Trang trí vải hoa
Bài tập trang trí vải hoa thực tế là một bài tập nâng cao của các bài tập trang trí cơ bản và đơn giản cách điệu hoa lá. Nó là tổng hợp các kiến thức đã học được qua các bài tập trước.
Trang trí vải hoa giúp các bạn hiểu và biết cách làm một thể loại trang trí cơ bản khác, biết áp dụng các nguyên tắc chung của luật bố cục đối với hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật và đường diềm, với các quy luật nhắc lại, xen kẽ, đối xứng và kéo dài vô tận ra cả 4 hướng.
Bài tập giúp nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết về sự biến hóa của các họa tiế trang trí với nhiều bố cục thay đổi khi ta sắp xếp vị trí các họa tiết khác nhau, vận dụng các kiến thức cơ bản của các loại hình trang trí phức tạp để sáng tạo ra những mẫu trang trí mới có giá trị về mặt nghệ thuật đẹp mắt, hấp dẫn cả về họa tiết lẫn màu sắc.
Qua thể hiện bài trang trí vải hoa, các bạn sẽ được nâng cao kỹ năng thể hiện một cách rõ rệt của bài với yêu cầu phải làm ke, gọn, sạch sẽ, các miếng màu của nền hay họa tiết phải đều nhau, cân đối về tỷ lệ và hình. Từ đó sẽ phát biểu và nâng cao dần thị hiếu thẩm mỹ cho các bạn.
1. Mối quan hệ giữa trang trí cơ bản, cách điệu hoa lá và trang trí vải hoa:
Ở trang trí cơ bản các nguyên lý chung là sự sắp đặt các họa tiết trong khuôn khổ những hình vuông, tròn, chữ nhật hay những hình biến thể của chúng theo những nguyên tắc chung để tạo sự cân đối cho các mảng hình, nét, màu trong một khuôn khổ hình nhất định. Còn trang trí vải hoa là sự kết hợp giữa trang trí cơ bản và cách điệu hoa lá. Một mẫu vải hoa tốt là phải có sự vận dụng các nguyên tắc đó một cách linh hoạt, người tô mẫu phải biết sử dụng hình hoa văn để có thể biến chúng trở thành mẫu trang trí khác. Có thể nói giữa trang trí cơ bản, cách điệu hoa lá và trang trí vải hoa luôn có mối quan hệ khăng khít, giằng chéo không thể tách rời. Mối quan hệ này sẽ được minh chứng cụ thể trong phần những nguyên tắc cơ bản của trang trí vải hoa.
* Cách điệu hoa lá và trang trí vải hoa: Bất kể một mẫu vải hoa nào cũng được tạo thành bằng sự kết hợp giữa các họa tiết trang trí. Trang trí vải hoa (hay trang trí một nền hoa) có đầy đủ các quy luật chung của một hình trang trí cơ bản như luật cân đối, luật nhắc lại, luật xoay chiều, luật xen kẽ và kéo dài vô tận… Bài học trang trí vải hoa sẽ giúp các bạn hiểu rõ thêm về cách biến đổi các họa tiết trang trí, từ đó biết cách biểu hiện những dạng trang trí phức tạp hơn với cách trình bày cần sự cẩn thận và công phu.
Mẫu vải hoa trên cho thấy: Mẫu thứ nhất có sự kết hợp giữa 2 họa tiết, làm mất đi cảm giác đó là 2 mẫu hoa lá đơn. Mẫu thứ hai có sự phối hợp giữa hoa lá với hình động vật. Tuy là hai hình khác nhau nhưng do kết hợp với những nguyên tắc chung mẫu, đã tạo sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ.
Mẫu vải hoa phức tạp
Mẫu trên là sự kết hợp phức tạp giữa các họa tiết trang trí để tạo ra một nền hoa có đầy đủ các quy luật chung của luật cơ bản với các họa tiết đan xen khiến chúng trở nên đa dạng nhưng lại hợp lý.
