Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 3)
5. Nguyên lý về điểm nhấn và các nhóm chính, phụ:
Bên trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng vậy, nó phải có sự tổ chức chặt chẽ từ một ý thức nghiêm túc hay từ một công việc vô cùng nhuần nhuyễn đến độ như là một chuỗi thao tác “như chơi” không cần cân nhắc như sự thiếu vắng sự can thiệp của ý thức. Tuy nhiên, cho dù thao tác của người mới vào nghề hay lão luyện thì kết quả cũng phải là một sự tổ chức, phân bố nội dung và hình thức một cách hợp lý.
Trong tất cả mọi lĩnh vực: văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu điện ảnh cũng thế. Các yếu tố có vai trò liên kết giữa các nhóm nội dung với nội dung, hình thức với hình thức được gọ là “mạch liên kết”.
Mạch liên kết giữa các nhóm hình thức là dạng đường nét ẩn tàng (khó nhận ra nếu không hướng dẫn) mà chúng ta đã nói tới trong phần các yếu tố thị giác.
Mạch dẫn mắt có thể gọi là đường nét hữu hình (do nghệ sỹ phác họa trước ngay khi hoạch định giải pháp bố cục) được nghệ sỹ vô hình hóa (làm cho nó ẩn thân chìm khuất dưới các mảng, hình, màu) khiến chúng ta khó thấy được (trừ những nhà nghiên cứu, thực hành sáng tác nghệ thuật thị giác giàu kinh nghiệm).
Chính sự vô hình hóa đó (có mà như hông nhưng quả thực là có nằm chìm khuất ở các lớp dưới của hình thức) đã tạo nên khái niệm vô hình trong bố cục nghệ thuật thị giác. Đó là lực dẫn mắt hay lực định hướng cho thị giác.
Để hiểu rõ điều này có lẽ chúng ta nên nhắc lại một số vấn đề có liên quan đến thị giác như đã nói ở trên:
- Lực dẫn mắt góp phần vào nguyên lý thị giác;
- Lực định hướng cũng là nhịp cầu giữa các nhóm chính, phụ;
- Khái niệm về trật tự trong bố cục;
- Nhóm chính là gì?
- Trọng tâm của tác phẩm là gì?
- Điểm nhấn là gì?
- Vai trò, vị trí mức độ của điểm nhấn?
- Điểm nhấn sai vị trí.
6. Nguyên lý về lực định hướng:
Nếu trong bố cục thị giác không có lực định hướng có được không? Chúng ta đã nghiên cứu về các khái niệm: tập hợp thị giác, sức hút thị giác, lực thị giác, sức căng thị giác, chuyển động thị giác… cho đến nguyên lý về “Điểm nhấn, trọng tâm và các nhóm chính, phụ”. Vậy thì, chúng ta và cả người xem sẽ không thể nhận biết được điểm nhấn, trọng tâm, các phần chính, phụ của tác phẩm ở vị trí nào nếu bản thân người nghệ sỹ thị giác không “vẽ ra một cách bí mật và tinh tế” các hướng nhìn, các đường đi chính phụ, hướng nhìn của con mắt và dẫn nó đi từ đâu đến đâu. Cùng một lúc có nhiều hướng nhìn trong một tác phẩm và các hướng nhìn này được tổ chức có hệ thống, liên kết, phối hợp tốt với nhau, không gây rối mắt, mất phương hướng. Nghĩa là phải chủ động định sẵn các hướng nhìn và cường độ, mức độ của sức hút của từng hướng nhìn, theo yêu cầu của chuyển động thị giác, yêu cầu của sự liên kết, tính mạch lạc, tính hệ thống cua các yếu tố hình thức có vai trò phối hợp để làm rõ nội dung của tác phẩm.
Như vậy, lực định hướng chính là hình thái của lực thị giác mà tự trong bản thân nó phải xác định sẵn các chiều hướng vô hình có tính chất chủ định do nhà sáng tác, nhà thiết kế dự định trước để dựa vào trên đó bố trí các yếu tố thị giác nhằm mục đích đạt được khả năng thu hút, dẫn dắt thị giác người xem theo hướng nào đó mà mình dự định (người xem khó phát hiện, nhất là người không chuyên môn).
Nó là một hình thái của lực dẫn mắt, nó có vai trò tương tự như là những đường dẫn mắt được thể hiện dưới dạng đường nét ẩn tàng. Nó chính là loại đường nét bí mật lúc ẩn lúc hiện, thoạt nhìn không thể nào phát hiện được.
