Không gian trong Nghệ thuật Thị giác (Phần 1)
1. Không gian là gì?
Theo toán học thì “Không gian là khoảng thể tích vật lý bị choán bởi một vật thể nào đó…”. Theo Adam Smith (1723-1790) nhà triết gia về kinh tế, về đạo đức Scotland, người biên soạn quyển “Lý thuyết về cảm xúc đạo đức”, 1759 đã nói về không gian như sau: “Không gian là cái hư vô không vô thức nằm ngoài khả năng nhận biết và kiểm soát của con người”. Quả thật nếu chúng ta không tách biệt không gian vật lý và không gian vô hình thì thật khó nói tới không gian nhưng trong nghệ thuật thị giác thì chúng ta phải tạo thứ không gian ảo trên quy mô không gian vật lý thông qua các yếu tố thị giác và tài năng lẫn cảm xúc nghệ thuật.
Theo triết học Mác-Lênin thì không gian, thời gian là cặp phạm trù dùng để chỉ sự tồn tại của vật chất (cùng với phạm trù vận động trong đó không gian chỉ hình thức tồn tại của khách thể vật chất ở vị trí nhất định, kích thước nhất định và ở khung cảnh nhất định trong tương quan với những khách thể khác (ở đâu, thế nào, bao lớn, bao lâu…). Trong khi đó thời gian chỉ hình thức tồn tại của các khách thể vật chất được biểu hiện ở mức độ lâu dài hay mau chóng (độ dài về mặt thời gian) ở sự kế tiếp trước hay sau của các giai đoạn vận động. Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ phạm vi nghiên cứu của Triết học Mác – Lênin về vấn đề này, theo đó, không gian và thời gian là không gian và thời gian vật chất, không có không gian và thời gian thuần túy bên ngoài vật chất và dĩ nhiên cả hai hình thức tồn tại này của vật chất nếu không có vật chất sẽ là hư vô, là những quan niệm trừu tượng trống rỗng tồn tại trong đầu óc chúng ta.
Sách và tranh của Cennino Ceninini
Trong giới nghệ thuật, giới nghệ sỹ thường nói: “Không gian là hơi thở của tác phẩm nghệ thuật”. Nó hiển thị hay ẩn tàng trong hầu hết các tác phẩm nghệ thuật từ thị giác, thính giác cho đến tổng hợp. Trong nghệ thuật thị giác, mỹ thuật thì tác phẩm thường được thể hiện trong quy mô, hình thái các dạng không gian phẳng: hai chiều (bức tranh trong hội họa, đồ họa, thiết kế), ba chiều (pho tượng, sản phẩm công nghiệp), không gian sống, sân vườn (trang trí nội ngoại thất, kiến trúc)… Nói chung không gian trong nghệ thuật thị giác được tạo ra, thể hiện hay ẩn tàng bao gồm không gian vật lý lẫn không gian tâm lý cùng các giải pháp hình thức… bởi lẽ quan năng cảm thụ của nghệ thuật này là con mắt (thị giác). Con mắt để nhìn ngắm, cảm nhận, dẫn mạch tư duy, liên tưởng, khởi nguồn cảm xúc, làm rung động con tim.
Các nghệ sỹ thị giác (họa sỹ) thể hiện, gợi tả không gian trong tranh bằng quy mô tác phẩm, bằng màu sắc, đường nét, hình tượng nghệ thuật, bút pháp, chất liệu thể hiện.
Các nhà điêu khắc thì thể hiện không gian trong hình khối dựa vào khoảng âm dương, lồi lõm, khoảng bắt sáng, sự kết nối của hình khối, nhịp điệu, đường lượn của các mảng bắt sáng, những khoảng lặng và hình dạng ẩn hiện để tạo ra ngôn ngữ không gian của hình khối.
Còn nhiếp ảnh gia chụp không gian sóng qua việc chọn khung cảnh, chủ đề, thời gian, khoảnh khắc điển hình, riêng các nhà kiến trúc xây dựng không gian trong không gian và tạo cho không gian nhiều không gian công cộng (nhà ga, quảng trường, bệnh viện, giáo đường, siêu thị, sân bay, công viên, trường học…), không gian dân dụng (các dạng nhà ở, không gian hội họp, không gian ngủ, không gian làm việc, không gian học tập, không gian giải trí… Mỗi loại không gian của công trình, chủ đề tác phẩm bao gồm các hình thức thể hiện và cái hồn của nó. Cái hồn hay tinh thần không gian của tác phẩm hiển thị hay khêu gợi là do hiệu quả diễn tả, sự cộng hưởng, tương tác của các yếu tố tạo hình cùng cảm xúc, kinh nghiệm kỹ thuật, kinh nghiệm sống, sự tinh tế trong bút pháp, thủ pháp nghệ thuật.
Xét về khả năng cơ bản để tạo và gợi không gian chúng ta không thể không nói tới sự tham gia của Luật viễn cận.
