Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 2)

3. Nguyên lý của sự thăng bằng:

Nguyên lý về sự thăng bằng nhằm đề cập đến thế vững chãi hay lệch đổ của các yếu tố hình thức trên một không gian nào đó (hai chiều hay ba chiều) của tác phẩm. Người ta còn gọi nguyên lý này là các mối quan hệ về thăng bằng.

Thuật ngữ cân bằng này thường được hiểu ở hai lĩnh vực: cân bằng vật lý và cân bằng thị giác.

Các yếu tố liên quan đến thăng bằng: trực thăng bằng, điểm thăng bằng, thăng bằng thị giác, trọng lực.

a. Trục thăng bằng là gì?

Trục thăng bằng vật lý là đường thẳng (theo trục dây rọi) buông từ trên xuống dưới và tiếp xúc với điểm thăng bằng. Một vật không bị đổ, ngã khi trục thăng bằng và điểm thăng bằng ở vị trí thẳng hàng từ trên xuống hợp với sức hút của trái đất, tức là hợp với Luật hấp dẫn.

Một vật thể ba chiều muốn giữ được thăng bằng thì phải hội đủ các yếu tố sau đây:

- Thứ nhất là trục thăng bằng và điểm thăng bằng phải thẳng hàng.

- Thứ hai điểm thăng bằng phải lớn, phẳng tạo thành diện phẳng có độ tiếp xúc tốt với bề mặt được tiếp xúc.

- Thứ ba là vật thể ấy phải có trọng lượng thích hợp tập trung ngay phía dưới, nơi điểm tiếp xúc hay điểm thăng bằng tiếp xúc với bề mặt mà vật thể đó an vị: không bị sức gió làm lay động và lệch đổ (kiến trúc hay tạo dáng sản phẩm)…

Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, đặc biệt là mỹ thuật hai chiều (các loại tranh, các sản phẩm thiết kế đồ họa) thì ý nghĩa của thuật ngữ “thăng bằng” chính là dạng “thăng bằng ảo” do sự cảm nhận của con mắt chứ không phải là thăng bằng ở góc độ vật lý.

Do vậy, trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác thì trục thăng bằng trong tác phẩm cũng là dạng “trục ảo”. Nó chính là một đường thẳng vô hình hay hữu hình ở dạng nằm ngang hoặc thẳng đứng được người nghệ sỹ mỹ thuật xác định, định vị cho sự sắp đặt trước khi nghiên cứu giải pháp thể hiện cách bố trí các nhóm hình thức. Như vậy, chính từ trên “trục” hay “tuyến” này người ta sẽ bố trí các nhóm hình thức, phục vụ cho việc diễn tả nội dung.

Về cơ bản trục thăng bằng và điểm thăng bằng được các nhà mỹ thuật, nhà kiến trúc, nhà tạo dáng sản phẩm công nghiệp ứng dụng cho việc nghiên cứu, bố trí các yếu tố hình thức xoay quanh nó.

Riêng về hai lĩnh vực tạo dáng công nghiệp và nghệ thuật kiến trúc thì khái niệm thăng bằng gắn liền với các quy luật vật lý, về toán học, về sức hút trái đất, về trọng lượng, về tải trọng, kết cấu kỹ thuật, về sức bền vật liệu, tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật. Dựa vào trọng lượng, tỷ trọng vật lý cụ thể của từng loại chất liệu được nhà thiết kế dùng để tạo hình, tạo dáng. Kế đó là dựa vào quy mô, độ lớn của từng loại hình khối và cấu trúc của các yếu tố hình thức này được sử dụng tạo nên các tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, các công trình mỹ thuật công nghiệp, nghệ thuật kiến trúc.

Trong lĩnh vực kiến trúc, người ta còn có khoa học về thiết kế, xây dựng, tạo nền, móng chịu được tải trọng để giữ được sự thăng bằng, thế vững chãi của công trình trước sức tác động của gió bão, của độ rung, thậm chí của động đất.

b. Điểm thăng bằng là gì?

Về vật lý thì điểm thăng bằng là vị trí mốc, giống như điểm tựa của các cái cân: nó là điểm mà trọng lượng của cả vật thể được tập trung và dựa trên đó người ta kiểm tra, xác lập trục hay hướng thăng bằng hợp lý hay lệch đổ. Nó là điểm tập trung của trọng lượng một cách hợp lý, hợp với luật hấp dẫn, khoa học về trọng lực.

Còn trong nghệ thuật thị giác thì “điểm thăng bằng” cũng là “điểm ảo” thường dùng để cùng vị trí với các điểm, vị trí mà các yếu tó hình thức hướng về hay dựa vào đó mà người ta đánh giá về khả năng tinh tế, bén nhạy về thăng bằng thị giác của người nghệ sỹ khi anh ta bố trí, phối trí các yếu tố thị giác, tạo nên thế vững chãi, không gây cảm giác về sự bị lệch đổ, bên nặng, bên nhẹ trong tổng thể các yếu tố hình thức của tác phẩm.

c. Cân bằng vật lý:

Là trạng thái có được trên chiếc cân khi hai bên có trọng lượng bằng nhau, trong cái cân thì có điểm tựa, được coi như là điểm thăng bằng.

