Đường nét (Phần 1)

1. Đường nét là gì?

Đường nét là sự diễn tả bằng nét vẽ. Xét về mặt hình học thì đường nét không tồn tại. Nó được coi là có bởi sự nhìn nhận giữa con người với nhau, như là một quy ước được thỏa thuận giữa trí tuệ của con người với con người.

Các yếu tố để xác định một đường nét:

- Độ lớn (Size);

- Độ dài (Length);

- Màu sắc của nét (Color);

- Tinh thần, chất lượng của đường nét như: mạnh yếu, rõ nhòe, khô ướt, lúc rõ lúc nhòe, cứng mềm, đều nét hay bể nét (Quality);

- Tinh thần của đường nét, tốc độ, bút lực, sức mạnh của nét (Force);

- Khả năng gợi chất của nét (Texture) thông qua chất liệu cụ thể dùng để vẽ như: mực, sơn dầu, vữa hồ, sắt, gỗ, thủy tinh (cắt, khắc, thành nét…);

- Chiều hướng của đường nét (Direction) như: ngang dọc, xiên cong, gãy;

- Độ đậm hay nhạt của nét (Value/Tone).

Trên thực tế, có khi khái niệm về đường nét được xác nhận do sự phân chia của hai hay nhiều diện tích của một vật thể nào đó mà thôi.

Thí dụ: Hai vách tường xây kết vào nhau tạo thành góc, góc tạo thành nét… Cũng có khi đường nét hiện hữu như là cạnh của vật thể. Như vậy, nói một cách nào đó thì đường nét chỉ thực sự tồn tại trên hình vẽ bằng những nét vẽ.

Như vậy, trên thực tế thì đường nét không có, mà chúng ta chỉ cảm thấy hay nhận diện nó qua từng dạng hình thái của nét vẽ mà thôi.

Thí dụ: Khi nhìn từ bức tường lên trần nhà, chúng ta sẽ hoài công khi chủ tâm đi tìm đường nét ở đó. Nhưng nếu chúng ta vẽ lại cảnh tượng đó bằng nét vẽ, thì nơi tiếp giáp giữa bức tường và trần nhà được gọi là đường nét.

Lúc ấy, đường nét hay nét vẽ chính là đường ranh giới giữa bức tường và trần của ngôi nhà ấy.

Do đó, khi bắt đầu phác những nét vẽ đầu tiên bằng bút thì về mặt lý luận chúng ta bắt buộc phải nhận thức rằng: “Hình vẽ là vật sở hữu của trí tuệ”. Đó cũng là lời nhận xét của họa sỹ Léonardo de Vinci và họa sỹ Tintoret cũng phát biểu một câu tương tự: “Hình vẽ thoát thai từ kho tàng của trí tuệ”.

Đây là những ý kiến đề cao sự ý thức, tính trí tuệ của con người trong khi đặt bút phác họa hình vẽ từ nét bút đầu tiên. Nghĩa là khi vẽ phải có sự suy nghĩ.

Về phương diện toán học thì có một định nghĩa khác về đường nét như sau: “Đường nét là sự di chuyển liên tục của một điểm”, chúng ta có thể liên tưởng đến đường bay của đầu đạn khi thoát khỏi nòng súng hay khi chúng ta xếp những hạt mè thành từng dãy.

Trên thực tế, đường nét có thể hình thành do sự tiếp xúc giữa hai diện (Surfaces, Planes). Ở trường hợp này, đường nét được coi là “Cạnh (Edge)” như đã nói ở trên.

Đường nét có thể do ánh sáng tạo ra. Thí dụ ánh sáng xuyên kẽ hở của cánh cửa hay trong đêm tối dùng máy ảnh chụp tốc độ cực chậm, trên cao ốc nhìn xuống, để thấy các ánh đèn xe ô tô đang chạy tạo thành những nét màu, sợi màu.

Đường chân trời là đường nét thể hiện nơi tiếp giáp giữa trời và đất (hay mặt biển).

Tuy nhiên, chúng a không nên lầm lẫn hay đánh đồng ý nghĩa giữa “Đường nét” (Line) và “Nét vẽ” (Drawing-Line).

Chú ý: Thuật ngữ “Line-Drawing” là bức vẽ bằng nét vẽ bút chì

Chúng ta nghiên cứu về đường nét, net vẽ với mục đích là để hiểu rõ tính chất, tinh thần, hình thái và biết cách tổ chức, sử dụng diễn tả nó như là phương tiện để sáng tạo nên những thông điệp, tác phẩm nghệ thuật thị giác.

