Cách vẽ theo Luật phối cảnh

phoi canh 1
Một thế giới khác – M.C. Escher (1947)

Về bản chất, luật phối cảnh là ảo ảnh về chiều sâu và thực tại. Chúng luôn biến đổi và không ngừng vận động. Chúng khoác lên không gian hai chiều một tấm áo ba chiều rực rỡ, hóa thân những điều phàm tục trở nên ấn tượng hơn, và chuyển biến những điều quan trọng thành tầm thường.

Qua nhiều thế kỷ, các họa sỹ chưa tìm ra được cách để tạo những ảo ảnh chiều sâu trên các bề mặt giấy. Một số người nhận ra rằng vài vật thể trở nên nhỏ hơn khi ở xa hơn, nhưng mãi cho đến thời kỳ Phục Hưng thì những họa sỹ mới thật sự thấu hiểu luật phối cảnh đến từ vị trí chúng ta đặt để tầm nhìn của mình.

Luật phối cảnh giúp những họa sỹ thị giác kể các câu chuyện và đưa mọi người đến những vùng ảo mộng. Và cũng chính vì nó là những quy luật nên bạn có thể bẻ cong hoặc phá vỡ. Ví dụ, họa sỹ người Hà Lan M.C. Escher, đã lồng ghép những hình phối cảnh vào tranh vẽ của mình, tạo ra một thế giới khác lạ nơi những điều có thể và những điều phi thường gặp gỡ, hòa quyện vào nhau. Họa phẩm này mang đến cho người xem tranh cảm giác đánh đố cực kỳ hấp dẫn.

Chúng ta sẽ thực hành luật phối cảnh thông qua một khối vuông đơn giản. Khi bạn đã tự tin hơn với kỹ thuật này, hãy thử với những vật thể khác nhé. Bạn sẽ sớm học được những kỹ năng của các bậc thầy ảo ảnh đấy.

1. Xa, gần, nhỏ to:

phoi canh 2

Luật phối cảnh là một cách tiếp cận trong hội họa của rất nhiều họa sỹ Phục Hưng, họ vô cùng phấn khích khi đã tạo ra được một phương pháp vẽ vừa chuân xác, lại mang tính khoa học.

Nghe có vẻ to tát, nhưng thật ra, bạn chớ lo lắng gì nhiều. Đơn giản là khi càng tiến ra xa, mọi vật thể sẽ trông nhỏ hơn, mờ dần rồi biến mất. Đây là những khái niệm chung đằng sau hai hệ thống của luật phối cảnh, được biết đến với tên gọi là luật phối cảnh đường nét và luật phối cảnh không gian.

* Luật phối cảnh không gian:

Trong luật phối cảnh này, càng ra xa, vật thể sẽ nhỏ dần và trở nên nhạt màu, trong như bầu không khí đã phủ một lớp màng che khuất mọi thứ.

Có lẽ, bạn đã nhìn thấy hiện tượng những vật ở xa trông mờ hơn những vật ở gần. Điều này sẽ càng rõ ràng hơn nếu vật thể đang nằm ở một nơi xa vô cùng, ví dụ như những ngọn núi hay những tòa nhà ở đường chân trời.

phoi canh 3

* Luật phối cảnh đường nét:

Đúng với tên gọi, nó chỉ bàn luận về các vấn đề đường nét với nội dung rằng vật thể trở nên nhỏ dần khi chúng di chuyển ra xa. Và tại điểm mà chúng biến mất được gọi là điểm tụ.

Bạn hoàn toàn có thể tạo ra hai hoặc ba điểm tụ nhưng hãy bắt đầu với một điểm nhé. Nó có tên là luật phối cảnh một điểm tụ. Điểm tụ trong luật phối cảnh này liên quan trực tiếp đến vị trí bạn đặt để tầm nhìn của mình. Nó nằm cùng hàng và cấp độ với đôi mắt. Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trong một không gian trắng toát, vô cùng rộng lớn với rất nhiều những hình hộp lửng lơ xung quanh. Kích thước chúng sẽ nhỏ dần theo những đường tưởng tượng khi quy về nơi điểm tụ.

Bạn không cần phải luôn tìm ngay điểm tụ mỗi khi vẽ ngoại cảnh. Chúng vẫn luôn tồn tại nhưng không phải lúc nào cũng hiển hiện rõ ràng trước mắt. Trong trường hợp này, hãy sử dụng bút chì để “săn tìm” những góc độ cần thiết nhằm tạo ra phối cảnh. Bạn có thể hướng mình theo những góc độ để tìm đến các điểm tụ.

