng.
Nếu mặt trời ở trên đỉnh, ánh sáng khi chiếu trực tiếp vào một cái cây sẽ tạo ra một cái bóng cụt ngủn, điều này chưa chắn đã có thể giúp bạn mô tả chi tiết chủ đề của mình. Khi mặt trời lặn vào lúc hoàng hôn, ánh sáng sẽ tạo ra một cái bóng cây dài và rộng hơn, điều này thường miêu tả rõ hơn về nguyên bản của cái cây và cho thấy sự hiện diện của ánh sáng.
Nếu một nguồn sáng chiếu vào khối lập phương, nó sẽ tạo thành một hình vuông, nếu ánh sáng chiếu vào một hình cầu thì sẽ tạo thành hình elips. Cái này được gọi là logic trong ánh sáng và phần bóng được tạo ra gọi là đổ bóng (Cast Shadow).
3. Đổ bóng:
Các đặc tính của bóng đổ phụ thuộc vào cường độ của nguồn sáng. Một nguồn sáng thô sẽ tạo ra một cái bóng có cạnh sắc nét và một nguồn sáng dịu thì sẽ tạo ra một cái bóng có cạnh mờ hơn. Bóng của vật thể càng dài, cạnh của bóng càng mềm. Chú ý rằng, bóng của vật thể càng gần thì càng tối và đậm hơn, càng xa thì càng sáng và nhạt hơn.
Một ví dụ về nguồn sáng thô (hard light) và nguồn sáng dịu (soft light)
Ngoài ra, một cái bóng đổ có thể suy đoán được khi nó nằm ở trên một mặt phẳng, nhưng khi có các mức hoặc bề mặt khác trong đường dẫn bóng, hình dạng có thể được thay đổi tùy thuộc vào bề mặt mà nó rơi xuống.
Đây là một trong những điều kiện đầu tiên để kiểm tra bản vẽ của bạn. Các hình bóng có hợp lý so với chủ thể và ánh sáng không? Tất cả là về việc nhận biết ánh sáng đến từ đâu và nó có phù hợp với bức ảnh của bạn không. Một khi bạn hiểu những điều cơ bản về cách ánh sáng hoạt động trên một vật thể, thật phấn khởi khi nghĩ rằng một lượng thông tin nhỏ có thể cung cấp cho bạn kiến thức cần thiết để mô tả một cách thuyết phục về ảo ảnh hình dạng trong bất kỳ chủ đề nào.
4. Ba phạm vi của hình mẫu:
Trước khi tìm hiểu 3 phạm vi của hình mẫu, hãy cùng xem qua các sắc độ trên khối cầu:
- Center light: là đốm sáng nhất, nơi nhận ánh sáng chiếu trực tiếp
- Highlight: Là mảng sáng nhì, là mảng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luồng ánh sáng
- Halftone: là nơi mà chất liệu của vật thể hiện rõ nhất với ánh sáng vừa đủ
- Terminator: ranh giới giữa vùng sáng và tối
- Core of Shade (Hump of the shadow or Form Shadow Core ): vùng tối ngay sau Terminator
- Occlusion shadow: phần tối nhất, là vị trí chạm nhau giữa 2 vật. Đây thường là điểm tiếp xúc của vật với nền, hoặc vết nứt trên mặt đá.
- Reflected Light: là khoảng bị hắc sáng từ bề mặt khác (ví dụ như từ mặt nền hắc sáng lên)
- Cast Shadow: bóng đổ của vật lên nền dưới một nguồn sáng chiếu xiên
- Form Shadow: bóng tối trên vật
Khi mới bắt đầu, bạn chỉ cần nghĩ về 3 phạm vi đơn giản của hình mẫu:
* Mặt sáng - Bao gồm Highlight và Halftones: Điểm sáng là phần nhẹ nhất trong đó ánh sáng chiếu trực tiếp vào vật thể.
Điểm sáng là phần nhẹ nhất trong đó ánh sáng chiếu trực tiếp vào vật thể. Halftones sẽ luôn nhẹ hơn bất kỳ giá trị nào ở phần bóng đổ và hòa vào phía bóng tối (đôi khi chúng có thể được chia thành các tông màu sáng và nửa tông màu tối).