Công thức của lực định hướng sẽ là:
Lực định hướng = hướng thị giác + sức hút thị giác + đường dẫn mắt + sự tổ chức hợp lý và tinh tế.
Các thuộc tính của nó là: tính tổ chức, tính hệ thống và sự tinh tế.
Tóm lại lực định hướng có nhiệm vụ hướng dẫn hướng nhìn của người xem đi từ các nhóm phụ đến chính và ngược lại một cách thật tinh tế. Sở dĩ có thuật ngữ “lực” là vì nó phải có sức mạnh để thu hút để qua đó chỉ ra hướng nhìn cho người xem một cách tinh tế, để tạo được sức mạnh này chính là phải nhờ vào tài năng của nhà sáng tác.
Để tạo nên lực định hướng thì ngoài công thức nói trên chúng ta có một số giải pháp cơ bản về hình thức sau:
- Hướng thị giác và lực thị giác tạo nên lực định hướng tuân thủ theo quy luật nhìn, cảm thụ của con mát là người ta thường nhìn từ trai qua phải và từ trên xuống.
- Ngay bước sơ phác sơ đồ định hướng, phân bố khu vực của tác phẩm thì chúng ta bắt buộc phải vẽ phác về chiều hướng chính trong bố cục ngay bước đầu dự kiến cách bố cục tác phẩm.
- Dẫn mắt và tạo lực hút bằng chiều hướng của các yếu tố hình thức (chiều hướng tổng thể).
- Dẫn mắt bằng ánh sáng hay bằng màu nóng, lạnh hoặc tươi tái.
- Dẫn mắt bằng cảm giác về chất liệu thông qua sự phân bố chúng (mịn, thô, bóng, láng, sần, trong đục, nặng hay nhẹ…).
- Điều tối kỵ là dẫn mắt người xem chạy ra ngoài rìa, mép tranh hay khung tranh.
- Nên nhớ rằng về tập quán nhìn thì diện tích không gian phía trước của các chân dụng nhìn ngang phải rộng hơn phía sau chân dung đó (phía sau hộp sọ). Diện tích không gian mà nhân vật hướng tới phải rộng hơn phía sau nhân vật ấy.
Thí dụ: Hình một người đang chạy về hướng nào đó (trái hay phải) thì không gian phía trước mặt phải lớn hơn không gian phía sau.
a. Lực dẫn mắt góp phần vào nguyên lý thị giác:
Lực dẫn mắt là hiệu quả của sự bố trí, dàn dựng các yếu tố vô hình được tạo ra từ sự tổ chức hữu hình mà nghệ sỹ cố ý “giấu” hệ thống tổ chức ấy nằm ở lớp dưới của các yếu tố hình thức (nó là những nét phác có vai trò định vị, định hướng, làm mạch liên kết. Các nét phác này bị các hình ảnh, màu sắc đè lên, chồng lên trên). Cho nên, khi vẽ xong người thường không phát hiện ra được.
Lực dẫn mắt chính là sức hút thị giác, hướng con mắt người xem đi theo một chiều hướng hay trình tự mà nghệ sỹ muốn, để người xem có thể lướt mắt hay nhìn ngắm theo “mạch dẫn” vô hình mà nghệ sỹ chủ ý tạo ra.
Nếu không có kinh nghiệm và lão luyện trong thực hành sáng tác thì lực thị giác sẽ khó xuất hiện làm cho người xem “cảm thấy” được nghĩa là không tạo được sự lôi cuốn có định hướng, sự dẫn mắt theo.
b. Lực định hướng cũng là nhịp cầu giữa các nhóm chính, phụ
Lực định hướng là các chiều hướng vô hình có tính chất chủ định do nhà sáng tác, nhà thiết kế dự định trước, để dựa vào trên đó bố trí các yếu tố thị giác nhằm mục đích đạt được khả năng thu hút, dẫn dắt thị giác người xem theo hướng nào đó mà mình dự định. Nó là một hình thái của lực dẫn mắt và nó có vai trò tương tự như là những đường dẫn mắt được thể hiện dưới dạng đường nét ẩn tàng. Nó cũng được coi là loại đường nét bí mật lúc ẩn lúc hiện thoạt nhìn không thể nào phát hiện được.
