Không gian trong Nghệ thuật thị giác (Phần 2)
7. Không gian trong tranh thủy mặc:
Riêng trong sáng tác tranh Thủy Mặc của các họa sỹ Trung Quốc có cách diễn đạt không gian khác với cách diễn tả của các họa sỹ ở phương Tây. Như đã nói ở trên, trong khi về cơ bản thì phương Tây vận dụng luật phối cảnh của Leonard de Vinci (phối cảnh đơn điểm) còn phương Đông thì theo loại phối cảnh tẩu mã hay còn gọi là phối cảnh đồng phân. Đây là phép phối cảnh theo cách nhìn “đa điểm”.
Tranh thủy mặc với đề tải sơn thủy là chủ đề chính của nền hội họa Trung Quốc.
Quan niệm vẽ, diễn tả không gian và chiều sâu trong tranh thủy mặc được hình dung giống như một họa sỹ đứng trên nhà lầu nhìn ra xa để vẽ phong cảnh. Trong tranh họa sỹ xưa cũng trình bày phong cảnh rộng có ba chiều: dài, rộng và cao.
Vì không áp dụng luật viễn cận như phương Tây nên họa sỹ Trung Hoa trình bày một phong cảnh được vẽ làm nhiều tầng. Cách nhìn, cách quan sát và cách vẽ của họa sỹ giống như nhà thi sĩ leo lên lầu để ngắm cảnh. Muốn nhìn ngắm các cảnh sắc ra xa hơn thì nhà thơ phải trèo leent hêm tầng nữa. Và muốn nhìn ra xa hơn nữa lại tiếp tục leo thêm nhiều tầng để thỏa mãn tầm nhìn của con mắt.
Đối với họa sỹ cũng vậy muốn vẽ cảnh xa hơn nữa thì cũng phải bước lên lầu cao dần và vẽ chồng bên trên dãy hình ở gần mà vừa vẽ. Đứng ở tầng thấp thì vẽ cảnh ở gần, lên cao dần thì vẽ cảnh ở xa. Cứ thế, muốn vẽ cảnh xa tít thì phải tiếp tục leo lên lầu trên và vẽ chồng tiếp lên hình vừa vẽ. Khi muốn vẽ cảnh xa nhất thì đứng trên tầng lầu cao nhất.
Như vậy các họa sỹ Đông Phương còn có các thuật ngữ gắn với khái niệm không gian trong tranh thủy mặc như sau:
Cao viễn (từ dưới núi mà ngước nhìn lên đỉnh núi), người ta gọi “ngưỡng thị” (ngước nhìn).
Thâm viễn (từ trước núi mà nhìn ra phía sau núi).
Thôi viễn khán (nay cận cảnh ra chỗ xa mà nhìn, còn gọi là phép “dĩ đại quan tiểu” (lấy lớn để mà nhìn nhỏ).
Lạp cận khán nghĩa là kéo gần mà nhìn, cũng còn gọi là phép “dĩ tiểu quan đại” (lấy nhỏ để mà nhìn lớn).
Thủ di thị: Tự dời chỗ để mà nhìn.
Hợp lục viễn: ứng dụng sáu cái xa của Quách Huy và Trịnh Chuyết.
Bình viễn: Từ núi gần mà nhìn ra núi xa, gọi là bình viễn.
Mê viễn: Có khói mịt mù, đồng, nước ngăn cách.
Khoát viễn: Xa mà rộng.
U viễn: Xa mà mơ hồ huyền ảo.
Tóm lại, qua những phân tích nói trên, nghệ thuật thị giác là nghệ thuật sử dụng, phối hợp các yếu tố hình thức,c ác yếu tố thị giác thông qua tài năng diễn tả, quan niệm tạo hình, trình độ, thị hiếu thẩm mỹ của từng con người cụ thể để trình bày ý tưởng, nội dung nào đó trên một môi trường không gian hai hay ba chiều cụ thể.
Do vậy, đối với lĩnh vực nghệ thuật hai chiều thì trước tiên việc sử dụng khoảng không gian cụ thể trên cơ sở tỷ lệ tương quan giữa hai chiều cao và rộng. Tỷ lệ này được người nghệ sỹ chọn lựa tùy thuộc vào nội dung, chủ đề, loại hình nghệ thuật.
Thí dụ vẽ phong cảnh có khi người ta sử dụng tranh theo chiều dọc hay ngang tùy thuộc đối tượng được diễn tả. Tuy nhiên khi vẽ phong cảnh biển thì luôn luôn họ vận dụng loại không gian đặc biệt là vẽ theo chiều ngang nhưng là loại kích thước riêng.
Theo tiêu chuẩn quốc tế thì chiều ngang khi vẽ phong cảnh biển thường rộng hơn chiều ngang các loại cảnh thông thường đó là diện tích vật lý của không gian hai chiều.
