Bài tập ứng dụng về tranh bố cục
1. Vẽ tranh bột màu về đề tài sinh hoạt học tập:
Về đề tài này có thể vẽ những hoạt động sinh hoạt học tập thường ngày. Có thể vẽ cả một tập thể, một nhóm hoặc rất ít đang hoạt động với những chủ đề sinh hoạt học tập như học nhóm hay quang cảnh học tập ở lớp, nghe thầy cô giảng bài, nghe bạn phát biểu trên bảng… Có thể vẽ cảnh ngoài trời như hình ảnh học sinh đang ôn bài trên lưng trâu hoặc một nhóm học sinh đang học dưới gốc cây phượng, cây bàng, cây bằng lăng hoa tím ở sân trường, ngoài công viên, là những hình ảnh hấp dẫn về đề tài sinh hoạt học tập.
Vẽ về sinh hoạt học tập tuy là một đề tài rất gần gũi nhưng tìm được chủ đề nội dung hay một bố cục đẹp là một điều rất khó. Phải tìm được những khía cạnh nội dung mới lạ và hình thức thể hiện táo bạo mới thoát khỏi những sự nhàm chán theo lối mòn quen thuộc. Sinh hoạt học tập còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, gia đình với những chủ đề như: học tập cách chăm sóc bảo vệ cây xanh ở ngoài đường, trong vườn…: học tập cách chăm sóc bảo vệ ruộng vườn, nương rẫy và các con vật nuôi trong nhà cũng như những động vật quý hiếm để bảo vệ môi trường tự nhiên.
Bước 1 - Tìm bố cục: Xếp đặt mảng chính, mảng phụ bằng các hình chữ nhật, vuông, tròn, tam giác, oval… và chú ý đến các tương quan chính phụ to nhỏ khác nhau sao cho cân đối nhịp nhàng.
Bước 2 – Vẽ hình: Dựa vào nội dung và các mảng hình để vẽ người, vẽ cảnh vật mà vẫn giữ được bố cục đã dự kiến nói lên nội dung của tranh. Hình ảnh phác đơn sơ nhưng đồng bộ (phác nhanh tất cả các hình) rồi từng bước hoàn thiện cho phù hợp với nội dung.
Bước 3 – Vẽ màu: Dù vẽ bằng chất liệu gì cũng cần phải có sự hài hòa. Nên tập trung màu sắc mạnh mẽ tươi sáng vào mảng chính vì đó là nội dung chủ đề của tranh. Vẽ màu thể hiện tình cảm của người vẽ với nội dung tranh. Không nhất thiết lệ thuộc hoàn toàn vào màu sắc tự nhiên nhưng cần dựa vào đó để khơi gợi cảm xúc và sáng tạo trong tranh vẽ của mình. Vẽ màu cần vẽ kín mặt tranh và điều chỉnh sắc độ cho đẹp mắt.
Tranh vẽ về đề tài sinh hoạt, học tập của họa sỹ và học sinh
Bác Hồ thăm lớp học. Tranh sơn dầu của Đỗ Hữu Huề (1976)
Học nhóm. Tranh sơn dầu của Đàm Luyện
Học nhóm. Tranh vẽ của học sinh – Sưu tầm
Tàn tật vẫn học giỏi. Tranh vẽ của học sinh – Sưu tầm
Trồng và chăm sóc cây. Tranh sáp màu của học sinh – Sưu tầm
2. Vẽ tranh màu bột về đề tài quân đội:
Đây là một bài vẽ tranh đề tài có nhiều chủ đề nội dung phong phú, sinh động gây được nhiều cảm hứng đối với người vẽ. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, qua những hoạt động rèn luyện lao động, học tập trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và trên thao trường là những hình ảnh đẹp gần gũi để xây dựng thành những bức tranh.