2. Điểm chính:

phoi canh 4
Một nghiên cứu vô danh – George Shaw (2004)

Những tác phẩm của họa sỹ George Shaw dắt lối người xem tranh rảo bước cùng ông trên những chặng đường và con hẻm tại khu bất động sản Tile End, thuộc Conventry, nơi lưu giữ cả thời thơ ấu của ông. Trong bức vẽ này, chúng ta có thể thấy được cách luật phối cảnh một điểm tụ hóa một con hẻm bình thường, thành một nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng xảy ra những câu chuyện kịch tính. Nó được khắc họa bằng những đường nét thẳng tắp, rõ ràng, kéo dài rồi gặp gỡ nhau trong một khoảng không vô định xa xăm.

phoi canh 5

Trong luật phối cảnh một điểm tụ, mọi thứ trở nên nhỏ dần cho đến khi biến mất tại một điểm tụ duy nhất. Trong bức vẽ này, từ bờ tường, hàng cỏ cho đến con đường đều tuân theo một quy luật như vậy. Cuối cùng, chúng đã mất hút tại một điểm cuối đoạn đường. Để hiểu rõ hơn ý này, bạn hãy chú ý vào đường nét trên thân viên gạch tại phần góc nhọn ngay phía đỉnh tường. Chúng đã trở nên nhạt nhòa hơn khi men sâu theo đường tầm mắt. Nhưng cho dù thế nào cũng không quá quan trọng, chúng đều dẫn bạn về cùng một điểm tụ.

* Điểm góc:

phoi canh 9
Tiêu chuẩn / Đã đánh bóng – Bút bi – Ed Ruscha (1962)

Họa sỹ người Mỹ Ed Ruscha đã sử dụng luật phối cảnh để khiến cho những địa điểm vốn rất quen thuộc, chẳng hạn như trạm xăng trong bức vẽ trên trở thành một không gian ba chiều đầy ấn tượng. Cũng trong bức vẽ này, những góc độ dốc trong cấu trúc trông như thể đang thoát mình ra khỏi trang giấy.

Bức vẽ của Ruscha chính là một ví dụ về luật phối cảnh hai điểm tụ. Thay vì chỉ có một điểm ở khoảng cách xa, luật phối cảnh này sử dụng hai điểm tụ và sẽ dẫn bạn hướng về cả hai phía trái, phải.

Bạn có thể sử dụng luật phối cảnh hai điểm tụ để đánh bật hình vẽ của mình ra khỏi bề mặt trang giấy. Khi đặt vị trí tầm mắt ngang với mặt đất như cách Ruscha đã làm, bạn có thể củng cố tính chất ba chiều của hình ảnh và họa nên một bức vẽ hấp dẫn hơn.

Cùng vẽ thử tòa nhà bằng cách sử dụng luật phối cảnh hai điểm tụ

phoi canh 6

Đầu tiên, vẽ một đường trụ ngang. Chấm điểm mốc hai bên trái, phải và ở giữa.

phoi canh 7

Tiếp đến, vẽ một đường trục thẳng đứng ở trung tâm trang giấy, kéo dài xuống, cắt đường trục ngang. Rồi, vẽ một đường chéo nối phần đỉnh của đường trục trung tâm đến hai điểm mốc ở trái, phải. Sau đó, ở mỗi bên của trục trung tâm, vẽ hai đường thẳng đứng bất kỳ, bắt đầu từ đường chéo phoisa trên và kết thúc ở đường trục ngang. Nhờ vào hai đường ngắn này, đã định khung nên hình khối cảu tòa nhà.

phoi canh 8

Bây giờ, bạn có thể vẽ thêm cửa sổ, cửa ra vào và những chi tiết khác. Hãy đảm bảo hình khối của chúng tuân theo những góc độ được tạo ra bởi đường trục ngang và đường chéo phía trên.

* Nhìn gần:

phoi canh 10
Bức vẽ vô danh – Iran do Espirito Santo (1998)

Tranh của họa sỹ Iran do Espirito Santo là một ví dụ khác của luật phối cảnh hai điểm tụ. Nó là một viên gạch với những chi tiết tuyệt đẹp. Nhưng không giống với những đường thẳng dốc đầy hấp dẫn trong bức vẽ trạm xăng của Ruscha, luật phối cảnh ở đây có phần tinh tế hơn.