* Hình cơ bản và trang trí vải hoa:
Nếu quan sát kỹ những mẫu vải hoa trên, ta sẽ dễ dàng nhận thấy đó là sự kết hợp giữa các hình cơ bản. Với một mẫu họa tiết được sắp đặt trong một khuôn hình cụ thể (vuông, tròn, chữ nhật hoặc hình biến dạng), nếu ta xếp cạnh nhau 2, 3 hay 4 hình đó lại ta sẽ được một hình hoàn toàn mới bởi sự liên kết giữa các hình đó tạo nên. Nhân rộng và phát triển hình mới đó ra cả bốn phía ta sẽ có được một mẫu vải hoa. Ở hình trên, sự kết hợp của hình tòn, hình trám và hai hình vuông to và nhỏ đã tạo ra mẫu vải.
Như vậy, các họa tiết hoa văn khác nhau có thể liên kết với nhau tạo thành một dạng hình trang trí mới. Có rất nhiều cách để xây dựng các mẫu avir hoa, điều đó phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, cách vận dụng các kiến thức đã học để biến hóa các hình cơ bản về hình dạng, về cấu trúc cũng như khả năng biểu cảm.
* Vai trò của vải hoa trong đời sống xã hội:
Trong cuộc sống, vải hoa đóng một vai trò rất quan trọng. Đời sống vật chất, văn hóa càng phát triển thì nhu cầu về mặc đẹp càng phải được đặc biệt quan tâm, đó là quy luật chung của cuộc sống loài người. Vải hoa không phải chỉ phục vụ cho may mặc mà nó còn góp phần làm cho cuộc sống tinh thần của xã hội thêm phong phú, hấp dẫn. Vải hoa dùng để trang hoàng cho những nơi công cộng khi cần thiết, làm đẹp nơi phòng khách, phòng ngủ, làm thành những tấm màn che cửa, khăn trải bàn, ga trải giường, làm vách ngăn giữa các căn phòng, trở thành khăn quàng, khăn trang trí, làm bọc đệm ghế, chăn, ga, gối… là những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình và đối với mỗi con người. Sự hình thành và phát triển của vải hoa gắn liền với sự phát triển chung của nghệ thuật trang trí. Ngay từ thời xa xưa, con người đã biết sáng tạo ra những mẫu vải hoa đẹp, tinh xảo với những đường trang trí hoa văn phức tạp mà cho đến nay vẫn còn lưu giữ được. Các vị vua chúa, hoàng tộc có những trang phục với những loại vải quý hiếm cùng các họa tiết hoa văn thêu dệt rất tinh vi và hoàn hảo, có giá trị cao về nghệ thuật. Dưới đây là một số mẫu vải hoa phức tạp với cách trình bày dạng ô khác nhau nhưng đều gây được hiệu quả cao về mặt thẩm mỹ.
Hình trang trí trong các ô đều nhau
Hình cá và hoa đan xen tạo nên sự phá thể cho các ô hình
Các hình hoa lá đan xen đã hoàn toàn phá thể tạo nên sự hòa quyện trong một tổng thể
Ngày nay có rất nhiều mẫu vải hoa mới với luật sắp xếp rất đa dạng, tuy vậy vẫn có ba kiểu chính tạo vải hoa: In hoa thẳng trên mặt vải; Dệt hoa chìm hoặc hoa nổi; Kết hợp cả dệt lẫn in với nhiều kiểu dáng phong phú.
Bên cạnh việc sản xuất vải hoa bằng công nghệ hiện đại, phải kể đến loại vải được sản xuất bằng phương pháp thủ công của các nghệ nhân trên toàn thế giới. Ở những nước Ả Rập và một số nước châu Á như Philipin, Inđônêxia, Mianma … các nghệ nhân đã có cách trang trí theo truyền thống của dân tộc mình bằng phương pháp dân gian như sử dụng sáp ong để in và dùng những loại màu pha chế theo cách thức riêng. Ở Việt Nam, không thể không nhắc đến các loại hoa văn thổ cẩm làm trang phục cho đồng bào các dân tộc miền núi. Ví dụ trang phục của người Tày chỉ đơn giản một sắc chàm, nhưng ở những đồ dùng khác lại có những mẫu vải dệt hoa văn màu đen trên nền vải trắng dùng làm mặt chăn hay gối. Họa tiết thường dùng là hình ô trám, ô vuông, chữ nhật cùng với một số họa tiết hoa lá, chim muông đơn giản khác trong một bảng màu rất lạ mắt. Người Hmông, người Dao đỏ… lại ưa dùng hòa sắc tươi, màu nguyên chất với các hình trang trí theo đường cong, hình xoáy ốc và một số hình kỷ hà dích dắc, bên cạnh hoa văn dệt là hình thức chắp thêm vải màu khiến cho tấm vải càng thêm phần rực rỡ. Người Thái, người Nùng, người Chàm hay các dân tộc ở Tây Nguyên cũng có những loại vải với những họa tiết riêng mang đậm dấu ấn của dân tộc mình.