Khi nói đến vật lý là người ta liên tưởng ngay đến những sự đánh giá, đo lường khối lượng, trọng lượng, mật độ, tỷ trọng của vật thể của các dạng vật chất bằng những phương tiện, công cụ khoa học như cân, thước. Sự cân bằng này cũng mang tính chất “tĩnh” vật lý.

Điều này trái với những khái niệm về mặt cảm xúc, tâm lý; sự cân bằng ảo của nghệ thuật thị giác. Bởi lẽ, cân bằng trong nghệ thuật thị giác không thể đo lường bằng các công cụ vật lý, hữu hình như vừa nói.

d. Thăng bằng vật lý:

Là trạng thái thăng bằng của vật thể, đồ vật hay con người dưới sự chi phối của sức hút trái đất. Đó là quy luật mà bác học Newton tình cờ phát hiện khi nhìn trái táo rơi. Muốn đạt được trạng thái thăng bằng này thì từ cấu trúc của vật thể, của tư thế, dáng dấp của con người, con vật phải được trụ lên trên một điểm, trục tối thiểu nào đó để khỏi bị lệch đổ.

Sự thăng bằng loại này vượt ra khỏi “sự cân bằng” luôn gắn đến phương tiện đo lường là cái cân… và nó có vẻ “động” và linh hoạt hơn sự cân bằng luôn gắn với cái cân.

Xét về ngữ nghĩa, chúng ta thấy “thăng” có nghĩa là “vượt lên trên”. Thăng bằng là trạng thái có vẻ như là ổn định nhưng do vượt qua cái ngưỡng của “cân” bằng (cân là ngang nhau, bằng nhau, ở trạng thái tĩnh) trở thành gần như mất cân bằng nhưng lại không bị lệch, đổ. Nghĩa là trong nó hàm ý có cái động, cho dù có vẻ tĩnh.

Trên thực tế có hai kiểu thăng bằng vật lý, đó là thăng bằng tĩnh và thăng bằng động. Về lý thuyết có các hình thái thăng bằng như sau: thăng bằng nằm đứng, thăng bằng nằm ngang, thăng bằng bung tỏa, thăng bằng xoáy trôn ốc.

Chúng ta có thể hình dung trạng thái hay hình thức thăng bằng tĩnh giống như một người đang đứng mà trục thăng bằng, trục của trọng lực của cơ thể rơi giữa hai chân. Khi ấy trọng lượng toàn thân trải đều trên hai chân. Trục và điểm thăng bằng rơi, nằm ngay chính giữa khoảng cách của hai chân tạo thành thế thăng bằng tuyệt đối, không gợi một tí nào về sự dao động giống như trạng thái cân bằng. Đây là trạng thái thăng bằng khô cứng: thăng bằng tĩnh.

Trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác người quan tâm đến thăng bằng ảo nhưng là loại thăng bằng động chứ không thích loại thăng bằng tĩnh. Người ta gọi loại thăng bằng tĩnh này là thăng bằng chết.

Kiểu bố cục, phân bố các yếu tố hình thức, họa tiết, hình khối theo dạng thăng bằng tĩnh này chỉ dành cho một số tranh tượng có đề tài tôn giáo hay có tinh thần trang nghiêm, tĩnh lặng mà thôi. Hãy quan sát một người đang cưỡi xe đạp, xe đang chạy rất tốt. Người điều khiển cảm thấy rất thoải mái, thậm chí có thể buông cả hai tay. Tư thế thăng bằng của chiếc xe được coi là rất động.

Thật ra, trạng thái được cho là thăng bằng của chiếc xe đang chạy là do một chuỗi trạng thái bất thăng bằng liên tục do động tác đạp xe tạo ra. Bởi vì trên thực tế, khi xe chạy, thì thân xe và người điều khiển lúc thì nghiêng về bên này khi thì hơi ngã về bên kia nhưng không bao giờ đổ, ngã.

Thăng bằng kiểu này chính là thăng bằng động. Dạng thăng bằng lúc thì suýt ngã bên này, khi thì sắp ngã bên kia nhưng vẫn đứng vững và di chuyển được.

Trong nghệ thuật thị giác thì trạng thái thăng bằng suýt bị đổ tạo sự sinh động trong bố cục thị giác. Trạng thái này giống như những người học võ, đang múa “Túy Quyền” môn võ mà sự thăng bằng của nó mang tính chuyển động liên tục từ ngưỡng “suýt ngã” này sang trạng thái “suýt bị đổ” khác, nhưng lại không ngã đổ mà phát lực nhờ sức bung của các chuyển động của đòn thế.

Trong bố cục thăng bằng của nghệ thuật thị giác cũng có tình huống này và được gọi là thăng bằng động chứ không phải là thăng bằng tĩnh.