Như đã trình bày, lực định hướng có nhiệm vụ hướng dẫn hướng nhìn của người xem đi từ các nhóm phụ đến chính và ngược lại một cách thật tinh tế. Sở dĩ có thuật ngữ “lực” là nó phải có sức mạnh để thu hút, định hướng, chỉ ra hướng nhìn cho người xem một cách thật tinh tế, để tạo dược sức mạnh này chính là nhờ vào tài năng của nhà sáng tác. Như vậy lực dẫn mắt không tách rời đường dẫn mắt. Đường dẫn mắt không khác gì lực định hướng, nó có được là do sự chủ động thực hiện của người sáng tác, nó là những đường nét lúc ẩn lúc hiện.
c. Khái niệm về trật tự trong bố cục:
Như đã nói, về mặt bố cục thì bằng sự cân nhắc, cố ý bố trí các hình mảng, đường nét, ánh sáng, bóng tối, màu tươi tái, nóng lạnh. Người sáng tác phải chủ động dẫn dắt thị giác người xem di chuyển từ các phần phụ, vào phần chính rồi vào đến trọng tâm bức tranh một cách thật tinh tế, tế nhị. Như vậy gián tiếp rằng nó được phân bố có trật tự nhưng là loại trật tự vô cùng tinh tế: trật tự vô hình. Để thực hiện công việc này, người sáng tác phải bằng mọi cách hình thành bên trong tác phẩm một dạng đường nét, được gọi là đường dẫn mắt. Điều này hoàn toàn không làm nghệ thuật trở nên khô cứng. Bởi lẽ nếu trải qua quá trình rèn luyện thì sự phân bố trật tự này trở thành cảm giác như là sự vô tình, nhẹ nhàng hơi như hơi thở. Khi ấy chúng ta sẽ đạt đến đỉnh của thực hành sáng tác. Đó là “vẽ kỹ mà như vẽ dối”. Khái niệm “vẽ kỹ” ở dây không phải là sự chi li hay tinh vi mà là kỹ lưỡng trong quy hoạch và phân bố hình thức: phân bố như là “không cố tình bố cục”.
Tuy nhiên, trong những bước học tậ, thực hành sáng tác thì tất cả mọi phương pháp bố cục đều bắt đầu từ việc phải có một phác thảo.
Tất cả mọi phác thảo đều phải được bố trí, dàn dựng trên ý thức thực hành những hệ thống chủ đạo: đường nét chủ đạo, màu chủ đạo, chủ sắc, chất liệu chủ đạo.
Ngược lại, trên một số góc độ và kinh nghiệm thực tế sáng tạo, có khi phác thảo được tạo ra từ một ý thức rất mơ hồ như là sự phiêu lãng của cảm xúc. Người nghệ sỹ sẽ dựa vào cảm xúc này mà triển khai, hoàn thiện tác phẩm của mình, thậm chí đặt tên tranh sau khi hoàn tất tác phẩm.
Tình huống này không phổ biến nhưng nó cũng là một phương pháp sáng tác cá biệt, trên cơ sở tôn trọng, khai thác những tình huống bất ngờ bởi lẽ, sự cố ý, duy lý trí quá đáng đôi khi dẫn đến sự khô cứng, mất cảm xúc. Tất cả các hệ thống chủ đạo đều phải được xác lập trên tư duy về hệ thống các nhóm chính, phụ, trọng tâm và điểm nhấn.
Không thể nào để xảy ra tình trạng vai trò vị trí của các nhóm chính phụ lại có sự độ nổi bật ngang nhau, gây sự lẫn lộn giữa chính và phụ. Hệ thống các nhóm chính, phụ chính là tính trật tự, tính tổ chức.
d. Nhóm chính là gì?
Nhóm chính chính là tổ hợp hình ảnh hay tập hợp thị giác: nhân vật, đồ vật được bố trí để giữ vai trò quan trọng nhất trong chuyển tải nội dung, ý tưởng của tác phẩm là bức tranh hay pho tượng. Nhóm chính thường được bố trí ở một vị trí không gian quan trọng nhất trong toàn bộ diện tích bức tranh, pho tượng hay nhóm tượng. Việc tạo nên nhóm chính và đặt chúng vào vị trí thích hợp hay không thích hợp còn tùy thuộc vào ý thức chủ động, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, sự nhạy bén về thăng bằng thị giác của nhà nghệ sỹ.
Ở vị trí nào đó ngay bên trong nhóm chính là vị trí của một bộ phận quan trọng nhất nêu bật được hình tượng, ý nghĩa, nội dung tác phẩm mà nghệ sỹ cố ý dàn dựng theo yêu cầu của nội dung: đó là trọng tâm của tác phẩm. Trường hợp tác phẩm chỉ có một nhân vật đơn độc hay có vài vật dụng phụ trợ để làm rõ tính chất của hình tượng này khi ấy chúng ta chỉ có thuật ngữ “khu vực chính hay vùng chính” và trong khu vực chính ấy có sự định vị của trọng tâm.
e. Trọng tâm của tác phẩm là gì?