Có thể nói, vải hoa đã hình thành và tồn tại hàng ngàn năm với sự phát triển thăng trầm qua nhiều thời đại. Dù vải hoa được thể hiện một cách đơn giản hay phức tạp đến đâu nó vẫn phải tuân thủ theo một nguyên tắc chung của quy trình thiết kế mẫu vải.
2. Những nguyên tắc cơ bản của trang trí vải hoa:
Nguyên tắc có tính chất quan trọng nhất của trang trí vải hoa là sự nhắc lại và kéo dài liên tục ra cả bốn phía những họa tiết được sắp xếp theo nhiều dạng ô, hình bằng cách kéo dài hay đối lập, xen kẽ. Trong những ô hình đó, ta đặt vào các họa tiết hoa văn trang trí để gây một cảm giác liên tục, phá vỡ sự ngăn chia giữa các ô hay các đường chéo phân bổ họa tiết, tiếp theo là dùng đậm nhạt và màu sắc tạo sự liên tục gắn kết toàn bộ họa tiết với nhau.
* Nguyên tắc sắp xếp mẫu vải hoa: Mẫu vải hoa (hay một nền hoa) là một thể loại trang trí sử dụng họa tiết lặp đi, lặp lại trên một diện tích không hạn định, vì thế cần thiết phải biết bố trí các ô hình đã được lắp đặt họa tiết theo một hệ thống dự định trước. Các loại ô hình dùng để vẽ họa tiết có rất nhiều loại khác nhau, nhưng có thể kể ra một số loại ô chính:
Trên cơ sở các ô hình được sắp xếp đó, sử dụng các họa tiết trang trí đã được chọn lựa và phù hợp với yêu cầu sắp đặt. Có thể bố trí họa tiết theo một số cách sau:
- Bố trí họa tiết trong từng ô riêng;
- Nhiều ô liền nhau, lấy một ô làm đơn vị;
- Dùng hai họa tiết làm một đơn vị;
- Sử dụng họa tiết xoay chiều;
- Vừa xoay chiều vừa lật trái, lật phải;
- Xoay chiều họa tiết theo nhiều hướng khác nhau.
Trong một ô hình, có thể chỉ sử dụng một họa tiết nhưng cũng có thể sử dụng 2 – 3 hoặc một số họa tiết. Khi đặt cạnh nhau hay với những vị trí thay đổi chúng có thể biến hình hoàn toàn theo một dạng mới. Ví dụ, chỉ với một bông hoa nhưng khi tạo ra nhiều cách sắp đặt khác nhau, ta thấy chúng đã hoàn toàn thay đổi trong các không gian khác nhau do chính chúng tạo nên.
Một số dạng ô để săp xếp họa tiết trang trí vải hoa
Ví dụ trên cho thấy khi sắp xếp, các họa tiết đứng cạnh nhau theo phương thức nào đó có thể tạo ra những hình trang trí mới do các hình kết hợp sẽ tạo nên một khoảng trống. Quan sát những hình hoa trên ta thấy, khoảng trống của mỗi nhóm hoa khác nhau. Do vậy, khi sắp đặt họa tiết, người sáng tác phải luôn luôn có ý thức so sánh, kết hợp để phân bổ các khoảng trống cho hợp lý bằng cách cài đặt thêm hoa văn khác hoặc bằng các mảng hình để tạo thế cân bằng, chặt chẽ của bố cục.