Trong nghệ thuật kiến trúc, trong tạo dáng công nghiệ không cho phép ứng dụng “cái động” kiểu “Túy Quyền”. Bởi lẽ, tiêu chí an toàn trong suốt quá trình sử dụng là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, cũng có một số khai niệm “độ rung cho phép” về vật lý.

e. Cân bằng, thăng bằng thị giác:

Như đã nói ở trên, trong mỹ thuật sự cảm nhận về thăng bằng có được thông qua cửa ngõ thị giác. Chúng ta “cảm thấy” các dạng cân bằng thị giác như: thăng bằng về diện tích, màu nóng lạnh, màu tươi tái, về độ đậm nhạt; về độ lớn nhỏ, cao thấp; về độ dài, ngắn, khối lớn nhỏ; nặng nhẹ và cả trạng thái cân bằng trong cảm giác về chất liệu (nhám sần, thô, mịn, láng bóng, trong đục, nặng nhẹ tạo ra).

Có bốn điều quan trọng mà người sáng tác phải nhớ khi tìm các giải pháp để tạo nên cảm giác về thăng bằng hay cân bằng thị giác là:

Một là sự cân bằng trong mỹ thuật thực chất là trạng thái thăng bằng động, là thăng bằng ảo (không kể điêu khắc) như đã nói ở trên chứ không phải là trạng thái cân bằng vật lý (cốt dựa vào sức nặng vật lý được xác định bằng công cụ đo đếm trọng lượng là cái cân).

Về mặt lý luận thị giác nếu cân bằng như cái cân thì không hợp với nguyên lý mâu thuẫn và tinh thần của hệ thống chủ đạo. Điều này nếu chúng ta chịu khó nghiên ngẫm cũng thấy rõ.

Trong khi học các bài trang trí cơ bản về mặt phẳng hai chiều như trang trí hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn. Các loại hình này luôn luôn có trục, trọng tâm, điểm nhấn ngay chính giữa. Như vậy, nếu xét về thăng bằng hay cân bằng thị giác thì nó là loại rất tĩnh chứ không động chút nào.

Nhưng ngược lại thì yêu cầu cua bài học là phải sáng tạo, bố trí các họa tiết, màu sắc, đường nét làm sao cho có cảm giác về sự chuyển động từ trong ra ngoài (ly tâm), từ ngoài vào trong (hướng tâm) hoặc xoáy trôn ốc.

Như vậy trong lúc đi tìm thực hiện các giải pháp về thăng bằng động, thăng bằng ảo, người thực hành bắt buộc phải tạo cho được cảm giác về cái Động ngay trên cấu trúc tĩnh.

Để có được những cảm giác chuyển động: ly tâm, hướng tâm, và xoáy trôn ốc đòi hỏi các yếu tố thị giác phải được bố trí theo những trật tự thị giác riêng.

Hai là sự thăng bằng hay cân bằng thị giác cũng dựa trên ba nguyên lý về sự vận động và chuyển động nói trên: ly tâm hướng tâm và xoáy trôn ốc.

Sự thăng bằng thông thường được xác lập trên hai yếu tố thị giác là “đường trục” của không gian, của vật thể hay một nhóm vật thể: tiếp là “điểm thăng bằng”. Ngoài các yếu tố cơ bản tác động đến sự cân bằng thị giác bao gồm trọng lượng thị giác và chiều hướng của yếu tố thị giác.

Như chúng ta biết là trọng lượng thị giác chính là cường độ của lực thị giác (do các yếu tố thị giác tạo ra độ mạnh yếu còn gọi là yếu tố tạo hình) gây ra trong mối tương quan, so sánh trong các chiều hướng khác nhau của hình thể, hình khối cũng như không gian cụ thể đang chứa đựng chúng.

Ba là sự cân bằng này phải xác lậ sau khi đã nghiền ngẫm phân tích để xác lập trên một trật tự cơ bản, đó là hệ thống chủ đạo (màu chủ đạo, chủ sắc, đường nét chủ đạo, chất liệu chủ đạo, khối chủ đạo) và đặt nền tảng trên cơ sở các hệ thống này.

Bốn là sự cân bằng này phải xác lập trên cơ sở hai nguyên lý: hòa hợp trong đa dạng và đặc biệt là nguyên lý tương phản. Thí dụ phương châm khi hòa hợp màu sắc là:

- Trước tiên phải xác định tinh thần chính của tác phẩm… ngay sau đó là xác định màu chủ đạo, chủ sắc thích hợp.

- Không bao giờ để cho hai màu tương phản có diện tích hay cường độ, sắc độ bằng nhau.

f. Các hình thức bố cục để tạo sự cân bằng:

* Các nguyên lý bố cục có khả năng khêu gợi sự thăng bằng, đó là ứng dụng các nguyên lý như: xoáy trôn ốc, ly tâm và hướng tâm được ứng dụng khi theo các sơ đồ hình bầu dục, hình vuông, hình chóp hình tam giác và hình vuông, hình chữ nhật.