- Trọng tâm có ý tưởng là ý chính, nội dung chính, nổi bật nhất có mục đích khêu gợi hay tác đọng của nội dung tác phẩm.
- Trọng tâm về hình thức chính là những hình tượng thị giác quan trọng nhất nằm trong nhóm chính mà người nghệ sỹ sáng tạo, thiết lập nên sau khi tư duy thấu đáo về tinh thần, nội dung của tác phẩm mà tác giả đi đến quyết định tạo nên hình thức có vai trò diễn tả, làm rõ được nội dung mà mình dự kiến chuyển tải.
Trọng tâm về hình thức ngoài sự tập trung diễn tả, tạo sức hút thị giác nó có sự tương tác tốt với các yếu tố, khu vực xung quanh.
- Mọi giải pháp để thiết lập trọng tâm về hình thức phải hợp với tinh thần của đề tài, chủ đề.
f. Điểm nhấn là gì?
Con mắt là cửa sổ tâm hồn là trọng tâm trên khuôn mặt, do vậy không ai lại đi trang điểm, tô son cho đôi môi nổi bật hơn cánh cửa tâm hồn này. Như vậy, điểm nhấn của khuôn mặt chính là đôi mắt chứ không phải cái gì khác (cho dù thiếu nữ Ấn Độ đeo kim cương trang sức trên lỗ mũi) trừ trường hợp quảng cáo son môi. Một khuôn mặt mà nhìn vào không có điểm nhấn; không có điểm mạnh có khả năng gây ấn tượng thì sẽ dễ bị quên lãng. Điểm nhấn không phải tự nhiên mà có. Một bức tranh, một pho tượng, một tác phẩm đồ họa, một căn phòng mà không có điểm nhấn thì quả là sự nhạt nhẽo, vô vị. Bởi lẽ, người xem không biết rõ chủ ý của họa sỹ, nhà thiết kế muốn nói điều gì.
Điểm nhấn là vị trí có sức hút thị giác mạnh nhất mà nhà nghệ sỹ cố tình tạo ra trong khu vực trọng tâm, trong nhóm chính của các yếu tố hình thức được trình bày để diễn tả nội dung tác phẩm. Nó là điểm tập trung có sức thu hút cái nhìn của người xem. Điểm nhấn giữa vị trí quan trọng nhất trong tác phẩm.
Nó là điểm được nghệ sỹ dùng các giải pháp hình thức như: hình thể, màu sắc, ánh sáng, thủ pháp đặc biệt để làm cho thị giác của người xem bị lôi cuốn phải nhìn ngay vào điểm này.
Để có được cái gọi là “điểm nhấn” thì họa sỹ hay nhà thiết kế phải chủ động thiết lập, bố trí các yếu tố thị giác hay còn gọi là yếu tố hình thức… để từ đó chúng có khả năng thu hút thị giác người xem vào nơi mà tác giả muốn người xem thấy rõ.
Họa sỹ phải vận dụng khả năng tạo nên lực định hướng, lực dẫn mắt hay sức hút thị giác, trong đó không loại trừ các giải pháp tạo sự tương phản, sự cường điệu…
Như vậy, việc quan trọng mà nghệ sỹ phải làm là: làm cho thị giác người xem bị lôi cuốn vào đúng vị trí mà nghệ sỹ muốn chứ không bị “đi lạc” vào các vị trí, bộ phận có vai trò phụ thuộc. Trong quá trình thiết lập vị trí các nhóm chính, phụ, họa sỹ phải nghiên cứu sự tương quan, thăng bằng vị trí, thăng bằng màu sắc, sáng tối và chất liệu. Do vậy, khi thực hiện hay tạo nên điểm nhấn họa sỹ cũng phải bảo vệ cho được sự thăng bằng này. Trên thực tế có khi nhấn sai vị trí mà vẫn tạo được sự thăng bằng nhưng về mặt tư duy thị giác thì đây là tình huống thực hành sai phương pháp kém khả năng.