Để phá các đường chia các ô hình, có thể sử dụng họa tiết ô này lấn sang ô kia hay xoay chuyển chiều hướng khác nhau. Mặt khác có thể phối hợp dùng hình kỷ hà xen lẫn với các họa tiết trang trí; cũng có thể sử dụng nhiều loại ô khác nhau để tạo cho họa tiết thêm phong phú, tuy nhiên vẫn phải áp dụng nguyên tắc lặp đi lặp lại (lặp lại liên tục hay cách xa một khoảng mới lặp lại). Các ô để trình bày họa tiết có thể chỉ là những khoảng nhỏ, ngược lại có thể là những khoảng cách lớn tùy thuộc vào cách lựa chọn của người vẽ. Làm sao để khi nhìn toàn bộ họa tiết, người xem không còn nhận thấy các đường ranh giới phân chia giữa các ô, vì điều đó sẽ tạo nên sự đơn điệu trong cách sắp đặt.
- Dạng vải hoa đơn giản: Là những loại vải hoa thông dụng, thường bắt gặp ở khăn trải bàn, màn che cửa, bọc gối, vỏ chăn… ở dạng đơn giản này, ta dễ dàng nhìn thấy cách phân chia của các ô, hoa văn sử dụng cũng không cầu kỳ. Màu sắc ở vải hoa đơn giản cũng được xử lý phù hợp với chất lượng và tính chất của vải. Với họa tiết đơn giản, gam màu nhẹ nhàng, dạng vải hoa đơn giản cũng có giá trị về mặt nghệ thuật nếu sử dụng đúng chỗ và đúng mục đích.
- Dạng vải hoa phức tạp: Thường được trình bày bằng hình thức phá ô. Do cách phân chia các họa tiết tạo nên cảm giác họa tiết liền một mạch. Có nhiều dạng vải hoa dễ nhận ra cách phân ô, hay quan sát kỹ cũng thấy sự phân chia đó, nhưng cũng có những loại rất khó phát hiện sự sắp xếp do sử dụng phép chia ô không đều và cách xa nhau.
Trong thực tế, có những loại trang phục chúng ta nhìn thấy ở cổ tay, gấu áo, cổ áo là một loại họa tiế khác với phần thân áo. Cũng có những trang phục, mỗi chỗ lại là một họa tiết riêng phù hợp với từng bộ phận trên cơ thể người. Những mẫu trang phục truyền thống của người Malaysia, Indonesia, Myanma… với những hoa văn thay đổi khác nhau không nhận ra được các ô phân chia. Ở các nước châu Âu lại có những trang phục với họa tiết giống như một bức tranh. Có loại họa tiết choán diện tích toàn thân khiến ta không tìm thấy quy luật phù hợp cho sự in ấn hàng loạt. Đó là nguyên tắc căn bản của luật trang trí vải hoa. Thực tế ở những mẫu vải đó cũng được sắp xếp theo quy luật của sự nhắc lại liên tục nhưng sự nhắc lại ấy có một khoảng cách rất lớn, người sáng tạo mẫu đã tính toán sao để cho một ô họa tiết có thể dùng đủ cho một áo hoặc một bộ quần áo. Các họa tiết nẹp có thể kéo dài liên tục ở cạnh tấm vải, nhưng họa tiết bên trong có thể cách nhau đến 2, 3 mét. Trong khuôn khổ ô hình có diện tích lớn đó, người ta vẽ lên rất nhiều những họa tiết, có khi là cả một phong cảnh nổi tiếng hay một bức tranh, một địa danh, một sự việc cần được tuyên truyền, có khi là một cảnh sinh hoạt truyền thống dân gian hay hoạt động thể thao văn hóa… Tất cả những hình ảnh này sẽ được lặp lại ở những ô hình tiếp theo và luôn phải tuân thủ các nguyên tắc chung của luật trang trí mẫu vải hoa.