Kế đó là từ trên không gian vật lý hai chiều ấy, người nghệ sỹ phải bằng mọi cách để tạo hay gợi cho được loại không gian ảo trong phạm vi cái không gian vật lý hai chiều mà mình chọn để diễn tả.
Loại không gian mà nghệ sỹ phải tạo ra này thường do tinh thần, không khí của từng loại đề tài, ý tưởng, nội dung cụ thể của tác phẩm cùng với tâm trạng, tình cảm riêng của mỗi nghệ sỹ.
Cái cảm giác như: sâu cạn, rõ mờ, lung linh, tách bạch, rạng rỡ hay u tối, chật chội hay khoáng đật, hỗn độn hay trật tự, buồn hay vui, ấm cúng hay lạnh lẽo, rạng rỡ hay lung linh mềm mại hay cứng cáp, lãng mạn hay dữ dội đều do ý tưởng của chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm.
Đối với không gian ba chiều, vật thể khối nó gắn liền với việc tạo nên kiểu dáng, tính chất của khối, cách sử dụng, xử lý về chất liệu, nhịp điệu của đường nét, màu sắc…
Ở lĩnh vực này cảm giác về hình khối ba chiều, nhịp điệu tổng thể của vật thể tùy thuộc vào khả năng bắt sáng, dẫn ánh sáng thiên nhiên của vật thể, sự bố trí nguồn sáng, về loại và lượng sáng nhân tạo. Người nghệ sỹ điêu khắc hay nhà tạo dáng sử dụng ý tưởng, tài năng, cách nhìn riêng để nghiên cứu, phối hợp các yếu tố bắt đầu từ bên trong của sản phẩm, tác phẩm với nhau và dung hợp chúng với những kiểu dáng, kết cấu ngoại vi, tức là hình dạng bên ngoài của sản phẩm ấy. Kế đó là nghiên cứu tổng thể ấy với môi trường bên ngoài một cách thật chủ động.
Còn trong lĩnh vực nghệ thuật môi trường thì không gian được thể hiện chủ yếu dựa vào tinh thần, ý tưởng hay ảo giác sự xung hợp, tương tác về hình thức của từng bộ phận với không gian bên ngoài. Không gian mà người nghệ sỹ cố tạo hình này cũng dựa theo chủ đề, tinh thần của đề tài nói chung và tinh thần của từng bộ phận.
8. Không gian vật lý và không gian tâm lý:
a. Không gian vật lý: Nó là tên gọi của dạng không gian có thể đo đạc được bằng các dụng cụ vật lý. Đơn vị tính là mét, mét vuông, mét khối.
b. Không gian tâm lý: Đây là loại không gian của trạng thái tâm hồn, loại không gian ảo. Nó biến ảo không lường theo trạng thái tâm lý của con người. Đây là loại không gian mang tính cảm giác.
Thí dụ: Chúng ta ở trong một căn phòng có kích thước vật lý là dài 6 mét x 4 mét rộng x 3,5 mét cao. Lúc vui thì chúng ta thấy căn phòng chật chội ấm cúng, khi buồn thì nó thấy mông mệnh ảm đạm. Sự biến đổi từ hẹp sang rộng là những cảm giác thuần về tâm lý, tâm trạng. Đây là loại không gian thật mà không thật, không thể đo lường được bằng công cụ quy ước về vật lý mà phải dùng trực giác, cảm xúc thị giác.
9. Không gian ảo và không gian thật:
Trong sáng tác nghệ thuật có hai loại không gian với tên gọi mang hai ý nghĩa rất rõ ràng, một đo lường được bằng công cụ vật lý và một thì do sự cảm nhận hay nhờ trực giác mà biết. Đó là: không gian vật lý và không gian tâm lý, không gian ảo…
Giữa hai loại không gian này thì không gian tâm lý là loại không gian thường tồn tại trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật và nghệ thuậ.
Chính tâm trạng, những trạng thái vui buồn trong lòng người làm cho sự khác biệt rõ ràng giữa không gian vật lý và không gian tâm lý. Loại không gian này được mỗi người thể hiện khác nhau vì tâm trạng, thị hiếu, cảm xúc, cách nhìn, trình độ tay nghề của từng người cũng không giống nhau và chính nó tạo ra những biểu hiện phong phú của nghệ thuật.
Như vậy, không gian thật chính là không gian vật lý mà chúng ta có thể đo đạc được còn không gian ảo chính là loại không gian bao gồm cả tâm trạng, tâm lý của mỗi nghệ sỹ theo từng thời điểm cùng với các thủ pháp diễn tả tạo ra.
- Không gian được các nghệ sỹ thị giác tạo ra trong tranh chủ yếu là không gian ảo, không gian cảm giác.
