Điểm hay Chấm

1. Điểm hay Chấm là gì?

Điểm hay Chấm là yếu tố cơ bản, theo thứ tự thì nó đứng vị trí đầu tiên của các loại yếu tố thị giác. Theo toán học thì chấm, điểm chính là nền tảng tạo nên đường nét. Bởi vì đường nét là sự nối tiếp của hai hay nhiều điểm. Và đường nét còn là sự hiển thị do hiệu quả của sự di chuyển liên tục của các điểm. Điểm không có chiều dài, chiều rộng và sâu. Trước hết nó ở dạng tĩnh tại và vô hướng.

Điểm là sự xuất phát của tất cả hình thức. Trước tiên, điểm di chuyển tạo nên dấu vết, tạo nên một đường, một nét. Điểm di chuyển một hay nhiều hướng tạo nên mặt phẳng.

Thí dụ hình tượng Sao Băng là sự di động cực nhanh của ngôi sao, tạo thành một nét, vệt dài.

Cũng tương tự như vậy, “đạn đạo” (đường bay của viên đạn thoát ra từ nòng súng) cũng là sự di chuyển cực nhanh của “một chấm” (chính là đầu đạn). Chúng ta cũng liên tưởng đến “đường chỉ may” trên vải là do các lỗ (điểm) do mũi kim khít hay thưa tạo ra, được nối kết bằng sợi chỉ.

Một thí dụ khác, chúng ta hay nhìn avof vũ trụ, mỗi hành tinh chỉ còn là những chấm li ti và chúng được vận hành theo quỹ đạo riêng biệt nào đó.

Chúng ta có thể hình dung Điểm (Points) như là dạng thức của cái Mũi, Đinh hay Chóp (Vertice) được nhìn ở vị trí cao xuống. Khi ấy, mũi hay đinh nhọn nhất của vật thể nào đó nhỏ độ chỉ còn là một chấm rất nhỏ.

Vì thế, có người cho rằng “Điểm là những yếu tố nhận thức không có kích thước (Perceptional elements no dimension)”. Thí dụ mũi kim hay mũi giáo.

2. Điểm và chấm trong toán học và mỹ thuật:

Trong lĩnh vực mỹ thuật thì “điểm” “chấm” có vai trò nhất định. Mỗi góc độ đều có những mức độ nhìn nhận và có những khả năng biến hóa khác nhau tùy theo tài năng sử dụng, phối hợp riêng của từng nghệ sỹ.

Chúng ta hãy quan sát các họa tiết trên Trống Đồng Đông Sơn của Việt Nam mình. Trên đó nhiều họa tiết, hình vẽ được hình thành do các điểm, chấm hay có sự tham gia của nó và nhiều họa tiết rất đẹp, độc đáo.

Nghệ thuật kết các hạt cườm thành các sản phẩm, quần áo, hài, mũ, nữ trang cũng là sự kết nối, phối hợp các “hạt” tương đương với “chấm” điểm như trên.

Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến nghệ thuật xăm mình bằng những mũi kim. Các nghệ sỹ sử dụng những ngôn ngữ hình thức có dạng Điểm, Chấm trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng như trang trí, thiết kế và nghệ thuật thủ công.

Chúng ta lại quan sát kỹ thuật dệt thảm len. Những “gút” chỉ len được xem như là một điểm hay một chấm. Toàn bộ hình tượng được dệt là hiệu quả của sự liên kết những “gút” chỉ len tạo thành.

Bảng vẽ hình của kỹ thuật dệt thảm len là tờ giấy mà trên đó người ta kẻ (bằng máy) nhiều ô ca rô thật nhỏ. Khi hình vẽ trên giấy thông thường được họa sỹ trong xưởng thảm chuyển sang thành hình vẽ trên các ô ca rô của loại giấy chuyên dùng nói trên. Khi ấy hình vẽ được ca rô hóa (hình vẽ được thiết lập bởi những ô vuông).

Khi dệt thì thợ dệt quan sát, đếm thật kỹ xem một “hình” được quy ra thành bao nhiêu ô vuông (cả ngang và dọc…). Những ô vuông nhỏ ấy tương ứng với những “gút” chỉ len mà người công nhân phải đếm từng “gút” và tra chỉ vào để dệt trong quá trình dệt thảm.