* Mặt tối - Bao gồm Form Shadow, Form Shadow Core và Reflected light: Form Shadow Core là phần tối nhất của bóng đổ, phần còn lại của Form Shadow được tạo thành từ các tông màu tối hòa trộn từ Form Shadow Core vào reflected light, nếu có. Reflected light là ánh sáng phản chiếu lên đối tượng, từ bề mặt mà nó nằm ở trên hoặc từ ánh sáng ở xung quanh vật thể.
* Bóng đổ - Cái này có 3 phần: Phần tối nhất nằm ngay dưới vật thể, gần nhất. Tông màu ở giữa chiếm phần lớn hình dạng bóng đổ và còn lại là phần xa nhất, dịu nhẹ nhất của bóng đổ.
4. Tạo shadow line:
Shadow line
Shadow line là sự chuyển tiếp giữa vùng sáng và vùng tối. Nó có thể có nhiều cái tên khác nhau, có thể kể đến như bed-bug line, shadow line, terminator, form shadow line. Điều quan trọng cần nhớ là ranh giới giữa các phần phải thật rõ ràng.
Giữ tông màu sáng của bạn ở vùng sáng và màu tối ở phần bóng đổ trong khi duy trì sự chuyển tiếp mềm mại giữa hai vùng này là những gì chúng ta cần phải cố gắng đạt được. Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng để cho quá trình chuyển đổi vùng sáng và vùng tối mượt mà không có nghĩa là một việc kỳ công, vì shadow line chỉ nằm ở một khu vực khá nhỏ và để quên nó thì không thể nào đâu nhé! Một cách dễ dàng để tạo ra ranh giới sáng tối và shadow line là đi nét từ nhạt đến đậm hoặc ngược lại.
Vấn đề ở đây là việc vùng tối bị tràn quá vùng sáng, và bạn nghĩ rằng có thể dùng tẩy để làm nhạt bớt. Không đâu nhé!
Bây giờ thì vùng tối đã tối một cách nghiêm trọng, hình dáng đáng yêu lúc đầu bị mất đi. Logic trong ánh sáng trở nên phi logic và vùng sáng thì biến thành vùng tối luôn. Nó sẽ là một loại thử thách nhưng chỉ đòi hỏi việc luyện tập nên đừng quá lo lắng nhé!
5. Mặt sáng:
Phần Highlight là một phần rất nhẹ. Nó có ánh sáng chiếu trực tiếp vào vật thể, nên nó là "người" chỉ bảo tốt nhất khi bạn nhìn vào vật thể của mình để xác định vị trí và ánh sáng tới từ góc nào. Highlights giúp cho bản vẽ trở nên sống động.
Halftones hòa quyện vào vùng tối và làm nổi bật màu trắng. Chúng luôn sáng hơn phần sáng nhất ở vùng tối.
6. Mặt tối:
Nếu Cast Shadow luôn thô (mặc dù đôi khi có các cạnh mờ) thì Form Shadow vẫn luôn dịu nhẹ. Nó là mặt tối trên một vật thể không đối diện với ánh sáng cho thấy hình dạng và khối lượng của hình dạng. Điểm tối nhất trong Form Shadow được gọi là Core Shadow Form.
Nó nằm dưới Shadow line (hay Terminator) ở vùng tối và là nơi không có ánh sáng chiếu vào bề mặt. Nó hòa trộn vào phần còn lại của Form Shadow với ánh sáng nhẹ hơn vì ánh sáng phản xạ hoặc nằm xung quanh cảnh vật.
7. Sự hấp dẫn của Reflected Light:
Reflected light là khi ánh sáng được phản chiếu lên một vật thể, từ bề mặt mà nó nằm. Các bề mặt trắng hoặc sáng phản chiếu hầu hết lượng sáng, trong khi vùng tối hoặc đen chỉ phản chiếu lượng ánh sáng rất ít. Hình cầu phía trên được đặt trên một mảnh giấy trắng mờ. Khi bạn là người mới, bạn rất dễ bị ám ảnh bởi ánh sáng phản chiếu vì nó có vẻ tinh vi và rất tinh tế.
Khi đó dẫn đến một vấn đề là bạn nhìn vào vùng tối và bắt đầu phóng đại quá mức độ sáng của khu vực đó. Rồi sau đó,bạn mất đi khái niệm ánh sáng đơn giản mà chúng ta đã thiết lập lần đầu tiên khi ánh xạ ra ánh sáng từ vùng sáng và vùng tối.
