Đồ họa tạo hình – Ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật
Những tác phẩm đồ họa tạo hình là những tác phẩm cho họa sĩ sáng tác trực tiếp bằng ngôn ngữ nghệ thuật và phương pháp đồ họa, từ chất liệu tạo hình, đến cách thức biểu đạt (chấm, nét, mảng miếng), bố cục không gian (tạo các không gian đơn chiều hay đa chiều, một lớp hay nhiều lớp)
1. Chất liệu tạo hình:
Trong đồ họa tạo hình, người ta cũng phân loại một cách tương đối dựa theo cách thức, phương pháp mà người nghệ sĩ sử dụng: đồ họa giá vẽ và đồ họa ấn loát.
Đồ họa giá vẽ là người họa sĩ trực sử dụng các công cụ đồ họa trực tiếp lên mặt chất liệu, hiệu quả nghệ thuật của sự vẽ trực tiếp lên mặt chất liệu tạo ra hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm mà không qua một công đoạn nào khác.
Còn đồ họa ấn loát thì sau công đoạn tạo hình trên chất liệu, người họa sĩ còn phải thực hiện một công đoạn chế bản (khắc, bôi màu, ấn loát..) để hoàn thành tác phẩm, và hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm còn phụ thuộc cả vào công đoạn chế bản.
Tuy nhiên, dù là đồ họa giá vẽ hay đồ họa ấn loạt thì người nghệ sĩ tạo hình cũng xuất phát từ cảm xúc của người nghệ sĩ, tự do sáng tạo, người nghệ sĩ không bị phụ thuộc vào các yếu tố được quy định trước, không bị lệ thuộc vào một vật dụng trang trí hay một kích thước có sẵn, yêu cầu bắt buộc của một công trình, một nội dung tác phẩm văn học, một bài viết nào khác. Trong lúc sáng tác, người nghệ sĩ được tự do biểu đạt, tự do sử dụng kỹ thuật đồ họa để diễn đạt, bộc lộ và trình bày tư duy, tình cảm của mình trên bề mặt tác phẩm.
Chất liệu có thể tạo ra cho người sáng tác những điều kiện nhất định, nhưng phải trên cơ sở người dùng nó phải điêu luyện về kỹ năng. Vì vậy, người họa sĩ mà không rèn luyện cho mình một bản lĩnh thì dù có là vàng son, là sơn quý gì đi nữa, chất liệu vẫn là chất liệu. Nếu người nghệ sĩ không làm cho chất liệu không bật lên tiếng nói của một ngôn ngữ nghệ thuật thì đá vẫn trơ, gỗ vẫn im lìm, vàng vẫn lạnh ngắt.. mà thôi.
Tác phẩm Cổng Làng – Họa sĩ Mai Khanh
2. Chấm – nét và mảng miếng:
Cũng như trong hội họa giá vẽ, khi nói đến ngôn ngữ đồ họa nói chung và ngôn ngữ đồ họa tạo hình nói riêng, người họa sĩ cũng sử dụng chấm và nét để làm ngôn ngữ diễn tả hình ảnh trong thiên nhiên và ngôn ngữ biểu đạt các trạng thái của con người. Từ việc mô tả sự vật, hiện tượng đến bộc lộ biểu cảm, cảm xúc, sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, tạo nên giá trị thẩm mỹ.
Đồ họa tạo hình sử dụng chấm và nét để tạo nên những mảng sáng tối, đậm nhạt của mảng miếng trên mặt phẳng của chất liệu đồ họa để tạo hiệu ứng cảm nhận về hình khối, đường nét, sắc độ, bố cục… Người họa sĩ dùng phương pháp đó để diễn tả, xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình.
Trong không gian đồ họa tạo hình, người nghệ sĩ trước tiên sử dụng các chấm, nét đứt gãy tạo nên những quỹ đạo tạo hình, tạo nên danh giới không gian. Thuần túy với màu đen, trắng và mật độ điểm đen để tạo nên sắc độ biến ảo của hình tượng trong tranh. Nói cách khác, với màu đen trắng, người họa sĩ nắm bắt hiệu ứng ánh sáng, tính tương phản của mảng tối sáng để tạo hình khối, phân tách các hình, vật, phân biệt cái tĩnh và cái chuyển động, tạo được cảm giác về sự vui, buồn, tạo được nhận thức về tư duy trừu tượng.