Đối với nghệ thuật hình ảnh, mỹ thuật nếu khảo sát tác phẩm dạng phẳng (thường gọi là mỹ thuật hai chiều) thì trước hết không gian hiển thị ở quy mô tác phẩm, diện tích bức tranh, giữa “khoảng trống”, không gian nền, phần tĩnh lặng, phần tối còn gọi là không gian âm và không gian dương gồm khoảng có hình, khoảng sáng… Nói chung người ta nói: “không gian dương” để nói tới “khoảng có hình” diễn tả nội dung tác phẩm. Còn những khoảng trống bao bọc xung quanh và len lỏi vào trong ngóc ngách của khoảng có hình được gọi là “không gian âm”. Về mỹ thuật thì sự phối hợp hai loại không gian này là cực kỳ quan trọng góp phần để thực hiện ý tưởng, tinh thần của tác phẩm nhưng nói tới không gian chung thì phải đề cập đến hiệu quả tổng hợp: lung linh, u tối, rạng rỡ, hoành tráng, tĩnh động, vui buồn, sâu cạn…
Không gian cho người xem thưởng thức, tư duy để diễn giải tác phẩm nghệ thuật theo cách nhìn của mình. Ví dụ bạn có thể vẽ một đối tượng lớn hơn một đối tượng theo luật viễn cận về độ lớn của hình, chiều sâu, màu sắc, đường nét, ánh sáng, chất liệu… để ngụ ý rằng nó gần hay xa đối với người xem (thông qua luật viễn cận).
Adam Smith (1723-1790) nhà kinh tế học, nhà triết học người Scotland
Tác phẩm “Guernica” của họa sỹ Pablo Picasso sáng tác năm 1937 với không gian hỗn độn, đổ vỡ trong tiếng kêu khóc, cái chết, khuôn mặt của cái Ác, sự thống khổ hoảng loạn của thành phố Guernica Tây Ban Nha trong bom đạn của chiến tranh.
Trong bức tranh của họa sỹ Hoa Kỳ là Andrew Wyeth vẽ năm 1948 có tên gọi là “Thế giới của Christina” năm 1948 của họa sỹ, Andrew Wyeth so sánh không gian rộng rãi của một nông trại bị cô lập với một phụ nữ đang tiến về phía nó. Họa sỹ Picasso diễn tả không gian lạnh lẽo, cô đơn của nghệ sỹ già trong bức “Ông lão đàn ghi ta” vẽ 1903-1904. Còn họa sỹ Henri Matisse sử dụng các màu phẳng để tạo không gian trong phòng màu đỏ của mình, 1908. Bức tranh “Guernica” của họa sỹ Picasso vẽ năm 1937 cho thấy không gian ẩn dụ về sự khốc liệt của chiến tranh… Tác phẩm “Đêm đầy sao” của họa sỹ Vincent Vangoh cho thấy không gian lung linh tuyệt đẹp thông qua màu sắc, phong cách, thủ pháp diễn tả vô cùng đặc trưng.
Tác phẩm “Thế giới của Christina”, 1948 do họa sỹ Hoa Kỳ Andrew Wyeth (1917-2009) diễn tả không gian rất đẹp
Tác phẩm “Sự hài hòa với màu đỏ” của họa sỹ Henri Matisse sáng tác 1908
Tác phẩm “Lão nhạc sĩ ghi ta” 1903 của họa sỹ Pablo Picasso
Tác phẩm “Những người lữ khách” theo khuynh hướng điều khắc rỗng của nhà điêu khắc Maroc Bruno Catalano (1960). Không gian trong khuynh hướng điêu khắc này là cách thể hiện cực kỳ độc đáo.
Nói về tác giả bên ngoài, có lẽ chúng ta cũng cần quay về lĩnh vực điêu khắc Phật giáo của Việt Nam .
Hình tượng Phật Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở Chùa Bút Tháp, thế kỷ XVII
Tác phẩm Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Hà Bắc, vì đây là tác phẩm không những đẹp về mảng khối, đường nét hay sự công phu tỉ mỉ mà còn độc đáo về sự sáng tạo trong cách xử lý và biểu hiện không gian đến nỗi xem người ta cảm thấy như “cả không gian được gom thâu và tỏa sáng rực rỡ”. Tượng nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp lại sử dụng các mảng không gian này một cách tinh tế, tạo ra các hình kỷ hà rất đẹp, những khoảng không gian, những khoảng trống đó như là những khối âm bù đắp, bổ sung cho các khối dương. Với cách bố cục không gian âm tính và dương tính như thể khiến cho phần bệ tượng vừa vững vàng lại vừa thanh thoát, không gian được trải ra và đồng thời được nâng cao.
Phần thân tượng có tất cả 42 cánh tay lớn trong các động tác dịu dàng uyển chuyển mang âm hưởng của vũ đạo được sắp xếp đối xứng qua trục nhưng không trùng lắp về động tác, các cử chỉ của bàn tay mang tính biểu hiện theo kiểu “Mudra” ở các điệu múa của văn hóa Ấn Độ có ý nghĩa tượng trưng và dường như phát ra âm thanh của những giai điệu huyền hoặc của không gian.