Thông thường khi tìm vị trí để đặt nhóm chính, trọng tâm và điểm nhấn thì người ta thường quan tâm đến các giao điểm của các đường phân chia do tỷ lệ vàng tạo ra hay trục chính nằm ở chính giữa (đối với tranh tôn giáo) theo chiều dọc ở vị trí 2/3 từ trái hay phải sang của bức tranh. Trên trục này người ta bố trí điểm nhấn với sự định vị cao, thấp cũng theo tỷ lệ vàng. Điều quan trọng là cách xử lý cường độ, sắc độ, tính chất nóng, lạnh hoặc cảm giác về chất một cách hợp lý so với tổng thể bức tranh.
Mức độ nổi bật, tạo sức hút thị giác của người xem do người nghệ sỹ chủ động cân nhắc sao cho hợp lý. Phải suy nghĩ về các mức độ nổi bật: quá mạnh, quá đáng hay tinh tế. Điều này cũng còn tùy thuộc vào tinh thần của đề tài (nhẹ nhàng hay mạnh bạo...) và tùy thuộc vào loại hình cụ thể (tranh cổ động hay tranh sơn dầu, tranh khắc gỗ, tranh in đá…).
Chắc chắn là điểm nhấn không thể bị các yếu tố khác lấn át. Trong quá trình cân nhắc thì người nghệ sỹ phải chú ý đến việc “rải, rắc” màu sắc, chất liệu được dùng cho điểm nhấn trên các vùng phụ, nhóm phụ để tạo được sự thăng bằng, sự dẫn mắt đi từ phụ đến chính, đến trọng tâm, điểm nhấn và ngược lại một cách tinh tế, nhuần nhuyễn nhất.
g. Vai trò, vị trí mức độ của điểm nhấn:
Như đã nói ở trên, điểm nhấn là điểm được nghệ sỹ thiết lập nhằm thu hút sự tập trung thị giác của người xem. Nó nói và gợi rõ hơn về nội dung nhóm chính làm thấy mối quan hệ thông qua “điểm chốt” hay “đỉnh điểm” của thị giác này.
Nếu đặt điểm nhấn sai vị trí, nằm bên ngoài nhóm nội dung, nhân vật chính, không gian chính, đồ vật chính… thì sẽ làm đảo lộn ý tưởng của nội dung: làm người xem hiểu phụ là chính, hiểu chính là phụ.
Trường hợp điểm nhấn bị đặt sai thì cho dù có hiểu nội dung nhưng người xem vẫn cảm thấy khó chịu, cảm nhận sự yếu kém về chuyên môn của người diễn tả. Chúng ta có thể tóm tắt vai trò vị trí của nó như sau:
- Điểm nhấn tạo sức hút thị giác của người xem vào tác phẩm.
- Điểm nhấn làm rõ nội dung ý tưởng của tác phẩm, góp phần làm rõ vai trò chính, phụ của các cụm nội dung và hình thức.
- Điểm nhấn tạo lực căng, sức hút thị giác, làm tăng chiều sâu vật lý hay tâm lý của nhân vật và không gian trong tác phẩm. Giống như muối, nó làm tăng độ đậm đà của món ăn tinh thần, giống như đường, nó làm tăng sự ngọt ngào của ngôn ngữ thị giác.
- Liều lượng của điểm nhấn phải tùy thuộc vào tinh thần của từng thể loại ngôn ngữ: tranh lụa khác với sơn dầu, sơn mài khác với pa nô, tranh giá vẽ khác với tranh cổ động bày ngoài trời.
Điểm nhấn quá nổi bật, quá lộ liễu sẽ mất đi sự tinh tế, ý nhị. Do đó, mức độ biểu hiện của nó là vấn đề quan trọng mà nhà nghệ sỹ thị giác phải nghiên cứu trong khi thực hành thiết lập và diễn tả.
h. Điểm nhấn sai vị trí:
Đôi môi không phải là điểm nhấn, không phải là trọng tâm của khuôn mặt (trừ phi tập trung điểm nhấn vào nó để làm quảng cáo son môi).
Chũng ta nghĩ gì khi:
Nhìn vào một người mà chúng ta thấy cái cà vạt hay đôi giày của họ lại nổi bật hơn chính khuôn mặt của chính người sử dụng nó? Nhìn vào phòng khách lại thấy nền gạch bông lại nổi bật hơn tất cả mọi đồ vật, con người. Độ lớn, màu sắc ở hoạt tiết trên áo dài lại lấn át cả nét đẹp khuôn mặt? Nhìn vào con người mà chỉ thấy đầu tóc và cách trang trí của nó lấn át cả dung nhan? Như vậy, bề sâu của sự hài hòa, hòa hợp trong tác phẩm nghệ thuật chính là tính trật tự, nghĩa là mọi vật phải được bố trí thông qua một sự cân nhắc, tính toán chứ không phải ngẫu nhiên.