4. Phương pháp tiến hành:
a. Tìm họa tiết: Để có được mẫu vải hoa, trước tiên phải tìm được họa tiết trang trí vừa ý, phù hợp với ý đồ và mục đích sử dụng. Nếu cần đến một nhóm họa tiết, nên tìm một số dạng hình thay đổi khác nhau, cũng như thay đổi về độ to nhỏ của hình mẫu. Dùng những họa tiết đó sắp xếp liên tiếp theo nguyên tắc xoay chiều, đối xứng hoặc xen kẽ với các họa tiết khác nhằm tạo sự liên tục kéo dài một cách hợp lý. Có thể sử dụng nguyên tắc đối lập, cách nhật hoặc một ô đậm, một ô sáng màu để gây cảm giác khác nhau về hình và họa tiết. Những họa tiết đặt cạnh nhau tạo thành khoảng trống, nếu như các khoảng trống đó quá rộng, nhiều chỗ chưa hợp lý, cần phải điểm thêm họa tiết phụ hay những hình đơn giản khác như hình trám, xoáy ốc, ô van để họa tiết được sinh động hơn. Điều chỉnh nét và hình toàn bộ bề mặt chung của cả họa tiết theo đúng tỷ lệ được quy định.
Trong khi tìm hình, nên sử dụng các độ đậm, nhạt trung gian hay xếp xen kẽ các ô màu với những độ đậm nhạt khác nhau, tạo sự chuyển tiếp một cách nhịp nhàng. Những độ đậm nhạt khác nhau đó, nếu biết sắp xếp một cách khéo léo sẽ tạo sự lấp lánh về sắc cũng như nhịp chuyển động của hình mảng. Khi sử dụng đen trắng để tìm phác thảo, nên mạnh bạo và chủ động thay đổi vị trí của các mảng đậm nhạt ở họa tiết hay các mảng trống. Suốt quá trình tìm hình cần suy tính cách đặt liên tiếp các mảng, các khoảng cách khác nhau, đan xen cho phù hợp với bề mặt chung. Nên xử lý các ô hình bằng cách thay đổi về màu, sử dụng đậm nhạt tạo không gian ước lệ. Có thể có một cách làm khác là xử lý ánh sáng ảo như thay đổi màu trong các ô hình trước, sau đó mới đặt họa tiết lên, cách này tuy chỉ dùng 1 hay 2 họa tiết biến đổi hay xoay chiều mà vẫn tạo cảm giác có nhiều họa tiết khác nhau để thay đổi hình dạng của bố cục. Khi đã lên được toàn bộ họa tiết của mặt nền, điều chỉnh lại hình cho đẹp, tạo các đường cong, đường thẳng, nét to, nét nhỏ, mảng đậm mảng nhạt để tất cả hòa quyện, ăn ý tạo nên sự thống nhất.
Họa tiết có thể sử dụng làm trang trí vải hoa
Đậm, nhạt, sáng, tối có thể làm thay đổi sắc độ của vải hoa, gây cảm giác như có ánh sáng
b. Tìm phác thảo màu: Bản hình đen trắng đã hoàn chỉnh, trước khi bước vào giai đoạn thể hiện, cần phải có phác thảo màu, vì chính phác thảo màu sẽ làm cơ sở cho việc thể hiện bài được tốt, chủ động trong cách vẽ cũng như cách đặt những mảng màu được ăn ý và phù hợp. Trước hết, cần tìm một loạt nền màu nhỏ có diện tích khoảng 10 x 10 cm, trên cơ sở các nền màu ấy, đặt các màu của họa tiết sao cho chúng có sự hòa hợp, ăn ý và thuận mắt. Tìm màu của họa tiết cần phải dựa vào màu nền để điều chỉnh sao cho chúng có chung một gam màu chủ đạo qua đó dẫn dắt các màu khác đi vào một quỹ đạo chung. Trong quá trình tìm phác thảo màu, luôn phải dựa vào bản phác thảo đen trắng nhỏ để có sự dẫn dắt và chủ động về độ sáng tối chung. Tìm phác thảo màu cần cẩn thận và nghiêm túc sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc thể hiện bài. Nếu như quá trình làm phác thảo màu cẩu thả, xấu, màu nhòe lẫn sang nhau sẽ thiếu cơ sở để xử lý màu trong quy trình thể hiện, kết quả giữa bản màu thể hiện với bản phác thảo sẽ không thống nhất, do vậy sẽ kém hiệu quả. Nên làm phác thảo với nhiều gam màu khác nhau về hòa sắc hay nóng lạnh của màu. Cũng có thể dựa trên phác thảo đen trắng nhưng đảo ngược lại về độ đậm nhạt nếu như thấy hợp lý và có hiệu quả (nếu sử dụng hình thức đảo ngược sáng thành tối và tối thành sáng, vẫn phải dựa vào phác thảo đen trắng để chủ động trong cách phối màu). Dựa trên một loạt các phác thảo màu đã vẽ, lựa chọn lấy một phác thảo màu nào có hiệu quả tốt nhất về mọi mặt để thể hiện bài.