Những đề tài vẽ về người lính không thể bị lãng quên bởi lẽ trong lịch sử nó gắn liền với sự tồn tại của đất nước. Nó là hình tượng bao hàm những nội dung sâu sắc, thể hiện tinh thần dũng cảm, tình yêu Tổ quốc nồng nàn và chính ở đó hàm chứa một tinh thần cao cả mang giá trị thẩm mỹ của dân tộc, là ngọn nguồn của tình cảm thẩm mỹ. Mỹ thuật cần bám sát ngọn nguồn này làm cơ sở cho cảm hứng sáng tạo cái mới, cái đẹp trong nghệ thuật.
Mỗi người vẽ phải có một cách lựa chọn khác nhau trong vẻ đẹp hào hùng, hoành tráng, trữ tình nhưng cũng rất bình dị ở từng giai đoạn chiến đấu và cuộc sống của anh bộ đội.
Tranh về đề tài quân đội thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp
Nghỉ trưa. Tranh sơn mài của Nguyễn Sáng
Ghé thăm nhà. Tranh lụa của Trọng Kiệm
Bộ đội và du kích Củ Chi. Tranh lụa của Lê Vinh
Hoa biển. Tranh sơn dầu của Đồ Sơn
Mừng ngày chiến thắng. Tranh của học sinh – Sưu tầm
Thiếu nhi và bộ đội xe tăng. Tranh của học sinh – Sưu tầm
3. Vẽ tranh màu bột về đề tài quê hương:
Những hình ảnh ấn tượng sâu sắc về quê hương đã gợi cho ta vẽ lên những bức tranh đẹp về phong cảnh, từ góc sân nhà em đến cổng làng ngõ xóm, cây đa, bến nước cho đến ngôi chùa, mái đình, di tích văn hóa lịch sử cũng như hàng cây trên đường phố chốn thị thành.
Vẽ về đời sống sinh hoạt và lao động ở quê hương cũng có những chủ đề khác nhau như: mùa gặt trên đồng ruộng, nương rẫy, chăn nuôi, đánh bắt tôm cá ở hồ, ao, sông, biển, những hoạt động của các làng nghề thủ công.
- Phương pháp vẽ màu bột: Phương pháp vẽ màu bột không thể học được trong một ngày, một lúc mà phải qua thực tế thể nghiệm lâu dài trong quá trình học tập. Người vẽ trước hết phải biết phối hợp màu, phải luyện tập làm công việc đó tới mức chính xác nhất. Trong đó, việc pha trộn các màu cũng phải sao cho đúng độ để bức tranh thể hiện chính xác mà không xa rời tự nhiên rồi sau đó nhờ sự hướng dẫn mà dần dần phát huy khả năng thể hiện.
- Đặc thù của chất liệu màu bột: Màu bột là màu khô ở dạng bột, pha với kẹo hoặc hồ để vẽ. Màu bột thường dùng là bột hóa chất. Ở xã hội khoa học tiên tiến như ngày nay, màu bột rất đa dạng và phong phú về trọng lượng có màu nặng, màu nhẹ, có màu hơn kém nhau về chất, nên khi dùng rất ít nhưng lại lấn át các màu khác. Do vậy lúc vẽ bột màu cần phải lưu ý:
+ Đối với những màu nặng thì dễ tan trong nước. Ta có thể vẽ bình thường. Đối với những màu nhẹ, nổi bồng bềnh trên mặt nước, cần pha thêm chút rượu hoặc nước xà phòng loãng, màu sẽ tan ngay.
+ Những màu pha chế từ phẩm thì màu rất mạnh. Những màu đó chỉ cần pha một chút là loang rất rộng và tươi, dễ át đi các màu khác nhưng đồng thời cũng dễ bị bay màu theo thời gian. Do vậy, khi vẽ cần vẽ kèm với các màu khác và trừ hao “độ no” của màu để khi màu baty bớt đi là sẽ vừa độ.