Nhìn vào dòng chảy của nghệ thuật thị giác chúng ta thấy rằng mỗi khuynh hướng nghệ thuật: hiện thực, ấn tượng, tượng trưng, biểu hiện, lập thể, trừu tượng, siêu thực, Op Art, nghệ thuật chuyển động, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật phế liệu, nghệ thuật hội họa (sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, tránh phẩm màu, tranh bút chì, tranh vẽ than, tranh dán giấy, tranh thủy mặc, đồ họa (khắc gỗ, in kẽm, in đá, in độc bản…) nghệ thuật kỹ thuật số cho người xem thấy không gian trong tác phẩm hiển thị khác nhau… Chúng ta cần tham khảo nhiều để cảm nhận được sự phong phú, đa dạng này. Riêng trong nghệ thuật điện ảnh chắc có nhiều thay đổi về biểu hiện không gian từ giữa thế kỷ 20 cho đến hôm nay là gần cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
* Trong sáng tác mỹ thuật thì không gian trước tiên phải hiểu là một khoảng không gian vật lý mà trên đó nghệ sỹ diễn tả, tạo thành tác phẩm cho chính mình. Nó có thể là dạng không gian hai chiều hay ba chiều.
Riêng trong nghệ thuật điện ảnh thì với sự tham gia của các phần mềm, kỹ xảo vi tính thì không gian sẽ mở rộng đến cái gọi là “chiều ảo hay chiều thứ tư”.
Mặt khác, chúng ta có thể hiểu không gian như là một sự hoạch định ý tưởng về bầu không gian, không khí lớn mà trong đó dùng để diễn tả một đề tài, ý tưởng nào đó bằng những sự phối hợp tinh tế giữa hình tượng thị giác thông qua các thủ pháp tả và gợi.
Không gian chính là bầu không khí hình thức được họa sỹ cố ý tạo ra cho phù hợp với tinh thần không gian, thời gian gắn với chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
2. Không gian hai chiều và không gian ba chiều:
* Thuật ngữ diện tích là một dạng không gian vật lý hai chiều. Thí dụ diện tích hình chữ nhật do hai chiều dài và rộng nhân lên với nhau. Một là tờ áp phích, một catalogue, một trang báo, một logo, một bìa sách… đều là những không gian có hai chiều.
Môn học Thiết kế đồ họa là loại thiết kế hai chiều nhằm mục đích giảng dạy, rèn luyện những kiến thức về lý thuyết và thực hành để tạo ra các sản phẩm đồ họa hai chiều như: Logo, Poster, Brochure, Banner, Bảng hiệu, Lịch, Nhãn hiệu.
Khối, thể tích, vật thể khối, khoảng không gian vật lý là không gian ba chiều.
Nghệ thuật điêu khắc là loại hình gắn liền với hình khối ba chiều.
Không gian ba chiều bao gồm những kích thước vật lý như: chiều dài, chiều rộng và chiều sâu, khoảng cách và chiều hướng.
Để thể hiện chiều sâu, không gian ảo trên mặt phẳng hai chiều, chúng ta cần có sự trợ giúp của môn khoa học về hình học không gian. Đó là Luật phối cảnh hay còn gọi là Luật viễn cận.
Trong phép phối cảnh chúng ta có sự phân chia như sau: phối cảnh một điểm, phối cảnh hai điểm, phối cảnh ba điểm, phối cảnh đồng phân (loại phối cảnh trước sau bằng nhau thường được sử dụng ở Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thế kỷ). Ở Trung Quốc, loại phối cảnh đồng phân còn được gọi là phối cảnh tẩu mã phối cảnh đồng hiện.
Theo Trung Quốc thì phép phối cảnh được gọi là phép thấu thị. Quan niệm về thấu thị của Trung Quốc không giống như Luật viễn cận của phương Tây hay của Leonard de Vinci mà là họ xây dựng phép này trên “cách nhìn đa điểm” (bao gồm góc nhìn và tầm nhìn) trong khi Luật viễn cận của phương Tây xây dựng trên “cách nhìn đơn điểm” với một góc nhìn, một tầm nhìn và một khoảng cách cụ thể.
Ngoài ra, chúng ta còn có phối cảnh đường nét, phối cảnh về chi tiết, phối cảnh không gian, không khí.
Trên thực tế ứng dụng và tham khảo nhiều cách thức biểu hiện ở tác phẩm, chúng ta có thêm một số thuật ngữ về phối cảnh nữa. Đó là: phối cảnh hút ngắn – đây là tình huống vẽ hình họa mà người vẽ nhìn trực diện người mẫu. Lúc này, chiều sâu, khoảng cách trên người đối tượng dường như bị rút ngắn lại rất khó vẽ. Trường hợp này, người dùng thuật ngữ phối cảnh đảo ngược để diễn tả.
