Hình trong yếu tố thị giác (Phần 2)

10. Một số định nghĩa về hình và hình vẽ:

Hình với ý nghĩa là “hình vẽ” là một trong những yếu tố thị giác cực kỳ quan trọng. Nó còn được gọi là những yếu tố tạo hình. Hình vẽ là sản phẩm của tài năng sáng tạo nghệ thuật thị giác. Nó là nền tảng để xây dựng, phối hợp, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật thị giác. Trong cuộc đời sáng tạo của nghệ sỹ mỹ thuật thì “hình” như là phương tiện thể hiện cảm xúc, cách nhìn, tài năng. Vì lẽ ấy mà nhiều nghệ sỹ bậc thầy có nhiều câu nói hay về hình.

- Theo toán học thì “Hình là đặc điểm cơ bản của mặt phẳng (mặt phẳng có hình). Nó được mô tả hay khép kín bởi các đường viền căn cứ theo cấu trúc, hình dạng chiều hướng nào đó của hình khối hay diện với sự biểu hiện thích hợp của những nét vẽ, đường nét thành các cạnh, góc theo quy ước. Dựa vào hình toán học các nghệ sỹ thị giác, các kiến trúc sư, nhà thiết kế sáng tạo ra những tác phẩm với sự khai thác hình theo dạng kỷ hà theo ý tưởng tạo hình riêng…làm cho người xem nhìn thấy, hình dung hình dáng, khối mảng của mặt phẳng hay khối, trong không gian hai hay ba chiều tùy theo sự nhìn ngắm, phân tích, diễn tả của chuyên gia từng chuyên ngành.

Từ những đặc điểm của hình theo dạng hình học và những khả năng của nó, giới mỹ thuật chúng ta có nhận thức về hình dạng của một mặt phẳng hay khối dưới vai trò là vật thể, đối tượng được nhìn ngắm, quan sát, phân tích, vẽ lại tạo hình, tạo dáng, tạo khối theo cách nhìn họa sỹ hoặc nhà điêu khắc để tạo ra hình theo dạng hai chiều, ba chiều. Lúc này hình của diện, của mảng hay của khối đều là nền tảng của hội họa, điêu khắc…

Để xác định được rõ, “hình của diện” thì điều cơ bản là chúng ta phải có: tầm nhìn, góc nhìn và tính ổn định khi nhìn, độ lớn trông thấy (tùy theo cách nhìn), tương quan tỷ lệ, vị trí trong không gian, độ phản chiếu của ánh sáng và khả năng cảm nhận của người nhìn theo sự tác động của viễn cận.

Trường hợp đối tượng là vật thể khối thì chúng ta có thuật ngữ “hình của khối”. Nó cũng xuất hiện theo cách nhìn vật lý của người nhìn vẽ tùy thuộc vào thế dáng, chiều hướng cụ thể của đối tượng hình khối được đặt trong không gian.

Những phát biểu nói trên của các chuyên gia là khái niệm về hình trong toán học và trong tự nhiên. Còn trong lĩnh vực mỹ thuật thì chúng ta có rất nhiều định nghĩa. Sau đây là ý kiến của các bậc thầy về hội họa về hình:

* Chúng ta biết rằng hình vẽ là nền tảng của hội họa. Trước hết, chúng ta hãy nghe họa sỹ bậc thầy thời Phục Hưng là Leonard de Vinci đã định nghĩa hình vẽ theo dạng thức rất cơ bản như sau: “Hình vẽ là sự diễn tả một vật thể trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều”. Ở đây, ông đã cố ý nói đến vai trò của luật phối cảnh trong việc tạo ra chiều thứ ba, tức là chiều sâu. Chính ông chứ không phải ai khác đã đúc kết thành công về lý thuyết hình học không gian ba chiều. Đó là luật phối cảnh, luật xa gần hay còn gọi là luật viễn cận.

* Họa sỹ Ingre, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Paris – Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp, bậc thầy của hội họa Pháp thế kỷ thứ 19 đã khẳng định về hình vẽ như sau: “Trước hết phải hiểu hình vẽ như là sự loại trừ màu sắc. Nó là sự chân thật của nghệ thuật. Hình vẽ là nghệ thuật trình bày, diễn tả hình dáng, dáng dấp của đối tượng”. Là một người giỏi về hình, ông cho rằng trong mỹ thuật thì hình vẽ giữ vai trò quan trọng hơn màu sắc.

* Henri Léfebure – người đã viết quyển “Hội họa của hiện thực” trong phần nói về hình vẽ, ông đã phát biểu rất chi tiết như sau: “Hình vẽ được coi như là sự nhìn thấy toàn bộ vạn vật vũ trụ. Đó là những hình thể, những dáng dấp, hình khối được họa sỹ sử dụng để vẽ, để sáng tạo, diễn tả bằng cách nghiên cứu, phân tích và diễn đạt thông qua sự phối hợp các khoảng ánh sáng, vùng tối và các sắc độ trung gian”.