Hai điểm tụ của viên gạch này là những đường dài, kéo về hai bên tạo ra một góc độ nông hơn. Càng ở gần vật thể, bạn sẽ càng ít thấy hiệu ứng hội quy về điểm tụ. Những phần rìa của vật thể gần như là song song.

phoi canh 11

Hãy vẽ một đường trục thẳng đứng, sau đó vẽ một đường trục nằm ngang ngay bên trên và cách nó một khoảng. Đánh dấu hai điểm tại hai đầu của đường trục ngang.

phoi canh 12

Từ hai điểm đầu của đoạn trục thẳng, nối các dường về hai điểm tụ. Tiếp đến, vẽ các mặt bên của khối vuông trong phạm vi của những đường hội tụ. Đó là hai đường thẳng đứng, cách đều một khoảng với đường trục thẳng ở giữa.

Cuối cùng, hoàn thành phần mặt trên của khối vuông bằng cách nối những đường chéo, kéo từ điểm trên của cạnh bên, đến điểm hội tụ phía đối diện.

 

phoi canh 15

brzrk rbt 8x1001 (bản chi tiết) – Chad Ferber (2003)

Luật phối cảnh tạo ra ảo ảnh chiều sâu, bất kể theo hướng ngang hay dọc. Đấy là lý do khiến cho chú robot của họa sỹ Chad Ferber hiện ra lù lù trước mắt chúng ta, với đôi chân to bự trên mặt đất và phần thân trên tựa như dáng hình một tòa nhà cao tầng đang vươn tới 9 tầng mây.

Khi chúng ta ngước nhìn một thứ cao lớn, ví dụ như tòa cao ốc, những cạnh song song của chúng trông có vẻ như luôn dần hội tụ về một điểm. Thế chúng biến mất đi đâu? Đúng như bạn đoán đấy – một điểm tụ thứ ba.

Đầu tiên vẽ một đường trục ngang ở phía dưới thấ của trang giấy. Đánh dấu hai điểm tụ ở hai đầu của đường này. Bây giờ, trên đầu trang giấy, ngay phần trung tâm, đánh dấu một điểm mốc. Từ đây, chúng ta đã có 3 điểm tụ. Sau đó, vẽ thêm một đường thẳng ddwngs ngay bên dưới, cách một khoảng so với điểm tụ trung tâm và cắt ngang, kéo dài qua khỏi đường trục ngang.

phoi canh 13

Bây giờ nối chúng lại với nhau (như hình mẫu).

phoi canh 14

Vậy luật phối cảnh về bản chất là những ảo ảnh. Chúng mở cánh cửa cho bạn đặt chân vào không gian của một bức vẽ hoặc chính bức vẽ ấy ùa đến với bạn. Bức vẽ dưới đây có cả hai điều đó. Tất cả là nhờ vào phong cách sử dụng luật phối cảnh tài tình, được gọi là rút gọn (theo luật phối cảnh).

phoi canh 18
Luyện tập chơi kèn trumpet – Sứ giả truyền tin chiến thắng – John Singer Sargent (1921)

Khi chúng ta nhìn vào nhân vật này, chiếc kèn trumpet có vẻ như đang vươn ra khỏi trang giấy, trong khi cơ thể thì đang khuất dần vào hư không. Tổng thể khiến cho người thổi kèn trông như đang bay thẳng về phía chúng ta.

phoi canh 16

Cùng thực hành vẽ một bàn tay đang xòe ra. Có thể sử dụng bàn tay của chính bạn làm mẫu để thuận tiện hơn. Bây giờ, vẽ một cái đầu ở phía bên trái của bàn tay với kích thước bằng một nửa.

phoi canh 17

Sau đó hãy vẽ phần thân dưới, nhớ đảm bảo giữ kích thước có tỷ lệ phù hợp với phần đầu. Cuối cùng, vẽ những đường cong đơn giản, nối phần bàn tay vào phần vai.

Tất cả mọi thứ trong bức vẽ này đều góp sức làm cho chiều sâu thêm phần nổi bật. Góc độ quan sát của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến kích cỡ cánh tay của người thổi kèn, khiến phần eo và đôi chân bị thu nhỏ, còn chiều dài của thân người thì ngắn lại.

