Thời gian và sự chuyển động (Phần 2)
4. Trường phái mỹ thuật chứa đựng thời gian bằng cái động:
Trước những hạn chế nói trên của một số trường phái, một số khuynh hướng đã phá vỡ “cái tĩnh của thời gian” trong tranh bằng cách đưa ra những lý luận, quan niệm sáng tạo mới với ý định cho thời gian trong tranh được “động” hơn.
Thí dụ phái nghệ thuật Vị lai, phái nghệ thuật chuyển động đã đưa cái Động vào tác phẩm, hàm chứa cái Động – sự dịch chuyển thời gian trong tranh. Rồi trường phái nghệ thuật Đồng hiện đưa hình tượng diễn ra trong nhiều thời gian, không gian khác nhau vào cùng chung một tác phẩm theo ý định diễn tả nội dung nào đó.
5. Thời gian và nghệ thuật phù du:
Gần đây, trong mỹ thuật có xuất hiện thuật ngữ Nghệ thuật Phù du dùng để chỉ một số loại hình nghệ thuật mà tác giả, tác phẩm hay nhóm biểu diễn trong khoảng thời gian ngắn bao gồm: Nghệ thuật Biểu diễn, Nghệ thuật Điện ảnh, Video Art, Nghệ thuật Thân thể, Nghệ thuật Sắp đặt bởi vì người ta cho rằng trong Nghệ thuật Biểu diễn hay Nghệ thuật Thân thể thì bản thân cơ thể tác giả là phương tiện để diễn đạt. Tác phẩm của tác giả loại nghệ thuật này không phải ở dạng tĩnh bình thường khác.
Thí dụ tác phẩm của nghệ thuật thân thể được chính tác giả diễn đi, diễn lại nhiều lần trong một ngày, mỗi lần diễn chắc chắn có sự khác nhau về tâm lý sáng tạo. Do vậy, các lần diễn không thể nào giống nhau một cách tuyệt đối chỉ được trình diễn, thể hiện trong khoảng thời gian nhất định từ 5, 10, 15 phút hay vài giờ là tối đa. Chính vì khoảng thời gian diễn ngắn và phải diễn đi diễn lại nhiều lần này mà nó được người ta gọi là nghệ thuật phù du và thời gian diễn được gọi chính xác là “thời khoảng”, tức là thời gian có giới hạn cụ thể.
Đặc biệt là trong nghệ thuật biểu diễn và nghệ thuật thân thể kéo theo một số thuật ngữ khác. Thí dụ thuật ngữ “thể hiện hay diễn” chứ không phải là triển lãm. Còn nơi, chốn biểu diễn loại hình nghệ thuật này được gọi là “Địa điểm” hay “hiện trường”, tức là vị trí thật cụ thể chứ không phải là gallery hay showroom. Điều này đã được nói ở trên.
6. Thời gian dừng lại:
Khái niệm về thời gian dừng lại có ý nghĩa rõ nét nhất trong lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh. Máy ảnh được nghệ sỹ nhiếp ảnh sử dụng để ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong thiên nhiên hay những động tác đẹp trong chuỗi vận động. Những hình ảnh, động tác tuyệt vời được nhà nhiếp ảnh khám phá, bắt gặp đang diễn ra trong thực tế cuộc sống và máy ảnh đã “bắt thời gian phải dừng lại” thông qua động tác “bấm máy” và những thước phim là phương tiện ghi hình.
Riêng trong nghệ thuật tạo hình thì bằng sự diễn tả: ánh sáng và màu sắc, thời tiết, không khí, không gian, nghệ sỹ đã gợi cho người xem cảm giác về thời gian trong một khoảnh khắc nào đó.
Thí dụ các tác phẩm của họa sỹ Manet, thuộc phái Ấn tượng đã ghi lại màu của thời gian trên các phong cảnh cảu Thánh đường Rouen trong các thời điểm: sáng sớm và buổi chiều. Ngoài ra chính nghệ thuật hội họa thể hiện những tuổi thời gian, khoảnh khắc thời gian thông qua sự biểu hiện của chân dung, cơ thể, trạng thái tâm lý của nhân vật.