2. Nét vẽ là gì?

- Nét vẽ là đường nét do họa sỹ vẽ nên mà trong khi vẽ anh ta có truyền đạt cảm xúc trên hình thái của nét. Nó chính là cách thức biểu lộ tình cảm của đường nét. Mỗi nét vẽ có thể có độ dày, mỏng, mạnh yếu, rõ mờ, mềm mại, tỉ mỉ, khô khan, sắc bén, dữ dội, đậm nhạt tùy theo yêu cầu, tác dụng của diễn tả.

- Họa sỹ và là nhà điêu khắc bậc thầy của thời kỳ Phục Hưng là Michel Angle đã phát biểu về nét vẽ như sau: “Đứng về góc độ khoa học về hình và nét vẽ thì nét vẽ chính là tính chấ của hội họa, của điêu khắc, của kiến trúc và của tất cả những hình thức diễn tả”. Và chính nó là nguồn gốc của khoa học.

- Thi hào Theosphile Gautier của Pháp (1811-1872) đã nói rằng: “Nét vẽ, hơn bất cứ cái gì, nó là một vật trừu tượng và thuần túy về quy ước. Có lẽ vì vậy mà nó (nét vẽ) đã tạo ra những khai niệm cao nhã nhất ddooois với những nhu cầu cao quý nhất của con người”.

Nét vẽ, chính là sự diễn tả cảm xúc, tình cảm, cá tính thậm chí cả tâm trạng của họa sỹ bằng đường nét do bàn tay tạo ra thông qua các công cụ dùng để vẽ như: bút chì, than, sáp, cọ…

Nét vẽ vừa là sự diễn tả và cũng chính là phương tiện diễn đạt của nghệ sỹ có được từ sự sử dụng các đường nét về cấu tạo nên hình dáng, diện tích, khối, mảng của vật mẫu. Nó được thể hiện do bàn tay theo cách nhìn, quan điểm, sự rung động nào đó của con người vẽ bằng một số công cụ, chất liệu diễn tả cụ thể.

Các yếu tố để nét vẽ tồn tại:

Để nhận biết sự tồn tại của nét vẽ, chúng ta cần phân tích chúng theo các yếu tố như sau:

- Tinh thần của nét vẽ: mảnh, to, rộng, hẹp, đậm, nhạt, cứng, mềm, rõ, nhòe, đều nét, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc rõ, lúc nhòe, liên tục hay lúc ẩn lúc hiện, bay bướm, mạnh mẽ…

- Chiều hướng, độ dài và tính chất của nét vẽ: thẳng, cong, xiên, gãy…

- Mật độ của nét vẽ: một nét, hai nét, ba nét hay một mảng đươc liên kết bởi nhiều nét vẽ, khít thưa…

Khả năng của nét vẽ: tạo chiều hướng, tạo hình, tạo khối, gợi không gian, tạo sự chuyển động tĩnh hay lặng, gợi ánh sáng, gợi cảm giác về chất…

Công cụ dùng để vẽ: bút chì, bút sắt, bút bi, bút sáp, phấn màu, than, cọ, bay vẽ, dụng cụ phun xì. Mỗi loại công cụ sẽ có ưu thế và nhược điểm riêng trong việc tạo ấn tượng cho sự hiển thị của nét vẽ.

3. Đường viền (Outline):

Đường viền (Outline, Contour) giống như lớp vỏ của vật thể, của khối. Chúng ta có hai dạng đường viền: Đường viền của hình và đường viền của khối. Người ta còn gọi đường viền với từ ngữ là “đường bao”.

Giữa đường viền của hình và đường viền của khối có mức độ khó vẽ khác nhau. Đường viền của một hình 2 chiều chắc là không khó bằng vẽ đường viền của một vật thể khối 3 chiều.

Khi vẽ đường viền của một hình 2 chiều thì khái niệm không gian chỉ tồn tại trnog sự vận dụng luật viễn cận: gần cao xa thấp, gần rộng xa hẹp tùy theo góc nhìn và tầm nhìn.

Còn khi vẽ một khối hay vật thể khối 3 chiều thì khái niệm, tinh thần, tính chất không gian là sự biểu hiện bên ngoài của cấu trúc, tính chất (cứng mềm), sự tác động của ánh sáng… tùy theo góc nhìn, tầm nhìn của người vẽ. Nếu vẽ đều nét như sợ kẽm thì tinh thần không gian sẽ không hiển lộ. Nó giống như là “lớp vỏ” của vật thể.