Hình vẽ bao hàm cả sự biểu lộ tính khí riêng (cá tính, cảm xúc, thị hiếu, cách nhìn) của nghệ sỹ. Bởi vì bên trong nó (hình vẽ) vốn tiềm ẩn năng lực kỳ lạ và tuyệt diệu của chủ thể tạo ra nó. Với năng lực này, thông qua một số chất liệu, công cụ nào đó chủ thể sáng tạo đã sử dụng những yếu tố thị giác: đường nét, màu mảng để sáng tạo nên những kiểu mẫu, những hình tượng nhằm phản ánh về thế giới được nhìn thấy, có thể nhìn thấy hoặc cảm thấy với mục đích phơi bày, diễn tả trên giấy, những hình ảnh kỳ diệu của thế giới vạn vật. Đây là một trong những đặc quyền về tài năng của con người bởi vì, ở đấy (hình vẽ) hội tụ cả thế giới về vũ trụ và những tiểu vũ trụ (ý nói về con người, tác giả được coi là tiểu vũ trụ). Sự hoàn tất hình vẽ có thể coi như là kết thúc sự phản ánh về thế giới mà chủ thể sáng tạo nhìn thấy với chính bản chất của nó, nghĩa là nó có khả năng khám phá đối tượng và diễn tả nó bằng hình vẽ, hình tượng nghệ thuật”.

Hình vẽ không phải là sự bắt chước đơn giản, một sự sao chép máy móc, giống y như mẫu vẽ mà nó bao hàm cả sự nhận thức, sự hiểu biết mang đầy đủ tính chất của trí tuệ”.

Hình vẽ là sự diễn tả cảm xúc có khả năng tác động đến lý trí. Nó gợi cho chúng ta nhìn thấy ở đó sự thực bên ngoài lẫn bên trong của đối tượng (qua tài năng nghiên cứu phát hiện của nghệ sỹ). Ngoài ra còn thể hiện được chiều sâu, cá tính của người vẽ. Chính từ sự diễn tả, truyền đạt ấy mà hình vẽ có khả năng tạo cho chúng ta một sự rung cảm ngay từ phút đầu nhìn ngắm nó”.

* Degas – một họa sỹ phái Ấn tượng chuyên gia vẽ phấn tiên (pastel) chuyên vẽ đề tài về các vũ công, đã nói: “Hình vẽ không phải là hình thể của đối tượng mà chính là cách nhìn của bạn đối với đối tượng ấy”. Qua định nghĩa này Degas muốn đề cập đến yếu tố mang tính độc đáo về cá tính, quan niệm về tạo hình và thị hiếu thẩm mỹ riêng của mỗi họa sỹ được diễn tả bên trong hình vẽ.

Nói về cách nhìn, chúng ta cần quan tâm đến hai hướng: cách nhìn vật lý (về góc độ khoa học vật lý) và cách nhìn về tâm lý (về góc độ tâm sinh lý, lịch sử cá nhân, tâm trạng cá tính của mỗi con người). Ví dụ, hình tượng trong tác phẩm của họa sỹ Egon Schiele và hình vẽ của các nghệ sỹ theo khuynh hướng biến hình hay nghệ sỹ phái biểu hiện. Lúc này hình vẽ, hình tượng nghệ thuật mang dấu ấn chủ quan.

Cách nhìn của người vẽ bao gồm: khoảng cách, góc nhìn, tầm nhìn hay tầm mắt. Cách nhìn thể hiện trình độ chuyên môn, thị hiếu thẩm mỹ. Sự ổn định thị giác của người vẽ (thần kinh ổn định sẽ giúp chúng ta có sức mạnh vừa phải để suy nghĩ, quan sát sâu).

Trên thực tế cũng có khi chúng ta gặp phải những hình không rõ nghĩa, tối nghĩa. Điều này phản ánh cái riêng, tâm trạng của người vẽ. Cũng có khi hình chính là bóng đổ của một hình hay hình khối có thật nào đó do ánh sáng tác động vào. Tình huống này hình và bóng được thể hiện hòa quyện vào nhau theo chủ ý nào đó.

Cũng theo họa sỹ Léonard de Vinci thì: “Hình vẽ là vật sở hữu trí tuệ”, ý nói vẽ là thể hiện sự tư duy, động não.

* Họa sỹ Tintoret thì cũng đề cao sự tư duy để có hình vẽ mà nói rằng: “Hình vẽ thoát thai từ kho tàng của trí tuệ”, ý nói về sự tưởng tượng, lý trí...

Cả hai định nghĩa của Vinci và Tintoret đều đặt vấn đề trí tuệ, sự thông minh, sự chín chắn, sự gạn lọc trong tinh tế, có suy nghĩ của họa sỹ trong quá trình tạo nên hình vẽ.

* Họa sỹ Cézane đã không trực tiếp định nghĩa về hình vẽ mà nêu ra các yêu cầu về tư duy trong khi vẽ để cho thấy một số tính chất của hình vẽ như sau: “Vẽ không phải là sao chép đối tượng một cách nô lệ, hèn hạ mà là nhận định ở nó sự hòa hợp giữa nhiều tương quan là khai triển những tương quan ấy theo một định ý nào đó”. Ở đây, Cézane cũng cho thấy tính chất trí tuệ, óc sáng tạo của họa sỹ khi vẽ.

Trên đây là một số quan niệm của họa sỹ về hình vẽ có tính học thuật nhưng nó vẫn là dạng hình vẽ nói chung. Chúng ta cần nhận diện sự xuất hiện của hình vẽ trong các lĩnh vực.