Ngoài các sơ đồ bố cục nói trên các giải pháp cơ bản sau đây thường được các họa sỹ, nhà thiết kế sử dụng để xác lập sự thăng bằng trong tổng thể không gian phẳng dùng để diễn tả nội dung, trình bày các nhóm hình thức của tác phẩm:

- Rải rác, phân bố màu, ánh sáng hay độ dậm theo hình tam giác, hình chóp (đỉnh ở trên), hình vuông, hình chữ nhật, hình bầu dục… Cũng có thể phân bố ánh sáng theo dạng bố cục nhiếp ảnh như: hình chữ C, L, I, Y.

- Tạo thêm đường nét có tính chất tĩnh (đường thẳng nằm ngang hay thẳng đứng) trong tình huống trong tác phẩm hiện có nhiều nét cong, xiên, gãy gây sự xao động thiếu cảm giác về sự thăng bằng).

- Tạo nên một số đường nét ẩn bằng các phân bố có tính ngắt đoạn (lúc ẩn lúc hiện, không liên tục làm cho người xem khó phát hiện). Những nét này có vai trò nối kết bố cục thành thế vững chãi và dẫn mắt tốt.

g. Hướng thăng bằng hay hướng thuận mắt:

Thông thường theo tập quán nhìn ngắm thì con mắt chúng ta thường bắt đầu thực hiện cái “thao tác nhìn” bắt đầu từ bên trái và di chuyển sang bên phải. Nó được coi là “tập quán” quan sát ngắm nhìn. Cách bố trí nào tạo sự thay đổi bất thường tập quán ngắm nhìn này sẽ gợi lên cảm giác về sự “nghịch mắt” không thuận và kéo theo sự mất thăng bằng và gợi cảm giác về “sức nặng” sẽ gây sự khó chịu.

Khi sáng tác mà quan tâm đến điều này để tránh cũng là điều cần thiết. Thí dụ bố trí các yếu tố thị giác có chiều hướng dẫn mắt người xem “chạy ra” ngoài tấm tranh mà không dẫn vào trọng tâm hay “điểm nhấn”.

Từ thí dụ cho thấy hướng thăng bằng là chiều hướng hữu hình hay vô hình có tác dụng dẫn dắt thị giác người xem đi từ các góc tranh vào trung tâm và vị trí của “điểm nhấn” ở khu vực trung tâm bức tranh (không cần ở chính giữa).

h. Trọng lượng thị giác giúp cho sự thăng bằng:

Trọng lượng thị giác hay sức nặng thị giác là ảo giác về độ nặng nhẹ do sự đo lường trên cơ sở cảm nhận, cảm giác. Nó không liên quan đến trọng lượng vật lý, nghĩa là nó không có thật về cảm nhận vật lý mà “sự cảm thấy” chủ yếu là do “hình thái cảm nhận” bằng con mắt khi nhìn ngắm khối lượng vật chất thuần vật lý tạo ra. Và đặc biệt là trọng lượng thị giác luôn đi liền với sức hút thị giác.

Trọng lượng thị giác xuất hiện theo những điều kiện và theo hai tình huống tốt và không tốt làm ảnh hưởng đến sự thăng bằng trong tranh như sau:

Tình huống thứ nhất: Các yếu tố thị giác có đủ độ lớn, độ đậm hợp lý về khối lượng và mật độ. Trọng lượng này xuất hiện mà bố cục vẫn có sự thăng bằng: không lệch về bên này hay nặng nề về bên kia. Nghĩa là các nhóm hình thức có sự bố trí gần trung tâm không gian tác phẩm (không sát mép trái, phải hay trên hoặc dưới cạnh tác phẩm, tránh gây cảm giác dường như có một số bộ phận có khuynh hướng chạy ra ngoài). Đây là tình huống tốt.

Tình huống thứ hai:Trọng lượng thị giác xuất hiện do hiệu quả của sự bố trí các yếu tố thị giác bị xa tâm, lệch trục; gây ảo giác nặng nề về bên này hay bên kia, hoặc cảm thấy vật được bố trí đường như chạy vượt ra mép tác phẩm. Đây là tình trạng không tốt. Nói chung là cả hai tình huống nói trên về cơ bản trọng lượng thị giác tồn tại do những yếu tố sau:

Một là hình, mảng có độ lớn, độ đậm, độ tối, tính chất nóng lạnh hoặc cường độ quá đáng so với các bộ phận ở hướng đối trọng.

Hai là hình, mảng, đường nét mạnh có chiều hướng kéo thị giác vươn ra không gian bên ngoài khung tác phẩm.

i. Sức hút thị giác có tác động đến sự thăng bằng trong tác phẩm:

Sức hút thị giác là cảm giác có thật về sự lôi cuốn thị giác mà các yếu tố hay tín hiệu thị giác tạo ra tác động trên con mắt người nhìn ngắm nó.

Sức hút này lôi kéo, cuốn hút sự chú ý của người xem một cách thực sự, bắt buộc người xem cảm thấy không thể rời mắt khỏi đói tượng ấy, trên thực tế sức hút thị giác cũng có hai tình huống như sau:

Thứ nhất thu hút thị giác trên cơ sở có vị trí, phương vị ổn định.