c. Phương pháp thể hiện: Bồi giấy phẳng và đều lên bảng vẽ. Dùng giấy can (theo khuôn khổ bài thể hiện) can hình theo bản hình đen trắng, chỉ cần can hình theo chu vi không cần đậm nhạt; trong khi can hình cũng cần phải có ý thức điều chỉnh cho hình thêm đẹp, cẩn thận và có độ chính xác. Có thể can toàn bộ bản hình, một nửa hay một đoạn nếu thấy đã có đủ cơ sở để xử lý nguyên tắc lặp lại.
Pha màu nền theo phác thảo màu đã được chọn. Sử dụng dao nghiền màu thật kỹ sao cho màu trở nên mịn, nhuyễn không còn các hạt màu. Màu pha không vừa độ dễ bong, màu nền sẽ bị lẫn vào các màu của họa tiết. Do đó, màu quét nền cũng phải vừa đủ độ, không khô quá cũng không bị ướt quá. Dùng bút lông dẹt to bản quét màu nền lên trên mặt giấy, chú ý đưa đều bút theo chiều ngang toàn bộ một lượt, sau đó chuyển sang chiều dọc của giấy để mảng màu nền khi khô được phẳng và mịn mặt. Khi đưa các nét bút phải bôi cho màu được đều, không bị sạn, cát, không bị loang lổ, ghồ ghề chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ dày chỗ mỏng. Cuối cùng đặt bảng vẽ vào nơi thoáng mát cho mặt giấy được khô đều. Tránh khi bồi giấy và quét nền xong phơi bảng ra chỗ nắng nóng hay để cạnh bếp lửa, mặt giấy do bị nóng lạnh đột ngột bị bục, rách, màu cũng dễ bị loang lổ do độ khô của từng chỗ khác nhau.
Khi mặt nền đã thật khô, đặt bản giấy can hình lên phía trên nền màu (dùng bột màu xoa đều một lớp thật mỏng sau mặt giấy can) dùng bút chì cứng hay bút bi đã hết mực can toàn bộ hình xuống mặt nền. Cần phải can đúng hình và rõ nét để khi thể hiện được mạch lạc. Tiếp theo, nghiền kỹ từng màu có trong phác thảo, chú ý nghiền riêng từng màu, không để lẫn lộn dây bẩn sang nhau. Dựa vào bản đen trắng và bản phác thảo màu để thể hiện bài, nên vẽ từng màu một trên toàn bộ bề mặt, sau đó mới chuyển sang màu khác, cứ lần lượt như vậy cho đến màu cuối cùng. Thể hiện bài tập trang trí vải hoa cần sự gọn gàng, sạch sẽ, chính xác và khéo léo trong suốt quá trình làm bài. Cuối cùng dùng thước kẻ và dao trổ xén đều bốn góc bài đã được thể hiện (đo đúng khuôn khổ quy định). Dán bài đã được thể hiện lên trên một tờ giấy trắng, sắp đặt bố cục sao cho đẹp mắt.
Đặt bài thể hiện chính giữa phía trên, hai bản phác thảo đen trắng và phác thảo màu phía dưới. Có thể bố cục ngang hay dọc tùy ý, với ý thức sắp đặt vừa trang trọng vừa hợp lý, khiến cho bài tập thêm phần hấp dẫn, đẹp mắt. Đây cũng là một phần quan trọng của bài học, nó giúp cho các bạn nhận biết về ý thức thẩm mỹ, cách trình bày trang trí để bài làm trở nên có giá trị hơn. Phần chữ viết trang trí vải hoa và họ tên cũng phải tính toán cho phù hợp, tránh to quá hay lòe loẹt thái quá.
Cách trình bày bài trang trí vải hoa
>>> Tính thống nhất trong trang trí nội thất
>>> Hoa văn trang trí của người Thái
>>> Cách tô được "màu trong" khi vẽ trang trí màu