11. Sự tham gia của hình và hình vẽ trong các lĩnh vực:

a. Hình trong lĩnh vực toán học:

Hình trong toán học còn gọi là những hình kỷ hà. Nó là những hình có tính chất quy ước, hình có thể kể, đọc tên được như: hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang.

Ngoài ra còn có loại hình không có cấu trúc: cạnh góc theo quy ước, hình không giống bất kỳ hình nào trong hình kỷ hà. Do đó không thể gọi tên được ho nên nó là “Hình vô hình”, dạng trừu tượng. Đây “hình không quy ước”.

Loại hình này chúng ta dễ gặp trong thiên nhiên dưới nhiều dạng đối tượng như: đám mây, tảng lá cây, vết dầu loang hay những hình gần giống như mảng mà chúng ta có được khi thực hành việc phân chia và đơn giản các độ bóng trên một ảnh chân dung để sử dụng nó thể hiện trong các poster, tranh thêu.

Trong trường hợp hình là các mảng có được do sự phân chia, đơn giản các mảng bóng sáng tối trên ảnh thì người ta gọi là: “Hình do sự phân chia mà có”.

Trong toán học thì hình có được là do sự khép kín của một số loại cạnh và một số loại góc nào đó.

Hình trong toán học là các hình mặt phẳng. Nhưng trong thực tế có những hình rất lạ lùng không thuộc loại quy ước nào cả. Do đó, nó không thể được gọi bằng tên cụ thể như đã nói ở trên.

Chính vì vậy, hình trong toán học là những loại hình bình thường, còn những hình kỳ lạ, quái dị thì được giọi là những hình bất bình thường.

Nói chung bản thân hình khối trong toán học có khả năng khêu gợi sự sáng tạo và chúng còn là những yếu tố thị giác quan trọng.

Chúng ta hãy nghe họa sỹ Kendinsky – một trong những danh họa khởi đầu cho trường phái nghệ thuật trừu tượng (bản thân ông theo khuynh hướng trừu tượng toán học) đã nói về hình học trong quyển “Tính trí tuệ trong nghệ thuật” như sau: “Hình vuông, hình tròn, hình tam giác là những yếu tố bố cục, bản thân chúng là phương tiện tạo hình đầy hứng thú”.

b. Hình trong mỹ thuật:

Trong lĩnh vực mỹ thuật có rất nhiều dạng, khái niệm, ý nghĩa về hình. Nhưng về phương diện tổng quát, chúng ta có thể kể đến hai loại hình như sau: hình trong các bài vẽ hình và trong lĩnh vực tranh tượng.

Tất nhiên là tiếp theo sau đó là hàng loạt các trạng thái, thể loại, tên gọi của hình vô cùng phong phú mà chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu.

Nói chung hình trong lĩnh vực mỹ thuật, lĩnh vực nghệ thuật thị giác chủ yếu là do sự sáng tạo ra toàn bộ giải pháp hình thức để diễn tả ý tưởng, nội dung trên cơ sở tư duy thị giác, nguyên lý thị giác và thẩm mỹ thị giác.

12. Các tính chất của hình vẽ:

Từ thưở hồng hoang con người biết vẽ và sử dụng hình vẽ trước khi có ngôn ngữ văn tự, ngôn ngữ chữ viết. Do đó mới có sự ra đời của nền văn minh hình ảnh và văn minh của chữ viết. Về tuổi trẻ cũng vậy các cháu cũng thường biết vẽ trước khi biết viết, chúng ta có thể thấy các cháu biết viết rất sớm ngay từ lớp mầm.

Như vậy kể từ thưở nhi đồng cho đến tuổi trưởng thành thì ý thức, năng khiếu tài năng vẽ của con người có thay đổi rất nhiều theo lứa tuổi (cho dù được học tập hay không).

Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể nhận biết thì hình vẽ có một số đặc tính như sau:

Một là, hình vẽ có tính bản năng. Điều này lý giải tại sao trẻ con chưa học vẽ mà vẽ được cũng như về năng khiếu vẽ của chúng, đồng thời lý giải về sự biết và thích vẻ của người tiền sử.

Hình vẽ của thiếu nhi có những tính chất ngây ngô, hồn nhiên, chưa bị một tí ảnh hưởng nào của các quy luật của trường lớp và nỗi lo sợ về tương lai. Vì thoát khỏi những sự chi phối đó cho nên nhìn vào tranh thiếu nhi, nhi đồng, chúng ta cảm nhận được một thế giới rất ngây thơ, trong sáng.

Hai là, hình vẽ có tính kỹ thuật. Khi đã học vẽ thì đòi hỏi người học phải tuân theo một số phương pháp, quy trình, kỹ thuật diễn tả của các chất liệu. Như vậy một trong những yêu cầu của người học vẽ là phải biết một số kỹ thuật chất liệu và tinh thông ít nhất một loại chất liệu nào đó. Điều này đề cập đến kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo của người vẽ. Nó là quá trình nhận thức và thực hành.