Chúng ta còn có thuật ngữ phối cảnh khuếch đại là loại phối cảnh gần nhỏ xa lớn, chung quanh sát bức tranh “Buổi tiệc của Herod”. Ở tranh này, hình chiếc bàn có dạng phối cảnh gần nhỏ xa lớn. Khả năng của người vẽ đối với vật thể ba chiều được vẽ phải tùy thuộc vào khoảng cách và góc nhìn, tầm nhìn từ người nhìn đến vật được nhìn.
Hình vẽ hay hình dạng của một khối được cho là đẹp tùy thuộc vào cách nhìn vật lý của người vẽ khi chọn nơi quan sát đối với khối được vẽ bao gồm: khoảng cách, góc nhìn và tầm nhìn.
Môn thiết kế tạo dáng sản phẩm là loại thiết kế ba chiều nhằm tạo ra các sản phẩm như quạt máy, ô tô, ti vi, giày dép, mắt kính, đồng hồ. Nó là một chuyên ngành lớn của Nghệ thuật Thiết kế.
Riêng môn Thiết kế Kiến trúc và Thiết kế Nội thất được coi là lĩnh vực thiết kế môi trường. Mục đích cảu nó là tạo không gian sống hợp lý phù hợp với các đặc điểm và địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, công năng và với từng loại đối tượng sử dụng cụ thể. Nó cũng đặt nền tảng trên thiết kế ba chiều. Đây là loại không gian có thể quản lý, mua bán, sang nhượng được bằng luật pháp và nhu cầu thị trường, kinh doanh và ăn ở.
Khi nói tới không gian trong kiến trúc thì chúng ta sẽ gặp các khái niệm về không gian:
- Không gian thực (không gian có thể đo được bằng phương tiện vật lý). Loại không gian này có thể quản lý, đo đạc được.
- Không gian công năng (không gian có giá trị sử dụng cụ thể).
- Không gian ảo (không gian do ảo giác về ánh sáng, màu sắc, chất liệu tạo ra). Loại không gian này có thể điều chỉnh được bằng sự thay đổi màu sắc, đường nét, ánh sáng và chất liệu.
Chúng ta có thể đến không gian trong các phim khoa học viễn tưởng, phim kinh dị, phim trở về không gian thời tiền sử…
Ví dụ: Màu lạnh gợi cho không gian ấn tượng mát mẻ, xa xôi, mơ hồ. Màu nóng tạo ảo giác: ấm cúng cho không gian. Khi thiết kế nội ngoại thất các nhà thiết kế phải chú ý đến tinh thần và yêu cầu này; Màu sáng hay vách ngăn bằng thủy tinh trong suốt làm cho không gian cảm thấy rộng ra. Màu tối, chất liệu mờ đục làm cho không gian cảm thấy chật chội. Còn vách được kẻ các sọc thẳng đứng tạo ảo giác không gian cao thêm: vách kẻ sọc ngang, tạo ảo giác không gian có vẻ rộng thêm…
- Không gian bên ngoài (bên ngoài công trình kiến trúc: vườn cảnh, sân vườn, môi trường xung quanh).
- Không gian bên trong (bên trong ruột của kiến trúc: các phòng, trần nhà).
- Không gian tiếp nối (phòng chờ, hành lang nối giữa hai khối nhà, khu vườn nhỏ giữa hai nhà hay hai khu vực gần nhau nhưng cùng một khối nhà chung).
- Không gian đệm trong kiến trúc (giếng trời).
- Không gian khối tập trung, nghĩa là không gian khối mang tính chất đầy đặn, không khuyết, lõm… Loại không gian này mang tính trang nghiêm, đơn giản.
- Không gian chiếm chỗ. Đây là thuật ngữ nôm na, nói tới thể tích, không gian vật lý (gồm cả hai và ba chiều) mà một công trình kiến trúc choán chỗ trong không gian. Khi nói tới không gian này, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến khái niệm không gian bên ngoài và không gian bên trong. Thí dụ: Khối nhà choán trong không gian khoảng thể tích: -4m x 15m x 8m. Trong ruột khối nhà này là phần rỗng hay là không gian trống được sử dụng để sinh hoạt.
Lúc này thể tích bên ngoài hay bên trong của kiến trúc này cũng có thể được gọi chung là “không gian chiếm chỗ”. Khi ấy phần không gian rỗng bên trong có giá trị sử dụng thật sự còn được gọi là “không gian công năng”.
3. Không gian, chiều sâu, khoảng cách và hình:
Không gian, chiều sâu và khoảng cách là ba thuật ngữ có mối quan hệ mật thiết với hình. Sự thể hiện của hình như thế nào đó sẽ gowuij cho chúng ta thấy sự thay đổi của không gian.
Chiều sâu: Nói về độ sâu cạn do ảo giác tạo ra để gợi chiều sâu vật lý.