Tinh thần chung nhất xuất hiện ở đường viền của vật thể khối là lúc rõ, lúc mờ, lúc ẩn lúc hiện. Do đó có họa sỹ thốt lên một câu khá ý nhị, nói rõ tinh thần nói trên của đường viền: “Đường viền chạy trốn tôi”.

4. Các loại đường nét:

Trong thực tế sử dụng thì chúng ta thấy có nhiều loại đường nét và vô số sự biến hóa phong phú của nó.

Thông thường thì khi nói tới “đường nét” là nói tới ngôn ngữ dường như có tính quy ước như: đường thẳng nằm ngang (Horizontal line), đường thẳng thẳng đứng (Vertical line), đường xiên (Oblique line), đường gáy (Break line), đường cong (Curved line), đường quanh co (Sinuous lines).

Mỗi loại đường nét này có khả năng gây ấn tượng tĩnh động hay ý nghĩa nào đó, khác nhau như sau:

a. Đường thẳng nằm ngang (Horizontal line): Gợi cho người xem ấn tượng về sự tĩnh lặng, nghỉ ngơi, an bình, khoáng đãng, mông mênh, vững chãi. Thí dụ cảnh bãi biển lúc bình minh tĩnh lặng.

b. Đường thẳng, thẳng đứng (Vertical line): Gợi cho người xem cảm giác, ấn tượng về sự uy nghi, uy vũ, nghiêm túc, trang trọng, vững chắc, tĩnh lặng, quyền lực. Thí dụ chúng ta có cảm giác này khi bước vào nội thất các cung điện nguy nga, đồ sộ với những hàng cột to, cao vút.

c. Đường xiên (Oblique line): Gợi cho người xem ấn tượng về sự chuyển động từ nhẹ nhàng như những cơn mưa lao xao, đến hình tượng của những trận mưa nặng hạt, mưa bão dữ dội hay cảnh gươm giáo xiên xéo trong những trận giáp chiến hỗn loạn.

d. Đường gáy (Break line): Gợi ấn tượng về sự đột biến. Thí dụ hình ảnh về đường xẹt bất chợt của ánh sấm sét, vết kính vỡ.

e. Đường cong (Curved line): Gợi cho người xem những ấn tượng chuyển động từ có nhịp điệu từ nhẹ đến mạnh, đến hỗn loạn, hoặc ma quái. Thí dụ hình tượng một loạt các cú nẩy của quả bóng liên tục bật lên, rơi xuống sàn nhà. Hình tượng những cụm khói cuồn cuộn của những đám cháy. Hình tượng chảy xệ, chảy nhễu nhão do kính dị dạng tạo ra.

f. Đường quanh co (Sinuous lines): Đường quanh co, uốn lượn tượng trưng cho sự quyến rũ, sự say mê va sự mềm dẻo của cuộc sống. Tất cả những đường quanh co hay đường rắn lượn (snake lines) theo chiều hướng nào đó cũng là một phương tiện diễn đạt nghệ thuật thị giác (minh họa hình con rắn, đường lượn).

Ngoài 5 loại đường nét cơ bản nêu trên chúng ta còn có các trạng thái, các tính chất, giá trị biểu cảm khác nhau của nét vẽ như: mãnh liệt, đột phá, lởm chởm, trang nghiêm, nghỉ ngơi, cứng cáp, khô khan, sắc sảo, mềm mại, ẻo lả, nhòe nhoẹt, uốn khúc, đứt đoạn…

Trên thực tế, nếu truy nguyên chúng ta chỉ có hai loại đường nét chính mà thôi. Đó là hai loại đường nét cơ bản nhất:

Thứ nhất là đường nét thẳng. Từ nét thẳng này chúng ta bố trí nó theo các dạng nằm, đứng, xiên, gãy… hay đứt khúc, tĩnh động khác nhau.

Thứ hai là đường nét cong. Từ nét cong này chúng ta có nhiều dạng cong, uốn lượn: mềm mại, thanh nhã, xoắn tít, cuộn tròn theo nhiều mức độ chuyển động khác nhau.

duong net 1
Bức tranh "Trao chìa khóa thành Veda" của họa sỹ Velasquez
(Bên thắng trận gươm giáo chỉnh tề, thẳng tắp; bên thua gươm giáo xiêu vẹo, xộc xệch, tả tơi)

Nói chung, đường nét có nhiều đặc tính và khả năng biểu cảm độc đáo. Ngoài ra, nó còn là sự biểu hiện cho tâm trạng, trạng thái tâm hồn của tác giả.