- Còn không gian trong điêu khắc thì chủ yếu là không gian thật pha lẫn không gian cảm giác, do hiệu ứng của ánh sáng, đường nét, hình khối và chất liệu tạo ra.
10. Không gian thật và ảo trong kiến trúc:
Không gian thật chính là không gian vật lý cùng với các yếu tố khác như: địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu kèm với “không gian công năng” hay còn gọi là “không gian sử dụng thật sự”…
Không gian công năng là thuật ngữ dùng để phân biệt môi trường, không gian thật sự sử dụng, sinh hoạt được của công trình kiến trúc chứ không phải không gian không thật sự cần thiết mà chỉ để làm cảnh, làm “không gian độn”.
Thí dụ như không gian của một ngân hàng, không gian của một siêu thị, không gian của một công sở, không gian của một công trình tôn giáo khác với không gian để trồng cây cảnh, hồ cá, thác nước đơn thuần chỉ có tác dùng trang trí mà thôi…
Không gian ảo trong thiết kế kiến trúc và trong thiết kế nội thất được thể hiện qua hai giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn một chỉ thể hiện trên bản vẽ hai chiều gồm các hình vẽ mang tính quy ước: mặt bằng, mặt đứng, mặt ngang chi tiết theo một tỷ lệ nào đó và bảng vẽ phối cảnh mà thôi. Đây là không gian hoàn toàn ảo. Bởi lẽ nó chỉ tồn tại trên bảng vẽ mà chưa thi công. Lúc này bảng vẽ phối cảnh như là ba chiều hóa công trình ở dạng ảo, để nhà thiết kế và khách hàng có thể hình dung sơ bộ về tác phẩm của mình.
Giai đoạn hai là giai đoạn mà công trình đã thi công, thể hiện ở bước hoàn thiện với sự hỗ trợ của trang trí nội, ngoại thất.
Trong giai đoạn thứ nhất, giai đoạn mà trên các bản vẽ nhà thiết kế thể hiện không gian ảo này thông qua hai cách: Thứ nhất là vẽ bằng tay, thứ hai là vẽ thông qua sự hỗ trợ của computer.
Đối với bảng phối cảnh vẽ tay thường thì người vẽ hay áp dụng các giải pháp: “ăn gian”, “làm lố hay xóa nhòa” những phần không cần thiết để tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng. Các kích thước được vẽ trong phối cảnh vẽ tay thường cũng bị người vẽ tự ý thêm bớt hay cường điệu so với góc nhìn, tầm nhìn. Như vậy, không gian trên hình vẽ phối cảnh là một dạng không gian ảo, thậm chí quá ảo.
Còn trên trong nghệ thuật sân khấu, điện ảnh thì không gian loại này thường được sử dụng.
Đối với việc vẽ phối cảnh bằng computer thì khi dựng các diện, tạo khối các nhà thiết kế còn nạp đầy đủ các con số chính xác (chứ không được ăn gian hay thêm bớt) về kích thước thật sự của mặt bằng, mặt đứng mặt bên, mặt cắt của công trình và cả các đồ vật trang trí cùng với việc xác định rõ ràng góc nhìn, tầm nhìn.
Như vậy mức độ ảo của phối cảnh loại này thường tồn tại giải pháp màu sắc, cách xử lý ánh sáng, chất liệu cùng với sự nhấn mạnh ở góc nhìn, tầm nhìn. So với bản vẽ bằng tay thì nó có vẻ ít ảo hơn.
Sau khi thi công hoàn tất công trình kiến trúc ở giai đoạn chót của việc hoàn thiện thì tùy theo công năng, mục đích sử dụng mà nhà thiết kế kiến trúc phối hợp với các chuyên gia thiết kế nội thất, thiết kế ánh sáng để tiếp tục bước trang trí nội thất hoàn thiện công trình.
Việc xử lý ánh sáng từ vị trí đặt nguồn sáng, loại ánh sáng, màu ánh sáng, chất liệu và cách điều phối trong nghệ thuật kiến trúc góp phần tạo nên hình thái không gian thật và ảo.
Nói chung, cho dù bảng vẽ phối cảnh trong kiến trúc tạo ra không gian ảo thế nào đi nữa thì nó cũng giữ vai trò hiển thị hóa các hình vẽ hai chiều thành dạng ba chiều.
11. Không gian trong triết học:
Khi nói tới lĩnh vực này thì chúng ta sẽ gặp các khái niệm về không gian: không gian vũ trụ, không gian hư vô, hư không.
Không gian thuộc khái niệm “hữu” và “vô” hay “không” và “sắc” vô hình hay cụ thể, không gian do sự chiêm nghiệm mang tính trừu tượng: không gian của cực lạc, niết bàn hay thiên đường; không gian của địa ngục.