Khoảng cách: Cho chúng ta khả năng nhìn thấy bao quát hay thấy rõ đối tượng được nhìn để vẽ.
Trong khi bố trí tượng đài điêu khắc thì nhà điêu khắc phải tiên hay dự kiến “khoảng cách thấy được” (500m hay 1000m). Khi xác định “khoảng cách thấy được” nhà điêu khắc sẽ phải dự kiến chiều cao của tượng, khoảng lùi tối thiểu… Gần quá thì không nhìn được bao quát, xa quá thì không nhìn thấy rõ. Vậy thì khoảng cách thích hợp là bao nhiêu? Điều này tùy theo tổng không gian cụ thể, các hướng nhìn, khoảng lùi. Hơn nữa chiều cao tượng có thể điều chỉnh giảm tăng cho phù hợp với không gian thực tế.
Góc nhìn: Góc nhìn cụ thể cho phép khả năng nhìn thấy theo mức độ nào đó, nó không tách rời khỏi “tầm nhìn”. Gần quá mà nhìn lên cao thì không thấy bao quát, không thấy rõ (bị khuất), tâm lý nhìn bị ức chế. Như vậy, không gian, khả năng thấy hình, khối của đối tượng tùy thuộc các yếu tố vừa nêu ở trên. Nghĩa là khi một số thuộc tính của hình thay đổi thì sẽ kéo theo sự thay đổi về không gian như vậy, những sự thay đổi sau đây sẽ góp phần làm không gian thay đổi:
* Sự thay đổi về kích thước chung hay bất cứ chiều nào của hình.
* Sự thay đổi về tầm nhìn, góc nhìn và khoảng cách của người nhìn, của người vẽ.
* Sự thay đổi về hình.
* Thay đổi màu, sắc hay chất liệu để tạo nên sự cộng hưởng, tương tác của màu sắc, chất liệu.
* Thay đổi về ánh sáng (kể cả vị trí đặt nguồn sáng).
* Sự thay đổi về cường độ của màu.
* Thay đổi phong cách, thủ pháp diễn tả (cứng mềm, rõ nhòe, mờ ảo hay rạng rỡ…)
* Sự thay đổi về mật độ bố trí các yếu tố hình thức.
4. Không gian với các vấn đề cơ bản của mỹ thuật:
a. Không gian và vấn đề cơ bản của mỹ thuật:
Trong mỹ thuật thì phép viễn cận được coi là một khoa học gắn liền với hình học không gian, giúp cho họa sỹ biết phương pháp khoa học cơ bản để tạo, diễn tả chiều thứ ba. Đó là chiều sâu. Thực tế nó là ảo giác về chiều sâu.
Hình vẽ là yếu tố rất quan trọng trong mỹ thuật. Hình vẽ phải gợi được chiều sâu, không gian. Đối tượng được vẽ phải được bố trí trong không gian hợp lý để dễ quan sát, dễ thấy, có khả năng gợi cảm. Không gian quá chật, quá rộng đều không tốt. Chúng ta nên nhớ rằng, một trong những định nghĩa sơ đẳng và khoa học về hình vẽ đã được họa sỹ bậc thầy là Leonard de Vinci phát biểu mà qua đó nói rõ về không gian như sau: “Hình vẽ là cách diễn tả vật thể trong không gian trên mặt phẳng hai chiều” nghĩa là họa sỹ phải tạo cho được chiều sâu. Chiều sâu là khái niệm về không gian.
Hơn nữa mỹ thuật và kiến trúc được liệt vào lĩnh vực “Nghệ thuật Không gian”. Nguyên lý cơ bản của phương pháp tạo chiều sâu là phải thể hiện cùng các yêu cầu cơ bản khi dùng hình, tô bóng. Đó là ý thức và thực hành vẽ hình có tính chất tiên quyết về hình học theo luật phối cảnh (viễn cận) như sau: gần lớn xa nhỏ, gần dài xa ngắn, gần cao xa thấp, gần rõ xa mờ.
Về phối cảnh tạo không gian, chúng ta có: phối cảnh đường nét, phối cảnh đen trắng (không gian trắng đen), phối cảnh màu (không gian màu).
* Về phối cảnh bằng đường nét: Đây là cách tạo ảo giác về sự xa gần chỉ dùng hình vẽ chỉ bằng nét vẽ mà thôi, không cần phải tô bóng, diễn bóng mà vẫn tạo được cảm giác về chiều sâu (nét gần thì lớn, rõ; nét ở sau, ở xa thì nhỏ, mờ).
Phối cảnh về đường nét gắn liền với độ lớn nhỏ của hình, khối theo không gian xa gần. Đây là cách tạo chiều sâu, sự gần xa bằng cách thực hiện nguyên lý: gần lớn, xa nhỏ; gần cao xa thấp.