Từ phân tích này đã cho thấy khái niệm “thời gian dừng lại” trong hội họa sẽ hiển thị thông qua ba loại tác phẩm:
Một là nó được thể hiện rất nhiều và rõ nét trong loại tranh phong cảnh.
Hai là đôi khi được thể hiện trong các tranh theo khuynh hướng như hiện thức hay ấn tượng nhưng chắc rằng nó bị “loãng” hơn hay mang tính chất riêng của nghệ sỹ chứ không còn trung thực hoàn toàn, thậm chí hoàn toàn không có khái niệm về thời gian.
Ba là tác giả sử dụng khuynh hướng ghép hình. Thí dụ người già và chiếc lá khô đang rơi.
Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc thì khái niệm thời gian dừng lại có lẽ chỉ được mô tả trên khuôn mặt, hình khối hay cơ thể mang dấu ấn mà thôi (vì nó không có màu).
Còn trong lĩnh vực trang trí thì hoàn toàn không biểu thị được loại thời gian này bởi lẽ ngôn ngữ trang trí là loại ngôn ngữ của đơn giản, cách điệu, ước lệ hay cường điệu chứ không phải là tả thực tuy nhiên phong cách, họa tiết trang trí cũng phần nào nói đến xu thế thẩm mỹ thời đại.
Riêng trong nghệ thuật thiết kế có những loại hình mà bản thân nó có thể hiện được yếu tố thời gian qua tính thời đại và trình độ kỹ thuật nhưng cũng có loại hình không thể diễn đạt được yếu tố này. Thí dụ thiết kế sân khấu, điện ảnh thì có thể tạo được cảm giác về thời gian còn thiết kế tạo dáng công nghiệp thì không hoặc nếu có thì nó cũng thể hiện trong phong cách thiết kế mang tính thời đại.
7. Thời gian vận động:
Nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh và video art đã tạo nên ảo giác về sự chuyển động thật bằng cách lưu giữ thời gian thông qua việc chụp và quay 24 “pô” ảnh trong một giây. Phim nhựa chính là phương tiện và bắt thời gian phải vận động theo ý muốn của con người.
Ngày nay, với máy ảnh điện tử, máy ảnh kỹ thuật số cao cấp cùng với các phương tiện hiện đại, người ta có thể ghi cực nhanh hay cực chậm những chuyển động cực nhanh, người ta có thể chụp hình cái hoa đang nở theo cách quay cực chậm và chiếu nhanh cho thấy sự chuyển động bất ngờ hay chụp hình viehne đạn đang bay ra khỏi nòng súng. Người ta cũng chụp, quay thật chậm những động tác thân thể tuyệt đẹp đang nhảy múa, nhào lộn để phục vụ trong lĩnh vực quảng cáo trên phim ảnh.
Trong võ thuật người ta giảng dạy, phân tích các đòn thế bằng cách chiếu chậm những động tác chiến đấu hay thi đấu.
8. Thời gian vật lý và thời gian tâm lý:
Cũng giống như không gian, thời gian cũng có hai loại: thời gian vật lý và thời gian tâm lý.
Thời gian vật lý là khoảng thời gian có thể đo đếm được, còn thời gian tâm lý thuộc về tâm trạng chủ quan của mọi người. Khi nói về tâm lý, tâm trạng, cá tính riêng có khi nó liên quan tới gen di truyền hay yếu tố tâm linh nữa. Các hiện tượng tâm lý bình thường là khi vui thì thấy thời gian sao ngắn quá, còn lúc buồn khổ thì thấy thời gian sao dài quá.