Trong nghệ thuật thiết kế ánh sáng thì việc kết các bóng đèn màu nhỏ li ti thành những nét, hình, mảng trang trí cũng là một thí dụ của việc ứng dụng yếu tố thị giác “điểm” hay “chấm”.

Còn trong toán học thì điểm, chấm, đường nét, diện, mảng, hình, khối, không gian giữ vai trò có tính chất quy ước riêng biệt.

Quan sát các di sản nghệ thuật từ nghệ thuật nguyên thủy đến hiện đại, chúng ta thấy luôn luôn có sự hiện diện của nó và nó cũng có những biến đổi, biến hóa đặc biệt theo từng khu vực và thời đại.

Điểm chấm và Nghệ thuật xăm mình (Tatoo):

Nghệ thuật xăm mình là nghệ thuật vẽ hình trên da thịt con người bằng cách dùng mũi kim nhọn để đâm xuyên vào da thịt, mỗi mũi kim đâm vào da thịt tạo thành một chấm li ti… từ đó tạo thành những nét, mảng hay hình.

Sau đó, người thợ xăm bôi loại màu riêng để cho màu này chấm vào các chấm li ti do mũi kim xăm để làm đẹp thêm cho hình xăm. Ngày nay người ta có thể xăm bằng tay hay bằng máy.

3. Điểm chấm và Ảnh điểm (Pixel):

Trong lĩnh vực kỹ thuật số thì hình ảnh được hiển thị bằng sự liên kết các “điểm ảnh” hay “ảnh điểm” (Pixel). Chất lượng ảnh rõ hay mờ đều do lượng “điểm ảnh” được phân bố trong mỗi cm2. Chúng ta có thể liên tưởng ngay đến tiêu chuẩn hình ảnh hiển thị trên máy chụp ảnh kỹ thuật số và điện thoại di động.

Trong kỹ thuật vẽ game điện tử thì người vẽ cũng tính độ sắc nét của hình vẽ thông qua số lượng “điểm ảnh” trên mỗi cm. Do vậy, khi nói tới nghệ thuật đồ họa kỹ thuật số (Digital graphic) người ta còn có tên gọi là “Nghệ thuật điểm ảnh” (Pixel).

diem cham 1
Bức tranh “Người mẫu ngồi (Seated Model)” của họa sỹ Goerges Seurat

4. Điểm và chấm trong Trường phái Hậu Ấn tượng:

Trong lịch sử mỹ thuật thì tiếp theo sau Trường phái Ấn tượng (Impressionism) là sự ra đời của Trường phái Hậu Ấn tượng (Post Impressionism) với khuynh hướng sử dụng cọ để tạo, vẽ thành các chấm, điểm bằng màu, để liên kết, tạo thành các mảng, cách hình, không gian mờ ảo, dùng để diễn tả những đề tài từ phong cảnh cho đến con người trong tác phẩm của mình.

Do đó, nó còn được gọi là “Phái họa điểm miêu (Pointillism)” hay là “Điểm họa”. Trường phái này cũng kế thừa những phát kiến độc đáo tạo bước ngoặt trong lịch sử diễn tả hội họa: về mối quan hệ giữa ánh sáng và màu sắc, sự cộng hưởng của màu, ý thức khoa học về màu sắc, diễn tả được không khí biến đổi theo thời gian, thời tiết. Các họa sỹ rất nổi tiếng, tiêu biểu cho khuynh hướng này là Georges Seurat, Paul Signac, Camille Pissaro.

Ngày nay, có một số sinh viên mỹ thuật, thực hiện các tranh dán giấy kiểu mới. Họ đã dùng loại kìm bấm giấy màu thành những đốm tròn (như loại giấy comfetti dùng để tung trong các lễ hội) để ghép, dán thành những bức tranh chép các tác phẩm của các họa sỹ khác.

Thí dụ, bức tranh “Người mẫu ngồi (Seated Model)” của họa sỹ Goerges Seurat phái Hậu Ấn tượng.