Bạn có thể in ra hướng dẫn này và thực hành blend cho khớp các tông màu với bút chì của bạn
Khi bạn đưa một vật thể ra ngoài ánh sáng, hãy sử dụng các cách đã hướng dẫn phía trên. Bạn có thể sẽ bị đánh lừa bởi tâm lý sử dụng tông màu nhẹ nhất, việc có thể kiểm tra tông độ sẽ giúp bạn giữ vững được ảo ảnh nhất quán trong bản vẽ.
Khi reflected light được xử lý tốt sẽ mang lại cho bạn cảm giác: "Mình đã làm thế nào vậy?" - Đây là minh chứng cho việc bạn đã đi đúng hướng, rất đáng để dành thời gian luyện tập đúng không?
Khi làm việc trên các bản vẽ ba chiều, hai điều cần tập trung vào là hình dạng và các cạnh của nó. Và bây giờ, lấy ấm trà, bút chì của bạn ra và bắt đầu phác thảo thôi. Nhớ chú ý kỹ hơn vào nơi mà phần sáng chạm vào ấm trà và vùng tối được tạo ra từ nó nhé!
8. Đánh bóng cho bản vẽ:
Ở phần này chúng ta sẽ xem cái lý thuyết kia liệu có hiệu quả hay không bằng cách bắt tay đi vào thực hành vẽ một quả táo:
* Hiểu được cách nguồn sáng của bạn hoạt động:
Các đặc điểm khác nhau của ánh sáng khi chiếu vào một vật thể có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo của nó. Trong bài giảng này, tôi đã chuẩn bị một nguồn sáng duy nhất dùng để chiếu vào vật mẫu có sẵn để tạo ra một luồng sáng mà bạn có thể biết trước đường đi của nó.
Nguồn sáng đã được chuẩn bị ở đây cho thấy từng khu vực riêng biệt về sắc độ, phóng đại phạm vi sắc độ (Tonal Range) rộng nhất và nếu bạn là người mới bắt đầu, đó là cách đơn giản nhất để thấy sự khác biệt giữa các tông màu. Đèn của tôi có một bộ khuếch tán được gọi là Softbox.
Softbox cung cấp cho chúng ta một nguồn sáng, nhưng nguồn sáng này lại mềm mại hơn. Tại sao? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta trước tiên nên hiểu rõ về sự mềm mại (soft edges) vô cùng quan trọng của ánh sáng.
* Tầm quan trọng của các cạnh cứng (hard edges) & mềm (soft edges):
Trong hình học, một cạnh là một đoạn thẳng nối hai đỉnh trong một đa giác, đa diện, hoặc trong một đa diện chiều cao hơn 3. Nói đơn giản hơn, một cạnh là nơi hai vật hoặc hai bề mặt gặp nhau.
Thuật ngữ 'cạnh cứng' có thể dùng để mô tả hai bề mặt rất cứng, chẳng hạn như mặt bàn có khối kim loại trên đầu hoặc phổ biến nhất là trong bản vẽ, chúng ta nói về cạnh cứng là một khu vực có độ sắc nét với nó hoặc tiêu điểm của bản vẽ.
Vì vậy, nó có thể là một đường rõ nét để chỉ ra những thay đổi về hình dạng hoặc góc cạnh. Hoặc đó có thể là một khu vực có độ tương phản cao (sáng và tối) để thu hút sự chú ý của người xem.
Một góc cạnh mềm mại thì liền mạch và có xu hướng tương phản thấp hơn. Để dễ hiểu hơn thì một cạnh mềm mại sẽ được vẽ theo cách hòa vào nền.
Trong nhiếp ảnh, ánh sáng thường có thể được gọi là hard light hoặc soft light. Hard light là ánh sáng gay gắt nên tạo ra bóng mạnh và các cạnh cứng hơn. Soft light thì lại rất là khuếch tán, tạo ra các bóng mềm hơn và các cạnh mềm hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn chụp ảnh ai đó một cách rực rỡ nhất, hãy dùng soft light. Còn nếu muốn tăng độ drama cho ảnh thì dùng hard light.
Đây là một thông tin khá hữu ích có thể sẽ làm thay đổi phong cách làm việc của bạn sau này. Vì vậy, với bản demo tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để tạo độ mềm hoặc cứng cho các cạnh sáng.