12. Không gian hai chiều rưỡi:
Thuật ngữ không gian hai chiều rưỡi ít khi được nghe bàn tới nhưng về thực tiễn và lý thuyết sáng tạo thị giác thì nó là một quan niệm tạo hình, tạo không gian khá đặc biệt mà ngày nay ít ai dùng tới.
Những đặc điểm tạo thành lý luận và thực hành diễn tả của không gian hai chiều rưỡi như sau:
- Không gian hai chiều rưỡi là loại không gian lắp ghép bởi hai cách nhìn (nhìn theo chiều ngang cùng với nhìn trực diện hay là nhìn theo chiều ngang và nhìn từ trên xuống theo phối cảnh chim nhìn). Thoạt nhìn nó là loại không gian phẳng, hai chiều. Hình tượng trong tranh được thể hiện cùng một lúc theo hai dạng đường tầm mắt trong tư duy tạo hình:
Thứ nhất là tầm mắt theo kiểu “chim nhìn” nghĩa là nhìn thẳng góc từ trên trời xuống nhưng không có điểm biến dưới đất.
Thứ hai là đường tầm mắt theo tầm nhìn ngay chính giữa tranh. Thoạt nhìn nó như là dạng không gian ước lệ. Loại không gian này thường thấy trong tranh hay phù điêu cổ của Ai Cập… Điều chú ý là loại không gian này không thể sử dụng trong khuynh hướng hiện thực, vẽ như thật, tả khối ba chiều.
Bởi lẽ, vẽ tả thực là người vẽ phải xác định góc nhìn, tầm nhìn và khoảng cách thống nhất. Nó chỉ thích hợp để ứng dụng cho loại trang trí với cách vẽ mảng bẹt, phối cảnh ước lệ.
Ở hai hình trên cho thấy có hai cách nhìn: Một chân dung con người được nhìn theo chiều ngang nhưng con mắt lại nhìn theo chính diện. Xét về luật viễn cận thì đây là sự bất hợp lý. Nhưng đây là dặc điểm của cách tạo hình trong mỹ thuật cổ Ai Cập. Cũng biết thêm rằng thân con người “xuất hiện trong sự kết hợp của cách nhìn phía trước và cách nhìn hình mặt ngang (để thực hiện sự chuyển đổi giữa hai cách nhìn khác”. Điều này được thể hiện trong cách tạo hình con người khi hình nhìn ngang và hình con mắt lại thể hiện như nhìn chính diện. Chính vì vậy mà một số nhà nghiên cứu gọi đây là hình thái “không gian hai chiều rưỡi”.
Con mắt nhìn chính diện được lắp vào hình người nhìn ngang
13. Không gian ảo trong các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số và nghệ thuật đường phố
Ngày nay với sự phát minh và trợ giúp hữu hiệu của các loại máy tính, tất cả các lĩnh vực đời sống đều có sự tham gia của các công cụ thời đại cực kỳ hiện đại này. Cho nên, trong nghệ thuật thị giác, máy tính là một công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.
Ngày xưa, người nghệ sỹ sáng tác chỉ dùng khối óc và bàn tay thì giờ đây máy tính là trợ cụ giữ vai trò trung gian giữa tư duy và bàn tay, giúp cho việc thể hiện ý tưởng được nhanh và hữu hiệu hơn.
Trong lĩnh vực thiết kế đã đẻ ra thuật ngữ “C.A.D” (Computer aided Design – Thiết kế với sự hỗ trợ của máy tính).
Trong lĩnh vực kinh doanh thì có thuật ngữ “C.A.M” (Computer aided Manufactoring – Kinh doanh, sản xuất với sự hỗ trợ của máy tính).
Trong lĩnh vực truyền thông (medida) thì ngoài các phương tiện truyền thông hai chiều, ba chiều thì còn có loại truyền thông đa phương tiện với khả năng tạo ra chiều ảo do sự trợ giúp của các phần mềm máy tính đặc biệt. Nó còn được gọi là chiều thứ tư. Đấy là hiệu quả của các thủ pháp, phần mềm tạo kỹ xảo, tạo nên những chuyển động, những hiệu quả rất đặc biệt về không gian.
Ảo giác không gian trong tranh vẽ kỹ thuật số
Ảo giác không gian do tranh vẽ thật trên mặt đường phố
14. Không gian trong nghệ thuật hậu hiện đại:
Ngoài các khuynh hướng nghệ thuật: hiện thực, ấn tượng, tượng trưng, biểu hiện, lập thể, trừu tượng, siêu thực, phế liệu, địa hình… chúng ta sẽ tiếp cận với tính chất không gian của các ngôn ngữ nghệ thuật hệu hiện đại.
>>> Không gian trong Nghệ thuật thị giác (Phần 1)
>>> Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 1)
>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)