Tuy nhiên phải nói ngay rằng nghệ thuật không phải chỉ là kỹ thuật, không phải là sự tinh vi hay khéo tay mà là nó phát triển hình thành trên nền tảng của thị hiếu thẩm mỹ, tình yêu nghệ thuật, sở thích, tài năng, sự tinh thông về kỹ thuật diễn tả để qua đó mà bộc lộ được cái hồn của đối tượng và sự cảm xúc chân thành của nghệ sỹ.

Ba là, hình vẽ có tính khoa học. Đấy là sự thực bởi vì khi học vẽ trong nhà trường thì chúng ta được học thêm các môn khoa học phụ trợ là: Luật xa gần, luật phối cảnh, luật về màu sắc, luật về ánh sáng, về cơ thể học, về luật cân đối, thăng bằng. Điều này đã gián tiếp nói rằng hình vẽ có tính khoa học. Nói cách khác hình vẽ được thể hiện thông qua những kiến thức khoa học.

Bởi lẽ, khi vẽ người mà chúng ta vẽ sai về cấu trúc cơ thể học là biểu hiện của sự mất căn bản về chuyên môn.

Khi vẽ một bài hình họa mà khả năng diễn tả khối kém (cho dù chỉ bằng đường nét) thì cũng là người mất căn bản về luật phối cảnh, thiếu sự nhận thức ánh sáng, khoa học về hình học không gian...

Bốn là, hình vẽ có tính nghệ thuật. Đây là mục đích của mỹ thuật, bởi lẽ để đạt đến hình tượng nghệ thuật thực sự thì người tạo ra hình vẽ phải biết sáng tạo, có thị hiếu thẩm mỹ tốt và từng trải trong lao động nghệ thuật.

Một hình vẽ dù vẽ đúng, giống mẫu nhưng không cho thấy được sự tinh thông về kỹ thuật, không bộc lộ cảm xúc của người vẽ, không thể hiện được sự hài hòa về hình khối, đường nét, màu sắc nét độc đáo riêng cũng như không có khả năng khêu gợi mỹ cảm, đấy là do sự thiếu vắng trình độ chuyên môn và những yếu tố tạo nên tính thẩm mỹ.

Do đó, điểm mấu chốt của mỹ thuật là phải thể hiện được cái đẹp, cá tính, cảm xúc, thị hiếu thẩm mỹ tốt, trình độ tay nghề cao của nghệ sỹ.

13. Hình trong tranh:

Trong lĩnh vực này chúng ta có thể phải phân tích sâu thêm về hình trong nghệ thuật tạo hình và hình trong nghệ thuật trang trí hoặc nghệ thuật thiết kế. Tất nhiên là nó không giống nhau bởi vì hình vẽ trong hình họa chỉ mới là học tập thể hiện những hình đơn lẻ, hình ghép, hình nghiên cứu theo từng mức độ chứ chưa phải là sự sáng tạo hoàn toàn.

a. Hình trong tranh là hiệu quả của giải pháp hình tượng hóa ý tưởng của tác phẩm bằng hình tượng thị giác. Nó là thành quả của cả quá trình học tập, nghiên cứu, thể hiện, diễn tả về hình. Hình trong tranh chính là sự sáng tạo ra “những tổ hợp về hình”, là “giải pháp hình thức”. Nó là loại hình tổng hợp chứ không phải là hình đơn lẻ trong bài hình họa. Ngoài ra nó còn là “hình của các khoảng trống” hay “hình của những khoảng có hình”.

b. Hình trong tranh là hình do các cách xử lý có tính cách cá biệt như: đơn giản, cách điệu, biến điệu hay cường điệu hoặc ẩn dụ theo yêu cầu nội dung, ý tưởng và thăng bằng thị giác dựa trên cơ sở không gian diễn tả và sự thăng bằng thị giác nội tại trong tác phẩm.

c. Hình trong tranh hoàn toàn không phải là hình ở dạng hình ảnh nguyên mẫu, không phải là sự chép giống như là ảnh chụp đối tượng. (Cho dù họa sỹ có vẽ giống như ảnh chụp thì nó cũng là hình vẽ thông qua cách nhìn riêng của chủ thể sáng tạo).

d. Hình trong tranh có khi là hình trừu tượng, không rõ hình dạng của đối tượng cụ thể. Nó là những hình kỳ dị, không có quy ước nhưng nó được sáng tạo cho nên do động cơ thể hiện, khêu gợi nội dung, ý tưởng nào đó mà tác giả muốn.

e. Hình trong tranh là sự sáng tạo, là cách nhìn thị hiếu riêng của từng tác giả.

f. Hình trong tranh có thể có hoặc không có sự tác động của Luật viễn cận.

Cụ thể là hình trong Trường phái Lập thể là hình được sáng tạo, không cần có chiều sâu. Nó thể hiện một quan niệm tạo hình mới không dựa vào những biểu hiện bên ngoài của đối tượng. Mà nó là một sự “tháo tung” đối tượng để cùng một lúc diễn tả được những trạng thái nghịch lý bên trong đối tượng.

g. Hình trong tranh có khi ở dạng hình khối ba chiều cũng có khi là hình hai chiều.

h. Hình trong tranh có khi là loại hình vẽ do sự mô tả một cách chi li cũng có khi nó được thực hiện theo phương pháp khêu gợi.

i. Hình trong tranh có khi là hình hữu hình cũng có khi là hình trừu tượng vô hình.