Do đó, người ta nhận định rằng "Đường nét và màu sắc chính là trạng thái của tâm hồn của chính con người đã tạo ra nó"

5. Những biểu hiện của đường nét:

Nói đến sự biểu hiện của đường nét là nói tới các hình thái biểu hiện phong phú của đường nét trong mỹ thuật và kiến trúc.

a. Đường nét có thật: Đây là loại đường nét mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay bằng mắt không cần chăm chú tìm kiếm, nghiền ngẫm, phân tích bởi nó hiển thị rất rõ chứ không tiềm ẩn như hệ thống đường nét chủ đạo.

b. Đường nét ẩn tàng: Đường nét ẩn tàng là loại đường nét mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt. Bởi lẽ nó ở lớp dưới của hình và màu trong tranh.

Có thể hình dung đây là loại đường nét mà chúng ta tạo ra dưới dạng "nét phác" giữ vai trò "định vị" cho sự sắp xếp mang tính tổ chức, nằm ẩn trong bố cục (an underlying organizational structure).

Nó còn là dạng hình kỷ hà (Geometrical shape) được họa sỹ vẽ phác, để định vị, làm nền tảng cho việc bố trí các hình ảnh, các nhóm hình thức. Sau đó các hình ảnh sẽ được sắp đặt, bố trí, vẽ chồng lên trên đó và nó bị chìm, lấp bên dưới hình ảnh.

Như vậy, nó là loại đường nét giữ vai trò ẩn tàng, không lộ liễu và tạo sự nối kết, liên kết các yếu tố hình thức với nhau theo trật tự ý tưởng hay thuần về hình thức.

Để hoàn thành việc vẽ một vật thể, người vẽ phải tách từng bộ phận hay nhóm bộ phận những hình. Mỗi hình đều có đường viền (Contour), khi vẽ xong thì chúng ta cho các đường viền "ẩn" đi. Mỗi một lớp (Layer) sau khi thực hiện xong cũng cho "ẩn" phía dưới, để cho các lớp vẽ sau nằm đè lên trên.

Chúng ta có thể hình dung chính những lớp (Layers) những đường viền (Contours) được coi như là những nét ẩn tàng.

Ngoài ra, đường nét ẩn tàng còn có thể được hiểu như là loại đường lượn trên kiểu dáng của xe gắn máy, tạo sự mạch lạc về hình khối, đường nét đi từ bụng xe, xuống block máy, lên cốp xem chạy tiếp ra sau sườn xe, vè xe, đuôi xe..

- Với ý nghĩa là "ẩn tàng" chúng ta có loại đường nét có vai trò tương tự, đó là loại nét ẩn (secret line) các tác phẩm nghệ thuật thị giác. Nó chính là những đường định hướng, hướng dẫn thị giác (visual lines) của người xem, làm cho thị lực của người xem bị cuốn hút đi từ các nhóm nội dung phụ đến chính đến trọng tâm của tác phẩm rồi lại đi từ nội dung chính đi đến nội dung phụ một cách thật mạch lạc, theo chủ ý của họa sỹ.

Với vai trò này thì nó được coi như là "lực hướng dẫn thị giác" (Directional force) hay là đường nét giữ vai trò thu hút thị giác, điều khiển hướng nhìn của con mắt (Path of eyes).

- Nó còn là loại đường nét do ánh sáng của đèn rọi tác động lên trên nền phông sân khấu. Khi ánh sáng không được chiếu thì chúng ta không thể nhìn thấy loại đường nét này.

Qua nghiên cứu loại đường nét ẩn tàng này đã đặt ra cho nhà thiết kế, nhà họa sỹ hai vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất trước khi thực hành bố cục người sáng tác phải thực hiện hệ thống các nét vẽ phác, như là dạng sơ đồ tổ chức, để dựa vào đó mà sắp xếp, phân bố các yếu tố thị giác, hình tượng nghệ thuật.

Thứ hai ngoài những dạng đường nét được người sáng tác tiên liệu thì cũng dự kiến đến cả những loại đường nét sẽ xuất hiện bất ngờ, do sự tương tác, cộng hưởng ngồi sự chủ định.

c. Loại đường nét thẳng và đường nét cong ảo:

Thoạt nghe thì thuật ngữ này có vẻ xa lạ, thậm chí không thuận tai nhưng xét về góc độ phân tích thì nó là vấn đề khá mới, được đặt ra rất tinh tế, giúp cho chúng ta quan tâm đầy đủ hơn những thuật ngữ đường nét đặc biệt.