Chính vì thế mà nó không quá vỡ thế thăng bằng mà hợp nhất được thành một chỉnh thể. Tinh thần cao nhất của trật tự là mọi vật phải giữ đúng vai trò vị trí chính, phụ của nó trong đó có vật thể giữ vai trò thống soái, giữ vị trí trọng tâm, điểm nhấn. Như vậy, việc xử lý các yếu tố thị giác để tạo nên điểm nhấn trong mọi tác phẩm nghệ thuật nào cũng phải tuân theo nguyên lý này.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản là trong gia đình thì có vị chủ hộ giữ vai trò là trọng tâm, kế tiếp là các cá nhân có các vai trò tiếp theo, nhân vật giữ vai trò thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và môi trường không gian gia đình là nơi nó tồn tại và sinh hoạt.
Mỗi người hành xử đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, không để tình trạng “việt vị” thì gia đình sẽ có tình trạng không bị “loạn” về trật tự kỷ cương. Người ta áp dụng tỷ lệ vàng để xác định vị trí của nhóm chính ở bên trong nhóm chính, trọng tâm luôn luôn là điểm nhấn. Điểm nhấn là điểm tập trung, là nơi có sức hút thị giác người xem thật mạnh. Nó là nơi mà nhà sáng tác phải dùng mọi biện pháp hình thức để tạo cho được lực hấp dẫn này. Không thể nào có tình trạng điểm nhấn chỗ này mà màu sắc, ánh sáng lại tập trung nhấn vào chỗ khác.
Trên thực tế không phải bất cứ điểm nhấn nào cũng phải là màu sáng, màu tươi mà có được nhà nghệ sỹ tùy vào tình huống cụ thể mà biểu hiện, có khi nó là một điểm thật đậm (có ý nghĩa và đúng chỗ…). Điểm nhấn là vị trí mà nhân vật, sự vật quan trọng cần được nhìn thấy trước tiên tổng diện tích của tác phẩm.
Đi song song với khái niệm điểm nhấn là khái niệm về hệ thống các nhóm chính, phụ về hình thức và nội dung của tác phẩm. Nó thể hiện tính trật tự trong bố cục thị giác. Mỗi nhóm có vai trò riêng và cách chọn giải pháp để diễn tả nó phải tương ứng với vai trò, nhiệm vụ của mỗi nhóm.
7. Nguyên lý về sự lặp đi lặp lại và nhịp điệu:
a. Sự lặp đi lặp lại:
Trong giai đoạn học những quy tắc cơ bản về trang trí, chúng ta đã được học các quy luật cơ bản như sau: Quy luật lặp đi lặp lại, quy luật xen kẽ, quy luật đảo ngược và quy luật chồng hình. Thoạt nhìn qua chúng ta tưởng rằng các quy luật này không giống nhau nhưng trên thực tế ba quy luật sau (quy luật xen kẽ, quy luật đảo ngược và quy luật chồng hình) đều là sự biến đổi của quy luật lặp đi lặp lại.
Thí dụ:
- Quy luật xen kẽ chính là lặp lại có ngắt quãng (xen kẽ) khi bố trí các yếu tố hình thức, họa tiết. Nhiệm vụ của người học viên, sinh viên là tạo mạch liên kết giữa các yếu tố thị giác. Các giải pháp liên kết có thể bằng họa tiết hay bằng màu.
- Quy luật đảo ngược chính là dạng lặp lại ở tình trạng trái ngược về hình thể, chiều hướng. Nhiệm vụ của người học là phải cho được “mạch liên kết” để nối kết các họa tiết được lặp lại ở tình huống đảo ngược (xoay chiều).
- Quy luật chồng hình có hai tình huống áp dụng: Tình huống thứ nhất là dùng hai họa tiết giống nhau chồng lên nhau để tạo sự chặt chẽ và tạo hình mảng do sự chồng lấp lên nhau mà tạo ra. Đây cũng là dạng lặp lại; Tình huống thứ hai là chồng các họa tiết khác nhau để tạo sự chặt chẽ, tạo mảng do sự chồng lên nhau mà ra.
- Sự rải rắc màu, sắc, ánh sáng, màu đậm nhạt trong không gian tác phẩm, trong môi trường trang trí cũng là sự ứng dụng quy luật lặp lại để tạo sự thăng bằng, sự lan tỏa hay sự liên kết (có trọng tâm chính, phụ).