Hình trong nghệ thuật tạo hình được thể hiện theo nhiều dạng thức phong phú: chép giống có tinh lọc, đơn giản, cách điệu, biến điệu, cường điệu, ẩn dụ, biến hình hay đồng hiện hoặc ẩn dụ.

Nói một cách chính xác là “hình” trong mỹ thuật là hình được tạo ra đã thông qua một phân tư duy sáng tạo của nghệ sỹ nghĩa là nó đã được nhìn qua bởi ý tưởng một cách nhìn riêng của một con người, nó mang phần nào tính chủ quan của nghệ sy chứ không phải là “hình” do máy ảnh ghi lại.

Theo họa sỹ Trung Quốc thì có các quan niệm có liên quan đến hình trong tranh.

Thứ nhất nếu xét theo quan niệm “truyền mô di tả” (trong Lục pháp luận của Tạ Hách), nghĩa là trong khi diễn tả hình, người nghệ sỹ phải truyền đạt cảm xúc của mình.

Thứ hai nếu xét theo quan niệm: “ý đi trước bút”, “học cốt ở ý chứ không phải ở hình thức”, “học một nửa, bỏ một nửa” của nhiều danh họa, trong đó có họa sỹ Trịnh Bản Kiều người Tỉnh Giang Tô, sinh năm 1748, thời Càn Long (tên thật là Trịnh Nhiếp, tự Khắc Nhu, hiệu Bản Kiều Đạo Nhân). Ông này cho rằng phải có ý tưởng mới vẽ, chính ý tưởng điều khiển nét bút để tạo hình tượng.

Thứ ba là quan niệm “hình thần kiêm bị” của Từ Bi Hồng. Phương châm này có nghĩa là hình vẽ mà nghệ sỹ tạo ra phải đạt được cái thần sự sinh động ở mức vi diệu.

Như vậy, tổng hợp các phát biểu của nhiều danh họa từ Đông sang Tây thông qua nhiều thời đại, khuynh hướng, trường phái cho chúng ta thấy rằng Hình trong nghệ thuật tạo hình bao hàm sự sáng tạo, sức sống, cái Thần và ý tưởng của mỗi nghệ sỹ (chưa kể các quan niệm về hình trong các lĩnh vực như kiến trúc, trang trí và thiết kế). Nó là một kho tàng vô vàn phong phú mà chúng ta học hỏi và thực hành cả đời.

Ngày xưa người ta gọi sáng tác tranh là vẽ tranh, nghãi là tranh mỹ thuật có được là do các họa sỹ vẽ mà ra. Họa sỹ dùng thao tác vẽ bằng tay để hình tượng hóa nội dung và ý tưởng. Do đó, hình trong tác phẩm mỹ thuật được gọi là hình vẽ đúng nghĩa của nó.

Ngày nay tác phẩm mỹ thuật không chỉ do vẽ ra được gọi là vẽ tranh mà giờ đây xuất hiện thuật ngữ làm tranh (chứ không phải vẽ). Hơn nữa, hình trong tác phẩm mỹ thuật không chỉ là một hay hai hình đơn lẻ mà là một hay nhiều “tổ hợp về hình”. Ý nghĩa của chữ tạo hình còn là tìm ra cách thể hiện hình tượng mỹ thuật vừa đẹp, có cá tính lại vừa mang tính truyền thông tốt.

Do đó, lúc này, khái niệm hình không còn duy nhất là hình vẽ mà còn là do làm ra. Vì thế hình trong tác phẩm mỹ thuật không nhất thiết phải do vẽ ra mà chúng ta có thể do các thao tác: cắt, cạo, lắp thép, dán, đắp, in, khoét, chặn khoảng trống mà ra.

* Hình trong lĩnh vực điêu khắc: chính là loại hình thể hiện của các thế dáng, điệu bộ của động tác được nghiên cứu, diễn đạt theo dạng hình khối dưới góc nhìn ba chiều. Nó biểu hiện sự nhìn ngắm, cảm thụ đối tượng ở mọi tầm nhìn, góc nhìn.

* Hình trong điêu khắc: có liên quan đến cách xử lý, tạo, gợi các mức độ về phần lồi, phần lõm, độ nở của các khối, các mảng có khả năng bắt ánh sáng của các diện lớn, nhỏ của các khối tạo nên vẻ đẹp của sự chuyển động, nhịp điệu, mạch liên kết giữa các bộ phận. Nó còn là hiệu quả hiển thị của các phần lồi, lõm của các khối liên kết với nhau.

* Hình trong nghệ thuật trang trí thường là dạng đã được đơn giản, cách điệu, biến điệu nhưng không bao giờ là dạng tả thực.

* Hình trong nghệ thuật thiết kế cũng giống như trang trí nhưng ngày nay có sự xuất hiện của nghệ thuật nhiếp ảnh, nhiếp ảnh kỹ thuật số và computer cho nên Hình trong lĩnh vực này có khi là hình chụp được xử lý tinh tế được chuyển sang dạng đồ họa, dạng chấm, nét phong phú với sự can thiệp của một số kỹ xảo vi tính, các cách cắt ghép tạo những hiệu quả thị giác rất độc đáo.