+ Đối với loại màu bột đã được nghiền sẵn bán trong lọ để vẽ ngay thì màu mịn và trong, nên nhiều khi dùng để vẽ tả chất sẽ khó. Việc pha trộn màu cũng bị hạn chế. Loại màu đã được nghiền sẵn này nếu vẽ dày và đậm đặc quá cũng dễ bị bẩn nên người ta thường vẽ kèm với màu bột chưa tinh chế.
+ Màu bột thông dụng để vẽ cần được pha chế cùng một chất keo dính, pha chế sao cho vừa độ. Nếu quá nhiều keo, màu sẽ bị bẩn và xỉn, nếu quá ít keo, màu sẽ bị bong ra khỏi mặt giấy sau khi màu vẽ vừa khô. Do đó khi vẽ cần chú ý độ keo dính vừa phải sao cho khi vẽ xong ta miết tay lên mặt tranh, màu không bị bong mà chỉ thôi ra tay rất ít. Màu bột vẽ dễ đẹp, dễ diễn tả sáng tối, không gian xa gần. Khi vẽ màu bột cần lên những mảng lớn toàn bộ trước, vẽ nhanh và nắm bắt tương quan nóng lạnh chung của toàn bộ bức tranh. Sau đó đi sâu diễn tả chi tiết và nhấn những điểm trọng tâm cho đúng. Không nên để mảng màu thật khô mới đẩy sâu chi tiết mà cần phải vẽ vào lúc giấy còn hơi ẩm, mặt giấy chưa khô hẳn. Màu bột tơi xốp dễ tạo được chất và hiệu quả bất ngờ nên khi vẽ cần quán xuyến toàn bộ bức tranh, nhận thấy cái gì đẹp và hiệu quả diễn đạt đã tốt thì để lại và chỉ điều chỉnh những mảng màu xung quanh cho phù hợp. Vẽ màu bột dễ dập xóa, sửa chữa; hình, mảng nhiều khi do điều chỉnh nhiều cũng tạo được hiệu quả bất ngờ.
Hai cô gái Mường. Tranh khắc gỗ màu của Nguyễn Văn Tỵ
Cổng làng. Tranh màu bột của học sinh – Sưu tầm
Thả diều. Tranh khắc thạch cao của Trần Khánh Chương
Hồ Gươm. Tranh bút dạ của học sinh – Sưu tầm
Phong cảnh quê em. Tranh màu bột của học sinh – Sưu tầm
Ngày hội ở miền núi. Tranh bút dạ của học sinh – Sưu tầm
4. Vẽ tranh màu bột về đề tài ngày Tết và mùa xuân:
Trước đây cứ mỗi lần Tết đến, xuân về ta thường thấy xuất hiện những bức tranh màu sắc tươi vui với những nét khắc giản dị nhưng đã biểu thị được tâm hồn và bản sắc dân tộc. Đó là tranh dân gian Việt Nam với hai dòng tranh tiêu biểu ở Đông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội). Đề tài tranh Tết và mùa xuân được thể hiện bằng nhiều chủ đề, nhiều phương pháp in, khắc, tô, vẽ khác nhau vô cùng đa dạng và phong phú. Nội dung của tranh phần lớn là những cảnh sinh hoạt hằng ngày của dân chúng. Đó là những lời chúc tụng, ước mơ ấm no hạnh phúc như tranh Gà trống, Gà mái, Lợn nái, Ngũ quả, Vinh hoa phú quý, Tiến tài, Tiến lộc, Bà Triệu, Bà Trưng… và còn rất nhiều tranh thờ phục vụ tín ngưỡng.
Ngày nay vẫn còn rất nhiều hình ảnh hoạt động vào ngày Tết và mùa xuân được các thế hệ họa sỹ vẽ thành tranh với các chủ đề ngày hội, các cuộc vui chơi giải trí bằng các trò chơi dân gian, thăm hỏi chúc tụng, đi chợ hoa, chợ Tết, đón giao thừa, du xuân, hội làng…
Sau khi đã xác định được nội dung để vẽ, các bước vẽ tranh như sau:
- Bố cục phân mảng, sắp xếp các hình dáng;
- Phác và vẽ hình chung, chi tiết của người và cảnh vật;
- Trong tranh có thể có nhiều cảnh hoạt động khác nhau nhưng không tản mạn, rời rạc.