Thứ hai thu hút thị giác chạy ra ngoài khu vực, vị trí tốt có khả năng tạo thế thăng bằng trong tác phẩm.

Cả hai tình huống đều là hiệu quả của cách bố cục các yếu tố hình thức như sau:

- Có nhóm chính phụ rõ ràng;

- Có mật độ đúng mức (có khi quá đáng, do cường điệu;

- Có vị trí hợp lý (có khi đúng với các quy định của tỷ lệ vàng);

- Có các yếu tố thị giác được phân bố gợi nên chiều hướng hợp lý.

Nói chung, nếu chúng ta làm ngược lại những điều nói trên là gián tiếp tạo nên sự mất thăng bằng trong bố cục tác phẩm. Khi ấy sức hút bị kéo lệch làm phân tán thị giác, tạo nên cảm giác về sự lệch đổ.

j. Sự đăng đối và bất đăng đối:

H. Weyl đã phát biểu trong quyển “Đối xứng” như sau: Theo tôi, mọi khẳng định apriori của vật lý học đều bắt nguồn từ đối xứng. Bác học Einstein cũng nói rằng “Đối xứng quyết định dạng tương tác”.

Chính vì đối xứng, đăng đối là sự tương tác, liên hệ giữa các yếu tố thị giác vị trí thẳng hàng thông qua trục nhưng sự tương tác này ở dạng tĩnh. Bởi bản thân cấu trúc của nó lệ thuộc vào một lúc hai yếu tố là “trục” và “sự đăng đối thẳng hàng qua trục”. Cho nên, nó tạo nên trạng thái thăng bằng tĩnh.

Khi mà sự đối xứng, sự đăng đối có trục mà “không thẳng hàng qua trục” thì trạng thái tĩnh trở thành “động” hơn và người ta gọi tình huống này là bất đăng đối, tương ứng với sự cân bằng động.

Quan sát cấu trúc những chiếc lá cây, chúng ta nhận thấy gân lá thường hình thành theo hai dạng: đăng đối và bất đăng đối.

Chúng ta có thể hình dung sự đăng đối như là một vật được đặt trên mặt gương và bóng in của nó xuống nền gương.

Dù là đăng đối hay bất đăng đối thì nó cũng hiện hữu thông qua một đường trục này có thể ở trạng thái đứng hay nằm cũng được, thậm chí là trục xiên trong lĩnh vực kiến trúc.

Cảm giác về sự thăng bằng trong tranh cũng thường được hình thành tỏng quá trình dài xử lý, bố trí họa tiết kiểu đăng đối này. Đặc biệt là trong mỹ thuật cũng không thích bố trí theo kiểu đăng đối mà là thích theo dạng bất đăng đối. Cảm giác về thăng bằng động sẽ được hình thành khi chúng ta tước bỏ cái trục trong khi bố trí các yếu tố thị giác theo dạng bất đăng đối.

Nói chung nguyên lý thứ ba này cũng xác định sự thăng bằng trên cơ sở nguyên lý tương pnanr, nghĩa là tránh sự đồng đều tạo nên trạng thái thăng bằng tĩnh, mà phải quan tâm sử dụng thăng bằng đọng. Nói cách khac slaf phải gắn liền sự thăng bằng với trạng thái động.

Như vậy nguyên lý về thăng bằng vốn được thiết lập và chia theo các dạng sau đây: thăng bằng đăng đối, đối xứng; thăng bằng bất đối xứng, không đăng đối; thăng bằng do sự xòe tròn, bung tỏa, tỏa tròn.

Qua phân tích về các yêu cầu và hình thái của cân bằng và thăng bằng chúng ta nhận thức ra rằng mọi bố cục thị giác dù là hai hay ba chiều thì sự vững chãi, thăng bằng, không lệch đổ là rất cần thiết. Trong thực hành để tạo nên sự thăng bằng trong bố cục người ta thường phân bố, rải rác các yếu tố thị giác theo dạng hình chóp hay tam giác. Thường là dạng tam giác không cân, vuông góc hay hình chóp chứ không chọn tam giác cân. Bởi lẽ, tam giác cân thường dẫn tới thăng bằng tĩnh.

Nói chung trong thực tế ứng dụng thì để gây cảm giác về thăng bằng trong tác phẩm thì chúng ta nên quan tâm xử lý các tình huống có tác động đến sự thay đổi về tương quan như sau:

* Di chuyển vị trí yếu tố thị giác, yếu tố hình thức dựa vào tâm và trục tác phẩm hay trục thăng bằng (thăng bằng thị giác hoặc vật lý).

* Giảm hay tăng diện tích, khối lượng (diện tích hay khối) ở một phía nào đó (cho tác phẩm 2 chiều, 3 chiều hoặc môi trường).

* Thêm hay bớt những mảng không gian tĩnh hay động (làm cho không gian tĩnh hơn hay tăng cảm giác động ở một vài vị trí thích hợp).