14. Hình trong các bài Hình họa:

Hình họa là môn học quan trọng trong các trường dạy về mỹ thuật, nó nhằm mục đích rèn luyện khả năng quan sát, phân tích, diễn tả đối tượng trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều với nhiều chất liệu như: bút chì, than, màu sáp, màu nước, màu dầu, bút sắt.

Trong quá trình học vẽ hình họa, học viên được rèn luyện khả năng thị hiếu thẩm mỹ trong các hoạt động nghiên cứu, phân tích, diễn tả, thể hiện cảm thụ về hình từ giai đoạn đơn giản đến phức tạp, từ dễ cho đến khó.

Mục tiêu xuyên suốt của việc học tập, rèn luyện mà môn hình họa trang bị cho người học là khả năng nắm bắt, diễn đạt hình, có thị hiếu thẩm mỹ tốt về hình và đặc biệt là hình thành cho được trong người học sự hợp nhất giữa: cái thấy, ý muốn và khả năng diễn tả được những cái đã thấy (thậm chí cả những điều thoáng hiện ra trong tư duy, trong suy nghĩ hoặc là những điều mà chủ thể cảm thấy từ bên trong tâm tư của chính mình). Từ đó diễn tả chúng ra thành hình tượng thị giác một cách có hiệu quả.

Các môn học thuộc lĩnh vực hình họa bao gồm nhiều dạng khác nhau như: ký họa, vẽ tĩnh vật, vẽ phong cảnh, vẽ con vật, vẽ người. Cho nên, chúng ta có thêm các tên gọi nhằm phân chia lĩnh vực của hình vẽ: hình vẽ trong ký họa, hình vẽ trong phong cảnh, hình vẽ trong tĩnh vật, hình vẽ nghiên cứu.

a. Hình trong hình họa là gì?

* Hình vẽ trong hình họa là sự nghiên cứu, ghép giống, phản ánh đối tượng thông qua cách nhìn vật lý cụ thể: khoảng cách, góc nhìn, tầm nhìn đồng thời thông qua cảm xúc, trình độ tay nghề của người vẽ cùng trình độ thể hiện, diễn tả chất liệu riêng biệt.

Như vậy, trước hết nó vừa bảo đảm tính trung thực (giống mẫu), tính khoa học (qua sự trợ giúp của các kiến thức thực hành về luật viễn cận, khoa học về giải phẫu cơ thể, khoa học về ánh sáng, màu sắc, chất liệu) và tính thẩm mỹ (phải đẹp, có nét độc đáo riêng và có khả năng tác động, khêu gợi mỹ cảm).

* Hình vẽ trong hình họa, tùy theo yêu cầu có khi là hình được tạo nên do toàn là nét vẽ, do mảng, do màu sắc, do sự diễn tả các độ bóng, tạo khối, tạo độ nở, chiều sâu, sau cùng là bộc lộ được tinh thần, cái hồn của đối tượng được diễn tả và cá tính, cái riêng của người vẽ. Như vậy, hình vẽ được tạo ra có thể là hình ở hai dạng hai chiều hoặc ba chiều.

Trên thực tế ở một số trường Mỹ thuật mà môn hình họa vẫn còn giữ vai trò quan trọng ngay khi đã chuyển sang giai đoạn học ở các chuyên khoa thì khi ấy người ta gọi môn học này là “hình họa chuyên ngành”. Nghĩa là cách dạy, cách học vẽ, nghiên cứu phải theo ngôn ngữ của từng chuyên ngành cụ thể: Hình họa cho khoa tranh lụa, cho khoa sơn mài, khoa sơn dầu, khoa mỹ thuật ứng dụng. Cách dạy, cách học, cách thực hành các bài tập có những yêu cầu riêng biệt.

* Chúng ta hãy nhớ lại câu nói có tính chất cơ bản về hình ở trên của danh họa Léonard de Vinci như sau: “Hình vẽ là sự diễn tả vật thể ba chiều trên mặt phẳng hai chiều”.

Qua định nghĩa này, họa sỹ gián tiếp đề cập tới sự ứng dụng của Luật viễn cận là môn khoa học nổi tiếng mà ông đã nghiên cứu và đúc kết.

Trong quá trình học tập, rèn luyện môn hình họa, thường thì các học viên trải qua hai mức độ hay trình độ thể hiện hiệu quả về hình. Hai trình độ từ thấp đến cao này biểu lộ bản lĩnh, tài năng, sự tiến bộ của người học vẽ. Hai trình độ này được tồn tại trong hai mức độ của hình vẽ như sau: hình vẽ đúng và hình vẽ thông minh.

* Hình vẽ đúng là hình vẽ bảo đảm được sự trung thực, đúng với những đặc điểm của mẫu được vẽ. Hình vẽ đúng nghĩa là hình vẽ giống đối tượng được vẽ. Nhưng “vẽ giống” hay “vẽ đúng” chưa chắc đã đẹp. Hình vẽ đúng có khi rất tinh vi, chi ly cũng có khi rườm rà, khô cứng nhưng cũng có khi lại rất bay bướm, phóng khoáng. Còn hình vẽ thông minh là hình vẽ có đẳng cấp cao hơn, nét vẽ lưu loát hơn, trí tuệ hơn, nó thể hiện sự cân nhắc, tinh lọc, bỏ bớt sao cho vừa đẹp, vừa bảo đảm giống đối tượng.