Gắn với phối cảnh về đường nét, chúng ta có phối cảnh về sắc độ đậm nhạt, phối cảnh về màu sắc (sáng tối, rõ mờ, đậm nhạt, nóng lạnh…) thông qua kỹ thuật, tài năng diễn tả…
Ngoài khái niệm phối cảnh bằng đường nét, chúng ta có độ lớn, quy mô của không gian (lớn nhỏ, rộng hẹp, chật chội, mênh mông…), tính chất của không gian (lạnh lẽo, ấm áp, u tối, rạng rỡ, u buồn, vui tươi, tĩnh lặng, xôn xao, linh thiêng, ma quái, huyền thoại, viễn tưởng, nặng nề, thanh thoát…), không gian thật và không thật…
Như đã nói ở trên, trong môn học vẽ phối cảnh, chúng ta có nhiều phương pháp vẽ phối cảnh: phối cảnh có một điểm, phối cảnh có hai điểm, phối cảnh ba điểm, phối cảnh màu sắc, phối cảnh không khí.
Trong tranh Trung Quốc thì họ thường thể hiện chiều sâu bằng loại phối cảnh tẩu mã (không giống loại phối cảnh của nhà danh họa Leonard de Vinci).
Với loại phối cảnh tẩu mã này là loại phối cảnh đa điểm nhìn. Chúng ta có thể hình dung là khi vẽ các cảnh gần thì họa sỹ đứng trên tầng lầu thấp, muốn vẽ cảnh ở xa thì họa sỹ chọn điểm đứng để vẽ ở tầng cao hơn (điểm đứng của người vẽ trên lầu của tòa nhà có nhiều tầng).
Trong loại hình vẽ kỹ thuật thì người ta áp dụng loại phối cảnh đặc biệt không giống với phép viễn cận của Leonard de Vinci (phải gần lớn xa nhỏ) mà là trước sau bằng nhau.
b. Không gian và nghệ thuật không gian:
Trên thế giới có khuynh hướng chia nghệ thuật ra làm ba loại khác nhau (dựa vào quan năng cảm thụ) và ba loại nghệ thuật này cũng sự tương tác lẫn nhau:
* Thứ nhất là nghệ thuật không gian bao gồm mỹ thuật và lĩnh vực kiến trúc.
Trong lĩnh vực mỹ thuật thì gồm có các loại hình sau đây: Hội họa (Painting), Điêu khắc (Sculpture), Nghệ thuật Đồ họa (Graphic Arts), Nghệ thuật Trang trí (Decorative Arts), Nghệ thuật Thiết kế (Design Arts), Nghệ thuật Thủ công (Craft Arts).
Sở dĩ gọi nó là Nghệ thuật Không gian, trước hết bưởi vì tác phẩm của nó được trình bày trong một khoảng không gian vật lý cụ thể ở dạng hai chiều, ba chiều hay môi trường. Thứ đến là những nội dung ở các đối tượng được diễn tả của nó thường biểu hiện trong một khoảng không gian điển hình, có vẻ tĩnh chứ không phải là một chuỗi thời gian động trong không gian.
Thí dụ: Chúng ta vẽ một người đang cười trong không gian khoảnh khắc cụ thể nào đó chứ không vẽ được một người vừa khóc lại vừa cười, mặc dù thật sự là ngay sau khi cười thì anh ta lại khóc.
Sau này Phái Lập thể và Phái Nghệ thuật Đồng hiện đã tìm ra cách giải quyết theo cách nhìn riêng để diễn tả những nội dung nghịch lý cùng diễn ra tại nhiều thời điểm khác nhau, mà nếu chúng ta áp dụng cách vẽ thông thường thì không làm được.
Hình tượng của Nghệ thuật Không gian được ghi nhận là những khoảnh khắc thời gian tĩnh, như được “chụp” lại bằng “máy ảnh đặc biệt”.
“Máy ảnh” ở đây chính là cách nhìn vật lý của họa sỹ (bao gồm một góc nhìn, tầm nhìn, khoảng cách cụ thể).
Quan năng cảm thụ của Nghệ thuật Không gian là Thị giác là Con mắt. Do vậy, người ta đặt cho nó cái tên khác nữa là Nghệ thuật Thị giác. Chính vì thế mà muốn sáng tác loại nghệ thuật này phải nghiên cứu tư duy theo quy luật tư duy thị giác chứ không phải tư duy thính giác.
* Thứ hai là Nghệ thuật Thời gian bao gồm các loại hình: thi ca, văn học, âm nhạc.
Sở dĩ gọi nó là Nghệ thuật Thời gian bởi vì nội dung của các tác phẩm thể hiện được cả một dòng chảy của thời gian sống của đối tượng, của cảm xúc của chính tác giả điều mà nghệ thuật thị giác không làm được.
Thí dụ một tập truyện, một bản trường thi có thể diễn tả cả một triều đại, cả một đời người. Một bản nhạc, một bài thơ với nhiều chương đoạn có thể diễn tả cả môt cuộc tình, một dòng cảm xúc bất tận trong khi đó bức tranh chỉ có thể diễn tả được các nhân vật, sự kiện diễn ra trong một thời điểm, khoảnh khắc nhất định mà thôi.