* Giảm hay tăng trọng lượng (nếu là tác phẩm điêu khắc, kiến trúc hay tạo dáng thủ công lẫn công nghiệp).

* Hoán đổi vị trí hay tính chất của sắc độ, cường độ, nóng lạnh của màu (biến đậm thành nhạt, nhạt thành đậm, nóng thành lạnh, lạnh thành nóng, tươi thành tái hay ngược lại…).

* Giảm hay tăng mật độ của các yếu tố thị giác (bố trí khít lại hay kéo thưa ra).

* Thay đổi chiều hướng của các yếu tố thị giác.

* Thêm hay bớt loại đường nét có tính chất tĩnh hay động vào vị trí thích hợp.

* Rải rác thêm một số chi tiết hay màu (nên rải theo hệ thống hình chóp).

Để làm bớt vẻ thăng bằng nhưng quá tĩnh, khô cứng của bố cục thì nên quan tâm thực hiện các yêu cầu sau đây:

* Làm mất đi cảm giác về sự xuất hiện của đường trục hay tâm (không phải bỏ nhưng mà kéo lệch đi chút ít, làm cho nó dường như trở thành vô hình).

* Làm mất đi sự đối xứng hay làm biến thái sự đối xứng thành bất đối xứng nhưng mà lại vẫn thăng bằng.

* Thêm nhiều khu vực có vẻ “chấm phá” hay có vẻ “dối hay nhòe” để tạo nên cảm giác “thoát” hơn, vẽ dạng chấm phá, vẽ đối hay vẽ nhòe đều là sự cố ý của tác giả.

Ghi chú: Trong bố cục mà chúng ta áp dụng sự bố trí đăng đối hay đối xứng thì chưa hẳn đã thăng bằng bởi lẽ, cảm giác thăng bằng không nhất thiết phải tạo sự đối xứng, đăng đối hình thức; Sự thăng bằng thị giác chủ yếu là cảm giác về sự thăng bằng mà không cần có sự hiện diện của đường trục. Đó là loại thăng bằng ảo, thăng bằng động; Có được cảm giác, trực giác bén nhạy về thăng bằng động là yêu cầu rèn luyện của người làm nghệ thuật thị giác; Sự xiêu vẹo trong hình thể chưa thể tạo nên sự mất thăng bằng mà sự xiêu vẹo về bố cục mới tạo nên trạng thái mất thăng bằng.

Các hình thái cân bằng

thi giac 4

thi giac 5

Sự cân bằng, đối xứng qua trục

Cân bằng trong tranh là cân bằng thị giác: Có nhiều hình thái cân bằng (Cân bằng tuyệt đối – Hình 1) gây cảm giác tĩnh. Còn cân bằng có biến hóa thì không xác lập trên cơ sở tuyệt đối ngang nhau, chính vì vậy mà nó có vẻ động hơn.

thi giac 6

Minh họa về sự đăng đối và thăng bằng

thi giac 7

thi giac 8

Cách tạo sự thăng bằng trong tranh
(Bằng cách gia giảm diện tích và độ đậm hay thay đổi chiều hướng của các yếu tố thị giác)

thi giac 9
Tạo thăng bằng bằng cách khoét thủng, bỏ bớt diện tích

thi giac 10

thi giac 11
Cách bố cục tạo nên sự chuyển động chặt chẽ

thi giac 12

thi giac 14

4. Nguyên lý về sự tương quan tỷ lệ và sự cân đối:

a. Cân đối là gì?

Trước hết xác định rằng sự cân đối hay còn gọi là tương xứng khác hẳn nghĩa của sự đăng đối, sự cân bằng hoặc thăng bằng. Thuật ngữ này có mấy ý nghĩa: sự tương quan tốt, được gọi là sự cân đối, tỷ lệ thức, tầm vóc, kích cỡ.

Thuật ngữ bao hàm sự cân đối bao hàm ý nghĩa của sự tương quan so sánh nhiều mối quan hệ trong ngôn ngữ thị giác. Ở đây chúng ta nên quan tâm đến khái niệm so sánh về tương quan tỷ lệ và chúng ta có thuật ngữ “tỷ lệ” luôn đi đôi với khái niệm cân đối. Thí dụ một người không cân đối giữa chiều cao và trọng lượng thường biểu hiện ở hai dạng:

- Thứ nhất là thiếu trọng lượng so với chiều cao;

- Thứ hai là thiếu chiều cao so với trọng lượng;

- Một hình chữ nhật không cân đối là tương quan tỷ lệ của chiều cao không tương xứng với chiều rộng;

- Một cơ thể con người được coi là mất cân đối khi chiều cao từ đầu đến mông dài hơn từ mông đến gót chân; đầu nhỏ hay to so với thân, miệng rộng, mũi to so với khuôn mặt…

Một cơ thể có tương quan tỷ lệ tốt, lý tưởng vì hợp với tiêu chuẩn của Tỷ lệ vàng là cơ thể có chiều cao từ rốn xuống gót chân bằng 16 và từ rốn trở lên đỉnh đầu bằng 10. Như vậy, tương quan tỷ lệ của hai chiều từ trên đỉnh đầu xuông gót chân từ trên đỉnh đầu xuống gót chân tương ứng với tỷ lệ là 10/16 hay 1/1, 618.

b. Cơ sở nào để thẩm định sự cân đối?