5. Điểm và chấm trong kỹ thuật in Offset:

diem cham 2

Trong kỹ thuật in, chế bản của kỹ thuật in offset thì các hình, thể được chụp, lọc thành những điểm, những chấm màu mà giới chuyên môn trong ngành in gọi là những “tram” (trames). Những mặt phẳng, diện, hình, nét đều do các chấm liên kết với nhau theo mật độ dày mỏng, thưa khít, tạo ra những mảng, những chất liệu có sắc màu đậm, nhạt, phẳng lỳ, lồi lõm, tươi tái, nóng lạnh, sáng tối, rõ nhòe khác nhau cộng hưởng với nhau mà ra.

Khả năng biến đổi vô vàn của màu sắc được thể hiện theo nguyên lý rất đơn giản là do hiệu quả của sự đan xen theo mức độ, mật độ khác nhau của những chấm màu khác nhau.

6. Điểm và chấm trong việc sáng tạo chữ Braille cho người mù:

diem cham 3

Chúng ta hãy quan sát tất cả các mẫu tự nổi, được sáng tác dùng cho người mù (Braille alphabet) đã ứng dụng các chấm, điểm để ghép tạo thành. Đó là sự ứng dụng khái niệm xúc giác khi sờ vào những nét được tạo từ những dãy chấm lớn nhỏ được bố trí dọc hay ngang theo trật tự riêng (Tactile perception of dot-line).

Mỗi mẫu tự của chữ Braille được tạo nên bởi sáu chấm trong đó xen kẽ hai loại chấm lớn và nhỏ giống nhau nhưng vị trí của các loại chấm thì bố trí khác nhau. Loại chữ nay được phát triển và hoàn thiện bởi Josept Albert.

Trong nghệ thuật đồ họa (Graphic Arts) thì Điểm, Chấm được coi là những phương tiện cơ bản nhất và nó được giảng dạy, thực hành thông qua hệ thống bài tập thật nghiêm túc. Các họa viên có thể dùng bút sắt, cọ, mũi nhọn hay vật dụng nào đó để chấm, vẽ, nhấn điểm hoặc khắc, đục thành những chấm, điểm có mức độ nặng nhẹ, thưa khít, dày mỏng, lung linh, mờ ảo, sự tinh tế ảo diệu của hình dáng, không gian.

Từ cách này, cùng với chỉ một màu Đen duy nhất, họa sỹ có thể tạo thành những mảng, hình, khối, không gian, không khí nhằm chuyển tải nội dung cụ thể nào đó một cách có hiệu quả.

Đó là cách diễn tả cảm xúc theo dạng các Điểm, Chấm. Từ ý thức này, để hình thành khả năng tốt của một người thiết kế đồ họa, các dạng bài học được biên soạn, phân bố về sự rèn luyện các cách tổ chức, quy hoạch, sắp xếp, sử dụng các Điểm, Chấm (với nhiều dạng thức) đã góp phần hình thành những kiến thức, khả năng cơ bản của những nhà thiết kế.

Tóm lại, Điểm và Chấm được coi là yếu tố cơ bản hàng đầu của yếu tố thị giác.

Minh họa về việc sử dụng điểm, chấm trong nghệ thuật đồ họa và đời sống

diem cham 4
Nghệ thuật Abriginal của thổ dân Úc. Họ vẽ Điểm, chấm trong trang phục bằng những chấm màu

diem cham 5
Thân cây được nữ họa sỹ Nhật bản Yayoi Kusama trang trí bằng những điểm, chấm nhân dịp
Lễ Thăng Thiên ở Ba Lan (Ascension of Polka Dots on Trees – Yayoi Kusama artist)

diem cham 6
Nữ danh họa Nhật Bản Yayoi Kusama sinh ngày 22 tháng 3 năm 1929 tại Matsumoto, Nagano

diem cham 7
Tác phẩm của nữ họa sỹ Nhật Bản Yayoi Kusama, (Photography by Kim Hansen)

>>> Các điểm nhìn khác nhau trong vẽ ký họa

>>> Điểm và Chấm trong thiết kế

>>> Pixel Art - Mỹ thuật Điểm ảnh

0976984729