Ngoài sự già cỗi hay trẻ trung của cơ thể thì trong nghệ thuật thị giác thời gian vật lý được thể hiện trong việc diễn tả ánh sáng: chọn loại ánh sáng, nguồn sáng, bố trí góc chiếu sáng cũng như màu của ánh sáng hay màu sắc trong chất liệu diễn tả tác phẩm đồng thời nó còn thể hiện trên hình thức ẩn dụ hay gián tiếp trong các bối cảnh bên ngoài con người: hiện tượng tàn úa, lá non, lá khô, nụ hoa, hoa tàn, trạng thái đầy đặn, sự hao mòn, rỉ sét.
Còn thời gian tâm lý thể hiện cá tính, cảm xúc của tác giả thường được diễn tả, trộn lẫn vào không gian vật lý thông qua các thủ pháp nghệ thuật tạo ra những sự kỳ diệu bất ngờ.
9. Sự chuyển động ẩn tàng:
Chúng ta có thể liên hệ khái niệm về sự chuyển động ẩn tàng với kỹ thuật chụp hoặc ghi 24 ảnh trong một giây sau đó khi chiếu chậm lại thì 24 ảnh đó xuất hiện nối tiếp nhau, gợi cho chúng ta nhìn thấy một đường nét chuyển động.
Từ phát hiện này các họa sỹ chuyên vẽ phim hoạt hình nảy ra ý tưởng dựa trên cơ sở “khoảng thời gian một giây” để tách mỗi động tác của con người, con vật, sự vật trong phim hoạt họa thành 24 hình vẽ và lắp những hình vẽ ấy một cách tuần tự, tạo thành một chuỗi mạch lạc dựa theo đường nét chuyển động của các động tác tương ứng. Kế đó, máy quay sẽ ghi hình lại từng động tác một.
Từ thuật ngữ chuyển động ẩn tàng này chúng ta có thể nhớ lại thuật ngữ “đường nét ẩn tàng” đã được đề cập trong phần đường nét. Giữa hai thuật ngữ này có một sự tương đồng, chúng đều là những ngôn ngữ thị giác có vai trò thầm lặng, luôn luôn ẩn mình, không dễ nhìn thấy chúng nhưng cả hai đều có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ thị giác.
Do đó, nếu không hiểu và không biết khai thác đường nét ẩn tàng và chuyển động ẩn tàng thì không thể nào tạo được những hiệu quả thẩm mỹ tốt trong mỹ thuật hai chiều và cả trong nghệ thuật làm phim hoạt hình. Cũng nên nói thêm rằng, những đường lượn trong tranh cũng được coi là những đường nét gợi sự chuyển động, mạch liên kết ẩn tàng của hướng quan sát, hướng di chuyển của mắt người xem. Nó còn được gọi với một tên khác nữa. Đó là đường dẫn mắt, loại đường nét này có vai trò gợi hay dẫn dắt hướng nhìn của thị giác người xem theo sự chủ định của họa sỹ, người học mỹ thuật.
10. Sự chuyển động thật:
Như đã trình bày ở trên, trong nghệ thuật thị giác, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật hai chiều thì sự chuyển động được hiểu như là một khái niệm về ảo giác. Còn khi nói tới sự chuyển động thật thì chúng ta phải đi vào những tình huống trường phái hay khuynh hướng nghệ thuật cụ thể trong các tranh, trong các tác phẩm điêu khắc.
Thí dụ trường phái nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật điêu khắc chuyển động đã sử dụng các mô tơ điện lắp vào tác phẩm tạo nên sự chuyển động thực sự theo chủ ý riêng.
Trong lĩnh vực nghệ thuật thân thể và nghệ thuật biểu diễn thì sự chuyển động thật được nghiên cứu thể hiện một cách cụ thể. Bởi lẽ, tác phẩm của loại hình nghệ thuật này cần có những động thái “diễn” bằng động tác vừa về mặt vật lý lẫn tâm lý. Chính vì vậy mà các nhà lý luận mỹ thuật gọi việc trình bày tác phẩm này là sự trình diễn chứ không phải là triển lãm như loại hình hội họa thông thường.
>>> Thời gian và sự chuyển động (Phần 1)
>>> Khối lượng điêu khắc / Không thời gian bị uốn cong
>>> Cách vẽ tư thế chuyển động của người