Thí dụ có hai họa sỹ cùng vẽ lại một đối tượng bằng hình vẽ bút chì. Sau khi hai người vẽ xong thì hình vẽ của người thứ nhất rất giống nhưng phải dùng đến 20 nét, còn người thứ hai thì chỉ dùng 12 nét mà vẫn vẽ rất giống, đẹp và “thoát” hơn. Sự thông minh, tinh lọc hình, nét của người thứ hai nói lên trình độ, đẳng cấp nghệ thuật mà người họa sỹ cần có.

b. Các loại hình vẽ theo yêu cầu học tập, rèn luyện:

Trong quá trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu về môn học hình họa và các loại hình vẽ khác được thể hiện thông qua học tập nhằm phục vụ cho tất cả yêu cầu về nhận thức và thực hành.

Các nhà sư phạm đã liệt kê ra tên gọi các loại hình vẽ như sau:

Hình vẽ theo mắt thấy: Loại hình vẽ này do người vẽ, thực hiện trực tiếp, ngay trong quá trình nhìn, ngắm, quan sát, đối tượng được đặt hay xuất hiện ngay trước mắt (qua môn học hình họa nghiên cứu hay ký họa) thông qua các loại bài học: vẽ khối, vẽ vật thể, vẽ tĩnh vật, vẽ người, vẽ ký họa, vẽ phong cảnh…

Hình vẽ theo ký ức: Là loại hình vẽ được vẽ theo sự nhớ lại đối tượng sau khi đã được nhìn trong một khoảng cách thời gian nào đó nghĩa là không trực tiếp vẽ ngay trong lúc quan sát. Khả năng nhớ và vẽ lại trong khoảng thời gian ngắn này được rèn luyện thông qua các môn học hay thực hành: môn ký họa hay minh họa.

Hình vẽ tưởng tượng: Là loại hình vẽ mà người họa sỹ tự nghĩ ra từ ý tưởng. Người vẽ không thấy, không nhớ đối tượng cụ thể nào cả mà là tự sáng tác, vẽ theo yêu cầu của ý tưởng, của đề tài tạo nên sự động não trong tư duy sáng tạo. Loại hình vẽ này được coi là hình vẽ sáng tạo.

Trong lĩnh vực chuyên môn thì người đánh giá hai loại hình vẽ: hình vẽ tưởng tượng và hình vẽ theo trí nhớ được coi là có trình độ cao.

Hình vẽ kiến trúc: Là loại hình vẽ mang tính quy ước về kỹ thuật diễn họa. Nó không phải là loại hình vẽ được vẽ theo mắt thấy mà là hình vẽ theo ngôn ngữ, cách thức, yêu cầu, quy chuẩn của bộ môn kiến trúc nhằm trình bày kiểu dáng, cấu trúc, quy hoạch không gian, hình vẽ chi tiết trên cơ sở tuân theo một số quy chuẩn chuyên ngành để người thi công đọc được bản vẽ mà thực hiện thành công trình thật.

Hình vẽ kỹ thuật: Là loại hình vẽ mà các nhà kỹ thuật dùng để diễn đạt, mô tả một sản phẩm nào đó theo phương pháp, quy chuẩn riêng để các nhà chuyên môn cùng lĩnh vực có thể nhìn, đọc, hiểu và thể hiện thành sản phẩm thật.

Hình vẽ phân độ: Cũng gần giống với hình vẽ kỹ thuật và kiến trúc. Loại hình vẽ này người vẽ thể hiện đầy đủ mặt đứng, mặt bằng, mặt cắt, các trích đoạn chi tiết và hình vẽ phối cảnh với sự ghi chú các con số, kích thước, quy cách thật rõ ràng để người thợ có thể theo đó mà thể hiện lại đúng, chính xác hoàn toàn về kỹ mỹ thuật.

Hình vẽ khoa học: Là loại hình vẽ mô tả thật chi li, chính xác những đối tượng được vẽ các loại,c ác loài như thảo mộc, khoáng vật, động vật, cụ thể như: hoa lá thảo mộc, cơ thể con người, động vật để dựa vào đó mà người ta có thể nghiên cứu, học tập một cách chính xác. Nó là loại hình vẽ mà các nhà khoa học như bác sỹ, y sĩ, dược sĩ, nhà sinh vật học, nhà khảo cổ… nghiên cứu, sử dụng.

Hình vẽ loại này còn được các họa sỹ chuyên môn của từng môn khoa học cụ thể vẽ lại để in trên các sách, báo về giáo khoa phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu.

Hình vẽ nghiên cứu: Là loại hình vẽ mà học viên quan sát, nghiên cứu, vẽ lại thật chi tiết, giống đối tượng trên cơ sở phải nắm bắt cho được các đặc điểm về độ lớn, kích thước, cấu trúc, hình dáng, động tác, thế dáng, tinh thần, thần sắc, màu sắc, đường nét, chất liệu của đối tượng (da, tóc, vải, gỗ nếu người mẫu ngồi ghế, có phủ vải). Hình vẽ nghiên cứu cũng có nhiều trình độ và yêu cầu cụ thể của phạm vi cần nghiên cứu. Nếu không nắm chắc và thấu hiểu được các yêu cầu đó thì kể như là không thực hiện đúng các quy định về nghiên cứu.