Quan năng cảm thụ của loại nghệ thuật thời gian này chính là Thính giác. Hơn bao giờ hết chúng ta, ai cũng biết rằng lỗ tai là quan năng dùng để nghe, nhận biết, thưởng thức và nó cũng có những quy luật cảm thụ riêng.
* Thứ ba là Nghệ thuật Không Thời gian: Đây là loại Nghệ thuật Tổng hợp mà quan năng cảm thụ cũng tổng hợp của hai giác quan là vừa mắt vừa tai. Đây là nghệ thuật đặc biệt mà bản thân nó đòi hỏi sự phối hợp giữa mỹ thuật, thi ca và âm nhạc, biểu diễn. Đó là các loại hình nghệ thuật sân khấu, tạp kỹ, điện ảnh.
5. Không gian trong tranh:
Thánh nữ Đồng Trinh Sixtine – tranh của họa sỹ Raphael
Không gian trong tranh thay đổi theo khuynh hướng nghệ thuật. Mỗi khuynh hướng, trường phái đều có tuyên ngôn rõ ràng về quan niệm nghệ thuật, phương hướng sáng tác.
Thí dụ không gian trong tranh của họa sỹ Renoir khác với tranh của Đỗ Quang Em. Không gian trong tranh Lập thể khác với tranh của Phái Hồn nhiên. Không gian trong tác phẩm Hiện thức khác với ngôn ngữ không gian của khuynh hướng Nghệ thuật Đồng hiện.
Đặc biệt là không gian trong Nghệ thuật Trình diễn và Nghệ thuật Sắp đặt và Nghệ thuật Địa hình khác với các loại tranh giá vẽ bình thường.
Chú ý: Tác phẩm Nghệ thuật Sắp đặt là một tổ hợp lớn mà trong đó sử dụng nhiều dạng hình thức, phương tiện truyền thông như: tranh vẽ, hình vẽ, hình chụp, quay phim, hiện vật, âm thanh, mùi vị được trưng bày trong một khu vực hay một căn phòng cụ thể.
Như vậy khu vực hay căn phòng chính là không gian bên trong tác phẩm và điểm vô cùng đặc biệt là người xem phải đi vào, len vào không gian của tác phẩm để thưởng ngoạn nghệ thuật và họ thưởng ngoạn tác phẩm với sự vận dụng nhiều giác quan cùng một lúc: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác.
* Phối cảnh nghịch tạo không gian không thật: Cũng nên nói thêm rằng, chúng ta ai cũng biết là trong các tác phẩm của các Trường phái: Hiện thực, Cổ điển, lãng mạn, Ấn tượng đều áp dụng Luật viễn cận, mà trong đó chỉ có một đường tầm mắt mà thôi.
Người ta gọi loại phối cảnh này là phối cảnh thuận (phối cảnh bình thường) nhưng đặc biệt trong bức tranh của họa sỹ Raphael, thời Phục Hưng có tên là “Thánh nữ Đồng trình Sixtine” (Vierge de Sixtine) trong đó diễn tả Đức Mẹ đang bế Chúa Hài đồng, bay với tư thế đứng trên không, dưới chân của Đức Mẹ là một hình ảnh Thiên thần đang ngồi tựa, chống cằm nhìn lên với tâm trạng thơ ngây, hồn nhiên.
Trong bức tranh này họa sỹ Raphael đã sử dụng phép viễn cận có đến hai đường tầm mắt. Một ở phía dưới thiên thần và một ở ngang người Đức Mẹ. Do vậy, khi nhìn vào tranh, chúng ta cảm thấy có điều gì đó không thật. Các nhà lý luận cho rằng loại phối cảnh (hai đường tầm mắt) trong tranh này là phối cảnh nghịch.
* Phối cảnh vẽ bằng tay và phối cảnh vẽ trên computer:
Ngày xưa, để ba chiều hóa các hình vẽ hai chiều trong kiến trúc, kỹ thuật và mỹ thuật, người ta đều vẽ bằng tay. Còn ngày nay thì với sự phát minh ra computer, cho nên việc vẽ phối cảnh có sự hoàn thiện hơn gần với hình chụp hơn.
Phối cảnh vẽ bằng tay có những đặc điểm sau đây:
- Có sự cường điệu về góc nhìn để tăng hiệu quả thị giác;
- Không gian trong hình vẽ có sự nhấn nhá mạnh mẽ bằng những thủ pháp bỏ bớt nét, không tô màu đều khắp diện tích tờ giấy mà chỉ điểm xuyết những nơi cần thiết;
- Có sự phóng khoáng trong bút pháp, nét vẽ sinh động;
- Thời gian vẽ nhanh hơn;
Phối cảnh vẽ bằng computer có những đặc điểm sau:
- Không gian vẽ thật hơn so với hình vẽ bằng tay;
- Sự chuyển đổi màu sắc có vẻ tinh tế, mạch lạc hơn;
- Có sử dụng kỹ xảo vi tính;
- Không có sự phóng khoáng trong thủ pháp diễn tả;
- Thời gian vẽ lâu hơn;
- Có sử dụng kỹ xảo vi tính.