Một trong những sai lầm thường xuyên nhất của người mới là thường giữ các cạnh có độ sắc nét như nhau. Nếu bạn có thể học cách thay đổi trọng lượng của đường kẻ và kết hợp các cạnh mềm mại hơn trong bản vẽ của mình, nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho tính chân thực và phong cách làm việc của bạn.
* Các cạnh bóng:
Dưới đây là hai bức ảnh để minh họa sự khác biệt tinh tế về cường độ bóng khi tôi thay đổi ánh sáng một chút. Cái đầu tiên thì sử dụng ánh sáng từ mặt trời, và bởi vì nó không khuếch tán nên ánh sáng mà nó tạo ra cứng hơn. Ngoài ra, hãy xem cách bạn có thể đánh giá vị trí của mặt trời thông qua chiều dài của bóng đổ và điểm sáng.
Cái ảnh thứ hai thì sử dụng một nguồn sáng mảnh nhẹ và ở vị trí cao hơn, thành ra, phần bóng nhẹ dịu hơn rất nhiều.
Hình trên là phần hình ảnh tham chiếu cuối cùng được sử dụng trong bài hướng dẫn này. Bạn nên tải về và lưu lại nếu cảm thấy khó nhớ hoặc dùng để nghiên cứu sau này nhé!
* Chuẩn bị tại nhà:
Nếu như bạn không thích lấy mẫu từ những bức ảnh trên mà muốn từ mình chuẩn bị vật mẫu và ánh sáng thì các bạn có thể dùng một chiếc đèn bàn nho nhỏ không bị chắn bởi bất cứ thứ gì. Có thể dùng một bóng đèn mờ ảo, nhưng tác dụng của nó không giống với lúc bạn sử dụng softbox hay ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
Đơn giản hóa bản vẽ của bạn bằng cách phác thảo phần bóng
Trước khi bắt tay vào công việc chính, thì đây là một cách vô cùng đơn giản để tìm shadow line. Đừng thấy nó quá dễ mà đánh giá thấp tầm quan trọng của nó nhé.
Đây thường là một bản phác thảo đầu tiên có hiệu quả vô cùng rõ rệt trong việc truyền đạt hình khối cơ bản đủ nghĩa hơn là việc thể hiện một bản vẽ chi tiết. Nói dễ hiểu là kiểu bạn lên ý tưởng đầy đủ cho một bức vẽ vậy.
Tuy nhiên, khi bạn vẽ bằng bút chì thì phần sáng và phần tối của bản vẽ sẽ không được thể hiện rõ ràng và các chi tiết sẽ được thêm vào ngay lúc ấy khiến cho bản thảo khó sửa hơn. Trong bài tập này, vì chúng ta sử dụng bút để phác thảo giúp các phần sáng và tối trong tranh được phân biệt rõ ràng hơn, thế nên, khi phác thảo bạn buộc phải phân biệt được đâu là phần sáng và đâu là phần tối.
Mẹo nhỏ: Vẽ phác thảo bằng một cây bút nhớ là phương pháp tốt nhất mà tôi đã tìm thấy để thực hành kỹ thuật này. Nó buộc bạn phải suy nghĩ kỹ trước khi vẽ.
Bài phác thảo này dựa trên bức tranh Tĩnh vật 7 quả táo của Cézanne phía trên. Bút trong ảnh là bút gel fine line màu đen 0.5 mm. Bản phác thảo này với những nét chính của vaatjt hể và đưa cả phần cast shadow và shadow line vào.
Sau đó, tôi có thể chỉ ra phần bóng đổ bằng cách đánh nét.
Chúng ta giữ các nét cách đều nhau và thay đổi hướng của chúng tùy thuộc vào hướng của hình mẫu. Bạn có thể nhìn thấy phần bóng đổ của các vật mẫu trên bàn đều nằm theo một hướng.
Sau đó thì đánh nét đậm hơn ở phần dưới của quả mẫu. Khi bạn đã hài lòng với phác thảo ban đầu, các bạn có thể dùng một cây bút đậm màu hơn (một loại bút ghi bảng chẳng hạn) để tô rõ hơn phần đổ bóng.
Bây giờ thì bản phác thảo của chúng ta đã có ba phần chính, phần sáng, phần tối và phần vật mẫu.