Câu hỏi này đã được đặt ra từ xa xưa, mà nhà kiến trúc Cổ La Mã là Auguste Vitruvio sinh năm 63 trước Công Nguyên, người mà dân La Mã coi như là vị thần sau khi chết. Ông ta đã nghiên cứu và định nghĩa về thẩm mỹ.

Ông nghiên cứu bằng cách tìm mọi giải pháp để chia một đonạ thẳng ra làm hai phần mà tương quan của mỗi phần là con số lý tưởng so với tổng chiều dài và giữa các đoạn với nhau. Sau cùng ông đã tìm ra con số thể hiện tỷ lệ tương quan lý tưởng nhất, được gọi là Tỷ lệ Vàng. Con số đó thể hiện trên phân số 1/1,618, gọi gọn là 1/1,6 (hay 10/16). Theo tài liệu thì chiều dài đoạn thẳng mà Vitruvio đã chia là 8cm. Sau khi cân nhắc, tính toán thật kỹ, ông dã chia đoạn thẳng đó ra làm hai phần có kích thước là 3m và 5cm và sự tính toán tỷ lệ tương quan được rút ra là: 5/8 = 1,618 và 3/5 cũng là 1/1,618. Từ đó vấn đề quan trọng là vấn đề tỷ lệ tương quan chuẩn.

Do vậy muốn thực hành phân chia bất kỳ đường thẳng hay diện tích nào cũng phải bám sát sự tương quan này. Nói một cách đơn giản là muốn chia bất cứ đoạn thẳng nào để có tỷ lệ lý tưởng nhất thì hãy chia tổng chiều dài của nó ra làm 26 phần bằng nhau. Kế đó lấy môt đoạn có 16 phần và một đoạn có 10 phần, tỷ lệ 16/26 cho ra phân số tương đương 1/1,6 và tỷ lệ 10/16 cũng cho ra phân số 1/1,6. Về cách phân chia diện tích cũng tính theo quy luật tương quan này.

Từ đó, sự ứng dụng tương quan lý tưởng này mà các công trình kiến trúc tuyệt vời cổ Hy Lạp ra đời, điển hình là Điện Parthenon trong đó có các tỷ lệ cân đối của các thức cột Tuscan Doric, Ionic, Corinthian và Composite…

Tỷ lệ lý tưởng này còn ứng dụng khi sáng tạo ra thập tự giá, các bình gốm cổ và coi đó là tiêu chuẩn để thẩm định các sự sáng tạo thị giác khác trong đó tỷ lệ nhân hình.

Sau này, vào năm 1463 sau Công Nguyên, áp dụng tỷ lệ lý tưởng trong kiến trúc này mà một nhà in vừa là nhà học giả người Ý tên là Felice Feliciano đã sáng tạo ra các kiểu mẫu tự hoa nổi tiếng của thế giới. Đó tên là “Kiểu mẫu tự La Mã”. Nói về sự tương quan tỷ lệ, nhà toán học Pythagore cũng có ý kiến như sau: “Mọi vật được sắp xếp tùy theo các con số tỷ lệ”. Những châm ngôn về con số tỷ lệ mà nhà toán học Pythagore đã phát biểu nói về yêu cầu phải tìm cho được sự tương quan tốt, sự cân đối tốt. Nó được coi như là những yếu tố cơ bản trong sự hòa hợp của vũ trụ.

Vào thời kỳ Phục Hưng, họa sỹ Leonard de Vinci cũng đã nghiên cứu khá sâu về Tỷ lệ vàng trên cơ thể con người và xác lập một tỷ lệ lý tưởng để xây dựng hình tượng con người có sự cân đối hoàn mỹ. Từ thuật ngữ “Tỷ lệ Vàng
 này, sau đó đã đẻ ra các thuật ngữ kế tiếp là “Khu vực Vàng”, “Sắc giai Vàng”.

- Khu vực Vàng nghĩa là vị trí, vùng cân đối lý tưởng nhất trong diện tích bố cục, nơi tốt nhất đặt nhóm chính, trọng tâm, điểm nhấn của tác phẩm.

- Còn “Sắc giai Vàng” chính là con số về sự tương quan lý tưởng khi chọn lựa tỷ lệ tương quan về diện tích của các độ đậm nhạt của màu sắc.