Đây chính là tác dụng của kỹ thuật vẽ rút gọn. Về bản chất, nó cũng tương tự như phối cảnh một điểm tụ, khi mà những sự vật ở gần chúng ta sẽ trở nên to lớn và ngược lại, nó tạo ra một bức vẽ cực kỳ sôi nổi.

phoi canh 19
Xác máy bay – Brooks Salzwedel (2015)

Bức vẽ của họa sỹ Brooks Salzwedel là một bản hòa tấu tuyệt vời giữa nét đẹp hùng vĩ lãng mạn quyện cùng vẻ âu yếm dịu nhẹ. Trước mắt chúng ta, ẩn hiện những hàng cây vân sam sừng sững, tuy được khắc họa với nhiều chi tiết, nhưng lại trông tăm tối, mờ mịt trong tiết trời đầy hơi sương phủ lấp. Đằng xa, sau những tầng cây lớp lá, gần như đã khuất dáng một bóng hình ma mị của chiếc máy bay đang đằm mình vào khu rừng.

Chiều sâu tranh không chỉ được tạo ra bởi mỗi các đường nét và điểm tụ. Luật phối cảnh không gian khiến cho mọi thứ mờ nhạt dần theo các khoảng xa, gần. Điều này xảy ra nhờ vào sự thay đổi sắc độ của các vật thể. Trong bất kỳ bức tranh nào, một nét họa nhạt màu sẽ đẩy mọi thứ ra xa. Ngược lại, một đường bút đậm sắc sẽ kéo mọi thứ về phía trước, đến gần với người xem.

phoi canh 20

Hãy vẽ một loạt những hình vuông, cùng kích cỡ với nhau, nhưng độ đậm và độ dày của đường nét sẽ giảm dần từ trái sang phải. Mặc dù kích cỡ mỗi hình không bị thu nhỏ lại, chúng ta vẫn có cảm giác những hình vuông này đang lùi dần về sau.

Trong tác phẩm của mình, Salzwedel tận dụng kỹ thuật này nhằm tô đậm cảm giác xa vời, dẫn dắt người xem đến một khung cảnh mà tự họ có thể khám phá ra chủ thể thật sự. Sự chìm khuất, mờ dần này đặc biệt hữu ích khi khắc họa những khoảng cách rộng lớn, ví dụ như những dãy núi phông nền trong một bức tranh phong cảnh.

phoi canh 22
Khu phố buôn bán lớn – Paul Noble (2001-2)

Bức vẽ cạnh bên là một họa phẩm của họa sỹ Paul Noble, mang dáng vẻ nhộn nhịp nhưng cũng không kém phần phức tạp. Khi nhìn vào nó, ta khó mà phân biệt được liệu đấy là một bức vẽ nguệch ngoạc tân tiến hay một giấc mộng mơ màng. Đó là một công trình kiến trúc kỳ lạ được bao quanh bởi các khối hình hộp. Chúng ta có thể thấy được chiều sâu không gian, nhưng dường như có một điều gì bất thường trong đấy.

phoi canh 21

Luật phối cảnh là một bộ những nguyên tắc, giúp tạo ra ảo ảnh của những không gian thực tại. Nếu biết cách vui đùa với những nguyên tắc này, hoặc chủ ý thay đổi chúng, bạn có thể cất bút vẽ nên những bức tranh lạ thường và vô cùng thú vị.

phoi canh 23

Những vòng khói – Carine Brancowitz (2011)

Luật phối cảnh có tác dụng tạo ra chiều sâu, nhưng đôi khi, chúng ta muốn làm điều ngược lại, hệt như cách mà họa sỹ Carine Brancowitz đã vẽ bức họa lạ thường này. Trong tranh, không có chiều sâu đáng kể nào, mọi thứ trông rất bằng phẳng. Ta có cảm giác đây là một bữa tiệc ăn mừng, ca tụng vẻ đẹp của những họa tiết. Từ bức tường phía sau, mái tóc rối bời cho đến chiếc áo tròng đầu chi chít các hoa văn trắng – đen, phối hợp hài hòa cùng nhau như đang cố trồi mình lên bề mặt bức tranh.

Khi quan sát kỹ càng cuộc sống hàng ngày, Brancowitz nảy sinh cảm hứng vẽ nên tranh của mình. Cô có thói quen chụp nhanh ảnh con người và mọi thứ xung quanh. Từ chất liệu này, cô vẽ nên các bức tranh ấn tượng bởi tính bằng phẳng.

Các tấm ảnh chụp sẽ là nền tảng tuyệt vời cho bức tranh không gian hai chiều bởi tính bằng phẳng của nó. Và thay vì phải hao tâm tốn sức tái tạo lại ảo ảnh không gian ba chiều, bạn có thể tập trung chăm chút cho bất kỳ chi tiết nào bạn thích.

>>> Các công thức vẽ phối cảnh

>>> Học vẽ phối cảnh - Phần 1

>>> Những chỉ dẫn không thể thiếu khi vẽ phối cảnh trong hội họa

0976984729