Bức phác thảo này đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn về bức tranh mà chúng ta sắp vẽ. Bạn có thể áp dụng bài tập này khi đem vật mẫu ra ngoài ánh sáng mặt trời. Giờ thì chúng ta đã có thể phân biệt được các sắc độ rồi, bắt tay vào vẽ bằng bút chì thôi!
* Cách vẽ quả táo 3D: Nguyên liệu bạn cần:
- Giấy vẽ, tất nhiên rồi.
- Bút chì 2B hoặc 6B, ở đây chúng ta đang dùng Staedtler Mars Lumograph của Đức.
- Tẩy, tốt nhất bạn nên dùng tẩy đất sét.
- Một đồ vật có dạng tròn
- Blending stumps hoặc tortillon (là 1 cuộn giấy được quấn chặt, có nhiều kích thước để lựa chọn)
Tìm một đồ vật có dạng tròn với kích thước phù hợp với quả táo mà bạn sắp vẽ, vẽ một nét thật nhạt theo đường của vật đó. Cái này có thể giúp bạn xác định được đường vẽ dễ hơn. Trong ảnh đang dùng bút chì 2B nhé!
Đánh dấu điểm xa nhất của phần bóng sẽ đổ xuống.
Nhẹ nhàng vẽ một hình elip để chỉ ra bóng đổ. Chú ý phần hình elip cắt qua hình dạng của vòng tròn.
Bây giờ, chúng ta sẽ vẽ các nét đậm hơn, thêm vào các góc cạnh để phác họa đúng nhất so với hình của quả táo.
Vẽ thêm cuống.
Và thêm những chi tiết nhỏ.
Củng cố lại hình dạng bóng đổ - phần tối nhất nằm ngay dưới quả táo, tông giữa chiếm phần lớn của cast shadow, giữ một đường sáng hơn khi bạn tiến về phía đuôi nhẹ nhất, mềm nhất của bóng đổ. Vẽ thêm một nét nhạt của shadow line, nó là một đường cong nhẹ.
Đường cong thứ hai nằm sau shadow line chính là phần Form Shadow. đây sẽ là phần tối nhất ở trên quả táo.
Tiếp theo, bạn đánh nét ở giữa hai đường cong này. Tuy sau cùng nó vẫn là phần đen vô cùng vũ trụ, nhưng lúc này bạn có thể đánh nét ở đây để phân biệt nó với những phần khác. Phần cuống táo bạn có thể đánh càng tối càng tốt, vì trên ảnh thì nó chỉ thuần một màu đen và bạn không cần lo nó sẽ bị lẫn lộn với những phần khác. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể để cho nó một màu đen đen, không chấm thêm vàng vàng.
Bây giờ, chúng ta đổi sang bút chì 6B để đi nét phần bóng đổ mềm hơn. Cách đi nét ở đây giống với phần đánh nét trong bản phác thảo bằng bút gel trên kia. Đánh nét cả phần trên quả táo, cái này được gọi là combine bản vẽ.
Tiếp theo, đổi lại bằng bút chì 2B, chúng ta sẽ đi nét đậm hơn ở phần gốc của cast shadow.
Lại đổi sang chì 6B đề củng cố độ sâu của bóng đổ.
Cầm bút chì, đánh nhẹ hơn để cho ra phần "đuôi" nhẹ và mảnh hơn.
Bây giờ thì bạn có thể đi nét đậm hơn trên phần form shadow.
Khéo léo đi nét theo hình dạng quả táo.
Đánh nét nhẹ hơn ở phần còn lại của quả táo.
Sử dụng blending stumps hoặc tortillon để blend các sắc độ của chì lại với nhau giúp các phần chuyển tiếp trông mềm mại hơn.
Chú ý khi bạn tô màu với tortillon, nó làm tông màu tối hơn một chút.
Tiếp tục đánh nét và blend nhẹ đến khi vừa ý.
Sử dụng một cục tẩy đất sét để tẩy đi các nét bị lem ra ngoài.
Tẩy nhẹ để làm nổi bật các phần sáng trên quả táo.
Bản vẽ đã hoàn thành
>>> Tại sao sắc độ sáng tối lại quan trọng trong một bản vẽ?
>>> Sáng tối - Đen trắng trong thiết kế tạo hình
>>> Phương pháp vẽ đường đơn và sáng tối bằng bút máy