Chú ý: Từ trong bản thân nguyên lý đầu tiên cho đến các nguyên lý sau cũng đều không chấp nhận mọi sự chia đều, dàn đều về tất cả các yếu tố thị giác, bởi vì đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự đơn điệu.

c. Cách phân chia, tìm các diện tích không gian có sự tương quan vị trí và sự lớn nhỏ tốt:

Thực hiện việc phân chia, tìm ra vị trí để bố trí điểm nhấn, tạo sự tương quan cân đối mọi mặt của các yếu tố hình thức trong từng khu vực của không gian tác phẩm, người ta thường áp dụng các biện pháp sau đây:

- Chia theo quy tắc 1/1, 6 của Tỷ lệ Vàng, để tìm điểm tốt.

- Chia theo quy tắc chia đều làm ba: tỷ lệ 2/3 (gần giống tỷ lệ vàng).

d. Một tác phẩm nghệ thuật thị giác được gọi là có cách bố cục ứng dụng tốt và không tốt nguyên lý về sự cân đối là gì?

Một tác phẩm nghệ thuật thị giác được gọi là có ứng dụng nguyên lý về sự cân đối nghĩa là phải đáp ứng tối thiểu các mối tương quan sau đây:

Chiều dài và rộng vật lý tạo nên diện tích không gian của tác phẩm có sự tương quan tốt (dựa trên tỷ lệ vàng). Một tượng đài phải có sự cân đối giữa chiều cao, độ lớn của bục so với tổng khối lượng hình khối pho tượng. Điều này thể hiện tương quan tỷ lệ tốt. Một tác phẩm bonsai không thể có bể nước quá lớn, quá dày hay cao bất cân đối về tỷ lệ với cây cảnh hay chiều cao của núi. Độ lớn của lá cây trên núi nếu quá to sẽ làm mất cân đối so với chiều cao của núi, của người (nếu có).

Các khoảng trống trong tác phẩm đồ họa quá lớn sẽ bất cân đối với tổng diện tích các khoảng có hình, thể hiện sự mất cân đối tương quan tỷ lệ không tốt. Do đó, hai diện tích này phải có sự tương quan tốt (nếu không có sự chủ ý xuất phát từ yêu cầu nội dung và ý tưởng).

Nội thất một căn phòng đẹp nếu chiều cao từ sàn đến trần có tỷ lệ tương quan hợp lý so với chiều rộng. Nếu chiều cao từ sàn đến trần quá cao so với bề rộng của nó là mất cân đối, biểu hiện tương quan tỷ lệ không tốt giữa hai chiều nói trên. Một thân thể pho tượng không đẹp nếu lưng quá dài so với tương quan chiều cao toàn thân và so với chiều cao của chân hay tay…

Một chiếc bình hoa không đẹp nếu các bộ phận đều có khoảng cách bằng nhau, tạo nên sự đơn điều trong kiểu dáng. Thí dụ chiều cao bằng hai lần đường kính. Đường kính của miệng bình lại bằng đường kính của phần bụng của bình (phần to nhất) hoặc là không có sự cân đối giữa các phần, không biết chính, phụ chỗ nào, điểm nhấn ở đâu.

Sự chia đều về diện tích, khoảng cách, tương quan giữa các độ nóng lạnh, tươi tái, đậm nhạt đều là nguyên nhân dẫn đến sự đơn điêu. Một khu vườn chắc chắn là sẽ không đẹp nếu diện tích bị chia đều cho các khu cây trồng, cho các khoảng lồi lõm, các màu sắc của cây, lá hoa, nghĩa là ở đó không có ứng dụng khai niệm về phân bố theo tương quan tỷ lệ tốt, không có loại cây chủ đạo, không có khoảng lồi hay lõm chủ đạo, không xác định khoảng trống hay khoảng có cây cối là chủ đạo; không có màu sắc, chất liệu chủ đạo (sỏi, đá, gỗ, đất, cái, nước…), không có Trọng tâm hay Điểm nhấn.

Hơn nữa, mỗi loại cây đều có “cái tướng” riêng của nó do thế dáng, tàng lá dày mỏng, nặng nhẹ, xuyên sáng hay dày đặc và màu sắc của lá tạo ra. Do đó, nếu các loại cây có “tướng” lộn xộn, trồng xen vào nhau sẽ làm mất thẩm mỹ.

Một mặt tiền kiến trúc không đẹp nếu các khoảng âm dương lồi hay lõm làm chủ hay các cảm giác về chất không có sự cân đối, tương quan về tỷ lệ tốt về diện tích, không có điểm nhấn.

Một bộ y phục không đẹp nếu không có sự tương quan tỷ lệ tốt giữa các chiều, giữa các diện tích về màu, về chất được xác lập trên hệ thống chủ đạo.

Một cách xử lý đầu tóc đẹp là không để cho hình khối của tóc mất tỷ lệ cân đối với chiều cao của toàn thân, của đầu.

Tóm lại, một bố cục đẹp, hợp lý là phải tạo được sự cân đối ở mọi lĩnh vực, trên cơ sở sự tương quan tổng thể với hình thức vật lý. Từ nguyên lý này, các cách bố cục hình thức thị giác sẽ dựa vào đấy mà thực hành.

>>> Phân tích các nguyên lý thị giác (Phần 1)

>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)

>>> Khối trong yếu tố thị giác

0976984729