Trong tình huống rải rắc màu thì sự lặp lại khi chìm khi nổi cũng là hình thái của nhịp điệu.
b. Nhịp điệu là gì?
- Nhịp điệu là những vần điệu gây cảm giác thuận tai, thuận mắt được tạo ra và hiện diện trong nghệ thuật thị giác là: thi ca, âm nhạc và nghệ thuật thị giác: mỹ thuật, kiến trúc…
Thí dụ chúng ta nhớ lại một số câu thơ thể hiện theo thể lục bát. Toàn bộ bài thơ thể hiện dòng chảy của sự gieo vần, tạo tinh thần nhịp điệu từ đầu bài thơ đến cuối thơ, dựa vào một chuỗi những từ ngữ có âm điệu được lặp đi lặp lại, tại vị trí của cái mạch đi từ chữ cuối câu thứ sáu của câu trên, chuyển xuống chữ thứ sáu của câm tám phía dưới và cứ thế chảy tuôn mãi. Tính chất nặng nhẹ, tĩnh hay động, nhanh hay chậm, buồn hay vui, trần tục hay siêu thoát của nhịp điệu có được là do tinh thần của ngôn ngữ, âm điệu tạo ra. Nhịp điệu của một tác phẩm chính là tinh thần, cái hồn của tác phẩm ấy, không có thứ nhịp điệu nào thoát ly khỏi tinh thần, ý tưởng của tác phẩm.
- Nhịp điệu là sự chuyển động vốn là hiệu quả của các yếu tố thị giác được lặp đi lặp lại có sự thay đổi, có sự mạch lạc, có hệ thống của các yếu tố thị giác theo một tinh thần nào đó của nội dung mà tác giả chủ động thể hiện. Sự thay đổi được thể hiện qua các yếu tố như sau: cường độ, độ đậm nhật, sáng tối, tươi tái, độ lớn nhỏ, độ rõ mờ, chiều hướng của họa tiết hay sự chấm phá ở một số khu vực, yếu tố thị giác nào đó trên mạch chuyển động.
- Nhịp điệu trong tranh là sự nhịp nhàng được tạo ra trên những yếu tố hình thức thông qua quy luật lặp đi lặp lại bằng các yếu tố vật chất, lúc ẩn lúc hiện có sức tác động vào thị giác. Nó chính là loại nhịp điệu của thị giác.
- Nền tảng của nhịp điệu chính là sự thực hiện cái gọi là nguyên lý thứ hai của nghệ thuật thiết kế. Đó là nguyên lý về sự liên tục, nó chính là giải pháp tạo sự liên kết các yếu tố thị giác trên cơ sở vận dụng quy luật lặp đi lặp lại mà mỗi lần lặp lại cũng vận dụng quy luật lũy tiến, tăng dần hay giảm. Sự tăng giảm theo một tiết tấu nào đó trên cơ sở lặp đi lặp lại tạo nên vần điệu và nhịp điệu thị giác.
c. Những thuật ngữ có liên quan đến nhịp điệu:
- Đường lượn, ngày xưa người dịch từ này là “đường mỹ cương” nghĩa là loại đường nét được vạch ra để giữ lề lối, định hướng cho sự hoạch định kỷ cương, trật tự (tạo nên vẻ đẹp) nhưng bản thân nó phải có sự uốn lượn với vẻ đẹp nhất định tùy theo mức độ tĩnh động của bức tranh, cũng có người gọi nó là “đường cong Ả Rập”. Chúng ta có thể hiểu nôm na “nó là dường nét uốn lượn mang tính chất định hướng, dẫn đạo tinh thần thẩm mỹ của tác phẩm”. Điều tất nhiên là để tạo nên sự tinh tế thì loại đường nét này có hình thái như là loại đường nét ẩn tàng mà chúng ta đã làm quen ở yếu tố thị giác thứ hai, nghĩa là nó là loại đường nét lúc ẩn, lúc hiện.
- Sự chuyển động, vận động tức là ảo giác về sự chuyển động thị giác do hiệu quả của sự bố trí các yếu tố thị giác.
- Tiết tấu chính là tính chất, mức độ tinh thần của nhịp điệu nhanh chậm hay tĩnh, động.
d. Nhịp điệu từ đâu mà có?