6. Không gian vòm trời với “phối cảnh hình cầu”:
Ở Liên Xô, trong thập niên 1980 của thế kỷ 20 vừa qua, xuất phát từ quá trình sáng tác, tạo sự cảm thụ mới về diễn tả không gian, họa sỹ Péttrov Vodkin đã tự tạo ra một lối quan sát mới, một cách lý luận riêng theo cách nhìn mới về không gian, một sự sáng tạo được gọi là “Không gian vòm trời” Péttrov Vodkin gọi toàn bộ cách nhìn nói trên là “Phối cảnh hình cầu”.
Ở phép phối cảnh độc đáo này, các đối tượng ở tiền cảnh thì bằng hoặc thậm chí nhỏ hơn các đối tượng ở lớp thứ hai, xa hơn.
Vodkin lý giải rằng hình thể, giải pháp tạo hình của bức tranh đều xuất phát từ một hiện tượng thống nhất, được gọi là ấn tượng về mặt không gian, nhằm tạo cho người xem cảm giác như vươn ra bay vào vũ trụ của tốc độ bay và sự nhìn thấy của phi thuyền.
Ông cho rằng với tốc độ bay lướt tới thì các hành tinh, vì sao dường như bay ngược về phía sau của phi thuyền. Tình huống này làm cho người ở trên phi thuyền cảm thấy rằng càng bay tới thì không gian càng mở rộng ra và các vật thể nhìn thấy sau lớn hơn vật vừa thấy ở phía trước.
Từ lý luận này Vodkin đã vẽ vật càng xa thì lớn hơn vật ở gần và các nhà lý luận Nga cho rằng đây là một quan niệm tạo hình rất riêng của Vodkin về không gian bị ảnh hưởng bởi quan niệm về thiên văn vũ trụ.
Không gian trong nghệ thuật sắp đặt
Không gian trong nghệ thuật trình diễn
Không gian trong nghệ thuật thân thể
Minh họa Phối cảnh 1 điểm biến
Minh họa Phối cảnh 2 điểm biến
Vào thế kỷ 18, khí cầu khí nóng của em trai Montgolfier cung cấp cho mọi người trải nghiệm đầu tiên của họ nhìn xuống thế giới từ trên không. Nhiếp ảnh gia người Pháp Gaspard-Felix Tournachon (1800-1910) còn được gọi là “Nadar” sau đó đã bay tới để đạt được một điểm thuận lợi về hình ảnh cao hơn
“Bức tranh vẽ đẹp thể hiện sự phức tạp của những khu vườn như vậy, chỉ có thể được đánh giá đầy đủ từ cách nhìn của loài chim”
Minh họa Phối cảnh chim nhìn
Minh họa Phối cảnh hình cầu
Phối cảnh đảo ngược
(1) Theo hình này thì gần nhỏ xa lớn. Đây là ảnh minh họa cho phối cảnh đảo ngược;
(2), (3): Hai bức tranh này áp dụng phép phối cảnh đảo ngược. Chúng ta quan sát thấy rõ hình bục để chân, ghế và bàn tạo sự nghịch ý (gần nhỏ xa lớn thay vì gần lớn xa nhỏ, gần cao xa thấp).
(4) Hình minh họa cho cách nhìn theo phép chiếu phối cảnh hình chiếu trục đo.
Trong hình (1): Phối cảnh đường nét. Điểm biến nằm bên trong bức tranh. Điểm biến không xác định nằm ngoài bức tranh, được thể hiện bởi những nét chiếu song song ra khỏi không gian bên trong, các đường của đối tượng vẫn song song và mang đối tượng được diễn tả gần hơn với người nhìn (thay vì theo nét chiếu song song thay vì theo góc 45 độ).
Trong hình (2): Phối cảnh hình chiếu trục đo, tạo những nét chiếu. Thể hiện hình phối cảnh được thể hiện theo phương pháp hình chiếu trục đo. Cách chiếu theo cách đặt đối tượng được chiếu theo góc 45 điộ và từ đó đặt Ê-ke trên nét nằm ngang (cơ sở tính 45 độ) mà chiếu dựng các điểm, góc của đối tượng theo hướng đứng 90 độ.
Trong hình (3): Phối cảnh đảo ngược hay phối cảnh nghịch đảo. Điểm biến nằm bên ngoài bức tranh. Diễn tả phép phối cảnh đảo ngược. Ở hình này cho thấy điểm biến nằm ngoài rìa bức tranh. Làm cho hình khối trở thành gần nhỏ xa lớn (thay vì gần lớn xa nhỏ, cần cao xa thấp). Ý nghĩa của phép viễn cận đảo ngược là như vậy.
>>> Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 1)
>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)