Cùng với lịch sử phát triển của mỹ thuật đồ họa tạo hình, chúng ta cũng phân định được nét văn hóa, nét truyền thống của mỗi vùng địa lý, mỗi thời kỳ lịch sử và mỗi nền văn minh, mỗi nền văn hóa hay nhạy cảm hơn nữa chúng ta có thể phân định được ngôn ngữ riêng của mỗi người nghệ sĩ.
Nhìn nhận một cách khái quát,
Nét tạo hình của đồ họa Châu Âu, thiên về diễn tả các nét khắc tinh vi, sắc sảo và uyển chuyển, tạo nên các hình khối chắc chắn, diễn tả chất một cách điêu luyện, như sự sáng bóng của kim loại, sự mềm mại mượt mà của lụa, sự êm dịu và uyển chuyển của cơ thể con người.
Tác phẩm: Tín ngưỡng, mê tín và cuồng tín – Họa sĩ William Hogarth
Nét tạo hình của đồ họa Trung Hoa lại thiên về sức biểu đại nội dung, mô tả những hình ảnh, cụm hình ảnh mang tính chất của tả kể, những đường nét đều, nhỏ, nhưng nhiều cụm hình ảnh tạo nên sự hoành tráng, nhiều nhân vật.
Tranh khắc gỗ của Trung Quốc mô tả cảnh quân Nghĩa Hòa Đoàn tấn công và chiếm một pháo đài trên núi ở Thiên Tân
Nét tạo hình của đồ họa Nhật Bản, lại là những đường nét đều, nét liền kéo dài, nét giản lược, cô đúc, tinh vi và chính xác, các nét nuột, trơn tạo nên sự chỉnh chu, sự liên kết, kết nối các hình tượng trong tác phẩm một cách liên hoàn.
Nét tạo hình của đồ họa Việt Nam từ tranh dân gian đến đồ họa tạo hình, xuất phát từ tâm hồn người Việt vốn đề cao sự chân thành, mộc mạc. Nên trong nghệ thuật, những nét mộc, những mảng mộc, đầy rung cảm chân thành luôn được những người nghệ sĩ Việt diễn đạt và thực tế nó cũng gần gũi và dễ làm rung cảm người xem bởi sự giao cảm được những nét mộc mạc, đặc biệt trên các tranh in khắc (khắc gỗ, khắc thạch bản..)
Tác phẩm: Nghệ nhân nặn tò he Hội An – Họa sĩ Trần Nguyên Đán
3. Chế bản - Ấn loát:
Đối với đồ họa tạo hình, ngoài những tác phẩm đồ họa giá vẽ là giai đoạn hoàn thiện tác phẩm cũng chính là giai đoạn vẽ, thì với đồ họa tạo hình ấn loát, còn một công đoạn nữa là công đoạn chế bản.
Thông qua công cụ, chất liệu tạo hình mà lựa chọn công đoạn chế bản:
Phương pháp in nổi: khắc gỗ, khắc thạch bản, khắc trên bìa
Phương pháp in chìm: khắc kẽm, khắc đồng..
Phương pháp in bằng: in lưới.
Hình minh họa Tác phẩm Chung cư của Họa sĩ Phạm Khắc Quang
Mỗi phương pháp biểu đạt, mỗi chất liệu thể hiện, mỗi công đoạn sáng tác của đồ họa tạo hình đều tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật thị giác khác nhau, cho người xem những cảm nhận khác nhau, tạo nên những giá trị nghệ thuật khác nhau.
Nhưng, nhìn chung, đối với sáng tạo nghệ thuật nói chung hay đối với hội họa, ngay trong nghệ thuật đồ họa tạo hình, vấn đề chất liệu hay phương pháp vẫn là thước đo bản lĩnh của người họa sĩ.
Người họa sĩ bản lĩnh là người họa sĩ làm chủ được chất liệu và ứng biến bằng phương pháp thể hiện để từ những chất liệu như gỗ, đá, kim loại, v.v. mà người ta cho là vô tri vô giác thành tiếng nói truyền tải vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, sự rung cảm, cảm xúc đến với người thưởng lãm.
- Theo Luneta Phan -
>>> Các cách tạo hình cụ thể (Phần 1)
>>> Nghệ thuật tạo hình (Phần 1)
>>> Đồ họa tranh in