Nhịp điệu là cảm giác có được do sự bố trí các yếu tố thị giác dựa theo quy luật lặp đi lặp laijmaf mỗi lần lặp lại phải có sự thay đổi ít nhiều về tinh thần, tiết tấu của ngôn ngữ; độ lớn nhỏ của hình thể: độ tươi tái, vui buồn, nóng lạnh của màu sắc; tính chất tĩnh, động, mạnh yếu của đường nét; sự đậm nhạt rõ mờ của sắc độ; trạng thái lớn nhỏ, rõ mờ của diện tích, của hình dáng, mảng miếng: cảm giác trong đục, nhám sần, thô mịn, bóng láng…
Nền tảng của nhịp điệu chính là sự thực hiện các nguyên lý về sự liên tục, quy luật lặp đi lặp lại mà mỗi lần lặp lại cũng vận dụng quy luật lũy tiến, tăng dần hay giảm bớt tùy theo vị trí, không gian, vai trò của các yếu tố hình thức.
Các hình thái của sự lặp đi lặp lại: hình dạng, màu sắc, ánh sáng, đường nét, họa tiết, mật độ chi tiết, chất liệu, độ dày mỏng, bút pháp diễn tả.
Chính sự thay đổi này sẽ tạo nên sự biến hóa phong phú linh hoạt và tinh tế có khả năng khêu gợi nên cảm giác về nhịp điệu, vần điệu bên trong tác phẩm (cái mà chúng ta gọi là Chỉnh thể).
e. Sự hiển thị về tinh thần của nhịp điệu:
Trong mỗi tác phẩm cụ thể, nhịp điệu có thể hiển thị thông qua sự biểu hiện của nhiều dạng thức như sau: Nhịp điệu làm hiển thị trên tinh thần chủ đạo và nó tồn tại tùy theo tính chất nội dung của tác phẩm (êm ả, tĩnh lặng, u buồn, mạnh mẽ, dữ dội), tùy theo không gian, thời gian (bình minh, giữa trưa, chiều tà, đêm tối hay theo không gian ảo). Chính tinh thần tác phẩm chỉ đạo việc tạo nên tính chất riêng của nhịp điệu.
- Nhịp điệu của đường nét (sử dụng, phân bố các loại đường nét có khả năng gợi những ấn tượng về tĩnh động, mạnh yếu).
- Nhịp điệu của ánh sáng (màu sắc có được do sự rải rác, phân bố, phối hợp giữa các yếu tố, thuộc tính, tinh thần của các màu sắc được sử dụng hay sự sáng tối, nóng lạnh, tươi tái, đậm nhạt)…
- Nhịp điệu của chất liệu (do sự rải rác, bố trí, phối hợp các cảm giác về chất: trong đục, nhám mịn, thô sần, nặng nhẹ).
- Nhịp điệu của những khoảng trống và khoảng có hình (do bố trí phân bố, rải rác các cảm giác về bề mặt của các yếu tố thị giác: lồi lõm, tĩnh động, cao thấp, sâu cạn…).
Mức độ của nhịp điệu còn hiển thị qua thủ pháp diễn tả chất liệu (lúc dày lúc mỏng, lúc rõ, lúc mờ).
Minh họa phong cách cá nhân
Tác phẩm “Hai người đàn ông khỏa thân” của họa sỹ Bernard Buffet (1928 – 1999)
Tác phẩm “Nữ thần tự do dẫn dắt Nhân dân” của họa sỹ Eugène Declacroix (1798 – 1863)
Tác phẩm “Đất làng” của họa sỹ Nga – Pháp: Marc Chagall (1887 – 1985)
Tác phẩm “Người bán hoa” của họa sỹ Mexico Diego Rivera (1886 – 1957)
Tác phẩm “Dạo chơi trên núi” 1966 của họa sỹ Colombia Fernado Botero (sinh năm1932)
Tác phẩm “Lớp học múa Ba lê” của họa sỹ Pháp Edgar Degas (1834 – 1917)
Tác phẩm “Đêm đầy sao” của họa sỹ Hà Lan Vincent Van Gogh (1853 – 1890)
Tác phẩm “Mẹ con nhà nhào lộn” 1905 trong thời kỳ màu hồng của họa sỹ Pablo Picasso (1881 – 1973)
Tác phẩm “Người đàn bà khóc” 1937 của họa Pablo Picasso (1881 – 1973)
Tác phẩm “Những người chơi bài” của họa sỹ người Pháp Paul Cézane (1839 – 1906)
Tác phẩm “Cuộc đời” 1905 của họa sỹ Picasso trong thời kỳ màu xanh
>>> Phân tích nguyên lý thị giác (Phần 2)
>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)
>>> Khối trong yếu tố thị giác