Đây là trường hợp những nét được kẻ vẽ hay do ánh sáng chiếu chồng, đè lên các hình khối : khối vuông, khối trụ, khối tam giác, đa giác, khối tròn. Do đó, ở các mặt phẳng thì đường nét hiển thị đầy đủ, rõ ràng còn ở trên những mặt cong, xiên, lồi lõm thì nó hiển thị ở dạng cong, thậm chí bị mờ nhạt, không rõ.

Thí dụ bóng đổ của một cây trụ đèn thẳng đứng, in vào khối trụ hay tròn của tòa nhà, khi ấy bóng của cây trụ đèn bị cong đi. Điều này các sinh viên học môn "vẽ bóng" trong kiến trúc biết rất rõ.

Chúng ta cũng có thể liên hệ đến khả năng chụp ảnh thông qua loại kính lồi hay lõm hay hiện tượng hình ảnh bị uốn cong khi phản chiếu vào khối cầu bằng kim loại được xi mạ bóng loáng hay khối cầu bằng thủy tinh.

duong net 2
Tác phẩm sơn dầu của họa sỹ Jacqueline Lima với chủ đề "Bức tranh trên khối cầu"

Trên khối cầu bằng gỗ họa sỹ này diễn tả một họa sỹ đang vẽ một người mẫu. Vì là khối cầu cho nên những nét vẽ trên bề mặt khối bị uốn cong cho nên hiện tượng nét vẽ, hình vẽ bị cong mờ là một thực tế thị giác.

Các nhà thiết kế ánh sáng hay thiết kế nội thất hoặc thiết kế kiến trúc, thiết kế thời trang cần quan tâm dự kiến các tình huống này trong ứng dụng.

d. Loại đường nét được tạo nên do cạnh của khối:

Vấn đề này đã được đề cập đôi chút ở phần định nghĩa đường nét. Chúng ta thử quan sát hay liên tưởng đến các bậc thềm của các cung điện tạo thành những dãy nét từ các cạnh của bậc thang.

Trên thực tế, chúng ta hay gặp cùng một lúc hai dạng khối âm và khối dương (khối lồi, khối lõm).

Khối âm là khối lõm nằm bên trong khối lồi. Thí dụ bên trong môt khối đặc có thể tích là 5 mét khối chúng ta lại khoét một khối vuông rỗng nhỏ cỡ 1 mét khối nằm trong ruột của nó dùng để chứa vật gì đó. Lúc đó các cạnh cảu khối lõm này cũng là sự tiếp giáp của hai diện lõm chứ không phải là dạng "gờ nổi" như trong những khối dương. Vì vậy, loại đường nét được đề cập ở đây là hiệu quả của hai dạng khối lồi và khối lõm hoặc nó còn là cạnh (cạnh lồi hay lõm) của các dạng khối như: khối vuông, khối chữ nhật, tam giác, ngũ giác, đa giác.

Ngoài ra, loại nét này còn là dạng cạnh nổi, gờ nổi hay cạnh lõm của khối. Chúng ta cần lưu ý đến những đường nét vốn là những nếp gấp của vật thể ba chiều như nếp vải, nét khắc chạm nổi mà người ta nhận thấy do sự tác động của ánh sáng hoặc sờ thấy trong bóng tối bằng xúc giác.

Từ sự phân tích ở đây, đòi hỏi nhà thiết kế phải quan tâm đến những tình huống đặc biệt này trong quá trình thực hành. Bởi lẽ, trong việc trang trí, thiết kế bằng hình khối chỉ sơn có một màu, thì việc khai thác khía cạnh này là một vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt là trong nghệ thuật thời trang hay nghệ thuật thiết kế nội thất theo khuynh hướng tối giản.

Như vậy, ngoài sự bắt ánh sáng của các diện lồi, diện lõm thì vấn đề mức độ hiệu quả bắt sáng của những nét lõm, nét lồi cũng là vấn đề mà các nhà thiết kế, họa sỹ cần quan tâm.

Đặc biệt là như khả năng tìm cách liên kết nó với nhau khi thực hành sáng tác trong lĩnh vực thiết kế tạo dáng sản phẩm hoặc lĩnh vực điêu khắc hay nghệ thuật kiến trúc.

>>> Đường nét trong vẽ ký họa

>>> Đường nét và kỹ thuật bút máy

>>> Sử dụng đường nét trong vẽ truyện tranh (Phần 1)

0976984729