- Vẽ màu: tìm màu tươi sáng, rực rỡ phù hợp với cảnh trí ngày Tết và mùa xuân. Chú ý chủ đề chính phụ được diễn tả kỹ hơn cả về hình và màu sắc.
Múa Rồng. Tranh Đông Hồ
Ngựa bạc. Tranh Đông Hồ
Mùa xuân. Tranh lụa của Lương Xuân Nhị
Hội làng. Tranh của học sinh – Sưu tầm
Chợ hoa ngày Tết. Tranh của học sinh – Sưu tầm
ảnh
Đi hội mùa xuân. Tranh sơn dầu của Đàm Luyện.
5. Vẽ tranh màu bột về đề tài thể thao, văn nghệ:
Hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ được nhiều người ưa thích, đặc biệt là thế hệ trẻ vì đó là những hoạt động có tính hấp dẫn cao giúp nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho mọi người. Đề tài thể thao văn nghệ có nhiều hình ảnh phong phú gần gũi với hoạt động sinh hoạt trong nhà trường và xã hội, những môn thi đấu thể thao đã thể hiện nhiều trong các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng hàng năm. Các hội thi biểu diễn văn nghệ với các quy mô khác nhau, với các loại hình hát, múa, nhạc khác nhau đã tạo nhiều cảm hứng cho mọi người để vẽ thành những bức tranh sinh động.
* Các bước vẽ tranh:
- Tìm chủ đề. Hình tượng chủ đề cần nêu rõ nội dung về: một pha bóng đẹp hấp dẫn, một cuộc đua thuyền hay nhảy dây, kéo co… một điệu múa sạp hay một tốp ca đang biểu diễn ở sân trường… Nội dung phải thể hiện được rõ một hoạt động cụ thể nào đó.
- Sắp xếp bố cục tìm hình ảnh chính, phụ một cách hợp lý, có sự chặt chẽ nhưng uyển chuyển mềm mại, cần đối giữa các hình mảng chính phụ, xa gần.
- Vẽ hình cần tìm hình cho phù hợp với động tác, dáng điệu đúng với các biểu hiện đặc trưng của nội dung trong các hoạt động thể thao hay văn nghệ. Hình dáng cần sinh động, có sự giao lưu với nhau như một sự ăn ý hài hòa về tình cảm và thể chất.
- Vẽ màu cũng rất quan trọng để làm nên sự thành công của bức tranh, nó quyết định sự hấp dẫn người xem ngay từ lúc ban đầu, nó làm rõ được nội dung chủ đề một cách mạnh mẽ.
Tóm lại mỗi bức tranh có cách thể hiện riêng về nội dung, bố cục, về hình và về màu. Muốn có một bức tranh đẹp trước hết phải có cảm xúc thực, phải có tư liệu và có trí tưởng tượng sáng tạo để tạo nên hình tượng thẩm mỹ và không được dễ dãi tùy tiện trong từng bước thực hiện từ việc phác thảo đen trắng và phác thảo màu.
Điệu múa cổ. Tranh màu bột của Nguyễn Tư Nghiêm
Múa sạp. Tranh bút dạ của học sinh – Sưu tầm
Bơi thuyền. Tranh màu nước của học sinh – Sưu tầm
Bơi thuyền. Tranh sáp màu của học sinh – Sưu tầm
Ngày hội. Tranh sáp màu của học sinh – Sưu tầm
>>> Sơ đồ bố cục
>>> Hình thức xây dựng bố cục trong hội họa
>>> Phương pháp bố cục trong trang trí hình tròn (Phần 1)