Hình vẽ đơn giản: Là loại hình vẽ mà người học viên mỹ thuật, họa sỹ thực hiện sau quá trình nghiên cứu, vẽ giống chi ly đối tượng. Họ dùng giấy calque chồng lên hình vẽ nghiên cứu để tinh lược, gọt rũa, hình nét tối đa rất nhiều lần để tìm nhịp điệu, đường lượn của hình nét động tác để giữ lại những hình nét đơn giản nhấ nhưng phải vừa giống và vừa đẹp hơn nguyên mẫu.

Phương pháp nghiên cứu này các họa sỹ chuyên vẽ về tranh lụa, họa sỹ chuyên ngành minh họa, họa sỹ hoạt hình thường áp dụng trong quá trình học tập, nghiên cứu và sáng tác. Còn các sinh viên mỹ thuật thì được học từ giai đoạn nghiên cứu, sáng tác một họa tiết trong bài trang trí hay thực hành nghiên cứu ngay sau bài học chép vốn cổ.

Hình vẽ cách điêu: Là loại hình vẽ có được thông qua hai quá trình nghiên cứu, đơn giản hóa rồi sau đó họa sỹ hay học viên thực hiện đến giai đoạn mà các nhà chuyên môn gọi là cá tính hóa, cá biệt hóa hình vẽ mà bản thân mỗi người tạo ra hoàn toàn tự do theo phong cách của riêng mình. Người ta gọi đó là kiểu thức họa tạo cho hình vẽ ấy có một phong cách riêng.

Chính cái riêng này là mục tiêu sáng tạo mà hình vẽ cách điệu cần phải có.

Thí dụ có 10 người cùng cách điệu một hoa sen nhưng sau khi thực hiện xong, chúng ta thấy có 10 hoa sen không cái nào giống cái nào nhưng chúng ta vẫn biết đó là hoa sen chứ không phải loại hoa nào khác, mỗi cái cho chúng ta thấy có phong cách, vẻ đẹp riêng.

Trong các trường mỹ thuật thì toàn bộ quy trình học tập: vẽ nghiên cứu, đơn giản và cách điệu là một chuỗi khoa học về sư phạm trong việc học thực hiện quy trình sáng tác một họa tiết của môn học trang trí ở trình độ cơ bản.

Hình vẽ biến điệu: Là loại hình vẽ có được hay được các họa sỹ trang trí tạo ra ngay trong quá trình thực hành trang trí. Thí dụ một người họa sỹ có sẵn một họa tiết rất đẹp lấy ra từ một hình vuông nghĩa là họa tiết ấy đã được sáng tác phục vụ cụ thể cho việc trang trí trên diện tích hình vuông và mọi kích thước, tỷ lệ đều lấy cơ sở là hài hòa với hình vuông đã có.

Nhưng khi người họa sỹ muốn mang họa tiết ấy lắp vào để trang trí cho hình chữ nhật thì họa tiết này lại không phù hợp về kích thước, tỷ lệ của hình chữ nhật.

Do đó để thực hành trang trí một cách đúng phương pháp phải bắt buộc phải kéo giãn họa tiết ấy cho phù hợp với diện tích của hình chữ nhật. Động tác kéo giãn tỷ lệ của con bướm ấy cho phù hợp với diện tích hình chữ nhật được gọi là: “biến điệu” về tỷ lệ của hình vẽ và họa tiết con bướm được kéo giãn được gọi là “hình vẽ biến điệu”.

Đó là trường hợp chỉ biến điệu về hình như đã nói. Trên thực tế chúng ta thực hiện việc biến điệu ở các yếu tố: hình, đường nét, màu sắc, chất liệu bề mặt và phong cách mới yêu cầu.

hinh 19

hinh 20

hinh 21

Quy trình sáng tác để biến hình tượng nguyên mẫu (hình thật của các đối tượng) là quá trình sáng tạo, tìm loại ngôn ngữ, loại kỹ thuật để biểu đạt nội dung và hình thức tác phẩm vô cùng phong phú theo tư duy tạo hình của mỗi nghệ sỹ trong đó luôn luôn có sự hiện diện của các giải pháp bố cục được tác giả liên tục điều chỉnh từ khi bắt đầu thể hiện cho đến lúc hoàn thành.

Trong suốt quá trình này các yếu cầu mà nghệ sỹ phải tuân theo là: sự hài hòa chung của toàn bộ bức tranh, hệ thống chính phục và trọng tâm, sự thăng bằng thị giác, cái riêng của tác giả.

hinh 22

hịnh tuong 23

Quy trình tạo hình trong sáng tác mỹ thuật từ hình thật đến các giải pháp thể hiện hình tượng nghệ thuật thị giác

hinh 24
Quy trình tạo hình trong sáng tác mỹ thuật từ hình thật đến trừu tượng

>>> Hình trong yếu tố thị giác (Phần 1)

>>> Những vấn đề của hình họa

>>> Giới thiệu 31 bài hình họa - sưu tầm

0976984729